Trang

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

08-01-2020 : THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH


08/01/2020
 Thứ Tư sau lễ Hiển Linh


BÀI ĐỌC I: 1 Ga 4, 11-18
“Nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con Mình làm Đấng Cứu Thế. Ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin nơi tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.
Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ. Do đó, tình yêu của Thiên Chúa đã trọn vẹn đối với chúng ta, để chúng ta tin tưởng trong ngày phán xét, vì Người thế nào, thì chúng ta cũng thế ấy ở thế gian này. Nơi tình thương không có sự sợ hãi, nhưng tình thương trọn lành thì loại bỏ sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi mang theo hình phạt, và người nào sợ hãi thì không hoàn hảo trong tình thương. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 10. 12-13
Đáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (c. 11).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.
2) Các vua xứ Tác-xi và quần đảo sẽ mang lễ vật đến, các vua xứ Ả-rập và Saba sẽ đem triều cống lễ vật. – Đáp.
3) Vì Người sẽ cứu thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. – Đáp. 

ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa đã sai tôi đi rao giảng tin mừng cho hạng nghèo khó, báo tin cho tù nhân được phóng thích. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 6, 45-52
“Họ thấy Người đi trên mặt biển”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. 
(Khi năm ngàn người đã được ăn no), Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ”. Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Chúa Giêsu đi trên mặt nước.
Ivan, một văn sĩ Nga sống vào thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ của mình như sau:
Tôi mơ thấy là một cậu bé đứng trước cung thánh của ngôi nhà thờ bằng gỗ. Ánh nến lung linh toả chiếu khi mờ khi tỏ bên nhà tạm. Thình lình có  một người đứng cạnh tôi, tôi có cảm giác đó là Chúa Kitô. Cảm xúc tò mò xâm chiếm tâm hồn tôi, tôi nhìn sang và nhận thấy một khuôn mặt giống như mọi khuôn mặt.
Giấc mơ của Ivan trên đây mang nhiều ý nghĩa: Đức Kitô đến với chúng ta trong dáng vẻ của một con người, và tâm hồn chúng ta sẽ được bình an khi biết đón nhận Ngài trong cuộc sống, nhất là nhận ra Ngài trong mỗi người  anh em.
Bài Tin mừng hôm nay ghi lại kinh nghiệm của các môn đệ về Chúa Giêsu. Qua việc đi trên mặt nước, Chúa muốn chứng tỏ rằng Ngài có đủ quyền năng để chiến thắng sức mạnh của tối tăm, đồng thời mời gọi các môn đệ tuyên xưng thần tính của Ngài, tuyên xưng thần tính của Chúa Giêsu không chỉ là gặp gỡ Ngài qua các Bí tích, mà còn là nhận ra Ngài nơi mỗi người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.
“Cứ an tâm, Thầy đây đừng sợ”. Ước gì lời Chúa trở thành một bảo đảm bình an cho tâm hồn chúng ta trong từng giây phút cuộc sống, nhất là trong mối tương quan với tha nhân.


Lời Chúa Mỗi Ngày
Bài đọc1 Jn 4:11-18; Mk 6:45-52.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu chân thật loại trừ mọi sợ hãi.
          Theo thánh Thomas Aquinas, sợ hãi là một trong 11 cảm xúc của con người và thuộc về quan năng nộ dục (irascible). Chúng ta sợ hãi nhiều thứ: nghèo nàn, thiếu thốn, thất bại, bệnh tật, hình phạt… và trên hết tất cả là sợ chết vì cái chết lấy đi tất cả những gì chúng ta sở hữu. Có nhiều thứ chúng ta cần sợ; nhưng cũng có những thứ chúng ta phải dùng can đảm để vượt qua. Có những lúc chúng ta cần sợ; nhưng cũng có những lúc chúng ta phải dùng can đảm để vượt qua và đạt được mục đích chúng ta mong muốn như trường hợp của các thánh tử đạo sẵn sàng vượt qua cái chết để làm chứng cho Chúa.
          Hai bài đọc hôm nay liên quan đến sợ hãi và dạy chúng ta cách thức để vượt qua sợ hãi. Trong Bài đọc I, tác giả dạy chúng ta phải làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên hoàn hảo trong chúng ta bằng cách luyện tập đức bác ái luôn luôn, vì đức bác ái hoàn hảo sẽ xua tan mọi sợ hãi. Trong đoạn Phúc Âm theo thánh Marcô hôm nay, các môn đệ của Chúa Giêsu sợ hãi khi phải đương đầu với sóng gió mạnh và nhất là khi lầm lẫn Chúa Giêsu với bóng ma đi trên biển. Chúa Giêsu đã trấn an các ông bằng câu nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nhu cầu cần làm cho đức bác ái trở nên hoàn hảo trong chúng ta.
1.1/ Làm thế nào để tình yêu Thiên Chúa đạt tới mức hoàn hảo nơi chúng ta?
(1) Bằng việc gia tăng yêu thương mỗi ngày: Tuy đức bác ái phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng việc gia tăng và làm cho đức bác ái trở nên tuyệt hảo đòi sự cố gắng của chúng ta. Giống như các nhân đức khác, nếu chúng ta có thói quen luyện tập “mến Chúa và yêu người” mỗi ngày, chúng ta có thể gia tăng và đạt tới đức bác ái trọn hảo. Gương của Mẹ Teresa Calculta và thánh Martin de Porres là những chứng nhân của bác ái cho chúng ta học hỏi. Vì tình yêu dành cho tha nhân là thước đo tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, nên càng yêu tha nhân nhiều bao nhiêu, tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa càng gia tăng bấy nhiêu. Nếu chúng ta yêu tha nhân như yêu chính bản thân thì quả thật đức bác ái đã đạt tới mức trọn lành trong chúng ta.
(2) Bằng việc gia tăng đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa: Đức tin của chúng ta có thể gia tăng bằng những chứng từ đức tin của người khác, như chúng ta đọc của tác giả Thư thứ nhất Gioan hôm nay: “Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.” Đức tin của chúng ta cũng có thể gia tăng bằng cách học biết những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và toàn thể vũ trụ. Nếu chúng ta gia tăng việc học hỏi Kinh Thánh và Thần học, chúng ta sẽ hiểu biết rõ ràng hơn về Thiên Chúa và sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài.
1.2/ Lợi ích của đức bác ái hoàn hảo: Tác giả của Thư thứ nhất Gioan liệt kê hai lợi ích chính nếu chúng ta đạt tới đức bác ái trọn hảo:
(1) Làm cho chúng ta vững mạnh trong Ngày Phán Xét: Chúng ta sợ hãi phải ra trước toà phán xét vì tất cả tội lỗi chúng ta đã làm; nhưng nếu chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta và Chúa yêu chúng ta khi chúng ta vẫn còn là tội nhân, chứ không đợi khi chúng ta tốt lành rồi mới yêu, chúng ta sẽ thay đổi thái độ của chúng ta. Bởi vậy, nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài để xoá tội lỗi cho chúng ta thì Ngài không quan tâm đến việc xét xử chúng ta. Nếu chúng ta yếu đuối xúc phạm đến Chúa, hãy ăn năn xám hối và dùng bí tích hoà giải như phương tiện để làm hoà với Chúa và với tha nhân. Chúng ta có bị hư đi thì không phải do Thiên Chúa, nhưng do sự cứng lòng không chịu ăn năn; và trong Ngày đó, chính chúng ta là người xét xử chúng ta vì chúng ta đã quá cứng lòng trước tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
(2) Loại trừ mọi sợ hãi khỏi chúng ta: Chúng ta sợ hãi vì chúng ta chưa hiểu biết đủ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta bao la như thế nào; nhưng nếu chúng ta hiểu rõ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta qua việc dựng nên, an bài và cứu chuộc cùng với biết bao hồng ân Chúa hằng đổ xuống trên cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra Ngài không phải là một quan toà chờ chúng ta phạm tội là ra hình phạt; nhưng như một Người Cha nhân hậu hằng lo lắng mọi sự tốt lành cho con mình; nhất là cho những đứa con đã xa nhà lâu năm như trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” của thánh sử Luca.
2/ Phúc Âm: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! “
2.1/ Các tông đồ sợ nhiều thứ: Đoạn Phúc Âm của chúng ta chúng ta vừa đọc nối tiếp đoạn chúng ta đã đọc hôm qua. Các ông sợ khi nghĩ đến việc phải tiêu một số tiền lớn và sự mỏi mệt để mua thức ăn cho một đám đông quá lớn; nhưng Chúa Giêsu đã làm một phép lạ cả thể trong hoang mạc để nuôi đám đông từ năm cái bánh và hai con cá. Sau đó, Chúa Giêsu truyền cho các ông sang Bethsaida bờ bên kia, trong khi Người giải tán dân chúng.
          (1) Sợ sóng gió: Vào khoảng canh tư đêm ấy, sóng gió nổi lên và các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược. Chúa Giêsu quyết định đi trên mặt biển để đến với các ông. Xưa nay chắc các ông chưa từng gặp một người đi trên mặt biển mà không bị chìm.
          (2) Sợ ma: Vì thế, khi thấy một bóng người đi trên mặt biển, các ông tưởng là bóng ma nên càng hoảng sợ hơn nữa. Các ông sợ vì các ông chưa biết rõ Chúa Giêsu là ai và quyền năng của Ngài như thế nào; nhưng một khi đã biết và đã quen với quyền năng của Ngài, các ông sẽ cảm thấy bình tĩnh và yên tâm hơn.
2.2/ Sự hiện diện của Chúa Giêsu xoá tan mọi sợ hãi.
(1) Nhận ra sự kinh hoàng của các ông, Chúa Giêsu phán: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! ” Lập tức, bão táp lặng im. Các ông ngạc nhiên vì chứng kiến những hiện tượng vượt quá sự hiểu biết của các ông: Người có thể đi trên biển mà không chìm. Người có quyền ra lệnh cho bão táp và chúng phải vâng lời Người.
(2) Các ông vẫn bàng hoàng sửng sốt: Tuy nhiên, các ông vẫn chưa hết bàng hoàng vì các ông chưa hiểu biết hoàn toàn về những gì đang xảy ra.
                    – Có thể vì các ông chưa quen chứng kiến một người có uy quyền như Chúa Giêsu;
                   – Có thể vì vẫn chưa hiểu phép lạ “Bánh hoá nhiều” vì lòng trí các ông vẫn còn ngu muội như trình thuật kể.
          Tuy nhiên, những phản ứng sợ hãi của tông đồ có thể hiểu được vì tất cả những sự kiện này xảy ra trong giai đoạn đầu của bước đường theo Chúa Giêsu. Dần dần các ông làm quen dần với uy quyền của Chúa Giêsu và nhận ra thần tính của Ngài và các ông bớt sợ hãi và tự tin hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Sợ hãi là một trong những cảm xúc trong con người khi con người phải đối diện với những khó khăn bất thường trong cuộc sống.
– Có những lúc con người phải thắng vượt cảm súc sợ hãi bằng can đảm, để vượt qua sợ hãi và để đạt tới đích điểm của cuộc đời.
– Chúng ta sợ hãi vì chúng ta chưa biết đủ về tình yêu Thiên Chúa cũng như sức mạnh mà Ngài đã đầu tư nơi chúng ta. Một khi chúng ta vững tin nơi hai điều này, chúng ta sẽ vượt qua được mọi sợ hãi trong cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


08/01/2020 – THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,45-52


HÃY TIN VÀO THẦY
“Cứ an tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50)
Suy niệm: Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giê-su lên làm vua (x. Ga 6,15). Ngài “lập tức” bắt các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia, còn Ngài giải tán đám đông. Chúa Giê-su luôn quyết liệt chống lại cơn cám dỗ cứu thế bằng đường lối thế tục. Ngài không cho phép các môn đệ say men thành công sau phép lạ ngoạn mục, cũng không để họ chạy theo giàu sang và quyền lực thế gian. Ngài kéo họ ra khỏi đám đông đầy tham vọng đó và bắt họ “qua bờ bên kia” đến “vùng ngoại vi”, nơi của những người bị bỏ rơi loại trừ: những người phong cùi, tội lỗi, những người đang đói khát Tin Mừng. Bị bứng khỏi chỗ dựa của tiền của, quyền lực và danh vọng, các môn đệ lại càng hụt hẫng đơn độc trên con thuyền lênh đênh trên biển “vất vả chèo chống vì gió ngược.” Thế nhưng, các ông không đơn côi vì họ luôn có Thầy đồng hành. “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Có Chúa trợ giúp, đồng hành, các ông có được sức mạnh để vượt thắng nỗi sợ, đi đến bến bờ bình an.
Mời Bạn: Bạn có quá lo lắng trước những sóng gió trong cuộc đời?  Cuộc đời nào không có chông gai, thách đố? Hạnh phúc nào không đòi phải hy sinh? “Thầy đây, đừng sợ!” phải là niềm xác tín của bạn để bạn vượt qua nỗi sợ, phó thác đời mình trong tay Chúa.
Sống Lời Chúa: Giờ cầu nguyện buổi sáng, bạn phó dâng cho Chúa những lao nhọc thách đố sẽ gặp trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn tin tưởng phó thác nơi Chúa. Điểm tựa của chúng con là nơi Chúa. Có Chúa, chúng con mới có thể đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời.
(5 Phút Lời Chúa)


Suy Niệm : Đến với các ông
Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy Đức Giêsu tỏ mình cho dân chúng
như một người mục tử lo cho nhu cầu vật chất và tinh thần của đoàn chiên.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tỏ mình cho riêng các môn đệ.
Ngài xuất hiện như người có uy quyền trên biển cả và cuồng phong.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giêsu trả lại sự lặng lẽ cho vùng hoang địa.
Ngài bắt buộc các môn đệ lên thuyền sang bờ bên kia trước,
Còn Ngài thì đi giải tán đám đông cuồng nhiệt muốn tôn Ngài làm vua.
Hãy lắng nghe sự tĩnh lặng của nơi hoang vu này, của núi và đất.
Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, sẵn sàng bước vào cuộc trò chuyện với Cha.
Hãy cảm được sự lắng xuống của tâm hồn Ngài, sau một thành công vang dội.
Đức Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện với Cha,
nhưng Ngài vẫn biết điều gì đang xảy ra cho môn đệ.
Ngài đang ở trên mặt đất vững vàng,
còn họ phải lênh đênh giữa biển, vất vả chèo chống vì gió ngược.
Hãy chiêm ngắm cách tỏ mình đặc biệt của Đức Giêsu cho các môn đệ.
Ngài “đến với các ông” vào lúc trời gần sáng, lúc chưa thấy rõ mặt người.
Ngài đến khi các môn đệ đã qua một đêm mệt mỏi, vắng Thầy.
Ngài đến một cách khác thường bằng cách đi trên mặt nước biển
Ngài đến khiến các ông nhìn thấy tưởng là ma, hoảng hốt la lên.
Ngài đến đem lại bình an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”
Ngài bước vào con thuyền của các ông, và trời lặng gió.
Chúng ta cần làm quen với những kiểu tỏ mình khác thường của Chúa.
Ngài đến với ta vào lúc không ngờ, dưới những dáng dấp kỳ lạ.
Chúng ta phải có khả năng nhận ra khuôn mặt Ngài trong bóng tối lờ mờ,
giữa những thất bại, nhọc nhằn, giữa những cô đơn, sợ hãi.
Ngài đến đem bình an mà ta tưởng là yêu ma.
Biết bao lần ta gặp gió ngược trong đời,
nỗ lực nhiều nhưng tiến tới chẳng bao nhiêu.
Nhưng kinh nghiệm một mình với gió ngược mà không có Thầy ở bên
cũng là một kinh nghiệm đáng quý.

Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vũ trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
8 THÁNG GIÊNG
Đức Kitô Xua Tan Đêm Tối
Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem của cuộc Hiển Linh không phải chỉ là Giê-ru-sa-lem của Hê-rô-đê thời ấy. Trong viễn tượng của Thiên Chúa, đó cũng là Giê-ru-sa-lem của các ngôn sứ nữa.
Trong thành Thánh, chứng từ của những người báo trước về cuộc xuất hiện của Đấng Cứu Tinh được bảo tồn xuyên qua bao thế kỷ dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngôn sứ Mi-ca nói về cuộc sinh hạ của Vua Cứu Độ ở Bê-lem, chẳng hạn. Nhất là Isaia, vị ngôn sứ của Đấng Mêsia, cống hiến một lời chứng thật độc đáo về cuộc Hiển Linh: “Bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi! Aùnh sáng của ngươi đã đến, và vinh quang Chúa chiếu tỏa trên ngươi. Hãy nhìn xem, màn đêm bao trùm mặt đất và mây mù che phủ các dân! Nhưng Chúa giọi ánh sáng trên ngươi và vinh quang Người xuất hiện nơi ngươi.” (Is 60, 1 – 2)
Sấm ngôn này của Isaia diễn tả tuyệt vời nội dung của Lễ Hiển Linh. Vinh quang của Đức Kitô phủ ngập thành Thánh Giê-ru-sa-lem. Người xua tan bóng tối và soi giọi ánh sáng của Người trên dân Người.
Rồi, Isaia tiên báo rằng mọi dân tộc đang sống trong bóng tối sẽ tuôn về thành Thánh của Thiên Chúa: “Các dân nước sẽ bước đi trong ánh sáng của ngươi, và các vua chúa sẽ được ánh quang ngươi đưa dẫn. Hãy hướng mắt nhìn xem, tất cả tụ tập để đến với ngươi: Các con trai ngươi từ xa kéo đến, và các con gái ngươi trên cánh tay bảo mẫu” (Is 60, 3 – 5). Mô tả lạ lùng ấy của Isaia lần đầu tiên được chứng thực trọn vẹn bằng cuộc xuất hiện tại Giê-ru-sa-lem của các nhà thông thái từ phương Đông tới.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 08/1
1Ga 4,11-18; Mc 6, 45-52.
Lời Suy Niệm: “Chính Thầy đây đừng sợ.”

        Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa Giêsu để cho đám đông được no nê, Chúa Giêsu đã tách các ông với đám đông. Bởi vì Người sợ các ông bị cuống hút bởi đám đông muôn tôn Người lên làm vua; Các ông đã vang nghe lời Người; trên hành trình qua bờ bên kia, các ông đã gặp gió ngược làm cho các ông run sợ. Chúa Giêsu đã đến với các ông và trấn an các ông: “Chính Thầy đây đừng sợ.”
          Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của mỗi người trong chúng con khi nghe Lời Chúa; có những lúc gặp những cơn gió ngược chiều, làm cho tâm hồn và đức tin chúng con chao đảo. Xin cho chúng con luôn hướng về Chúa. Chứ đừng tự loay hoay một mình trong nổi sợ sệt.
Mạnh Phương


08 Tháng Giêng
Sứ Giả Hòa Bình
Thánh Phanxico Assisi, vị sứ giả Hòa Bình, không những đã có một tình bác ái cao độ đối với con người, Ngài còn trải dài tinh yêu thương ấy đến cả muôn vật, cỏ cây.
Cây cỏ gợi lại cho Thánh nhân chính Cây thập giá của Chúa Giêsu, do đó, Thánh nhân cảm thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người hành hạ cây cỏ. Ngài nói với người làm vườn như sau: Anh hãy để lại một góc vườn nguyên vẹn. Ðừng sờ đến cây cỏ, hãy để cho chúng sinh sôi nảy nở và lớn lên, ngay cả cỏ dại và hoa dại.
Mỗi lần đi qua góc vườn ấy, Ngài bước đi nhẹ nhàng và cẩn thận để không sát hại bất cứ một loại sâu bọ, côn trùng nào.
Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi phóng sinh chúng.
Ngài nói với chim chóc như sau: “Hỡi những người anh em nhỏ bé của tôi, anh em phải ca ngợi Ðấng Tạo Hóa hơn ai hết, vì Ngài đã ban cho anh em bộ lông đẹp, giọng hát hay cũng như lúa thóc anh em ăn thỏa thuê mà không phải gieo vãi”.
Với chú chó sói, thánh nhân nhắn nhủ: “Anh sói ơi, anh quả thật đáng chết, vì anh đã cắn xé trẻ em. Anh hãy làm hòa với loài người. Từ nay, anh hãy ăn ở hiền lành và mọi người sẽ cung cấp đầy đủ cho anh”. Chú sói ấy đã cùng với thánh nhân lên tỉnh và trở thành người bạn thân của các trẻ em ở Gubbio.
Một con người có tâm hồn như thế quả thực xứng đáng được chọn làm sứ giả Hòa Bình qua mọi thời đại.
Năm 1979, Ðức Gioan Phaolô II đã công bố Thánh Phanxico là quan thầy của những người khởi xướng phong trào của những người bảo vệ môi sinh. Ngài nói trong phần mở đầu sứ điệp Hòa Bình năm 1990 như sau: “Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức rằng Hòa Bình của thế giới không những chỉ bị đe dọa vì cuộc chạy đua võ trang, vì các xung đột giữa các vùng và những bất công liên tục giữa các dân tộc và quốc gia, nhưng còn bởi vì thiếu tôn trọng đối với thiên nhiên nữa”.
Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh như một nghĩa vụ luân lý.
Người Kitô nhận thức được nghĩa vụ ấy, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật tốt đẹp và để con người hưởng dụng một cách hợp lý. Trong phần kết thúc sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phanxico Assisi như mẫu gương của sự tôn trọng đối với thiên nhiên vạn vật. Thánh nhân đã mời gọi vạn vật dâng lời chúc tụng và thờ lạy Thiên Chúa. Trong sự bình an của Thiên Chúa, Thánh nhâ kiến tạo ngay cả sự hòa hợp với thiên nhiên và sự hòa hợp ấy cũng là điều kiện tiên quyết để được hòa bình với tha nhân.
(Lẽ Sống)



Lectio Divina: Máccô 6:45-52
Wednesday 8 January, 2020
Lectio Divina
Mùa Giáng Sinh

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, Người là ánh sáng cho mọi dân tộc,
Xin hãy ban cho chúng con niềm vui mừng của nền hòa bình lâu dài,
Và xin đổ đầy chúng con với sự rạng ngời của Chúa
Như Chúa đã đổ đầy trái tim của cha ông chúng con.
Chúng cầu xin nhờ Con Chúa là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con,
Đấng hằng sống và hằng trị với Chúa và Chúa Thánh Thần,
trong sự hiệp nhất, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.
2.  Bài Đọc Tin Mừng – Máccô 6:45-52
Sau khi năm ngàn người đã được ăn no, Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsaiđa, đang khi Người giải tán dân chúng.  Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện.  Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất.  Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ.  Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên.  Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ.”  Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng.  Tâm hồn các ông lại càng sửng sốt hơn, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ hóa bánh nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!
3.  Suy Niệm
   Sau phép lạ bánh hóa ra nhiều (bài Tin Mừng hôm qua), Chúa Giêsu giục cho các môn đệ xuống thuyền.  Tại sao vậy?  Thánh Máccô không giải thích điều này.  Sách Tin Mừng theo Gioan nói như sau.  Theo như kỳ vọng của người ta lúc bấy giờ, Đấng Mêssia sẽ lặp lại cử chỉ của ông Môisen và sẽ nuôi sống vô số người trong sa mạc.  Đây là lý do mà trước sự kiện bánh hóa ra nhiều, người ta kết luận rằng Chúa Giêsu phải là Đấng Mêssia được mong đợi, được loan báo bởi ông Môisen (xem Đnl 18:15-18) và họ muốn biến Người trở thành vua (xem Ga 6:14-15).  Quyết định này của dân chúng là một cám dỗ đối với Chúa Giêsu cũng như đối với các môn đệ.  Vì lý do này, Chúa Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền và rời đi.  Người muốn tránh cho các ông nguy cơ bị hư hỏng bởi ý thức thống trị, bởi vì “men Pharisêu và men Hêrôđê” đang ảnh hưởng rất mạnh mẽ (Mc 8:15).  Chính Chúa Giêsu cũng phải đối mặt với sự cám dỗ qua lời cầu nguyện.     
  Thánh Máccô mô tả các sự kiện với nghệ thuật tuyệt vời.  Một mặt, Chúa Giêsu đi lên núi cầu nguyện.  Mặt khác, các môn đệ đi về phía biển hồ và xuống thuyền.  Nó gần giống như một bức tranh biểu tượng báo trước cho tương lai: như thể Chúa Giêsu lên Trời, để lại các môn đệ bơ vơ ở giữa những mâu thuẫn của đời sống, trong con thuyền mong manh của cộng đoàn.  Lúc đó là ban đêm.  Họ đang ở trên biển, tất cả cùng nhau trong một chiếc thuyền nhỏ bé, cố gắng tiến tới, khó nhọc chèo chống, nhưng gió rất mạnh và ngược với hướng thuyền.  Các ông đã mệt mỏi.  Lúc ấy là đêm, vào khoảng từ ba đến sáu giờ sáng.  Các cộng đoàn thời thánh Máccô cũng giống như các môn đệ.  Trong đêm tối!  Ngược gió!  Các ông không lưới được con cá nào, dù rằng đã ra công gắng sức!  Chúa Giêsu dương như vắng bóng!  Điều này rất tượng trưng cho mọi thời đại.  Nhưng Chúa đã hiện diện và đến gần với các ông, và các ông, cũng giống như các môn đệ trên đường Emmau, đã không nhận ra Người (Lc 24:16).
  Vào thời của thánh Máccô, khoảng năm 70, con thuyền nhỏ của các cộng đoàn đã phải đối mặt với cơn gió trái chiều từ một số người Do Thái cải đạo, những người muốn làm giảm bớt mầu nhiệm về Chúa Giêsu từ những lời tiên tri và các nhân vật trong Cựu Ước, cũng như một số dân ngoại cải đạo, những người nghĩ rằng có thể có một liên minh nhất định giữa đức tin vào Chúa Giêsu và với đế chế.  Thánh Máccô cố gắng giúp các Kitô hữu kính trọng mầu nhiệm về Chúa Giêsu và không muốn làm hạ thấp Chúa Giêsu theo mong muốn và ý tưởng riêng của họ.
  Chúa Giêsu đi trên mặt biển của sự sống mà đến.  Các ông la hoảng lên, sợ hãi, vì các ông nghĩ rằng đó là ma.  Tương tự như đã xảy ra trong đoạn Tin Mừng về các môn đệ trên đường đi Emmau, Chúa Giêsu giả vờ như Người định đi tiếp (Lc 24:28).  Vì các ông hoảng hốt la lên đã khiến Người đổi hướng đi.  Người tiến đến gần các ông và nói:  “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ!”  Tại đây một lần nữa, đối với những ai biết câu chuyện trong Cựu Ước, điều này gợi lại một số sự kiện rất quan trọng:  (a) Nên nhớ rằng dân chúng, được Thiên Chúa bảo vệ, đã vượt qua Biển Đỏ không sợ hãi; (b) Nên nhớ rằng Thiên Chúa, nói với ông Môisen, công bố danh tánh của Người nhiều lần, nói rằng: “Đó là danh Ta!” (xem Is 42:8; 43:5,11,13; 44:6,25; 45:5-7).  Điều gợi nhớ lại Cựu Ước này, dùng Kinh Thánh, đã giúp các cộng đoàn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu và trong các sự kiện của đời sống.  Đừng sợ!   
  Chúa Giêsu lên thuyền và gió ngừng thổi.  Nhưng nỗi lo sợ của các môn đệ, thay vì biến mất, thì lại gia tăng.  Thánh sử Máccô trách cứ họ và nói rằng:  “Các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ hóa bánh nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!” (6:52).  Lời khẳng định rằng lòng trí các ông còn ngu muội khiến chúng ta nhớ lại việc lòng trí của Pharaô đã ngu muội (Xh 7:3,13,22) và lòng của dân chúng trong sa mạc (Tv 95:8), những kẻ không muốn nghe theo lời ông Môisen và chỉ nghĩ đến việc quay trở lại đất Ai Cập (Ds 20:2-10), nơi mà có đầy bánh và thịt ăn thỏa thê (Xh 16:3).
4.  Một vài câu hỏi cá nhân
  Đêm tối, bão biển, ngược gió…  Bạn đã có bao giờ cảm thấy như thế này chưa?  Bạn đã làm gì để vượt qua những điều ấy?
–  Có bao giờ bạn đã sợ hãi rất nhiều lần vì đã không biết cách nhận ra Chúa Giêsu hiện diện và làm việc trong cuộc sống của bạn không?
–  Đoạn Tin Mừng này áp dụng cho cá nhân tôi theo cách nào? Với tất cả các vấn nạn và thách đố của thế giới, nó áp dụng cho Giáo Hội ngày nay như thế nào?
5.  Lời nguyện kết
Chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo,
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
Giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
Từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.
(Tv 72:13-14)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét