15/02/2019
Thứ Sáu tuần 5 thường niên
BÀI ĐỌC I: St 3, 1-8
“Các ngươi sẽ biết thiện ác như
thần thánh”.
Trích sách Sáng Thế.
Con rắn là loài xảo
quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người nữ rằng:
“Có phải Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn mọi thứ trái cây trong vườn?'”
Người nữ trả lời con rắn: “Chúng tôi được ăn trái (các) cây trong vườn; nhưng
trái cây ở giữa vườn, thì Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó,
nếu không, sẽ phải chết’. Rắn bảo người nữ: “Không, các ngươi không chết đâu.
Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở
ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”. Người nữ thấy cây đẹp mắt,
ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại đưa cho chồng,
người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết
lá vả che thân.
Bấy giờ hai người nghe
tiếng Thiên Chúa đi trong vườn địa đàng lúc chiều mát, Ađam và vợ ông liền núp
trong lùm cây trong vườn địa đàng cho khuất mặt Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 31, 1-2. 5.
6. 7
Đáp: Phúc thay người
được tha thứ lỗi lầm (c. 1a).
Xướng:
1) Phúc thay người được
tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa
không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian! – Đáp.
2) Tôi xưng ra cùng
Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Tôi
thú thực cùng Chúa điều gian ác của tôi, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho tôi”. –
Đáp.
3) Bởi thế nên mọi người
tín hữu sẽ nguyện cùng Chúa, trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả
ba đào ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người này. – Đáp.
4) Chúa là chỗ dung
thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ.
– Đáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và
5a
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong
chân lý của Ngài. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 7, 31-37
“Người làm cho kẻ điếc nghe được
và người câm nói được”.
Trích Phúa âm theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ
địa hạt Tyrô qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh, Người ta đem đến
cho Người một kẻ câm điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra
khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Đoạn
ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ephpheta!”, nghĩa là “Hãy mở ra!”, tức
thì tai anh ta mở ra và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được sõi sàng.
Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ
càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt
đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. Đó là lời Chúa
Suy Niệm : Hãy mở ra
Michel-Angelo là một
trong những danh họa đã để lại nhiều tác phẩm bất hủ nhất, bất hủ vì giá trị
nghệ thuật siêu vượt thời gian đã đành, mà còn bất hủ vì sự sống động mà ông đã
mặc cho các tác phẩm của ông, điển hình là bức tượng Môsê. Người ta kể lại rằng
sau khi hoàn thành bức tượng này, Michel-Angelo đứng chiêm ngắm một cách say
sưa, và sự sống động của pho tượng làm ông ngây ngất đến độ ông đã cầm búa gõ
vào và thốt lên: "Hãy nói đi".
Quả thật, lời nói là một
trong những biểu lộ sống động nhất của sự sống. Khi chúng ta mở miệng thốt ra lời,
là lúc chúng ta muốn biểu lộ sự sống, đồng thời nói lên rằng chúng ta đang sống
cùng và sống với người khác. Sự hiện diện của chúng ta trong thế giới này cần
phải được xác nhận bằng tiếng nói của chúng ta. Những người câm điếc một phần
nào bị hạn chế trong sự liên lạc với thế giới xung quanh, sự hiện diện của họ dễ
bị người khác quên lãng. Nhưng đáng thương hơn, có lẽ là những người thấp cổ bé
miệng, những người mà tiếng nói không được nhìn nhận, những người bị tước đoạt
quyền được lên tiếng, quyền sống của họ gần như bị khước từ.
Sống xứng với phẩm giá
con người, đó là phải được có tiếng nói. Có lẽ đó cũng là điều mà Chúa Giêsu,
Ngôi Lời nhập thể cũng muốn khẳng định với chúng ta qua cuộc sống và cái chết của
Ngài. Phép lạ chữa người câm điếc như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay,
không chỉ là một chữa lành bệnh tật thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại
cao siêu hơn, đó là sự sống đích thực mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho con người.
Khi phục hồi người câm điếc trong khả năng nghe và nói, có lẽ Chúa Giêsu muốn
nói với chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời
Chúa nữa; con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá con người, khi nó
biết mở rộng tâm hồn đón nhận và sống Lời Hằng Sống của Chúa.
Cử chỉ Chúa Giêsu
trong phép lạ chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo Hội lặp lại
khi cử hành Bí tích Rửa tội. Thật thế, Bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ
trong đó chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới. Trong phép lạ
này, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: Ephrata, Hãy mở ra. Hãy mở lớn
đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống.
Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở
miệng để cảm tạ, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa; để nói những lời của
yêu thương và hòa bình, của cảm thông và tha thứ.
Chúa Giêsu mời gọi
chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Hằng Sống của Chúa, chính Ngài là lương
thực mang lại sự sống đích thực cho chúng ta. Xin cho sự sống ấy tràn ngập tâm
hồn chúng ta để chúng ta lớn lên trong tình yêu Chúa và không ngừng yêu thương,
liên đới, chia sẻ với mọi người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 5 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen
3:1-8; Mk 7:31-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sa ngã và tội
lỗi
Tại sao con người phạm
tội? Người Do-Thái, qua những tài liệu của Qumran, quan niệm cuộc đời là bãi
chiến trường giữa Thiên Chúa và ma quỉ, giữa sự thiện và sự ác, giữa con cái của
ánh sáng và con cái của bóng tối. Thiên Chúa muốn con người làm những sự tốt
lành vì họ là con cái của ánh sáng. Ngược lại ma quỉ muốn con người làm những
điều gian ác, để thuộc về con cái của bóng tối giống như chúng. Con người bị giằng
co giữa hai bên, và phải xử dụng tự do để quyết định những gì nên làm và nên
tránh.
Để giúp con người trở
nên tốt lành và gìn giữ con người khỏi tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa dạy dỗ để
con người biết phân biệt tốt khỏi xấu, và báo trước những hậu quả của các hành
động vâng phục hay bất tuân lệnh của Ngài. Ngược lại, để cám dỗ con người phạm
tội, ma quỉ phô trương ra những điều hấp dẫn bên ngòai và ẩn giấu đi những điều
thiệt hại bên trong; vì nếu phô trương ra sự thật, làm sao chúng có thể lôi kéo
con người! Chúng làm con người hy vọng những gì Thiên Chúa nói là sai, và hậu
quả mà Thiên Chúa báo trước sẽ không như vậy.
Các Bài Đọc hôm nay
cho thấy tội lỗi xảy ra khi con người lạm dụng tự do để bất tuân lệnh truyền của
Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế Ký trình bày sự sa ngã đầu
tiên của Adong và Evà. Ông bà sa ngã vì đã tin vào những gì ma quỉ cám dỗ qua
con rắn, qua việc ăn trái cây biết thiện và ác mà Chúa đã ngăn cấm. Trong Phúc
Âm, mặc dù Chúa Giêsu đã ngăn cấm con dân chúng đừng loan truyền phép lạ Chúa
làm, họ vẫn bất tuân và loan truyền khắp nơi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sa ngã đầu tiên của con người
1.1/ Ma quỉ và con người: Ma quỉ được tác giả so sánh như lòai rắn, vì sự ma lanh
và quỉ quyệt của nó: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng,
mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên
Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn
không?” Cám dỗ của ma quỉ đầu tiên là phóng đại lệnh truyền của Thiên Chúa, với
mục đích làm cho con người thấy sự vô lý của lệnh truyền và sự khắc nghiệt của
Thiên Chúa. Lần cám dỗ đầu tiên, người đàn bà nhận ra sự thật, và đã sửa sai
con rắn về tính phóng đại của nó: “Trái các cây trong vườn, chúng tôi được ăn.
Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn,
không được động tới, kẻo phải chết.””
1.2/ Ma quỉ biết rõ những
gì con người muốn: Kế tiếp, rắn cám dỗ con
người về hậu quả của việc làm. Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì
đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra,
và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Chúng ta thấy sự
ma lanh của rắn ở đây: Nó phủ nhận sự chết, nhưng nhấn mạnh đến việc trở thành
“những vị thần biết điều thiện điều ác,” như tên Thiên Chúa gọi “cây cho biết
thiện và ác.” Chúng biết con người thích tự do, độc lập; và không muốn tùy thuộc
vào ai trong việc làm quyết định. Nếu biết thiện và ác, con người sẽ không cần
lắng nghe những gì Thiên Chúa dạy dỗ, và sẽ không lệ thuộc vào Thiên Chúa nữa.
Con người sa ngã vì cả những hấp dẫn bên ngòai của trái cây và ước muốn được trở
nên thần thánh bên trong: “Người đàn bà thấy trái cây đó hấp dẫn để ăn, trông
thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây
mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.”
1.3/ Hậu quả của việc bất
tuân lệnh truyền của Thiên Chúa: “Bấy giờ mắt
hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che
thân. Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi
trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp
mặt Đức Chúa là Thiên Chúa.” Đúng như tên gọi của cây: ông bà biết điều thiện
và điều ác; thay vì chỉ biết điều thiện như trước đây. Ông bà không những biết
điều xấu, mà còn biết xấu hổ vì đã làm điều xấu.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chữa một người ngọng và điếc.
2.1/ Cách Chúa chữa bệnh:
Trình thuật kể: “Người kéo riêng anh ta ra
khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi
anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ephphatha!”
nghĩa là: Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta
nói được rõ ràng.” Một người có thể nhìn thấy sự khác lạ của phép lạ này nếu
đem so sánh với các phép lạ khác; vì trong hầu hết các phép lạ khác, người bệnh
cứ ở vị trí của mình, Chúa Giêsu chỉ cần phán là người bệnh được khỏi. Sở dĩ
Chúa phải kéo riêng anh ra một nơi, vì anh điếc không nghe được những gì Ngài
truyền; và cũng để tránh việc anh có thể làm trò cười cho thiên hạ khi anh
không hiểu ý Ngài. Lý do tại sao Chúa phải dùng những cử động có lẽ cho lợi ích
của bệnh nhân, để anh biết nguyên nhân của bệnh.
2.2/ Lệnh truyền của Chúa
Giêsu và phản ứng của dân chúng:
(1) Tại sao Chúa Giêsu
ngăn cấm họ không được rao truyền? Trong Tin Mừng Marcô, chúng ta thường thấy Chúa
Giêsu ngăn cấm dân chúng không cho loan truyền những phép lạ Ngài làm, vì lý do
“bí mật của Đấng Thiên Sai.” Người Do-Thái, cũng như đa số con người, dễ chấp
nhận một Đấng Thiên Sai uy quyền, làm các phép lạ vĩ đại để cứu thóat con người,
và giải phóng quốc gia họ khỏi quyền lực ngọai bang. Họ không thể chấp nhận một
Đấng Thiên Sai hiền lành, chịu đánh đòn và đóng đinh trên Thập Giá, và giải
thóat con người bằng yêu thương và chịu đau khổ. Chúa Giêsu làm phép lạ vì
thương dân, không muốn dân chịu đau khổ vì bệnh tật; đồng thời Ngài cũng muốn
cho dân tin vào Ngài qua uy quyền làm phép lạ. Điều Ngài không muốn là dân
chúng chỉ quen với hình ảnh một Đấng Thiên Sai uy quyền, không để ý đến những
điều Ngài giảng dạy, và mất niềm tin khi thấy Ngài chịu treo trên Thập Giá.
(2) Phản ứng của dân
chúng: “Nhưng Người càng truyền bảo, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc,
và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và
kẻ câm nói được.”” Dân chúng nghĩ việc loan truyền những điều Chúa làm là phải,
để mọi người có cơ hội biết đến và tin vào Ngài. Chúa Giêsu lại không muốn những
niềm tin đặt căn bản trên phép lạ, vì nó sẽ phai lạt nhanh chóng khi không còn
phép lạ nữa. Ngài cần những niềm tin đặt trên hiểu biết và yêu thương, mới có
thể giúp con người vượt qua những sóng gió đau khổ của cuộc đời. Chỉ cần quan
sát cảnh tượng xảy ra tượng xảy ra dưới chân cây Thập Giá, một người có thể cảm
thấy sự mong manh của những niềm tin đặt căn bản trên phép lạ; cũng như những
niềm tin đặt trên cơm bánh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa dựng nên
mọi sự tốt lành, và những gì Ngài truyền cho con người phải giữ là cho sự tốt
lành của con người. Chúng ta cần tuân giữ để có được và bảo vệ những tốt lành
đó.
– Mọi sự xấu xa và tội
lỗi là do ma quỉ và con người gây nên, vì đã không biết xử dụng tự do Thiên
Chúa ban để tuân giữ những gì Thiên Chúa truyền dạy.
– Chúng ta không thắng
được ma quỉ bằng sức riêng của mình; chúng ta cần được hướng dẫn bởi Lời Chúa để
nhận ra tình yêu và đường lối của Thiên Chúa cho con người.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
15/02/2019 – THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Mc 7,31-37
“ÉP-PHA-TA!”: HÃY MỞ RA!
“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả.” (Mc 7,37)
Suy niệm: Trong truyện ngắn Máu Cá
(tức máu lạnh), nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-89) kể chuyện một bà mẹ trẻ mất
con ở ga Hàng Cỏ, kêu la thảm thiết, nhưng chẳng ai đoái hoài. Nhà văn xin một
công an trực rao trên loa, người này cũng chẳng nói chẳng rằng. Cả ngàn người
trên ga Hàng Cỏ như điếc, như câm trước nỗi khổ của người mẹ quẫn trí vì mất
con! Bài Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su không dửng dưng trước đau khổ của con người;
Ngài đã chữa lành cho người câm điếc. Lời tán dương của đám đông gợi nhớ lại lời
kết luận của sách Sáng Thế về công trình sáng tạo (1,31). Đức Giê-su đến để phục
hồi sự tốt đẹp của công cuộc sáng tạo: một thế giới trong đó mọi người tin nhận
và sống tư thế con thảo của Cha trên trời, nhìn vào mặt người khác và nhận ra họ
là anh em, chị em của mình.
Mời Bạn: Bệnh điếc và câm tinh thần
khiến bạn mất khả năng sống mối tương quan với Chúa và người khác trong Nước Trời
của Đức Giê-su. Hãy xin Chúa nói “Ép-pha-ta” để bạn biết lắng nghe tiếng Chúa
và tiếng của người lân cận, cũng như biết mở miệng loan báo Tin Mừng và nói những
điều tốt đẹp, đem lại niềm vui cho người khác.
Chia sẻ: Bạn mất khả năng lắng nghe người khác trong trường hợp
nào?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập sự hoán cải: đổi
mới cái nhìn về cuộc đời, thế giới, người chung quanh, để hợp với tư cách công
dân một Nước Trời công lý, hòa bình, và yêu thương của Đức Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
xin mở tai con, để con biết lắng nghe Lời Chúa. Xin mở miệng con, để con mạnh dạn
loan báo Tin Mừng. Xin mở mắt con, để con nhận ra Chúa nơi người anh em.
(5 Phút Lời Chúa)
Hãy mở ra (15.2.2019 – Thứ Sáu tuần 5 Thường Niên)
Suy niệm:
Đức Giêsu đã đi một vòng khá xa : từ vùng Tia đi lên phía bắc để đến
Xiđon,
rồi ngài phải quẹo sang hướng đông để đến bên kia Hồ Galilê,
và cuối cùng đi về miền nam để đến vùng Thập Tỉnh.
Vùng này là nơi ngài đã từng trừ quỷ và cho chúng nhập vào bầy heo (Mc 5, 1-20).
Người được khỏi bệnh đã đi rao truyền khắp vùng về điều Đức Giêsu làm cho anh.
Có thể vì thế mà khi ngài trở lại đây,
người ta đã đem đến cho ngài một người bị câm điếc.
Họ chỉ xin một điều đơn giản : xin ngài đặt tay trên anh.
rồi ngài phải quẹo sang hướng đông để đến bên kia Hồ Galilê,
và cuối cùng đi về miền nam để đến vùng Thập Tỉnh.
Vùng này là nơi ngài đã từng trừ quỷ và cho chúng nhập vào bầy heo (Mc 5, 1-20).
Người được khỏi bệnh đã đi rao truyền khắp vùng về điều Đức Giêsu làm cho anh.
Có thể vì thế mà khi ngài trở lại đây,
người ta đã đem đến cho ngài một người bị câm điếc.
Họ chỉ xin một điều đơn giản : xin ngài đặt tay trên anh.
Đức Giêsu chữa cho anh một cách cầu kỳ.
Ngài kéo anh khỏi đám đông, đặt những ngón tay mình vào tai anh,
rồi ngài nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh (c. 33).
Tay của ngài chạm đến những cơ quan bị khiếm khuyết của anh.
Sau đó ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói “Ép-pha-ta.”
“Ép-pha-ta” , “Hãy mở ra!” : đây không phải là một câu thần chú bí ẩn,
nhưng là một lời quyền năng có sức giải phóng anh khỏi những trói buộc từ lâu.
Ngài kéo anh khỏi đám đông, đặt những ngón tay mình vào tai anh,
rồi ngài nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh (c. 33).
Tay của ngài chạm đến những cơ quan bị khiếm khuyết của anh.
Sau đó ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói “Ép-pha-ta.”
“Ép-pha-ta” , “Hãy mở ra!” : đây không phải là một câu thần chú bí ẩn,
nhưng là một lời quyền năng có sức giải phóng anh khỏi những trói buộc từ lâu.
“Lập tức tai anh được mở ra.”
Người điếc là người tai bị khép lại, nên không nghe được,
bị bưng bít, không tiếp xúc được với thế giới bên ngoài,
không hiểu được điều người khác muốn nói.
Ngày nay người ta nói nhiều đến nghệ thuật lắng nghe,
bởi lẽ đôi lúc chúng ta đã mất khả năng nghe, hay trở nên lãng tai.
Người điếc là người tai bị khép lại, nên không nghe được,
bị bưng bít, không tiếp xúc được với thế giới bên ngoài,
không hiểu được điều người khác muốn nói.
Ngày nay người ta nói nhiều đến nghệ thuật lắng nghe,
bởi lẽ đôi lúc chúng ta đã mất khả năng nghe, hay trở nên lãng tai.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
Xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
Xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
Xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
Xin biến đổi tai con.
Xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
Xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
Xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
Sau mỗi lần gặp Chúa.
Sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
Trong nụ cười của con,
Thấy sự dịu dàng của Chúa
Trong lời nói của con.
Trong nụ cười của con,
Thấy sự dịu dàng của Chúa
Trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
Có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
Cùng đi với Chúa và với tha nhân
Trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen
Cùng đi với Chúa và với tha nhân
Trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG HAI
Trẻ Và Già Cùng
Chung Sức Làm Việc
Khi nêu chứng tá đức
tin của mình cho người trẻ, người già đang thể hiện một tinh thần phong phú mà
sự suy sụp về thể lý do tuổi già không thể làm phai nhạt đi: “Già cỗi rồi vẫn
sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn – để loan truyền rằng
Chúa thật là ngay thẳng” (Tv 92, 15 – 16). Người trẻ có bổn phận học tập nơi
gương mẫu của người già, nhất là phải biết lắng nghe các ngài: “Đừng bỏ qua
chuyện các vị cao niên kể lại” (Hc 8, 9). “Hãy hỏi cha ngươi và người sẽ nói
cho ngươi biết, hãy hỏi các bậc lão thành và các vị sẽ chỉ bảo nguơi” (Đnl 32,
7). Người trẻ cũng có bổn phận phải giúp đỡ người già: “Con ơi, hãy săn sóc cha
con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người
có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người”
(Hc 3, 12 – 13).
Giáo huấn của Tân Ước
cũng phong phú không kém. Thánh Phao-lô đề ra lý tưởng cho cuộc sống trưởng
thành bằng những lời khuyên hết sức cụ thể về sự tiết độ, đàng hoàng, chừng mực,
vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại (Tt 2, 2). Một mẫu gương tuyệt
vời có thể được nhìn thấy nơi ông già Si-mê-on, người đã sống trong niềm ngưỡng
vọng được nhìn thấy Đấng Mê-si-a. Ông cụ Si-mê-on đã rao giảng về Đức Kitô như
là sự sống sung mãn và là niềm hy vọng cho tương lai của chính ông cũng như cho
mọi người.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 15/2
St 3, 1-8; Mc 7,
31-37.
LỜI SUY NIÊM: “Người ta đem một
người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người
kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng
mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời rên lên một tiếng, rồi nói:
“Êpphêta”; nghĩa là hãy mở ra. Lập tức tai anh mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại.
Anh ta nói được rõ ràng… Họ hết sức kinh ngạc, và nói: Ông ấy làm việc gì cũng
tốt đẹp cả.”
Đối với người bị điếc và ngọng họ không nghe được rõ tiếng nói, và không nói rõ
những gì mình muốn trình bày. Chúa Giêsu biết rõ điều này và Người cảm thông,
nên Người đã đưa anh ta ra khỏi đám dông để tránh cho anh sự ngượng ngùng, và rồi
với cử chỉ hết sức dịu dàng, Người đã chữa lành cho anh ta. Giúp cho mỗi người
trong chúng ta nhận biết Người là Đấng đem lại ơn chữa lành cho thân xác và cứu
rỗi các linh hồn. Và với lời ca ngơi của đám đông “Ông ấy làm việc gì cũng tốt
đẹp cả.”. Cũng gợi lên trong chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa sau khi sáng tạo:
“Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp,” (St 1,31)
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đến đã đem trở lại cho thế gian vẻ đẹp Thiên Chúa đã ban từ
đầu, mà tội lỗi loài người đã làm xấu đi. Xin cho mỗi người trong chúng con biết
tránh xa mọi tội lỗi để góp phần làm sáng đẹp công trình sáng tạo của Thiên
Chúa.
Mạnh Phương
15 Tháng Hai
Bài Ca Vạn Vật
Một tác giả nọ đã
tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ giữa một nhà tí thức bi quan với Thánh Phanxico
thành Assisi. Như thường lệ, mỗi lần gặp bất cứ ai, vị sứ giả của Hòa Bình thường
cất lên bài ca vạn vật: “Chúc tụng Ðấng Tối cao, Thiên Chúa toàn năng vì anh mặt
trời, vì chị mặt đất, vì anh lửa, anh gió, vì chị chết”. Nhà trí thức bi quan lắng
nghe hết bài ca vạn vật của vị sứ giả Hòa Bình. Nước mắt lăn dài trên gò má của
ông. Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của cảm động, mà là của căm tức
thì đúng hơn. Không còn kềm hãm được cơn giận của mình nữa, nhà trí thức bi
quan trút bỏ trên Thánh Phanxico tất cả những sôi sục của ông mà ông cũng cho
là của không biết bao nhiêu kẻ vô tội khác trên trần gian. Ông nói với Thánh
nhân như sau: “Hỡi người anh em kỳ diệu với cái nhìn đầy ánh sáng. Người anh em
ca tụng mặt trời. Người anh em có bao giờ thấy người ta chết vì bị mặt trời
thiêu đốt chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả một sa mạc nắng cháy khô cằn
chưa? Người anh em có thấy người ta chết vì hạn hán không?
Người anh em ca tụng
nước. Người anh em có bao giờ chững kiến cảnh lụt lội, màn trời chiếu đất chưa?
Người anh em ca tụng Mẹ Ðất. Hẳn người anh em đã biết run sợ khi chứng kiến cảnh
động đất: nhà cửa đổ nát, người người bị chôn vùi. Người anh em ca tụng lửa.
Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh núi lửa thiêu rụi níu rừng cây cỏ và
con người không?
Người anh em ca tụng
anh gió. Người anh em có lẽ chưa bao giờ ra giữa khơi để chứng kiến cảnh chới với
của những người đi biển khi gặp cuồng phong? Hằng năm có biết bao nhiêu người
chết vì gió bão? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì thiên tai?
Nghe tất cả những lời
tả oán ấy của người trí thức bi quan, vị sứ giả của Hòa Bình chỉ biết mỉm cười.
Ngài gật đầu trả lời: Phải, hỡi người anh em, ta nghe và biết tất cả những gì
người anh em mới kể ra. Ta biết rằng tất cả những điều thiện hảo đều có thể trở
thành xấu do sự sử dụng không đúng của con người. Ðó là chân lý mà ai trong
chúng ta cũng đều có thể cảm nghiệm được trong cuộc sống mỗi ngày.
Nhưng điều Ta muốn
nói: đó là ngay từ những điều xấu, Thiên Chúa có thể biến thành khởi nguồn của
những điều tốt đẹp hơn. Trong bài ca của Ta, Ta đã nhắc đến Sự Chết và Tội Lỗi
là hai điều xấu xa nhất. Cái chết có thể trở thành nguồn ơn cứu thoát. Tội lỗi
cũng có thể trở thành khởi điểm của hồng ân. Thánh Phaolô há đã chẳng nói: “Nơi
nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào hơn”. Thiên Chúa
không bao giờ thất vọng và đầu hàng trong việc thi ân cả. Tất cả những gì Ta muốn
nói lên trong bài ca vạn vật của Ta: đó là mời gọi anh em hãy cố gằng nhìn thấy
sự thiện trong mọi sự.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét