07/10/2019
Thứ Hai tuần 27 thường
niên
Đức Mẹ Mân Côi.
Lễ nhớ.
* Ngày 7 tháng 10 năm 1571, Tây Phương thoát khỏi sự đe dọa của quân Thổ
Nhĩ Kỳ nhờ chiến thắng ở vịnh Lê-pan-tô. Người ta cho rằng chiến thắng đó là kết
quả của Kinh Mân Côi.
Ngày nay, mừng lễ
này không
có nghĩa là mừng biến cố xa xưa đó, nhưng là nhắc nhở việc suy niệm các
mầu nhiệm nhập thể, thương khó và phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô,
Con Thiên Chúa cũng như khám phá ra vị trí của Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm
cứu độ.
Thứ Hai tuần 27 thường niên
BÀI ĐỌC
I: Gn 1, 1 – 2, 1. 11
“Ông Giona chỗi dậy
lánh xa mặt Chúa”.
Khởi đầu sách Tiên
tri Giona.
Có lời phán cùng Giona, con trai ông Amathi, rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy đi
sang Ninivê, một thành rộng lớn,và giảng tại đó, vì tội ác của nó thấu đến Ta”.
Giona liền chỗi dậy để trốn sang Tharsê lánh xa mặt Chúa; ông đi xuống Gioppê,
gặp tàu đi sang Tharsê, ông liền mua vé, xuống tàu đi với hành khách sang
Tharsê, lánh xa mặt Chúa.
Nhưng Chúa khiến trận cuồng phong thổi trên biển và cơn bão táp dữ dội nổi
lên, khiến tàu lâm nguy sắp chìm. Các thuỷ thủ lo sợ, hành khách cầu khẩn cùng
thần minh của mình. Người ta vứt đồ vật trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt, lúc đó
ông Giona xuống lòng tàu nằm ngủ mê mệt. Thuyền trưởng đến gần ông và hỏi rằng:
“Sao ông ngủ mê mệt như vậy? Hãy chỗi dậy cầu khẩn cùng Thiên Chúa của ông, may
ra Thiên Chúa đoái đến chúng ta và chúng ta khỏi chết”.
Ai nấy đều bảo đồng bạn mình rằng: “Các anh hãy lại đây, chúng ta bắt
thăm coi biết tại sao chúng ta gặp phải tai hoạ này”. Rồi họ bắt thăm, thì
trúng phải ông Giona. Họ bảo ông rằng: “Xin ông cho chúng tôi biết vì cớ nào
chúng ta gặp phải tai hoạ này: Ông làm nghề gì? Ở nơi nào? Đi đâu? Hoặc thuộc
dân nào?” Ông trả lời họ rằng: “Tôi là người Do-thái, tôi kính sợ Thiên Chúa là
Chúa Trời, Đấng tạo thành biển khơi và lục địa”.
Họ khiếp sợ quá sức và hỏi ông rằng: “Sao ông hành động thế này? (Vì theo
lời ông thố lộ, các hành khách biết ông trốn lánh mặt Chúa). Họ liền hỏi ông rằng:
“Chúng tôi phải đối xử với ông làm sao đây, để biển yên lặng? vì biển càng động
mạnh thêm”. Ông bảo họ rằng: “Các ông hãy bắt tôi vứt xuống biển, thì biển sẽ
yên lặng, vì tôi biết tại tôi mà các ông gặp phải trận bão lớn lao này”.
Các thuỷ thủ cố chèo thuyền vào đất liền, nhưng không sao được, vì biển
càng động dữ dội hơn. Họ kêu cầu cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi xin Chúa
vì mạng sống người này cho chúng tôi khỏi chết. Xin chớ đổ máu vô tội trên
chúng tôi, vì, lạy Chúa, Chúa hành động theo như Chúa muốn”. Rồi họ bắt vứt ông
Giona xuống biển, và biển liền hết nổi sóng. Mọi người rất kính sợ Chúa, họ tế
lễ dâng lên Chúa và làm lời khấn hứa.
Chúa chuẩn bị sẵn một con cá lớn để nuốt ông Giona, và ông Giona ở trong
bụng cá ba ngày ba đêm. Sau đó, Chúa truyền lệnh cho cá nhả ông Giona vào bờ.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Gn 2, 2. 3.
4. 5. 8
Đáp: Lạy Chúa là
Thiên Chúa của con, từ vực sâu thẳm, Chúa đã cứu sống mạng con (c. 7c).
Xướng:
1) Nằm trong bụng cá, ông Giona thưa cùng Chúa là Thiên Chúa của mình rằng:
– Đáp.
2) Trong cảnh gian truân, con đã kêu cầu tới Chúa, và Ngài đã nhậm lời
con; tự lòng vực sâu âm phủ, con đã kêu lên, và Ngài đã nghe rõ tiếng con. –
Đáp.
3) Ngài đã ném con xuống vực sâu, trong lòng biển, các dòng nước đã lôi
cuốn thân con, bao sóng cả ba đào đều lướt chảy trên mình con. – Đáp.
4) Bấy giờ con tự nhủ: Con đã bị loại xa khỏi thiên nhan Chúa, nhưng con
sẽ còn được xem thấy thánh điện Ngài. – Đáp.
5) Khi mà trong người con, linh hồn tuyệt vọng, bấy giờ con đã nhớ (tới)
Chúa. Lời cầu nguyện của con đã thấu đến tai Ngài, trong nơi thánh điện của
Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3,
9; Ga 6, 69
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự
sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 10,
25-37
“Ai là anh em của
tôi?”
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa
Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật
đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến
Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi,
và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng,
hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên
thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”
Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi
vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa
sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông
liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi
qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động
lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ
nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền,
ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra
còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông’.
“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn
cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và
Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm
Luca trình bày dụ ngôn này trong bối cảnh của một bản tường thuật rộng
hơn, trong đó Đức Giêsu gặp một người luật sĩ muốn thử Người. Đức Giêsu đã từng
bị thử thách khi khởi đầu sứ vụ, khi Người được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và
chịu quỉ cám dỗ. Ba lần trong cuộc cám dỗ này (x. Lc 4:2.12.13), quỉ thử thách
để xem Đức Giêsu có thật là Con Thiên Chúa và có trung thành với ý muốn của
Thiên Chúa hay không. Trong lần “thử thách” thứ ba, Đức Giêsu đã đuổi quỉ đi và
nói những lời cuối cùng cho cuộc chiến với Satan: “Ngươi chớ thử thách Chúa là
Thiên Chúa ngươi” (Lc 4:12).
Bây giờ đoạn Tin Mừng Luca bắt đầu kể, “Có người thông luật kia đứng lên
hỏi Ðức Giêsu để thử Người” (Lc 10:25). Như thế, người đọc chăm chú đã từng thấy
Đức Giêsu chứng tỏ Người thật sự là Con Thiên Chúa thì biết rằng người thông luật
kia đang tìm cách làm một điều gì đó mà chính quỉ đã không làm được và Đức
Giêsu đã minh nhiên cấm làm; đúng hơn, chính người thông luật kia mới là kẻ sắp
bị thử thách.
Dụ ngôn về người Samaria nhân hậu là một dụ ngôn nổi tiếng và dễ hình
dung ra, nhưng bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng lời giới thiệu một người thông
luật đến gần Đức Giêsu để thử Người. Có rất nhiều chuyên gia về khoa học hạnh
phúc trong thế giới chúng ta muốn thử thách các tông đồ Tin Mừng hôm nay. Chúng
tôi phải làm gì để có sự sống đời đời? Chúng tôi có thể làm thế nào để đạt hạnh
phúc? Câu trả lời của chúng ta không thể là gì khác hơn lời dạy của Thầy Chí
Thánh. Để đạt hạnh phúc, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn,
hết sức, hết trí khôn, và yêu thương đồng loại như chính mình. Mến Chúa và yêu
người. Mến Chúa bằng cách thương yêu người khác. Yêu cận nhân như Chúa muốn!
Nhưng cụ thể phải làm thế nào?
Đức Giêsu cho chúng ta một ví dụ qua câu truyện về người Samaria tốt
lành. Luca là tác giả Tin Mừng duy nhất kể lại câu truyện tuyệt vời này từ lời
giảng của Đức Giêsu. “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô”: nghĩa là,
người ấy rời bỏ khu vực đền thờ, nơi thánh, thành thánh, để đi đến khu vực ngoại
vi, đến “vùng đáy” của trái đất. Giêrikhô ở không xa Biển Chết, trên thực tế là
một trong những thành phố thấp hèn nhất trên thế giới. Người kia rời núi Xion để
đi xuống vực sâu, một nơi đầy những bất ổn và rối loạn của trần gian. Và có thể
đoán trước được rằng người ấy sẽ rơi vào tay kẻ cướp. Đây chính xác là tình huống
của người thời nay, người không có lòng tin, người từ bỏ nơi thánh thiêng để
ngày qua ngày chìm xuống vực sâu của những bất trắc và giới hạn. Và trên đường
đi có những tên trộm cướp lấy đi hết mọi thứ của người ấy, và bỏ mặc người ấy nửa
sống nửa chết bên đường. Tệ thay, một tư tế thản nhiên đi ngang qua, bỏ mặc người
bị cướp bên đường. Rồi một thầy Lêvi cũng đi ngang qua, trông thấy nạn nhân và
tiếp tục bỏ đi; bản văn không cho chúng ta biết nơi người này xuất phát. Giống
như người tư tế, người này không quan tâm tới người bị cướp. “Nhưng một người
Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.
Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại,
rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10:33-34).
Người Samaria tạm dừng hành trình của mình để chăm sóc một người xa lạ, anh em
của ông trong nhân tính. Đức Giêsu cũng làm giống như thế, một cách siêu vời,
qua cái chết thục tội của Người. Người tắm rửa chúng ta trong máu và nước chảy
từ cạnh sườn Người trên Thập Giá. Hôm sau, người Samaria trao cho chủ quán trọ
hai đồng bạc, xin người này chăm sóc cho nạn nhân. Đức Giêsu đã trả giá trên thập
giá để chữa lành chúng ta, để chuộc lại chúng ta. Người sẵn sàng tiếp tục trả mọi
món nợ chúng ta mắc phải do tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày. Trong ba người đi
đường, người thân cận của người bị cướp chính là người Samaria biết tỏ lòng
nhân hậu với nạn nhân.
Câu truyện này dạy bài học gì cho chúng ta là những người được gọi đi
truyền giáo? Chỉ có tình yêu là thứ có tác dụng phúc âm hóa hiệu quả. Vấn đề
không phải là phát triển một tôn giáo của phụng tự, của luân lý đạo đức, của
các qui định pháp lý; nhưng là làm sao cho những người nam người nữ bị thương tổn
của Đức Giêsu mà chúng ta gặp trên đường Giêrikhô trở thành những người thân cận
của chúng ta. Đó là bảo đảm rằng các chương trình chi tiết của chúng ta phải
dành ưu tiên cho việc chăm sóc những người bị thương tổn mà chúng ta gặp trên
đường. Đó là sơ cứu cho họ bằng những gì chúng ta có: dầu của lòng thương xót
và rượu của tình yêu thương. Đó là đưa loài người ngày càng đến gần hơn với
lòng nhân hậu cứu độ của Thiên Chúa nhờ đức tin vào Chúa Kitô. Chính lòng tin
vào Đấng đã chết và sống lại làm cho chúng ta càng ngày càng quen thuộc hơn với
các cách họat động của Thiên Chúa, với các tiêu chí cứu độ của họat động này.
Người Samaria tốt lành không phải tự bản thân mình. Ông tốt lành nhờ lòng tốt
lành của Thiên Chúa, Đấng chúng ta có thể đón nhận và hiệp thông nhờ đức tin.
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo
ngoại thường 10/2019)
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng
**********************
ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Lễ kính
Bài đọc I:
CV 1, 12-14
Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần
Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các
ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an,
Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con
ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả
các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ,
với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.
ALLELUIA : Lc 1, 28
– Kính chào Maria đầy
ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ
nữ. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 1,
26-38
“Này Trinh nữ sẽ thụ
thai và sinh một Con trai”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là
Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi
họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng:
“Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó,
Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa:
“Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh
một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng
Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai
trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi
không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối
Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được
gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai
trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là
son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần
truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Mẹ Đầy
Ơn Phước
Thời gian viên mãn đã
đến, người trinh nữ, dấu chỉ của lời hứa được loan báo trước kia giỡ đây được
chỉ định rõ ràng cho chúng ta biết và chúng ta biết rõ đó là Đức Maria, Đấng
làm cho tâm hồn ta tràn đầy tin tưởng và niềm vui khi nghe đến tên Ngài. Cùng với
thiên thần Gabriel, chúng ta cất lên lời chào: "Kính mừng Maria, hãy vui
lên, Maria". Qua lời chào của thiên thần, Thiên Chúa mời gọi Maria hãy vui
lên vì thời giờ thực hiện lời hứa đã đến và làm sao Mẹ Maria không vui lên được,
khi biết chính mình đã được chọn để thực hiện lời hứa, để làm dấu chỉ loan báo
hoàng tử hòa bình sắp đến. Mỗi lần chúng ta chào chúc Mẹ Maria qua kinh Kính Mừng
"Kính Mừng Maria đầy ơn phước" chúng ta tham dự vào niềm vui và niềm
tri ân của Mẹ đối với Thiên Chúa.
Mẹ là Đấng đầy ơn phước,
Đấng được Thiên Chúa chúc phúc. Mẹ thuộc hoàn toàn về người tôi tớ của Đức
Giavê như được loan báo nơi sách tiên tri Isaia chương 42 câu 1: "Đây là
tôi tớ Ta, Đấng Ta chọn và đẹp lòng Ta mọi đàng. Mẹ được đầy ơn phước vì Đấng sắp
đến ngự nơi Mẹ là Con yêu dấu của Thiên Chúa". Mẹ Maria được đầy tràn niềm
vui. Mẹ là người đầu tiên được Thiên Chúa cho nếm trước niềm vui vì Thiên Chúa
nhập thể. Nhờ Thiên Chúa mạc khải, Mẹ Maria hiểu được sứ mệnh của Mẹ như là dấu
chỉ niềm hy vọng, dấu chỉ Thiên Chúa chu toàn lời hứa của Ngài cho Israel, và
suốt đời Mẹ sẽ là bài ca chúc tụng lòng trung thành của Thiên Chúa, như Mẹ đã
thốt lên nơi nhà ông Dacaria:
"Linh hồn tôi ngợi
khen Chúa,
Ngài là Đấng trung tín
như lời đã hứa
Abraham và con cháu
ông".
"Thiên Chúa ở
cùng Bà", Mẹ Maria đã từng suy niệm lời tiên tri loan báo trước về biến cố
cứu rỗi sắp đến, nên giờ đây từng lời thiên thần nói ra cho Mẹ đều mang một ý
nghĩa sâu xa. "Thiên Chúa ở cùng Bà", giây phút quan trọng nhất của lịch
sử đã đến, đó là lúc trinh nữ Maria hay tin và hiểu rõ thực tại Thiên Chúa ở
cùng chúng ta, Emmanuel, một cách thật độc nhất vô nhị. Mẹ vui mừng gọi Thiên
Chúa là Emmanuel, là Đấng ở cùng chúng ta. Mẹ vui mừng trước sự hiện diện của
Thiên Chúa và chúng ta hiệp với Mẹ trong niềm vui và hết lòng cảm tạ Thiên
Chúa.
"Hỡi Maria, đừng
sợ", kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình, không khỏi
làm cho con người run sợ. Không phải Mẹ Maria cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện,
nhưng Mẹ còn được mạc khải cho biết giờ đây, đến lúc lời hứa thành sự thật nơi
Mẹ. Không bao giờ Mẹ Maria đã nghĩ đến việc cả thể này, Thiên Chúa mạc khải
chính Ngài và ý định của Ngài cho Mẹ. Mẹ vui mừng lên như một niềm vui mừng đi
kèm với sự run sợ, một sự run sợ thánh. Kinh nghiệm sống đời Kitô, chúng ta
cũng thấy hai tâm tình này như Mẹ Maria, vừa vui và vừa sợ. Mẹ Maria nhờ ơn
Chúa giúp đã thắng vượt cái sợ và phó thác tin tưởng hoàn toàn vào Chúa.
Xin Mẹ Maria giúp
chúng ta được tham dự vào niềm vui của Mẹ, được trở thành dấu chỉ để Thiên Chúa
thực hiện ơn cứu rỗi của Ngài nơi anh chị em chung quanh. Đặc biệt, trong ngày
lễ của Mẹ hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha:
"Lạy Cha là Chúa
tể trời đất,
Chúng con chúc tụng
Cha
Vì Cha đã không mạc khải
cho những kẻ khôn ngoan kiêu ngạo
Nhưng cho những kẻ bé
nhỏ khiêm tốn
Cha đã chọn Mẹ Mari để
thực hiện lời hứa cứu rỗi chúng con,
Nhờ lời cầu khẩn của Mẹ
Maria
Đặc biệt trong ngày lễ
của Mẹ hôm nay
Và nhân danh Chúa
Giêsu Kitô,
Đấng Emmanuel, Thiên
Chúa ở cùng chúng con".
Xin cho chúng con nhận
ra sự hiện diện của Người và vui mừng tiếp rước Người đến ở với chúng con. Và lạy
Mẹ Maria, chúng con kính mừng Mẹ, Đấng đầy ơn phước. Mẹ đã lãnh nhận mọi phúc
lành của Thiên Chúa để giúp chúng con. Thiên Chúa ở cùng Mẹ; Ngài cũng đến ở với
chúng con. Chúng con cũng sẽ cảm nghiệm được điều này như Mẹ, nếu chúng con biết
sống trung thành với ơn gọi như Mẹ. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con được luôn sống
trong niềm vui vì được Chúa hiện diện bên cạnh, và đặc biệt trong chính chúng
con.
(Trích trong 'Mỗi Ngày
Một Tin Vui')
R. Veritas.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Bài đọc: Zec
2:14-17; Lk 1:26-38
CHỦ ĐỀ: Con Thiên
Chúa xuống thế để ở với con người.
Tháng mười, được gọi là tháng Mân Côi, tháng kỷ niệm cuộc đời của Chúa Cứu Thế
và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ người. Cuộc đời của hai con người quan trọng nhất
trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được dệt bằng những biến cố quan trọng,
nhưng các bài đọc hôm nay tập trung trong biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Zechariah nói trước về biến cố này, được lồng trong
khung cảnh lưu đày của dân tộc Do Thái. Thiên Chúa luôn quan tâm và săn sóc con
người; nhất là khi con người phải buồn sầu khổ cực trong chốn lưu đày. Ngài đã
có một kế hoạch để giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi bằng cách
cho người con một của Người xuống để ở với con người, để dạy dỗ, chữa lành và cứu
chuộc con người. Ngôn sứ Zechariah đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy trước ngày
này, nên ông đã kêu gọi dân Do Thái hãy vui mừng lên vì ngày đó đã gần đến.
Trong Phúc Âm, những gì ngôn sứ Zechariah loan báo đã trở thành hiện thực trong
biến cố Truyền Tin, được ghi lại bởi thánh sử Lucas. Chính nhờ sự vâng phục của
Đức Trinh Nữ Maria mà con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng của Mẹ, để bắt
đầu sứ vụ cứu chuộc của ngài cho trần gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC
1/ Bài đọc I: “Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta
đang đến để ở lại giữa ngươi.”
Có ba sự kiện chính chúng ta ghi nhận trong đoạn văn của ngôn sứ Zechariah:
1.1/ Thiên Chúa đang đến
và ở lại với dân Người: Sự kiện này được lặp lại hai lần trong hai câu đầu
tiên, 14 và 15. Không những Thiên Chúa đến để viếng thăm, nhưng còn ở lại với
dân Người. Khi Chúa Giêsu đến, ngài không chỉ viếng thăm; nhưng hoá thành nhục
thể để ở với con người trong suốt ba mươi ba năm; và lập bí tích Thánh Thể để ở
với con người suốt mọi ngày cho đến tận thế. Đây là một sự kiện đặc biệt mà con
người phải vui mừng, phải reo hò và hân hoan vì khi có Thiên Chúa ở với, con
người sẽ không còn cô đơn và sợ hãi những quyền lực của thế gian và ma quỉ.
Thiên Chúa phải trừng phạt dân tộc Do Thái một thời gian vì họ quá cứng lòng,
không chịu nghe những lời Ngài dạy bảo qua các ngôn sứ; nhưng khi họ biết nhận
ra những lỗi lầm của họ và quay trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ phục hồi tất cả
mọi quyền lợi và địa vị cho họ, như lời ngôn sứ Zechariah loan báo, “Đức Chúa sẽ
lấy Giu-đa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại
tuyển chọn Giê-ru-sa-lem.”
1.2/ Các dân tộc sẽ được
nhập đoàn với dân Chúa: “Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng
sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi.” Trong kế hoạch cứu độ
của Thiên Chúa, Ngài bắt đầu với dân tộc Do Thái như một dân riêng; sau đó,
Ngài sẽ cho tất cả các dân tộc được nhập đoàn qua niềm tin của họ vào Đức Kitô.
Khi sự kiện này bắt đầu xảy ra, người Do Thái sẽ nhận ra kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa và phải tin rằng Đức Kitô được Chúa Cha sai đến.
1.3/ Thái độ của con
người phải có trước mầu nhiệm Nhập Thể: “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước
nhan Đức Chúa, bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người.” Đứng trước
tình yêu vô biên của Thiên Chúa, được biểu tỏ qua việc con Thiên Chúa bỏ Nơi
Thánh của người trên thiên quốc để xuống gian trần cứu độ con người, con người
không biết làm gì hơn là thinh lặng để suy niệm và cảm nghiệm tình yêu sâu xa
và vô biên này.
2/ Phúc Âm: Sứ vụ của Đức Trinh Nữ Maria
2.1/ Cuộc gặp gỡ giữa
trời và đất: Tuyệt đỉnh của Mầu Nhiệm Cứu Độ là Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra; và bắt
đầu cuộc đời của Đấng Cứu Thế trên dương gian là biến cố Truyền Tin hôm nay.
Không ai có thể ngờ một Thiên Chúa, Đấng dựng nên và có quyền trên muôn loài, lại
đến với một tạo vật của mình; để xin cho Người Con được vào cung lòng của Trinh
Nữ và sinh ra làm người. Thánh-sử Luca tường thuật biến cố Truyền Tin như sau:
“ Khi Bà Elizabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến
một thành miền Galilee, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một
người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavit. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần
vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng
bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần
liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.”
2.2/ Mầu Nhiệm Cứu Độ
được mặc khải: Sứ-thần Gabriel nói về con trẻ sẽ được sinh ra như sau: “Và này
đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao
cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người
ngai vàng vua Đavit, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và
triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Đây chính là lời hứa thứ ba mà Tiên-tri
Nathan đã loan báo cho Vua Đavit trong Sách Samuen II. Chỉ có một điều kỳ lạ
không ai ngờ tới về đứa trẻ sinh ra, tuy là Con của Đấng Tối Cao nhưng lại thuộc
giòng dõi Đavit qua người cha nuôi, Thánh Giuse.
2.3/ Phản ứng của Đức
Trinh Nữ Maria: Vì đã khấn giữ mình đồng trinh, Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy
sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Điều Maria muốn giữ
mình đồng trinh là điều đẹp lòng Thiên Chúa, vì Ngài muốn con của Ngài nhập thể
trong một cung lòng thanh sạch và tinh tuyền như thế. Hơn nữa, lời tiên tri của
Isaiah cũng đã báo trước về người trinh-nữ này (parthenos, Isa 7:14).
Đức Trinh Nữ, cũng giống như nhiều người chúng ta, thắc mắc theo sự hiểu biết của
con người: Làm sao thụ thai và sinh con mà còn đồng trinh? Chúng ta quên đi
cách của Thiên Chúa: có thể giữ mình đồng trinh mà vẫn sinh con. Sứ thần cắt
nghĩa cách của Thiên Chúa: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng
Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con
Thiên Chúa.” Sứ thần đưa một bằng chứng cụ thể: “Kìa bà Elizabeth, người họ
hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị
mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên
Chúa, không có gì là không thể làm được.” Sau khi đã lắng nghe lời cắt nghĩa của
Sứ-thần, Đức Trinh Nữ Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ
làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG
– Trong tháng Mân Côi, chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để lần hạt và suy ngắm
về tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua mầu nhiệm Nhập Thể của
con Ngài.
– Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy vâng lời và cộng tác với Thiên Chúa để mang
ơn cứu độ của Ngài cho chúng ta và cho mọi dân tộc.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
07/10/19 THỨ HAI TUẦN 27 TN
Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38
Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38
NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa
cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Trong trận thuỷ chiến với hạm đội của đế quốc Ottoman
Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lêpantô (Hy Lạp) năm 1571, các tín hữu được kêu gọi lần chuỗi
Mân Côi, nhờ lời chuyển cầu đặc biệt của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, liên quân các nước
Ki-tô giáo đã có chiến thắng quyết định chặn đứng được sự xâm chiếm của đế quốc
Hồi giáo. Thánh Giáo hoàng Pi-ô V đã chọn ngày 7 tháng 10 làm lễ kỷ niệm Đức Mẹ
Chiến thắng, sau này được thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII đổi thành lễ Đức Mẹ Mân
Côi (1960). Lễ Mẹ Mân Côi không chỉ dừng lại ở việc kỷ niệm chiến thắng lịch sử
đó, nhưng Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta cầu nguyện bằng việc lần chuỗi Mân
Côi để nhìn ngắm và bắt chước Mẹ sống vâng phục trong đức tin và tham gia vào
công trình cứu độ của Chúa Giê-su: “Vâng,
tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ
làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Mời Bạn: Mỗi lần Đức Ma-ri-a hiện ra, Mẹ đều cầm tràng hạt và
kêu gọi con cái Mẹ lần hạt. Tại Fatima, cả sáu lần hiện ra Mẹ đều nhắn nhủ: “Các con hãy đọc kinh Mân Côi hằng ngày.”
Và ngày 13/10/1917, Mẹ lại xưng mình là “Mẹ
Mân Côi.” Thánh Đa-minh dạy rằng: Sau thánh lễ và kinh Phụng vụ, không có sự
tôn kính nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người bằng sốt sắng đọc kinh Mân
côi.
Sống Lời Chúa: Trong tháng Mân Côi này, bạn và tôi hãy quyết tâm lần
hạt Mân Côi hằng ngày, bạn nhé.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm
tạ Chúa đã ban cho nhân loại một người Mẹ là Đức Ma-ri-a. Chúng con thật hạnh
phúc. Xin Mẹ luôn cầu bầu cùng Chúa cho
chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Đức Chúa ở cùng bà
(7.10.2019 – Thứ Hai - Lễ Đức Mẹ Mân Côi)
Suy niệm:
Con người hôm nay mệt
mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã.
Chuỗi Mân Côi làm lòng
ta lắng xuống, thanh thản bình an
để chiêm ngắm cuộc đời
Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.
Kính Mừng Maria đầy
ơn phúc.
Ðây là lời sứ thần
chào Mẹ lúc truyền tin,
lời mời Mẹ vui lên vì
ơn cứu độ nay đã đến.
Mẹ đầy ơn phúc vì được
Thiên Chúa đặc biệt yêu thương.
Tình thương Chúa chở
che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời,
và tình thương ấy còn
bao bọc Mẹ mãi mãi.
Mẹ được tuyển chọn làm
Mẹ Ðấng Cứu Thế,
nên Mẹ được giữ gìn khỏi
vết nhơ nguyên tội.
Chúng ta được dự phần
vào niềm vui và ân phúc của Mẹ
vì chúng ta cũng được
Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương
được tẩy xóa nguyên tội
để trở nên thụ tạo mới.
Ðức Chúa Trời ở
cùng Bà.
Trong Cựu Ước, có bao
người được Thiên Chúa ở cùng,
để rồi được Ngài sai
đi phục vụ Dân Chúa.
Nhưng Thiên Chúa ở
cùng Mẹ một cách độc nhất vô nhị.
Khi được đầy tràn
Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời,
Mẹ trở nên như Hòm
Bia, như Ðền Thánh,
nơi vinh quang Thiên
Chúa hiện diện giữa con người.
Nhiều lần trong mỗi
Thánh Lễ,
vị linh mục chúc chúng
ta: Chúa ở cùng anh chị em.
Kitô hữu là người có Ðức
Kitô ở cùng
và được mời gọi đem
Ngài đến cho thế giới.
Bà có phúc lạ hơn mọi
người nữ.
Ðó là lời bà Êlisabét
ca ngợi Mẹ (Lc 1, 42)
vì chỉ mình Mẹ được diễm
phúc sinh hạ Ðấng Mêsia.
Mẹ đã cưu mang Người
và cho Người bú mớm (Lc 11, 27).
Nhưng sau đó bà
Êlisabét còn ca ngợi Mẹ có phúc
vì đã tin Chúa sẽ thực
hiện điều Ngài nói với Mẹ (Lc 1, 45).
Tin là dám buông đời
mình trong tay Chúa
và để Ngài dẫn đi
trong đêm tối của lòng tin.
Mọi tín hữu đều được mời
sống hành trình đức tin như Mẹ,
để được cùng Mẹ chung
hưởng hạnh phúc:
“Phúc cho ai không thấy
mà tin” (Ga 20, 29)
Thánh Maria, Ðức Mẹ
Chúa Trời.
Chỉ Thiên Chúa là Ðấng
Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện.
Mẹ được chia sẻ sự
thánh thiện ấy cách tuyệt vời,
vì Mẹ được chọn làm Mẹ
Ðức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa,
và vì chẳng ai thực
thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ.
Chúng ta chẳng được diễm
phúc sinh ra Ðức Giêsu,
nhưng chính Ngài lại mời
gọi ta làm mẹ của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi
là những ai
nghe Lời Thiên Chúa và
đem ra thực hành” (Lc 8,21).
Khi thực thi Lời Chúa
trong cuộc sống,
chúng ta sinh Ðức
Giêsu cho nhân loại hôm nay.
Ngài vẫn cần những người
mẹ để có mặt đến tận thế.
Chẳng có gì Ðức Maria
được hưởng cách viên mãn,
mà Hội Thánh và từng
người lại không được dự phần.
Xin Mẹ cầu cho ta khi
này và trong giờ lâm tử.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG MƯỜI
Kiên Vững Trong Niềm
Tin Của Chúng Ta
Tất cả chúng ta phải
xác tín rằng trong hiện tình của đời sống Giáo Hội, chúng ta phải tin tưởng vào
Thiên Chúa và không thối chí nản lòng trước bao khó khăn mà mình phải đương đầu.
Rất dễ có nguy cơ chúng ta đâm bối rối, ngay cả tuyệt vọng và cay đắng. Chúa vẫn
luôn dẫn dắt Giáo Hội của Người. Người dùng Giáo Hội để hoàn tất các mục đích của
Người, nhưng Người không hề chước miễn cho Giáo Hội khỏi những khó khăn, nghịch
cảnh và lo âu trong cuộc đời này.
Để đương đầu với những
thách đố ấy, chúng ta cần phải gặp gỡ, thảo luận và lập chương trình cho tương
lai. Chúng ta phải nghĩ ra những ý tưởng mới và tìm kiếm những phương thế mới,
hầu có thể củng cố Giáo Hội và đẩy mạnh việc thánh hóa các linh hồn, không ngừng
rao giảng cho mọi người Tin Mừng của Đức Kitô. Tiềm ẩn bên trong các khó khăn của
chúng ta là sứ điệp đầy năng lực đổi mới của Đức Kitô.
Đám đông dân chúng hỏi
Đức Giêsu: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện việc Thiên Chúa muốn?” Đức
Giêsu trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn các ông làm, đó là tin vào Đấng Người
sai đến" (Ga 6,28-29). Đây là mệnh lệnh nền tảng cho chúng ta, một mệnh lệnh
vẫn còn hiệu lực cho mọi người mọi nơi mọi lúc.
Những lời tâm huyết mà
Thánh Phaolô viết cho môn đệ Timôthê của Ngài cũng thật ý nghĩa cho chúng ta:
“Hãy công bố Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận
tiện ; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy
dỗ” (2 Tm 4,2).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
07 Tháng Mười
Chờ Ðợi
Theo tâm lý thông
thường, ai cũng sợ phải chờ đợi, ai cũng sợ phải xếp hàng cả ngày. Ít hay nhiều,
sự chờ đợi nào cũng là một cực hình. Nhưng mâu thuẫn thay, chúng ta lại thường
biến cuộc đời thành một thứ đợi chờ, thành những phòng đợi triền miên...
Cả tuần lễ, ai cũng
mong được đến ngày thứ Bảy, Chúa Nhật để được nghỉ ngơi. Chúa Nhật này đến,
chúng ta lại chờ đợi Chúa Nhật khác đến. Tháng này đến, chúng ta lại chờ tháng
sau. Năm này đến, chúng ta lại chờ năm sau...
Lên xe, chúng ta
mong đến đích điểm. Khi đến nơi, chúng ta lại thấp thỏm mong ra về. Vào rạp chiếu
bóng, nhiều người thường vội vàng đứng dậy trước khi cuốn phim chấm dứt: họ làm
như thể vào rạp chiếu bóng là chỉ để mau đến giây phút ra về. Ði dự thánh lễ,
dù lễ chưa xong, đã có kẻ muốn vội vàng đứng lên ra về: họ làm như thể chỉ đến
nhà thờ để mong cho đến giây phút tan lễ. Vừa ra khỏi nhà, đã chờ mong để quay
trở lại, nhưng khi vào nhà thì lại đợi đến lúc đi ra.
Với sự nóng lòng chờ
đợi giây phút sẽ tới này, chúng ta sống như thể cuộc đời không có sự liên hệ với
những giây phút hiện tại. Chúng ta biến cuộc đời thành một thứ phòng đợi, đợi hết
cái này đến điều kia, đợi cả những điều sẽ không bao giờ xảy đến.
Tháng Mười là tháng
dành riêng để tôn kính Mẹ Maria với tràng chuỗi Mân Côi và cùng với Mẹ, sống mầu
nhiệm cứu rỗi trong từng phút giây của cuộc sống.
Ơn cứu rỗi không là một
biến cố của quá khứ hoặc là một biến cố sẽ đến mà là một sự kiện đang diễn ra
trong từng phút giây của cuộc sống. Mẹ Maria quả thực là mẫu gương cho chúng ta
trong thái độ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Thời gian đối với Mẹ không là những tháng
ngày chờ đợi, mà là những tích tắc của từng khoảnh khắc đang đến với Mẹ. Với
hai tiếng "Thưa, xin vâng!", Mẹ đón nhận giây phút hiện tại như một
món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban.
Cùng với Mẹ sống lại mầu
nhiệm của ơn cứu rỗi, chúng ta hãy đón nhận Ðấng đang đến, Ðấng hôm qua, hôm
nay và mãi mãi vẫn là một. Chúng ta hãy đón Ngài trong phút giây hiện tại này
đây với tất cả tin tưởng phó thác.Chúa trao ban với chúng ta nhiệm vụ để thi
hành trong phút giây này đây. Chúng ta hãy hoàn tất với tất cả cố gắng của
chúng ta. Chúa trao ban cho chúng ta niềm vui của phút giây này đây, hãy tận hưởng
như thể sẽ không còn một niềm vui nào khác.
Lẽ Sống
Lectio Divina: Lễ
Đức Mẹ Mân Côi, Lc 10:17-24
Thứ Hai, 7 Tháng 10, 2019
Mùa Thường Niên
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Cha,
Xin Cha hiển thị sức mạnh
toàn năng của Cha
Trong lòng xót thương
và tha thứ của Cha.
Xin Cha tiếp tục đổ đầy
chúng con với ân sủng tình yêu của Cha.
Xin Cha giúp chúng con
mau mắn hướng về đời sống trường sinh Cha hứa ban
Và đến để chia sẻ
trong niềm hân hoan của Nước Cha.
Chúng con cầu xin nhờ
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con,
Đấng hằng sống và hằng
trị với Chúa và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến
muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc
Tin Mừng – Luca 10:17-24
Nhóm Bảy Mươi Hai trở
về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất
phục chúng con.”
Đức Giêsu bảo các
ông: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy
đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù,
mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên anh em chớ mừng vì quỷ thần
phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”
Ngay giờ ấy, được
Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể
trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan
thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.
Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho
tôi. Và không ai biết Người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết
Chúa Cha là ai, trừ Người Con, và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho.”
Rồi Đức Giêsu quay lại
với các môn đệ và bảo rằng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!
Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn
thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang
nghe, mà không được nghe.”
3. Suy Niệm
- Bối cảnh. Trước đó, Chúa Giêsu
đã cử nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ ra đi, bây giờ họ trở về từ sứ vụ của mình và
thuật lại các việc đã làm. Người ta có thể minh chứng rằng sự thành công
của sứ vụ là do kinh nghiệm vượt trội hay là tính ưu việt của danh thánh Chúa
Giêsu đối với quyền năng của sự dữ. Sự thất bại của Satan trùng hợp với sự
xuất hiện của Nước Trời: các môn đệ đã thấy điều đó trong sứ vụ hiện tại
của họ. Các quyền lực của ma quỷ đã bị suy yếu: ma quỷ đã quy
phục trước quyền năng của danh Chúa Giêsu. Niềm xác tín như thế không thể
là nền tảng của niềm hân hoan và sự nhiệt tình của việc làm chứng trong sứ vụ của
họ; niềm hân hoan có nguồn gốc hoặc cội rễ của nó trong sự kiện được Thiên Chúa
biết đến và yêu thương. Điều này không có nghĩa là được Thiên Chúa bảo vệ
và mối quan hệ với Ngài luôn đặt chúng ta vào tình thế thuận lợi khi phải đối mặt
với quyền lực sự dữ. Tại đây được chèn vào sự hòa giải của Chúa Giêsu giữa
Thiên Chúa và chúng ta: “Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng” (câu
19). Quyền năng của Chúa Giêsu là điều cho chúng ta có được kinh nghiệm
thành công trên quyền năng của ma quỷ và Người bảo vệ chúng ta. Một quyền
năng chỉ có thể ban truyền khi Satan bị đánh bại, Chúa Giêsu đã hiện diện trong
sự gục ngã của Satan, cho dù nó chưa hoàn toàn bị đánh bại hay chế ngự; các
Kitô hữu được kêu gọi để cản trở, gây trở ngại trước quyền lực của Satan trên
thế gian. Họ chắc chắn có được chiến thắng mặc dù họ đang sống trong tình
huống nguy kịch: họ tham dự để có được chiến thắng trong sự hiệp tông
tình yêu với Đức Kitô cho dù họ có thể bị thử thách bởi đau khổ và cái chết.
Cũng vậy, lý do để vui mừng chẳng phải vì việc chắc chắn sẽ trở về không bị hề
hấn gì mà chính là việc được Thiên Chúa yêu thương. Lời nói của Chúa Giêsu:
“tên anh em đã được ghi trên trời” là bằng chứng cho việc được hiện diện
trong tâm hồn của Thiên Chúa (ký ức) bảo đảm tính liên tục của cuộc sống vĩnh cửu
của chúng ta. Sự thành công của sứ vụ của các môn đệ là kết quả sự thất bại
của Satan, giờ đây được cho thấy lòng nhân hậu của Chúa Cha (các câu
21-22): sự thành công của lời của Ân Sủng trong sứ vụ của nhóm Bảy Mươi
Hai môn đệ, được coi như là chương trình của Chúa Cha và trong sự hiệp thông
trong sự sống lại của Chúa Con, đó là từ bây giờ, sự mặc khải ý muốn của Chúa
Cha, sứ vụ trở thành không gian cho sự mặc khải ý muốn của Thiên Chúa trong thời
đại của nhân loại. Kinh nghiệm như thế được truyền tải bởi thánh Luca
trong bối cảnh cầu nguyện: nó cho thấy khía cạnh phản ứng ở trên trời
(“con xin ngợi khen Cha”, câu 21) và ở dưới đất (các câu 23-24).
- Lời cầu nguyện vui mừng hoặc hớn hở.
Trong lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, được hướng dẫn bởi tác động
của Chúa Thánh Linh, nó được viết rằng “hớn hở”, bày tỏ sự cởi mở của niềm vui
mừng Đấng Thiên Sai và công bố lòng nhân lành của Chúa Cha. Điều này được
làm rõ ở những kẻ bé mọn, những người nghèo và ở những ai bị coi khinh vì họ đã
chấp nhận Ngôi Lời truyền đến cho những người được sai đi và do đó họ có sự tiếp
cận với mối quan hệ giữa Thiên Chúa Ba Ngôi. Thay vào đó, những bậc khôn
ngoan và thông thái, vì họ cảm thấy tự tin, tự mãn vì sự thông minh và hiểu biết
của họ. Nhưng thái độ như thế ngăn trở họ tiến vào sự năng động của ơn cứu
rỗi, được Chúa Giêsu ban cho. Giáo huấn mà thánh Luca dự định trao lại
cho các cá nhân tín hữu, không kém hơn giáo huấn cho các cộng đoàn giáo hội, có
thể được tổng hợp như sau: Lòng khiêm nhu mở ra cho đức tin; việc bảo đảm
đầy đủ của một người khép lại việc tha thứ, ánh sáng, sự tốt lành của Thiên
Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu có ảnh hưởng đối với tất cả những ai
chấp nhận để cho mình được bảo bọc bởi sự tốt lành của Chúa Cha.
4. Một vài
câu hỏi cá nhân
- Sứ vụ để đem sự sống của Thiên Chúa đến với người
khác hàm ý một phong cách sông nghèo khó và khiêm nhường. Đời sống của bạn có
đã tràn ngập bởi sự sống của Thiên Chúa, bởi Lời của ân sủng đến từ Chúa Giêsu
không?
- Bạn có tin tưởng vào lời mời gọi của Thiên Chúa và
trong quyền năng của Người đòi hỏi được biểu lộ qua sự đơn sơ, nghèo khó và
khiêm nhu không?
5. Lời nguyện
kết
Lạy CHÚA, Ngài nhân hậu
khoan hồng,
Giàu tình thương với mọi
kẻ kêu xin;
Lạy CHÚA, xin lắng
nghe lời con cầu khẩn,
Tiếng con van nài, xin
để ý lưu tâm.
(Tv 86:5-6)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét