Trang

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

14-02-2019 : THỨ NĂM - TUẦN V THƯỜNG NIÊN - THÁNH SYRILÔ, ĐAN SĨ VÀ THÁNH MÊTÔĐIÔ,GIÁM MỤC - Lễ Nhớ


14/02/2019
Thứ Năm tuần 5 thường niên
Thánh Syrilô, đan sĩ và thánh Mêtôđiô, giám mục.
Lễ nhớ.


* Hai anh em Contantinô và Mêtôđiô được thượng phụ giáo chủ Contantinôpôli phái sang Mô-ra-vi-a để loan báo Tin Mừng. Năm 868, hai vị đi Rôma để trình bày với đức giáo hoàng những việc các vị làm, Contantinô qua đời tại đó dưới tên trong đan viện là Syrilô (năm 869). Còn Mêtôđiô được phong làm tổng giám mục Xiamium, đi loan báo Tin Mừng cho người Xi-la-vô-ni-a (+ năm 885).
Ngày 31 tháng 12 năm 1980, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố hai thánh Syrilô và Mêtôđiô là bổn mạng châu Âu cùng với thánh Biển Đức

BÀI ĐỌC I: St 2, 18-25
“Người dẫn bà đến trước Ađam. Và cả hai nên một thân thể”.
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, vì sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.
Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể.
Lúc ấy cả hai người, tức Ađam và vợ ông, đều khoả thân mà không hề xấu hổ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5.
Đáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (c. 1a).
Xướng:
1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. – Đáp.
2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn; con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. – Đáp.
3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. – Đáp.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 7, 24-30
“Những con chó ở dưới gầm bàn cũng ăn những mụn bánh rơi của con cái”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết Mình, nhưng Người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-phênixi, và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Người liền nói với bà: “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Ơn cứu độ đại đồng
Trong nhật ký của mình, Mahatma Gandhi cho biết khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất say mê đọc Kinh Thánh, nhất là Bài Giảng Trên Núi, đến nỗi ông xác tín rằng Kitô giáo chính là câu trả lời cho nạn kỳ thị giai cấp đã từng hành hạ dân Ấn suốt bao thế kỷ, thậm chí ông còn muốn trở thành Kitô hữu nữa. Thế nhưng, một ngày nọ, khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị người giữ cửa chặn lại và bảo ông phải đi lễ ở nhà thờ dành cho người da đen, kể từ đó, ông không bao giờ quay trở lại nhà thờ nữa.
Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người như thế. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do thái hay không Do thái. Thật ra ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi.
Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con" không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.
Chúng ta chấp nhận sự tự do của Thiên Chúa trong việc ban phát ơn huệ và tình thương của Ngài. Dù ý thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng mình luôn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Với một Ðấng vô biên như Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng của Ngài cũng tràn trề sung mãn. Xin cho chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đang yêu thương chúng ta và như thế là đủ cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 5 TN1, Năm lẻ
Bài đọcGen 2:18-25; Mk 7:24-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phẩm giá người phụ nữ
Người tị nạn Việt_Nam bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu: nên theo kiểu Âu Tây, mà 5 thứ tự liên hệ được sắp xếp ưu tiên như sau: “đàn bà trước tiên, con nít, chó, cỏ, đàn ông;” hay theo kiểu Việt-Nam: “chồng chúa vợ tôi?” Điều quan trọng không phải việc phải đòi cho được sự ngang hàng, nhưng làm sao cho cuộc đời cả hai và gia đình được hạnh phúc. Cả hai kiểu mẫu trên đều dẫn tới những xáo trộn trong cuộc sống gia đình: Theo kiểu Âu Tây, đàn ông được xếp hạng sau cả con nít, chó, và cỏ, hỏi còn tư cách gì để hướng dẫn gia đình; và điều này hòan tòan trái ngược với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Theo kiểu Việt-Nam, người vợ chỉ được coi như người tớ nữ của chồng, và hậu quả là người vợ bị quên lãng và đối xử rất tàn tệ; điều này cũng đi ngược lại với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Êphêsô đã đưa ra một kiểu mẫu Thánh Kinh: “Người vợ hãy vâng lời chồng như Giáo-Hội vâng lời Đức Kitô; và người chồng hãy yêu thương vợ như chính bản thân mình, và như Đức Kitô đã yêu thương và hy sinh mạng sống mình cho Giáo-Hội.”
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong vai trò người phụ nữ. Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế Ký trình bày việc tạo dựng người nữ và ý định của Thiên Chúa từ ban đầu là cho Bà trở nên người trợ giúp của người nam. Trong Phúc Âm, người phụ nữ xứ Phoenician kiên nhẫn vượt qua bức tường Dân Ngọai và tự ái, để xin Chúa Giêsu chữa lành con gái mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa tạo dựng người nữ.
1.1/ Ý định ban đầu của Thiên Chúa: Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.” Theo trình thuật này: (1) Chúa không muốn cho người nam ở một mình; (2) không có tạo vật nào dưới quyền con người có thể trở nên “trợ tá tương xứng cho người nam.” Điều này nói lên phẩm giá của người nữ: Bà, tuy là trợ tá, nhưng tương xứng với người nam; và không dưới quyền của người nam như những thú vật.
1.2/ Thiên Chúa tạo dựng người nữ từ người nam: “Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”
Khác với các ngôn ngữ khác, trong tiếng Do-Thái, đàn ông (ish) và đàn bà (ishah), chỉ sự liên hệ đơn nhất về bản tính giữa hai giống. Đó là lý do tại sao người nam thốt lên “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”
Hôn nhân nam nữ nằm trong kế họach ban đầu của Thiên Chúa: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” Hôn nhân ban đầu cũng đòi hỏi một chồng một vợ, vì cả hai trở nên một xương một thịt.
Trước khi sa ngã, con người không có mặc cảm tội lỗi: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.” Đây không phải là sự bất bình thường về tình dục, nhưng vì cả hai hòan tòan tin tưởng nhau và không có gì phải dấu diếm, che đậy.
2/ Phúc Âm: Người phụ nữ Phoenician vượt qua xấu hổ để cầu xin cho con gái.
Trong 3 năm rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài rất ít khi đi ra ngòai lãnh thổ của Do-Thái. Lý do không phải vì Ngài không muốn Tin Mừng của Ngài được lan rộng đến Dân Ngọai; nhưng vì Ngài đã có kế họach rõ ràng. Bổn phận của Ngài là loan báo Tin Mừng cho các chiên lạc của Nhà Israel. Các Tông-đồ, nhất là Phaolô và Barbara, sẽ loan truyền Tin Mừng đến cho Dân Ngọai. Đó là lý do tại sao trình thuật kể: “Đức Giêsu đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tyre. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.” Tuy không có ý định loan báo Tin Mừng và chữa bệnh cho Dân Ngọai, nhưng đứng trước cách biểu lộ niềm tin và sự kiên trì của Bà, Chúa Giêsu đã chữa lành cho con gái của Bà.
2.1/ Bà vượt qua bức tường ngăn cách Dân Ngọai: Thánh Marcô nói rõ về lai lịch của người phụ nữ: “Bà là người Hy-Lạp, gốc Phoenician thuộc xứ Syria. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.” Bà biết rõ Chúa Giêsu là người Do-Thái, và theo truyền thống, Bà không có lý do gì để cầu xin Chúa Giêsu, vì người Do-Thái không muốn làm một điều gì với Dân Ngọai. Nhưng vì lòng thương con, Bà đã đạp đổ bức tường kỳ thị giữa hai dân tộc, để đến và cầu xin với Chúa.
2.2/ Bà vượt qua bức tường tự ái: Vượt qua được bức tường kỳ thị chủng tộc, Bà phải đương đầu với một bức tường khác khó khăn để vượt qua hơn: tính tự ái. Chúa Giêsu nói với Bà:
“Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Chúa Giêsu so sánh con của Bà với chó con, và như thế, Bà cũng bị so sánh như lòai chó. Khi một người bị so sánh như thế, thử hỏi bao nhiêu người có can đảm ở lại để tiếp tục nài xin như Bà: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Đứng trước một người Dân Ngọai, thấy cách biểu lộ niềm tin và tình thương của Bà cho con như thế, Chúa Giêsu nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Hai Bài Đọc hôm nay đòi hỏi chúng ta phải suy xét lại mối liên hệ giữa nam nữ, và liên hệ vợ chồng; và biết cách đối xử sao cho phù hợp với ý định của Thiên Chúa ban đầu.
– Chúng ta đừng dễ dàng chạy theo những trào lưu hiện hành của xã hội: “trọng nữ khinh nam” của Âu Tây, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của Trung-Hoa, hay “chồng chúa vợ tôi” của Việt-Nam; vì cả hai giới đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Tất cả các trào lưu này đều dẫn tới tình trạng mất quân bình trong đời sống gia đình.
– Cả hai giới đều cần nhau và có những quà tặng bổ xung cho nhau. Thánh Phaolô khuyên vợ phải vâng lời chồng, không phải như người nô lệ phải vâng lời chủ, nhưng ai cũng biết một gia đình không thể có 2 người lãnh đạo. Đồng thời, Ngài cũng khuyên chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân mình. Điều này lọai trừ tất cả những ích kỷ, hành hung, và bất trung với vợ mình. Chỉ có thế, gia đình chúng ta mới có thể tiến mạnh, hòa hợp yêu thương, và sống theo đường lối Thiên Chúa đã vạch định từ ban đầu. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


14/02/2019 – THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Th. Xy-ri-lô, đan sĩ và Mê-tô-đi-ô, giám mục
Mc 7,24-30

NHỮNG VỤN BÁNH NHỎ
Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Chúa Giê-su, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri-a. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. (Mc 7,25-26)

Suy niệm: Có vẻ như Chúa Giê-su mắc chứng kỳ thị chủng tộc nặng: người Do thái được coi là “con cái trong nhà”, được hưởng nguyên miếng bánh to; còn người phụ nữ gốc Phê-ni-xi này là người Hy lạp thì bị coi như “con chó con”, chỉ trông chờ những vụn bánh nhỏ từ bàn ăn rơi xuống. Nhưng thực ra chính cái gút khúc mắc đến cực điểm ấy lại được giải kết thật “có hậu”: người đàn bà “ngoại giáo” này được toại nguyện nhờ niềm tin mãnh liệt của bà. Ở nhiều nơi hành hương như Trà Kiệu, La Vang… chẳng hạn, anh chị em lương dân lại chứng kiến những phép lạ, được hưởng những ơn lành chẳng kém gì người công giáo. Phải chăng đó là “những vụn bánh nhỏ” giúp kiểm nghiệm những niềm tin lớn đang hiện hữu nơi tâm hồn biết bao anh em lương dân?
Mời Bạn: Chúa vẫn thực hiện những phép lạ lớn lao một cách âm thầm như ngày nào. Và Ngài đang mời bạn tiếp tay với Ngài dẫn đường cho những anh em đó trở thành “con cái trong nhà” cách trọn vẹn để họ không chỉ hưởng một vài “vụn bánh nhỏ” phép lạ mà còn được cả tấm bánh to là chính Thánh Thể Đức Giê-su Ki-tô.
Chia sẻ: Có gì khác giữa niềm tin của một người lương dân và đức tin của người Ki-tô hữu ?
Sống Lời Chúa: Đem “tấm bánh Tin Mừng” hằng ngày đến cho anh chị em lương dân bằng cách mỗi ngày làm một việc tốt và cầu nguyện cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con sống quảng đại bao dung với mọi người.
(5 Phút Lời Chúa)


Những mảnh vụn (14.2.2019 - Thứ Năm Tuần 5 TN)

Suy niệm:

Để có được cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ,
hai bên đã phải vượt qua nhiều đường ranh, nhiều rào cản.
Đức Giêsu đã bỏ đất Israel để đến vùng Tia, vùng đất ô uế của dân ngoại.
Người đàn bà dân ngoại đã vượt qua sự ngăn cách với người đàn ông Do thái.
Qua câu đáp của bà, bà cũng vượt qua được sự lụy phục thường gặp nơi phụ nữ
sống trong một nền văn hóa do đàn ông làm chủ ở thế kỷ đầu.

Trong Tin Mừng Máccô, đây là phép lạ duy nhất nhắm đến dân ngoại.
Rõ ràng Đức Giêsu không có ý làm phép lạ trừ quỷ này,
Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu từ chối giúp bà ta, rồi lại đổi ý.
Nhiều người không tin đây là cách cư xử vốn có của Đức Giêsu
trước nỗi đau của trái tim người mẹ có đứa con bị quỷ ám.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng sứ vụ của Ngài không bao gồm dân ngoại.
Ngài chỉ được sai đến với dân Israel,
để rồi chính môn đệ Ngài sẽ chịu trách nhiệm đến với dân ngoại.

Hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ.
Bà nài xin Ngài đuổi quỷ ra khỏi con gái của bà,
nhưng bà đã phải nghe một câu trả lời rất khó chịu và có thể gây tổn thương.
“Hãy để con cái ăn trước,
 vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” (c. 27).
Đức Giêsu ví dân Do thái với những đứa con trong nhà,
còn dân ngoại là mẹ con bà, được ví với những chó con.
Con cái dĩ nhiên là có quyền ưu tiên rồi, được ăn bánh trước.
Bánh của con cái đương nhiên không nên ném xuống đất cho chó con.
Với người khác, câu trả lời gây sốc của Đức Giêsu có thể khép lại mọi hy vọng.
Nhưng đối với bà, chính câu này lại mở ra niềm hy vọng mới.
“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn
cũng được ăn những mảnh vụn của lũ trẻ nhỏ” (c. 28).
Bà khiêm tốn nhận mình là chó con,
được nuôi trong nhà, nằm dưới gầm bàn lúc mọi người ăn uống,
nên thỉnh thoảng cũng được đám con cái cho ăn những mảnh bánh vụn.
Như thế những đứa con cũng chẳng giữ riêng tấm bánh cho mình.
Chúng cũng biết chia sẻ, thậm chí cho mấy chú chó con.
Hôm nay bà chẳng xin Ngài cho tấm bánh trên bàn dành cho con cái,
Bà chỉ xin Ngài cho vụn bánh dành cho chó con nằm dưới bàn.

Đức Giêsu hẳn hết sức bất ngờ với câu trả lời này,
vừa tin tưởng, hy vọng, vừa khiêm tốn, khôn ngoan.
Chính câu trả lời này đã chinh phục và làm cho Đức Giêsu đổi ý.
“Vì bà nói thế, bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (c. 29).
Phép lạ này rất “lạ” vì Đức Giêsu đã đuổi quỷ từ xa,
và Ngài cũng chẳng đưa ra một lời uy quyền nào để đuổi quỷ.
Khi người mẹ này về nhà, thì thấy con gái mình đã được bình an.

Chúng ta học được gì nơi cách cư xử của người phụ nữ?
Chúng ta học được gì nơi thái độ của Đức Giêsu?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề ;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy ;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG HAI
Quí Trọng Các Bậc Lão Thành
Tuổi già là một giai đoạn sống đầy nỗ lực và yêu thương, vì thế, chúng ta phải nhiệt tình ủng hộ tất cả những phong trào ủy lạo người cao tuổi – để giúp giải phóng cho người già khỏi cảnh sống lầm lũi, chán chường, cô đơn. Chúng ta phải giúp người già phát huy vai trò của họ là nguồn khôn ngoan cho các thế hệ hậu sinh, là chứng tá của hy vọng, và là những tấm gương của lòng bác ái.
Môi trường đầu tiên mời gọi ta giúp đỡ người già chính là tại gia đình. Sự khôn ngoan và kinh nghiệm của các bậc lão thành là một kho tàng cho các đôi vợ chồng trẻ. Đứng trước những thử thách ban đầu trong cuộc sống hôn nhân của mình, các đôi vợ chồng trẻ có thể tìm thấy nơi ông bà cha mẹ mình những người bạn tâm tình để mình chia sẻ và tìm kiếm sự chỉ dạy. Trong những gia đình mà cha mẹ thường vắng mặt – điều khá phổ biến trong thời đại hôm nay – các cháu sẽ tìm thấy nơi ông bà mình sự bù đắp là chính mẫu gương sống và sự săn sóc ân cần mà ông bà dành cho mình.
Trong xã hội, chúng ta luôn luôn tín nhiệm sự khôn ngoan của những người từng trải – bởi các vị ấy có một bề dày kinh nghiệm mà chúng ta không có được. Vâng, chúng ta cần những người cao tuổi giúp đỡ mình bằng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của các ngài. Với sự giúp đỡ của các ngài, chúng ta có thể xây dựng một xã hội khôn ngoan hơn và quân bình hơn.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 14/2
Thánh Cyrillô, dan sĩ và Thánh Mêthôđiô, Giám mục
St 2, 18-25; Mc 7, 24-30.

LỜI SUY NIÊM: Bà là người Hy lap gốc Phênixi thuộc xứ Xyri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.”  Bà ấy đáp: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mãnh vụn của đám trẻ con.”
          Lời Chúa hôm nay giúp cho mỗi người trong chúng ta nhận ra: Người Kitô hữu là những con người được ưu tiên nhận lãnh ân huệ của Thiên Chúa, và qua những ân huệ mà chúng ta đã nhận lãnh cũng có thể đem lại nguồn sống cho người anh em lương dân. Tin Mừng còn giúp cho mỗi người trong chúng ta nhận ra một điều nữa là: Trong mọi lời cầu xin, luôn có thử thách, chính nhờ có thử thách, mới biểu lộ được niềm tin và sự cần thiết của lời nguyện xin của mình.
          Lạy Chúa Giêsu.  Chúa luôn lưu tâm đến sự đói khát về phần hồn lẫn phần xác của chúng con, và Chúa luôn dành mọi ưu tiên trong việc ban phát ân huệ của Chúa trong mọi lời cầu xin. Xin cho chúng con có được đức tin, như người đàn bà ngoại giáo người Phênixi xứ Xyri này.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 14-02
Thánh CYRILLÔ Tu Sĩ
và thánh MÊTÔĐIÔ Giám mục
(….869 và 884 )

Cyrillô và Mêtođiô thuộc về một gia đình nghị viện miền Thessalônica. Triều đình đã muốn xem người con trưởng sáng sủa xinh đẹp như thần đồng. Nhưng đối với anh sự khôn ngoan đáng quí chuộng hơn mọi hư danh trần thế. Người con út có tính cách vừa trầm tư vừa hung hăng hay lý sự nữa. Sau khi theo học ở tại Constantinople, hai anh em đều chíếm giữ những chức vụ thuộc dân sự. Cyrillô làm giáo sư triết học. Sau cùng thì lần lượt họ đạt tới lý tưởng làm linh mục.
Nhà vua Moravia xin hoàng đế gửi các thừa sai tới. Vì biết tiếng Slave nên hai anh em đã được chọn. Các Ngài đã phát minh ra mẫu tự Slave cũng như văn chương người Slave sau này được mọi người chấp thuận. Cyrillô còn học tiếng Hipri để tranh luận với người Do thái. Hai anh em thừa sai thực hiện hoạt động vừa chính trị vừa tôn giáo. Các Ngài sẽ tổ chức Kitô giáo ở Bulgaria, Moravia và nơi những dân Slave mà bước chân đế quốc đặt tới.
Một giai thoại chứng tỏ tính khí mạnh mẽ và kỳ khôi của Mêtođiô. Ngài chỉ đích danh được thù nhân người Đức của mình để phá tan họ. Ngài nói:- Các ông chống lại sắt thép, các ông sẽ bể sọ. Và đầy nhiệt thành, Ngài lau mồ hôi và kể lại một ngụ ngôn:
“Người ta hỏi một triết gia, tại sao ông lại toát mồ hôi như vậy ?”
Và Ngài thêm vào câu trả lời: – Chính vì tôi đã phải tranh luận với những người đần độn”
Các giám mục Đức chống lại việc nhà truyền giáo đã đưa ngôn ngữ Slave vào phụng tự mà các Ngài coi như dụng cụ tuyệt hảo trong công cuộc chinh phục của mình. Hai anh em phải đi Roma để biện minh cho mình và được Đức Nicola I ưng thuận.Vị kế nhiệm Ngài còn tấn phong Ngài làm giám mục nữa. Cyrillô đã qua đời tại Roma năm 869 lúc 42 tuổi.
Mêtodiô còn sống thêm hai mươi năm để truyền giáo cho các dâ tộc Slave. Ngài chịu đau khổ nhiều, bị một thẩm đoàn giám mục miền Bavière tố cáo lạc giáo và bị giam giữ hai năm trong một nơi xa vắng lạnh lẽo. Ngài lại bị mang ách, luôn bị bách hại, bị tố cáo tới Roma là đã làm sai lạc đức tin. Hai lần Ngài phải đi biện minh với Đức Thánh cha và Đức Thánh cha đã coi những lời tố cáo là hư từ. Hoàng đế Basiliô xin Ngài đi Consttantinople là nơi Ngài được tiếp đón nồng hậu. Cũng vị vua này đã muốn gửi Ngài trở lại Russi và Bulgaria, nhưng thánh nhân trở lại Moravia và qua đời tại đó năm 884.
Hai anh em đã mang văn minh lại cho dân Slave khi truyền bá đức tin cho họ. Các Ngài đồng thời vừa là các tông đồ vừa là các văn hào tiên khởi của dân tộc Slaves.
(daminhvn.net)


14 Tháng Hai
Hạt Thóc Dâng Tặng Ðức Vua
Có lẽ chúng ta đã có dịp đọc bài thơ sau đây của đại thi hào Tagore: “Có một người hành khất ngồi bên vệ đường. Hôm đó, Ðức Vua sẽ ngự giá đi qua ngôi làng. Người hành khất cố gắng lê lết đến trước cổng làng, lòng nhủ thầm: “Ðây là dịp may duy nhất đời tôi”. Từ đằng xa, khi vừa thấy xa giá xuất hiện, anh đã cố gắng đưa tay lên vẫy chào. Có ngờ đâu, trước sự sửng sốt của mọi người, khi xa giá vừa đến trước cổng làng, Ðức Vua đã cho dừng xe lại và chính ông là người đưa tay ra để xin hành khất bố thí.
Người hành khất bèn đưa tay vào trong chiếc bị cũ kỹ nhơ bẩn của mình để kéo ra một hạt thóc. Anh trịnh trọng đặt hạt thóc vào trong tay Ðức Vua. Ðức Vua tiếp nhận món quà từ tay người hành khất và biến đi giữa cát bụi mịt mù.
Chiều đến, khi về tới nhà, người hành khất mới mở chiếc bị của mình ra. Lạ lùng thay, giữa muôn hạt thóc, anh nhận ra một hạt vàng óng ánh. Lúc bấy giờ, người hành khất mới khốc nức nở hối tiếc: “Phải chi ta đã cho Ðức Vua tất cả những gì ta có…” 
Thiên Chúa đối xử với chúng ta cũng giống như vị Vua đối xử với người hành khất. Ngài muốn trao ban cho chúng ta tất cả kho báu trên Thiên Ðàng. Qua người con một của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta chính Sự Sống của Ngài. Qua Sự Sống chúng ta đã lãnh nhận, qua sự hiện diện của những người anh em chúng ta, qua ngay cả những thất bại và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn luôn nhắc đến với từng người chúng ta như một người hành khất. Chúng ta tưởng chúng ta đang chìa tay van xin trước. Kỳ thực, chính Ngài mới là kẻ không ngừng đưa tay ra để xin chúng ta mở rộng đôi tay và quả tim của chúng ta. Tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là như những con người có tự do, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tôn trọng chúng ta. Ngài muốn trao ban tất cả cho chúng ta vì yêu thương. Nhưng cũng chính vì yêu thương, cho nên Ngài không làm cách nào khác hơn là van lơn, kêu mời chúng ta. Ngài chờ đợi nơi chúng ta một cái gật đầu, một hạt thóc nhỏ rút từ trong chiếc bị khốn cùng của chúng ta. Một nghĩa cử nhỏ mọn làm cho người anh em, một chút tin yêu hy vọng giữa bao nhiêu thử thách khó khăn của cuộc sống, một chút khiêm tốn và sám hối sau những lần vấp nga: đó là những hạt thóc bé nhỏ mà chúng ta có thể trao tặng cho Chúa để từ đó lãnh nhận trở lại tất cả kho tàng Yêu Thương của Ngài.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét