Trang

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

28-01-2015 : THỨ TƯ TUẦN III THƯỜNG NIÊN - THÁNH TÔ-MA A-QUI-NÔ, LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (Lễ Nhớ)

28/01/2015
Thứ Tư sau Chúa Nhật 3 Quanh Năm
Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.


* Sinh năm 1225 trong một gia đình quý tộc ở Aquinô, rồi theo học tại đan viện Montê Cátxinô, tiếp đến tại đại học Napôli, cuối cùng Tôma nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo và hoàn tất việc học tại Pari và Côlônhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là Anbêtô Cả. Thánh Tôma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng dòng thánh Đaminh là chiêm niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết rất nhiều. Nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại đan viện Xitô ở Phốtxanôva. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng đưa về Tuludơ năm 1369.

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 10, 11-18
"Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời"
Bài trích thơ gởi tín hữu Do thái.
Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng những ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xóa được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người.
Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời.
Vả chính Thánh Thần cũng đã minh chứng cho chúng ta như thế.
Vì sau khi Chúa đã phán: "Nầy là giao ước Ta sẽ ký kết với chúng sau những ngày ấy", thì Người còn thêm: "Ta sẽ đặt lề luật Ta trong lòng chúng, và khắc nó vào tâm trí chúng; ta sẽ không còn nhớ đến những tội lỗi và sự gian ác của chúng nữa".
Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 88, 4-5, 27-28, 29-30
Ðáp: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái. (29)
Xướng 1) Ta sẽ ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa. Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ".
2) Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của tôi". và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.
3) Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. Ta sẽ gìn giữ miêu duệ người muôn đời, và ngai báu người như những ngày của cõi cao xanh.

Alleluia: 1Sam 3,9
Alleluia, Alleluia. - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4,1-20
"Người gieo hạt đi gieo hạt giống"
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển.
Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng:
"Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt giống.
Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết.
Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất.
Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu.
Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô.
Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được.
Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm".
Và Người phán rằng: "Ai có tai nghe thì hãy nghe".
Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông:
"Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội".
Người nói với các ông:
"Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác?
Người gieo hạt là gieo lời Chúa.
Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ.
Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền.
Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai.
Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được.
Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm".
Ðó là Lời Chúa.


Suy Niệm: Hạt giống Lời Chúa
Phan Linh là một nhân vật nổi tiếng trong nhiều lãnh vực khoa học kỹ thuật và văn chương. Một hôm ông nhận được một món quà của một người bạn từ Ấn Ðộ, đó là một cái chổi rơm. Nhận thấy có những hạt lúa dính ở cọng rơm, ông nhặt lấy và đem đi gieo, sau đó ông cũng phân phát cho bà con cùng gieo, thu hoạch rất khả quan và dần dần lan ra cả nước. Ông là người đầu tiên nhập giống lúa mới và khai sinh kỹ nghệ làm chổi phục vụ cho cả nước.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để giảng về Nước Trời. Việc gieo giống có lẽ rất quen thuộc với người Việt Nam, vì có đến 4/5 dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Người gieo giống nào cũng muốn gieo hạt trên đất đã cày bừa cẩn thận; Thiên Chúa cũng muốn tâm hồn con người được trở nên như thửa đất để hạt giống Lời Ngài có thể mọc lên, phát triển và sinh nhiều hoa trái, làm ích cho mình và cho người khác nữa.
Nhìn lại cuộc đời của mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng từ trước tới nay chúng ta chưa đón nhận và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì chúng ta vẫn để cho tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa vị và của cải làm chết ngạt Lời Chúa. Ðấy là chưa kể những biến cố xảy đến trong cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận hạt giống Lời Chúa. Xin làm cho những hạt giống ấy được bám rễ, mọc lên tươi tốt và trổ sinh được nhiều bông hạt, để mỗi ngày chúng ta được lớn lên trong tình yêu Chúa và góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa ngày một lớn mạnh hơn.
Veritas Asia

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thánh Thomas Aquinas Tiến Sĩ
Bài đọc: Wis 7:7-10; 15-16; Jn 17:11b-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quí trọng của Đức Khôn Ngoan
Nếu một người muốn biết thánh sư Thomas Aquinas khôn ngoan dường nào, người đó cứ đọc bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae) là sẽ biết ngay. Để thưởng công cho thánh nhân, một ngày kia Đức Kitô hiện ra với ngài và nói: “Thomas! Con viết rất hay về cha. Con cứ việc xin bất cứ sự gì Cha sẽ ban cho con.” Không một chút do dự, thánh nhân nói với Đức Kitô: “Không điều gì khác ngoại trừ chính Cha.”
Để có thể viết về Chúa hay đến thế, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh tất cả cho việc tìm kiếm khôn ngoan. Ngài thuộc dòng họ quí tộc, Landulph, cha của ngài là Quận Công (Count) của Aquino; mẹ của ngài là Theodora, Quận Chúa (Countess) của Teano. Gia đình của ngài có họ hàng với hoàng-đế Henry VI và Frederick II. Khi quyết định trở thành một tu sĩ Đa-minh, ngài đã gặp nhiều chống cự gay gắt từ phía gia đình đến nỗi cha và các anh chặn đường bắt giam ngài vào trong cây tháp San Giovanni ở Rocca Secca. Họ còn cho cả gái làng chơi vào để quyến dũ ngài bỏ ý định trở thành một tu sĩ nghèo hèn. Sau cùng, Thomas Aquinas đã vượt qua tất cả để tận hiến cuộc đời cho việc cầu nguyện và tìm kiếm sự khôn ngoan.
Hai bài đọc trong ngày lễ kính ngài hôm nay muốn nêu bật sự quan trọng và ích lợi của khôn ngoan. Trong bài đọc I, trình thuật hôm nay là hậu quả của cuộc đàm thoại giữa Thiên Chúa và vua Solomon. Vua Solomon đã xin cho được khôn ngoan và Thiên Chúa đã ban cho Nhà Vua khôn ngoan đến nỗi trước và sau Vua, không ai được khôn ngoan đến thế. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trước khi chịu chết và về trời đã không xin Chúa Cha điều gì khác hơn là xin thánh hiến các môn đệ của Ngài trong Sự Thật. Ngài cầu nguyện để xin Cha ban cho các môn đệ hiểu biết và sống theo Lời của Thiên Chúa, để có thể hoàn thành nhiệm vụ Ngài trao và đạt đến quê Trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
1.1/ Hiểu biết khôn ngoan đáng quí trọng hơn mọi sự: Theo truyền thống Do-thái, vua Solomon là "tác giả" của các Sách Khôn Ngoan; vì vua Solomon được coi là người khôn ngoan nhất trong lịch sử của nhân loại. Truyền thống kể lại truyện khi Thiên Chúa hỏi nhà vua muốn xin bất cứ gì, thì Thiên Chúa cũng ban cho. Vua Solomon không xin cho có uy quyền, cũng chẳng xin cho được giầu có, sức khỏe, sống lâu, hay bất cứ điều gì khác; nhưng chỉ xin cho được khôn ngoan để biết sống và cai trị dân. Thiên Chúa rất hài lòng với điều nhà vua xin; nên Ngài hứa sẽ ban cho vua Solomon được khôn ngoan đến độ không có ai trước và sau vua được khôn ngoan như thế.
+ Khôn ngoan quí trọng hơn vương quyền: Nắm giữ vương trượng, ngai vàng, mà không biết cách cai trị dân chúng; sớm muộn gì rồi vương quyền cũng vào tay người khác. Nếu có Đức Khôn Ngoan, vua sẽ biết lòng dân mong ước gì, và cai trị họ theo những điều họ mong ước, thì vương quyền sẽ tồn tại lâu dài, và vua không phải chịu trách nhiệm trước tòa phán xét.
+ Khôn ngoan quí trọng hơn của cải: Vua Solomon thú nhận: ''Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.'' Có giàu có đến đâu chăng nữa, mà không biết cách sống sao để được bình an và hạnh phúc, có lợi gì cho người sở hữu nó đâu. Thực tế chứng minh: nhiều người giàu có, nhưng vẫn không muốn sống, và có người còn tìm cách kết liễu đời mình nữa.
+ Khôn ngoan quí trọng hơn sức khỏe và sắc đẹp: Đây phải là bài học khôn ngoan cho nhiều người trong xã hội chúng ta, quá chú trọng đến việc tập luyện và nhịn ăn uống để có một thân thể cân đối đẹp đẽ và khỏe mạnh. Dĩ nhiên chúng ta không đả kích những điều đó không quan trọng; nhưng không đủ để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Có đẹp đẽ khỏe mạnh đến đâu chăng nữa, rồi cũng úa tàn theo thời gian. Vua Solomon cho biết lý do ông quí trọng Đức Khôn Ngoan hơn: ''Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.''
Nói tóm, vua Solomon đã suy nghĩ rất nhiều khi xin cho được Đức Khôn Ngoan, vì khi có Đức Khôn Ngoan là có tất cả: ''Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.''
1.2/ Làm sao để có Đức Khôn Ngoan? Khác với khôn ngoan của thế gian, ai muốn có phải cố gắng luyện tập; Đức Khôn Ngoan mà vua Solomon có được là do Thiên Chúa ban: "Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.''
2/ Phúc Âm: Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.
2.1/ Chúa Giêsu biết sự nguy hiểm cho các môn đệ khi sống trong thế gian: Chúa Giêsu biết đã đến giờ Ngài phải bỏ thế gian, nên Ngài tâm sự với Chúa Cha: "Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha." Giờ Chúa Giêsu phải rời bỏ các môn đệ, cũng là giờ mà các ông phải đương đầu với quyền lực của thế gian một mình. Ngài biết hậu quả sẽ nghiêm trọng chừng nào, như Ngài đã từng nói với các môn đệ: "Họ sẽ tiêu diệt chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác." Nhìn lại kết quả việc chăn chiên của mình, Chúa Giêsu hãnh diện nói với Chúa Cha: "Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh."
Thế gian sẽ ghét bỏ và truy tố các môn đệ như họ sắp ghét bỏ và truy tố Chúa Giêsu. Lý do là vì cả Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Ngài muốn cho các ông biết rõ điều này; để các ông không ngạc nhiên khi điều đó xảy đến.
2.2/ Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ: Biết những nguy hiểm sẽ xảy đến cho các môn đệ như thế, Ngài cầu xin Chúa Cha ban cho các ông những điều quan trọng sau:
(1) Xin Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khỏi ác thần: "Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian." Chúa Giêsu không xin "cất các môn đệ khỏi thế gian;" nhưng Ngài xin "gìn giữ họ khỏi ác thần." Các ông phải ở lại thế gian để tiếp tục sứ vụ rao giảng của Ngài.
(2) Xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật: Giống như Phaolô, Chúa Giêsu biết nguy hiểm của sự sai lạc: "Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật." Sự thật đây là Lời Kinh Thánh và những lời tâm huyết Chúa Giêsu vừa dạy dỗ họ. Ngài biết mọi hành động sai bắt đầu từ sự hiểu biết sai; vì thế, hiểu biết sự thật là điều không thể thiếu cho các môn đệ của Chúa.
Cả hai điều cầu xin này đều được Chúa Cha ban cho các môn đệ qua việc ban Thánh Thần. Ngài là thần sự thật, Ngài sẽ giúp các ông nhận ra sự thật và sẽ hướng dẫn các ông tới tất cả sự thật. Ngài cũng là người bảo vệ và giúp các ông có sức mạnh làm chứng nhân cho Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu đã xin với Chúa Cha để Ngài gởi tới cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Ngài là Thần Sự Thật, Ngài sẽ giúp chúng ta hiểu sự thật và dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn.
- Chúng ta phải biết quí trọng sự thật và cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta thấu hiểu những lời dạy dỗ của Thiên Chúa, và có can đảm sống theo những gì Thiên Chúa dạy.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

28/01/15 THỨ TƯ TUẦN 03 TN
Th. Tô-ma A-qui-nô, linh, tiến sĩ HT 
Mc 4,1-20

Suy niệm: Không có nhiều dụ ngôn vừa được Chúa kể, vừa được Ngài giải thích như dụ ngôn người gieo giống này. Câu chuyện cùng với lời giải thích giúp ta hiểu rõ sứ điệp kép của Chúa Giê-su: một mặt Thiên Chúa quảng đại gieo Lời của Ngài trên mọi mảnh đất tâm hồn, mặt khác Lời của Ngài sinh hoa kết quả tuỳ theo thái độ sẵn sàng đón nhận của người nghe. Câu nói “Ai có tai nghe thì nghe” cho thấy không phải mọi hạt giống Lời Chúa đều được đón nhận và sinh kết quả. Cũng không có ý nói ai muốn hiểu sao thì hiểu. “Ai có tai nghe thì nghe”: Chúa Giê-su cho thấy người ta hoàn toàn tự do trong sự lựa chọn thái độ đón nhận Lời Chúa cho mình. Lời Chúa vẫn được gieo bằng nhiều cách và luôn mời gọi đón nhận… phần còn lại là thái độ đón nhận của mỗi người chúng ta, để cho tâm hồn mình là mảnh đất màu mỡ hay mảnh đất khô cằn.
Mời Bạn: Thánh Âu-tinh nói: “Thiên Chúa sinh ra bạn không cần bạn, nhưng Ngài không thể cứu rỗi bạn nếu bạn không muốn cộng tác với Ngài.” Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn sẵn sàng lắng nghe và để Lời Chúa biến đổi tâm hồn mình trở nên mảnh đất tốt.
Chia sẻ: Tôi làm gì để Lời Chúa thấm nhuần và biến đổi tâm hồn tôi?
Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn xứng hợp trước khi nghe Lời Chúa: giữ thinh lặng – hồi tâm – hướng về Chúa và thưa: “Lạy Chúa xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con ơn Thánh Thần, để tâm hồn chúng con được biến đổi khi nghe Lời Chúa và để chúng con đem Lời ra thực hành trong cuộc sống thường ngày.

Hạt giống
Thiên Chúa vẫn cứ kiên nhẫn và miệt mài gieo giống cho đến tận thế. Ngài vẫn mời ta ra khỏi sự hời hợt, cứng cỏi, chai đá của lòng mình. 


Suy nim:
Chỉ cần một hạt giống lời Chúa rơi vào tâm hồn bạn,
như rơi vào thửa đất màu mỡ,
đời bạn có thể thay đổi hoàn toàn.
Têrêsa Hài Đồng đã để lòng mình đón lấy lời này:
“Ai không nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời.”
Chị đã nên thánh nhờ suốt đời sống phó thác như trẻ thơ.
Têrêsa Calcutta đã để lòng mình đón lấy lời này:
“Những gì ngươi làm cho một anh em nhỏ nhất, là làm cho chính Ta.”
Mẹ Têrêsa đã không bao giờ quên mình đang tiếp xúc với Giêsu
mỗi khi Mẹ gặp người nghèo khổ, bệnh tật.
Là Kitô hữu, chúng ta thường xuyên được nghe Lời Chúa,
nhưng một tiếp xúc thực sự với hạt giống Lời Chúa vẫn ít xảy ra.
Điều này đã là vấn đề của các Kitô hữu sơ khai rồi.
Tất cả bốn hạng người trong dụ ngôn Người gieo giống đều nghe.
Tuy nhiên kết quả lại rất khác nhau,
vì vấn đề không phải là nghe bằng tai, nhưng là nghe bằng cả tâm hồn.
Vẫn có thứ tâm hồn hời hợt như đất cứng ở vệ đường.
Hạt giống chưa bao giờ thâm nhập được vào đất,
mới chỉ nằm trơ vơ trên bề mặt.
Hạt giống này nhanh chóng làm mồi cho chim chóc, cho Xatan.
Vẫn có thứ tâm hồn chai đá, như mảnh đất chỉ có lớp đất mỏng bên trên.
Hạt giống mọc ngay, nhưng sau đó bị khựng lại,
không đâm rễ được vì đất nhiều sỏi đá.
Khi nắng lên, cây bị héo khô vì không có rễ hút nước.
Để cho Lời Chúa đâm rễ sâu trong đời mình và nuôi dưỡng mình,
đó là nỗ lực suốt đời của người Kitô hữu.
Vui vẻ đón nhận Lời ngay lập tức mà không chịu đào sâu, đâm rễ,
thì cũng sẽ bỏ cuộc ngay lập tức khi cơn bách hại đến từ bên ngoài.
Vẫn có thứ tâm hồn nặng nề, vì những lo lắng sự đời, đam mê giàu có.
Chính những lệch lạc từ bên trong như bụi gai đã bóp nghẹt hạt giống.
Lời Chúa đòi ta vượt lên trên những thèm muốn, khoái lạc và âu lo.
Để Lời Chúa sinh trái phải làm cỏ, dọn bụi gai cho sạch.
Nhưng vẫn có những tâm hồn mềm mại như mảnh đất tốt.
Hạt giống Lời Chúa thoải mái đâm rễ sâu, và sinh hoa trái gấp trăm.
Dù gặp bách hại vì Lời, dù bị danh lợi thế gian lôi kéo,
họ vẫn không đánh mất căn tính Kitô hữu của mình.
Tâm hồn chúng ta thuộc loại đất nào?
Đó là câu hỏi cho từng Kitô hữu xưa cũng như nay.
Thiên Chúa vẫn cứ kiên nhẫn và miệt mài gieo giống cho đến tận thế.
Ngài vẫn mời ta ra khỏi sự hời hợt, cứng cỏi, chai đá của lòng mình.
Nếu ta dám để cho Lời Chúa thực sự đi vào đời ta, dù chỉ một lần,
ta sẽ thấy được sức biến đổi kỳ diệu của Lời Chúa.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG GIÊNG
Làm Việc Là Một Quyền Căn Bản
Tầm mức toàn cầu của vấn đề lao động đang thúc bách chúng ta phải khẩn trương làm một cái gì đó. Không thể chần chừ thêm nữa. Đó là một trong những quan điểm của Thông Điệp Laborem exercens, cũng đồng nhịp với nhu cầu cần phải có những sự cộng tác quốc tế thông qua những hiệp ước và những bản thỏa thuận. “Căn bản của những hiệp ước này phải nhắm đến việc liệu sao cho có thêm việc làm cho người ta. Quyền làm việc là quyền căn bản của mọi người, và những người cùng làm việc như nhau phải được hưởng thù lao tương ứng với nhau. Phải liệu sao cho mức sống của người lao động trong mọi xã hội có thể bớt bộc lộ những sự chênh lệch khủng khiếp về mức lương bổng – là điều vốn bất công và thậm chí có thể châm ngòi cho những phản ứng bạo động” (Số 18). Vì thế, ở đây các nhà lãnh đạo quốc gia phải đứng trước một công cuộc có qui mô rất lớn.
Bản thân người lao động cũng có thể đóng góp vào công cuộc lớn lao này, bằng cách hiện diện trong những tổ chức quốc tế nơi mà họ có một tiếng nói đầy sức tác động, chẳng hạn Tổ Chức Lao Động Quốc Tế.
Trong phạm vi quốc gia mình, người lao động được kỳ vọng tác động vào công luận. Tại những nước dân chủ, điều đó có thể góp phần tạo ra những chính sách đặt nền tảng không phải trên sự phân biệt đối xử nhưng là trên cơ sở rằng người ta có quyền được nuôi sống chính mình và gia đình mình một cách thích đáng. Chúng ta phải nắm vững nhãn quan này về thiện ích của toàn thể gia đình nhân loại, một nhãn quan đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những sự chênh lệch quá lớn giữa các quốc gia – về vấn đề việc làm và về tiềm lực kinh tế.
(daminhvn.net)



28 Tháng Giêng
Nhân Vô Thập Toàn
Theo một cổ truyện của người Hồi Giáo, thì Nasruddin là hiện thân của những người độc thân khó tính. Trong một buổi trà dư tửu hậu, khi được hỏi về lý do tại sao ông không bao giờ lập gia đình, Nasruddin đã giải thích như sau: "Suốt cả tuổi thanh niên, tôi đã dành trọn thời giờ để tìm kiếm người đàn bà hoàn hảo. Tại Cairo, thủ đo của Ai Cập, tôi đã gặp một người đàn bà vừa đẹp vừa thông minh, với đôi mắt đen ngời như hạt oliu. Ðẹp và thông minh, nhưng người đàn bà này không có vẻ dịu hiền chút nào. Tôi đành bỏ Cairo để đi Baghdad, thủ đô Iraq, để may tìm ra người đàn bà lý tưởng tôi hằng mơ ước. Tại đây, tôi đã tìm thấy một người đàn bà hoang hảo như tôi mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa thông minh và cũng có tấm lòng quảng đại nữa. Nhưng chỉ có điều là hao chúng ta không bao giờ có đồng quan điểm với nhau về bât cứ điều gì.
Hết người đàn bà này đến người đàn bà khác: người được điều này, người thiếu điều kia. Tôi tưởng mình sẽ không bao giờ tìm được người đàn bà lý tưởng cho cuộc đời. Thế rồi, một hôm tôi gặp được nàng, người đàn bà cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của tôi. Nàng kết hợp tất cả những đức tính mà tôi hằng mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa thông minh, vừa quảng đại tử tế. Nàng đúng là người đàn bà hoàn hảo.
Nhưng cuối cùng, tôi đành phải quyết ở độc thân suốt đời. Các bạn có biết tại sao không? Nàng cũng đang đi tìm một người đàn ông hoàn hảo. Và tôi đã được nàng chấm như một người đàn ông còn quá nhiều thiếu sót.
Người đàn ông suốt đời độc thân trong câu chuyện trên đây đã quên một trong những quy luật cơ bản nhất của cuộc sống: đó là luật thích nghi. Thay vì bắt người khác và cuộc sống phải thích nghi với chúng ta, chính chúng ta phải là người thích nghi với người khác và cuộc sống. người đàn ông trong câu chuyện đã tìm được người đàn bà lý tưởng, nhưng chỉ tiếc rằng ông chưa biết trở thành một người đàn ông lý tưởng để có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà ấy.
Tâm lý thông thường của con người là thích đòi hỏi người khác hơn là đòi hỏi chính mình. Chúng ta đòi hỏi người khác phải thế này thế nọ với chúng ta, nhưng chúng ta quên rằng chúng ta chưa làm những gì người khác cũng trông chờ nơi chúng ta.
Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc để xử sự trong cuộc sống: "Những gì ngươi không muốn người khác làm cho ngươi, thì ngươi cũng đừng làm điều đó cho người khác". Nếu chúng ta không muốn ai đối xử bất công với chúng ta, chúng ta hãy sống công bình. Nếu chúng ta không muốn ai cư xử hẹp hòi ích kỷ với chúng ta, chúng ta hãy sống quảng đại, độ lượng. Nếu chúng ta không muốn người khác cau có với chúng ta, chúng ta hãy luôn mang bộ mặt của tươi vui, phấn khởi đến với người.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét