Trang

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

25-09-2019 : THỨ TƯ - TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN


25/09/2019
 Thứ Tư tuần 25 thường niên.

BÀI ĐỌC I: Esd 9, 5-9
“Thiên Chúa không bỏ rơi chúng tôi trong cảnh nô lệ”.
Trích sách Esdra.
Tôi là Esdra, khi dâng lễ tế ban chiều, tôi vùng dậy khỏi cơn âu sầu, áo trong áo ngoài đều rách hết, tôi quỳ gối xuống, giơ tay lên Chúa là Thiên Chúa tôi mà thưa rằng: “Lạy Chúa, con hổ ngươi thẹn thuồng không dám ngước mặt lên cùng Chúa: vì những sự gian ác của chúng con chồng chất trên đầu chúng con, và tội lỗi chúng con cao lên tới trời. Kể từ thời cha ông chúng con cho tới ngày nay, tội lỗi chúng con đã quá nhiều, và vì sự gian ác của chúng con, nên chúng con, vua chúa, tư tế của chúng con, bị trao vào tay vua các dân ngoại, bị gươm đao, bị lưu đày, bị cướp bóc và bị thẹn mặt như ngày nay.
“Và hiện giờ đây, Chúa vừa tạm ban cho chúng con một chút lòng thương xót, là để cho chúng con sống sót phần nào, và cho chúng con một nơi ẩn náu trong chốn thánh của Chúa, để soi sáng mắt chúng con, và ban cho chúng con một chút sự sống trong cảnh nô lệ của chúng con, vì chúng con là nô lệ mà Thiên Chúa không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ, nhưng Chúa đã khiến các vua Ba-tư thương xót chúng con, mà cho chúng con còn sống để chúng con xây cất nhà Thiên Chúa chúng con, tu bổ những nơi hoang tàn, và cho chúng con một chỗ ở trong xứ Giuđêa và tại Gierusalem”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tb 13, 2. 3-4. 6. 7. 8.
Đáp: Lạy Chúa, Chúa cao cả muôn đời (c. 1b).
Xướng:
1) Chúa trừng phạt, rồi lại tha thứ. Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay Chúa. – Đáp.
2) Bởi vì thế, Chúa đã phân tán các ngươi giữa các dân tộc không nhìn biết Chúa, để các ngươi tường thuật các việc kỳ diệu của Người, để các ngươi làm cho họ biết rằng ngoài Người ra, không có Thiên Chúa toàn năng nào khác. – Đáp..
3) Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những việc làm của các ngươi. – Đáp.
4) Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội. – Đáp.
5) Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với các ngươi. – Đáp.

ALLELUIA: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! – Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 9, 1-6
“Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Huấn Lệnh Truyền Giáo
Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.
So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.
Mỗi thời đại có những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin. Ngày nay, không thiếu những người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc. Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng.
Có lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rã rượi như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: "Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?" Ông đáp: "Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây, đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã".
Có nhiều cách làm việc Tông đồ, nhưng hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt lành của mình. Xin Chúa giúp chúng ta đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung quanh vì Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 25 TN1, Năm lẻ.
Bài đọcEzr 9:5-9; Lk 9:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải nhận ra tình thương Thiên Chúa và tội lỗi của mình.
            Có những người ngông cuồng, chẳng chịu vâng lời những gì Thiên Chúa dạy bảo, nhưng khi phải chịu hậu quả, thì lại đổ lỗi cho Thiên Chúa không thương xót và trách mắng Ngài đủ điều. Làm như thế, chẳng những họ vẫn phải mang hậu quả, mà còn càng ngày càng lấn sâu trong tội lỗi. Nhưng nếu họ biết kiểm điểm quá khứ, họ sẽ nhận ra tội lỗi của họ và tình thương Thiên Chúa. Ngài luôn cho họ cơ hội trở về để làm lại cuộc đời.
            Các Bài Đọc hôm nay có mục đích giúp con người nhận ra tội lỗi mình và tình thương Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tư tế Ezra nhận ra tội lỗi của mình, của cha ông, và của mọi con cái Israel thời đại ông, là nguyên do của việc lưu đày. Ông cũng nhận ra uy quyền và tình thương Thiên Chúa dành cho ông và con cái Israel, qua việc thay đổi lòng dạ của các vua Ba-tư để họ phóng thích dân Do-thái, cho hồi hương để tái thiết đất nước, và xây dựng lại Đền Thờ ở Jerusalem. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu huấn luyện các tông-đồ, ban mọi quyền hành cho các ông, và sai các ông ra đi để chữa lành và loan truyền Tin Mừng. Ai tin và đón nhận, sẽ nhận được ơn cứu độ và chữa lành; ai không tin, sẽ không được lãnh nhận những điều đó. Các tông-đồ sẽ phủi bụi ở chân lại để làm cớ tố cáo sự cứng lòng của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài trong cảnh nô lệ.
1.1/ Hình phạt phải chịu xứng đáng với tội lỗi của Israel: Lịch sử của sách Erza là Thời Lưu Đày của dân tộc Do-thái bên Assyria và Babylon. Trước Thời Lưu Đày, Thiên Chúa đã không ngừng gởi các ngôn sứ của Ngài đến sửa dạy và đe dọa lưu đày sẽ xảy ra, nếu họ cứng lòng không chịu ăn năn, hối cải. Hai tội mà các ngôn sứ không ngừng tố cáo là: (1) tội quay lưng lại với Thiên Chúa và chạy theo thờ lạy các thần ngoại bang; (2) tội lỗi đức công bằng, tước đoạt tài sản và đối xử bất công với những người cô thân, cô thế. Họ chẳng những đã không chịu nghe, mà còn bắt giam các ngôn sứ, đánh đập, và giết đi. Hậu quả là Thiên Chúa để cho quân thù phá tan hoang đất nước, cả miền Bắc (721 BC) và miền Nam (587 BC), đem tất cả đi lưu đày, và san phẳng Đền Thờ.
            Sống cực khổ trong Thời Lưu Đày, nhiều người vẫn chưa nhận ra tội lỗi của mình và trách Thiên Chúa đã để cho quân thù dày xéo dân tộc Thiên Chúa đã lựa chọn; nhất là quân thù cũng tội lỗi như họ hay còn hơn nữa! Nhưng tư tế Ezra đã không giống như những người này, ông nhận ra lý do tại sao Thiên Chúa để mặc cho quân thù dày xéo Israel. Trình thuật kể tâm trạng của ông: “Vào giờ đó, tôi mới ra khỏi cơn sầu khổ, trỗi dậy; áo dài trong, áo choàng ngoài xé rách, tôi quỳ gối, giơ tay lên Đức Chúa, Thiên Chúa của tôi và thưa: “Lạy Thiên Chúa của con, con thật xấu hổ và nhục nhã khi ngẩng mặt nhìn Ngài, lạy Thiên Chúa của con, vì tội chúng con quá nhiều đến nỗi dâng ngập đầu, lỗi chúng con cứ chồng chất lên mãi tới trời.”
            Không chỉ nhận ra tội lỗi của mình, của tổ tiên, và của tất cả mọi con cái Israel. Ông nhận thấy hình phạt mà dân tộc phải chịu là xứng đáng: “Từ thời tổ tiên chúng con cho đến ngày nay, vì chúng con đã mắc lỗi nặng và phạm tội, nên các vua và các tư tế của chúng con đã bị nộp vào tay vua chúa các nước ngoại bang; chúng con đã bị nộp cho gươm giáo, phải đi đày, bị cướp bóc và bẽ mặt hổ ngươi như ngày hôm nay.”
1.2/ Ân huệ được nhận lãnh hoàn toàn do tình hương của Thiên Chúa.
            (1) Thiên Chúa bày tỏ tình thương khi con người còn là tội nhân: Vua Ba-tư ký chiếu chỉ phóng thích cho dân Do-thái hồi hương để kiến thiết xứ sở và xây dựng lại Đền Thờ. Các Vua Ba-tư còn giúp đỡ vật chất để họ có thể xây dựng Đền Thờ cách nhanh chóng. Ezra nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong sự quan phòng kỳ diệu này: “Và bây giờ, chỉ mới đây thôi, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng con, ban cho chúng con ân huệ này là để lại cho chúng con một số người sống sót, và cho chúng con được một chỗ ở vững chắc trong nơi thánh của Ngài; như thế, Thiên Chúa chúng con đã toả ánh sáng làm cho đôi mắt chúng con được rạng ngời, và làm cho chúng con được hồi sinh đôi chút trong cảnh nô lệ.”
            (2) Tình thương Thiên Chúa được bày tỏ qua các vua Dân Ngoại: Từ xưa tới nay, chẳng có vua Dân Ngoại nào đối xử tử tế với kẻ thù của mình; thế mà các vua Ba-tư đã phóng thích dân Do-thái, cho về hồi hương, và giúp vật chất để họ xây dựng lại Đền Thờ. Điều này chứng tỏ tình thương và uy quyền của Thiên Chúa đã dành cho con cái Israel. Họ phải xấu hổ vì một người Dân Ngoại đã tuyệt đối vâng lời làm theo những gì Thiên Chúa truyền; còn họ, dân riêng của Ngài, lại chạy theo các thần ngoại và luôn bất tuân lệnh Ngài: “Tuy chúng con là những kẻ nô lệ, Thiên Chúa chúng con đã không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ đó. Ngài đã làm cho các vua Ba-tư tỏ lòng yêu thương chúng con, khiến chúng con được hồi sinh mà dựng lại Nhà Thiên Chúa chúng con, tái thiết ngôi Nhà đã hoang tàn, và xây lại tường thành tại Jerusalem ở Judah.”
2/ Phúc Âm: Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.
2.1/ Ân sủng được Đức Kitô trao cho các môn đệ để ban phát cho mọi người: Trong khi còn ở thế gian, Chúa Giêsu không những vất vả ngược xuôi để rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi vết thương hồn xác, Ngài còn chọn lựa các môn-đệ, huấn luyện để các ông tiếp tục sứ vụ của Ngài. Điều này chứng tỏ tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các thế hệ tương lai.
            (1) Chữa lành mọi bệnh tật hồn xác: Trước khi sai các ông đi rao giảng cho dân chúng, Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.
            (2) Rao giảng Tin Mừng: Rồi Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Chúa Giêsu dạy các môn đệ một điều hết sức quan trọng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” Tại sao Chúa Giêsu truyền điều này? Trước tiên, người lữ hành dễ dàng ra đi mọi nơi là người có ít hành trang nhất. Thời Chúa Giêsu và các thế kỷ đầu, con người chưa có phương tiện di chuyển như bây giờ, cách phổ thông nhất là đi bộ; con người cũng chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ, cách thức duy nhất là trực tiếp đến và nói với khán giả. Hơn nữa, nếu những nhà rao giảng quá chú trọng đến vật chất, họ sẽ có rất ít thời gian và lòng nhiệt thành cho việc rao giảng Tin Mừng.
2.2/ Phản ứng của con người: Chúa Giêsu biết trước phản ứng của con người dành cho các môn đệ, như họ đã từng dành cho Ngài. Vì thế, Ngài căn dặn các ông:
            (1) Những người tiếp nhận các môn đệ: “Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.” Nếu khán giả nhận ra các ông là những sứ giả của Ngài, họ sẽ đón tiếp các ông vào nhà và đối xử tử tế với các ông. Phần thưởng cho những người này là họ sẽ có dịp nghe Tin Mừng, được chữa lành các vết thương hồn xác, và có sự bình an.
            (2) Những người từ chối các môn đệ: Con người có tự do để tiếp nhận hay từ chối. Nếu họ chọn không đón nhận các môn đệ, họ sẽ phải lãnh mọi hậu quả của việc từ chối: họ đã bỏ lỡ cơ hội được lắng nghe Tin Mừng, được chữa lành, và không nhận được lời chúc bình an của các môn đệ. Đối với những người cứng lòng này, Chúa Giêsu căn dặn: “Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”           
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 
            – Thiên Chúa luôn yêu thương và cho chúng ta nhiều cơ hội để lắng nghe và học hỏi Tin Mừng. Chúng ta hãy biết thành tâm đón nhận và tận dụng khi cơ hội tới.
            – Nếu chúng ta khinh thường và bỏ lỡ cơ hội, chúng ta phải lãnh nhận mọi hậu quả do việc hững hờ gây ra. Lúc đó, chúng ta đừng trách Thiên Chúa đã gây ra đau khổ cho chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


25/09/2019 – THỨ TƯ TUẦN 25 TN
Lc 9,1-6


TIN MỪNG NƯỚC THIÊN CHÚA
Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. (Lc 9,1-2)

Suy niệm: Các Tông đồ được sai đi để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, với dấu chỉ minh chứng là trừ quỷ và chữa lành bệnh tật. Nước Thiên Chúa hiện diện nơi con người, cộng đoàn nào chấp nhận Thiên Chúa là Cha, cũng như người khác là anh em, và để mối tương quan Cha-con ấy chi phối đời sống, lối hành xử của mình. Thánh Phao-lô nói rõ: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an, và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Đời sống người tông đồ Nước Thiên Chúa phải cho thấy nơi mình có hoa trái của Nước ấy là sự công chính, bình an, và hoan lạc, để có thể chữa lành những thói hư tật xấu của con người hôm nay.
Mời Bạn: T. Groome nhận định: “Việc rao giảng (Nước Thiên Chúa) không thể dừng lại ở truyền đạt kiến thức hay thông tin, hoặc xây dựng mối tương quan giữa người nghe với Chúa và với nhau; nhưng còn phải đi xa hơn nữa, tới sự biến đổi xã hội hay thế giới này trở thành ‘trời mới đất mới’ như lòng Chúa mong ước.” Điều ông nói thực sự đáng để chúng ta suy gẫm!
Sống Lời Chúa: Đừng quá phụ thuộc vào bao bị hay túi tiền, hãy cố gắng hiện diện như một ‘món quà’ để đến với những người cần ta thăm viếng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, cảm tạ Chúa đã chấp nhận mang thương tích để chúng con được chữa lành; chấp nhận trở nên nghèo khó để chúng con nên giàu có. Xin cho con biết làm cho người khác điều Chúa đã làm cho con.
(5 Phút Lời Chúa)


Đừng mang gì
Suy niệm :

Sau một thời gian sống bên Thầy Giêsu,
thấy việc Thầy làm và nghe lời Thầy giảng,
giờ đây nhóm Mười Hai đã tương đối cứng cáp
để được chia sẻ chính công việc Thầy đã làm.
Đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (c. 2).
Nhưng trước khi được chia sẻ công việc,
họ được chia sẻ quyền trừ quỷ và chữa bệnh của Thầy (c. 1).
Sứ vụ họ sắp làm là một thực tập cho sứ vụ lớn sau này (Lc 24, 46-47).
Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai lên đường với những chỉ thị rõ rệt.
Không thấy Thầy bảo phải chuẩn bị hành trang.
Ngược lại, Thầy cấm không được mang theo gì cả.
“Đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, hai áo” (c. 3).
Ngay cả những người giảng rong theo phái Khắc Kỷ,
tuy rất khắc khổ, nhưng cũng được mang theo gậy và bị để ăn xin.
Thầy Giêsu muốn môn đệ của mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa,
và hoàn toàn cậy trông vào lòng tốt của con người.
Họ phải tập chấp nhận sống bấp bênh và thiếu thốn trong bình an.
Không mang đồ dự trữ, không gậy để bảo vệ khi đi đường,
các môn đệ buộc phải mang theo lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa.
Thầy còn chỉ thị cho cả nhóm biết về chuyện ăn ở của họ.
Họ sẽ đến ở chung nhà với dân chúng, ăn uống những gì họ cho.
“Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó…” (c. 4).
Đừng đi từ nhà nọ sang nhà kia để tìm chỗ tiện nghi hơn.
Khi ăn ở nơi nhà dân, người tông đồ có cơ hội gần gũi với họ,
và chia sẻ cuộc sống thật của họ, để dễ loan báo Tin Mừng hơn.
Nhưng cũng phải bình an chấp nhận những từ khước (c. 5).
Có khi trong cả một thành, không tìm được một gia đình để trú chân.
Thái độ phủi bụi chân lại cho thấy một sự dứt khoát đoạn tuyệt,
không muốn dính dáng gì với những người ở đó nữa (x. Cv 13, 50).
Khuôn mặt của người được sai cách đây hai ngàn năm thật là đẹp.
Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật,
vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của người khác.
Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận:
cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất.
Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của con người,
với những lo âu rất đời thường trong một gia đình,
vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất.
Nhóm Mười Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của ác thần
đang tác oai tác quái trong đời nhiều người.
Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì?
Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21?
Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người hôm nay?

Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm :
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG CHÍN
Tiếng Gọi Làm Môn Đệ Chúa
Chúng ta đã tìm hiểu những chân lý mà Giáo Hội tuyên xưng và rao giảng. Những chân lý này thiết lập nên nền tảng của Giao Ước Mới với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta đã nắm hiểu mục đích của việc giáo dục Kitô giáo. Ngay từ những năm đầu đời của chúng ta tại gia đình và giáo xứ, chúng ta đã nghe lời mời gọi trở thành môn đệ Đức Giêsu Kitô. Đây là mục tiêu của lời cầu nguyện chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta cùng với gia đình và cộng đoàn xứ đạo của mình đã đưa chúng ta đến gần hơn bao giờ hết mầu nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô.
Đó là mục tiêu của việc giáo dục Kitô giáo. Nhờ Phép Rửa, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta lại trở nên những môn đệ của Đức Giêsu Kitô.
Các con, và cả Cha nữa, chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về cha mẹ và về các cha xứ của chúng ta. Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những ai đã giúp chúng ta nhận hiểu chân lý được Thiên Chúa mạc khải qua Đức Giêsu Kitô và được Hội Thánh truyền giảng.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25/ 9
Er 9, 5-9; Lc 9, 1-6

LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.”
          “Chúa Giêsu khi khởi đầu đời sống công khai của Người, đã chọn Nhóm Mười Hai người đàn ông dể các ông ở với Người và tham dự vào sứ vụ của Người. Người cho các ông tham dự vào quyền hành của Người và sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Các ông được liên kết vĩnh viễn với Nước của Người, bởi vì Người sẽ dùng các ông điều khiển Hội Thánh.” (GL 551)
          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết tôn trọng, yêu mến, cầu nguyện và cọng tác với các linh mục, đặc biệt với các linh mục quản xứ của mình.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
NGÀY 25-09 THÁNH GIUSE CALASANZ – LINH MỤC (1557 – 1648)
Thánh Giuse Calasanz sinh năm 1557 tại Peralta de la Sal miền Aragonia. Cha mẹ Ngài là những một giàu có trong miền, nhưng đã dày công dạy cho con biết yêu Chúa thiết tha, ham thích cầu nguyện và gớm ghét tội lỗi. Chính Giuse ngay từ niên thiếu đã tỏ dấu có lòng bác ác đặc biệt với trẻ nhỏ và ưu tư giáo dục chúng. Ngài thường tụ họp các bạn trẻ lại để dạy cho chúng biết các mầu nhiệm đức tin và biết cách cầu nguyện.
Lớn lên, Giuse được gởi học văn phạm và các môn cổ điển tại Estadilla. 15 tuổi Ngài đã hoàn tất chương trình trung học. Cha mẹ Ngài đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai của con. Giuse lại mong chờ một sứ mệnh cao cả hơn. Ngài xin theo học một chương trình sống rất nghiêm khắc để đề phòng những dục vọng bất chính. Ngài còn nhiệt thành dạy giáo lý cho người dốt nát, thăm viếng giúp đỡ các bệnh nhân và những người nghèo khổ. Dầu vậy Ngài đã thành công mỹ mãn và được phép cha cho ở lại để học dân luật và giáo luật.
Ngày 11 tháng 4 năm 1575, Ngài chịu phép cắt tóc gia nhập hàng giáp sĩ.
Sau khi đậu tiến sĩ giáo luật và dân luật, Giuse tiếp tục học thần học tại Valence. Nơi hoa lệ này, quỉ đã ra sức tấn công đức trinh khiết của Giuse. Nhưng quyết hiến thân cho Chúa, Giuse đã chiến thắng vẻ vang. Từ đó Ngài bỏ Valence để tiếp tục theo học tại Alcada.
Tuy nhiên một hung tin làm xáo trộn cuộc đời Ngài. Người anh của Giuse, một sĩ quan trong quân đội từ trần mà chưa có con nối dõi tông đường. Giuse trở về quê nhà vâng lời cha mẹ nhưng vẫn nuôi ước vọng làm linh mục. Ngài ra sức cầu nguyện và được nhậm lời. Ngài bị lâm trọng bệnh và các y sĩ đều bó tay. Người cha của Giuse hứa sẽ cho Ngài làm linh mục nếu được chữa lành. Giuse đã lành bệnh.
Ngày 17 tháng 12 năm 1583, Giuse được thụ phong linh mục. Từ đó cha Giuse lao mình vào công việc chấn hưng đạo đức. Ngài đã thành công đến nỗi 35 tuổi đã được đặt làm bề trên địa phận Urgel. Dầu vậy, Ngài cảm thấy sức thúc đẩy đến Roma. Ngài lên đường và suốt năm năm. Ngài đã sống tại giáo đô như là một khách hành hương khiêm tốn. Trong thời gian này, thánh nhân đã thấy tận mắt sự khốn cùng và những tật xấu của đám dân nghèo. Ngài xác tín rằng tình trạng này gây nên bởi sự thiếu hiểu biết về đạo.
Hiện đang sở hữu tài sản lớn lao do người cha từ trần để lại, Ngài liền thiết lập những trường miễn phí cho dân nghèo. Nhiều người đến cộng tác với Ngài, phần lớn là các giáo sĩ. Dần dần họ họp thành một dòng giáo sĩ triều được đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Năm 1622 cha Giuse đã đặt làm bề trên tiên khởi. Các trường dưới sự hướng dẫn của Ngài ngày càng thêm nhiều, công cuộc của Ngài lan rộng sang Đức, Bohemia và Ba Lan.
Về già, cha Giuse trở thành nạn nhân của một âm mưu nhằm truất phế Ngài xuống. Mầm mống chia rẽ vì ghen tỵ mọc lên trong dòng, khiến Đức Innocentê X hạ dòng xuống thành hội đạo đức mà thôi. Cha Giuse vẫn vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên Chúa lại thưởng công cho Ngài và nhiều phép lạ, nhất là được thấy Đức Mẹ ẵm Chúa Giêsu đến xem các học trò của Ngài lần hạt và ban phép lành cho họ. Ngài còn được ơn nói tiên tri, cho biết 10 năm sau dòng sẽ phục hồi và bành trướng mạnh mẽ.
Ngày 25 tháng năm 1648, thánh Giuse từ trần vì một cơn sốt, thọ 92 tuổi, năm 1767 Ngài được tuyên thánh. Năm 1948 Ngài được đặt làm vị tông đồ việc giáo dục và làm đấng bảo trợ các trường công giáo.
(daminhvn.net)


25 Tháng Chín
“Con Người Bất Hạnh Nhất Trần Gian”
Cuộc đời của nhạc sĩ Beethoven, ngay cả khi đạt đến đỉnh cao của danh vọng, cũng không phải là một cuộc đời hạnh phúc. Tất cả những người viết tiểu sử của nhạc sĩ đều ghi nhận rằng ông đã qua một thời tuổi thơ khốn khổ. Cha ông đã xem kỳ tài âm nhạc của ông như một cơ hội để làm tiền. Thần đồng âm nhạc đã phải ngồi vào đàn Piano từ sáng tới chiều, đến độ ông đâm chán cả âm nhạc. Chỉ có mẹ ông mới là nguồn an ủi duy nhất của ông trong lúc tuổi thơ, nhưng bà đã mất năm ông mới 17 tuổi.
Năm 28 tuổi, Beethoven bắt đầu bị điếc. Ông cảm thấy thất vọng hoàn toàn. Và tai họa đã tiếp diễn cho đến cuối đời ông.
Tuy nhiên, con người “bất hạnh nhất trần gian ấy” như ông thường nói về mình đã sáng tác những dòng nhạc bất hủ nhất ở cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19.
Kho tàng ẩn dấu trong ta chỉ có thể được khám phá và đem ra thi thố với thế giới nếu ta biết chiến đấu. Ðiều đó đòi hỏi những năm tháng dài, tuy nhiên, trở ngại cuối cùng mà ta có thể vượt qua sẽ làm ló rạng kho tàng ẩn dấu trong ta. Thánh Basiliô đã nói: vĩ nhân không phải là người chỉ đọ sức với những điều cả thể, nhưng chính là biết làm cho những việc tầm thường trở thành cao cả bằng chính sức mạnh của mình.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét