03/01/2018
Thứ Tư trước lễ Hiển Linh
Bài Ðọc I: 1 Ga 2,29-34
"Bất cứ ai ở
trong Người đều không phạm tội".
Bài trích thơ thứ nhất
của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, nếu
các con biết Người là Ðấng công chính, thì các con hãy biết rằng bất cứ ai thực
hành sự công chính, đều bởi Người mà sinh ra.
Các con hãy coi: tình
yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên
Chúa và sự thật là thế.
Vì đó mà thế gian
không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người.
Các con thân mến, hiện
nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ
ra.
Chúng ta biết rằng:
khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ
thấy như vậy.
Và bất cứ ai đặt hy vọng
nơi Người, thì tự thánh hóa mình cũng như Người là Ðấng Thánh.
Hễ ai phạm tội, thì
cũng làm điều gian ác, vì tội là sự gian ác.
Các con biết rằng: Người
đã xuất hiện để hủy diệt tội lỗi chúng ta.
Bất cứ ai ở trong Người,
thì không phạm tội, và bất cứ ai phạm tội, thì không thấy cũng không nhận biết
Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv.
97,1.3cd-4,5-6
Ðáp: Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. (3c)
Xướng 1) Hãy ca tụng
Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng. Tay mặt Người đã
đem lại toàn thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Mọi dân trên khắp
cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể
địa cầu, hãy hân hoan mừng Chúa, hãy vui mừng, hoan lạc và đàn ca. - Ðáp.
3) Hãy ca mừng Chúa với
đàn cầm thụ, với đàn cầm thụ, với nhạc cụ rân ran; Hãy thổi sáo và túc tù và,
hân hoan trước thánh nhan Chúa là Vua. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, Alleluia -
Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta, hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì
hôm nay ánh sáng chan hòa đã tỏa xuống trên địa cầu. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1,29-34
"Ðây Chiên
Thiên Chúa"
Bài trích Phúc Âm theo
Thánh Gioan.
Ngày hôm sau, Gioan thấy
Chúa Giêsu đến với mình thì nói: Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần
gian.
Ðây chính là Ðấng mà
tôi đã nói rằng: Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có
trước tôi.
Phần tôi, trước tôi
không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước, để Người được tỏ
mình ra trong Israel.
Và Gioan đã làm chứng
rằng: Tôi đã thấy Thánh Thần như con chim bồ câu từ trời xuống ngự trên Người.
Và trước tôi không biết
Người, nhưng Ðấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: Ngươi thấy Thánh
Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần.
Tôi đã thấy và làm chứng
rằng: Người là Con Thiên Chúa.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Ðây Chiên
Thiên Chúa
Vào một buổi tối năm
1741, người ta thấy người nhạc sĩ giả Hallmen lang thang trong một phố nghèo
lênh đênh bên Anh Quốc. Người nhạc sĩ già như đang nuốt từng nỗi đắng cay mà
triều đình đã dành cho ông. Từ hơn 40 năm qua, ông đã đem tất cả tài năng và sự
hăng say của mình để phục vụ triều đình. Thế nhưng, giờ đây ông cảm thấy mình
giống như một trái chanh đã vắt hết nước.
Bốn năm trước đó, ông
đã bị chứng xuất huyết não làm cho ông bị bại hẳn một bên, khiến ông không còn
đi đứng bình thường và sáng tác được. Nhưng dần dần nhờ ý chí sắt đá, ông đã
thu hồi được khả năng đi lại và bắt đầu sáng tác lại. Nhưng giờ đây với cái tuổi
60 và với khí trời lạnh như cắt của nước Anh, ông cảm thấy mệt mỏi và chán nản.
Tình cờ, khi đi qua một ngôi Thánh Ðường, ông bỗng nghe vọng lên trong tâm hồn
ông chính tiếng kêu của Chúa Giêsu: Lạy Chúa con, lạy Chúa trời con. Sao Chúa bỏ
con".
Như có một sự thôi
thúc lạ lùng, người nhạc sĩ quay về nhà, trong đám giấy vứt ngổn ngang trên bàn
làm việc, ông đọc được câu Kinh Thánh như sau: "Người đã bị khinh bỉ và bị
mọi người phế bỏ". Nguồn cảm hứng tưởng đã cạn nay lại trải cuộn trên từng
trang giấy, hết trang này đến trang khác, những nốt nhạc cứ thế mà tuôn trào.
Sau hai mươi bốn ngày làm việc liên lỉ, nhạc sĩ Hallmen đã hoàn thành tác phẩm
để đời tựa đề là: "Ðấng Cứu Thế". Từ đó, cứ mỗi dạo Giáng Sinh và Phục
Sinh người ta lại có dịp nghe được tác phẩm tuyệt trác để đời.
Anh chị em thân mến!
Người ta thường ví sự
chào đời của một tác phẩm với sự cưu mang, cũng như một người mẹ mang nặng đẻ
đau thì nhà nhạc sĩ cũng cưu mang ý tưởng để rồi với không biết bao nhiêu nhọc
công và cố gắng, tác phẩm mới được chào đời. Hơn bất cứ ai trong trường hợp
nào, tiếng khóc Ðấng Cứu Thế đã được nhạc sĩ Hallmen cưu mang để rồi sinh ra với
muôn nghìn đớn đau của ông. Hơn ai hết, chính khi cảm nghiệm được thế nào là sự
bỏ rơi để có thể diễn tả được tâm tình ấy, đúng hơn ông đã để cho chính sự bỏ
rơi của Chúa Giêsu được nhập thể trong tâm hồn ông, nên một với nỗi lòng của
ông.
Tin Mừng hôm nay có lẽ
cũng mời gọi chúng ta hãy cưu mang những tâm tình ấy. Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới
thiệu với chúng ta hai tước hiệu tóm gọn với tước hiệu Nhập Thể: "Chúa
Giêsu vừa là Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian vừa là Con Thiên Chúa".
Chúa Giêsu, Người là Ðấng Cứu Thế bởi vì Ngài vừa là Con Người, vừa là Thiên
Chúa. Ðó là mầu nhiệm trọng đại mà chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm trong suốt
Mùa Giáng Sinh này. Thiên Chúa đã trở thành một con người, Thiên Chúa đã sống
trọn vẹn kiếp sống của con người, Thiên Chúa đã từng cảm nghiệm được những niềm
vui nỗi khổ của con người và cuối cùng Ngài đã chết như một con người.
Ðó là tất cả những gì
chúng ta có thể nói khi suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm Nhập Thể một
cách nào đó cũng được hiểu qua cuộc sống của người tín hữu. Thánh Phaolô đã diễn
tả tuyệt hảo chân lý đó khi Ngài nói: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống
mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Ðể cho Chúa Giêsu sống
trong chúng ta, có nghĩa là kết hiệp với Ngài qua các Bí Tích, nhất là Bí Tích
Thánh Thể. Ðể cho Ngài sống trong chúng ta có nghĩa là trong từng tâm hồn, từ
những suy nghĩ và hành động, chúng ta luôn mặc lấy chính tâm tình của Ngài. Một
cách cụ thể trong mỗi một phút giây, người tín hữu nên một với Ðức Kitô đến độ
luôn tự hỏi: Nếu Ðức Kitô là tôi thì trong giây phút này đây Ngài sẽ làm gì,
suy nghĩ gì và hành động như thế nào?
Nguyện cho Ðấng đã
sinh ra cách đây 2,000 năm cũng sinh lại trong tâm hồn chúng ta để chúng ta
cùng được lớn lên với Ngài và đạt được tầm mức viên mãn của Ngài. Amen.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Ngày 3 tháng 1 GS
Bài đọc: I Jn 2:29
- 3:6; Jn 1:29-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta nhiệt thành làm chứng
cho Ngài.
Dựa vào câu tục ngữ: “Con cái nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh,” người
ta có thể biết bố mẹ của một người tốt hay xấu. Người con có thể làm vinh danh
cha bằng những việc tốt lành hay làm ố danh cha bằng những việc tội lỗi.
Các Bài đọc hôm nay tập trung vào bổn phận phải làm vinh danh Thiên Chúa của
các Kitô hữu. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan nhắc lại cho các tín hữu họ đã trở
thành con Thiên Chúa, và bổn phận của họ phải trở nên giống Thiên Chúa bằng đời
sống thánh thiện và tinh tuyền, và bằng cách tránh xa tội lỗi. Trong Phúc Âm,
Gioan Tẩy Giả làm gương cho chúng ta về bổn phận làm chứng cho Thiên Chúa bằng
lời nói cũng như trong cách sống theo sự thật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:
1.1/ Người Kitô-hữu trở
thành con Thiên Chúa bằng niềm tin vào Đức Kitô:
Thánh Gioan đã nói rõ ràng trong Tin Mừng của ngài, chương 1: “Tất cả những ai
tin vào Đức Kitô, Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Jn 1:13). Ở đây,
ngài nhắc lại điều này: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người
yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là
con Thiên Chúa.” Cũng trong chương đầu tiên đó, Chúa Giêsu đã đến nhà các gia
nhân Người, nhưng các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người (Jn 1:11), Vì thế,
mặc dù sự thật “chúng ta là con Thiên Chúa,” nhưng thế gian không nhận biết
chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.
Nhìn thấy Thiên Chúa như Thiên Chúa là, hay “diện đối diện,” là niềm mong mỏi của
các Kitô hữu; nhưng để đạt được ước mong này, người Kitô hữu phải sống thanh sạch,
vì chỉ có những ai thanh sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5:8). Con người
tội lỗi chỉ có thể trở nên thanh sạch nhờ Đức Kitô, Ngài tẩy trừ con người khỏi
tội và ban ơn thánh hóa để con người có thể trở nên công chính và được nhìn thấy
Thiên Chúa.
1.2/ Làm vinh danh Chúa bằng
cách tránh xa tội lỗi: Thánh Gioan cũng suy
luận giống như Thánh Phaolô về sự liên hệ giữa Lề Luật với tội lỗi, và vai trò
của Đức Kitô trong việc xóa bỏ tội lỗi và làm cho con người trở nên công chính
trước mặt Thiên Chúa. Ngài nói: “Phàm ai phạm tội thì cũng chống lại luật Thiên
Chúa, vì tội lỗi chống lại luật Thiên Chúa. Thế mà anh em biết: Đức Giêsu đã xuất
hiện để xoá bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi. Phàm ai ở lại trong Người
thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết
Người.”
2/ Phúc Âm: Hai lời chứng của Gioan Tẩy Giả về Đức Kitô:
2.1/ Lời chứng thứ nhất của
Gioan: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng
xoá bỏ tội trần gian”: Chỉ trong một câu làm chứng ngắn ngủi, Gioan đã mặc khải
cho con người biết sứ vụ chính yếu của Chúa Giêsu khi đến trần gian: Ngài phải
hy sinh chịu sát tế để đền tội cho con người. Ba hình ảnh “Con Chiên” của Cựu Ước
là nền tảng của “Chiên Thiên Chúa” mà Gioan nói tới hôm nay:
(1) Con Chiên Vượt Qua: Trước biến cố Xuất Hành của Do-Thái ra khỏi Ai-Cập, mỗi
gia đình phải sửa sọan giết một con chiên, và lấy máu của nó bôi trên cửa ra
vào. Đêm đó, các thiên thần được lệnh đi tàn sát tất cả các con đầu lòng của
người Ai-Cập. Gia đình nào có máu bôi trên cửa, các thiên thần sẽ đi ngang qua
và không tàn sát con trẻ đầu lòng trong đó (Exo 12:11-13). Biến cố Vượt Qua này
luôn được coi là hình ảnh báo trước Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, Chiên Thiên
Chúa (Jn 2:13).
(2) Con dê của Ngày Xá Tội: Trong Ngày này, dân chúng sẽ chuẩn bị 2 con dê để
dâng lên Thiên Chúa làm của lễ xá tội cho con người. Một con sẽ được các tư tế,
sau khi cầu nguyện và đặt các tội của dân trên vai nó, phóng thích cho chạy vào
sa mạc cho quỉ Azazel. Một con sẽ bị giết và lấy máu của nó rảy trên dân chúng
(Lev 16:7-30).
(3) Con chiên sát tế trong Đền Thờ: Mỗi sáng và chiều trong Đền Thờ Jerusalem,
các người phục vụ trong đó phải sát tế một con chiên một tuổi để làm lễ vật hy
sinh xóa tội cho con người theo Luật ấn định (Exo 29:38-42).
“Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi”: Chúa Giêsu
trong thân phận con người, tuy ra đời sau Gioan, nhưng Ngài có trước từ đời đời
trong bản tính Thiên Chúa. Không phải Chúa Giêsu chỉ có trước, nhưng Ngài quan
trọng và uy quyền hơn Gioan gấp bội, vì Ngài mang trong mình uy quyền của Thiên
Chúa. Gioan nói rõ nhiệm vụ của mình là chuẩn bị đem mọi người tới Thiên Chúa:
Gioan không là gì cả, nhưng Đức Kitô là mọi sự. Vì thế, khi gặp được Đức Kitô,
Gioan chỉ và ra lệnh cho 2 môn đệ của ông đi theo Đức Kitô, ông không giữ lại
cho mình điều gì cả.
Đây phải là bài học cho con người: không phải ai sinh sau hay đến sau cũng thua
người sinh hay đến trước, không phải cha mẹ là luôn hơn con cái, vì “con hơn
cha là nhà có phúc.” Điều quan trọng là con người phải biết tôn trọng sự thật;
và người có tài hơn không phải để kiêu căng, hống hách, nhưng phải biết khiêm
nhường và phục vụ những người kém tài hơn mình.
2.2/ Lời chứng thứ hai của
Gioan: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ
câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng
sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần xuống
và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."
Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa cho thấy thị kiến Thánh Thần hiện xuống tựa chim
bồ câu khi ông làm Phép Rửa cho Chúa Giêsu trong sông Jordan. Bên Palestine,
chim bồ-câu là chim thánh; con người không được săn và không được ăn chim bồ
câu. Các Rabbi thường nói Thánh Thần di chuyển và bay lượn như chim bồ câu trên
những vùng hoang dã vô trật tự thuở xa xưa để thở sinh khí vào và mang trật tự
cùng huy hòang cho nó (Gen 1:2). Thánh Thần hiện xuống và ở lại trên Đức Kitô
khi Ngài chịu Phép Rửa để mang quyền năng và chuẩn bị cho Ngài trong sứ vụ rao
giảng sắp tới. Với thị kiến này, Gioan không còn nghi ngờ gì nữa, ông chứng thực
Đức Kitô chính là Người được Thiên Chúa tuyển chọn để mang Kế Họach Cứu Độ của
Thiên Chúa tới thành công.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả chúng ta là con cùng một Cha trên trời; nhiệm vụ của chúng ta là lo
chung một mối lo âu với Cha là làm sao cho tất cả nhân lọai tin vào Đức Kitô,
Người luôn luôn làm theo ý Chúa Cha, để được sống muôn đời.
- Để đạt được mục đích này, chúng ta phải gạt bỏ mọi ghen tị và ham muốn quyền
lực, để cùng nhau lo việc của Cha trên trời. Khi thấy người khác có tài lôi kéo
mọi người về với Chúa, chúng ta phải vui mừng và cộng tác với họ để Nước Chúa
càng ngày càng mở rộng.
- Chúng ta càng ngày càng phải nhỏ đi thì Chúa mới càng ngày càng lớn lên được,
trước là trong ta, và sau đó đến mọi người.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Thánh Danh Chúa Giê-su Ga 1,29-34
TÔI BIẾT NÊN TÔI LÀM CHỨNG
“Tôi đã thấy nên xin
chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1,34)
Suy niệm: Trong sáu
câu Lời Chúa hôm nay, đã có đến hai lần ông Gio-an Tẩy Giả nói: “Tôi đã
không biết Người.” Xét về mặt tự nhiên, hẳn Gio-an phải biết Chúa Giê-su. Ngay
từ trong dạ mẹ, Gio-an đã nhảy mừng khi nghe lời chào của Đức Ma-ri-a đến viếng
thăm mẹ của mình. Nhưng ông còn biết một cách chắc chắn bằng con mắt đức tin rằng
Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa, là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” khi
ông thấy “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.” Đây
không còn là một thứ biết tự nhiên theo tri thức thông thường nữa, mà là sự nhận
biết của lòng tin. Nhờ tin, Gio-an đã đọc ra thực tại siêu nhiên, đã khám phá
được mầu nhiệm ẩn giấu sau những biến cố đời thường, sau những sự việc xảy ra
trong cuộc sống. Ông nhận ra Ngài và không giữ cho riêng mình. Ông đã lớn tiếng
làm chứng: Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.
Mời Bạn: Nhờ nhìn bằng cặp mắt đức
tin, Gio-an nhận biết Đức Giê-su là “Đấng Thiên Chúa sai đến”; nhờ
nhận biết Ngài, Gio-an mạnh dạn làm chứng Ngài là “Đấng xoá bỏ tội trần
gian”. Bạn muốn làm chứng cho Chúa Ki-tô ư? Mời bạn cảm nghiệm và kết
hợp với Ngài thật sâu xa qua việc chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa mỗi
ngày.
Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa phải là
việc làm hằng ngày không thể thiếu của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những bề bộn của cuộc sống, con đã không
nhận biết được sứ điệp Chúa gửi đến để con tin và con sống. Con ước ao chiêm ngắm
Chúa mỗi ngày để có thể làm chứng về Thiên Chúa trong cuộc sống của con.
(5 phút Lời Chúa)
Tôi đã thấy (3.1.2018 – Thứ tư: Danh thánh Chúa Giêsu)
Cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Ðức Kitô, để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài.
Suy niệm:
Biết
một người là đi vào một mầu nhiệm.
Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định:
“Tôi đã không biết Người” (cc 31-33).
Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu,
Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia.
Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x. Lc 1,36),
dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài.
và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x. Mt 3,14),
nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.
Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.
Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá
Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.
Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia.
Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu
lúc Ngài được ông ban phép rửa.
Bây giờ có thể nói ông đã biết Ðức Giêsu.
Ông đã biết sau khi ông đã thấy.
Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban,
Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín.
Ông vui lòng giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ mình.
Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26).
Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30).
Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng.
Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu.
Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm,
thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn.
Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc.
Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định:
“Tôi đã không biết Người” (cc 31-33).
Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu,
Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia.
Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x. Lc 1,36),
dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài.
và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x. Mt 3,14),
nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.
Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.
Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá
Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.
Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia.
Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu
lúc Ngài được ông ban phép rửa.
Bây giờ có thể nói ông đã biết Ðức Giêsu.
Ông đã biết sau khi ông đã thấy.
Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban,
Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín.
Ông vui lòng giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ mình.
Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26).
Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30).
Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng.
Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu.
Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm,
thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn.
Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc.
Hành
trình của Gioan cũng là của tôi: thấy, biết, làm chứng.
Biết một người là
chuyện khó.
Biết Ðức Giêsu Kitô
còn khó hơn nhiều.
Tôi chẳng thể nào múc
cạn được con người độc đáo này,
nơi giao nhau giữa
trời và đất, giữa Tạo Hóa và thụ tạo.
Ðể biết Ðức Giêsu, tôi
cần thấy Ngài tỏ mình.
Không hẳn tôi sẽ thấy
một thị kiến huy hoàng long trọng.
Không hẳn Ngài sẽ xuất
hiện trong sức mạnh quyền năng.
Ngài vẫn tỏ mình xuyên
qua những chuyện đời thường,
qua những con người
đơn sơ tôi vẫn gặp.
Tôi cần tập thấy Ngài
ẩn sau lớp vỏ xù xì của thực tế.
Cần
thường xuyên làm mới lại cái biết về Ðức Kitô,
để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài.
Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư,
là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài,
là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình,
thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu.
để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài.
Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư,
là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài,
là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình,
thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu.
Gioan
đã làm chứng cho dân về Ðấng họ đang đợi.
Con người hôm nay đang đợi ai?
Ðức Giêsu do chúng ta trình bày và sống
có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không?
Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.
Con người hôm nay đang đợi ai?
Ðức Giêsu do chúng ta trình bày và sống
có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không?
Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa
vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi
khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh
mẽ,
để không nỗi thất vọng
nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn
nhỏ
cũng không còn có chỗ
trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo
Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang
sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
3 THÁNG GIÊNG
Nẻo Đường Khôn
Ngoan Kín Nhiệm
Nơi chân trời của Lễ
Giáng Sinh có xuất hiện ba khuôn mặt mới mẻ: ba nhà thông thái đến từ phương
Đông. Cuộc hiển linh của Thiên Chúa đã gần kề. Trong phụng vụ của Giáo Hội, Lễ
Hiển Linh mang ý nghĩa một sự biểu lộ trong đó Thiên Chúa tự mạc khải chính
Ngài và bày tỏ vinh quang của Ngài.
Nhận thức ý nghĩa của
ngày lễ như vậy, chúng ta trước hết sẽ nghĩ đến ánh sao đã xuất hiện trên bầu
trời và dẫn đường cho các nhà thông thái. Chúng ta cũng sẽ nghĩ đến cuộc hành
trình xa xôi trong đó ba người đã dõi bước theo ánh sao chỉ đường ở tít cuối
chân trời.
Nhưng ngày Lễ Hiển
Linh có hàm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta
chiêm ngắm nẻo bước kín nhiệm mà các nhà thông thái này đã đi qua; đó là cuộc
hành trình nội tâm tiến đến với Chúa và cảm nhận sự tỏ lộ vinh quang của Ngài.
Hành trình này bắt đầu với cuộc gặp gỡ thần nhiệm của cõi lòng và trí khôn con
người với ánh sáng của chính Thiên Chúa. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Gio-an:
“Aùnh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đã đến trong trần gian” (Ga 1,
9).
Rõ ràng là ba nhà
thông thái này đã bước theo ánh sáng ấy ngay cả trước khi ánh sao kia hiện ra
trước mắt họ. Qua huyền nhiệm ẩn chứa trong mọi tạo vật, họ nghe tiếng Thiên
Chúa thầm thì rất rõ: “Ta đây. Ta hiện hữu. Ta là Đấng Tạo Hóa và là Chúa của
toàn thể vũ trụ”.
Và chắc chắn đã có những
lúc họ thoáng thấy Thiên Chúa kéo họ lại thật gần với Ngài. Ngài đã bắt đầu mạc
khải cho họ sự thật rằng Ngài đang đi vào giữa lòng thế giới. Họ được hé mở cho
biết nhiệm cục cứu độ – dù một cách xa xa chứ chưa phải là một nhận hiểu đầy đủ.
Và các nhà thông thái
đã dùng đức tin để đáp lại cuộc hiển linh kín nhiệm mà Thiên Chúa đã thực hiện
trong tâm hồn họ.
Hạnh Các Thánh
3 Tháng Giêng
Thánh Grêgôry ở Nazianzus
(329 - 390)
Thánh Grêgôry ở
Nazianzus -- Tiến Sĩ Hội Thánh và là một trong ba vị Giáo Phụ Cappadocian (hai
vị khác là Thánh Basil Cả và Thánh Grêgôry ở Nyssa) -- là con của đức giám mục ở
Nazianzus thuộc Cappadocia. Ngài được học hỏi nhiều về các văn bản Kitô Giáo,
nhất là của Origen, và triết Hy Lạp. Trong khi theo học ở Cappadocian Caesarea,
ngài gặp Ðức Basil, và từ đó nẩy nở một tình bạn thắm thiết có ảnh hưởng tốt
cũng như xấu đến cuộc đời ngài.
Theo lời mời của Ðức
Basil, Grêgôry gia nhập một đan viện mới thành lập của Ðức Basil. Tuy nhiên, đời
sống ẩn dật phải bỏ dở khi cha của ngài cần người trông coi địa phận và bất động
sản. Và dưới áp lực của người cha, ngài chịu chức linh mục. Vì sự giằng co giữa
đời sống ẩn dật và công khai, hơn một lần ngài phải trở về đan viện khi cộng
đoàn cần đến ngài.
Ngài khéo léo tránh cuộc
ly giáo đang đe dọa thời ấy, vì cha của ngài có thoả hiệp với bè rối Arian. Lúc
41 tuổi, Grêgôry được chọn làm Ðức Giám Mục Phó của Caesarea và ngay lập tức đụng
độ với Hoàng Ðế Valens, là người hỗ trợ bè rối Arian. Kết quả không may của cuộc
chiến chống với tà thuyết là sự lạnh nhạt tình bạn giữa hai người. Ðức Basil,
là tổng giám mục, đã sai ngài đến một thành phố nghèo nàn và bệnh hoạn tiếp
giáp với phần đất lấn chiếm cách bất công vào địa phận của ngài.
Khi việc chống đối bè
rối Arian chấm dứt với cái chết của Valens, Ðức Grêgôry được gọi về xây dựng lại
đức tin trong giáo phận lớn Constantinople đã bị ảnh hưởng bởi tà thuyết Arian trong
ba thập niên. Mệt mỏi và bối rối, ngài bị lôi vào cơn lốc của sự thối nát và bạo
loạn. Trong hoàn cảnh ấy ngài bắt đầu viết các bài giảng nổi tiếng về Thiên
Chúa Ba Ngôi. Kịp thời, ngài tái xây dựng đức tin của thành phố, nhưng phải trả
bằng một giá quá đắt của sự đau khổ, vu khống, sỉ nhục và ngay cả hành hung cá
nhân ngài.
Những ngày cuối đời,
ngài sống cô độc và khắc khổ. Ngài sáng tác thi ca tôn giáo, trong đó có một ít
về tự truyện, thật sâu xa và mỹ miều. Ngài nghĩ rằng đức tin nơi Thiên Chúa không
thể thấu hiểu được là nền tảng cho thần học chân chính. Tài hùng biện và việc bảo
vệ lập trường đức tin của ngài trong Công Ðồng Nicea đã giúp ngài xứng đáng được
gọi là "Thần học gia."
Lời Bàn
Sự xôn xao về những
thay đổi trong Giáo Hội hiện nay, dù có chút lo lắng cũng chỉ là cơn bão nhỏ so
với sự tàn phá do bè rối Arian gây nên, là một thảm kịch mà Giáo Hội không bao
giờ quên. Ðức Kitô không hứa hẹn loại thanh bình mà chúng ta muốn được hưởng --
không có khó khăn, không có chống đối, không có đau khổ. Cách này hay cách
khác, sự nên thánh luôn luôn là con đường thập giá.
Lời Trích
"Thiên Chúa chấp
nhận những khao khát của chúng ta như thể chúng có giá trị lớn. Ngài nóng lòng
mong ước chúng ta khao khát và yêu thương Ngài. Ngài chấp nhận những thỉnh cầu
có lợi cho chúng ta như thể chúng ta đang làm ơn cho Ngài. Niềm vui của Ngài
khi cho đi thì lớn hơn niềm vui của chúng ta khi được lãnh nhận. Do đó, chúng
ta đừng thờ ơ khi cầu xin, cũng đừng giới hạn các thỉnh cầu; cũng đừng xin những
điều phù phiếm bất xứng với sự cao trọng của Thiên Chúa" (Bài giảng Thánh
Grêgôgy Nazianzus).
3 Tháng Giêng
Bí Quyết Hạnh Phúc
Trong một chương trình truyền hình Mỹ, người
ta phỏng vấn một cụ già, tuổi hạc rất cao. Người ta đặt câu hỏi như sau:
"Thưa cụ, chắc cụ có một bí quyết đặc biệt để được hạnh phúc?"
Cụ già trả lời một cách đơn sơ như
sau: "Không, tôi chẳng có bí quyết nào gọi là đặc biệt cả. Trái lại, nó rất
đơn giản như chiếc mũi trên mặt ông vậy!". Cụ già giải thích như sau:
"Mỗi buổi sáng mai, lúc thức dậy, tôi có hai điều chọn lựa, một là sống hạnh
phúc, hai là sống bất hạnh. Ông nghĩ xem, tôi sẽ chọn điều nào? Dĩ nhiên tôi phải chọn
được hạnh phúc".
Câu
trả lời trên đây của cụ già thật đơn giản. Abraham Lincol đã nói như sau:
"Con người sở dĩ có được hạnh phúc, sung sướng hay không cũng tại lòng tưởng
nghĩ như vậy". Bạn có thể hạnh phúc, nếu bạn muốn như thế. Ðó là điều dễ
thực hiện nhất trên đời. Bạn hãy chọn lựa sự bất hạnh. Ði đến đâu bạn cũng than
thân trách phận, chắc chắn bạn sẽ được như ý.
Nhưng nếu lúc nào bạn
cũng tự nhủ rằng: "Mọi việc đều tốt đẹp, đời vẫn đẹp và đáng sống. Tôi chọn
sống hạnh phúc", thì chắc chắn bạn sẽ được điều bạn muốn.
Trẻ
con rành về nghệ thuật sống hạnh phúc hơn người lớn. Trẻ em mang vào giấc ngủ của
mình vô số những mộng mơ và chúng cũng thức giấc với vô số những mộng ước,
trong đó cơ bản nhất vẫn là được vui chơi.
Người
lớn mà có được một tinh thần như trẻ thơ lúc tráng niên và vào tuổi già, thì quả
là một thiên tài, vì họ nắm được niềm hạnh phúc thật trong tâm hồn mà Chúa đã
dành để cho tuổi thanh xuân. Chúa Giêsu quả là tế nhị khi Ngài nói với chúng ta
rằng cần phải có tinh thần trẻ thơ thì mới vào được Nước Trời. Nước Trời là gì
nếu không phải là được sống hoan lạc trong tình yêu thương của Chúa?
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét