Ơn gọi dấn thân phục vụ những
người bị loại trừ của sơ Caterina Dolci ở Nigeria
Phụ nữ Nigeria (AFP) |
Sơ Caterina Dolci, người Italia, được biết đến nhiều trong
các hoạt động dấn thân những người bị bỏ rơi, đặc biệt các tù nhân trong mấy chục
năm qua ở Nigeria. Sơ chia sẻ ơn gọi dâng hiến của sơ như sau:
Ngọc Yến - Vatican
Khi tôi cho gia đình biết sự lựa chọn của mình. Mẹ tôi rất
buồn phiền, vì bà đã có những dự tính khác cho cuộc đời tôi. Nhưng tôi đã quyết
và với tính khí của mình tôi không bỏ cuộc. Trước đây, tôi biết các nữ tu Dòng
Chúa Giêsu Hài Đồng trong giáo xứ, Đấng sáng lập là Chân phước Nicolas Barré.
Tôi cảm thấy mình phù hợp với Hội dòng này vì các nữ tu sống thực tế, với đặc sủng
phục vụ cho giới trẻ và người nghèo. Tôi xin gia nhập. Tôi được huấn luyện và
làm quen với môi trường và cuộc sống mới. Cùng với các nữ tu có kinh nghiệm
trong một cộng đồng nhỏ ở Calabria, Italia giữa những người nghèo và các bạn trẻ.
Một ngày kia, Bề trên Tổng quyền đến và cho chúng tôi biết
hoàn cảnh khó khăn của các chị em chúng tôi ở Nigeria, và bà cho biết các chị cần
giúp đỡ. Lập tức trong tôi nảy sinh ý muốn ra đi. Suy nghĩ và làm liền. Tôi tới
Bề trên Tổng quyền và nói: "Con cũng muốn đến châu Phi". Bề trên trả
lời: "Nhưng con muốn đi đâu? Con chưa tuyên khấn". Và tôi, với tính
hơi ương ngạnh và quyết là làm, đánh liều xin khấn, tôi biết đã đủ thời gian
theo Giáo luật. Tôi được chấp nhận. Sau đó tôi được gửi đến Ailen trong một vài
tháng để học ngôn ngữ trước khi ra đi một cách dứt khoát.
Tôi đến Nigeria tiếp sức với các nữ tu ở đây. Một ngày kia,
Đức giám mục gọi tôi và nói: "Này sơ, nếu có một công việc rất khó khăn
nhưng cần thiết và tôi nghĩ chỉ có một mình sơ là có thể làm điều đó: giúp đỡ
các tù nhân, sơ nghĩ sao?". Tôi đồng ý. Đó là trải nghiệm khó khăn và đẹp
nhất trong sứ mệnh và cuộc đời tôi. Có bốn trăm người bị dồn trong bốn phòng lớn.
Ở mỗi phòng có một trăm tù nhân nhưng chỉ có một nhà vệ sinh. Ngay khi tôi bước
vào, tôi đã bị tấn công bởi mùi hôi thối không chịu nổi. Trong phòng không có
nước, và nước chỉ được mang từ thùng chứa bên ngoài. Vì vậy, điều đầu tiên tôi
làm là đào giếng với các tù nhân. Đó là một môi trường kỳ lạ và hấp dẫn, đầy giận
dữ, khắc nghiệt, nhưng cũng quãng đại và liên đới.
Sau đó, tôi cũng được yêu cầu chăm sóc những người bị kết án
tử hình. Đây là một trải nghiệm khủng khiếp. Một số trong số họ là vô tội. Họ
nhìn tôi bằng ánh mắt lạc lõng, sợ hãi; họ bị xích bằng những sợi xích lớn, khi
đi tạo ra tiếng ồn rợn người. Vào mỗi buổi sáng, khi tôi đến, luôn thấy hàng chữ
ghi “xin sơ cầu nguyện cho tôi” được gắn bên ngoài song sắt. Một số người xin
tôi rửa tội cho họ trước khi bị thi hành án.
Tiếp theo, tôi chú ý đến gia đình của các tù nhân. Tôi chăm
sóc họ không chỉ về mặt tinh thần mà còn trợ giúp về mặt pháp lý và y tế. Một số
người vợ của các phạm nhân ở trong nhà của chúng tôi. Chúng tôi đã xây dựng một
nơi ở cho các tù nhân được mãn hạn tù, nhưng không biết đi đâu.
Lúc bắt đầu chúng tôi có bốn chị em. Hiện này, chúng tôi hiện
diện với sáu cộng đoàn trong bốn giáo phận. Và tất cả các nữ tu bây giờ là người
Nigeria.
Sau một thời gian phục vụ tại Nigeria, tôi được kêu trở về lại
Italia, đến Calabria để chăm sóc các nạn nhân là các phụ nữ Nigeria bị buôn
bán. Biết ngôn ngữ và văn hóa của họ, tôi làm trung gian cho những cô gái nghèo
này. Đây là một vấn đề lớn và nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ. Chúng tôi giúp những
cô gái thoát khỏi sự kiểm soát của những kẻ khai thác và đón tiếp họ trong các
cơ sở được bảo vệ. Họ sống trong điều kiện nô lệ thực sự. Để thoát khỏi
Nigeria, họ phải trả cho những kẻ buôn người lên tới 20-30 ngàn euro, sau đó họ
bị buộc phải quay lại làm việc trên vỉa hè trong nhiều năm, bị tống tiền. Khoảng
một nửa trong số họ đến đây với lời nói dối về một công việc sạch sẽ, nhưng
ngay sau khi khởi hành, họ nhận ra rằng không phải như vậy. Hầu hết bị hãm hiếp
trong suốt chuyến đi. Tôi đã nghe những câu chuyện khủng khiếp về những gì xảy
ra trong các điểm dừng ở châu Phi Sahara và ở Libya. Đây là lý do tại sao tôi
luôn giữ liên lạc với các chị em của tôi ở Nigeria. Theo tôi, cần phải tiến
hành phòng ngừa hơn là giải quyết những hậu quả. Chống lại các tổ chức tội phạm,
nhưng cũng là chống lại cái nghèo về văn hóa và kinh tế là nguyên nhân ra đi của
những cô gái này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét