Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

23-09-2019 : THỨ HAI - TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN


23/09/2019
 Thứ Hai tuần 25 thường niên

BÀI ĐỌC I: Esd 1, 1-6
“Ai thuộc dân Chúa, hãy lên Giêrusalem và xây cất nhà Chúa”.
Khởi đầu sách Esdra.
Năm thứ nhất triều đại Kyrô vua nước Ba-tư, để ứng nghiệm lời Chúa đã phán bởi miệng Giêrêmia, Chúa giục lòng Kyrô vua nước Ba-tư, và ông truyền công bố bằng lời rao và sắc chỉ trong khắp nước rằng: “Đây là lệnh của Kyrô vua nước Ba-tư: Chúa là Chúa Trời đã ban cho ta mọi nước trên mặt đất, chính Người truyền dạy ta phải xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong nước Giuđêa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Người? Xin Thiên Chúa của nó ở cùng nó. Nó hãy lên Giêrusalem trong xứ Giuđêa, và xây cất nhà của Chúa là Thiên Chúa Israel, chính Người là Thiên Chúa ngự ở Giêrusalem. Và tất cả những người khác đang cư ngụ bất kỳ nơi nào, thì từ nơi mình ở, hãy giúp họ bằng vàng bạc, của cải và súc vật, đừng kể những gì tình nguyện dâng cho đền thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem.
Các trưởng tộc thuộc chi họ Giuđa, Bêngiamin, các tư tế, các thầy Lêvi và mọi người được Chúa thúc giục trong lòng, đều vùng dậy tiến lên, để xây cất đền thờ Chúa ở Giêrusalem. Toàn thể dân chúng sống trong vùng lân cận cũng tiếp tay giúp họ vàng bạc, của cải, súc vật, những đồ quý, không kể những gì họ tự ý dâng cúng. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Đáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi (c. 3a).
Xướng:
1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ; bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. – Đáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. – Đáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. – Đáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. – Đáp.

ALLELUIA: Gc 1, 21
Alleluia, alleluia! – Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng; lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 8, 16-18
“Đặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi”. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Ngọn Ðèn Ðức Tin
Bất cứ du khách nào sau một lần viếng thăm nước Mỹ, cũng đều phải thán phục tinh thần làm việc và óc thực dụng của người Mỹ: tất cả những nghiên cứu của đại học đều được kỹ nghệ đỡ đầu, tất cả những phát minh mới của khoa học đều tìm được ứng dụng trong kỹ nghệ. Người Kitô hữu có thể nhìn vào đó để rút ra bài học cho đời sống đức tin của mình không?
Thánh Giacôbê Tông đồ đã viết: "Một đức tin không có việc làm là đức tin chết". Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hàng ngày phải chăng không là đức tin chết?
Trong Tin Mừng hôm nay, khi đưa ra hình ảnh chiếc đèn, Chúa Giêsu muốn nối lại truyền thống thực tiễn của Cựu Ước. Cựu Ước không thích những lý luận trừu tượng, uyên bác của Hy Lạp. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước không lý giải về những phẩm tính trừu tượng của Ngài, nhưng tìm cách đo lường sự trung thành của Ngài trong lịch sử nhân loại. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước luôn nói đến những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Khi Thiên Chúa phán một lời, lời đó không phải là một lời nói suông, mà trở thành thực tế; Thiên Chúa không chỉ nói qua các tiên tri, nhưng cuối cùng Lời của Ngài đã thành xác phàm.
Chiếc đèn được đốt lên phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Ðây là hình ảnh cuộc sống đức tin của người Kitô hữu: cũng như chiếc đèn, đức tin cần phải được thắp lên và chiếu sáng; nó phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Ðấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người. Người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 25 TN1
Bài đọcEzr 1:1-6; Lk 8:16-18.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có uy quyền điều khiển tâm trí con người.
Thay đổi tâm tính một người là điều không thể đối với con người; nhưng là điều có thể đối với Thiên Chúa, vì Ngài có uy quyền điều khiển tâm trí người đó từ bên trong.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật uy quyền điều khiển tâm trí con người. Trong bài đọc I, Sách Ezra tường thuật biến cố vua Cyrus của Ba-tư, được Thiên Chúa tác động trên tâm trí, đã ban chiếu chỉ phóng thích dân Do-thái, cho về hồi hương để tái thiết Đền Thờ tại Jerusalem, xứ Judah. Không những thế, ông còn lo lắng cho dân Do-thái có đủ tài chánh để hoàn thành việc tái thiết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy biết sống thành thực và làm gương sáng, vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sụ xảy ra trong tâm hồn con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất.
1.1/ Đức Chúa tác động trên tâm trí Cyrus, vua Ba-tư: Ngôn-sứ Jeremiah đã loan báo trước Thời Lưu Đày là 70 năm (Jer 25:12; 29:10). Việc vua Cyrus làm là để được ứng nghiệm những gì đã được loan báo bởi ngôn sứ Jeremiah khi chưa bị lưu đày. Điều này cho thấy mọi việc xảy ra là trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Trình thuật của Ezra hôm nay cho chúng ta một cái nhìn sâu bên trong làm thế nào Thiên Chúa điều khiển con người: Ngài tác động trên tâm trí con người. Nói cách khác, Ngài điều khiển tâm trí con người bằng việc gởi Thánh Thần của Ngài vào tâm hồn vua Cyrus, để Nhà Vua thi hành những gì Ngài muốn. Được Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn, Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau: “Cyrus, vua Ba-tư, phán thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người đã trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một Ngôi Nhà ở Jerusalem tại Judah.”
Vua Cyrus nhận ra Đức Chúa là Thiên Chúa trên trời, và chiến thắng của Nhà Vua tại Babylon là do sự sắp đặt của Thiên Chúa: “Ngài ban cho ta mọi vương quốc dươi đất.” Nhà Vua đón nhận thánh ý của Thiên Chúa để thực thi: “Chính Người đã trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một Ngôi Nhà ở Jerusalem tại Judah.” Tại sao lại phải tái thiết Đền Thờ Jerusaem tại Judah, mà không xây một Đền Thờ khác ngay trong vương quốc? Thưa vì Thiên Chúa muốn như vậy. Không một quyền lực nào trong thế gian có thể điều khiển một Vua Dân Ngoại chưa biết Thiên Chúa thốt lên những lời này, chỉ có quyền lực của Thiên Chúa điều khiển tâm trí của Nhà Vua từ bên trong.
1.2/ Tất cả những người được Thiên Chúa tác động trên tâm trí, hãy trỗi dậy để đi lên xây Nhà Đức Chúa ở Jerusalem.
Sắc chỉ của Nhà Vua là thế; nhưng để tái thiết Đền Thờ, cần đến nhiều việc phải xảy ra:
(1) Dân Do-thái phải ao ước được về Jerusalem: Tuy sống khổ cực trong nơi Lưu Đày, nhưng phải về quê hương để tái thiết Đền Thờ vơi hai bàn tay trắng là điều không dễ làm. Điều này cũng được vua Cyrus nói đến: “Những người đứng đầu các gia tộc của Judah và Benjamin, các tư tế và các thầy Lêvi, tất cả những người được Thiên Chúa tác động trên tâm trí, trỗi dậy để đi lên xây Nhà Đức Chúa ở Jerusalem .”
(2) Phải có tài chánh để xây dựng Đền Thờ: Tái thiết Đền Thờ Jerusalem là một công trình khó khăn đòi rất nhiều tài chánh. Vua Cyrus không những phóng thích cho dân Do-thái về xây dựng Đền Thờ, lại còn lo lắng cho họ có đủ tài chánh để hoàn thành nhiệm vụ. Vua truyền cho dân chúng như sau: “Và mọi người còn lại ở bất cứ nơi nào họ đang trú ngụ, phải được dân địa phương cấp cho bạc vàng, của cải và thú vật, cũng như lễ vật tự nguyện, để dâng cúng cho Nhà Thiên Chúa ở Jerusalem. Mọi người hàng xóm láng giềng đều mạnh tay giúp họ: bạc, vàng, của cải, thú vật, những đồ vật có giá, không kể mọi lễ vật tự nguyện.” Nói cách khác, giống như hồi dân Do-thái còn ở bên Ai-cập trước khi xuất hành, Thiên Chúa “tác động trên tâm trí” của dân chúng trong đế-quốc Ba-tư để họ tình nguyện giúp dân Do-thái hoàn thành dự án của cua Cyrus.
2/ Phúc Âm: Cuộc sống của Kitô hữu.
Đọan Phúc Âm tuy rất ngắn nhưng cho chúng ta 3 tư tưởng chính tương ứng với 3 câu:
2.1/ Đời sống của Kitô hữu là làm gương sáng cho mọi người chung quanh. Chúng ta có thể rao giảng bằng Lời Chúa hay bằng chính cuộc sống của chúng ta. Điều mong ước nhất là làm sao cho có cả hai như tục ngữ Việt Nam dạy: “Lời nói phải đi đôi với hành động.” Nếu không được cả hai, rao giảng bằng việc làm vẫn hữu hiệu hơn; vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Nhưng có người lại cho rằng Chúa đã từng sửa trị các Kinh-sư và Biệt-phái về tính phô trương làm việc lành của họ; vì thế không nên làm điều tốt trước mặt mọi người. Đúng, nhưng có sự khác biệt giữa làm việc tốt trong thinh lặng và khua chiêng trống khi làm việc tốt cho người khác biết.
2.2/ Đời sống của Kitô hữu là biết sống thành thật: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.” Có 3 trường hợp con người muốn che giấu:
(1) Con người có thể giấu chính mình bằng cách không chấp nhận sự thật. Ví dụ, biết mình có tội nhưng vẫn cứ tìm lý do để tự biện hộ cho mình và không coi đó là tội.
(2) Con người có thể giấu tha nhân, nhưng con người sẽ không hạnh phúc vì lúc nào cũng lo sợ bị người khác khám phá.
(3) Sau cùng, có người nghĩ họ có thể giấu được Thiên Chúa như trường hợp của Cain khi Chúa hỏi “Em ngươi đâu?”
2.2/ Đời sống Kitô hữu là cuộc sống không ngừng cố gắng để trở nên hoàn thiện, “Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.” Điều này có thể áp dụng trong nhiều trường hợp:
– Trong lãnh vực tri thức nhất là ngọai ngữ: Nếu cố gắng trau dồi mỗi ngày thì khả năng sinh ngữ sẽ mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn, nhưng nếu không dùng tới thường xuyên, vốn liếng đã có sẽ từ từ tàn lụi đi và mất hẳn.
– Trong lãnh vực đức tin cũng thế như Chúa đã ví việc nghe và thực hành Lời Chúa như người xây nhà trên đá: Nếu cố gắng sống đức tin theo những gì Chúa dạy, thì đức tin mỗi ngày một lớn mạnh hơn, và có thể đứng vững trước những phong ba của cuộc đời; nhưng nếu lười biếng không chịu thực hành đức tin, thì đức tin sẽ mỗi ngày một tàn lụi đi và sẽ bị bão táp cuốn đi như người xây nhà trên cát.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự xảy ra trong trời đất. Ngài không chỉ điều khiển từ bên ngoài, nhưng còn cả tâm trí con người bên trong. Chúng ta hãy ngoan ngoãn và vâng lời làm theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa.
– Chúng ta đã lãnh nhận ngọn nến cháy sáng khi chịu bí-tích Rửa Tội và đã hứa trước mặt Hội Thánh sẽ giữ ngọn đèn cháy sáng mãi cho tới ngày ra đón Chúa Kitô khi Ngài trở lại. Ngọn đèn sáng là đức tin của chúng ta: Nó phải luôn tỏa gương sáng cho mọi người chung quanh bằng cuộc sống tốt lành và thành thật. Nó cũng phải được luôn tăng trưởng mỗi ngày để có thể đứng vững trước mọi thử thách đau khổ của cuộc đời. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


23/09/2019 – THỨ HAI TUẦN 25 TN
Th. Pi-ô Pi-ét-ren-xi-na, linh mục
Lc 8,16-18


ĐÈN ĐẶT TRÊN ĐẾ
“Chẳng có ai đốt đèn rồi để dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.” (Lc 8,16)

Suy niệm: Nắm một bài thuốc gia truyền thật hay, nhưng ‘sống để bụng, chết đem đi’, biến nó thành… thất truyền! Mua một quyển sách hay rồi đem về cất kỹ trong tủ, không bao giờ đọc! Miệt mài nghiên cứu nhiều năm để có được phát minh mới, nhưng chẳng bao giờ đưa nó vào ứng dụng cả! Những chuyện trên cũng vô ích như chuyện “đốt đèn rồi để dưới gầm giường.” Đức Ki-tô và Lời của Người là ánh sáng cho trần gian. Sẽ thật vô ích nếu ta bảo rằng mình ‘có’ ánh sáng này nhưng lại vô tâm cất kỹ cho riêng mình và không bao giờ chia sẻ cho người khác.
Mời Bạn: Nhìn những panô và hộp đèn quảng cáo rực rỡ ở các khu trung tâm, quảng trường, sân vận động…, bạn nghĩ gì? Tại sao người ta chấp nhận bỏ ra những khoản tiền rất lớn để được đặt các bảng quảng cáo ở những vị trí có nhiều người nhìn thấy nhất? Đành rằng đây là một phần tất yếu của công cuộc kinh doanh, dĩ nhiên; nhưng cái ‘lý’ của hành động trên chính là: người ta tin rằng sản phẩm của mình rất tốt, rất có giá trị, và rất đáng phổ biến cho nhiều người. Bạn có tin rằng Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người rất tốt, rất có giá trị, và rất đáng phổ biến cho nhiều người không?
Chia sẻ: Trong hoàn cảnh của mình, bạn có thể loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô bằng những cách nào?
Sống Lời Chúa: Trong những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, những câu chuyện hằng ngày…, bạn tế nhị nhưng tích cực đưa chất Tin Mừng vào, để chia sẻ ánh sáng mà bạn xác tín cho người đối thoại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết mạnh dạn làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
(5 Phút Lời Chúa)


Cách thức anh em nghe
Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có ba câu có vẻ rời rạc.
Ba câu này thánh Luca đặt nằm ngay sau dụ ngôn về người gieo giống.
Vậy ta phải hiểu các câu này trong bối cảnh của dụ ngôn trên,
một dụ ngôn nói về việc đón nhận hạt giống Lời Chúa.
Sống Lời Chúa cách nghiêm túc là thắp lên một ngọn đèn (c. 16).
Vào thời xưa, người ta dùng đèn dầu, làm bằng đất nung.
Hẳn nhiên ý hướng của người thắp đèn là soi sáng.
Ngọn đèn sáng để soi đường cho “những kẻ khác” vào nhà,
những người chưa được biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (c. 10).
Vì thế thật vô lý nếu có ai sau khi thắp đèn, rồi lấy cái hũ mà đậy lại,
hay đặt ngọn đèn dưới gầm giường.
Dù có lúc ánh sáng đó như bị che khuất hay trở nên leo lét,
nhưng đời Kitô hữu vẫn mãi mãi là ngọn đèn sáng đặt trên giá đèn
cho một thế giới mà bóng tối không ngừng vây bủa tấn công.
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ,
để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha trên trời.”
Dù có lúc họ phải sống ẩn núp trong hang toại đạo,
hay phải chịu sống như Giáo hội thầm lặng,
nhưng giữ bí mật hay che giấu lén lút
lại không phải là thái độ thường xuyên của người Kitô hữu (c. 17).
Rồi đến ngày cái bí mật phải được vén mở,
cái che giấu phải được đem ra ánh sáng công khai.
Chúng ta có những hiểu biết về Thiên Chúa, về thân phận con người,
về ý nghĩa của khổ đau và cái chết.
Chúng ta có đức tin và niềm hy vọng, có niềm vui và bình an.
Chúng ta biết mình từ đâu đến và đang đi về đâu.
Kitô hữu không thể cất giấu kho tàng đức tin của mình được.
Họ có nghĩa vụ phải chia sẻ cho một thế giới đang khát khao.
Lời Chúa như nén bạc không được phép chôn giấu.
“Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.” (c. 18).
Có cách nghe kiểu vệ đường, nước đổ lá khoai,
có cách nghe không bám rễ vì sỏi đá,
có cách nghe bị chết ngộp vì cái tâm đầy vọng động.
Nhưng cũng có cách nghe của người giữ chặt lấy Lời
trong trái tim tốt lành và nhẫn nại (c. 15).
Ai nghe Lời Chúa cách hữu ích, người đó sẽ được lợi ích thêm.
Khi ta mở rộng cửa cho Lời Chúa tác động,
Lời sẽ xâm nhập vào đời ta càng lúc càng mạnh mẽ.
Còn ai cứng cỏi từ khước, thì ngay từ đầu, họ đã mất cả chì lẫn chài.
Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào thái độ tích cực, dấn thân.
Thái độ của Kitô hữu là đứng hẳn về phía ánh sáng.
Nhiệm vụ của chúng ta là thắp sáng, chiếu sáng và đem ra ánh sáng,
để những ngọn đèn nhỏ của ta dẫn nhân loại đến với Ánh Sáng Giêsu.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng con
ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.
Tạ ơn Chúa
vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Đó là vinh dự
và cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất vọng.
Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối
vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong lòng chúng con.
Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG CHÍN
Các Bạn Là Con Cái Của Thiên Chúa Các bạn là ai ?
Các bạn là thế hệ môn đệ mới của Đức Kitô, những người đã lãnh nhận Phép Rửa. Qua bí tích đầu tiên đó các bạn được đón nhận vào cộng đoàn Giáo Hội. Đối với hầu hết chúng ta, bí tích khai tâm này được lãnh nhận trong những tuần lễ đầu đời của mình. Cha mẹ ruột và cha mẹ đỡ đầu đưa chúng ta đến lãnh nhận Phép Rửa. Từ đó, chúng ta sống trong ơn thánh hóa. Thiên Chúa đã đặt ấn tín vô hình và vĩnh viễn trên chúng ta. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, linh hồn chúng ta được khắc ghi ân sủng.
Ân sủng này và ấn tín thiêng liêng này của Phép Rửa, chúng ta có được là nhờ Đức Kitô – nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Thực vậy, qua Phép Rửa chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, và như vậy chúng ta có thể sống lại với Người trong sự sống mới. Tông đồ Phaolô dạy chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”(Rm 6,4).
Kể từ giây phút được lãnh Phép Rửa, chúng ta trở thành người thông phần vào sự sống mới trong Đức Kitô – sự sống của Con Thiên Chúa. Và chúng ta trở thành những dưỡng tử của Thiên Chúa. Chúng ta được nâng lên phẩm giá làm con trong Đức Kitô, người Con Duy Nhất của Chúa Cha. Vì Chúa Con chia sẻ trọn vẹn sự sống trong mối hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nên chúng ta cũng lãnh nhận sự sống mới trong Phép Rửa. Chúng ta đã được thanh tẩy nhân danh Ba Ngôi Chí Thánh: Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Phép Rửa là sự tái sinh con người nhờ nước và Thánh Thần (Ga 3,5). Vì vậy chúng ta trở nên thông phần vào sự sống mới trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Chúng ta đang mang trong mình chúng ta mối đảm bảo sự sống đời đời.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23/9
Thánh Piô Pietrelcina, linh mục
Er 1, 1-6; Lc 8, 16-18.

LỜI SUY NIỆM:  “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.”
          Chúa Giêsu đã từng khẳng định mỗi một người Kitô hữu là muối cho đời và ánh sáng của trần gian. Nên mỗi Kitô hữu phải luôn có gương mặt vui tươi và ham sống. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cần phải phô trương mình trước mặt thiên hạ, bởi vì là con cái của Thiên Chúa; con cái của ánh sáng.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con vững tin vào ơn Thánh của Chúa ban, mà mạnh dạn dương cao ngọn đèn của chúng con trước sóng gió của cuộc đời.
Mạnh Phương


23 Tháng Chín
Cậu Bé Ðau Liệt Trong Bức Tranh
Một trong những bức tranh bất hủ của danh họa Rafaello, người Italia, hiện đang được cất giữ trong bảo tàng viện Vatican: đó là bức họa Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê.
Trong bức tranh, người ta thấy có ba tầng. Ở tầng cao nhất của bức tranh là khuôn mặt và toàn thân Chúa Giêsu trong cảnh chiếu sáng rực rỡ giữa các tầng mây. Ở tầng dưới của bức tranh và kề sát với Chúa Giêsu là ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong tình trạng ngây ngất trước sự biến dạng rực rỡ của Chúa Giêsu. Và ở tầng thấp nhất của bức tranh, người ta thấy một nhóm môn đệ và một gia đình đang quây quanh một em bé đang đau liệt: tất cả đều chìm ngập trong một khung cảnh ảm đạm, mờ ảo.
Có lẽ danh họa Rafaello đã cố gắng giải thích cho chúng ta về sứ điệp của bài Tin Mừng tường thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng và là Ðấng cứu chữa con người. Ðứa bé đau liệt trong bức tranh là chính mỗi người trong chúng ta, là toàn thể nhân loại đang chịu đựng vì không biết bao nhiêu bệnh tật trong thân xác lẫn tâm hồn. Trong đám môn đệ đang quây quanh cậu bé đau liệt, Rafaello đã làm nổi bật hai cử chỉ: cử chỉ của một người môn đệ đang trỏ tay chỉ về cậu bé và cử chỉ của một người môn đệ khác đang chỉ tay về Chúa Giêsu…
Phải chăng Rafaello đã không muốn đánh thức ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đang say sưa chiêm ngưỡng Thánh nhan rực rỡ của Chúa Giêsu mà quên đi cảnh nhân loại đang quằn quại trong đau thương khốn khổ?
Trong đời sống đạo, chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: hoặc chỉ chăm chú cầu nguyện mà không đếm xỉa gì đến lòng bác ái đối với tha nhân, hoặc ngược lại, xem hành động bác ái là một lời cầu nguyện mà không màng đến đời sống nội tâm.
Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện đưa đến hoạt động và hoạt động dẫn đến cầu nguyện. Mỗi một gặp gỡ của Ngài với tha nhân cũng là một lời cầu nguyện và mỗi một lời cầu nguyện của Ngài cũng ôm trọn lấy tất cả những ai mà Ngài đã hoặc sẽ gặp gỡ.
Chúng ta hãy chiêm ngắm mẫu gương của Chúa Giêsu… Cả cuộc đời của chúng ta phải là một lời nguyện dâng lên Thiên Chúa, chứ không chỉ có những lời kinh mà chúng ta đọc ngoài môi mép.
Người ta không lên xe để ở mãi trên đó… Một môn sinh không đến thụ giáo để ở mãi bên cạnh thầy mình… Cũng thế, chúng ta không leo lên núi cao để ở lại mãi trên đó. Sau cơn ngây ngất của ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tacôbê, Chúa Giêsu đã kêu gọi các ngài hãy trở lại với thực tế: đó là thực tế của những cuộc gặp gỡ, đương đầu và cuối cùng là cái chết.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét