Trang

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

26-04-2018 : THỨ NĂM - TUẦN IV PHỤC SINH


26/04/2018
Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 13, 13-25
"Bởi dòng dõi Ðavít, Thiên Chúa đã ban Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: "Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói".
Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: "Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Ðavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: "Ta đã gặp được Ðavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta".
"Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: "Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 21- 22. 25 và 27
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời", trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.
2) Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. - Ðáp.
3) Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ của con". - Ðáp.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! - Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 13, 16-20
"Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: "Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Củng Cố Ðức Tin
Ðó là những lời Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ vào lúc khởi đầu cuộc khổ nạn của Ngài, loan báo tương lai cuộc sống của các tông đồ sẽ như thế nào. Nhưng tại sao Giáo Hội lại chọn để chúng ta suy niệm đoạn Phúc Âm này trong những ngày của mùa phụng vụ Phục Sinh? Những gì đã xảy ra đúng theo như lời Kinh Thánh và theo lời loan báo trước của Chúa, nhằm củng cố các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay trong đức tin vào Chúa. Tin Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Hằng Hữu, là Ðấng Ta Là, "Ta bảo các con điều đó ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy ra để đến khi sự việc xảy ra, các con tin Ta là Ðấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa".
Bản văn Phúc Âm thánh Gioan dùng từ "Ta là Ðấng Ta Là", từ dùng để chỉ chính Giavê Thiên Chúa. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, các tông đồ và mỗi người chúng ta được mời gọi suy niệm những lời Chúa Giêsu có liên quan đến vận mệnh tương lai của những ai làm đồ đệ Chúa. Trước hết là hồng ân được Chúa sai đi, được đại diện cho Ngài "Ai đón rước kẻ Ta sai là đón rước Ta và ai đón rước Ta là đón rước Ðấng đã sai Ta". Ðó là chiều dọc từ con người lên cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô. Mọi đồ đệ của Chúa cần phải duy trì trọn vẹn chiều dọc này. Ðây là hồng ân Chúa ban cho những con người Chúa chọn làm kẻ đại diện của Ngài, mang sứ điệp của Ngài đến cho anh chị em khác và hồng ân này có thể bị mất đi do chính quyết định tự do của con người như trường hợp của Giuđa ngày xưa, người môn đệ phản Thầy, "Ta biết những kẻ Ta đã chọn, kẻ ăn bánh cùng Ta đã giơ gót chân đạp Ta".
Lời cảnh tỉnh của Chúa thôi thúc mỗi người chúng ta xét lại cuộc sống làm đồ đệ theo Chúa của mình đang ở mức độ nào. Chúng ta sẽ làm đại diện cho Chúa một cách hữu hiệu hơn nếu chúng ta trở nên giống Chúa hơn và chia sẻ vận mệnh của Chúa: "Tôi tớ không hơn chủ; kẻ bị sai đi không trọng hơn người sai họ". Chúa đã đi qua con đường thập giá, thì đồ đệ của Ngài chắc chắn cũng sẽ đi qua con đường này. Hơn nữa, cám dỗ phản bội Chúa như Giuđa ngày xưa luôn là cám dỗ thường hằng của mọi môn đệ Chúa cả ngày hôm nay. Chúng ta hãy tỉnh thức đề phòng.
Lạy Chúa, xin hãy ban cho con ơn can đảm theo Chúa cho đến cùng trong mọi hoàn cảnh.
Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần IV PS
Bài đọcActs 13:13-25; Jn 13:16-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa hoàn tất mọi ý định và lời hứa của Ngài.
Có một sự khác biệt giữa ý định và lời Thiên Chúa hứa với ý định và lời hứa của con người. Những gì Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ hòan thành; không một ai có thể cản trở ý định của Ngài. Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ ban; vì Ngài có uy quyền làm mọi sự. Những gì con người muốn luôn thay đổi, và những gì con người hứa ít khi được hoàn thành vì con người giới hạn và không đủ uy quyền để hoàn thành lời hứa. Nhìn lại lịch sử được ghi chép trong Kinh Thánh, con người phải ngạc nhiên và phải tin vững vàng vào Thiên Chúa, vì tất cả những gì Thiên Chúa đã muốn và hứa đều được làm trọn đến từng chi tiết. Khi những biến cố xảy ra trong hiện tại, con người nghĩ họ đang thực hiện ý định của họ; nhưng thực ra, họ chỉ đang làm theo ý Thiên Chúa đã muốn.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên sức mạnh và sự trung thành của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Phaolô dùng lịch sử để chứng minh cho khán giả biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Ngài hòan thành hai lời hứa với Abraham sẽ ban cho ông con cháu và Đất Hứa. Ngài hoàn thành lời hứa sẽ ban cho Israel một Đấng Cứu Độ xuất thân từ giòng dõi vua David. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiên báo một người trong các Tông-đồ, là người cùng ăn uống với Chúa, sẽ "giơ gót đạp Chúa" như lời TV 41:9 tuyên bố; điều này được ứng nghiệm qua sự phản bội của Judah. Chúa Giêsu tiên đoán các Tông-đồ sẽ cùng chịu chung số phận bị bắt và giết chết như Chúa. Lời tiên đoán này cũng được làm trọn qua sự tử đạo của các Tông-đồ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã thực hiện những gì Ngài hứa với tổ-phụ Abraham và vua David.
Ngày Sabbath, hai ông Phaolô và Barnabas vào hội đường ngồi tham dự. Sau phần đọc sách Luật và sách Các Ngôn Sứ, các trưởng hội đường cho người đến nói với hai ông: "Thưa anh em, nếu anh em muốn khuyên nhủ dân điều gì, xin cứ nói. Ông Phaolô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói:
1.1/ Thiên Chúa làm trọn lời hứa với Abraham: Vì Abraham luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự, nên Ngài hứa với ông hai điều:
(1) Ban cho ông con đàn cháu đống (Gen 17:7): Mục đích của Phaolô là muốn khán giả nhìn lại lịch sử để xem lời Thiên Chúa hứa được hoàn thành thế nào: "Thiên Chúa của dân Israel đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập (Deut 4:37, 10:15), và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó. Và trong thời gian chừng bốn mươi năm, Người đã nuôi dưỡng họ trong sa mạc (Deut 4:34, 5:15, 9:26, 29, Exo 6:1-6, 12:42). Tất cả những điều này đã được ghi chép cẩn thận trong Lề Luật của họ.
(2) Ban cho ông Đất Hứa (Gen 17:8): Sau 40 năm thanh luyện trong sa mạc, Thiên Chúa dùng Joshua để đưa dân vào Đất Hứa: " Rồi Người đã tiêu diệt bảy dân tộc ở đất Canaan và ban đất của chúng cho họ làm gia sản: tất cả đã xảy ra trong khoảng bốn trăm năm mươi năm (Exo 16:35, Num 14:33ff, Deut 1:31). Sau đó, Người ban cho họ các vị thủ lãnh cho đến thời ngôn sứ Samuel."
1.2/ Thiên Chúa làm trọn lời hứa với David: Sau thời của Joshua, Thiên Chúa ban cho Israel các vị Thủ Lãnh để lãnh đạo dân chúng; nhưng khi Israel thấy các dân tộc khác có vua, họ đòi tiên tri Samuel cho họ cũng có vua cai trị họ.
(1) Israel có vua cai trị: "Rồi họ đòi có vua, Thiên Chúa ban cho họ ông Saul, con ông Kish thuộc chi tộc Benjamin, trị vì bốn mươi năm. Sau khi truất phế vua Saul, Người đã cho ông David xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được David, con của Jesse, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu (2 Sam 7:12, 22:51).
(2) Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa Giêsu: Lời hứa ban Đấng Cứu Độ được thực hiện khi để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối (Mt 3:11). Khi ông sắp hoàn thành sứ mệnh và được tra vấn bởi các kinh sư và luật sĩ nếu ông là Đấng Thiên sai, ông Gioan đã tuyên bố: "Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người" (Jn 1:20, 27, Mc 1:7f). Khi ông nhìn thấy Chúa Giêsu đi ngang, ông chỉ vào Ngài và nói với các môn đệ: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian." (Jn 1:29).
2/ Phúc Âm: Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.
2.1/ Nếu người ta đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em: Cuộc Thương Khó đã gần kề, Chúa Giêsu biết trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài và những gì sẽ xảy ra cho các môn đệ; nên Ngài muốn chuẩn bị tâm hồn cho các ông. Ngài nói với các ông: "Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi." Chúa Giêsu muốn các tông-đồ biết trước điều đó và biết cách đối phó khi điều ấy xảy đến. Trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, tất cả những gì Chúa đã tiên báo đều ứng nghiệm đến từng chi tiết. Trong Sách CVTĐ, chúng ta đã nghe tường thuật đầy đủ tất cả những bắt bớ, tù đày, roi đòn, và tử đạo của các môn đệ Chúa.
2.2/ Chúa Giêsu tuyên bố về sự phản bội của Judah: Chúa Giêsu dẫn chứng lời TV 41:9 "Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con." Ngài muốn nói với các ông ngay cả việc bị một người trong số các ông phản bội, Judah, không phải là chuyện tình cờ, nhưng đã được xếp đặt và báo trước bởi Thiên Chúa. Sở dĩ Ngài nói với các ông điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, các ông tin là "Ngài Hằng Hữu." Biệt hiệu này chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi vì Ngài luôn hiện hữu.
Chúa nói trước về sứ vụ tương lai của các Tông-đồ; các ông là sứ giả mang Tin Mừng của Ngài. Ai đón tiếp sứ giả loan Tin Mừng là đón tiếp Đức Kitô và Thiên Chúa, vì Thiên Chúa sai Đức Kitô, và Đức Kitô sai các sứ giả. Điều cần là các sứ giả phải loan báo những gì Đức Kitô muốn nói cho dân chúng. Bổn phận của dân chúng là phải nhận ra ai là sứ giả thật từ những sứ giả mạo danh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời là do ý định và sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều gì Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành tựu; điều gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ ban.
- Con người chúng ta chỉ thi hành những gì Thiên Chúa muốn; không một ai có thể chống lại ý định hay vô hiệu hóa lời hứa của Thiên Chúa.
- Hạnh phúc của chúng ta là cố gắng tìm ra và vui vẻ làm điều Thiên Chúa muốn. Dĩ nhiên, chúng ta có thể làm ngược lại; nhưng có ích lợi gì đâu!
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


26/04/2018 - THỨ NĂM TUẦN 4 PS
Ga 13,16-20

XIN CHO CON “NHỎ” HƠN THẦY
“Tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn người sai đi.” (Ga 12,16)
Suy niệm: Để lập cộng đoàn Emmau chuyên đón tiếp và nuôi dưỡng những người vô gia cư tại Pháp, cha Pierre đã chịu bao khổ nhục cay đắng. Khi được hỏi muốn ghi câu gì trên mộ của mình, cha trả lời: “Xin đề trên mộ tôi câu này: nơi yên nghỉ của một người đã cố gắng yêu thương.” Cuộc đời của cha chỉ muốn được hoạ lại lý tưởng yêu thương theo mẫu gương của Thầy mình là Đức Giê-su. Tin Mừng hôm nay kể tiếp việc Đức Giê-su “cúi xuống” rửa chân cho các môn đệ. Ngài muốn dạy cho ta sự cao trọng trong Nước Trời không do làm các việc vĩ mô to tát, nhưng do những nghĩa cử phục vụ bình thường, nhỏ bé trong cuộc sống. Con đường phục vụ, “cúi xuống,” hạ mình của ông Thầy cũng phải là con đường của các môn đệ.
Mời Bạn: Nhiều Ki-tô hữu hôm nay lại thực hiện Lời Chúa theo cung cách “lộn ngược”: mình quá cao trọng vì chức vụ này, chức thánh kia, nên không thể nào làm những việc phục vụ nhỏ nhặt, tầm thường! Trong xã hội cũng như các sinh hoạt của giáo xứ, dòng tu, lắm khi ta đùng đùng giận dữ và phản ứng chỉ vì cảm thấy không được coi trọng, không được đặt để vào chức vụ tương xứng với khả năng (theo chủ quan) của mình. Thế là bài học ông Thầy quỳ xuống rửa chân cho môn đệ mất tác dụng mà chỉ còn là một kỷ niệm đẹp của Tuần Thánh!
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập sống sự cao trọng của Nước Trời qua việc hạ mình phục vụ những kẻ bé mọn quanh mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường thích được phục vụ hơn là quỳ gối phục vụ người khác. Xin ghi khắc hình ảnh Chúa cúi xuống, hạ mình rửa chân cho các môn đệ trong tâm trí chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Tht phúc cho anh em (26.4.2018 – Th năm Tun 4 Phc sinh)
Thy Giêsu dy ta tìm hnh phúc nơi vic cúi xung khiêm h. Nhiu Kitô hu đã nếm được th hnh phúc này...


Suy nim:
Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo,
ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông,
một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.
Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.
Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.
Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.
Làm sao để anh yêu cuộc sống này?
Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,
bất chấp những khiếm khuyết của mình?
Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy?
Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.
Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,
thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.
“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.
Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa
với sự trân trọng và yêu thương,
chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.
Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.
Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:
“Thầy đã nêu gương cho anh em,
để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).
Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,
vị thế của người tôi tớ, người được sai.
Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).
Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).
“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em !” (c. 17).
Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.
Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.
Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.
Nhiều Kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này,
trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…
Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,
vết thương thể chất và tinh thần.
Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,
âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.
Cầu nguyn:
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG TƯ
“Hãy Nhận Lãnh Thánh Thần”
Trong Mùa Phục Sinh, chúng ta có dịp trở lại căn gác thượng. Chúng ta nhớ lại những biến cố của ngày đầu tuần, của Chúa Nhật Phục Sinh.
Đức Giêsu xuất hiện, dù cửa đóng kín. Người đứng giữa các môn đệ và nói với các ông: “Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Và sau khi Người nói những lời ấy, Người thổi hơi trên các ông và nói: “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20,22).
Đây là cuộc hiện ra đầu tiên của Đức Giêsu sau khi Phục Sinh. Đức Giêsu xuất hiện. Người vẫn như thế; nhưng Người cũng đã thay đổi. Người vẫn là con người đã chịu khổ nạn, vì Người đã cho các môn đệ thấy các lỗ đinh nơi tay Người và vết thương nơi cạnh sườn Người. Nhưng Người đã thay đổi. Cửa đóng không thể cản trở thân xác vinh quang của Người!
Người đã được thay đổi bởi cuộc Phục Sinh. Giờ đây, Người biểu hiện quyền năng của Thánh Thần trao ban sự sống nơi thân xác Người. Người xuất hiện trong quyền năng của Thánh Thần, và Người trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ. Chúa chúng ta trao ban Thánh Thần, Ôi! Hồng phúc biết bao, các vết thương trong cuộc khổ nạn của Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 26/4
Cv 13, 13-25; Ga 13, 16-20.

LỜI SUY NIỆM: “Thật, Thầy bảo thật anh em: ai tiếp đón người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”
Chúa Giêsu đang ban cho mỗi người trong chúng ta một vinh dự thật lớn lao, được trở nên giống như Chúa khi chúng ta ra đi rao giảng Tin Mừng với một nhiệt tâm. Đồng thời, điều này cũng nhắc cho mỗi người chúng ta phải biết tôn trọng những con người mà Chúa đã gởi đến với chúng ta, chúng ta cần phải tôn trọng người đó như là tôn trọng Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn tôn trọng và quý mến các vị chủ chăn mà Giáo Hội gởi đến chăm sóc chúng con, đồng thời cũng ban cho chúng con có nhiệt tâm cọng tác với các ngài, giúp các ngài chu toàn sứ vụ của mình.
Mạnh Phương


26 Tháng Tư
Người Sói
Một trong những cuốn phim nói về sự bí ẩn của tuổi thơ: đó là cuốn phim có tựa đề "người sói". Cuốn phim xây dựng trên một câu chuyện có thực xảy ra tại Pháp vào cuối thế kỷ 18. Một đứa trẻ đã bị thất lạc trong rừng từ lúc lọt lòng mẹ.
Mười hai năm sau, khi người ta tìm gặp nó giữa rừng, thì đứa bé không khác nào một con thú. Người ta không thể nào giao thiệp gặp gỡ với nó được. Tất cả những gì một nhà giáo, một bà vú nuôi có thể làm được chỉ là chuẩn bị thức ăn và đặt vào trong xó bếp để đứa bé tìm đến và liếm thức ăn như một con thú... Mọi người dường như bó tay, không còn cách nào để đưa nó ra khỏi đời sống hoang dã của nó.
Và một ngày kia, nó đã trốn thoát. Mọi người thở dài trước thất bại của mình... Tình cờ, vì đói, nó đã trở ra xóm làng và một lần nữa người ta đã bắt lại được nó. Người ta mang nó đến nhà giáo và người được chỉ định đến gần nó để hỏi han, trò chuyện chính là vú nuôi. Bà cố gắng dùng ngôn ngữ thô sơ của mình để nói chuyện với đứa bé. Gương mặt của nó như bất động. Nhưng bỗng nhiên, trước sự ngạc nhiên của mọi người, đứa bé nắm tay người đàn bà. Nó nhìn bà một hồi lâu và trong thinh lặng. nó cầm hai tay người đàn bà áp lên mặt mình...
Lúc đó, người ta chỉ còn thấy những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má của hai khuôn mặt...
Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người cũng diễn ra như thế. Nó nằm ra bên ngoài tất cả những dự đoán và tính toán của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ là đối tượng của những tính toán khoa học. Thiên Chúa cũng không là kết luận của những suy tư uyên bác. Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta trong những cái bất ngờ nhất. Thiên Chúa ở trong chúng ta, nhưng đồng thời cũng thoát khỏi tầm tay với của chúng ta... Nói tóm lại, chúng ta không thể chiếm hữu Thiên Chúa như một sự vật, nhưng trái lại chúng ta phải chiến đấu không ngừng để nhận ra Ngài trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống...
Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều phản ứng khác nhau của con người đối với Chúa Giêsu. Phần đông dân chúng chỉ nhìn thấy nơi Ngài như một người dân quê xuất thân từ cái miền nghèo nàn là Galilê. Những người trí thức thì nghiên cứu Kinh Thánh để rồi áp dụng những hiểu biết sách vở của họ vào con người Chúa Giêsu. Và, sĩ nhiên, những gì đã được Kinh Thánh nói đến, họ không tìm thấy nơi Chúa Giêsu... Một số khác thì đề nghị bắt giữ Chúa Giêsu vì Ngài là một tên lừa bịp...
Chúa Giêsu vẫn mãimãi là câu hỏi của chúng ta: "Còn các con, các con bảo Ta là ai?". Một câu hỏi như thế, chúng ta không chỉ trả lời bằng những kiến thức đã lĩnh hội được qua giáo lý, thần học, Kinh Thánh... Một câu hỏi như thế chỉ có thể được trả lời bằng một cuộc gặp gỡ thân tình với Ngài.
Cũng giống như người vú nuôi già và đứa bé người sói đã cảm thông với nhau trong thinh lặng và vượt lên trên tất cả những ngôn ngữ của loài người, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài trong Ðức Tin.
Ðức tin đó sẽ luôn là mặt trận chiến dai dẳng trong tâm hồn chúng ta. Có lúc chúng ta cảm thấy như đi trong ánh nắng chan hòa. Có lúc, tất cả xung quanh chúng ta như ập phủ xuống và chúng ta không còn thấy gì nữa. Thiên Chúa đến với chúng ta bằng những câu hỏi mà chúng ta không ngừng nêu lên với Ngài... Tại sao Ngài bỏ con? Chúng ta hãy không ngừng tra vấn Thiên Chúa. Ðó là dấu hiệu của một cuộc đối thoại giữa Ngài với ta.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét