Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

19-05-2019 : (phần I) CHÚA NHẬT V PHỤC SINH năm C


19/05/2019
Chúa Nhật 5 PHỤC SINH năm C
(phần I)

BÀI ĐỌC I: Cv 14, 20b-26 (Hl 21-27)
"Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài".
Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: "Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa". Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Đấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 8-9. 10-11. 12-13ab
Đáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Đáp.
2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Đáp.
3) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Kh 21, 1-5a
"Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: "Đây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi". Và Đấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: "Này đây, Ta đổi mới mọi sự".
Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 13, 34
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 13, 31-33a. 34-35
"Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

"Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau". Đó là lời Chúa.


Suy Niệm: Một Lệnh Mới: "các con hãy yêu thương nhau"
Khung cảnh tiệc ly của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta có cảm tưởng phụng vụ muốn chuẩn bị lễ Chúa lên trời sắp tới. Và bài sách Công vụ được chọn để ăn ý với bài Tin Mừng cũng nói về việc các tông đồ từ giã các giáo đoàn. Nhưng trong Kitô giáo, tin tưởng và bình an tràn ngập cả những trường hợp như thế. Những cuộc ra đi kể trong các bài Kinh Thánh kia còn hứa hẹn và bảo đảm một sự sống mới trong tương lai mà bài sách Khải Huyền hôm nay đã mở ra cho chúng ta thấy. Nếu được phép trình bày lại một cách đơn giản, giáo huấn của Lời Chúa trong thánh lễ này, chúng ta có thể nói:
- Khi ra đi, Chúa đã để lại một lệnh mới.
- Các tông đồ đã thi hành.
- Một viễn tưởng về tương lai đang mở ra trước mắt mọi người.
Tức là chúng ta sẽ lần lượt suy niệm bài Tin Mừng rồi bài sách Công vụ và sau cùng đến bài Khải Huyền.

1. Một Lệnh Mới
Bài Tin Mừng ngắn, nhưng không dễ. Nó có hai phần rõ rệt, tự nhận là lời của Chúa nói với môn đệ trong bữa tiệc ly sau khi Giuđa đã bỏ bàn ăn ra ngoài.
Chúng ta còn nhớ hôm ấy Chúa tổ chức một bữa từ giã các môn đệ trước khi Người ra đi chịu chết. Theo tác giả Gioan, trong bữa ăn biệt ly ấy, Chúa đã rửa chân cho môn đệ; và báo cho họ biết một người trong bọn họ sẽ nộp Người. Lập tức họ xôn xao bàn tán: ai là kẻ phản phúc ấy? Và người nào cũng hỏi Thầy: "Có phải con không?" Giuđa Iscariốt cũng hỏi. Người trả lời: "Phải!" Nhưng không môn đệ nào nghe thấy. Sau đó, Người bảo y: "định làm gì thì làm đi". Thế là y đứng dậy, ra khỏi bàn ăn. Tác giả Gioan viết rằng: Bấy giờ trời tối. Trời tối ở bên ngoài phòng ăn và ở trong lòng Giuđa đang lao mình đi trong bóng tối... chứ ở trong phòng tiệc ánh đèn vẫn làm sáng các khuôn mặt. Và chính lúc ấy, theo lời Gioan kể, Chúa Giêsu đã tuyên bố: Bây giờ Con Người đã được tôn vinh...
Ðọc vội, chúng ta có thể nghĩ Người nói như vậy để diễn tả một sự nhẹ nhõm của tâm hồn sau khi tên phản bội ra đi khuất mắt. Nhưng đọc lại chúng ta không thấy như thế. Chúng ta cũng có thể nghĩ, với những lời kia Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ về vinh quang thánh giá mà Người sắp được vì tên phản phúc đã đi làm việc của y. Người có thể thấy trước vinh quang ấy đã đến rồi, vì thật ra đối với Người mầu nhiệm thánh giá là một sự đã rồi và Người đã chấp nhận hoàn toàn khi khai mạc "giờ" của Người đã đến với bàn tiệc hôm nay. Nhưng tại sao sau đó Người lại bảo vinh quang ấy sẽ đến và Chúa Cha sẽ tôn vinh Người? Khó khăn này đã khiến các học giả đưa ra một giả thiết mà chắc chúng ta phải coi là thật.
Giả thiết này nghĩ rằng những lời Chúa Giêsu vừa tuyên bố phải được nghe sau phục sinh. Nói đúng hơn đây là những ý tưởng có sau phục sinh, nhưng đã được đem đặt lên trước. Nó không ăn ý lắm với văn mạch. Và người ta phải kết luận, nó đã được nhét vào sau. Người làm công việc này có thể biện minh rằng: đã nói đến việc Giuđa đi nộp Chúa thì phải gợi ngay đến ý tưởng vinh quang để ở đâu có mầu nhiệm tử nạn cũng có mầu nhiệm phục sinh. Chỉ có điều người ấy đã khiêm nhường đến nỗi không dám tạo ra một câu văn mới, mà chỉ dám lấy lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, một câu văn phụng vụ ca tụng Chúa Kitô, đem đặt vào chỗ này.
Nói vắn tắt hơn, những câu đầu bài Tin Mừng hôm nay không phải là những câu Chúa nói trong buổi tiệc ly. Một người đã đem những lời đó vào chỗ này để nói lên niềm tin vào Chúa phục sinh khi thấy Giuđa bỏ bàn ăn ra đi với ý định nộp Người. Và chính vì nội dung phục sinh của những lời này mà phung vụ hôm nay trích đọc cho chúng ta.
Ðức tin của Hội Thánh tuyên xưng ở đây rằng việc Ðức Giêsu chịu nộp, chịu chết đã tôn vinh Thiên Chúa, để thiên hạ thấy Chúa Cha yêu thương loài người đến nỗi đã thí ban Con Một yêu quí của Người để cứu chuộc chúng ta; cũng như để thiên hạ thấy quyền năng của Thiên Chúa sẽ phục sinh Ðức Giêsu Kitô.
Và việc này Thiên Chúa đã làm rồi. Ðức Giêsu đã chết và sống lại. Thiên Chúa đã được tôn vinh nơi mầu nhiệm tử nạn phục sinh của Ðức Kitô; đồng thời chính Thiên Chúa cũng đã tôn vinh Ðức Giêsu Kitô trong chính mình Người khi chấp nhận sự vâng phục của Ngài mà đưa Ngài lên trên mọi danh hiệu dù ở trên trời hay ở dưới đất và trong gầm biển. Chính mầu nhiệm tử nạn phục sinh đã tôn vinh Thiên Chúa cũng như đã tôn vinh Ðức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã được tôn vinh nơi Ðức Giêsu Kitô và Ðức Giêsu Kitô đã được tôn vinh trong Thiên Chúa.
Ðó là đức tin của Hội Thánh về mầu nhiệm Phục Sinh. Nhưng chưa hết, vì mới khởi đầu. Vinh quang phục sinh sẽ chỉ tỏ hiện hoàn toàn khi Chúa Giêsu trở lại. Và vì thế bài Tin Mừng hôm nay viết: Ngay đây Thiên Chúa sẽ tôn vinh Ngài. Chỉ bấy giờ khi Ngài trở lại trong vinh quang, tất cả vinh quang mà Thiên Chúa ban cho Ngài mới tỏ hiện hết vì bấy giờ sẽ có đầy đủ tạo vật được cứu chuộc để bày tỏ ảnh hưởng mầu nhiệm Chúa Kitô tử nạn phục sinh bao quát, rộng rãi và sâu xa chừng nào. Nhưng từ nay đến ngày ấy, lịch sử luôn có thể cảm nghiệm ngay đây Thiên Chúa sẽ tôn vinh Ngài, vì Danh Ngài mỗi ngày được biết tới và được ca tụng. Nhờ đâu và thế nào, thì chúng ta có thể cứ đọc tiếp bài Tin Mừng.
Những lời này đúng là những Lời Chúa nói với bàn tiệc ly, nếu chúng ta căn cứ vào văn mạch. Hôm ấy, Chúa đã rửa chân cho môn đệ. Người con lập phép Thánh Thể. Người tâm sự với môn đệ về tình yêu thương của Người. Bầu khí thật thuận lợi để Người ban "một điều răn mới" vì chúng ta đừng quên Người mới ký một giao ước mới trong chén máu của Người. Giao ước cũ đã có nhiều giới răn. Tất cả đã qua rồi. Bây giờ khởi sự chế độ của giao ước mới, với chỉ một điều răn mà thôi, là "các ngươi hãy yêu mến nhau".
Làm sao có thể gọi là điều răn mới được? Lề luật đã dạy và vẫn dạy như thế. Có thể nói nhiều bậc thánh hiền trong các dân tộc đã chủ trương tứ hải giai huynh đệ. Làm sao Chúa Giêsu có thể bảo luật anh em yêu thương nhau là điều răn mới và là điều răn của Người.
Có người giải nghĩa rằng: Ðiều răn này mới vì đối tượng của nó là mọi người, kể cả kẻ thù. Khá Lắm! Vì thật sự đây là một nét mới và độc đáo. Tuy nhiên lối giải thích ấy cũng chưa đáng tin hoàn toàn. Tự bản chất, nó chưa có khả năng thuyết phục tức khắc. Ðã có người khuyên đọc tiếp Lời Chúa phán hôm ấy, khi Người ban điều răn mới, để thấy tính cách mới mẻ được nêu ngay trong lời nói sau đây: "Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau".
Chắc chắn rồi, Thiên Chúa, và cụ thể là Ðức Giêsu có lối yêu đặc biệt, như không có "Chúa" nào yêu như thế và không có ai đã sống ở trần gian này yêu như Ðức Giêsu Kitô. Nhưng làm sao loài người chúng ta có thẻ bắt chước được những kiểu cách ấy?
Cuối cùng có lẽ chúng ta cứ đọc hết Lời Chúa dạy hôm nay; biết đâu chân lý lại sẽ không sáng lên nơi những lời cuối cùng. Chúa bảo môn đệ: "Chính nơi đây điều này mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ Ta, ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến nhau".
Dường như Chúa đã hứa ban cho tình yêu của môn đệ một dấu hiệu đặc biệt: ấy là khi họ yêu mến nhau thì người ta biết họ là môn đệ của Người. Và nếu vậy, chúng ta có thể nói như sau về điều răn mới của Chúa ban hôm nay. Người đang nói với môn đệ trong bàn tiệc ly, hình ảnh của Nước trời, và Người bảo họ hãy yêu mến nhau. Nhiều lúc khác, Người đã dạy người ta phải yêu thương mọi người, kể cả thù địch.
Ðó là lòng bác ái phổ cập. Ở đây có lẽ Người không nói đến tình thương phổ quát đó. Người nói đến tình yêu mến giữa các môn đệ, giữa những môn đệ, tín hữu của giao ước mới trong máu Người. Họ phải yêu mến nhau bằng một tình yêu mới, tình yêu mà Người đã biểu lộ ra cho họ khi ở với họ. Họ đã thấy, họ đã kinh nghiệm, họ vừa chứng kiến tình yêu ấy "đi đến cùng" là bỏ áo xuống, cầm thau nước đi rửa chân cho họ, tức là bỏ mạng sống mình để họ được sạch và đồng bàn Nước trời với chính Người. Người bảo họ phải yêu mến nhau như vậy, và như vậy là mới; và như vậy thì người ta biết họ là môn đồ của Người. Thế nên Gioan tác giả của bài Tin Mừng hôm nay sẽ lần viết trong thư của người để giải thích về điều răn mới. Người nói: Nơi điều này ta biết được lòng mến: là Ðấng ấy đã thí mạng mình vì ta, và ta, ta cũng phải thí mạng mình vì anh em (1Ga 3,16).
Lòng mến này nhất định mới. Nó không dễ, nên đừng lạm dụng và "đừng yêu mến bằng lời nói, bằng đầu lưỡi, nhưng là bằng việc làm thật sự" (3,18) mà việc làm ở đây không dễ...
Tuy nhiên không ai được ngã lòng. Chúa ra lệnh thì Người ban khả năng, Người đã ban khả năng dồi dào khi tuôn đổ Thánh Thần. Từ ngày đó lòng mến của điều răn mới bốc cháy mọi nơi. Hôm nay chúng ta có thể nhìn thấy nó trong con người các tông đồ của bài sách Công vụ.

2. Thi Hành Lệnh
Phaolô và Barnaba đi giảng tin mừng. Các ông trẩy đi từ Antiôkia là nơi Thánh Thần đã dạy Hội Thánh phải để hai ông đi làm công việc của Chúa. Các ông đi hết thành này đến thành khác, từ đảo này sang đảo kia; lao nhọc, khó khăn, lo lắng, thử thách, xỉ nhục, tù đày, các ông đã chịu và chịu vui vẻ vì danh Chúa và vì yêu mến các linh hồn. Thật sự các ông đã yêu dân ngoại như Chúa đã yêu các ông. Các ông đã thi hành điều răn mới. Và người ta đã nhìn nhận rõ các ông là môn đồ của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã yêu mến môn đồ cho đến cùng nên đã phó nộp mình vì họ.
Không thể bảo đời các tông đồ là sung sướng được. Thế mà vừa chân ướt chân ráo lên khỏi thuyền bè tròng trành sóng gió, các ông đã để giờ khích lệ tâm hồn người ta và khuyên nhủ họ kiên vững trong đức tin. Có thể nói, các ông đối với người ta như Chúa Giêsu đối với các ông ở bàn tiệc ly; Chúa đã quên sự chết của mình để khuyên nhủ môn đồ kiên vững. Các ông cũng đã quên mình và số phận "khổ sở" của mình để khích lệ tâm hồn các môn đồ. "Vì chưng chúng ta phải trải qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Thiên Chúa". Các ông nói như vậy không những theo giáo lý của Chúa đã dạy phải đi vào con đường hẹp của mầu nhiệm thánh giá, mà còn theo kinh nghiệm bản thân và hiểu biết của mình. Rồi đây sói sẽ xông vào đàn chiên.
Viễn tượng ấy khiến các tông đồ đặt cho mỗi Hội Thánh một hàng niên trưởng và phó giao họ cho Chúa, Ðấng họ đã tin. Chắc chắn các ngài cũng muốn rằng bậc niên trưởng này sẽ cư xử với anh em như Chúa đã ăn ở với các môn đồ. Họ cũng chẳng phải thi hành điều răn mới và cũng là điều răn duy nhất của Chúa là họ hãy yêu mến lẫn nhau.
Phải chăng chúng tôi đã không vô tình trình bày khiến người ta có thể nghĩ điều răn mới của Chúa chỉ thi hành được trong đời sống tông đồ và nơi những người đứng đầu trong mỗi Hội Thánh? Ít nhất hết thảy chúng ta đều thấy các chức vụ trong Hội Thánh đều để thi hành bác ái, và mọi ơn gọi tông đồ đều lãnh trách nhiệm chứng tỏ lòng yêu mến của Chúa Kitô. Nhưng hết mọi tín hữu không phải là tông đồ sao? Các tông đồ nơi bàn tiệc ly đã là nền tảng của Hội Thánh mới sẽ được xây dựng lên sau ngày Chúa sống lại.
Chúng ta hết thảy đều là những viên đá sống đứng trên nền tảng các tông đồ. Các ngài đã nghe và nhận điều răn mới cho tất cả chúng ta. Và mọi người chúng ta phải thi hành điều răn mới đó. Không ai trong Hội Thánh được dửng dưng với phần rỗi của anh em và bao lâu người ta chưa hy sinh gì cho phần rỗi ấy, người ta chưa thi hành điều răn mới của Chúa và chưa chứng tỏ là môn đệ của Người.
Và điều này bổ túc cho những điều chúng ta đã nói trong Chúa Nhật trước về ơn gọi tông đồ. Và nếu tuần trước chúng ta đã thấy Chúa đặt Phêrô ở chức vụ chăn chiên, thì hôm nay thấy thánh Phaolô đặt hàng niên trưởng ở trong mỗi Hội Thánh, chúng ta phải suy nghĩ về phận sự của mỗi người phải hy sinh cho phần rỗi của anh em để thi hành điều răn mới của Chúa. Ðược như vậy chúng ta mới hy vọng được thấy như Gioan trong bài sách Khải huyền hôm nay.

3. Giêrusalem Mới
Gioan thấy vũ trụ của thời cánh chung. Trời cũ, đất cũ đã qua. Ðặc biệt, biển, nơi ấp ủ những sức mạnh độc dữ, không còn nữa. Thay vào cảnh cũ, đã có một trời mới và một đất mới. Và một Giêrusalem mới đã tự trời xuống, chỉnh tề như một tân nương. Ðó là dân mới của Thiên Chúa, và là Hội Thánh chúng ta. Tất cả đã sẵn sàng chờ đón đức lang quân. Và Người đã đến. Người là Thiên Chúa ở cùng họ. Người sẽ lau sạch nước mắt và khử trừ sự chết... Tất cả những điều cũ đều đã qua; và Chúa phán: Này Ta làm mới mọi sự.
Chắc chắn đây là những điều viết về Nước Trời sau này, nhưng lại căn cứ vào thực tại đã có và đang có. Ðức tin cho chúng ta biết, từ ngày Ðức Giêsu được tôn vinh trong mầu nhiệm chết và sống lại, cũ đã qua và mới đã đến. Giêrusalem cũ đã nhường chỗ cho Giêrusalem mới là Hội Thánh. Và Chúa Giêsu đã hứa ở cùng Hội Thánh hằng ngày cho đến tận thế, nên Người là Thiên Chúa ở cùng Hội Thánh và là Ðức Lang Quân của Hội Thánh. Và Thiên Chúa cũng đang làm mới mọi sự trong Hội Thánh, không phải ở bình diện nào sâu xa và rõ ràng hơn bình diện bác ái.
Thật vậy, người ta có thể thấy Hội Thánh là thế này hay thế kia, tùy theo thời đại và quan điểm của mỗi người. Nhưng luôn luôn và mãi mãi, cơ bản Hội Thánh là cộng đoàn có lòng yêu mến lẫn nhau, không phải bất cứ tình yêu mến nào nhưng là tình yêu mến làm cho mọi người thấy Hội Thánh là cộng đoàn môn đệ của Chúa Kitô và thi hành điều răn mới của Người. Những khi nào lòng yêu mến đó càng nổi, Hội Thánh càng là tân nương trang sức chờ đón đức lang quân...
Những điều này thật đáng suy nghĩ và đem ra thực hành. Có thể nói không lúc nào dễ thi hành hơn lúc này, khi cử hành thánh lễ. Ðây là khung cảnh bàn tiệc ly của Chúa Giêsu ngày xưa, đây là Hội Thánh của các tông đồ, đây là Giêrusalem mới. Chúa Giêsu sẽ tỏ lòng yêu mến môn đệ Người cho đến cùng trong mầu nhiệm ban thịt và máu rửa sạch linh hồn chúng ta. Người trao ban giới răn mới của Người. Người bảo chúng ta đây hãy yêu mến nhau như Người yêu mến. Chúng ta có nhìn vào nhau để nhận thấy nghĩa vụ phải lo cho phần rỗi của nhau thì mới là bác ái với nhau. Và một cái nhìn như vậy sẽ lôi theo bao nghĩa vụ, những nghĩa vụ có thể làm được và phải làm để cho người ta thấy chúng ta có lòng yêu mến của Chúa. Một Giêrusalem mới sẽ ở giữa chúng ta. Giêrusalem mới đó sẽ chiếu ánh sáng cứu độ của Chúa để dần dần cũ qua đi, mới đã đến, trời cũ đất cũ không còn, và một trời mới đất mới đã có đó để tôn vinh thêm cho Chúa Giêsu phục sinh, đợi ngày Người sẽ được Thiên Chúa tôn vinh nữa trong vinh quang bất diệt.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 5 Phục SinhNăm C
Bài đọcActs 14:20b-26; Rev 21:1-5a; Jn 13:31-33a, 34-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiện tại là kết quả của quá khứ và dọn đường cho tương lai.
Giáo Hội được thành hình không phải là chuyện tự nhiên dễ dàng; nhưng là do biết bao nhiêu công khó huấn luyện các tông đồ của Chúa Giêsu, sự hăng say rao giảng không biết mỏi mệt của các tông đồ và những người kế vị, và sự bảo vệ của biết bao các nhà lãnh đạo gìn giữ các tín hữu khỏi mọi lạc thuyết và tấn công của quỉ thần cũng như thế gian qua bao thời đại. Gian khổ không làm cho Giáo Hội yếu đi; nhưng càng làm cho Giáo Hội kiên trì hơn và chứng tỏ niềm tin của Giáo Hội dành cho Đức Kitô.
Các bài đọc hôm nay nêu bật giá trị của đau khổ trong việc đào luyện cá nhân cũng như Giáo Hội. Trong bài đọc I, Phaolô và Barnabas cho các tín hữu tân tòng biết sự thật: Họ phải trải qua nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa, và chính các ông cũng phải trải qua biết bao gian khổ để thành lập và nuôi dưỡng các cộng đoàn tiên khởi. Trong bài đọc II, tác giả Sách Khải Huyền nuôi dưỡng niềm hy vọng của các tín hữu để họ trung thành giữ vững đức tin bằng cách cho các tín hữu thấy trước những gì sẽ được: họ sẽ được ở với Thiên Chúa suốt đời, họ sẽ được chính Thiên Chúa cai trị, và họ sẽ không bao giờ phải chịu những đau khổ nữa. Trong Phúc Âm theo Gioan, giờ của Chúa Giêsu chịu treo trên Thập Giá là giờ Ngài được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được nơi Ngài. Trước giờ ra đi, Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ một giới răn yêu thương cách vô vị lợi, cách hy sinh tất cả, và trung thành yêu thương đến cùng. Người ta cứ nhìn vào cách yêu thương của các môn đệ, họ sẽ nhận ra ai là môn đệ thực thụ của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa."
1.1/ Phaolô và Barnabas hoạt động không ngừng để xây dựng Hội Thánh.
(1) Giáo Hội cần nhiều thợ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như Phaolô và Barnabas: Chỉ trong hai câu ngắn ngủi, nhưng đã nói lên công việc rao giảng của Phaolô và Barbabas trong 4 thành phố: Derbe, Lystra, Iconium và Antioch. Nếu hai ông không mạnh dạn chịu đựng đau khổ bước ra ngoài lãnh thổ của Do-thái, làm sao đạo của Đức Kitô tràn sang được Âu-châu?
(2) Hai ông không giấu các tín hữu con đường vinh quang qua đau khổ: Các ông không lừa dối các tín hữu bằng việc hứa hẹn theo Thiên Chúa sẽ không phải chịu đau khổ; trái lại, các ông báo trước cho họ biết: "Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa." Các ông muốn nói: Đức tin của họ sẽ bị thử thách bằng đau khổ; nhưng qua đau khổ, họ mới có cơ hội chứng tỏ niềm tin vào Đức Kitô và làm cho đức tin của họ ngày càng mạnh mẽ hơn.
1.2/ Sáng kiến của Phaolô và Barnabas trong việc xây dựng Hội Thánh.
(1) Những kỳ mục trong Hội Thánh: Phaolô và Barnabas biết hai ông không thể ở cố định một nơi để nâng đỡ và bảo vệ đức tin cho các tín hữu; nên “trong mỗi giáo đoàn, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.” Các Kỳ-mục là những người lớn tuổi, đã có kinh nghiệm nhiều, nên có thể đứng ra điều khiển các giáo đoàn địa phương cách trực tiếp. Phần Phaolô và Barnabas, hai ông tiếp tục lên đường thiết lập các giáo đoàn mới; nhưng hai ông sẽ trở lại để nâng đỡ và củng cố các giáo đoàn cũ khi có dịp.
(2) Tất cả là ân sủng của Thiên Chúa: Phaolô và Barnabas thú nhận việc hai ông hoàn thành sứ vụ được các tông đồ trao phó là do ân sủng của Thiên Chúa; chứ không phải do sức riêng của hai ông. Sau cuộc hành trình thứ nhất, hai ông vượt biển về Antioch, nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để lên đường truyền giáo cho Dân Ngoại.
2/ Bài đọc II: Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa.
2.1/ Những gì là cũ sẽ biến mất, cái mới sẽ xuất hiện.
(1) Quan niệm về “hình dạng lý tưởng” của Hy Lạp: Theo triết gia Plato, tất cả những gì hiện hữu nơi trái đất, đều có “hình dạng lý tưởng” nơi thế giới không thấy được. Vì thế, theo tác giả của Sách Khải Huyền trong một thị kiến, ông thấy: “trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Jerusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang.” Người xưa rất sợ đi biển, vì họ không có địa bàn để định hướng như chúng ta bây giờ. Khi phải đi tàu, họ thường lái song song với đất liền. Ngoài ra, dân chúng khắp nơi đã biết sức mạnh của gió, bão, nước, những cơn sóng thần đã tiêu diệt cả hàng trăm ngàn người. Theo thị kiến của tác giả Sách Khải Huyền: “biển sẽ không còn nữa,”
(2) Quan niệm của Do-thái về Jerusalem mới: Riêng về việc tái tạo Thành Jerusalem mới, chúng ta thấy bàng bạc trong các Sách ngôn sứ như Isaiah 54:11-12, 60:10-20; Haggai 2-9; Ezekiel 48:31-35; Tobit 13:16-18. Sách Khải Huyền cũng nhiều lần nói về Jerusalem mới trong tương lai sẽ được xây dựng toàn bằng đá quí, Con Chiên là ngọn đuốc soi thành, thành có 12 cửa, người muôn nước sẽ kéo đến để nhìn xem Jerusalem.
2.2/ Hiệu quả của sự trung thành với Thiên Chúa: Mục đích của tác giả khi viết Sách Khải Huyền là để củng cố đức tin của các tín hữu trong những cơn bách hại. Trình thuật hôm nay nêu bật 3 phần thưởng các tín hữu sẽ được nếu họ trung thành với Thiên Chúa.
(1) Thiên Chúa sẽ ở với họ: Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: "Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ.” Trong hành trình của con cái Israel suốt 40 năm trong sa mạc, Thiên Chúa đã ra lệnh cho ông Moses căng một chiếc Lều Hội Ngộ, trong đó có để Hòm Bia Thiên Chúa. Mục đích là để cho dân chúng biết Thiên Chúa luôn ở với họ. Những người chiến thắng cũng thế, họ sẽ được ở với Thiên Chúa suốt đời.
(2) Mối liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người: “ Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ ở với họ và là Thiên Chúa của họ.” Như Thiên Chúa đã hứa trong Sách Ngôn Sứ Jeremiah 31:31-34, Ngài sẽ ký kết với họ một giao ước mới. Theo giao ước này, Thiên Chúa sẽ là Chúa của họ; còn họ sẽ là dân của Ngài. Ngài sẽ bảo vệ họ tới muôn đời.
(3) Đau khổ và nước mắt sẽ không còn nữa: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất." Những gì các tín hữu phải trải qua trên thế gian chỉ tạm thời: bệnh tật phần xác, đau khổ phần hồn, chia ly cách biệt... Khi về với Thiên Chúa, Ngài sẽ cất sạch những đau khổ bất toàn này, và họ sẽ không còn phải chịu bất cứ một thứ đau khổ gì nữa. Điều này cũng đã được nói tới bởi ngôn sứ Isaiah 25:5-8.
3/ Phúc Âm: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
3.1/ Giờ tôn vinh trên Thánh Giá: “Khi Judah đi rồi, Đức Giêsu nói: "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.”
(1) Chúa Giêsu được tôn vinh:
+ Giờ Chúa Giêsu được giương cao trên Thập Giá là giờ Ngài được tôn vinh (Isa 52:13; Jn 12:23, 13: 1). Khi Ngài được giương cao trên Thập Giá, Ngài sẽ lôi kéo mọi người đến với Ngài (Jn 12:32). Trên Thập Giá, Chúa Giêsu hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó, và mang ơn cứu độ cho mọi người.
+ Khi Chúa Giêsu bị giương cao trên Thập Giá, Thiên Chúa siêu tôn Chúa Giêsu bằng cách ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (Phi 2:11).
(2) Thiên Chúa được tôn vinh:
+ Nhờ sự vâng phục của Chúa Giêsu, Thiên Chúa được tôn vinh: Tất cả những gì Chúa Cha đã phác họa trong Kế hoạch Cứu Độ được thành công, nhờ sự vâng lời của Chúa Giêsu. Ngài vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên Thập Giá (Phi 2:7c).
+ Nhờ sự vâng phục của Chúa Giêsu, con người yêu thương Thiên Chúa; thay vì chỉ biết kính phục và sợ hãi Ngài. Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu của Chúa Cha cho con người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Jn 3:16). Khi nhìn lên Thập Giá, con người không chỉ cảm thấy tình yêu của Chúa Giêsu đã hy sinh chết thay cho con người, mà còn cảm thấy tình yêu của Chúa Cha đã hy sinh Con Một cho thế gian đóng đinh Ngài.
3.2/ Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ:
(1) Cách vô vị lợi: Khi con người yêu thương, họ luôn trông tìm được gì nơi người họ yêu; khó lòng có thể kiếm được một người yêu thương người khác cách vô vị lợi. Khi Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ, Ngài không trông mong được hưởng gì nơi các ông, nhưng hoàn toàn cho đi.
(2) Cách hiểu biết: Khi mới gặp hay chỉ ở với nhau vài lần, con người thường dễ che đậy tật xấu và khuyết điểm của mình; nhưng khi đã ở với nhau lâu, mọi tật xấu và khuyết điểm bắt đầu lộ ra. Chúa Giêsu đã biết rõ tính tốt cũng như tật xấu của các môn đệ; tuy vậy, Ngài vẫn chấp nhận, hy sinh và yêu thương các ông.
(3) Cách trung thành đến cùng: Con người dễ ngừng yêu thương khi đối tượng không còn đáng yêu nữa; nhất là còn phản bội người đã yêu thương lo lắng cho mình. Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ đến cùng cho dẫu các ông đã phản bội Ngài. Chúa luôn đi bước trước, Ngài tìm đến với các ông khi Ngài sống lại.
3.3/ Dấu để mọi người nhận ra một người là môn đệ Chúa Giêsu: Chúa Giêsu trăn trối cho các môn đệ giới răn duy nhất: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”
Dấu để mọi người nhận biết một người là môn đệ Chúa Giêsu là yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương. Điều này bao gồm tất cả những điều trên là yêu thương cách vô vị lợi, yêu như người đó là, và trung thành yêu thương đến cùng cho dẫu bị phản bội.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Con đường hy sinh chấp nhận đau khổ là con đường Chúa Cha đã chọn, Chúa Giêsu đã đi qua, và người tín hữu phải chấp nhận mới có thể làm môn đệ của Chúa Giêsu.
- Con đường dễ dãi, tuy nhiều người chọn để đi; nhưng chỉ dẫn tới đổ vỡ và diệt vong.
- Phần thưởng cho những người chọn đi con đường thánh giá: họ sẽ được ở với Thiên Chúa mãi, không còn phải chịu hành hạ bởi đau khổ, và được sống muôn đời với Thiên Chúa.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


19/05/2019
CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – C
Ga 13,31-33a.34-35


YÊU NHƯ CHÚA YÊU
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)

Suy niệm: Yêu thương theo kiểu con người là yêu có điều kiện. Phản bội, yêu làm sao được? Vô ơn, yêu thế nào được? Chúng ta chỉ yêu những ai hợp ý và hợp những tiêu chuẩn chúng ta yêu cầu. Chúa Giê-su phê phán: lối yêu thương như thế không phải là yêu thương theo chuẩn mực của Thiên Chúa. Những người không biết, không tin Chúa, cũng yêu được như thế. Hôm nay Chúa Giê-su giới thiệu một lối yêu thương mới được Ngài làm gương, đó là yêu nhau như Chúa yêu chúng ta. Đây không chỉ là lời giới thiệu, mà còn là một mệnh lệnh của Chúa dành cho những ai muốn theo Chúa. Yêu như Chúa yêu là điểm mới mẻ của luật yêu thương của Chúa Giê-su. Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu bền vững, dẫu con người đang phản bội, dẫu họ khó yêu, Ngài vẫn yêu thương họ đến cùng. Tình yêu Chúa dành cho chúng ta là tình yêu luôn đi bước trước. Ngài yêu chúng ta đang lúc chúng ta phản bội Ngài. Thánh Phao-lô đã viết: “Chúa Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Do đó, yêu như Chúa yêu vừa là một lời kêu gọi, vừa là mệnh lệnh dành cho những ai muốn làm môn đệ Chúa.

Mời Bạn: Bạn đang có mối bất hòa với ai? Chúa mời bạn đi bước trước đến làm hòa và bền vững yêu thương họ như Chúa yêu thương bạn và yêu thương họ.

Sống Lời Chúa: Chào hỏi người đang có mối bất hòa hay bất đồng với bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con trở nên khí cụ tình yêu của Chúa, luôn vui tươi, thân thiện với mọi người.
(5 phút Lời Chúa)


Điều Răn Mới (19.5.2019 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)
Suy niệm:

Gandhi được coi là bậc đại thánh của dân Ấn Ðộ.
Ông say mê Kinh Thánh, nhất là bài giảng trên núi.
Ông nghĩ rằng Kitô giáo sẽ là câu trả lời thích đáng
cho những xung đột giữa các giai cấp ở Ấn.
Một ngày nọ ông đến dự lễ tại một nhà thờ.
Nhưng người giữ cửa ngăn ông lại, và bảo ông
nên đến dự lễ ở một nhà thờ khác dành cho người da đen.
Ông đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.
Có thể chúng ta đã mất một Kitô hữu tốt như Gandhi
chỉ vì có sự phân biệt màu da nơi nhà thờ.
Biết đâu thế giới này lại chẳng có nhiều Gandhi,
họ sống tinh thần Ðức Kitô còn hơn cả các Kitô hữu.
"Thầy ban cho anh em một điều răn mới:
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em."
Lời trăn trối của Ðức Giêsu vẫn làm chúng ta nhức nhối.
Ở đây Ngài không nhắc chúng ta yêu thương người ngoài,
nhưng Ngài đòi buộc các môn đệ Ngài yêu thương nhau.
Yêu thương nhau trở thành điều răn mới,
mới vì Ngài đòi họ phải yêu nhau như Ngài đã yêu họ.
Vấn đề cốt lõi là cảm nhận được tình yêu của Ngài.
Trước khi công bố điều răn mới này,
Ðức Giêsu đã rửa chân cho môn đệ, trong đó có Giuđa.
Ngài cúi xuống bên chân Giuđa để bày tỏ một tình yêu.
Sau đó Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa
như đưa ra một vẫy gọi thân thương cuối cùng. (x. Ga 13,26)
Nhưng vô ích, Giuđa không đổi ý.
Anh vẫn ra đi để làm điều mình muốn (x. Ga 13,31)
Ðức Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình.
Ngài sẽ yêu đến cùng bằng việc hiến mạng trên thập giá.
Ðức Giêsu đã yêu trước khi truyền cho ta yêu nhau.
Nếu ta không cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho ta,
thì ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn.
Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu:
đeo thánh giá nơi cổ, làm dấu thánh giá trước khi ăn...
Nhưng theo Ðức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của nhóm môn đệ
là tình yêu thương mà họ dành cho nhau:
cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại...
Giữa các môn đệ, có bao dị biệt, bao hàng rào.
Nếu không vượt qua được những hàng rào dị biệt này
thì coi như việc truyền giáo bị đổ vỡ.
Tiếc thay, vẫn chưa có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu
khác màu da, khác văn hoá, khác quan điểm chính trị...
Có bất đồng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở Nga,
giữa người Công Giáo và người Tin Lành ở Bắc Ailen.
Ðến bao giờ mọi Kitô hữu có thể đọc chung kinh Lạy Cha,
mừng chung với nhau lễ Phục Sinh trong một ngày,
cử hành chung với nhau một phụng vụ.
Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu.
Ước gì thế giới Kitô trở thành một ốc đảo xanh tươi
mời mọi người đặt chân tới.
Cầu nguyện:


Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng và thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hạnh Các Thánh
19 Tháng Năm
Thánh Giáo Hoàng Celestine V
 (1215 -- 1296)


    Thánh Celestine, tên thật là Phêrô Morrone, sinh trong một gia đình nghèo ở nước Ý và ngài là thứ mười một trong gia đình mười hai người con. Năm hai mươi tuổi, Phêrô từ giã mái trường và sống khổ hạnh trong một hầm nhỏ mà ngài đào ở dưới đất. Sau ba năm, ngài gia nhập dòng Biển Ðức và được thụ phong linh mục ở Rôma.

    Ðến năm 1246, ngài trở về Abruzzi, và sống năm năm trong một cái hang ở Morrone, gần núi Sulmona. Ðể chống lại các cám dỗ, ngoài thời giờ cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, ngài lao động thật cực nhọc hoặc sao chép lại các sách thiêng liêng. Ngài không bao giờ ăn thịt và giữ chay bốn lần trong một năm. Ngoài ra, ngài còn mặc áo nhặm, đeo giây lưng bằng sắt, ngủ trên mặt đất hoặc tấm ván thô và dùng củi hoặc đá để gối đầu. Thân xác ngài càng tiều tụy thì tinh thần ngài càng thăng tiến. Nhiều người đến với ngài và bắt chước lối sống khổ hạnh ấy. Sau cùng ngài phải thành lập một dòng tu và cho đến khi từ trần, trên toàn Âu Châu đã có ba mươi sáu đan viện và sáu trăm đan sĩ nam nữ sống theo quy luật của ngài.

    Sau khi Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV từ trần, Giáo Hội không có người kế vị trong hai năm và ba tháng, và vì nghe tiếng thánh thiện của Cha Phêrô, hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng, lúc ấy đã tám mươi bốn tuổi. Ngài đau khổ khi nghe tin ấy, nhưng phải chấp nhận và lấy tên là Celestine V. Quyết định ấy đã đưa đến nhiều thảm họa vì Ðức Celestine không thích hợp với vai trò giáo hoàng trong bất cứ khía cạnh nào khác, ngoại trừ sự thánh thiện.

    Ngài làm giáo hoàng chỉ có năm tháng. Bởi vì ngài quá khiêm tốn và đơn sơ nên bị nhiều người lợi dụng. Ngài trở thành con cờ chính trị của Vua Charles II nước Naples. Không bao lâu nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong Giáo Hội. Sau cùng, ngài quyết định từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Ðoàn vì đã không chu toàn nhiệm vụ cai quản Giáo Hội. Thật là một nghĩa cử khiêm tốn biết chừng nào!

    Tưởng được yên thân để sống đời ẩn dật như trước, nhưng hậu quả của các quyết định trong thời gian ngài làm giáo hoàng đã để lại nhiều nghi vấn nơi vị tân giáo hoàng kế nhiệm, do đó, Ðức Boniface VIII đã giam ngài trong thành Fumone. Ở đây, ngài bị sỉ nhục và chịu gian khổ, nhưng không hề than thở một lời. Trái lại, ngài còn gửi thư cho Ðức Boniface cho biết ngài rất hài lòng và không còn muốn gì hơn. Ngài thường nói: "Tôi không mong muốn gì hơn ở thế gian này ngoài căn phòng nhỏ hẹp; và họ đã cho tôi toại nguyện."

    Trong thời gian tù đầy, ngài thường hát thánh vịnh đêm ngày. Một ngày trong tháng Năm 1296, ngài báo trước với lính canh là ngài sẽ chết vào cuối tuần. Thật vậy, sau khi kết thúc bài thánh vịnh trong giờ kinh sáng ngày thứ Bảy 19-5, ngài trút hơi thở cuối cùng. Trong mười tháng tù đầy, ngài không bao giờ giảm bớt lối sống khắc khổ.

    Nhờ lời cầu bầu của ngài, nhiều phép lạ đã được ghi nhận, và ngài được Ðức Clêmentê V phong thánh năm 1313.


    Trích từ NguoiTinHuu.com

19 Tháng Năm
Tôi Chết Thay Cho Thầy Tôi
    
    Một tu sĩ Hồi Giáo nọ quy tụ được 60 môn sinh. Sau một thời gian giáo huấn họ, ông quyết định như sau: Ta thấy đã đến lúc phải làm một cuộc hành trình mới. Ta không biết những gì sẽ xảy ra cho thầy trò chúng ta. Các ngươi hãy tuân giữ các điều ta đã truyền dạy cho các ngươi. Hãy nhớ điều này: trong bất cứ lúc nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn: "Tôi chết thay cho thầy tôi".

    Ðám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một đề nghị xem ra điên rồ như thế, cho nên 59 người đã bỏ cuộc trở về với nếp sống cũ của họ. Chỉ có một người chấp nhận điều kiện và quyết tâm đi theo thầy mình cho đến cùng. Hai thầy trò lên đường mà không biết đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc tới một thành phố do một bạo chúa cai trị. Không bao lâu thì họ vào thành phố, ông bạo chúa đã ra lệnh cho các binh lính như sau: "Các ngươi hãy bắt giữ lấy tên du thử du thực đầu tiên và điệu đến đây cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để làm một bài học cho bọn vô lại trong thành phố này".

    Thế là bọn lính đã đến bắt người đệ tử của vị tu sĩ và điệu đến trước mặt bạo chúa. Giữa lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu, thì vị tu sĩ mới xuất hiện giữa đám đông và hô lớn: "Thưa quan lớn, xin hãy giết tôi, vì chính tôi là người đã dụ dỗ thanh niên này bỏ nhà ra đi để sống kiếp sống lang thang như tôi". Nói xong ông giơ tay lên trời.

    Vừa thấy cử chỉ ấy của vị thầy, người thanh niên mới gào lên: "Thưa quan lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi".

    Quan bạo chúa nghe thế, mới hỏi các viên cố vấn của mình như sau: "Họ là ai mà sẵn sàng chết thay cho nhau?". Quan bạo chúa mới cho điệu vị tu sĩ đến trước mặt và yêu cầu giải thích cho cặn kẽ về mối tương quan giữa thầy trò.

    Vị tu sĩ Hồi Giáo mới bình tĩnh phát biểu như sau: "Thưa quan lớn, chúng tôi có nghe nói rằng bất cứ ai được giết trong thành phố này đều được phúc trường sinh bất tử. Dĩ nhiên, nghe biết như thế, cho nên thầy trò chúng tôi mới hăm hở đến đây để được chết như thế".

    Nghe thế, quan bạo chúa mới mỉm cười, rồi ra lệnh trả tự do cho họ. Người môn sinh chợt hiểu được rằng ai hy sinh mạng sống mình thì sẽ tìm lại được nó.

    Cái chết của Ðức Kitô trên thập giá đều là vô nghĩa, nếu cái chết đó không phải là cái chết cho mọi người. Thập giá của Ðức Kitô sẽ chỉ là một ô nhục, nếu thập giá đó không là biểu trưng của tình yêu, sự hy sinh.

    Bước theo Ðức Kitô trong cuộc tử nạn, vác lấy thập giá và đi theo Ngài không là một việc làm nhiệm ý và tùy hứng, nhưng là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi Kitô. Con đường của Ðức Kitô chính là con đường của tình yêu, của hy sinh hiến thân cho người khác.

Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét