Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

08-03-2020 : (phần I) CHÚA NHẬT II MÙA CHAY năm A


08/03/2020
 Chúa Nhật 2 Mùa Chay năm A
(phần I)

BÀI ĐỌC I: St 12, 1-4a
“Abraham, người cha Dân Chúa, được kêu gọi”.
Trích sách Sáng Thế.
Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: “Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phúc cho ngươi, cùng làm vinh danh ngươi, ngươi sẽ được diễm phúc. Ta sẽ ban phúc cho ai chúc phúc ngươi, và chúc dữ cho ai chúc dữ ngươi. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ngươi mà được diễm phúc”. Abram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22
Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài (c. 22).
Xướng: 1) Lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. – Đáp.
2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Đáp.
3) Linh hồn chúng tôi mong đợi Chúa: chính Ngài là Đấng phù trợ và che chở chúng tôi. Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Tm 1, 8b-10
“Thiên Chúa kêu gọi và chiếu soi chúng ta”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.
Con thân mến, con hãy đồng lao cộng tác với Cha vì Tin Mừng, nhờ quyền lực của Thiên Chúa, Đấng giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người, không phải do công việc chúng ta làm, mà là do sự dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta từ trước muôn đời trong Đức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ mới tỏ bày bằng sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng. Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 17, 5
Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.  

PHÚC ÂM: Mt 17, 1-9
“Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa
Bàn Thờ là Núi Thánh. Và mỗi Thánh lễ là một cuộc Chúa biến hình. Người lấy hình bánh rượu để trở nên lễ vật, cho ta được tham dự vào lễ tế của Người. Như vậy, việc Chúa biến hình ngày trước tất có tương quan tới Thánh lễ chúng ta đang cử hành. Chúng ta hãy tìm hiểu, để Thánh lễ này thêm ý nghĩa và đời ta nên tốt đẹp hơn.


A. Câu Chuyện Chúa Biến Hình
Thánh Matthêô kể câu chuyện này 6 ngày sau khi Phêrô tuyên xưng Ðức Yêsu là Con Thiên Chúa hằng sống (16,13-20). Hôm ấy Ðức Yêsu cũng đã tuyên bố lần đầu tiên về cuộc tử nạn của Người; và Người bảo ai muốn theo Người cũng phải vác Thập giá. Nhưng để an ủi, Người phán: rồi đây Con Người sẽ đến trong vinh quang và có những kẻ đang ở trước mặt Người đây sẽ chứng kiến.
Không biết các môn đệ có hiểu hết những lời ấy không? Nhưng hôm nay, 6 ngày sau, ba ông Phêrô, Yacôbê và Yoan đã được xem thấy vinh quang của Người như chúng ta vừa nghe đọc.
Xếp lại câu chuyện như vậy, chúng ta thấy ngay việc Chúa biến hình muốn thể hiện điều Người đã hứa. Và trước hết nó có ý nghĩa thế mạt. Người đã hứa cho mấy người được thấy Con Người đến trong vinh quang của Cha Người và đến với Nước của Người. Nên dù chỉ 6 ngày sau Người đã thể hiện Lời hứa, cảnh tượng vinh quang mà Người cho họ thấy vẫn thuộc về thời đại cánh chung. Và Matthêô đã có những từ ngữ, những hình ảnh làm nổi bật khía cạnh này. Ông nói đến một nơi núi cao, riêng biệt ra, tức là tách khỏi đời này. Ông diễn tả mặt Người sáng như mặt trời và áo Người trắng như tuyết, là những nét tả về con người ở thời cánh chung (Mt 13,40-43). Môsê và nhất là Êlya là những nhân vật mà người ta tin rằng sẽ trở lại khi Con Người đến. Có tiếng từ trời phán xuống cũng là một nét của thời đại cánh chung. Và việc cấm phổ biến những điều vừa xem thấy cũng thuộc loại văn khải huyền về thời thế mạt.
Như vậy, không ai có thể bảo câu chuyện Chúa biến hình đã thuộc về quá khứ. Nó là dấu hiệu báo trước tương lai. Nó đưa ta hướng mắt về Ngày Chúa trở lại. Nó có thể giúp ta tham dự vào Thánh lễ này sốt sắng hơn. Và Phụng vụ đặt nó vào ngày Chúa nhật hôm nay sau Chúa nhật trước nói về Ðức Yêsu là Con Thiên Chúa, phải chăng không muốn nói rằng ai đã tuyên xưng Ðức Yêsu là Con Thiên Chúa, như Phêrô, tất sẽ được nhìn thấy vinh quang của Người?
Nhưng những gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cánh chung, cũng đã khởi sự trong mầu nhiệm Phục sinh. Thế nên bài Tin Mừng hôm nay cũng hướng ta về sự kiện Chúa sống lại. Hiển nhiên thánh Matthêô đã muốn cho chúng ta nhìn thấy Chúa Phục sinh trong bài Tin Mừng này; vì mặc dù câu chuyện xảy ra đang khi Ðức Yêsu còn tại thế, nhưng tác giả đã dùng ánh sáng của Chúa sống lại để cho chúng ta nhận ra Người. Thánh Phêrô không xưng Người là Thầy như mọi khi, nhưng danh từ "Chúa" là từ mà môn đệ chỉ dùng để thưa với Chúa Phục sinh. Và cử chỉ của Ðức Yêsu tiến lại, giơ tay nâng môn đệ dậy, chẳng phải là ơn phục sinh của Chúa cúi xuống đỡ nhân loại sa ngã lên đó sao? Nhất là đoạn văn này được viết tiếp ngay vào những lời Ðức Yêsu tuyên bố lần đầu tiên về cuộc Tử nạn của Người và về việc môn đệ phải vác thập giá mà đi theo Người, quả thật có ý nói đến mầu nhiệm Phục sinh. Chính ý nghĩa cánh chung cũng phải nhờ viễn tượng Chúa sống lại mới hiểu ra được.
Tuy nhiên cả hai cái nhìn cánh chung và phục sinh vẫn không được làm chúng ta quên Ðức Yêsu hiện tại. Chúa nhật trước, Phụng vụ giới thiệu Người như Con Thiên Chúa sống nơi sa mạc. Hôm nay, cũng dùng Tin Mừng thánh Matthêô, Phụng vụ cho ta thấy Người là Môsê mới ở trên núi. Nói đúng ra, Chúa nhật trước thánh Matthêô cũng đã muốn nói Người là Môsê rồi, nhưng còn kín đáo. Hôm nay rõ ràng tác giả muốn so sánh giữa hai Môsê. Cả hai đã lên núi, được mây bao phủ và đưa vào trong một cuộc đàm đạo với Thiên Chúa (x. Xh 24,15-18). Và cả hai trường hợp đều xảy ra vào ngày thứ 7. Tuy nhiên trong trường hợp của Môsê, chính Thiên Chúa đã có bộ mặt sáng láng và đã gọi ông, đang khi ở đây chính Ðức Kitô đã biến hình và được tiếng Ðức Chúa Cha tuyên dương. Môsê mới đã rõ rệt hơn Môsê cũ. Môsê cũ giờ đây chỉ đứng bên Môsê mới để tuyên chứng và cũng để được ánh sáng Môsê mới soi dọi vào. Nhất là Môsê cũ sẽ biến đi, để lại một Ðức Kitô là Môsê mới, độc hữu và độc tôn trước mắt các Tông đồ đang còn vẳng nghe lời căn dặn: "Hãy nghe Người!". Thánh Matthêô hiểu như vậy, nên đoạn 18 theo sau đoạn 17 này đã được tác giả dùng để viết lại giáo lý của Ðức Kitô về Hội Thánh. Như vậy, ở đây muốn giới thiệu Người là Môsê mới của Hội Thánh.
Hội Thánh phải nghe Vị Môsê mới này để được đi tới mầu nhiệm phục sinh, bảo chứng của thời đại cánh chung: đó là nội dung bài Tin Mừng hôm nay và là giáo huấn của Phụng vụ Chúa nhật II Mùa Chay này. Chúng ta hãy đến với Ðức Kitô biến hình trong mầu nhiệm Thánh lễ hôm nay để xin Người dạy dỗ hầu đạt tới vinh quang phục sinh và Nước Trời.

B. Bài Học Cụ Thể
Chúa hằng dạy dỗ chúng ta qua Sách Thánh. Bài sách Khởi nguyên hôm nay nói đến ơn gọi của Abraham, tổ phụ các tín hữu. Chúa gọi ông bỏ quê hương họ hàng ra đi đến nơi Người sẽ chỉ cho để sẽ được thịnh vượng và hạnh phúc. Người gọi chúng ta trong Mùa Chay này từ bỏ mọi dính bén để đi tới hạnh phúc phục sinh. Ơn gọi Abraham báo trước ơn gọi của chúng ta. Và con đường ông đã đi là con đường chúng ta phải bước vào... Con đường ấy là hành trình trong đức tin. Abraham phải từ bỏ những cái đang có để hy vọng, trông chờ những của vị lai. Một cách nào đó ông phải bỏ mồi bắt bóng. Ông đã làm vì ông tin Chúa, tin lời Người hứa. Ông ra đi như Chúa truyền. Vào đến đất hứa, ông vẫn chưa được chiếm hữu. Chúa sẽ trỏ cho ông thấy đó là đất Chúa sẽ ban cho con cháu ông, chứ ông chưa được. Abraham vẫn tin, tin dấu hiệu bảo chứng của thực tại. Ông là tổ phụ của chúng ta, là các tín hữu sau ông đã tin vào Chúa. Và cũng như ông, chúng ta luôn phải tin Lời Chúa và các Bí tích dấu chỉ ban ơn vô hình. Chúng ta có kinh nghiệm, đức tin nhiều khi đòi phải bỏ mồi bắt bóng, chịu thiệt thòi về vật chất để trông chờ những của mai sau hay những ơn thiêng vô hình. Thường khi hơn nữa, đức tin đòi phải biết nhận ra thời triệu, tức là xuyên qua những thực tại hữu hình đạt tới những thực tại vô hình; không những nhìn vào các Bí tích để biết nhận ra các ơn thiêng, mà còn biết tìm ra Ý Chúa và tiếng Người kêu gọi qua mọi sự kiện hàng ngày và đặc biệt qua mầu nhiệm Thập giá: ai muốn theo Chúa phải vác thập giá mình mỗi ngày. Thánh Matthêô đã viết rõ như thế. Và thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng bắt đầu bằng câu: hãy chia sẻ lao nhọc của Phúc Âm.
Phaolô viết cho Timôthê, nhưng cũng dặn dò Hội Thánh và mọi người chúng ta: hãy chung phần cam khổ vì Tin Mừng (bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn). Người không cần nói vì sao theo Tin Mừng và giảng Tin Mừng thì phải gian khổ. Ðiều ấy quá rõ rồi. Ai cũng có kinh nghiệm. Sống ơn gọi Kitô hữu và Tông đồ thật là khó: phải phấn đấu theo gương Chúa Yêsu như chúng ta đã thấy trong Chúa nhật trước; phải luôn luôn hành trình trong đức tin như gương Abraham còn để lại; phải thống hối cải tạo đời sống như Phụng vụ Mùa Chay thúc giục. Ðiều Timôthê và chúng ta cần biết hơn là lý do vì sao ta phải lao nhọc và có sức nào trợ giúp chúng ta không? Cả bài thư hôm nay muốn cống hiến cho chúng ta nhiều tư tưởng để suy nghĩ.
Một cách vắn tắt, Phaolô mời gọi chúng ta nhìn lên Ðức Yêsu Kitô, Ðấng đã hủy diệt sự chết và đã chiếu sáng ra sự sống. Ðó là Ðức Yêsu Kitô phục sinh mà Matthêô đã giới thiệu trong bài Tin Mừng. Người đang kêu gọi chúng ta trong Thánh lễ này, không phải vì sự nghiệp, công trạng riêng gì của ta, nhưng chỉ vì ý định và ân sủng của Thiên Chúa yêu thương ta cách lạ lùng muốn cho chúng ta được chia sẻ vinh quang phục sinh nơi Ðức Yêsu Kitô. Nếu chúng ta tin như vậy, thì phải bắt chước Abraham chấp nhận hành trình trong đức tin và gian khổ, vì có cùng chịu khổ với Người chúng ta mới được cùng Người sống lại.
Như thế Lời Chúa hôm nay muốn khuyến khích chúng ta trên con đường Mùa Chay. Chúng ta được đưa lên Núi Thánh để chiêm ngưỡng vinh quang và tham dự vào sự sống của Chúa, để khi xuống núi theo gương các Tông đồ chúng ta nghe và giữ Lời Chúa mà xây dựng Hội Thánh.
Chủ yếu việc xây dựng này không phải chỉ là chu toàn hoặc tổ chức những lễ nghi bên ngoài, nhưng là kiến tạo Hội Thánh cho thời đại cánh chung mà ai cũng biết sẽ là toàn thể nhân loại và tạo dựng được chia sẻ vinh quang Thiên Chúa. Thế nên việc xây dựng Nước Trời bao trùm nhiều mặt cụ thể. Tất cả những gì giúp cho nhân loại ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và huynh đệ đều cần thiết cho thời đại cánh chung, cho ơn phục sinh đến với mọi người. Và làm những công việc như thế, dĩ nhiên phải phấn đấu, lao nhọc... nhưng đó là chung phần cam khổ vì Tin Mừng. Và chúng ta có Thánh lễ này để kết hợp với Ðức Kitô biến hình, Ðấng đã hủy diệt sự chết và đã chiếu sáng ra sự sống. Chính Người sẽ chia sẻ sự sống và thần lực của Người cho ta để giúp ta hành trình trong đức tin và lao nhọc.
Chúng ta hãy tin như vậy và tham dự Thánh lễ này sốt sắng để tích cực và hiệu lực xây dựng hạnh phú Nước Trời ngay từ đời này cho vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc muôn người.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật II Mùa ChayNăm A
Bài đọcGen 12:1-4a; 2 Tim 1:8-10; Mt 17:1-9.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vinh quang chỉ có được nhờ làm theo những gì Thiên Chúa truyền dạy.
Con người làm việc là cho một mục đích. Họ biết mục đích càng cao trọng bao nhiêu, thách đố và đau khổ càng lớn lao bấy nhiêu. Làm sao để thuyết phục một người có can đảm bỏ ý riêng của họ, sẵn sàng đương đầu với mọi nguy hiểm, để theo đuổi một mục đích? Có ba cách: Một là hứa hẹn với họ về những hậu quả tương lai mà họ sẽ được hưởng. Cách này chỉ hiệu quả cho những người có uy tín. Hai là cắt nghĩa để họ hiểu sự hợp lý giữa những việc làm hiện tại và hậu quả tương lai. Đây là cách mà con người thường dùng để chinh phục. Ba là cho họ thấy trước những hậu quả đó. Cách này chỉ có thể thực hiện bởi Thiên Chúa, Đấng có quyền trên mọi sự.
Các bài đọc hôm nay dẫn chứng cả 3 cách đều được dùng trong việc thuyết phục con người, để họ có can đảm làm theo ý muốn của người truyền. Trong bài đọc I, Thiên Chúa hứa với Abram: Ngài sẽ ban cho ông một Đất Hứa, một dòng dõi, và chúc lành bảo vệ ông cũng như dòng dõi của ông, nếu ông có can đảm bỏ quê cha đất tổ để lên đường theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên môn đệ Timothy phải hy sinh tất cả để đồng lao cộng khổ với ngài trong việc rao giảng Tin Mừng, vì lợi ích mà Tin Mừng mang lại: Ông và mọi người được xóa bỏ tội lỗi, được trở nên thánh thiện, và được lãnh nhận ơn cứu độ muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biến hình cho ba môn đệ thân tín thấy trước vinh quang các ông sẽ được hưởng, nếu các ông chấp nhận Cuộc Thương Khó sắp xảy ra và làm theo những gì Ngài dạy bảo.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nhờ Abram, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.
1.1/ Những điều Thiên Chúa hứa với Abram: Trước khi Thiên Chúa gọi Abram, ông và gia đình ông đang sống yên ổn tại Urs, một thành phố trù phú nằm chỗ hai con sông lớn Tigris và Euphrates giao nhau, Iraq hiện giờ. Abram chưa hề biết Thiên Chúa, nhưng sớm biết dùng trí khôn và lý luận để tin phải có một Đấng Toàn Năng dựng nên và điều khiển trái đất này, chứ không phải do những vị thần vô tri do tay con người tạo nên mà cha ông buôn bán. Nhờ niềm tin đó, ông dần dần nhận ra Thiên Chúa và phát triển mối liên hệ với Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Thiên Chúa hứa với Abram ba điều:
(1) Ngài sẽ ban cho ông một Đất Hứa, vùng đất chảy sữa và mật. Đức Chúa phán với ông Abram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.” Lời hứa này chỉ được thực hiện khi Thiên Chúa đưa dòng dõi của ông từ hoàn cảnh nô lệ bên Ai-cập, vượt qua Biển Đỏ, lang thang 40 năm trong sa mạc, trước khi vào đất Canaan. Tuy nhiên, Đất Hứa này cũng chỉ là hình bóng của Nước Trời mà thôi.
(2) Lời hứa ban một dòng dõi đông như sao trên trời và như cát dưới biển. Đức Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.” Lời hứa này cũng chỉ được thực hiện sau khi Abram qua đời. Hiện giờ, ông là tổ phụ của tất cả những người theo đạo Do-thái, Công-giáo, và tất cả những người tin vào Đức Kitô (hơn một nửa dân số trên địa cầu).
(3) Lời hứa được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành: “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” Lời hứa này được thực hiện cả trong thời của Abram qua những biến cố như: giao tranh với các vua, giải thoát Sarah vợ ông hai lần… lẫn sau này, khi Thiên Chúa tiếp tục chúc phúc cho dòng dõi của ông: Isaac, Jacob, và các con cháu, nhất là qua biến cố Xuất Hành.
1.2/ Những gì Abram phải hy sinh: Để được hưởng những lời hứa đó, Abram phải tin tưởng và làm tất cả những gì Thiên Chúa truyền. Abram phải lìa xa quê cha đất tổ xứ Urs, họ hàng, và nhà cha ông. Ông phải vượt qua những lo sợ của con người như: ai sẽ săn sóc cha mẹ già, làm gì mà sống, lang thang đây đó rất nguy hiểm vì phải đương đầu với các quyền lực địa phương, bao giờ những gì Thiên Chúa hứa mới được thực hiện… Ông Abram ra đi như Đức Chúa đã phán với ông, vì ông hoàn toàn tin nơi Thiên Chúa. Ngài sẽ chúc lành và bảo vệ ông như lời Ngài đã hứa. Nếu ông sợ hãi, ông sẽ ở lại đất Urs và sẽ không bao giờ được hưởng những gì Thiên Chúa hứa.
2/ Bài đọc II: Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
2.1/ Những gì Tin Mừng của Đức Kitô mang lại cho con người: Có 4 điều lợi ích Phaolô liệt kê cho môn đệ Timothy trong trình thuật hôm nay:
(1) Tin Mừng cứu độ được ban cho con người cách nhưng không: Con người được cứu độ và được nhập đoàn hàng ngũ các thánh là hoàn toàn do kế hoạch và ân sủng của Thiên Chúa, chứ không do bất cứ công việc gì của con người làm. Điều này có nghĩa Tin Mừng Cứu Độ là cho mọi người, không chỉ những người Do-thái mà thôi.
(2) Tin Mừng mặc khải cho con người về tình yêu Thiên Chúa: “Ân sủng của Thiên Chúa được ban cho con người từ muôn thuở trong Đức Kitô; nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã xuất hiện.” Ân sủng của Thiên Chúa gồm nhiều loại khác nhau, nhưng trọng tâm là Thánh Thần và các ân sủng Ngài ban qua các bí tích.
(3) Tin Mừng ban ơn cứu độ: Điều chính yếu và trên hết của Tin Mừng là về Đấng Cứu Độ của con người là Đức Kitô. Chính Người đã tiêu diệt thần chết qua Cuộc Thương Khó và Phục Sinh, để mang lại sự sống đời đời cho con người. Nếu con người muốn được cứu độ, họ phải tin vào Ngài.
(4) Thiên Chúa dùng Tin Mừng để loan báo ơn cứu độ cho mọi người. Để có thể loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người qua mọi thời đại, Đức Kitô đã có kế hoạch: Ngài muốn Tin Mừng được viết xuống và Ngài sai các môn đệ, những người Ngài đã tuyển chọn để đi rao giảng Tin Mừng.
2.2/ Timothy phải hy sinh mọi sự cho việc rao giảng Tin Mừng: Để được hưởng và để mang lợi ích của Tin Mừng đến mọi người, các nhà rao giảng Tin Mừng cần biết trước những thách đố và đau khổ họ phải chịu.
(1) Rao giảng Tin Mừng sẽ bị người đời ghen ghét: Tin Mừng của Đức Kitô loan báo những điều ngược lại với tiêu chuẩn của người thế gian. Chính Đức Kitô đã cảnh giác các môn đệ: Các con sẽ bị thế gian ghen ghét vì các con không thuộc về nó… Thế gian yêu mến những người giống như nó… Thế gian sẽ yêu mến các con, nếu các con thuộc về nó… Chúng đã ghét Thầy và chúng sẽ ghét các con…
(2) Rao giảng Tin Mừng sẽ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, và có thể bị giết chết. Phaolô viết Thư này cho Timothy khi ông đang bị giam trong ngục tù tại Roma. Những người trong Thượng Hội Đồng của Do-thái truy tố Phaolô, vì ông tiếp tục rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô để làm cho mọi người tin vào Ngài. Điều này cũng đã được Đức Kitô loan báo trước cho các môn đệ: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy họ cũng sẽ bắt bớ các con.”
(3) Sức mạnh của Thiên Chúa sẽ giúp cho người rao giảng Tin Mừng chiến thắng mọi trở ngại. Tuy phải đương đầu với thử thách và đau khổ, Phaolô vẫn khuyên Timothy: “Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.”
3/ Phúc Âm: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”
3.1/ Tại sao Chúa Giêsu mặc khải vinh quang của Ngài chỉ cho ba môn đệ? Để hiểu mục đích, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của các câu này trong nội dung và bối cảnh lịch sử của nó.
+ Sáu ngày sau: là sáu ngày sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thần tính của Đức Kitô tại Carsarea Philippi, và sự kiện ông ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Jerusalem để phải đi ngang qua cuộc khổ nạn.
+ Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu đã gần kề. Hai điều quan trọng Chúa Giêsu muốn các môn đệ nắm vững: (1) Các ông phải biết rõ Ngài là ai. Điều này đã được giải quyết phần nào khi Phêrô đại diện cho các môn đệ tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (2) Cách thức Ngài giải phóng nhân loại là qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh. Điều này các tông-đồ chưa nắm vững, đó là lý do Phêrô kéo Chúa Giêsu ra một nơi và ngăn cản Ngài. Như hầu hết người Do-thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên Thập Giá. Vì thế, Chúa Giêsu muốn đưa ba tông-đồ lên núi để các ông xác tín mối liên hệ của Ngài với Thiên Chúa, con đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, và cho các tông-đồ nhìn thấy vinh quang trước khi phải đương đầu với cuộc khổ nạn của Ngài.
+ Sự hiện diện của Moses và Elijah: Moses tượng trưng cho các Sách Lề Luật vì Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua Moses. Ông được coi là nền tảng của Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn vẹn, hoàn hảo. Elijah tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ. Tiên-tri Elijah được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên-tri về Đấng Thiên Sai.
+ Họ đàm luận với nhau về điều gì? Căn cứ vào những lời thắc mắc của các tông-đồ bên dưới, chúng ta có thể xác tín, chủ đề của cuộc đàm đạo là: biến cố Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật của Lucas nói rõ chủ đề của cuộc đàm đạo là biến cố từ biệt sắp xảy ra tại Jerusalem (Lk 9:30-31). Như thế, cả hai: Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.
3.2/ Lời truyền của Thiên Chúa Cha: Đây là lần thứ hai Chúa Cha làm chứng cho Đức Kitô là Người Con Một yêu dấu của Ngài; lần đầu xảy ra khi Chúa Giêsu được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Jordan. “Hãy vâng nghe lời Người” là một lời truyền tối quan trọng cho các môn đệ của Đức Kitô. Đối với các tông-đồ, Thiên Chúa muốn các ông phải vâng nghe những gì Đức Kitô đang mặc khải cho các ông, dù những điều này không phải những gì các ông muốn về Đấng Thiên Sai; nhưng lại là kế hoạch của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Kết quả vinh quang không phải tự nhiên mà có; nhưng là hậu quả của việc làm theo những gì Thiên Chúa dạy bảo.
– Thi hành thánh ý Thiên Chúa đòi con người phải từ bỏ ý riêng mình và sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách và đau khổ. Ngài sẽ ban cho chúng ta khôn ngoan và sức mạnh để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


08/03/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – A
Mt 17,1-9


VINH QUANG NỐI KẾT THẬP GIÁ
Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt  trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (Mt 17,2)

Suy niệm: Trên núi cao, ta cảm thấy tâm hồn thư thái, an bình, thanh thoát như chạm đến cõi thần linh. Trong Thánh Kinh, “núi cao” thường được dùng để diễn tả chốn Thiên Chúa ngự trị. Không lạ gì chính trên nơi núi cao, các môn đệ đã ngất ngây khi được thị kiến ánh vinh quang rực rỡ của Thầy mình: Người biến đổi dung nhan chói lọi như mặt trời, y phục lộng lẫy tinh tuyền như ánh sáng. Có thể nói hiển dung là hiển hiện sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Giê-su với Chúa Cha. Trong sự kết hợp ấy, Người bộc lộ căn tính đích thực của mình: là “Con Một Chúa Cha, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Chính trong tư cách ấy, Người vâng phục ý muốn Chúa Cha, tự nguyện đón nhận cái chết thập giá để cứu độ nhân loại. Nhờ đó vinh quang của ngày hiển dung xuyên qua con đường khổ nhục của thập giá và thành toàn trong vinh quang ngày Phục sinh.
Mời Bạn: Việc Chúa hiển dung hôm nay báo trước “Đức Ki-tô sẽ phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Người” (x. Lc 24,26) và cũng nhắc cho chúng ta mạnh dạn đón lấy thập giá hôm nay để bước vào vinh quang mai ngày với Ngài. Bạn sẵn sàng “vác thập giá mình hằng ngày” (Lc 9,23) mà đi theo Chúa chứ?
Sống Lời Chúa: Bạn đón nhận khó khăn, thách đố thường nhật như thánh giá giúp bạn nên thánh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã vâng phục Chúa Cha, tự nguyện chịu chết cho chúng con. Xin ban ơn giúp sức để chúng con vui lòng vác thập giá mình hằng ngày theo Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)

Người biến đổi hình dạng (08.3.2020 – Chúa Nhật 2 MC, Năm A)
Suy nim:
Trong các hình ảnh người ta vẽ Ðức Giêsu,

ta thường thấy Ngài có vòng hào quang trên đầu.
Thật ra Con Thiên Chúa đã nên giống chúng ta.
Ngài mang khuôn mặt bình thường như ta.
Chính nơi khuôn mặt này mà ta thấy Thiên Chúa.
“Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14,9).
Khuôn mặt con người có thể phản ánh khuôn mặt Thiên Chúa.
Nơi khuôn mặt Ðức Giêsu, khuôn mặt như mọi người,
ta có thể gặp thấy Thiên Chúa vô hình,
Ðấng ngàn trùng thánh thiện và vô cùng siêu việt.
Ba môn đệ đã quá quen với khuôn mặt Thầy Giêsu,
khuôn mặt dãi dầu mưa nắng vì sứ vụ,
khuôn mặt chan chứa mọi thứ tình cảm của con người.
Chính vì thế họ ngây ngất hạnh phúc
khi thấy khuôn mặt ấy rực sáng vinh quang.
Họ muốn dựng lều để ở lại tận hưởng.
Tiếng từ đám mây phán ra
như một lời giới thiệu và nhắn nhủ:
“Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người,
các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”
Thầy Giêsu vừa là Con, vừa là Người Tôi Trung (Is 42,1),
vừa là vị ngôn sứ đã từng được Môsê loan báo (Ðnl 18,15).
Phêrô không quên được kỷ niệm độc đáo này.
Ông viết: “Chúng tôi đã được thấy tận mắt
vẻ uy phong lẫm liệt của Người...
Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra
khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18).
Ðức Giêsu được biến hình sau khi chấp nhận cuộc khổ nạn,
sau khi thắng được cơn cám dỗ của Phêrô (Mt 16,23),
và kiên quyết đi trên con đường Cha muốn.
Biến hình là một bừng sáng ngắn ngủi, bất ngờ,
báo trước vinh quang phục sinh sắp đến.
Thân xác Ðức Giêsu sẽ được vào vinh quang viên mãn
khi thân xác ấy chịu lăng nhục và đóng đinh
vì yêu Cha và yêu con người đến tột cùng.
Chúng ta cũng được biến hình, được bừng sáng,
nếu chúng ta dám yêu, dám từ bỏ cái tôi ích kỷ,
để cái tôi đích thực được lộ ra, trong ngần.
Chúng ta cần có lần lên núi cao, thanh vắng,
để nhìn thấy khuôn mặt ngời sáng của Ðức Giêsu,
nhờ đó chúng ta dễ đón nhận
khuôn mặt bình thường của Ngài khi xuống núi,
và khuôn mặt khổ đau của Ngài trên thập tự.
Thế giới hôm nay không thấy Chúa biến hình sáng láng,
nhưng họ có thể cảm nghiệm được phần nào
khi thấy các Kitô hữu có khuôn mặt vui tươi,
chan chứa niềm tin, tình thương và hy vọng.
Sám hối là đổi tâm hồn, đổi khuôn mặt
để chính tôi và cả Hội Thánh mang một khuôn mặt mới.

Cầu nguy
n:

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
8 THÁNG BA
Chúng Ta Được Năng Lực Biến Đổi Của Thiên Chúa Chạm Đến
Chúng ta đọc thấy trong Thông Điệp Dives in misericordia: “Dụ ngôn Người Con Đi Hoang diễn tả một cách đơn giản nhưng rất thâm sâu về thực tại hoán cải. Dụ ngôn này là mô tả cụ thể nhất của tình yêu và lòng thương xót.” Qua dụ ngôn, chúng ta thấy được cách mà tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa phục hồi và thăng tiến những gì tốt đẹp. Tình yêu và lòng thương xót này thậm chí có thể rút ra được điều tốt từ bất cứ hình thức sự dữ nào trong thế giới chúng ta.
Tình yêu và lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa chính là nền tảng sứ điệp cứu độ của Đức Kitô. Xuất phát từ tình yêu và lòng thương xót ấy, Thiên Chúa đã giao hòa thế gian với chính Ngài trong Đức Kitô. Chúng ta nhận ra rằng Đức Giêsu cũng dạy các môn đệ Người phải biết yêu thương và nhân hậu. Sứ điệp ấy không bao giờ ngừng thôi thúc con tim và hành động của các môn đệ Đức Kitô. Nơi họ, tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với nhau không bao giờ bị chao đảo bởi sự dữ ; trái lại, tình yêu ấy vượt thắng mọi sự dữ (Rm 12,21).
Như vậy, dụ ngôn Người Con Đi Hoang cho chúng ta thấy cách mà tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi đời sống của tội nhân, cách mà con người cũ bị đẩy lùi và vượt qua. Ngay cả những tội lỗi đã bén rễ và những thói xấu trầm kha cũng bị nhổ rễ bởi ơn hoán cải. Đức Kitô đã đem lại sự sống mới này cho con người “bằng Máu Người đổ ra trên Thập Giá” (Cl 1,20). Trong Đức Kitô, tội nhân trở thành “một tạo vật mới”. Trong Đức Kitô, tội nhân được hòa giải với Thiên Chúa là Cha.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 08/3
Chúa Nhật II Mùa Chay
St 12, 1-4; 2Tm 1, 8-10; Mt 17, 1-9.

Lời Suy Niệm: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”
          Sự Hiển Dung của Chúa Giêsu trên núi cao, là thể hiện sự đáp trả sự vâng phục của Người đối với Chúa Cha. Đồng thời cũng là một ơn sức mạnh Chúa Cha ban tặng thêm niềm tin cho ba Tông Đồ: Phêrô, Gioan và Giacôbê; sau khi đã nghe những tiên báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Thầy mình.
          Lạy Chúa Giêsu. trong cuộc sống của chúng con luôn phải đối đầu với những gì là trái ngược với Tin Mừng. Xin Chúa ban thêm sức mạnh đức tin cho chúng con.
Mạnh Phương






Gương Thánh Nhân
Ngày 08-03: THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA
Tu sĩ (1495 – 1550)

Gioan sinh ngày 8 tháng 3 năm 1495 tại Bồ Đào nha. Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng đạo đức và đầy lòng bác ái. Lúc 9 tuổi Ngài bỏ nhà trốn đi, theo một nhà mạo hiểm đã khéo kích thích trí tưởng tượng của tuổi thơ. Mẹ Ngài đã qua đời sau ba tuần đau khổ vì không biết số phận của con trẻ ra sao. Còn cậu bé bi bỏ rơi, thiếu thốn mọi sự nên đành ở đợ nuôi thân.
Ngài giúp việc cho một nhà tiểu nông, hàng ngày lo đi chăn chiên, cho đến khoảng 20 tuổi. Chán với cuộc sống đều đều, Ngài đăng lính đi chiến đấu ở Phontarabia. Thật bất hạnh khi kiếp sống suy đồi của các bạn đồng ngũ đã lôi kéo Ngài tới chỗ mất cả lòng kính sợ Chúa. Nhưng Chúa đã không bỏ rơi kẻ Ngài đã chọn. Ngày kia, khi đem thức ăn cho súc vật. Gioan bị té ngựa và bị trọng thương không còn cử động và nói năng gì được nữa. Nhận biết được mối nguy đang đe dọa thân xác tâm hồn, thánh nhân khấn cầu Đức Trinh Nữ và hứa sẽ sửa mình. Nhưng khi vừa hết bịnh, Ngài lại trở về đường cũ.
Chúa quan phòng vẫn tiếp tục thể hiện tình thương bằng một hình phạt khác. Vị chỉ huy trao cho Gioan canh giữ chiến lợi phẩm. Nhưng vì bất cẩn sao đó mà chiến lợi phẩm biến mất. Gioan bị án xử giảo, bất kể mọi phân bua kêu khóc. Đến giờ hành hình, may có một cấp chỉ hy cao hơn can thiệp Ngài mới được tha với điều kiện là bị giáng cấp. Bất mãn, Gioan trở về chủ cũ và được tiếp đón niềm nở. Gia chủ còn đề nghị gả con cho Ngài nữa, nhưng Ngài đã từ chối và chỉ sống như một kẻ chăn chiên vô tội.
Mười năm sau Gioan lại đăng lính làm pháo thủ trong cuộc viễn chinh đánh phá Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến tranh kết thúc, binh đội Tây Ban nha được giải ngũ. Gioan muốn trở về quê nhà. Nhưng người cậu cho biết mẹ Ngài đã qua đời ba tuần sau ngày Ngài bỏ nhà ra đi, cha Ngài cũng mới qua đời tại một tu viện thánh Phanxicô, những lời trách móc xâu xé tấm lòng của đứa còn hoang đàng… Gioan quyết sửa những ngông cuồng của tuổi trẻ và muốn hiến thân phục vụ người nghèo khổ yếu đau.
Gioan quyết định đi Phi Châu để giúp đỡ các Kitô hữu bị bắt làm nô lệ, với hy vọng được chết vì đạo. Tới Gibraltar, Ngài gặp một nhà quí tộc bị thất sủng và phải đi đày. Cùng ông đáp tàu tới Ceuta, Ngài đã phải làm việc để kiếm tiền nuôi ông chủ chẳng may ngã bệnh và lâm cảnh cùng quẫn. Đồng thời Ngài đã vào các nhà tù, an ủi các tù nhân và săn sóc họ. Vị lãnh Chúa qua đời. Gioan nhận lệnh của một tu sĩ Phanxicô truyền phải trở lại Tây Ban Nha là nơi Thiên Chúa đã cho Ngài biết các ý định của Ngài.
Gioan trở lại Gibraltar. Ngài xin trời cao soi sáng và để nuôi thân Ngài đi bán rong giày dép và tranh ảnh, nhưng vẫn luôn lo cải hóa các tâm hồn.
Một ngày kia Ngài gặp trên đường một đứa trẻ cùng khổ đáng thương với cặp giò trần trụi bị nứt nẻ vì sỏi đá. Ngài vác nó trên vai, dừng lại nghỉ, đám trẻ chỉ cho vị ân nhân một trái lựu (Grenade) có mọc cây thánh giá và nói: – Hỡi Gioan Thiên Chúa, trái lựu (Grenade) sẽ là thánh giá của ông.
Rồi đứa trẻ biến mất. Gioan hiểu chính Chúa Giêsu là đứa trẻ Ngài đã giúp đỡ. Bây giờ Gioan đi Grenada để sống đời bác ái và thống hối. Thánh giá đầu tiên của Ngài là đã bị coi như một kẻ điên, phải chịu mọi thứ sỉ nhục và bị đối xử tàn tệ, Ngài hành hương viếng Đức Bà Guadalupê, vừa bán củi khô để sinh sống. Cuối cuộc hành hương Ngài thấy Đức Trinh Nữ cúi xuống và đặt hài nhi vào tay Ngài với y phục để bao bọc cho Ngài.
Như vậy ơn gọi của Ngài là giúp đỡ những người nghèo khổ của Chúa Giêsu Kitô. Khi qua Oropezo, Gioan đã chữa lành một phụ nữ nghèo. Trở lại Grenada với số tiền kiếm được và với những của trợ cấp, Ngài thuê một căn nhà để thu họp những người khốn khổ, cho các người yếu đau bệnh tật trú ngụ. Ban chiều, Ngài vác giỏ đi ăn xin. Với hai cái xoong trên vai Ngài la lớn :- Ai muốn hành thiện, xin tiếp tay với tôi đây ?
Ngài trở về nhà mang đầy những thực phẩm. Niềm vui cũng thật lớn lao khi Ngài dẫn về nhà vài trú nhân mới, một đứa trẻ bi bỏ rơi. Ưu tư của Ngài không ngừng lại nơi các thân thể bệnh tật. Ở đâu nghĩ là có linh hồn hư mất, Ngài liền đến cải hóa. Ngài chỉ nghĩ tới việc cứu vớt họ.
Lần nọ Ngài mang về một người hấp hối mình đầy thương tích. Khi lau rửa và cúi xuống hôn chân bệnh nhân, Ngài thấy những lỗ đinh chói sáng. Và Chúa, vì chính Ngài, nói: – Gioan đầy tớ trung tín của cha, mọi việc thiện con làm cho những người nghèo khổ, là con làm cho chính Cha. Cha đếm từng bước chân con đi và cha sẽ ân thưởng cho con.
Bệnh viện tràn ngập ánh sáng khiến cho người ta ngỡ là một đám cháy.
Ngày kia có một đám cháy thật, ở bệnh viện Hoàng gia tại Grenada, Gioan lao vào ngọn lửa mang các bệnh nhân ra ngoài, rồi trở lại kéo các bệnh nhân khác. Thật là một phép lạ, khi ra khỏi lò lửa một Ngài vẫn sống.
Trong một trận lụt, Ngài cũng thực hiện những chuyện lạ lùng như vậy.
Giám mục truyền gọi Gioan Thiên Chúa đến, mặc cho Ngài y phục và từ đó Ngài và các môn sinh vẫn mặc. Khi đó Gioan Thiên Chúa đã thiết lập một hội dòng để giúp đỡ những người yếu đau bệnh tật. Dòng sẽ lan rộng trên khắp thế giới, Ngài xây thêm một nhà thương mới. Để trả nợ, Ngài phải đi quyên tiền ở Valladelid. Nhưng có quá nhiều người nghèo vây quanh đến nỗi không đã phân phát hết số tiền quyên được. Người bạn chỉ trích, Ngài đáp lại: – Này anh, người ta tặng ban cho ở đây hay ở Grenada, cũng luôn là vì Chúa, bởi vì Thiên Chúa ở khắp nơi và trong mọi người nghèo.
Gioan tận tụy với mọi người đau khổ không phân biệt. Ngài ngã bệnh khi tổng giám mục Grenada kêu tới. Ngài đi ngay và là để nghe trách cứ vì đã nhận cả những người cứng lòng. Thánh nhân trả lời: – “Nếu con chỉ nhận những người công chính, bệnh xá của chúng con sẽ trống vắng ngay, và làm sao có thể lo lắng cho các tội nhân. Hơn nữa con nhận biết mình chưa làm tròn hết bổn phận, cũng như con hổ thẹn mà thú thực rằng trong nhà thương, Gioan Thiên Chúa là tội nhân duy nhất đã ăn của bố thí một cách vô ích”.
Nghe những lời này, vị giám mục cảm động đến rơi lệ và ca tụng Gioan. Ít lâu sau, Ngài ban các bí tích cuối cùng cho thánh nhân. Sắp chết Gioan còn thực hiện một điều lạ lùng, Ngài được biết một người thợ dệt sắp thắt cổ vì quá cực khổ, Ngài liền vội vã ra đi, tới thẳng người xấu số sắp kết liễu cuộc đời và cứu ông ra khỏi cơn tuyệt vọng .
Vào giờ phút cuối cùng, thánh nhân thú nhận ba thứ lo lắng làm se thắt lòng Ngài, là bất xứng với ơn phúc đã lãnh nhận, ưu tư cho những người nghèo mắc cỡ mà Ngài đã bỏ qua không trợ giúp được và những món nợ Ngài đã mắc phải vì các người xấu số.
Các y tá đã nhận Gioan Thiên Chúa làm thánh bảo trợ.
(daminhvn.net)


08 Tháng Ba
Phục Sinh
Một linh mục Brazil thuật lại một kinh nghiệm Phục Sinh của mình như sau: “Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Rio de Janeiro, tôi đều thấy một người đàn ông còn trẻ ngồi dựa lưng vào tường, chìa tay xin ăn. Ông ta không đi được vì đôi chân bị tật. Vì qua lại khá thường, nên sự hiện diện và số phận của người ăn xin què quặt không làm tôi bận tâm suy nghĩ: thế nào là không đi được”.
Nhưng một ngày kia, số phận của ông ta bỗng đánh động tâm hồn tôi mãnh liệt. Nhất là khi dừng lại đằng xa quan sát tôi thấy có bao nhiêu người đi ngang qua mà hình như không trông thấy ông. Tôi quyết định đến nói chuyện và hỏi ông: “Ông có thể đứng dậy được không? Ông có muốn đi không?”. Ông ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét và khi đọc được sự thành thật trên khuôn mặt của tôi, ông ta nói: “Tôi luôn luôn hy vọng là một ngày nào đó cuộc đời tôi sẽ đổi mới. Dĩ nhiên tôi sẽ đi được nhưng chi phí mua sắm những dụng cụ quá đắt làm sao tôi với tới. Vì thế không còn cách nào hơn là đành quên giấc mơ có thể đi được”.
Nghe xong tâm sự của ông, tôi xiết chặt tay ông giã từ và hứa: “Một ngày gần đây, giấc mơ của ông sẽ thành sự thật”.
Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật sau đó, tôi thuật về số phận của ông ăn mày và đề nghị công đoàn hãy làm một cái gì để giúp ông ta. Một cuộc lạc quyên được tổ chức và tôi vui mừng khi thấy số tiền quyên góp được vượt quá chi phí của cặp nạn và đôi chân nhân tạo. Người hành khất càng hân hoan hơn khi tôi báo tin mừng: ông được chuyên chở ngay đến một bệnh viện đặc biệt và trong những tuần lễ kế tiếp, ông cố gắng tập đi đứng một mình.
Lễ Phục Sinh đến. Tôi đi mời ông dự lễ và dành cho ông một chỗ đặc biệt gần bàn thờ. Trong bài giảng hôm ấy, tôi lại đề cập về ông đại ý như sau: “Chúa Giêsu đã Phục Sinh để sống một cuộc sống mới. Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta thông phần vào khả năng trao tặng nhau những cuộc sống mới. Nhờ lòng hảo tâm của anh chị em, ông bạn của chúng ta đã được ban cho một cuộc sống mới”. Nói đến đây, tôi mời ông đứng dậy để giới thiệu ông với cộng đoàn mà kể từ nay ông đã trở nên một phần tử. Ông đứng dậy và chống nạng đi trước mặt mọi người. Tôi cảm thấy bầu khí nhà thờ lúc ấy tràn đầy sức sống”.
Tin mừng thuật lại như sau: sau mẻ lưới đầy cá, Chúa Giêsu mời các môn đệ cùng điểm tâm với Ngài và Ngài đã cầm lấy bánh và cá trao cho các ông ăn. Phần các môn đệ, tuy không giám hỏi, nhưng họ biết rõ đó là Ngài. Ðây là phương thế Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện giữa những kẻ tin vào Ngài trải qua mọi thời đại: tự nhiên như trong một bữa ăn thân mật, nhưng muốn cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài, chúng ta phải noi gương Ngài chia sẻ cho nhau tất cả những gì mình có.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét