Trang

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Phản ứng của Vatican đối với cuốn sách của Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Robert Sarah


Phản ứng của Vatican đối với cuốn sách của Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Robert Sarah
Đặng Tự Do

Như chúng tôi đã loan tin, trong một diễn biến được thông tấn xã Reuters gọi là một quả bom chấn động, tờ Le Figaro đã công bố một trích đoạn của cuốn “From the Depths of our Hearts”, nghĩa là “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi”, do Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah viết chung với nhau.

Theo cha Joseph Fessio, sáng lập viên và là chủ biên của Ignatius Press là nhà xuất bản phiên bản tiếng Anh của cuốn sách này, Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Robert Sarah quyết liệt chống lại việc bãi bỏ luật độc thân linh mục. Các tác giả “nhấn mạnh rằng việc canh tân Giáo Hội đòi buộc một sự hiểu biết mới mẻ về ơn gọi linh mục như một chia sẻ trong căn tính tư tế của Chúa Giêsu dành cho Hiền Thê Giáo Hội”, và “các ngài khẳng định rằng khi các linh mục được tùy chọn sống độc thân hay không thì lúc đó chức linh mục không còn là một chức tư tế đích thực nữa.”

Ngoài luật độc thân linh mục, hai vị còn đề cập đến bản chất của Giáo Hội và bản chất tình môn đệ Kitô giáo để khẳng định rằng cuộc khủng hoảng Giáo Hội đang phải đối diện xuất phát từ cố gắng muốn thích ứng với văn hóa đương đại và từ bỏ những giáo huấn về đức tin.

Các báo cáo trên các phương tiện truyền thông thế tục, trong bối cảnh chỉ mới có các trích đoạn của phiên bản tiếng Pháp của cuốn sách được công bố trên tờ Le Figaro có thể dẫn đến ý kiến cho rằng có sự mâu thuẫn gay gắt giữa Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Thánh Cha Phanxicô về luật độc thân linh mục, cũng như có những khác biệt trong đánh giá của hai vị về cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo Hội.

Trong cố gắng dập tắt điều này, ông Andrea Tornielli, chủ biên Vatican News, đã có bài nhận định cho rằng cuốn sách của Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Robert Sarah là “một đóng góp về luật độc thân linh mục trong sự vâng phục hiếu thảo với Đức Thánh Cha,” và luật độc thân linh mục là “một chủ đề đã được Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày nhiều lần.”

Ông Andrea Tornielli viết như sau:

Một cuốn sách về chức tư tế có chữ ký của Đức Giáo Hoàng danh dự Joseph Ratzinger và Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, sẽ được phát hành tại Pháp vào ngày 15 tháng Giêng. Các tài liệu trước khi xuất bản được công bố trên tờ Le Figaro cho thấy với sự đóng góp của hai vị, các tác giả đang tham gia vào cuộc tranh luận về luật độc thân và khả năng phong chức linh mục cho những người nam đã kết hôn. Đức Ratzinger và Đức Hồng Y Sarah đã mô tả mình là hai Giám Mục “trong sự vâng phục con thảo đối với Đức Thánh Cha Phanxicô” và là những người “đang tìm kiếm sự thật” trong “một tinh thần quý chuộng sự hiệp nhất của Giáo Hội”. Các ngài bảo vệ kỷ luật độc thân linh mục và đưa ra những lý do mà các ngài cảm thấy cần phải chống lại các đề nghị thay đổi luật này. Vấn đề liên quan đến về luật độc thân linh mục chiếm 175 trang của cuốn sách, với hai văn bản - từ Đức Giáo Hoàng danh dự và từ Đức Hồng Y - cùng với lời giới thiệu và kết luận được ký bởi cả hai vị.

Trong văn bản của mình, Đức Hồng Y Sarah nhắc nhớ rằng “có một liên kết bản thể học-bí tích giữa chức tư tế và luật độc thân linh mục. Bất kỳ sự suy yếu nào của liên kết này sẽ đặt ra vấn nạn về Huấn Quyền của Công đồng [Vatican thứ hai] và các Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Tôi khẩn cầu Đức Thánh Cha Phanxicô quyết liệt bảo vệ chúng ta khỏi một khả năng như vậy bằng cách phủ quyết bất kỳ cố gắng làm suy yếu luật độc thân linh mục, ngay cả khi điều đó chỉ giới hạn trong một khu vực”. Hơn nữa, Đức Hồng Y Sarah đi xa đến mức mô tả khả năng phong chức cho người nam đã lập gia đình như “một thảm họa mục vụ, một sự lầm lạc giáo hội học và là một trở ngại cho sự hiểu biết về chức tư tế”. Trong đóng góp ngắn gọn của mình, Đức Bênêđictô XVI phản ánh về đề tài này bằng cách truy ngược lại những gốc rễ Do Thái giáo của Kitô giáo, và khẳng định rằng từ khi bắt đầu “giao ước mới” của Thiên Chúa với nhân loại, được thiết lập bởi Chúa Giêsu, chức tư tế và lối sống độc thân luôn hiệp nhất với nhau. Ngài nhắc nhớ rằng “trong Giáo Hội tiên khởi”, nghĩa là, Giáo Hội trong thiên niên kỷ đầu tiên, “những người đàn ông đã lập gia đình có thể nhận được Bí Tích Truyền Chức Thánh chỉ khi nào họ cam kết tiết dục hoàn toàn”.

Luật độc thân linh mục không phải, và chưa bao giờ là một tín lý. Đó là một kỷ luật của Giáo hội Latinh tiêu biểu cho một hồng ân quý giá, như tất cả các vị Giáo Hoàng gần đây đã khẳng định. Các Giáo Hội Công Giáo Đông phương cho phép khả năng phong chức linh mục cho những người đàn ông đã có vợ. Các ngoại lệ cũng đã được thừa nhận trong Giáo Hội Latinh bởi chính Đức Bênêđíctô XVI trong Tông Hiến Anglicanorum Coetibus, dành cho các linh mục Anh giáo muốn tìm kiếm sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, trong đó cho phép “nhận vào hàng giáo sĩ những người nam có gia đình trên cơ sở từng trường hợp một, theo tiêu chuẩn khách quan được Tòa Thánh chuẩn y”.

Cũng đáng nhớ lại rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhiều lần trình bày ý kiến của ngài về chủ đề này. Khi còn là một Hồng Y, trong cuốn sách kể lại cuộc trò chuyện với Rabbi Abraham Skorka, ngài giải thích rằng ngài ủng hộ việc duy trì luật độc thân: “trước tất cả những ủng hộ và chống đối có liên quan, trong hàng chục thế kỷ có nhiều kinh nghiệm tích cực hơn những khuyết điểm. Truyền thống này có trọng lượng và giá trị pháp lý”. Trong cuộc gặp gỡ các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Panama hồi tháng Giêng năm ngoái, Đức Giáo Hoàng nhắc lại rằng trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, vị linh mục tương lai có thể lựa chọn độc thân hoặc kết hôn trước khi được phong chức phó tế; nhưng liên quan đến Giáo Hội Latinh, ngài nói thêm “Tôi nhớ lại câu Thánh Phaolô Đệ Lục đã nói: 'Tôi thà hy sinh mạng sống của mình hơn là thay đổi luật độc thân linh mục. Nó ập đến trong trí tôi và tôi muốn nói điều đó, bởi vì đó là một lời can đảm, trong một thời điểm khó khăn hơn thế này, vào những năm 1968/1970. .. Cá nhân tôi nghĩ rằng độc thân linh mục là một ân sủng cho Giáo hội. Thứ hai, tôi không đồng ý với việc cho phép độc thân tùy chọn, không.” Ngài cũng nói về các cuộc thảo luận giữa các nhà thần học về khả năng miễn trừ đối với một số vùng sâu vùng xa, chẳng hạn như các đảo ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngài khẳng định “không có quyết định về phần tôi. Quyết định của tôi là: độc thân tùy chọn trước khi được phong phó tế, không. Đó là một quyết định riêng tôi, một cái gì đó cá nhân, tôi sẽ không làm điều đó, điều này vẫn rõ ràng. Tôi có ‘đóng kín’ không? Có thể là thế. Nhưng tôi không muốn xuất hiện trước mặt Thiên Chúa với quyết định này”.

Thượng Hội Đồng về vùng Amazon được tổ chức vào tháng 10 năm 2019 và chủ đề này đã được tranh luận ở đó. Như có thể thấy từ tài liệu cuối cùng, có những giám mục đã yêu cầu khả năng phong chức linh mục cho các phó tế vĩnh viễn có gia đình. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là vào ngày 26 tháng 10, trong bài phát biểu kết luận của mình, Đức Giáo Hoàng, sau khi đã theo dõi tất cả các giai đoạn của các bài phát biểu và thảo luận trong hội trường, đã không đề cập chút nào đến chủ đề phong chức linh mục cho người nam đã kết hôn, dù chỉ thoáng qua. Thay vào đó, ngài nhắc lại bốn chiều kích của Thượng hội đồng: đó là sự hội nhập; những chiều kích sinh thái; những chiều kích xã hội; và cuối cùng những chiều kích mục vụ, là điều “bao gồm tất cả”. Cũng trong bài phát biểu đó, Đức Thánh Cha đã nói về khả năng tạo ra các thừa tác vụ mới và vai trò của phụ nữ; và đề cập đến tình trạng khan hiếm giáo sĩ trong những miền truyền giáo nhất định, ngài nhắc nhớ rằng có rất nhiều linh mục từ một nước nào đó đã đến các quốc gia thuộc Thế giới thứ nhất, như Hoa Kỳ và Châu Âu, trong khi lại “không có đủ linh mục để gửi đến khu vực Amazon của cùng quốc gia đó”.

Cuối cùng, điều quan trọng là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong khi cảm ơn các phương tiện truyền thông, đã đồng thời cũng yêu cầu họ giúp đỡ: “trong việc phổ biến Tài liệu chung kết, họ sẽ tập trung trên hết vào phần phán đoán, là phần quan trọng hơn, và là phần mà Thượng hội đồng thực sự diễn tả tốt nhất: đó là các phán đoán về văn hóa, xã hội, mục vụ và sinh thái. Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã mời gọi họ tránh rơi vào nguy cơ tập trung vào việc “bên nào thắng và bên nào thua” khi nhìn vào những gì được quyết định liên quan đến các vấn đề kỷ luật.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét