05/10/2019
Thứ bảy đầu tháng, tuần
26 thường niên
BÀI ĐỌC I: Br 4, 5-12. 27-29
“Đấng đã giáng hoạ trên các con, chính
Người sẽ đem lại cho các con sự vui mừng”.
Trích sách Tiên tri Ba-rúc.
Hỡi dân Thiên Chúa, Israel
đáng ghi nhớ, hãy vững lòng. Các ngươi bị bán cho dân ngoại không phải để bị
tiêu diệt, nhưng bởi các ngươi đã trêu chọc cơn thịnh nộ Thiên Chúa, nên các
ngươi bị trao phó cho quân thù. Vì chưng, các ngươi đã khiêu khích Đấng đã tạo
thành các ngươi, là Thiên Chúa đời đời, các ngươi tế lễ cho ma quỷ, chớ không
phải cho Thiên Chúa. Các ngươi đã bỏ quên Thiên Chúa, Đấng đã nuôi dưỡng các
ngươi, các ngươi đã làm phiền lòng vú nuôi các ngươi là Giêrusalem.
Nó đã chứng kiến cơn thịnh
nộ của Thiên Chúa, giáng xuống trên các ngươi, và nói rằng: “Hỡi những kẻ lân cận
Sion, hãy nghe đây, vì Thiên Chúa đã đem đến cho ta cơn khóc lóc cả thể: ta đã
nhìn thấy dân ta, con trai, con gái bị lưu đày do Đấng Hằng Hữu trừng trị
chúng. Ta đã vui mừng nuôi dưỡng chúng, nhưng ta đã khóc lóc phiền muộn tiễn
chúng ra đi. Không một ai hân hoan cùng ta là kẻ goá bụa và âu sầu: tại tội lỗi
con cái ta mà ta đã bị nhiều người lìa bỏ, vì chúng đã lánh xa lề luật Thiên
Chúa.
“Các con ơi, hãy vững
lòng, hãy kêu cầu cùng Chúa: vì Đấng đã dẫn đưa các con, sẽ nhớ đến các con.
Như lòng các con đã làm cho các con lạc đàng xa Thiên Chúa, thì khi ăn năn trở
lại, các con sẽ tìm kiếm Người gấp mười lần. Vì Đấng đã giáng hoạ trên các con,
chính Người sẽ đem lại cho các con sự vui mừng vĩnh cửu cùng với ơn cứu độ”. Đó
là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 68, 33-35. 36-37
Đáp: Chúa nghe những người cơ khổ (c. 34a).
Xướng:
1) Các bạn khiêm cung, hãy
nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa
nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. Hãy
ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong! –
Đáp.
2) Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ
Sion. Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, tại đây người ta cư ngụ và chiếm
quyền sở hữu. Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những
người yêu danh Chúa sẽ định cư. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để
con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. –
Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 10, 17-24
“Các con hãy vui mừng vì tên các con
đã được ghi trên trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, bảy mươi hai ông trở
về vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục
chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này
Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ
thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng
vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được
ghi trên trời”. Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người
nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những
người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn
sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. – Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự.
Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Đấng
nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết”. Rồi Chúa
Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem
những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua
chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều
các con nghe, mà đã chẳng được nghe”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, bảy mươi (hay bảy mươi hai) môn đệ đi truyền giáo trở về đã hớn hở thuật lại
cho Thầy Giêsu của họ những thành công mục vụ của họ: “Nghe đến danh Thầy, cả
ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10:17). Và Đức Giêsu chia vui với
các môn đệ: “Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống” (Lc 10:18).
Là các môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta đã nhận được quyền năng đạp lên rắn rết, bọ
cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà chẳng có gì làm hại được chúng ta (x. Lc 10:19).
Đây cũng là cùng một lời hứa Đức Giêsu đem đến cho tất cả các môn đệ của Người
trong Mc 16:18: “Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc, thì cũng chẳng
sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh
khoẻ.” Như thế, Đức Giêsu cảnh báo chúng ta rằng sứ mạng sẽ đầy gian khổ và khó
khăn, nhưng với Thần Khí và ân sủng của Người, chúng ta sẽ luôn luôn chiến thắng
mọi thế lực sự dữ trên thế giới. “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục
anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10:20). Các môn
đệ xứng đáng để tự hào và vui mừng vì những thành công trong việc rao giảng Tin
Mừng, nhưng lý do chính cho niềm vui này phải là lý do có tính cánh chung.
Chúng ta phải có niềm vui của ơn cứu độ, niềm vui của sự cậy trông: “Hỡi đầy tớ
tốt lành và trung thành.. Hãy đến hưởng niềm vui của chủ ngươi” (Mt 25:21.23).
Đó là niềm vui của người tôi tớ vô dụng (x. Lc 17:10) đã làm việc họ phải làm.
Điều thực sự quan trọng đối
với các môn đệ là tên của họ đã được “viết trên trời” (Lc 10:20). Theo thành ngữ
Hípri của thời ấy, điều này có nghĩa là bảy mươi (bảy mươi hai) môn đệ đi truyền
giáo trở về đã được Thiên Chúa nhìn nhận là công dân của nước trời. “Đây là mái
nhà thật sự của họ, nước mà Chúa Giêsu xin họ đi mời những người khác mà họ được
sai đến. Rồi, đang lúc nói chuyện với các môn đệ, Đức Giêsu đột nhiên ngỏ lời với
một người đối thoại khác, Cha của Người trên trời. Là những công dân mới của Nước
Thiên Chúa, bảy mươi môn đệ - và chúng ta, những người đang quan sát họ - được
hưởng cuộc trò chuyện thân mật của Thiên Chúa. Chúng ta được chứng kiến một thời
khắc cầu nguyện thâm sâu của Đức Giêsu với Cha của Người. Đức Giêsu tạ ơn
Cha vì ý muốn tỏ lòng thương xót của Cha: những mầu nhiệm vĩ đại đã được mặc khải
cho những “người bé mọn như trẻ thơ”, nhưng bị giấu kín đối với những kẻ khôn
ngoan thông thái.
Trong bối cảnh lịch sử của
Đức Giêsu, các môn đệ được sai đi là những “trẻ thơ” không chỉ vì họ đang thể
hiện trải nghiệm truyền giáo của họ, mà cũng vì có thể họ là những người đã không
được hưởng một nền giáo dục chính thức về những điều thuộc về Thiên Chúa giống
như các Rábbi, các ký lục và các lãnh đạo Do Thái có học khác vào thời ấy. Nói
thế không có nghĩa là phủ nhận giá trị của việc đào tạo thần học, nhưng là nhìn
nhận rằng việc gặp gỡ Thiên Chúa luôn luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, và đức
tin vào Thiên Chúa là nền tảng của mọi sứ mạng.
Rồi Đức Giêsu lớn tiếng
nói lên suy tư của Người về bản chất mối quan hệ giữa Người và Cha. Ở đây,
trong một đoạn giống với một đoạn khác trong Mátthêu (x. Mt 11:25-30) và giống
với nhiều đoạn khác trong Gioan (x. Ga 3:35; 13:3; 14:9-11), Đức Giêsu mặc khải
cho các môn đệ sự hiểu biết hoàn hảo về nhau giữa Cha và Con và sự mở rộng tuyệt
đối cho nhau giữa Cha và Con. Đó là một nguồn mạch của niềm vui và sự hiệp
thông, nguyên nhân của tính hiệu quả và sứ mạng. Chính vì mối quan hệ này
mà Đức Giêsu có quyền mời gọi người khác đi vào mối quan hệ với Thiên Chúa, đi
vào sự hiệp thông thần linh của Người. Trong sự hiệp thông thân mật này, chúng
ta biết Chúa Con là Đấng được Cha biết và yêu mến, và Chúa Cha là Đấng được Con
biết và yêu mến. Bảy mươi môn đệ, được gọi nhân danh Đức Giêsu đi xoa dịu sự
đau khổ và áp bức, đã tìm thấy ý nghĩa sứ mạng của họ nơi Cha và Con và nơi mối
hiệp thông tình yêu của Cha và Con. Hôm nay nghe sứ điệp Tin Mừng này, chúng ta
tiếp tục được mời gọi đi sâu hơn nữa vào mối quan hệ này. Đương nhiên, chỉ khi
dựa vào một cuộc gặp gỡ với Cha như Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta, chúng
ta mới có được hồng ân tình yêu của Thiên Chúa để có thể cống hiến cho người
khác trong sứ mạng của chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta không chỉ xem xét lại các khía cạnh khác nhau của sứ mạng truyền giáo,
nhưng cũng tích cực khám phá xem những thực tại này mặc khải cho chúng ta điều
gì về Thiên Chúa. Khi chúng ta nhìn nhận bằng đức tin những con đường Thiên
Chúa dùng để đến và làm việc với chúng ta, chúng ta có thể để cho Thần Khí của
Người thể hiện sứ mạng của Người cho những người khác thông qua chúng ta. Sự hiệp
thông sâu xa của các môn đệ với Đức Giêsu, trong sự kết hợp thần linh, yêu
thương của Người với Cha, tạo ra niềm vui, niềm đam mê và nhiệt tình đối với nỗ
lực truyền giáo. Thay vì vui mừng vì các thành quả truyền giáo của mình, các
môn đệ truyền giáo vui mừng trong tình yêu thương, trong sự hiệp thông với Thầy
và Chúa của mình, và trong ơn gọi làm những người con trai con gái của Thiên
Chúa với tên của mình được ghi trên trời.
Đây là ý nghĩa Đức
Giáo Hoàng Phanxicô viết ra trong Tông Huấn Evangelii Gaudium của
ngài, số 21:
Niềm vui Tin Mừng làm sinh
động cộng đoàn các môn đệ là một niềm vui truyền giáo. Bảy mươi hai môn đệ đã cảm
nhận niềm vui này khi họ từ nơi truyền giáo trở về (xem Lc 10:17). Đức Giêsu đã
cảm nhận niềm vui này khi ngài vui mừng hoan lạc trong Thánh Thần và ca tụng Cha
vì đã mặc khải mình cho những người nghèo và những người bé mọn (Lc 10:21). Niềm
vui này cũng đã được cảm nhận bởi những người trở lại đầu tiên khi họ kinh ngạc
nghe các tông đồ giảng “bằng tiếng mẹ đẻ của họ” (Cv 2:6) vào ngày lễ Ngũ Tuần.
Niềm vui này là một dấu chỉ rằng Tin Mừng đã được công bố và đang sinh hoa kết
quả. Nhưng động lực để đi ra và trao ban, ra khỏi chính mình, không ngừng dấn
bước đi gieo hạt giống tốt, vẫn luôn luôn hiện diện hôm nay. Chúa nói: “Ta hãy
đi sang các làng lân cận để Thầy cũng giảng ở đó, vì đó chính là lý do mà
Thầy đến” (Mc 1:38). Mỗi khi hạt giống đã được gieo tại một nơi nào, Ngài không
ở lại đó để cắt nghĩa hay làm thêm các dấu lạ; Thần Khí thúc đẩy Ngài ra đi tới
các thành khác.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin
Mừng
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 26 TN1
Bài đọc: Bar 4:5-12, 27-29; Lc 10:17-24.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy học hỏi nơi Kinh Thánh
để hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời.
Trong vũ trụ có quá nhiều
bí nhiệm: có những bí nhiệm con người cần phải học hỏi và cần thời gian để nhận
ra, như trái đất xoay chung quanh mặt trời, các định luật về chuyển động của
Newton; nhưng cũng có những mầu nhiệm con người không thể hiểu nổi nếu Thiên
Chúa không mặc khải, như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai Cứu Chuộc, hai bản thể
của Đức Kitô… Khi con người không hiểu hay chưa hiểu, các mầu nhiệm tự nó vẫn
có trong vũ trụ; chứ không phải chỉ khi con người hiểu biết, các mầu nhiệm mới
bắt đầu có.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I,
tiên-tri Baruch muốn con cái Israel hiểu biết về mầu nhiệm đau khổ: khi Thiên
Chúa để quân thù tiêu diệt quốc gia, phá hủy Đền Thờ, và mang dân chúng lưu
đày, không phải vì Ngài không thương dân, không phải vì Ngài không có quyền để
cứu dân; nhưng là để dân có cơ hội nhận ra tội lỗi của mình và ăn năn trở lại với
Thiên Chúa. Nếu không có đau khổ, con cái Israel sẽ không nhận ra tình thương
Thiên Chúa, sẽ sống xa Ngài, và sẽ phải chịu đau khổ đời đời. Trong Phúc Âm,
các môn đệ vui mừng khi thấy mình có uy quyền chữa lành và khuất phục ma quỷ;
Chúa Giêsu muốn hướng lòng các ông về mầu nhiệm Nước Trời. Các ông nên vui mừng
hơn vì các ông đã hiểu được mầu nhiệm Nước Trời, và tên các ông được ghi trên
trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy cố gắng hiểu mầu nhiệm đau khổ trong cuộc đời.
1.1/ Tại sao con cái Israel bị
lưu đày? Lưu đày là cơ hội cho con
cái Israel nhận ra hai điều:
(1) Tội của họ đã xúc phạm
đến Thiên Chúa: Tiên-tri Baruch nêu rõ lý do của lưu đày: “Các ngươi có bị trao
cho quân thù âu cũng vì đã chọc giận Thiên Chúa. Quả thật, khi tế lễ cho ma quỷ
thay vì cho Thiên Chúa, các ngươi đã khiêu khích Đấng tạo dựng nên mình.” Thiên
Chúa để những đau khổ xảy ra không phải vì Ngài không yêu thương họ; nhưng để họ
nhận ra những tội lỗi họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Tiên-tri Baruch cũng như
các tiên-tri khác khuyên dân chúng để họ đừng thất vọng, đánh mất niềm tin nơi
Thiên Chúa; nhưng biết nhận ra tội lỗi và ăn năn trở lại: ”Can đảm lên nào, hỡi
dân Ta! Hỡi những kẻ mang danh Israel! Các ngươi có bị bán cho dân ngoại, không
phải là để bị diệt vong.”
(2) Tình thương Thiên Chúa
dành cho họ: Thiên Chúa sửa phạt dân chúng không phải vì ghét bỏ họ; ngược lại,
Ngài sửa dạy vì Ngài yêu thương họ. Tiên-tri Baruch ví Thiên Chúa như một người
Cha và Jerusalem như một người mẹ, phải đau khổ thế nào khi phải sửa phạt con
cái mình: ”Thiên Chúa vĩnh cửu, Đấng nuôi dưỡng các ngươi, các ngươi đành quên
lãng; còn Jerusalem, mẹ sinh thành các ngươi, các ngươi làm cho mẹ phải buồn sầu;
buồn vì chứng kiến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên đoàn con, và mẹ
đã than thở: Hãy nghe đây, các thành lân cận của Sion, Thiên Chúa đã giáng xuống
trên tôi một nỗi buồn thê thảm.”
1.2/ Phải nỗ lực quay trở về
với Thiên Chúa: Một khi con cái Israel đã
nhận ra tội lỗi của họ, họ cần phải quay về với tình yêu Thiên Chúa và với tình
mẹ Jerusalem: ”Các con ơi, can đảm lên nào! Hãy cứ kêu lên cùng Thiên Chúa, vì
Đấng đã giáng hoạ sẽ lại nhớ đến các con. Xưa các con chỉ nghĩ đến chuyện xa
lìa Thiên Chúa, thì một khi trở về, các con phải nỗ lực gấp mười mà tìm kiếm
Chúa. Vì Đấng đã giáng hoạ xuống các con, chính Người sẽ giải thoát mà ban cho
các con niềm vui vĩnh cửu.” Đau khổ chỉ dành cho những đứa con chưa nhận ra
tình yêu Thiên Chúa, tình yêu cha mẹ, và tình yêu của những người chung quanh;
một khi con người đã hiểu biết và sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với
tha nhân, đau khổ không còn cần thiết nữa.
2/ Phúc Âm: Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông
thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.
2.1/ Vui mừng thực sự vì tên
anh em đã được ghi trên trời: Nhóm Bảy Mươi (Hai) trở về, tường thuật những gì họ đã thực hiện, và hớn
hở nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất
phục chúng con.”
Phản ứng lạc quan và vui mừng
của các môn đệ khi thành công là điều có thể hiểu được; nhưng Chúa Giêsu cảnh
cáo các ông phải đề phòng sự lạc quan này: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp
từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ
cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh
em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã
được ghi trên trời.”
Chúa Giêsu chỉ rõ cho các
ông thấy đâu là lý do chính của sự vui mừng, vì các ông được bảo đảm phần rỗi
linh hồn. Tự hào về những thành công theo cách thức thế gian rất nguy hiểm, vì
Satan có thể dùng tính tự hào này mà phá hủy công trình của Thiên Chúa và kéo
các ông xa Chúa.
2.2/ Mầu nhiệm Nước Trời chỉ
được hiểu bởi những kẻ bé mọn: Trình thuật kể: ”Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở
vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã
giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc
khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã
giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng
như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải
cho.””
(1) Bé mọn là điều kiện cần
thiết để hiểu mầu nhiệm: Danh từ “bé mọn” không chỉ được dùng để chỉ trẻ thơ,
mà còn chỉ những người chưa có kinh nghiệm nhiều trên đời. Khác với quan niệm của
người thế gian cho rằng phải khôn ngoan thông thái để hiểu biết những điều kỳ
diệu trong trời đất; Chúa Giêsu đòi khán giả của Ngài phải có lòng khiêm nhường,
cởi mở, và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để hiểu các mầu nhiệm. Một tâm hồn
kiêu ngạo, khép kín, và chỉ tin nơi trí tuệ của mình sẽ không thể hiểu được những
mầu nhiệm của Thiên Chúa.
(2) Người khôn ngoan thông
thái không nhận ra: Nhiều người có thể dựa vào lời Chúa Giêsu nói ở đây để biện
hộ cho Thuyết Tiền Định; vì nếu Chúa giấu hay Chúa không mặc khải, làm sao con
người có thể biết được. Chúng ta biết đây chỉ là một lối nói của người Do-thái,
khi họ quy định mọi sự về cho Thiên Chúa. Chúa rao giảng Tin Mừng là cho tất cả
mọi người; nhưng không phải mọi khán giả đều hiểu được những gì Chúa nói. Dụ
ngôn Người Gieo Giống là một điển hình; nếu khán giả không chịu dọn dẹp, chuẩn
bị tinh thần đón nhận Lời Chúa, làm sao họ có thể hiểu và sinh lợi ích được?
(3) Không phải mọi người đều
có cơ hội như các môn đệ: Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng:
“Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết:
nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được
thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.” Các môn đệ được may
mắn sống đồng thời với Chúa, nhưng chúng ta cũng được may mắn nghe những gì các
thánh ký tường thuật. Nếu Chúa cho nhiều, Ngài cũng đòi lại nhiều.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần khiêm nhường
học hỏi để hiểu biết những mầu nhiệm trong trời đất. Một thái độ kiêu hãnh sẽ
ngăn cản chúng ta trong việc hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa.
– Hiểu biết mầu nhiệm mới
chỉ là bước đầu, chúng ta cần phải sống theo mầu nhiệm mặc khải, chúng mới sinh
lợi ích cho cuộc đời chúng ta.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
05/10/2019 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 10,17-24
XIN HÃY SAI CON ĐI!
Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy,
cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy
Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống.” (Lc 10,17-18)
Suy niệm: Giáo Hội Hàn Quốc thành lập một cơ sở, để mở các
khóa huấn luyện truyền giáo kéo dài khoảng vài tháng. Thành viên tham dự là các
linh mục, tu sĩ, giáo dân. Sau khi tốt nghiệp khóa học sẽ được gửi đến các châu
lục, để loan báo về Chúa Giê-su. Cơ sở này được thành lập từ năm 1994. Năm 2019
đã có 19 thành viên tốt nghiệp và được sai đi. Có thể nói, cách làm của Giáo hội
Hàn Quốc phần nào họa lại cách mà Đức Giê-su huấn luyện các môn đệ. Hôm nay, Đức
Giê-su sai một nhóm đông hơn gồm 72 môn đệ. Ngài sai các ông đi “thực tập” truyền
giáo. Các ông ra đi và trở về hớn hở vui mừng với thành quả. Tuy nhiên, Đức
Giê-su đã cảnh tỉnh các ông: Xa-tan như tia chớp từ trời sa xuống và sàng các
con như sàng gạo. Đồng thời, Ngài nhắc nhở các ông, trong công cuộc truyền giáo
phải hướng về mục đích tối hậu: hãy vui mừng vì tên anh em được ghi trên trời.
Mời Bạn: Đức Thánh Cha Phan-xi-cô kêu gọi: tháng 10 năm 2019
sẽ là tháng đặc biệt dành cho việc truyền giáo của cả Giáo hội. Nhìn vào con số
thống kê năm 2019 của Giáo hội Việt nam, để nhắc chúng ta phải làm gì? Tỷ lệ
người Công giáo là 6,94%, riêng Giáo phận Đà nẵng là 3%.
Sống Lời Chúa: Việc làm trong tháng truyền giáo: Đến thăm một người
với ý hướng loan báo về tình thương của Chúa Giêsu và cầu nguyện cho một gia
đình lương dân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin huấn luyện con và xin hãy sai con đi.
Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Hớn hở vui mừng
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Luca, Đức
Giêsu đã sai nhóm Mười Hai
đi rao giảng về Nước Thiên
Chúa và chữa lành bệnh tật (ch. 9).
Họ là những tông đồ thân
tín, sống gần gũi bên Thầy Giêsu.
Nhưng vì thấy lúa chín đầy
đồng, và thợ gặt thì ít,
Đức Giêsu lại sai thêm bảy
mươi hai môn đệ lên đường.
Đây là một số người khá
đông mà Đức Giêsu quy tụ được.
Chắc họ không luôn luôn ở
với Ngài và gần gũi như nhóm Mười Hai,
vì họ còn phải vất vả lo
chuyện gia đình, làm ăn,
nhưng họ vẫn được Ngài chỉ
định và trao phó nhiệm vụ đi tiền trạm.
Ngày trở về của nhóm Bảy
Mươi Hai là một ngày rất vui.
Họ thi nhau khoe với Thầy
về chuyện họ trừ được quỷ dữ,
Họ đã có kinh nghiệm về
Tên của Thầy mình.
“Nhân danh Thầy, cả ma quỷ
cũng phải lụy phục chúng con” (c. 17).
Những môn đệ bình thường bắt
đầu vui sướng nhận thấy
họ có thể dũng cảm đối đầu
với những mãnh lực đáng sợ
chỉ nhờ đặt nơi Thầy một
lòng tin phó thác đơn sơ.
Đúng là Xatan đã đến ngày
tàn khi Đức Giêsu xuất hiện (c. 18).
Nó bị sa xuống từ trời, và
nước của nó bị đổ nhào bởi Nước Thiên Chúa.
Trước niềm vui chiến thắng
của nhóm Bảy Mươi Hai,
Thầy Giêsu muốn nhắc họ về
một niềm vui khác, lớn hơn nhiều.
Đó là vui vì tên họ đã được
ghi trên trời (c. 20).
Khi Xatan bị tống khỏi trời,
thì các môn đệ có chỗ vững vàng ở đó.
Phúc cho họ vì được ơn có
tên trong sách sự sống (Pl 4,3).
Đây mới là hạnh phúc và niềm
vui đích thật.
Bài Tin Mừng hôm nay đầy ắp
niềm vui.
Niềm vui từ số đông môn đệ
tỏa lan sang Thầy Giêsu.
Vào ngay giờ ấy, Thầy cũng
bất ngờ cảm nếm niềm vui do Thánh Thần,
và môi Thầy bật lên lời cầu
nguyện tự phát.
Vừa thân thiết, vừa cung
kính, Thầy dâng Cha lời tạ ơn:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất,
con xin ngợi khen Cha.”
Thầy Giêsu ngây ngất trước
những việc Cha làm cho các môn đệ.
Tuy chỉ là những kẻ bé mọn,
bình dân,
chẳng phải là những nhà
khôn ngoan thông thái,
nhưng họ lại được Cha mặc
khải những điều mầu nhiệm.
Cha đã vén mở cho họ tin
vàoThầy Giêsu là Con của Cha.
Họ có niềm tin mà những
người kiêu căng tự mãn không có được.
Thầy Giêsu khâm phục sự sắp
đặt kỳ diệu của Cha:
“Vâng, lạy Cha, vì đó là
điều đẹp ý Cha” (c. 21).
Chúng ta có quyền tin rằng,
vào giây phút cầu nguyện
linh thiêng này,
không phải chỉ các môn đệ
và Thầy Giêsu mới đầy ắp niềm vui.
Cả Chúa Cha trên trời cũng
vui, cùng với Chúa Thánh Thần.
Qua lời cầu nguyện, Thầy
Giêsu cho thấy Cha đang mặc khải cho môn đệ.
Và chính Thầy cũng đang mặc
khải về Cha cho họ.
Đây là giây phút Cha-Con mặc
khải về nhau.
Giáo Hội hôm nay cần Mười
Hai tông đồ,
Nhưng cũng rất cần Bảy
Mươi Hai môn đệ đi tiền trạm cho Chúa Giêsu.
Giáo Hội cần những giáo
dân được sai đi để xây dựng Nước Thiên Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
những hạt cải Chúa gieo
vãi cách đây hai ngàn năm
nay đã trở thành cây cao
cho chim trời rủ nhau trú
ngụ.
Nhúm men nhỏ bé được Chúa
vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên,
để trở nên tấm bánh thơm
ngon cho thế giới.
Sau hai mươi thế kỷ,
các môn đệ Chúa không còn
là nhóm Mười Hai bé nhỏ.
Hôm nay, các kitô hữu chiếm
gần một phần ba,
người công giáo chiếm hơn
một phần sáu dân số thế giới.
Chúng con được mời gọi xây
dựng Nước Chúa trên trần gian,
cho đến khi tất cả mọi người
nhận biết và tin yêu Chúa.
Xin cho chúng con đừng mặc
cảm
vì người công giáo chỉ là
thiểu số trên quê hương Việt Nam,
nhưng xin cho chúng con mạnh
dạn làm chứng cho Chúa
trong việc xây dựng một xã
hội công bằng và huynh đệ.
Hôm nay chúng con phải tiếp
tục làm việc như Chúa,
gieo hạt giống để làm nên
những cánh rừng,
trở nên chất xúc tác để biến
đổi môi trường mình sống.
Và chúng con biết rằng sớm
muộn cũng sẽ thành công
vì tin Chúa vẫn cần cù làm
việc với chúng con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu
SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI
Tính Nhân Bản Của Thánh Kinh
Từ khi Thiên Chúa tự biểu
lộ chính Ngài cho Abraham – nghĩa là tái lập cuộc đối thoại giữa con người với
Đấng Sáng Tạo vốn đã bị gãy đổ do tội Adam – tính nhân bản đích thực theo Thánh
Kinh không ngừng khẳng định phẩm giá độc đáo nơi mỗi con người. Mỗi người đều
được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Mỗi người đều được Chúa Kitô cứu
chuộc và mời gọi đi vào trong mối hiệp thông với Ngài.
Đó là địa vị của con người
trong thế giới này và trong bậc thang giá trị. Đành rằng văn chương và nghệ thuật
thường đề cập đến tính yếu đuối, mỏng dòn, thú nhục dục, thói đạo đức giả và
tính thô bạo của con người. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, trên hết, con người
thật kỳ diệu với lối suy nghĩ sáng sủa, với những khám phá khoa học, với những
cảm hứng trữ tình trong thi ca, với những sáng tạo nghệ thuật trác tuyệt, với
tính cách đạo đức anh hùng, và quan trọng nhất là với những chứng tá thánh thiện
trong Đức Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05/ 10
Br 4, 5-12.27-29; Lc 10, 17-24.
LỜI SUY NIỆM: Nhóm Bảy
Mươi Hai trở về hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải
khuất phục chúng con.”
Danh “Giêsu” nói lên rằng chính Danh Thánh Thiên Chúa hiện diện nơi bản thân của
Con Ngài, Đấng đã làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt
khoát. “Giêsu” là một Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ, và từ
nay mọi người có thể kêu cầu Danh của Người, bởi vì qua việc Nhập Thể, chính
Người đã tự kết hợp với tất cả mọi người đến độ dưới gầm trời này, không có một
danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được
cứu độ.” (GL 432)
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết tôn kính và thờ lạy
khi nghe hay mỗi khi xướng đến Danh Chúa.
Mạnh Phương
05 Tháng Mười
Sứ Ðiệp Của Một Người Tàn Tật
Hằng năm tổ chức có tên là
“Tự nguyện chịu đau khổ” hành hương đến Lộ Ðức để chia sẻ kinh nghiệm của họ
khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành hương đã chú ý đến lời chia sẻ của
Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt. Chúng ta hãy lắng
nghe chứng từ của ông:
Sau trận đánh ở El Alamem,
tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu đạn và
vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi cứ tự nhiên cầm lấy
quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt mũi, không nói được nữa.
Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người không tay, không mắt… Tôi
toan tự tử.
Trên giường bệnh ở nhà thương,
tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin được rước
lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi nhân loại: đó là thù
oán, kiêu căng, chiến tranh… Và tôi đã tìm lại được sự an vui và trông cậy.
Tôi cảm thấy một cái gì
tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau khổ.
Ngài đã van xin: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này”,
nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: “Lạy Cha, xin vâng theo ý Cha”. Sau thảm kịch
Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô
muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà
là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bại. Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường
bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi cũng
không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã chịu được.
Như lời văn hào Mauriac
nói: “Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những
người đau khổ”. Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán: “Phúc cho những kẻ khóc
lóc, phúc cho những kẻ đau khổ”.
Tại Evreux, tôi được gặp một
người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng nhờ ngón
chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một miếng ván và bà đã tặng
cho tôi một bài thơ có tựa đề “Nụ cười”.
Tôi liên tưởng đến một người
đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi. Trên giường bệnh, lúc
hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau: “Tôi đã trải qua một cuộc
đời tốt đẹp”.
Ông Jacques Lebreton kết
luận như sau: “Tôi, một người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời tươi đẹp.
Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với Thiên Chúa. Tôi không thể
nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có thể nói như
vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay, sau một chặng đường dài,
tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của tôi rằng: Thiên Chúa hằng
sống. Ðức Kitô đã sống lại”.
Ðã có khoảng 6,000 vụ lành
bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ có 64 vụ được Giáo Hội
công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức cũng như của những
trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những phép lạ
của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận, tinh thần lạc
quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân xác cũng
như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, tình
yêu cao cả của Chúa. Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện qua những
người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng kêu cầu Chúa
thực hiện.
Nhìn lên thập giá Chúa,
trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta
được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục sinh giữa những
đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho không biết bao
nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong cô đơn của tâm hồn.
Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét