Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

06-01-2020 : THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH


06/01/2020
 Thứ Hai sau lễ Hiển Linh



Bài Ðọc I: 1 Ga 3, 22 - 4, 6
"Hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng lãnh nhận được nơi Chúa, vì chúng ta giữ các giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người. Và đây là giới răn của Người: chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người, là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.
Các con thân mến, chớ tin bất cứ thần trí nào, nhưng hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì có nhiều tiên tri giả đã xuất hiện trong thế gian. Do điều này mà các con biết là thần trí của Thiên Chúa: Thần trí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đã đến trong xác phàm thì là bởi Thiên Chúa; còn thần trí nào phủ nhận Chúa Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa mà ra, đó là thần trí của Phản-Kitô; các con nghe nói rằng nó đến, và hiện giờ nó đã ở trong thế gian rồi.
Các con thân mến, các con bởi Thiên Chúa mà ra và đã thắng nó, vì Ðấng ở trong các con thì cao trọng hơn kẻ ở trong thế gian. Chúng thuộc về thế gian, nên nói chuyện thế gian, và thế gian nghe theo chúng. Chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra. Ai biết Thiên Chúa, thì nghe chúng ta; còn ai không bởi Thiên Chúa, thì không nghe chúng ta. Do đó mà chúng ta biết được thần trí chân thật và thần trí dối trá.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 2, 7-8. 10-11
Ðáp: Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp (c. 8a).
Xướng: 1) Ta sẽ tuyên rao thánh chỉ của Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con. Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt cõi đất làm gia tài". - Ðáp.
2) Giờ đây, hỡi các vua, hãy nên hiểu biết; quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy kính sợ làm tôi Chúa và hân hoan mừng Ngài; hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục Chúa. - Ðáp.

Alleluia: Mt 4,17
Alleluia, alleluia! - Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 4, 12-17. 23-25
"Nước trời đã đến gần".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng:
"Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết". Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến".
Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm : Hãy sám hối.
Có một vị ẩn sĩ nổi tiếng là thánh thiện, và được nhiều người đến xin ông cầu nguyện cho. Điều đó làm cho ông rất hãnh diện.
Một buổi sáng nọ, trên đường đến thăm một ngôi nhà thờ, ông thấy một người ngồi nức nở bên đường. Đến gần, ông nhận ra đó là tên cướp mà mọi người trong vùng đều run sợ. Vị ẩn sĩ định bỏ đi, nhưng anh ta tiến đến quỳ gối trước mặt ông và xưng thú tội lỗi. Nghe xong, vị ẩn sĩ tự nhiên nổi giận, và nói lớn tiếng: “Một tên trộm cướp như ngươi mà hy vọng được Chúa tha thứ sao? Ta nói thật với ngươi: cây gậy mà ta đang cầm trên tay trổ bông còn dễ hơn việc Thiên Chúa tha thứ cho ngươi”. Nói như thế rồi, vị ẩn sĩ tiếp tục cất bước, bỏ mặc tội nhân trong thất vọng.
Nhưng chưa đi quá mười bước, cây gậy ông đang cầm trên tay bỗng bị cắm sâu xuống đất, ông dùng tất cả sức lực để rút lên, nhưng cây vẫn không nhúc nhích. Lạ hơn nữa, từ thân cây gậy, cành lá và hoa từ từ mọc ra. Rồi ông nghe có tiếng nói: “Sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho một tội nhân sám hối còn dễ hơn một cây gậy trổ bông, một người tỗi lỗi biết hối cải được tha thứ dễ dàng hơn một hơn một kẻ kiêu hãnh”.
“Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên”. Đó là trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay. Ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu loan báo chính là giải phóng con người khỏi tội lỗi và những hệ lụy của nó, như yếu đau tật nguyền…
“Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên”. Sám hối là điều kiện tiên quyết để được ơn cứu độ. Sám hối không phải là tiếng khóc của thất vọng, mà là một sức lực mới giúp con người vươn lên.
“Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên”. Nước Trời chính là động lực của sám hối. Và do đó, sám hối đích thực cũng chính là một quyết tâm hướng về những biểu hiện của Nước Trời như sống yêu thương, quảng đại, tha thứ.
“Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên” hay nói đúng hơn hãy sám hối để cho Nước Trời được đến giữa mọi người.



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh
Bài đọc: I Jn 3:22-4:6; Mt 4:12-17, 23-25.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải học Lời Chúa để nhận ra sự thật!
Chúng ta đang sống trong thế giới vàng thau lẫn lộn: sự thiện và sự ác, sự thật và sự giả trá điêu ngoa. Một người bình thường rất khó nhận ra sự thật từ biết bao nhiêu sự gian dối, người thành thật từ những người giả trá điêu ngoa. Làm sao để nhận ra sự thật và người thành thật?
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những tiêu chuẩn để nhận ra sự thật. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan cho chúng ta 2 tiêu chuẩn để nhận ra sự thật: (1) Người nói sự thật là những người tin vào Đức Kitô; và (2), người nói sự thật sẽ bị thế gian ghét bỏ. Trong Phúc Âm, Thánh Matthêu tường thuật bước đường đầu trong sứ vụ rao giảng của Đức Kitô: Ngài không những mang ánh sáng xua tan những vùng tăm tối sự chết của Dân Ngọai, mà còn cả cho những người Do-Thái đang mong chờ Đấng Cứu Thế ra đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải ở lại trong Thiên Chúa để nhận ra sự thật.
1.1/ Làm thế nào để ở lại trong Thiên Chúa? Theo Gioan, để ở lại trong Thiên Chúa, các tín hữu phải giữ các giới răn: “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.” Theo truyền thống Do-Thái, biết Thiên Chúa không phải chỉ là họat động của tri thức, nhưng phải ảnh hưởng đến đời sống của người tin; nói cách khác, biết Thiên Chúa là phải giữ các giới răn của Ngài. Theo Gioan, hai giới răn quan trọng nhất là:
(1) Phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người: Theo Gioan, đây là điều kiện để trở thành tín hữu, thành con Thiên Chúa. Sở dĩ Gioan nhắc lại điều này, là có những bè rối xuất thân từ cộng đòan tín hữu, từ chối nhân tính hay thiên tính của Đức Kitô.
(2) Phải yêu thương nhau: Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa. Khi một người có Thiên Chúa, là có cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngược lại, ai ghét anh em mình, kẻ ấy sẽ không có Thiên Chúa.
1.2/ Làm thế nào để nhận ra sự thật? Phải cân nhắc để nhận ra sự thật: “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian.” Hai tiêu chuẩn cần dựa vào để nhận ra sự thật:
(1) Người nói sự thật là người nhìn nhận Đức Kitô đến từ Thiên Chúa: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên Phản-Kitô.” Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi. Thời Thánh Gioan, có ít nhất 2 bè rối chống nhân tính của Đức Kitô là Phái Thuần Tri Thức và Bè rối Docetism; trong khi Nhóm Do-Thái bảo thủ từ chối không tiếp nhận thiên tính của Chúa Giêsu.
(2) Người nói sự thật không được thế gian chấp nhận: Đối với Gioan, chỉ có trắng hay đen, chứ không có vùng xám ở giữa; chỉ có sự thật của những người tin theo Đức Kitô hay sự gian trá của những người không tin Đức Kitô. Người Kitô hữu là những người tin Đức Kitô. Họ thuộc về Thiên Chúa. Họ nói sự thật và thế gian không tin họ. Kẻ Phản-Kitô là những người từ chối không tin Đức Kitô. Họ thuộc về thế gian. Họ nói những điều giả trá và thế gian tin họ. Tuy nhiên, Gioan củng cố niềm tin của các tín hữu: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em thuộc về Thiên Chúa, và anh em đã thắng được các ngôn sứ giả đó, vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian. Các ngôn sứ giả đó thuộc về thế gian; vì thế, chúng nói theo thế gian, và thế gian nghe chúng. Còn chúng ta, chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Ai biết Thiên Chúa thì nghe chúng ta. Ai không thuộc về Thiên Chúa thì không nghe chúng ta. Chúng ta cứ dựa vào đó mà nhận ra thần khí dẫn đến sự thật và thần khí làm cho sai lầm.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu tỏ mình cho tất cả mọi người.
2.1/ Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ giảng dạy cho Dân Ngọai tại miền Bắc của Galilee:
Galilee là vùng đất phì nhiêu, rất đông dân, nhưng bao quanh bởi các Dân Ngọai: Phía Tây Bắc là người Phoenicia, phía Đông Bắc là người Syria, và phía Nam là người Samaria; vì thế, Galilee chịu nhiều ảnh hưởng của Dân Ngọai hơn bất cứ vùng nào của người Do-Thái. Hơn nữa, Galilee còn là trục lộ giao thông của miền Trung Đông: Con Đường Ven Biển nối từ Damascus, Syria, tới Ai-Cập, rồi qua Phi Châu phải băng ngang qua Galilee; Con Đường tới phía Đông cũng phải qua Galilee. Vì thế, có thể nói: giao thông của thế giới phải ngang qua Galilee. Trong khi đó, Judah ở một vị trí tách biệt, không tiện lợi cho việc giao thông tới các nơi trên thế giới. Có người nhận xét về sự khác biệt giữa hai miền như sau: “Galilee là đường dắt tới mọi nơi, trong khi Judah không dắt tới đâu cả.” Điều này cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu rất tinh tế trong việc lựa chọn địa danh để rao giảng. Ngài chọn Galilee là chỗ đông dân cư, và là chỗ qua lại của nhiều nền văn minh thế giới; để nhiều người có cơ hội nghe Tin Mừng Ngài rao giảng.
Trình thuật hôm nay cũng đề cập tới việc Chúa Giêsu làm ứng nghiệm lời Tiên-tri Isaiah khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng tại vùng này: “Này đất Zebulun, và đất Naphtali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Jordan, hỡi Galilee, miền đất của Dân Ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”
2.2/ Từ Zebulun và Naphtali, Tin Mừng của Chúa Giêsu được lan rộng ra khắp nơi:
(1) Trước hết, Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng trong khắp miền Galilee; sau đó đến các vùng: Thập Tỉnh, Thành Jerusalem, miền Judah, và vùng bên kia sông Jordan. Dân chúng các nơi lũ lượt kéo đến đi theo Người.
(2) Họat động truyền gíao của Chúa Giêsu: Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng là "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." Ngài giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa lành họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải nhận ra nhu cầu học hỏi Lời Chúa để biết và sống theo sự thật.
- Chỉ có một cách duy nhất để nhận ra sự thật từ bao nhiêu sự gian dối là dựa vào Lời của Thiên Chúa.
- Hai tiêu chuẩn căn bản để nhận ra sự thật: chúng ta phải tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa và phải giữ các giới răn của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

06/01/2020
THỨ HAI SAU LỄ HIỄN LINH
Mt 4,12-17.23-25


THÔNG PHẦN SỨ VỤ CHÚA KI-TÔ
Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. (Mt 4,23)

Suy niệm: Khi Gio-an Tẩy giả bị cầm tù, Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ công khai với đúng những lời Gio-an đã rao giảng: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (x. Mt 3,2). Thế nhưng dân chúng mau chóng nhận ra sự mới mẻ trong lời rao giảng của Đức Giê-su (x. Mc 1,22) vì lời Ngài là lời cứu độ, vì Ngài là chính hiện thân của Nước Trời “đã đến ở giữa họ mà họ không biết” (x. Ga 1,26). Ngài “chữa lành mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền” để ứng nghiệm lời các ngôn sứ rằng thời đại cứu thế đã đến rồi. Việc cấp bách phải làm ngay đó là “sám hối và tin vào Tin Mừng” để được cứu độ. Đó chính là trọng tâm của sứ vụ cứu thế của Đức Ki-tô.

Mời bạnNhờ bí tích Rửa tội, người ki-tô hữu được thuộc về Đức Ki-tô, đúng như danh hiệu của mình. Vì thế, người ki-tô hữu cũng thông phần sứ mạng của Đức Ki-tô, sứ mạng đó được thể hiện qua ba chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế, đó là bằng chính cuộc sống của mình, tuỳ theo bậc sống và bổn phận của mỗi người, người ki-tô hữu dấn thân loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân và rồi hiến dâng cuộc sống đó lên Thiên Chúa làm của lễ kết hợp với lễ hiến tế của Chúa Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Ba chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế đòi hỏi bạn phải thực hành cụ thể những việc gì? Mời bạn hãy thực hiện những việc ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan và can đảm để chúng ta có thể làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc trong cuốc sống chúng con. Amen.
(5 phút Lời Chúa)

Ánh sáng và sự sống


Suy nim:
Từ sau lễ Hiển Linh đến lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa,
Giáo Hội cho chúng ta đọc các bài Tin Mừng về việc Chúa tỏ mình.
Mỗi bài là một dịp Chúa tỏ mình cho Dân của Người.
Bài đọc hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình lần đầu tiên
tại Galilê, vùng đất có nhiều người ngoại giáo sinh sống.
Ngài tỏ mình tại Caphácnaum, một tỉnh lớn chuyên đánh cá gần hồ Galilê,
tỉnh này nằm trong địa giới của chi tộc Naptali ngày xưa.
Thánh Mátthêu thấy việc tỏ mình này làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:
“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng,
những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).
Như thế Đức Giêsu chính là ánh sáng rực rỡ xua tan bóng tối,
Người nâng dậy những ai đang ngồi trong cảnh chết chóc, tối tăm.
Phần sau của bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy điều đó (Mt 4, 23-25).
Đức Giêsu đã đi khắp vùng Galilê để làm ba việc:
dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh nhân.
Thật ra việc dạy dỗ và việc rao giảng có thể coi là một,
nếu thế chương trình hành động của Đức Giêsu sẽ gồm giảng dạy và chữa bệnh.
Dù giảng dạy hay chữa bệnh, Đức Giêsu chỉ muốn một điều
đó là làm vơi nhẹ gánh nặng của những người đang đau khổ.
Đức Giêsu loan báo Nước Trời đã đến gần (Mt 4, 17),
và Người chứng tỏ cho thấy Nước ấy đã đến thật rồi
qua việc chữa lành moi bệnh hoạn tật nguyền của dân.
Cách đây hai ngàn năm, đã có những người bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt.
Ngày nay, dù khoa học tiến bộ, nhưng bệnh tật vẫn không tha con người.
Y khoa vẫn phải đối mặt với những chứng bệnh mới, chưa có thuốc chữa.
Con người không bị ám bởi quỷ, nhưng bởi những sản phẩm do mình làm ra.
Làm thầy dạy và làm lương y là hai nghề đặc biệt
tiếp nối công việc ngày xưa của Thầy Giêsu,
để loan báo cho thế giới hôm nay về sự sống, ánh sáng và hy vọng.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,
xin cho những người nghèo khổ được no đủ.
Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện
với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.
Vì Chúa bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.
Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.
Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.
Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,
xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.
Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,
xin cho đất nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau.
Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,
xin cho chúng con biết đón lấy đời thường
với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG GIÊNG
Tiếng Gọi Của Lễ Hiển Linh
“Mầu nhiệm này tôi đã được mạc khải cho biết” (Ep 3,3). Giáo Hội lấy những lời ấy của Tông Đồ Phao-lô trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô để nhận hiểu ý nghĩa của ngày Lễ Hiển Linh (Epiphany), ngày lễ này đã được gọi tên như thế ngay từ thuở đầu của Giáo Hội. Chúng ta muốn suy tôn ân sủng của Thiên Chúa trong ngày lễ này, ân sủng dẫn con người đến với đức tin.
Vâng, mầu nhiệm Đức Kitô được vén mở cho con người nhận biết qua đức tin. Đây là cốt lõi của ngày Lễ Hiển Linh. Bằng một cách thức nào đó, đức tin này được mạc khải vào tâm khảm của kẻ nhận thần khải, như ngày ấy Đức Giêsu đã tự tỏ hiện cho Sao-lô người Tarsus trên đường đi Damas. Thế là, Phao-lô trở thành một chứng nhân đặc biệt nhờ cuộc trở về đón nhận đức tin. Như chính Phao-lô tuyên bố: “… anh em nghe nói đến ân huệ mà Thiên Chúa đã ưu ái ban cho tôi vì thiện ích của anh em” (Ep 3,2).
Thánh tông đồ muốn làm chứng hùng hồn cho ân sủng Hiển Linh. Và Giáo Hội lấy lại lời của Thánh tông đồ, vì trong lời chứng ấy chúng ta có thể nhận ra tất cả những ai được Đức Kitô kêu gọi qua đức tin. Tất cả những ai tin đều trở thành “người thông dự vào lời hứa của Đức Giêsu Kitô qua Tin Mừng” (Ep 3,6). Thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh với chúng ta tiếng gọi giục giã loan báo Tin Mừng cho dân ngoại – vì chúng ta là những người đã tin. Đó là tiếng gọi đem ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa đến cho các dân tộc. Đó là tiếng gọi của ngày Lễ Hiển Linh.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


06 tháng Giêng
Vị Vua Thứ Tư
Hôm nay lễ Ba Vua. Phúc Âm chỉ nhắc đến ba vị vua. Thế nhưng văn sĩ Joergernen người Ðan Mạch thì lại tưởng tượng ra một vị vua thứ tư. Vị vua thứ tư này đến chầu Chúa Giêsu sau ba vị vua khác. Triều bái Hài Nhi Giêsu nhưng mặt ông tiu nghỉu bởi vì ông không còn gì để dâng tặng Ngài.
Trước khi lên đường, ông chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông, thế những dọc đường gặp bất cứ ai xin, ông cũng mang ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông đã gặp là một cụ già rét run vì lạnh. Ðộng lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ viên ngọc thứ nhất. Ði thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông đành mang viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một người lính do vua Herôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Vị vua thứ tư đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian ác.
Tìm được Hài Nhi Giêsu, vị vua thứ tư chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình.
Nghe xong câu chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra đón nhận quà tặng của ông. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người cần giúp đỡ.
Mùa Giáng Sinh là mùa của những bất ngờ. Bất ngờ của một Thiên Chúa hóa thân làm người. Bất ngờ của một thiên Chúa giáng hạ trong hang súc vật. Bất ngờ sự việc những người nghèo hèn nhất trong xã hội đã nhận ra Tin Mừng. Bất ngờ của những người dân ngoại tìm đến triều bái Vua các vua. Nhưng điều khiến con người sẽ không bao giờ ngờ đến: đó là Ðấng Thiên Chúa hóa thân làm người ấy lại tự đồng hóa với mỗi một con người sinh ra trên cõi đời này, nhất là những con người bé mọn nhất trong xã hội. Ngài đã nói: tất cả những gì các người làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất là các người làm cho chính Ta. Từ đây, người ta chỉ có thể gặp gỡ được Ngài qua tha nhân. Tất cả những gì người ta làm cho tha nhân là làm cho chính Ngài. Lễ dâng làm đẹp lòng Ngài nhất chính là những gì người ta trao tặng cho tha nhân, nhất là những người nghèo hèn túng thiếu hay bất cứ ai cần sự giúp đỡ.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét