Trang

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Đức Bênêđíctô XVI và cuộc tranh luận hào hứng quanh các giải thích về tính bất khả thu hồi của Giao Ước Cũ, Tranh Luận (bài 5)


Đức Bênêđíctô XVI và cuộc tranh luận hào hứng quanh các giải thích về tính bất khả thu hồi của Giao Ước Cũ, Tranh Luận
Vũ Văn An


II. Cuộc tranh luận giữa Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI và Trưởng Giáo Sĩ Do Thái Giáo của Vienna, Arie Folger, về tính vĩnh viễn của giao ước Sinai

Như đã nói, thoạt đầu tiểu luận trên của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI viết cho nội bộ Ủy Ban Liên Hệ Tôn Giáo với người Do Thái, nhưng rồi nhận thấy các nhận định của Đức Bênêđíctô XVI hữu ích cho cuộc đối thoại giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo, Chủ Tịch Ủy Ban là Đức Hồng Y Kurt Koch, đã quyết định cho phổ biến công khai trên tờ Communio số Xuân 2018. Chính vì thế, tiểu luận đã được nhiều người lên tiếng, có lúc rất gay gắt, nhưng cuối cùng quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI được coi là trung thực và phản ảnh viễn kiến đúng đắn của Kitô Giáo và là nền tảng của cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo hiện nay.

Trong số các thần học gia Công Giáo có Cha Christian M. Rutishauser, Bề trên Tỉnh Dòng Tên Thụy Sĩ, lên tiếng với bài “The Unrevoked Covenant” đăng trên Stimmen der Zeit 10 (tháng 10, 2018) cho rằng bài nhận định của Đức Bênêđíctô XVI làm rối loạn cuộc đối thoại Do Thái – Công Giáo. Vì một đàng, bài nhận định đã dành cho thuyết “thay thế” (supersessionism=Giáo hội đã thay thế Israel) một tính đáng kính mới và đàng khác, học lý “giao ước không bao giờ bị thu hồi” về lâu về dài sẽ không còn giá trị vì Giao Ước của Thiên Chúa với Israel tại Sinai đã “được biến đổi” trong Chúa Kitô nên, thực tế, đã bị thay thế.

Tuy nhiên, một giáo sĩ cao cấp trong Do Thái là Arie Floger, Trưởng Giáo Sĩ của Vienna, trên tạp chí Jüdische Allgemeine, số 19 tháng Bẩy, 2018, lại có một nhận định khác khi chỉ đặt câu hỏi phải chăng tiểu luận “Gây nguy hiểm cho đối thoại?” và do đó, hai bên đã khởi sự một cuộc trao đổi hữu ích. Chúng tôi chuyển ngữ các nhận định qua lại giữa hai vị.

1.Nhận định của Trưởng Giáo Sĩ Do Thái Giáo tại Vienna

Cùng một lúc với việc các đại diện Do Thái Giáo và Công Giáo tụ họp nhau ở Vienna ngày 26 tháng 10 năm ngoái để cử hành việc hân hoan trình bầy ấn bản tiếng Đức bản tuyên ngôn của giới giáo sĩ Do Thái Giáo “Giữa Giêrusalem và Rôma”, thì mực các dòng cuối cùng trong một bản văn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vẫn chưa khô. Nay thì nó đã xuất hiện trên tạp chí thần học Communio – và đang tạo ra các hàng tít lớn.

Trong tranh luận công cộng, người ta cho hay bản văn ấy hành động ngược lại tinh thần của tuyên ngôn Nostra Aetate đã có từ hơn 50 năm nay và có thể gây nguy hiểm cho cuộc đối thoại Công Giáo-Do Thái Giáo, thậm chí đặt nền cho một chủ nghĩa bài Do Thái mới của Kitô Giáo. Điều ấy có đúng không?

DÀNH QUYỀN CỨU RỖI 

Đối với thần học gia Dòng Tên Christian Rutishauser, bản văn gây thất vọng nhiều mặt. Rutishauer viết trên Neue Züricher Zeitung rằng nó vượt ra ngoài mục đích của nó nếu nó quả nhằm “bảo vệ chủ trương cho rằng ơn cứu rỗi của Chúa Kitô có tính phổ quát ngược với thuyết duy tương đối”. Rutishauser cho rằng chỉ với một thái độ tích cực hơn nhiều đối với Do Thái Giáo sống động “người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo mới có thể sống trong một mối liên hệ biết đánh giá nhau cao và mới lắng nghe lẫn nhau vì đức tin”.

Tôi đã đọc bản văn gây tranh cãi này. Tôi cảm nhận rất khác: tôi thấy bản văn này được viết bởi một thần học gia Công Giáo bảo thủ, cỡ lớn để sử dụng trong nội bộ Vatican. Do đó, nó nên được đánh giá bằng các tiêu chuẩn ngôn luận công khai và liên tôn.

TUYÊN BỐ 

Và dù Đức Bênêđíctô không nhắc đến tuyên bố của chúng tôi [“Giữa Giêrusalem và Rôma”] nhưng rõ ràng nó có đóng một vai trò quan trọng trong suy tư của ngài. Ngài hoàn tất trước tác của ngài 8 tuần sau khi chúng tôi đến viếng Vatican và đệ trình bản chính thức lên vị kế nhiệm ngài là Đức Phanxicô.

Bản văn của Đức Giáo Hoàng chứa đựng những gì? Đức Bênêđíctô nắm chắc hai luận điểm lớn của tuyên bố “Vì Hồng Phúc và Ơn Gọi của Thiên Chúa có tính bất khả thu hồi” do Ủy Ban Toà Thánh về Các Liên Hệ Tôn Giáo với Người Do Thái công bố năm 2015. Ngài đưa ra lập trường về hai luận điểm này như sau: thứ nhất, hiện nay Giáo Hội không còn tự coi mình là Israel mới được chọn để thay thế cho Israel nay đã bị bác bỏ nữa (như thế nay là một luận điểm lỗi thời đối với Vatican) nghĩa là lý thuyết mệnh danh là thay thế (supersessionism); thứ hai, hiện nay Giáo Hội nhìn nhận rằng giao ước của Thiên Chúa với Dân Israel có tính vĩnh viễn và bất khả thu hồi.

CÁC LUẬN ĐIỂM

Đối với Đức Bênêđíctô, hai luận điểm phải được đào sâu và làm rõ để chúng có nghĩa theo viễn tượng Kitô giáo. Đối với thuyết thay thế, Đức Bênêđíctô cho rằng nó không bao giờ hiện hữu. Ngài nhìn thấy trong nhiều nguồn Tân Ước khác nhau một xác nhận cho rằng người Do Thái sẽ tồn tại như một cộng đồng riêng biệt cho đến tận thế. Họ giữ một vị trí đặc biệt trong thần học Kitô giáo, đặc biệt như những người sở hữu Kinh thánh Do Thái, mà các Kitô hữu tiếp tục coi là lời của Thiên Chúa và là điều mà họ cam kết.

Còn khi người Do Thái và Kitô hữu giải thích Torah cách khác nhau và sống lề luật của chúng cách khác nhau, thì điều này là do các cách đọc và nền thần học khác nhau, chứ cả hai đều cam kết đối với bản văn. Vì Giáo hội của Đức Bênêđíctô chưa bao giờ chấp nhận một học lý thay thế, nên người ta chỉ có thể nói về học lý này trong các lĩnh vực chuyên biệt: ví dụ, các Kitô hữu tin rằng sau khi phá hủy đền thờ và đóng đinh Chúa Giêsu, các luật về hy lễ sẽ có một ý nghĩa cao hơn đối với các Kitô hữu và do đó sẽ được sống về phương diện tâm linh. Việc giải thích lại này không thể chấp nhận được cũng như không có ý nghĩa gì đối với người Do Thái cũng như không phù hợp với Halacha.

CHỦ NGHĨA XÉT LẠI 

Luận điểm của Đức Bênêđíctô rằng học lý thay thế không bao giờ là một phần trong học thuyết của Giáo hội thực ra là chủ nghĩa xét lại phi lịch sử, một chủ nghĩa vốn làm ngơ các đau khổ thực sự đã gây ra cho người Do Thái trong nhiều thế kỷ vì học thuyết "Verus Israel" ["Israel thực sư"]. Bất chấp các cố gắng triết học của Đức Bênêđíctô, tác phẩm điêu khắc Synagoga (Nguyện Đường Do Thái) trên mặt tiền của Nhà thờ chính tòa Strasbourg vẫn là một bức điêu khắc về một người đàn bà bị bịt mắt, trong khi Ecclesia (Giáo hội) là một người đàn bà sáng mắt. Ngay cả "Judensäue" ["Con Heo Nái Do Thái"] trên các nhà thờ chính tòa Đức cũng không đột nhiên biến mất.

Luận điểm thứ hai của Đức Bênêđíctô là Giáo hội vốn tuyên nhận rằng giao ước của Thiên Chúa với dân Israel là vĩnh cửu và bất khả thu hồi; và luận điểm này đặc biệt quan trọng đối với cuộc đối thoại Kitô giáo và người Do Thái giáo. Ủy ban Vatican đã đề cập đến điều này trong tuyên bố của mình như sau "Giáo Hội Công Giáo không biết và không hỗ trợ việc truyền giáo có tính định chế chuyên biệt, nhắm vào người Do Thái".

Đối với Đức Bênêđíctô, luận điểm thứ hai này “phải được coi là chính xác, nhưng về chi tiết vẫn cần nhiều minh giải và chuyên biệt hóa (specifications). Có thể cho rằng theo ý kiến của ngài, người Do Thái chỉ có thể đạt được sự cứu rỗi nhờ Chúa Giêsu.

CÁC HOÀI MONG

Nhiều nhà bình luận tỏ ra rất khó chịu vì điều trên, một điều tôi không thể hiểu nổi. Chúng ta mong đợi gì từ một vị giáo hoàng? Chúng ta có thực sự mong đợi các Kitô hữu chấp nhận Do Thái giáo như một đường tránh (detour) hợp pháp ra khỏi giáo lý của Giáo hội không?
Chúng tôi [người Do Thái] không cần sự xác nhận của Giáo hội để tin vào sự thật của Do Thái giáo. Do đó, chúng tôi có thể tin tưởng vào tổ tiên của chúng tôi, những người đã cho chúng tôi kinh Torah và sự giải thích giá trị của họ về nó trong một chuỗi liên tục từ Sinai cho đến ngày nay. Chúng tôi không phụ thuộc vào Giáo hội để nhận được sự cứu rỗi, cũng không quan tâm đến việc hợp pháp hóa đường đi của Giáo hội hoặc ban cho Giáo hội sự cứu rỗi. Chúng ta là hai tín phái độc lập khác nhau. Nhưng chúng ta cùng nhau tuyên xưng tình anh em của mình. Công trình liên tôn của chúng ta không làm lu mờ các dị biệt của chúng ta, nhưng chúng ta muốn làm việc với nhau bất chấp các khác biệt căn bản.

Một nguyên tắc quan trọng của đối thoại liên tôn là chúng ta thừa nhận quyền tự chủ của nhau và tôn trọng ranh giới tương ứng của chúng ta.

GIAO ƯỚC

Trong khi có những nhà thần học Kitô giáo, cả Công Giáo lẫn Thệ Phản, muốn thấy một giao ước đôi sau khi Thiên Chúa đã thiết lập hai cộng đồng tách biệt. Một giao ước với dân Do Thái, những người - không tin Chúa Giêsu và không tin Tân Ước – nhưng chỉ tuân thủ hoàn toàn Halacha mà vẫn đạt được sự cứu rỗi. Giao ước kia sau đó đã được thực hiện với các Kitô hữu qua trung gian của con người và giáo huấn Chúa Giêsu. Nhưng quan điểm này không phải là chính dòng.

Xin lưu ý rằng ngay cả trong các tuyên bố của Vatican có lợi nhất cho người Do Thái, vẫn luôn nói tới giao ước Ápraham chứ không bao giờ nói tới giao ước Môsê hay giao ước Sinai. Nhiều Kitô hữu hiểu sự kiện này là cho đến ngày nay Thiên Chúa vẫn không thay thế giao ước Ápraham, một giao ước được họ hiểu là có thể được giải thích dù người Do Thái không tin Chúa Giêsu, và chúng ta [người Do Thái] có liên hệ tới Người, và một giọt máu đào bao giờ cũng hơn cả một ao nước lã (máu đặc hơn nước). Tuy nhiên, với một giao ước thay thế cho Sinai, nhiều người Do Thái sẽ gặp các vấn đề thần học quan trọng, nhất là vì các tín lý cốt lõi của Kitô giáo không thể chấp nhận được về phương diện tín lý Do Thái (halachically unacceptable).

UỶ BAN

Ủy ban của Vatican cũng đang cố gắng hết sức để hiểu giao ước bất tận với Ápraham, năm 2015 gọi nó là "mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa". Đức Bênêđíctô chỉ cố ý làm sáng tỏ mầu nhiệm này trong tư tưởng của Vatican.

Tuy nhiên, đề nghị của Đức Bênêđíctô về việc các Kitô hữu nên dạy người Do Thái cách hiểu các đoạn văn liên hệ trong Kinh thánh tiếng Do Thái là điều gây vấn đề. Có phải ngài bác bỏ cam kết của Ủy ban Giáo hoàng sẽ ngưng việc truyền giáo cho người Do Thái không? Trong nhiều thế kỷ, người Do Thái từng bị buộc phải cải đạo. Sau khi rất nhiều máu Do Thái đã bị đổ bởi phong trào bài Do Thái của Kitô giáo, Đức Bênêđíctô nên nói rõ ràng về việc không thể có thái độ tích cực nào đối với việc truyền giáo cho người Do Thái.

Một chủ đề thứ ba trong bản văn của Đức Bênêđíctô xứng đáng được chúng ta chú ý: Lập trường của Giáo hội đối với chủ nghĩa Zion. Đức Bênêđíctô nhìn nhận rằng việc người Do Thái trở lại với Zion là điều không thể tin được về mặt thần học. Do đó, trong nhiều thập niên, Giáo hội đã cố gắng phớt lờ bất cứ giải thích tôn giáo nào về nguồn gốc của nhà nước Israel. Đối với Giáo hội, Israel là một quốc gia giống như bất cứ quốc gia nào khác và việc công nhận nhà nước đó dựa trên tuyên bố của Vatican rằng người Do Thái cũng được quyền có một quê hương. Một cách gián tiếp, Đức Bênêđíctô hiện nay nhận rằng lập trường này khó có thể duy trì được nữa.

Căn cứ vào lời ngài cho rằng "những lời hứa của Kinh thánh như thế không thể được” nhà nước Do Thái “coi là đã thể hiện hoàn toàn", chúng ta thấy ngài ý thức rõ sự hạ giá chủ nghĩa Zion về phương diện thần học xem ra không trung thực và không nghiêm túc như thế nào. Đúng, đã đến lúc để Giáo hội nhận ra rằng việc trở về Zion có ý nghĩa tôn giáo. Mặc dù người Do Thái chúng ta tranh luận nội bộ với những người Do Thái khác về ý nghĩa tôn giáo của chủ nghĩa Zion, sự kiện là nó có ý nghĩa vẫn rõ ràng cả đối với phái Satmar Hasidim chống Zion.

LƯU ĐẦY

Như đã đề cập, bài viết của Đức Bênêđíctô có ý định trở thành một tài liệu nội bộ của Vatican. Do đó, điểm cuối cùng sau đây không phải là một lời chỉ trích, nhưng vẫn là một phản ứng quan trọng: Đức Bênêđíctô hiểu việc lưu đày của người Do Thái gần đây và lâu dài nhất hoàn toàn theo quan điểm Kitô giáo - không giống như mọi điểm chính khác, trong đó ngài cũng xét tới quan điểm của người Do Thái. Cuộc lưu đày lâu dài đã chứng tỏ rằng việc mong đợi sự xuất hiện của Đấng Mêxia theo sự hiểu biết của người Do Thái và việc xây dựng lại Israel và đền thờ là không thực tế; lời hứa ban lãnh thổ cũng lỗi thời. Không, thưa Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđíctô, chúng tôi không tri nhận thực tại cách đó chút nào!

Trong "Giữa Giêrusalem và Rôma", chúng tôi đã nói như sau: "Khi Thiên Chúa chọn Ápraham, Ysaác và Giacốp, Người giao cho họ một sứ mệnh hai mặt để thành lập quốc gia Israel, một quốc gia sẽ để lại, định cư và thiết lập một xã hội kiểu mẫu tại đất thánh đã hứa cho Israel, trong khi cùng một lúc phục vụ như một nguồn ánh sáng cho cả nhân loại. ... Sau giờ phút đen tối nhất kể từ khi đền thờ thánh thiêng của chúng ta bị phá hủy ở Giêrusalem, khi sáu triệu anh em của chúng ta bị giết hại tàn nhẫn và than hồng xương cốt của họ còn đang âm ỉ trong các dàn hỏa táng Đức quốc xã, giao ước vĩnh cửu của Thiên Chúa lại một lần nữa được biểu lộ, khi những người sống sót của dân tộc Israel đã hồi sinh ý thức Do Thái một cách kỳ diệu. Các cộng đồng đã được tái lập khắp các nơi Phân Tán, và nhiều người Do Thái đáp lại lệnh kèn kêu gọi trở về Eretz Yisrael, nơi một quốc gia Do Thái có chủ quyền mọc lên”. Chúng tôi hiểu điều này theo lời hứa trở thành một Mamlechet Kohanim wegoj kadosch, vương quốc các tư tế và dân tộc thánh (2 Sách Môsês [ Xuất hành] 19: 6).

Kỳ tới: Bài trả lời của Đức Bênêđíctô XVI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét