Trang

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

09-01-2020 : THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH


09/01/2020
 Thứ Năm sau lễ Hiển Linh

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 4, 19 – 5, 4
“Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, vì Người đã thương yêu chúng ta trước. Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là người nói dối. Vì người anh em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng mình không thấy được? Đây là giới răn chúng ta lãnh nhận nơi Thiên Chúa: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa.
Hễ ai tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thì đã được sinh ra bởi Thiên Chúa. Vì hễ ai yêu mến Chúa là Đấng đã sinh thành, thì cũng yêu mến những kẻ bởi Người mà sinh ra. Do điều này mà chúng ta biết mình yêu thương con cái Thiên Chúa, là hễ chúng ta yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta phải thực hành giới răn Người. Tình yêu Thiên Chúa là thế này: là chúng ta giữ các giới răn Người, và giới răn Người chẳng có nặng nề đâu. Hễ sự gì bởi Thiên Chúa mà sinh ra, thì thắng được thế gian, và đây là sự chiến thắng thế gian: đó là đức tin của chúng ta. Ai chiến thắng thế gian, nếu không phải kẻ tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 14 và 15bc. 17
Đáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.
2) Người sẽ cứu tâm hồn họ khỏi bất công và đàn áp, giá máu của họ đáng kể trước mặt người. Họ sẽ cầu nguyện cho người luôn và sẽ chúc phúc người mãi mãi. – Đáp.
3) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. – Đáp.

ALLELUIA: Lc 7, 16
Alleluia, alleluia! – Một Tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 4, 14-22a
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người. Người đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc sách. Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên tri Isaia. Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng: “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.
Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”. Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người. Đó là lời Chúa.

Suy Niệm : Chúa Giêsu viếng Nazaret.
Tuy chỉ diễn ra ở Hội đường Nazaret, nhưng việc Chúa Giêsu xuất hiện lần này nêu bật tư cách và sứ mệnh Mêsia của Ngài. Đồng thời tạo ra một khúc ngoặt trong lịch sự cứu rỗi, vì nó đánh dấu thời điểm mọi lời tiên báo của Cựu ước được thành tựu.
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh tai các ngươi vừa nghe”. Biết bao thế hệ Cựu ước đã nôn nao chờ đợi hai tiếng “hôm nay” ấy. Đây là giờ phút vui mừng tột độ đối với những ai thật lòng chờ đó ngày Yavê. Dĩ nhiên, thời cứu rỗi sẽ ngày càng tốt đẹp do những can thiệp  sẽ đến của Thiên Chúa, nhưng tất cả đều tuỳ thuộc ở giây phút này, giây phút Chúa Giêsu tỏ mình là Đấng mà tất cả Cựu ước đều hướng về.
Đây thật là một cuộc “hiển linh”, nhưng khác với ngờ tưởng của con người, vì là cuộc tỏ mình một cách êm ả, trong khung cảnh phụng vụ quen thuộc: Ngài đến hội đường ngày hưu lễ, cầu nguyện chung với mọi người, nghe đọc và nghe giải thích lời Chúa. Đấng Mêsia gặp gỡ Thiên Chúa, tìm hiểu, lắng nghe và nhận ra thánh ý Thiên Chúa nơi cơ chế phụng tự quen thuộc và nơi Kinh thánh, và rồi Ngài cũng sẽ thực hiện chương trình cứu rỗi bằng chính đời sống lao nhọc vì tha nhân, bằng chính thái độ tận tình đối với tha nhân, để “kẻ nghèo được nghe Tin mừng, người sầu khổ được chữa lành, kẻ bị giam cầm được giải thoát…”.
Chớ gì mỗi khi họp nhau nghe Lời Chúa chúng ta cũng nhận ra được thánh ý cứu độ của Ngài để rồi cùng với Chúa Kitô chúng ta thực hiện thánh ý ấy trong cuộc sống. Điều đó đòi hỏi nơi chúng ta một tấm lòng rộng mở và biết lắng nghe, một con tim quảng đại biết quên mình để dấn thân phục vụ.

Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 9 tháng 1 GS
Bài đọc1 Jn 4:19-5:4; Lk 4:14-22a.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hai giới răn quan trọng nhất là “mến Chúa yêu người.”
          Từ đầu Mùa Giáng Sinh tới giờ, phụng vụ của Giáo Hội chú trọng đặc biệt đến Thư thứ nhất theo thánh Gioan. Hơn thế nữa, Thư này nhấn mạnh nhiều lần tới giới răn yêu thương đến nỗi độc giả có thể có cảm tưởng đến chỗ nhàm chán! Tại sao tác giả lại chú trọng đến giới răn yêu thương quá nhiều như vậy?
          Chúng ta cần dừng lại đôi chút để nhìn ra xã hội chúng ta đang sống thì sẽ hiểu tại sao giới răn yêu thương cần được nhấn mạnh nhiều lần như vậy. Nền văn minh chúng ta đang sống được các Đức Giáo Hoàng gần đây gọi là nền văn minh sự chết, vì hầu hết con người chỉ chú trọng đến chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, chỉ lo bảo vệ quyền lợi của mình và coi thường nhân vị và quyền lợi của tha nhân. Con người tranh chấp, ghen ghét đến độ sẵn sàng chém giết nhau để bảo vệ quyền lợi của mình; người giầu ngày càng giầu thêm trong khi người nghèo càng ngày càng mất đi những quyền lợi sinh sống tối thiểu.
          Con người quên đi những bài học mà họ đã học từ thuở cắp sách đến trường: “Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.” Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ và muôn loài trong đó cho mọi người được hưởng; không ai có quyền nhân danh bất cứ điều gì để vơ vét mọi sự cho mình. Thế mà không biết bao nhiêu con người nhân danh lợi ích chung để tiếm đoạt tài sản của người khác, coi mạng sống con người không giá trị bằng một đôi dép (Amo 8:6). Nếu con người cứ tiếp tục lối sống bất công như thế, họ sẽ đi đến chỗ huỷ diện lẫn nhau. Đó là lý do các Đức Giáo Hoàng gọi lối sống đương đại là văn minh sự chết.
          Khi Chúa Giêsu xuống trần, Ngài cổ võ nền văn minh tình thương. Ngài muốn mọi người yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Chính Ngài đã tình nguyện đi qua đau khổ và sự chết để cứu chuộc mọi người. Ngài đã làm tất cả để rao truyền tình yêu này và Ngài đã dạy chúng ta: “Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng tình của người chết vì yêu.” Khi nhìn hình ảnh Chúa Giêsu chết đẫm máu trên đồi cao, từng đoàn người anh dũng tiến lên pháp trường.
          Các bài đọc hôm nay tiếp tục nhấn mạnh đến giới răn yêu thương và gợi cho ta những lý do tại sao chúng ta phải sở hữu và tập luyện để đưa giới răn này đến chỗ kiện toàn. Trong bài đọc I, tác giả đối chiếu yêu thương với ghen ghét và gọi những người ghen ghét anh em là những kẻ phản Kitô, vì họ đã không sống những gì họ đã lãnh nhận nơi Ngài. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu được quyền năng của Thần Khí thúc đẩy, Ngài đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng và thực thi tất cả những gì tiên tri Isaiah đã nói trước về Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hai giới răn quan trọng nhất của Kitô hữu
1.1/ Mến Chúa và yêu người: Bối cảnh lịch sử của việc liên kết hai giới răn này thành một được thuật lại trong Tân Ước khi một kinh sư đến hỏi Chúa Giêsu, “Thưa Thầy! trong các giới răn, giới răn nào quan trọng nhất?” Chúa Giêsu trả lời ông ta bằng cách nối kết hai giới răn đã có trong Cựu Ước: “Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (Đnl 6:5) và giới răn: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lev 19:18). Toàn thể Lề Luật đều có thể tóm lại trong hai giới răn này.
(1) Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta trước: Đây là sự thật mà tác giả đã nhấn mạnh hai ngày trước đây mà chúng ta đã phân tích và gọi là đức bác ái (agapancharity). Trong đoạn văn hôm nay, tác giả cũng nhắc lại điều này: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.”
(2) Dấu chỉ chúng ta yêu thương Thiên Chúa là chúng ta giữ các giới răn của Người, và giới răn quan trọng nhất là giới răn “mến Chúa yêu người.”
1.2/ Ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối.
(1) Ghen ghét anh em là phản lại đức bác ái: Chúng ta đã đề cập đến những người theo chủ thuyết Gnosticism (Ngộ Đạo). Họ cho họ là thành phần ưu tuyển, biết được những kiến thức đặc biệt để giải thoát linh hồn ra khỏi thân xác. Cũng giống như những người theo Đạo Do Thái, họ coi họ là những thành phần ưu tuyển, được Thiên Chúa chọn lựa cách riêng làm Dân của Ngài. Khi coi họ là những thành phần ưu tuyển, họ cũng coi thường tất cả những người khác: không được cứu độ, sinh ra để làm nô lệ phục vụ họ.
Họ quên đi rằng: mọi người đều có phẩm giá con người và bình đẳng trước Thiên Chúa vì mọi người đều được sinh ra và bình đẳng trước Thiên Chúa. Nếu vì may mắn họ học được một số sự thật từ Thiên Chúa, họ phải biết trao những sự thật này cho những anh chị em kém may mắn hơn, chứ không ích kỷ giữ riêng cho mình và khinh thường những người kém may mắn đó. Thánh Phaolô là người có kinh nghiệm về việc này. Ngài cũng từng có những cảm nghĩ như thế trên đường đi Damascus để lùng bắt các Kitô hữu gỉai về Jerusalem để cầm tù và bị xét xử; nhưng Đức Kitô đã soi sáng cho người để thay đổi thái độ này. Khi đã trở lại, ngài đã nói rất nhiều câu cho chúng ta nghe về sự công bằng và yêu thương của Thiên Chúa dành cho mọi người: “Trong Chúa Kitô, tất cả là anh em, không còn là Do-thái hay Dân-ngoại, nô lệ hay tự do…” Đặc biệt là chương 13, bài ca đức bác ái trong Thư I Corintô: tất cả chúng ta là những chi thể của một thân thể là Đức Kitô; mỗi người chúng ta đều có một đặc sủng riêng để xây dựng nhiệm thể của Đức Kitô; tay không thể nói với chân, “Tao không cần mày”…
(2) Nếu chúng ta nói chúng ta yêu thương Thiên Chúa, mà lại không yêu thương anh chị em, chúng ta là kẻ nói dối và sự thật không có nơi chúng ta. Tác giả cho một lý do để chứng tỏ sự dối trá này: Chúng ta chưa bao giờ diện kiến Thiên Chúa, làm sao chúng ta có thể yêu mến Ngài? Trong khi anh chị em, những người chúng ta nhìn thấy hàng ngày mà không yêu mến họ! Vì thế, yêu mến anh chị em là thước đo tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa. Chúng ta không nói yêu anh chị em tự nó là dễ dàng, nhưng như thánh Gioan nói: nếu chúng ta để cho tình yêu Chúa ăn sâu và thấm nhập linh hồn, chúng ta có thể yêu mến anh chị em như Thiên Chúa đòi hỏi. Một điều tự nhiên khác giúp chúng ta thấu hiểu đòi hỏi này như tác giả gợi ý: Nếu chúng ta yêu thương Thiên Chúa, Cha của mọi người, chúng ta cũng yêu thương các anh chị em của chúng ta; như trong một gia đình, nếu chúng ta yêu thương người cha sinh ra chúng ta cũng yêu thương anh chị em do cha chúng ta sinh ra.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu đến để thực thi tất cả những gì tiên tri Isaiah đã nói trước về Ngài.
2.1/ Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng trong các hội đường.
          Như chúng tôi đã nói nhiều lần, nhu cầu cần được giáo dục và soi sáng tâm linh khẩn thiết hơn là những nhu cầu về phần xác. Chúa Giêsu biết rõ điều này nên việc đầu tiên Ngài làm là vào các hội đường để gặp gỡ và rao giảng Tin Mừng cho dân chúng. Một khi đã thông thạo sự thật và đường lối, dân chúng sẽ biết làm những quyết định đúng và tránh được những hậu quả tai hại do những quyết định sai lầm mang lại.
2.2/ Chúa Giêsu chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng.
(1) Chúa Giêsu chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng: Tin Mừng Luca hôm nay cũng tường thuật chung những gì Chúa Giêsu đã làm để vơi đi những đau khổ của dân: “Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
          Sách Levi, 25:8-17, nói về Năm Hồng Ân này như sau: “8 (Các) ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm.9 Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, (các) ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, (các) ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi.10 Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình.11 Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa.12 Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. 13 Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình.14 Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình.15 Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch.16 Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch.17 Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng (các) ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của (các) ngươi, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của (các) ngươi.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Ghen tị, ghen ghét là lý do gây ra bất công xáo trộn trong cuộc sống con người.
– Chúng ta có bổn phận phải thay thế nó bằng nền văn hoá yêu thương mà Chúa Giêsu đã truyền dạy.
– Cuộc sống nơi trần thế này chỉ tạm thời. Chúng ta đừng tích luỹ cách bất công những tài sản trần thế; nhưng biết khôn ngoan tích luỹ những tài sản thiêng liêng như công bình và bác ái cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


09/01/2020 – THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 4,14-22a

ĐỂ LỜI CHÚA NÊN ỨNG NGHIỆM
Người ta trao cho Đức Giê-su cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi công bố Tin Mừng cho người nghèo hèn.” (Lc 4,17-18)
Suy niệm: Đọc xong đoạn sách ngôn sứ I-sai-a, Chúa Giê-su tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Không chỉ có lời Kinh Thánh Chúa Giê-su công bố tại hội đường hôm ấy, mà tất cả lời Sách Thánh đều được Ngài làm cho nên ứng nghiệm. Ngài còn tuyên bố: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5,18). Là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đức Ki-tô làm cho Lời Chúa nên hiện thực nơi đời sống của mình. Vì thế, tất cả những gì Ngài thể hiện đều là thông điệp Thiên Chúa muốn nói với loài người chúng ta. Vậy nên, điều cần thiết đối với chúng ta, là “hãy vâng nghe Lời Người” (Lc 9,35).
Mời Bạn: Những gì Chúa Giê-su thể hiện, Ngài cũng muốn lặp lại nơi đời sống chúng ta: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Và Ngài sai chúng ta đi cũng để tiếp tục làm cho Lời Chúa nên ứng nghiệm: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Sống Lời Chúa: Uốn nắn tư tưởng, lời nói, hành động của mình sao cho Lời Chúa được nên ứng nghiệm mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lương thực của Chúa là làm theo ý Chúa Cha. Xin cho chúng con được nuôi dưỡng bởi Lời của Chúa, để nhờ đó mọi người hiểu rằng Chúa ở trong con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

Suy Niệm : Trả lại tự do
Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình.
Ngài không tỏ mình cho một đám đông trong hoang địa,
nhưng tỏ mình cho người dân làng Nadarét, tại hội đường của họ.
Thánh Luca đã muốn chọn Nadarét thay vì Caphácnaum
làm nơi Đức Giêsu bày tỏ con người và chương trình hành động của Ngài.
Nadarét là một ngôi làng nhỏ, chẳng có gì nổi bật (x.Ga 1, 46),
nhưng ở đây, Con Thiên Chúa làm người đã sống hơn chín phần mười đời mình
như một người thợ (Mc 6, 3), con của một ông thợ khác (Mt 13, 55).
Ở đây, Đức Giêsu đã lớn lên từ từ về mọi mặt (Lc 2, 40).
Bé Giêsu, cậu Giêsu, chú Giêsu rồi ông Giêsu.
Ngài sống như một người bình thường, không có hào quang trên đầu,
cũng không làm nhiều phép lạ như các sách ngụy thư đã kể.
Hôm nay, Đức Giêsu trở lại làng xưa, nơi có biết bao kỷ niệm.
Vì là ngày sabát, theo thói tục, Ngài đến hội đường.
Ông trưởng hội đường đã mời Ngài đọc sách thánh và diễn giải.
Hãy ngắm nhìn cử chỉ đĩnh đạc của Đức Giêsu.
Ngài đứng lên, nhận cuộn sách, mở ra;
sau khi đọc, Ngài cuộn sách, trả lại và ngồi xuống.
Đức Giêsu đã cố ý chọn đoạn sách Isaia 61, 1-2
Ngài thấy đoạn sách thánh đó nói về mình, về sứ vụ tương lai:
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.”
Như thế chính Ngài nhận mình là Đấng có Thần Khí Chúa ngự trên,
nhận mình là Mêsia, Đấng được xức dầu để thi hành một sứ mạng.
Sứ mạng của Đức Giêsu chủ yếu là loan báo và công bố ( Lc 4, 18-19).
Sứ mạng ấy nhắm đến những người bất hạnh trong xã hội:
người nghèo, người bị giam cầm, người bị mù lòa, bị áp bức.
Đức Giêsu như đến để mở một Năm Thánh đặc biệt, Năm hồng ân.
Ơn nổi bật là ơn trả lại tự do cho tù nhân và cho người bị áp bức (aphesis).
Vẫn luôn có những người tự nhốt mình trong nhà tù của thành kiến, thói quen…
Xin được ơn tự do để thoát khỏi sự chi phối của cái tôi ích kỷ.

Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG GIÊNG
Đến Lượt Chúng Ta Kiếm Tìm Thiên Chúa
“Chúng tôi thấy ngôi sao của Người mọc lên, và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2,2). Đặt chân đến Giê-ru-sa-lem, các nhà thông thái đã nói với cư dân của thành Thánh như thế. Họ tìm hỏi thăm về “vị vua mới chào đời của người Do Thái”. Đây chính là những lời chúng ta trích lại trong Lễ Hiển Linh: sự biểu lộ Đức Giêsu như là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ của các dân tộc đang sống trong bóng tối lầm lạc. Các nhà thông thái, đại diện cho các dân ngoại giáo, nhắc chúng ta nhớ đến cuộc kiếm tìm Thiên Chúa của chính mình. Các nhà thông thái nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong những kỳ quan của tạo vật. Vốn chỉ mới thoáng thấy sự thực xuyên qua thiên nhiên và qua sự nghiên cứu, các nhà thông thái đã dấn thân vào một cuộc hành trình đầy mờ mịt và bất trắc để gặp được sự thật. Ở cuối cuộc hành trình tìm kiếm ấy, họ đã khám phá được và đã nghiêng mình kính cẩn trước Hài Nhi Giê-su và Mẹ Người. Họ đã tiến dâng Người vàng bạc châu báu của họ – và đã nhận lại được món quà vô giá là đức tin và niềm vui Kitô giáo.
Ước gì mỗi người chúng ta biết nhận ba nhà thông thái này làm những người hướng đạo, để mỗi bước chân trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta đều qui hướng về một mục tiêu duy nhất là Giêsu, con của Đức Maria, cũng là Con đời đời của Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 09/1
1Ga 4,1-9; Lc 4, 14-22.

Lời Suy Niệm: “Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát.”
          Nhà Thờ giáo xứ, chính là nơi mà người Kitô hữu thường lui tới để cùng cộng đoàn giáo dân và bà con thân thuộc cử hành những lễ nghi phụng vụ: thờ phượng và dâng lời cầu nguyện; là nơi được ghi lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho đời sống đức tin từ tuổi thơ cho đến tuổi trưởng thành.
          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con luôn gắn bó với giáo xứ của mình và thể hiện đời sống đức tin bằng sự tôn trọng nhân vị của nhau, thấy được sự liên đới cần có nhau, để bổ trợ cho nhau, đem lại công ích cho cả xác lẫn hồn.
Mạnh Phương



 09 Tháng Giêng
 Cánh Cửa Sổ
  Trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần mùa Giáng Sinh đến, một đài truyền hình bên Phi Luật Tân đều cho trình chiếu một phim ca vũ nhạc kịch mang tựa đề: “Tiếng âm nhạc”.
 Trong cuốn phim, một nữ tập sinh thủ vai chính mang tên là Maria phải trạm trán với một quyết định quan trọng có thể thay đổi cả hướng đi của cuộc đời cô: Một là tiếp tục đường tu, hai là chấp nhận đóng vai trò làm mẹ của 7 đứa bé mồ côi. Cô đã thốt lên một câu mang đầy ý nghĩa: “Khi Thiên Chúa đóng cửa chính, thì ở đâu đó trong gian nhà, Ngài luôn mở một cánh cửa sổ”.
 Trong cuộc sống, hàng triệu nguời mang niềm tin Kitô hình như cũng phải đương đầu với những cửa chính bị đóng kín mang nhiều hình thức của: những thử thách, đàn áp, nghi kỵ, thất bại, bệnh tật v.v… Nhưng họ luôn luôn ngẩng cao đầu lên để thưa: “Amen”, một lời thưa, một câu nói biểu lộ niềm tin không bao giờ xao xuyến, lung lay bất chấp mọi nghịch cảnh.
 Họ có thể so sánh với những vĩ nhân trên thế giới đã từng thực hiện được những kỳ công bất chấp những khó khăn có thể so sánh với những then cài: – Họ giống như văn sĩ John Milton hoàn thành hai tuyệt tác văn chương mang tựa đề là: “Thiên Ðàng đã mất” và “Thiên Ðàng được tìm lại”, trong lúc đã sống hoàn toàn trong đêm tối dày đặc, không thấy được một tia sáng mặt trời, không ngắm được các màu sắc sặc sỡ của một cánh hoa cũng như không thể thả hồn theo mộng trước những vẻ đẹp của thiên nhiên, – Họ giống như nhạc sĩ Beethoven sáng tác những khúc đại hòa tấu xuất sắc nhất, kể cả đại khúc giao hưởng thứ 9, trong lúc ông đã không nghe được một tiếng chim hót, một tiếng suối chảy róc rách hay một tiếng khóc của trẻ thơ vì đôi tai ông bị điếc hoàn toàn.
 “Khi Thiên Chúa đóng cửa chính, thì ở đâu đó trong gian nhà, Ngài luôn mở một cánh cửa sổ”.
 Bước vào cuộc sống hằng ngày của năm mới, chúng ta, những người mang niềm tin Kitô, phải khám phá ra những cửa sổ bé nhỏ Thiên Chúa luôn hé mở để cho chúng ta thấy:
 Một tia sáng trong những vấn đề chúng ta tưởng là hoàn toàn đen tối. – Một luồng gió mát trong những hoàn cảnh chúng ta tưởng là hoàn toàn ngột ngạt khó thở. – Một tia hy vọng trong những trường hợp chúng ta tưởng là hoàn toàn tuyệt vọng.
(Lẽ Sống)

Lectio Divina: Luca 4:14-22a
Thursday 9 January, 2020
Lectio Divina
Mùa Giáng Sinh

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Cha của chúng con,
Nhờ Đức Kitô, Con của Cha,
Niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu hé nở trên thế giới của chúng con.
Xin Cha ban cho chúng con ánh sáng đức tin
Để chúng con có thể luôn nhận biết Người là Đấng Cứu Chuộc
Và tiến đến vinh quang của Vương Quốc Người
Nơi Người hằng sống và hằng trị với Cha và Chúa Thánh Thần,
trong sự hiệp nhất, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.
2.  Bài Đọc Tin Mừng – Luca 4:14-22a 
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh.  Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người.  Người đến Nagiarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbát, và đứng dậy đọc sách.  Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên Tri Isaia.  Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng:  “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.”
Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống.  Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người.  Người bắt đầu nói với họ rằng:  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe.”  Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
3.  Suy Niệm
   Được Chúa Thánh Thần tác động, Chúa Giêsu trở về Galilêa và bắt đầu loan báo Tinh Mừng về Nước Trời.  Sống trong cộng đoàn và giảng dạy trong các hội đường, Chúa trở về Nagiarét, nơi Người lớn lên.  Chúa trở về với cộng đoàn, nơi Người sinh trưởng, đã tham gia vào việc cử hành các nghi thức – trong ba mươi năm.  Vào ngày Sabbát, theo thói quen, Người đi đến hội đường cùng với mọi người và tham dự vào việc cử hành nghi thức.     
  Chúa Giêsu đứng dậy và đọc.  Người chọn một bài từ sách tiên tri Isaia nói về người nghèo khó, kẻ bị giam cầm, người mù lòa và kẻ bị áp chế.  Văn bản phản ánh tình trạng của người dân Galilêa vào thời Chúa Giêsu.  Nhân danh Thiên Chúa, Chúa Giêsu đứng lên bảo vệ sự sống của dân Người, và với lời của ngôn sứ Isaia, Người xác định sứ vụ của mình:  loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, phục hồi ánh sáng cho người mù, và giải thoát cho người bị áp chế.  Trở lại với truyền thống cổ xưa của các ngôn sứ, Chúa công bố “năm hồng ân của Thiên Chúa”.  Người công bố một năm đại xá.  Chúa Giêsu muốn tái tạo lại cộng đoàn, gia tộc, theo cách mà một lần nữa nó có thể là biểu hiện niềm tin của họ vào Thiên Chúa!  Và sau đó, vì Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, thì tất cả chúng ta đều là anh em.
  Vào thời Israel cổ xưa, đại gia đình, gia tộc hoặc cộng đoàn, là căn bản để sống chung.  Đó là sự bảo vệ của gia đình và dân tộc, việc bảo đảm quyền sở hữu đất đai, nguồn gốc chính của truyền thống, và sự bảo vệ dân chúng.  Đó là cách cụ thể để thể hiện tình yêu Thiên Chúa trong tình yêu thương làng xóm.  Bảo vệ gia tộc, cộng đoàn, cũng giống như bảo vệ Giao Ước với Thiên Chúa.  Tại miền Galilêa thời Chúa Giêsu, có một sự phân biệt đôi, đó là sự phân biệt về chính trị của vua Hêrôđê Antipát (từ năm 4 trước Công Nguyên đến năm 39 sau Công Nguyên) và sự phân biệt về tôn giáo chính thức thuộc chính quyền.  Điều này trở thành hệ thống khai thác và đàn áp chính trị của vua Hêrôđê Antipát được hỗ trợ bởi đế chế La Mã.  Nhiều người không nhà, bị loại trừ, và không có việc làm (Lc 14:21; Mt 20:3, 5-6).  Kết quả là gia tộc, cộng đoàn đã bị suy yếu.  Gia đình và người dân vẫn không có sự hỗ trợ nào, không có bất kỳ sự bảo vệ nào.  Tôn giáo chính thức được duy trì bởi các vị có thẩm quyền về tôn giáo thời ấy, thay vì củng cố cộng đoàn theo cách mà nó có thể tiếp nhận và chào đón những kẻ bị loại trừ, thì lại càng củng cố sự phân biệt này nhiều hơn nữa.  Lề luật của Thiên Chúa đã được dùng để hợp pháp hóa việc loại trừ nhiều người: phụ nữ, trẻ em, người Samaritan, ngoại kiều, người phong cùi, kẻ bị quỷ ám, người thu thế, bệnh nhân, người què cụt, người tàn tật.  Nó hoàn toàn trái ngược lại với tình huynh đệ mà Thiên Chúa đã ước mơ cho tất cả mọi người!  Đây là tình trạng kinh tế và chính trị, cũng như hệ thống tư tưởng tôn giáo.  Mọi thứ bị âm mưu làm suy yếu cộng đoàn địa phương và cản trở sự hiển trị của Nước Trời.  Chương trình của Chúa Giêsu, theo lời ngôn sứ Isaia, đã đưa ra một lựa chọn khác.    
  Sau khi đọc xong bài đọc, Chúa Giêsu đã cập nhật văn bản bằng cách áp dụng nó vào cuộc sống của người dân, nói rằng:  “Hôm nay, đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe!”  Cách Người nối kết bài kinh thánh với cuộc sống của người dân tạo ra phản ứng trái chiều.  Một số người đã ngạc nhiên và thán phục.  Một số khác thì phản ứng tiêu cực.  Một số người đã cảm thấy chướng tai và không muốn dính dáng đến Người.  Họ nói rằng:  “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4:22).  Tại sao họ lại cảm thấy chướng tai?  Bởi vì Chúa Giêsu bảo họ nên chấp nhận và đón tiếp những kẻ nghèo khó, người mù lòa, kẻ bị áp chế.  Nhưng họ đã không chấp nhận lời khuyên của Người.  Và vì thế, khi Chúa đưa ra chương trình chấp nhận những người bị loại trừ, thì chính Người cũng bị loại trừ!
4.  Một vài câu hỏi cá nhân
  Chúa Giêsu đã nối kết niềm tin vào Thiên Chúa với tình trạng xã hội của dân tộc Chúa.  Đức tin của tôi nơi Thiên Chúa được sống như thế nào?
–  Nơi tôi ở, có những người mù lòa, kẻ bị giam cầm, hoặc bị áp chế không?  Tôi đối xử với họ như thế nào?
–  Tôi đối xử với người nhập cư và khách ngoại kiều như thế nào?  Có phải với sự bao bọc và tình yêu thương hay không?  Tôi cũng có dùng “luật lệ” để phân biệt người ta không?
5.  Lời nguyện kết
Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
Nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
Và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc
(Tv 72:17)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét