Trang

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

07-05-2019 : THỨ BA - TUẦN III PHỤC SINH


07/05/2019
Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh


BÀI ĐỌC I: Cv 7, 51-59 (Hl 7, 51 – 8, 1)
“Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, Têphanô nói với dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ rằng: “Hỡi những tên cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia, các ngươi luôn luôn chống đối Thánh Thần; cha ông các ngươi làm sao, các ngươi cũng vậy. Có tiên tri nào mà cha ông các ngươi lại không bắt bớ? Họ đã giết những người tiên báo về việc Đấng Công chính sẽ đến, Đấng mà ngày nay các ngươi đã nộp và giết chết; các ngươi đã lãnh nhận lề luật do thiên thần truyền cho, nhưng đã không tuân giữ”.
Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiến răng phản đối ông. Nhưng Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng đã để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolô. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”. Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này”. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa. Còn Saolô thì đã tán thành việc giết ông (Têphanô). Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 30, 3cd-4. 6ab và 7b và 8a. 17 và 21ab
Đáp: Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa (c. 6a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ con, bởi Chúa là Tảng đá, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. – Đáp.
2) Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. Còn phần con, con tin cậy ở Chúa, con sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa. – Đáp.
3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Chúa che chở họ dưới bóng long nhan Ngài, cho khỏi người ta âm mưu làm hại. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 16, 7 và 13
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến cùng các con; Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 6, 30-35
“Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”. Họ liền thưa với Ngài rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Cái nhìn thiển cận
Một gia đình ếch sống dưới một đáy giếng tăm tối, không thấy ánh sáng mặt trời cũng không biết những gì đang xẩy ra bên ngoài. Ngày nọ, có một con chim sơ ca bay xuống nói với dòng họ ếch về thế giới của mặt trời, của hoa cỏ, của tình yêu. Nghe thế, tộc trưởng ếch liền nới với đồng bào mình: “Các ngươi nghe chưa, thế giới của bạn sơn ca mô tả là một thứ thiên đàng không tưởng, nơi chỉ có những con ếch tốt, tức những con ếch chịu đau khổ dưới đáy giếng mới được lên tới mà thôi”. Tuy nghe những lời mỉa mai đó, một số ếch vẫn tin vào lời chim sơn ca. Một chú ếch sau khi nghiên cứu tình hình đã giải thích: “Thế giới mà bạn sơn ca loan báo không phải là thế giới khác đâu, đó chính là thế giới của chúng ta; thêm một chút ánh sáng, một chút gió mát, một chút thực phẩm, chúng ta có ngay thiên đàng dưới đáy giếng này”. Thế nhưng đa số đồng bào ếch đã thấy được sự phỉnh gạt của lời giải thích ấy, chúng vùng lên ra khỏi đáy giếng và thấy được thế giới có mặt trời, trăng sao, hoa cỏ, tình yêu.
Những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của vô số những người không muốn nhìn lên khỏi đáy giếng tăm tối của họ. Dù chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa, nhất là đã được Ngài cho ăn no thoả, nhưng cái nhìn của họ không vượt lên khỏi bao tử của họ. Khi Chúa Giêsu cho họ ăn bánh no nê và mời gọi họ đến thứ bánh không hư nát, họ đã chối từ Ngài; đôi mắt họ chỉ dán chặt vào thứ cơm bánh chóng qua; họ chỉ hướng đến cái trước mắt.
Đức tin là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa cho con người. Đức tin ấy chính là ánh sáng chiếu dọi vào đáy giếng tăm tối mà con người đã rơi xuống. Đức tin ấy là sức mạnh lôi kéo con người khỏi cái tăm tối ấy. Đức tin ấy cũng chính là cái nhìn về chân trời đầy ánh sáng Thiên Chúa ban cho con người.
Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta đức tin ấy. Cảm tạ Chúa đã cứu độ vào lôi kéo chúng ta ra khỏi vùng tăm tối của tội lỗi. Xin cho chúng ta được mãi là con người mới với Đức Kitô Phục sinh, được cùng tiến bước với Ngài để luôn sống như Ngài, nhìn đời bằng chính đôi mắt của Ngài và yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần III PS
Bài đọcActs 7:51-8:1; Jn 6:30-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người môn đệ họa lại cuộc đời của Thầy mình.
Trong bữa Tiệc Ly, trước khi từ giã cuộc đời để về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ những lời tâm huyết sau đây cho các môn đệ: “Trò không hơn Thầy; nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Jn 15:20). Tuy nhiên, Ngài cũng khuyến khích các ông: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Jn 16:33).
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những khó khăn mà Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài phải đương đầu với từ thế gian. Trong Bài Đọc I, noi gương Thầy Chí Thánh, Stephanô sẵn sàng đổ máu đào để làm chứng nhân cho Chúa Giêsu. Cái chết của vị anh hùng tử đạo đầu tiên minh họa lại cái chết của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó của Ngài. Trong Phúc Âm, dân chúng đi tìm Chúa Giêsu, không phải vì đã nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai, nhưng để được luôn có bánh ăn hằng ngày. Chúa kiên nhẫn sửa sai họ và mặc khải cho họ biết “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cuộc tử đạo tiên khởi của Phó-tế Stephanô
1.1/ Xung đột giữa sự thật và sự sai trá: Bài giảng của Stephanô là lý do đưa ông tới cái chết, vì ông dám nói thật và dám tố cáo những việc làm sai trái của Thượng Hội Đồng.
(1) Stephanô tố cáo những người trong Thượng Hội Đồng: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần.” Giống như những lần xung đột của Chúa Giêsu với các Biệt-phái và Kinh-sư, Stephanô cũng tố cáo họ hai điều chính:
+ Giết hại các ngôn sứ: Chúa Giêsu tố cáo họ: “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng” (Lk 11:47-48). Stephanô cũng tố cáo họ: “Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy. Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy.”
+ Khinh thường và không giữ Lề Luật: Chúa Giêsu tố cáo họ: “Ông Moses đã chẳng ban Lề Luật cho các ông sao? Thế mà không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật! Sao các ông lại tìm cách giết tôi?” (Jn 7:19). Stephanô cũng tố cáo họ: “Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ.”
(2) Phản ứng của Thượng Hội Đồng: Khi con người bị sửa sai, họ có thể chọn hai thái độ: hoặc khiêm nhường nhận ra sự sai trái và tìm cách sửa sai, hoặc tức giận phủ nhận và tìm cách hại người tố cáo. Những người trong Thượng Hội Đồng chọn thái độ thứ hai: “Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stephanô.”
1.2/ Cuộc tử đạo của Stephanô: Thánh sử Lucas tường thuật cái chết của Stephanô như một minh họa lại cái chết của Chúa Giêsu, với những điểm tương đồng sau đây:
– Như Chúa Giêsu nói Ngài sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa kể từ nay, trong cuộc thẩm vấn trước Thượng Hội Đồng (Lk 23:69); Stephanô được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Acts 7:55-56).
– Như Chúa Giêsu không được Thượng Hội Đồng xét xử theo Luật buộc (Lk 22:71), Stephanô cũng bị buộc tội bởi Thượng Hội Đồng và ném đá tới chết mà không được xét xử. Cái chết của ông là hậu quả của sự tức giận đột xuất của những người trong Thượng Hội Đồng: “Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại, và nhất tề xông vào ông, rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá” (Acts 7:57-58).
– Như Chúa Giêsu phó thác linh hồn Ngài trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha! Con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lk 23:46); họ ném đá ông Stephanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (Acts 7:59).
– Như Chúa Giêsu đã kêu xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ luận tội và giết Ngài: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết việc chúng làm” (Lk 23:34); Stephanô cũng quỳ quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng trước khi chết: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Acts 7:60).
2/ Phúc Âm: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
2.1/ Chúa Giêsu sửa sai sự hiểu biết, ý hướng, và hành động sai lầm của dân chúng:
(1) Đi tìm Chúa với ý hướng sai lầm: Vừa chứng kiến phép lạ “Bánh hóa nhiều” của Chúa Giêsu làm để nuôi 5,000 người, thay vì biết cám ơn Chúa đã lo lắng cho họ có của ăn, và nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai; giờ đây họ lại ích kỷ chỉ biết lo cho mình, và thách thức Chúa: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”
(2) Hiểu biết sai về sự kiện lịch sử: Họ nói: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.” Chúa Giêsu sửa sai họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời.”
2.2/ Chúa Giêsu mặc khải Ngài là Bánh Trường Sinh: Ngài nói với họ: “Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
Con người rất khôn ngoan trong việc tìm kiếm và tích trữ những lương thực phần xác; nhưng lại rất khờ dại trong việc tích trữ các lương thực cho trí tuệ và cho phần linh hồn. Họ có thể bỏ mọi thời gian và nỗ lực đi tìm của cải chóng qua; nhưng không dám dành thời giờ cho việc học hỏi Lời Chúa và tham dự Bí-tích Thánh Thể hằng ngày. Dầu Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là Bánh Trường Sinh: ai ăn sẽ sống, và ai không ăn sẽ chết; con người vẫn lơ là với những lời của Ngài. Chẳng lạ gì mà họ đang quay cuồng trong biển trần gian mà không biết đường nào để thoát ra ngoài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Khi chọn làm môn đệ Chúa, chúng ta chọn bỏ ý riêng, để họa cuộc đời chúng ta theo đường lối của Chúa. Khi phải đương đầu với bách hại của thế gian, chúng ta không được lấy oán báo oán; nhưng phải cầu nguyện và tha thứ cho những người đã bách hại chúng ta.
– Khi bị sửa sai đúng, chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận lỗi lầm của mình, và tìm cách sửa sai để cuộc sống tốt đẹp hơn. Đừng quá tức giận đến độ la hét, chửi rủa, và giết hại người công chính.
– Để có sức lực chiến đấu, chúng ta phải năng lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Nếu không có sức mạnh của Bi-tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào đương đầu với những cám dỗ và bách hại của thế gian.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


07/05/2019 – THỨ BA TUẦN 3 PS
Ga 6,30-35

TẤT CẢ VÌ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Đức Giê-su nói: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)
Suy niệm: Một quan chức – miễn nêu tên – trong một chuyến công cán nước ngoài tuyên bố rằng dân ta chỉ cần ăn no cái bụng, còn những giá trị tinh thần thì không cần thiết, nếu không nói là đồ xa xỉ. Nói thế có nghĩa là phải xây cái “hạ tầng cơ sở” là những nhu cầu vật chất vững chắc đã, rồi mới “leo” lên những bậc thang giá trị cao hơn. Thế nhưng theo bà Natulla, một nhà nghiên cứu xã hội học, thì người ta có thể “đạt tới những nhu cầu cấp cao hơn” ngay cả khi những nhu cầu cấp thấp chưa được đáp ứng đầy đủ. Nhận định đó mở đường cho chúng ta đón nhận lời Chúa. Theo tính tự nhiên, người ta phải thoả mãn nhu cầu cơm bánh: muốn có một thứ lương thực ăn vào sẽ không phải đói, không phải khát nữa. Chúa Giêsu cho biết tìm kiếm lương thục trường sinh là nhu cầu tối thượng, vượt trên cả nhu cầu về cơm bánh. Và Ngài là thứ bánh trường sinh đó.
Mời Bạn: Cha ông chúng ta có nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm.” Phải dám khước từ cả tiền lẫn quyền để giữ cho được cái “sạch,” cái “thơm” xứng đáng với phẩm giá con người. Cũng thế phải dám hy sinh những nhu cầu cấp thấp nếu chúng cản trở không cho chúng ta đạt được nhu cầu tối thượng là sự sống đời đời. Phải chăng lắm khi chúng ta vì nặng về miếng cơm manh áo mà đóng cửa lòng mình, không dám chia sẻ với những người bất hạnh, hoặc tệ hơn nữa, làm điều gian dối, bất công cho anh chị em mình?
Sống Lời Chúa: Suy niệm mầu nhiệm Chúa phục sinh và xin ơn sống sao cho đạt được sự sống đời đời.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.
(5 Phút Lời Chúa)


Chính là Cha tôi đã cho bánh bởi trời, bánh đích thực (7.5.2019 – Thứ Ba Tuần 3 Phục Sinh)

Suy niệm:
Man-hu ? Cái gì vậy ? Đó là câu con cái Ítraen hỏi nhau
khi thấy manna lần đầu tiên rơi trên mặt đất.
Môsê trả lời : “Đó là bánh Đức Chúa đã ban cho các ngươi làm của ăn.”
Bốn mươi năm Đức Chúa đã nuôi dân của Ngài bằng thức ăn ấy,
trong suốt cuộc hành trình trong sa mạc cho tới khi họ đến đất Canaan.
Đức Chúa vẫn là Đấng quan tâm đến sinh mệnh của dân.
Qua Môsê, Ngài cho họ manna là bánh từ trời xuống. 
Có vẻ những người ở Caphácnaum muốn thách đố Đức Giêsu
làm một dấu lạ lớn lao tương tự như dấu lạ Môsê đã làm (cc. 30-31),
nếu Ngài thật là một vị ngôn sứ như Môsê đã loan báo (Đnl 18, 15).
Hãy ban cho chúng tôi thứ bánh bởi trời như manna ngày xưa.
Đức Giêsu khẳng định không phải Môsê đã cho họ ăn bánh bởi trời.
Chính Chúa Cha đã ban cho dân Ítraen bánh bởi trời, trong sa mạc.
Và nay Chúa Cha còn muốn ban một thứ bánh mới.
Đức Giêsu long trọng giới thiệu bánh mới này :
“Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” (c. 32).
Bánh này là bánh từ trời xuống và ban sự sống cho thế giới (c. 33).
Như thế bánh mới này cũng là bánh từ trời,
nhưng không chỉ dành cho dân Ítraen như manna cũ.
Đây là thứ bánh đích thật dành cho cả thế giới loài người.
“Lạy Ngài, xin cho chúng tôi thứ bánh ấy luôn” (c. 34).
Đây là một sự hiểu lầm của dân chúng đang nghe Đức Giêsu.
Nó tương tự như sự hiểu lầm của người phụ nữ Samari
khi chị xin Đức Giêsu: “Xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát” (Ga 4, 15).
Thứ bánh mới Đức Giêsu giới thiệu
không phải là tấm bánh vật chất, ăn được để tránh cái đói tạm thời,
nhưng là tấm bánh thỏa mãn sự đói khát sâu thẳm nơi trái tim.
“Chính tôi là bánh trường sinh,
Ai đến với tôi sẽ không đói, ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ” (c.35).
Đến với và tin vào Đức Giêsu ta sẽ tìm được thức ăn tinh thần.
Lời dạy dỗ của Ngài là bánh từ trời đích thực, vượt hẳn manna xưa.
“Người ta sống không nguyên bởi bánh,
nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8, 3).
Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa,
nên lời của Ngài sẽ là bánh đem lại sự sống cho bất cứ ai tin.
Tạ ơn Cha đã nuôi chúng ta bằng Tấm Bánh Giêsu, Bánh từ trời xuống.
Chúng ta không phải đi lượm manna mỗi ngày như dân Ítraen xưa.
Nhưng mỗi ngày chúng ta phải lắng nghe Lời Giêsu để được no đủ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG NĂM
Chúng Ta Kiếm Tìm Sự Tự Do Đích Thực
Mùa Phục Sinh là mùa cử hành một cuộc hạnh ngộ riêng tư với Đức Kitô. Cũng như các Tông Đồ, chúng ta cảm nhận Đức Kitô Phục Sinh là một thực tại. Cử hành mùa Phục Sinh cũng chính là múc lấy nguồn sức sống vô giá cho mỗi người trẻ bước đi trong cuộc đời. Đức Giêsu khai mở cho ta nhìn thấy tương lai của mình và Người mời gọi chúng ta đón nhận tiếng gọi của Người bằng con mắt đức tin. Nơi Chúa Phục Sinh, chúng ta gặp gỡ sự tự do đích thực; vì trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã trao ban chính Ngài cho con người và cứu độ con người.
Thiên Chúa cứu chúng ta ra khỏi sự điêu vong, khỏi sự chết, khỏi tình cảnh thất vọng, khỏi những xáo trộn ngổn ngang, khỏi vòng cương tỏa của sự dữ.
Đức Kitô Phục Sinh đem ta về với sự thật và sự sống sung mãn bằng con đường vượt thắng tội lỗi. đó chính là sự tự do đích thực. Đức Kitô trở thành nền móng của sự tự do mới mẻ này. Mỗi bạn trẻ đã từng biết Đức Kitô đều được mời gọi sống triệt để sự tự do ấy bằng cả tâm hồn.
Các bạn trẻ không thể tiếp tục lãnh đạm với những giá trị lớn lao này – những giá trị mà định mệnh của nhân loại tùy thuộc vào đó. Các bạn trẻ không thể thụ động đối với xã hội hay đối với chính mình. Một khi người trẻ nhận hiểu được sự tự do đích thực, việc nhận hiểu đó sẽ đặt ra cho họ trách nhiệm và thôi thúc họ trao ban ý nghĩa đích thực cho mọi hành động của mình. Tự do không phải là một món đồ vật để có thể bị liệng bỏ đi – như rất nhiều thứ bị liệng bỏ đi trong xã hội tiêu thụ của chúng ta hôm nay. Đó là một đảm nhận có tính nền tảng, một tiếng gọi thúc bách chúng ta sống hết mình cho sự thật.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 07/5
Cv 7, 5-18; Ga 6, 30-35.

LỜI SUY NIỆM: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ!”
          Trong cuộc đời của mỗi con người luôn có những sự đói và khát, và bản chất của con người không sao có thể đáp ứng được. Chúa Giêsu biết rõ điều này, nên Người mời gọi mỗi con người trong nhân loại: hãy đến với Người, chính Người sẽ giúp cho tâm hồn mỗi người trong chúng ta được toại nguyện.
          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người chúng con đáp lại lời mời gọi của Chúa, để nhờ ân sủng Chúa ban, tất cả chúng con có được sự sống trong hiện tại cũng như cả mai sau.
Mạnh Phương


07 Tháng Năm
Truyền Giáo
Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: “Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại… Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?”
Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. “Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?”. Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm… Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.
Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.
Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?
Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.
Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện… Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội… Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho Chúa.
Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.
Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình… vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét