Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

08-03-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT II MÙA CHAY năm A


08/03/2020
 Chúa Nhật 2 Mùa Chay năm A
(phần II)

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Mùa Chay A
(St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9)
Chủ đề: ĐỨC GIÊSU MẠC KHẢI VINH QUANG PHỤC SINH
Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông.
Dung nhan Người chói lọi như mặt trời
và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng

(Mt 17,2)

I. CÁC BÀI ĐỌC
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến ơn gọi và hành trình đức tin của ông Abraham, của các tín hữu, và nhất là của Đức Giêsu. Để thi hành sứ mạng cứu độ và để đạt tới vinh quang Phục Sinh, Đức Giêsu phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa bằng cách trải qua cuộc khổ nạn và chịu chết. Các môn đệ không chấp nhận điều đó. Vì thế, để củng cố đức tin của các ông, Đức Giêsu đã biến đổi hình dạng để tỏ lộ vinh quang. Đức Giêsu chiến thắng sự chết và tội lỗi bằng chính hiến tế của mình trên thập giá để đạt tới vinh quang và ban vinh quang cứu độ cho chúng ta. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì nhờ kế hoạch của Người và tình yêu hiến tế của Đức Giêsu mà chúng ta được nhận lãnh ơn cứu độ.
1. Bài đọc I: St 12,1-4a
Bài đọc I trích Sách Sáng Thế hôm nay kể lại sự vâng phục của ông Abram (sau này được đổi tên thành Abraham: St 17,5) trước tiếng gọi của Thiên Chúa: “Đức Chúa phán với ông Abram: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Dù ông không biết nơi ông sẽ đến, nhưng ông đáp lại lệnh truyền của Thiên Chúa một cách mau mắn, vì ông đặt niềm tin vào Người cách tuyệt đối: “Abram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông”.
Ông Abram đã tiến bước trong tin tưởng và vâng phục. Nhờ sự vâng phục của Abram, Thiên Chúa đã thể hiện quyền năng và lời hứa của Người. Để theo tiếng Chúa gọi, ông bỏ quá khứ, nhưng sau này, ông sẵn sàng từ bỏ cả tương lai khi chấp nhận hiến tế người con duy nhất làm của lễ dâng lên Thiên Chúa (x. St 22). Hành trình của ông là hành trình đức tin, và nhờ tin mà ông được kể là người công chính (St 15,6). Đó cũng là hành trình đức tin mẫu mực cho Dân Thiên Chúa.
Nhờ ông Abraham, Dân Dothái được thừa hưởng đất mà Thiên Chúa hứa ban và nhiều dân tộc trên trái đất được chúc lành. Chúng ta cũng là những con cháu của Abraham, không phải do dòng máu, nhưng do đức tin, nên trở thành những người thừa hưởng lời chúc lành của Thiên Chúa. Vào thời Tân Ước, sự chúc lành ấy được thể hiện cách trọn vẹn và cụ thể qua Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Đấng mang ơn cứu độ và đem chúng ta tới “Nước Trời” là Đất Hứa, nơi Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta thừa hưởng tất cả những ơn lộc này nhờ sự vâng phục của Đức Giêsu trước thánh ý của Thiên Chúa Cha.
2. Bài đọc II: 2Tm 1,8b-10
Thánh Phaolô nói về ơn cứu độ của Thiên Chúa là do ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, chứ không do công trạng của con người: “Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng do kế hoạch và ân sủng của Người”. Ân sủng này Thiên Chúa ban cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Người đã chấp nhận mang lấy thân phận con người, tự hiến trên thập giá để trở nên nguồn ơn cứu độ cho muôn người: “Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã xuất hiện. Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết và dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử”. Quả thật, Đức Giêsu Kitô là Đấng hiện thực lời hứa cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Còn chúng ta được đón nhận ơn cứu độ là nhờ ân sủng của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, chứ không do công trạng của chúng ta. Để đáp lại ân sủng đó, chúng ta hãy cộng tác với nhau để loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa (2Tm 1,8b).
3. Tin Mừng (Mt 17,1-9)
Ngay sau khi tiên báo lần thứ nhất về cuộc thương khó cho các môn đệ (x. Mt 16,21), các môn đệ lo sợ và bối rối. Vì thế, để củng cố đức tin và ơn gọi cho các ông, Đức Giêsu biểu lộ cách công khai về vinh quang Phục Sinh của Người cho Phêrô, Gioan và Giacôbê trên một ngọn núi cao ở Galilê. Trong cuộc biến hình này, Thiên Chúa Cha mặc khải căn tính đích thực của Đức Giêsu: “Có tiếng từ đám mây phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Hình ảnh của Môsê và Êlia xuất hiện bên cạnh và đàm đạo với Đức Giêsu mang nhiều ý nghĩa. Hôm nay Đức Giêsu tỏ lộ căn tính của mình cho các môn đệ như Môsê được Thiên Chúa mặc khải cho biết căn tính của Người trên núi Sinai và ngôn sứ Êlia cũng được Thiên Chúa tỏ lộ căn tính của mình trên núi Khôrếp qua một cơn gió thoảng nhẹ (x. 1V 19,9-18). Thêm vào đó, hình ảnh Môsê và Êlia đứng bên cạnh Đức Giêsu muốn nói lên rằng Đức Giêsu là Đấng mà Lề Luật và các ngôn sứ nói đến. Từ đó, những ai đáng trông chờ Đấng Mêsia chắc hẳn sẽ nhận ra rằng Đức Giêsu là Đấng hoàn tất lời hứa cứu độ của Thiên Chúa trong Cựu Ước.
Trong cuộc hiển dung, khuôn mặt Đức Giêsu chói lọi như mặt trời, y phục Người trắng tinh như ánh sáng. Chính Chúa Cha là Ðấng vén mở vinh quang thần linh của Người Con, vinh quang này đang bị che khuất khi Người Con sống phận con người. Biến cố hiển dung chứng thực thần tính cũng như sứ vụ Mêsia của Đức Giêsu; đồng thời cho các môn đệ thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu sau khi chịu khổ nạn như Người đã tiên báo, mà trước đó các ông không thể chấp nhận. Cuộc hiển dung này củng cố đức tin của các ông trước thử thách sắp đến. Ðiều quan trọng mà Chúa Cha nhắn nhủ là “hãy vâng nghe lời Người”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cảm nếm vinh quang của Đức Giêsu trong biến cố hiển dung là điều quá dễ, nên các ông muốn “ở đây, thật là hay”, nhưng việc “vâng nghe lời Người” lại là điều rất khó, khiến các ông tránh né. Lời đó đòi buộc các ông phải từ bỏ tất cả, kể cả bản thân, vác thập giá mỗi ngày, đến mức hy sinh mạng sống. Họ chỉ có được chút hưng phấn chóng qua nhờ thấy cuộc hiển dung, nhưng lại không đủ trung tín để theo Thầy đến cùng trên con đường thập giá. Như thế, biến cố hiển dung không chỉ tỏ lộ Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia mà còn giúp các môn đệ nhận ra sứ vụ đích thực của Người, nhờ đó họ biết rõ con đường mình sẽ đi theo Thầy sẽ là con đường thập giá, nhưng sau thập giá sẽ là vinh quang phục sinh.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Đức Chúa phán với Abram: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi... Abram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông”. Abram đặt lòng tin vững vàng vào Thiên Chúa và ông cũng phải trải qua những thử thách để tinh luyện đức tin của mình, trước khi thừa hưởng những lời hứa của Thiên Chúa. Hành trình đức tin của ông là mẫu mực cho hành trình đức tin của tôi như thế nào ? Cuộc sống của tôi có bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa với niềm phó thác và tin yêu ?
2. “Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin MừngNgười đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng do kế hoạch và ân sủng của Người”. Con người hưởng cứu độ nhờ ân huệ của Thiên Chúa ban cho, chứ không do công trạng của riêng mình. Tôi có cảm nghiệm được ơn sủng cao cả này trong đời sống thiêng liêng của mình ? Tôi có khiêm nhường phó thác cuộc sống mình vào sự chở che của Thiên Chúa ? Tôi có cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng để đáp lại ân sủng cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ?
3. “Có tiếng từ đám mây phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Thiên Chúa mặc khải căn tính đích thực của Con của Người cho các môn đệ và truyền lệnh cho họ vâng nghe lời dạy của Đức Giêsu. Cảm nếm vinh quang của Đức Giêsu Con Thiên Chúa trong biến cố hiển dung là niềm vinh dự và vui sướng, nên các ông muốn “ở đây, thật là hay”, nhưng việc “vâng nghe lời Người” lại là điều rất khó. Tôi có nỗ lực vâng phục và thực hành những lời dạy của Đức Giêsu trong Tin mừng vào cuộc sống ?
4. Trong Sứ điệp Mùa Chay 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời trong Tông huấn “Christus vivit/ Đức Kitô sống” số 123: “Hãy chăm chú nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy cho phép mình được cứu, hết lần này đến lần khác, mãi mãi. Và khi các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi”. Tôi có sẵn sàng hoán cải bản thân, đổi mới đời sống để trở về, để cho phép mình được Thiên Chúa cứu ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Chúa Giêsu Kitô đã bày tỏ vinh quang của Người nhằm giúp các môn đệ và tất cả chúng ta thêm vững lòng tin tưởng mà bước theo Người trên con đường thập giá. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và sốt sắng dâng lời cầu nguyện:
1. Chúa nói với Abram: “Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ngươi mà được chúc phúc”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô tử nạn và phục sinh, hầu trở nên dấu chỉ tình thương và phúc lành của Thiên Chúa cho thế giới.
2. Đức Kitô đã dùng Tin Mừng làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trên thế giới đang trong cơn khủng hoảng vì dịch bệnh, biết tin tưởng chạy đến với Đức Giêsu Kitô là vị lương y đầy quyền năng và giàu lòng thương xót.
3. Ông Phêrô thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu biết tích cực sống mùa Chay thánh qua việc tham dự những cử hành phụng vụ của Hội Thánh, và đón nhận nhiều hiệu quả từ những cử hành ấy.
4. Tiếng Chúa Cha phán từ trời: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết say mê học hỏi Thánh Kinh và nỗ lực thực thi lời Chúa, để xứng đáng là con yêu dấu của Cha trên trời.
Chủ tếLạy Chúa là Cha toàn năng, Chúa mời gọi chúng con vâng nghe và bước theo Con yêu dấu của Chúa là Đức Giêsu Kitô, để được hưởng sự sống đời đời. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và gia tăng niềm tin yêu hy vọng nơi mỗi người chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 2 Mùa Chay Năm A
CHỦ ĐỀ :
HÀNH TRÌNH THEO CHÚA


“Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông” (Mt 17,2)
Sợi chỉ đỏ :
Sau khi đã chọn Chúa (tuần I Mùa Chay), con người bắt đầu hành trình đi theo Ngài :
– Bài đọc Cựu Ước : Hành trình của Abraham.
– Bài Tin Mừng : Hành trình theo Đức Giêsu là đi trên con đường thập giá, nhưng sau đó sẽ tới vinh quang.
– Bài đọc Tân Ước : Hành trình của người tông đồ mang Tin Mừng đến cho mọi người.
Minh họa
– Mille images 69 B
– “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông” (Mt 17,2)
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Lời Chúa hôm Chúa nhựt tuần trước kêu gọi chúng ta chọn lựa : đừng chọn ý riêng nhưng hãy chọn ý Chúa. Lời Chúa hôm nay mời chúng ta hành trình đi theo Chúa : như tổ phụ Abraham, như các tông đồ. Riêng bài Tin Mừng cho thấy nếu ta dám hành trình theo Chúa trên con đường thập giá thì sẽ được cùng Ngài đến vinh quang.
Chúng ta hãy cất bước theo Người.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúa vẫn luôn kêu gọi chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng vì quá bận rộn với những việc trần tục, chúng ta ít khi lắng nghe tiếng Chúa.
– Đi theo Chúa thì phải từ bỏ. Nhưng chúng ta ít quảng đại không dám từ bỏ như lời Tin Mừng mời gọi.
– Nhân chi sơ tính bản thiện. Nhưng do tội lỗi nên chúng ta đã làm cho hình ảnh tốt đẹp ban đầu của chúng ta bị biến đổi ngày càng xấu xa.
III. LỜI CHÚA
1.     Bài đọc Cựu Ước (St 12,1-4a)
Văn mạch xa : 11 chương đầu sách Sáng thế cho biết Thiên Chúa đã tạo dựng loài người, ban cho loài người một cuộc sống hạnh phúc (hình ảnh vườn Eden), nhưng loài người đã chọn lựa sai và phạm tội nên bị đuổi ra khỏi nơi hạnh phúc đó, và tội tiếp tục lan tràn, hậu quả của tội tiếp tục bành trướng, hầu như vô phương cứu chữa. Nhưng từ chương 12, một tia sáng hy vọng loé lên : Thiên Chúa nhớ đến loài người, Ngài chọn tổ phụ Abraham để thực hiện chương trình đưa loài người trở về hạnh phúc ban đầu.
– Tổ phụ Abraham đang sống ở Ur, một cuộc sống an cư lạc nghiệp cùng với bà con, với tài sản.
– Thiên Chúa hiện ra với ông và bảo ông bỏ hầu hết những thứ đó để ra đi.
– Cuộc hành trình này rất phiêu lưu vì Chúa chưa cho biết ông sẽ đi tới đâu. Ông chỉ cần phó thác đi theo sự chỉ dẫn từ từ của Chúa : “Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”.
– Tại sao Chúa bảo thế ? Vì con người vốn có khuynh hướng bám lấy sự an nhàn sẵn có (cụ thể là cuộc sống vật chất, cuộc sống hiện tại – đời này). Thực ra cuộc sống đó không phải là tốt nhất, mà là cuộc sống khổ sở của thân phận bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Do đó Thiên Chúa mới bảo Abraham ra đi. Nhìn bằng cặp mắt loài người, đó là một cuộc phiêu lưu bỏ mồi bắt bóng, nhưng thực ra đó là cuộc hành trình rời bỏ nơi khổ sở để trở lại vườn diệu quang.
2.                 Đáp ca: Tv 32
Đây là tâm tình hoàn toàn trông cậy phó thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa. Tâm tình này rất hợp cho những người đang dấn bước trong cuộc hành trình do Chúa dẫn dắt.
3.                 Bài Tin Mừng (Mt 17,1-19)
Văn mạch : Phía trước Bài Tin Mừng này (Mt 17,1-9) có câu nói của Đức Giêsu “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Đây cũng là một cuộc hành trình của người làm môn đệ Chúa. Một cuộc hành trình cũng gian khổ và đầy tính phiêu lưu như Abraham xưa. Nhưng bài Tin Mừng Chúa Nhựt này cho ta thoáng thấy một chút về cái tương lai của cuộc hành trình ấy : Đức Giêsu biến hình ra vinh quang. Nghĩa là sau khi qua gian khổ thì sẽ tới vinh quang. Và trong khi Ngài biến hình, có tiếng Chúa Cha từ trời phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người”. Ý Chúa Cha cho biết Ngài muốn các môn đệ Đức Giêsu cũng hãy dấn thân vào cuộc hành trình của Ngài, và như thế Ngài rất hài lòng, Ngài cũng sẽ cho họ được biến hình ra vinh quang.
4.                 Bài thánh thư: (2 Tm 1,8b-10)
Chẳng những mỗi người phải dám dấn thân vào một cuộc hành trình phiêu lưu theo Chúa, mà còn phải hành trình mang Tin Mừng đến cho người khác. Cuộc hành trình thứ hai này cũng gian khổ, nhưng cũng đáng thực hiện. Bởi thế Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu : “Anh em hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (câu 8b).
IV. GỢI Ý GIẢNG
1.     Hành trình và phiêu lưu
Muốn đi theo tiếng Chúa gọi, Abraham đã phải bỏ quê hương và những người thân
Muốn đi theo Chúa, các môn đệ phải “từ bỏ mình và vác thập giá hàng ngày”
Để đi loan báo Tin Mừng, các tông đồ phải chịu biết bao gian khổ.
Họ đã bỏ rất nhiều. Bù lại họ được gì ? Abraham nhận được lời Chúa hứa ban cho một dòng dõi đông đảo, các môn đệ được Đức Giêsu cho thoáng thấy vinh quang ở cuối cuộc hành trình, và người tông đồ được hứa “tên các con được ghi trong sổ trời”. Tin theo những lời hứa về một tương lai xa vời như thế đúng là phiêu lưu.
Thông thường, người khôn ngoan không nên phiêu lưu, thà giữ lấy cái hiện tại tuy bình thường nhưng chắc chắn, còn hơn bỏ nó để theo đuổi một tương lai chi mới có trong lời hứa. Nhưng đó là lối cư xử giữa loài người với nhau vì loài người thì rất khó tin. Nhưng đối với Thiên Chúa thì rất đáng phiêu lưu như vậy, vì đã có nhiều bằng chứng cho thấy lòng trung tín thực hiện lời hứa của Ngài. Hơn nữa, Ngài có kêu gọi chúng ta từ bỏ để phiêu lưu theo Ngài cũng chỉ vì Ngài muốn đưa chúng ta trở về hạnh phúc thuở ban đầu mà thôi. Thực ra phiêu lưu theo Chúa không phải là phiêu lưu, chỉ cần có đức tin vào lòng trung tín của Chúa là có bảo đảm.
Rất nhiều người đã dám phiêu lưu như vậy : Abraham (2 lần : bỏ quê hương, giết con một), Đức Maria (khi thưa vâng với Thiên thần), các môn đệ (lập tức bỏ thuyền, bỏ lưới và gia đình để theo Đức Giêsu)
Hình ảnh con rùa : nếu nó cứ rụt đầu rút chân vào vỏ thì xem ra an toàn đấy nhưng nó cứ mãi ở lì một chỗ, không bao giờ tiến đến đâu cả. Chỉ khi nào nó dám thò đầu thò chân ra để bước thì, tuy có thể gặp nguy hiểm đấy, có thể bị đau đấy, nhưng có thế nó mới tiến được.
2.                 Đức tin lên đường
Chuyện tổ phụ Abraham cho ta thấy được điều quan trọng này : đức tin là một cuộc lên đường.
– Tại sao ? Vì “đạo” là đường, con đường Thiên Chúa dẫn dắt để chúng ta từ tối tăm tới ánh sáng, từ cõi chết đến cõi sống. Trong Thánh Kinh, mỗi lần Chúa gọi ai thì Ngài đều bảo họ lên đường đi theo Ngài.
– Mà muốn lên đường thì phải từ bỏ, vì hành trang càng gọn nhẹ thì bước hành trình càng nhanh. Thiên Chúa đã bảo với Abraham : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi”.
– Hành trình đức tin luôn bao hàm ý nghĩa phiêu lưu : Abraham hành trình lên đường nhưng không biết mình sẽ đi tới đâu, ông chỉ biết mình đang đi theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa : “đến đất mà Ta sẽ chỉ cho ngươi”.
– Rất nhiều tín hữu chỉ lo gìn giữ những tín điều giáo lý và các lễ nghi. Đó chỉ là “giữ đạo” chứ không phải “sống đạo”.
3.                 Cuộc biến hình và cuộc hấp hối của Chúa
Linh mục Mark Link (trong quyển Sunday homilies, Year A) đã so sánh việc Đức Giêsu biến hình và việc Ngài hấp hối :
– Cả hai việc cùng diễn ra trên núi : biến hình trên núi Tabor, hấp hối trên núi Cây Dầu.
– Ở hai nơi, Đức Giêsu đều biến hình : trên núi Tabor Ngài biến từ hình dáng loài người thành hình dáng Thiên Chúa ; trên núi Cây Dầu, từ hình dáng Thiên Chúa vinh quang thành hình dáng con người yếu đuối. – Hai việc biến hình đều xảy ra lúc Đức Giêsu đang cầu nguyện.
– Và cả hai biến cố này đều xảy ra trước mắt 3 nhân chứng Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Dáng vẻ yếu đuối của Đức Giêsu là hình ảnh của Ađam cũ, còn dáng vẻ uy nghi sáng láng là hình ảnh của Ađam mới. Thân phận của chúng ta cũng thế : Có những lúc chúng ta sốt sắng ngất ngây, như Đức Giêsu trên núi Tabor. Khi ấy chúng ta cảm thấy mến Chúa yêu người quá ; chúng ta muốn ở mãi trong tình trạng ngây ngất đó ; Nhưng rồi lại có những lúc chúng ta suy sụp trầm trọng, như đang ở núi Cây Dầu. Khi ấy, phần Ađam cũ trong ta nổi dậy mãnh liệt. Chúng ta cảm thấy chán nản, không ai thương mình và mình cũng không muốn thương ai. Hình như Thiên Chúa cũng xa lánh mình.
Nhưng có một chi tiết quan trọng là Đức Giêsu đã luôn cầu nguyện trong cả hai biến cố đó. Chính sự cầu nguyện đã liên kết thống nhất 2 phương diện ngược hẳn nhau trong cùng một con người của Ngài.
Mark Link đã kết thúc bài suy gẫm của mình bằng lời kinh sau đây (dịch thoáng) :
Lạy Thiên Chúa, xin cho con được nếm những giây phút ngất ngây như Đức Giêsu trên núi Tabor. Trong những lúc đó xin cho con biết làm như Đức Giêsu xưa : con sẽ hướng về Chúa để cầu nguyện, và con sẽ được nghe lời Chúa nói “Con là con yêu dấu của Cha”.
Lạy Thiên Chúa, khi con gặp những lúc suy sụp, xin cũng cho con biết làm như Đức Giêsu xưa : con cũng hướng về Chúa để cầu nguyện. Và khi đó con cũng được bàn tay Chúa an ủi, nâng đỡ và xoa dịu con. Amen”
4.                 Mảnh suy tư
a/ Biến hình
Không phải chỉ có một lối biến hình, mà có hai : biến hình nên tốt hơn và biến hình thành xấu hơn, tuỳ vào tác nhân gây nên sự biến hình ấy.
Trong các môn đệ Đức Giêsu, Gioan là thí dụ của lối thứ nhất và Giuđa là thí dụ của lối thứ hai.
Những tác nhân ảnh hưởng giúp biến hình nên tốt là những gì ta yêu, những gì nâng tâm hồn ta lên cao, những gì làm ta thức tỉnh, những gì kêu gọi ta bước tới, những gì mở rộng cửa lòng ta ra…
b/ Hiếu động
Phêrô là một con người hiếu động, luôn cần làm một cái gì đó.
Trên núi biến hình, thay vì thinh lặng chiêm ngưỡng, ông lại muốn dựng 3 chiếc lều.
Không phải mọi thời trong cuộc sống đều phải dùng để làm một cái gì đó.
Có thời phải yên tĩnh
– để nghỉ ngơi
– để suy nghĩ
   – để lắng nghe
– để kinh ngạc
– để chiêm ngưỡng
– để tôn thờ
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Hôm nay Đấng Cứu độ chúng ta tỏ vinh quang Người cho ba môn đệ được thấy. Chúng ta hãy tôn vinh Người và tin tưởng cầu xin.
1- Trước khi chịu khổ hình Thập giá / Đức Kitô đã tỏ vinh quang cho các môn đệ được thấy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh trên đường lữ thứ trần gian / được nhìn thấy vinh quang trong Thánh giá / và tin thật Chúa đã chiến thắng khải hoàn.
2- Mỗi ngày qua màn ảnh truyền hình / qua báo chí / chúng ta chứng kiến biết bao đau khổ trong cuộc sống / đau khổ vì thiên tai / vì chiến tranh / vì sự độc ác của người khác / đau khổ do bệnh tật / do quá nghèo túng / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho những anh chị em đang gặp thử thách / một niềm tin yêu và hy vọng để vui sống.
3- Ước mơ tha thiết của con người ở mọi thời đại / là được sống hạnh phúc / mà thái độ của Thánh Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho tất cả mọi người / đều tìm được hạnh phúc trong đời sống riêng tư của mình.
CT : Lạy Chúa, Đức Giêsu Kitô Con Chúa đã chuẩn bị cho các tông đồ khỏi hoang mang trước mầu nhiệm thập giá, nhưng luôn vững tin vào sự tất thắng của Người. Xin cũng ban cho chúng con một niềm tin sắt đá, để chúng con có thể đứng vững trước mọi giông tố phũ phàng của cuộc đời. Chúng con cầu xin…
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta được Thiên Chúa nhận làm con. Vậy trong tâm tình hiếu thảo, chúng ta hãy dâng lên Ngài lời Kinh lạy Cha do chính Đức Giêsu đã dạy.
– Trước lúc Rước lễ : “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng làm biến đổi cuộc sống chúng ta khi xoá tội lỗi trần gian. Phúc cho ai được mời đến…”
VII. GIẢI TÁN
Anh chị em đã được biến hình nên giống Đức Giêsu. Anh chị em hãy ra về bình an và tỏa chiếu ánh sáng Đức Giêsu cho mọi người chung quanh.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Chay (A)
Chúa Nhật, 12 Tháng 3, 2017

Chúa Giêsu Hiển Dung
Mt 17:1-9


1.  Bài Đọc:

a)  Lời nguyện mở đầu:

Ôi lạy Thiên Chúa, Đấng ngự trị trong sự hiển dung vinh quang của Chúa Kitô, Chúa chúng con, Chúa đã khẳng định những mầu nhiệm đức tin bởi sự chứng tá của Lề Luật và của các ngôn sứ và Chúa đã tiên ứng một cách đáng ngưỡng mộ việc xác định chúng con được nhận làm con cái Chúa, nguyện xin cho chúng con biết lắng nghe Lời của Con Yêu Dấu của Chúa để chúng con có thể trở nên đồng thừa tự với đời sống trường sinh của Người.    

b)  Đọc Phúc Âm:

1 Sáu ngày sau, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao.  2 Người biến hình trước mặt các ông:  mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.  3 Và đây Môisen và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người.  4 Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng:  “Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, nếu Chúa ưng, chúng tôi xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia.”  5 Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây bao phủ các ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng:  “Đây là Con Ta Yêu Dấu; rất đẹp lòng Ta.  Các ngươi hãy nghe lời Người.”  6 Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi.  7 Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo:  “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ.”  8 Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.  9 Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng:  “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại.”



c)  Giây phút thinh lặng:

Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  Suy gẫm

a)  Điểm chính của bài đọc:
 
Phúc Âm theo thánh Mátthêu khẳng định về việc Nước Trời gần đến.  Đây là lý do tại sao Tin Mừng của Mátthêu là Tin Mừng của Giáo Hội, đó là Dân Riêng của Thiên Chúa được hướng dẫn bởi người Đứng Đầu và là Thầy, đó là Đức Giêsu Kitô.  Đoạn Phúc Âm kể lại sự việc Chúa Hiển Dung tạo nên một phần của bài Tin Mừng, trong đó Tác Giả Phúc Âm phát triển chủ đề sự khởi đầu của Nước Trời sắp đến trong một nhóm các môn đệ sẽ dần dần tạo thành Thân Thể của Giáo Hội.  Chúng ta tìm thấy việc Chúa Biến Hình trong tất cả các sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 9:2-8; Lc 9:28-36), và chúng ta cũng tìm thấy việc nhắc đến sự kiện này trong Thư Thứ Hai của thánh Phêrô (2Pr 1:16-18).  Tuy nhiên văn bản Tin Mừng của thánh Mátthêu (17:1-9) thì trình bày một cách đa dạng hơn.  Sự kiện Chúa Biến Hình được tìm thấy ngay sau lời loan báo đầu tiên về Cuộc Thương Khó và việc đề cập đến những điều kiện cần phải có để theo Chúa Kitô và cũng là sự kiện Con Người vinh hiển sẽ ngự đến trong vinh quang của Chúa Cha (Mt 16:21-28).  Trước khi được vinh hiển, Chúa Giêsu phải đi về Giêrusalem để mầu nhiệm Vượt Qua được ứng nghiệm, đó là:  cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh (Mt 16:21).  Những ai mong ước và muốn theo Chúa Giêsu phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Thầy (Mt 16:24).  Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể thông phần vào sự vinh quang của Người:  “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16:25).  Những ai không muốn chấp nhận Thập Giá trong cuộc đời của Chúa Kitô và do đó trong chương trình đi theo Người, thì bị Chúa Giêsu xem như là “Satan”, bởi vì họ không nghĩ  “theo tư tưởng của Thiên Chúa nhưng làm theo tư tưởng của loài người” (Mt 16:23).  Câu nói mà Chúa Giêsu nói với Phêrô:  “Satan, hãy lui lại đàng sau Thầy!”  (Mt 16:23) nhắc nhở chúng ta về một lời nói tương tự đã được dùng bởi Chúa Giêsu trong dụ ngôn ngày phán xét chung “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người”, (Mt 25:31-46):  “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25:41).  Lời nguyền rủa này được dùng nói cho những người không biết Chúa và vì thế họ không được dự phần trong Vương Quốc của Người.

Theo sau việc Chúa Hiển Dung (Mt 17:1-9) là câu hỏi về ngôn sứ Êlia sắp xuất hiện và việc Chúa chữa lành cho đứa trẻ bị kinh phong (Mt 17:10-21).  Sau những sự việc này, Chúa Giêsu loan báo về Cuộc Thương Khó lần thứ hai của Người (Mt 17:22) và liên quan đến câu hỏi về việc nộp thuế cho các nhu cầu của đền thờ, Chúa Giêsu khéo léo xử dụng những chữ liên quan đến sự thực của tình phụ tử (Mt 17:24-27).  Trong việc Chúa Hiển Dung, Đức Chúa Cha đã phán về Chúa Giêsu rằng “Đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.  Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17:5).  Chúng ta cũng là con cái, trong Người, của cùng một Chúa Cha (Mt 5:45; Mt 17:25-26).

Sau đó Chúa Giêsu tỏ ra chính Người là hướng dẫn viên cho chúng ta trên cuộc hành trình tiến về Nước Trời.  Trong biến cố Biến Hình, Chúa Giêsu được xem như là một ông Môisen mới, Đấng đã gặp gỡ với Thiên Chúa “trên núi cao” (Mt 17:1) trong “đám mây sáng” (Mt17:5), với khuôn mặt Người chiếu sáng (Mt 17:2).  Ông Môisen cũng đã đàm đạo với Thiên Chúa trên núi Sinai (Xh 24:15-18) với da mặt sáng chói (Xh 34:29-35).  Tiên tri Êlia cũng đã gặp gỡ Thiên Chúa trong đám mây trên núi Khô-rếp, núi của Thiên Chúa (1V 19:9-13).  Cũng như trong biến cố tại núi Sinai (Xh 19:20, 33-34), ở đây cũng trong việc Chúa Biến Hình có sự mặc khải về lề luật mới.  Lắng nghe lời Người, Con Yêu Dấu mà Chúa Cha rất hài lòng (Mt 17:5).  Lề luật mới này, được ban ra bởi Thiên Chúa tên núi Ta-bo qua ông Môisen mới, nhắc nhở chúng ta những gì các Tổ Phụ đã nói trong Sách Đệ Nhị Luật:  “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi; anh em sẽ nghe lời người ấy” (Đnl 18:15).  Trong đoạn Tin Mừng Chúa Biến Hình này, điều quan trọng hơn cả lề luật trong đó Chúa Giêsu là việc ứng nghiệm; đó là lý do tại sao sau thị kiến các vị Tông Đồ “đã thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu”  (Mt 17:7).  Sự mặc khải về phần Chúa Cha muốn nhấn mạnh đến là Người công bố về mối liên hệ thiên tính của Đức Giêsu Kitô.  Ngoài lời công bố này trong lúc Chúa Biến Hình, bản tính Con Thiên Chúa được công bố hai lần khác trong Tin Mừng của Mátthêu:  tại phần mở đầu và tại phần kết.  Sau phép Rửa của Chúa Giêsu trên sông Giođan, một tiếng nói từ trời phán rằng:  “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta rất hài lòng về Người” (Mt 3:17); và khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá, viên đội trưởng kêu lên bằng những lời của sự mặc khải và đức tin:  “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa!” (Mt 27:54).  Ngoài ra, trong lời công bố này, Chúa Cha mặc khải về Chúa Giêsu như người tôi trung của Chúa, đã được loan báo bởi ngôn sứ Isaia: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng” (Is 42:1).

Việc nhận ra được bản tính của Con Thiên Chúa, gợi lên trong lòng ba người chứng kiến về sự sợ hãi Thiên Chúa, ngã sấp xuống đất (Mt 17:6).  Tại phần đầu của sách Phúc Âm, trong sự ra đời của Chúa Giêsu, các vị Đạo Sĩ “vào nhà và thấy Hài Nhi Giêsu cùng với thân mẫu Người là bà Maria, liền quỳ xuống sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2:11).  Một phản ứng tương tự cũng được tìm thấy trong Tin Mừng của Gioan, sau khi lời tự mặc khải về Chúa, trong lúc Chúa Giêsu bị bắt tại vườn Giệtsêmani.  Chúa Giêsu nói với họ:  “Chính Ta đây!”  […]  Ngay sau khi Người nói:  “Chính Ta dây”, họ đã lùi lại và ngã xuống đất” (Ga 18:5-6).  Cũng trong Sách Khải Huyền, Gioan “trong phút xuất thần” (Kh 1:10) đã thấy “một Đấng giống như Con Thiên Chúa […] mặt Người tỏa sáng như mặt trời chói lọi” (Kh 1:12-16), và bởi vì tất cả những thị kiến này, Gioan đã ngã vật xuống đất như chết vậy (Kh 1:17).  Các tông đồ trong thư gửi cho các tín hữu ở Rôma Rm 14:11 và ở Phi-líp-phê Pl 2:10 sẽ cống bố trước mặt Chúa rằng: “khi nghe danh thánh Chúa Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Đức Giêsu Kitô là Chúa, trong vinh quang Đức Chúa Cha”.

Thị kiến này liên quan mật thiết đến mầu nhiệm Vượt Qua, có vẻ như một sự hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh trong tất cả vinh quang của Người, đó là lời tiên báo cho đời sống tương lai.  Vì lý do này, “trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông:  “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mt 17:9).

b)  Để chuẩn bị cho việc suy gẫm và thực hiện:

=  Đọc lại một lần nữa đoạn Tin Mừng này, và tìm trong Kinh Thánh tất cả các lời trích dẫn về ý chính của bài đọc.  Bạn hãy thử tìm các lời Kinh Thánh tương tự khác để có thể giúp bạn thấu hiểu sâu hơn Lời Chúa trong việc suy gẫm.

=  Một vài câu hỏi gợi ý:
i)  Có bao giờ bạn đã tự hỏi Chúa Kitô là Đấng như thế nào chưa?  Sự hình dung của bạn về căn tính của Chúa Giêsu có tương ứng với những gì đã được công bố trong việc Chúa Hiển Dung không?
ii)  Lời công bố về Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa có ý nghĩa gì trong đời sống của bạn?
iii)  Chúa Giêsu không thể nào được thấu hiểu nếu không có mầu nhiệm Phục Sinh của cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Sống Lại.  Mầu nhiệm này có ý nghĩa gì đối với bạn?  Bạn sống với ý nghĩa ấy hằng ngày như thế nào?
 
3.  Cầu Nguyện

a)  Thánh Vịnh 97:

Con tìm kiếm Nhan Thánh Chúa, Ôi lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Thánh Nhan Người.

CHÚA là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!
Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là công minh chính trực.

Con tìm kiếm Nhan Thánh Chúa, Ôi lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Thánh Nhan Người.

Núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
vị Chúa Tể hoàn cầu.
Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
Chính bởi vì Ngài, muôn lạy CHÚA,
là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu,
Ngài trổi vượt chư thần hết thảy.

Con tìm kiếm Nhan Thánh Chúa, Ôi lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Thánh Nhan Người.

b)  Lời Nguyện Kết:

Lạy Chúa Chí Ái, chúng ta hãy cùng vui mừng hoan hỷ,
Và chúng ta hãy tiến tới mà ngắm nhìn trong vẻ đẹp của Người
Lên núi và lên đồi
Đến nơi có dòng nước tinh khiết tuôn chảy,
Và tiến xa hơn, vào sâu trong ngàn.
(Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca, 36)  

4.  Chiêm Niệm

“Chúng ta hãy tiến tới mà ngắm nhìn trong vẻ đẹp của Người”
Điều này có nghĩa là:  Chúng ta hãy hành động để bằng vào hoạt động yêu thương này, chúng ta có thể đạt được hình ảnh của mình trong vẻ đẹp của Người trong cuộc sống đời đời.  Đó là:  Tôi sẽ biến đổi trong vẻ đẹp của Người đến nỗi mà chúng ta có thể giống nhau trong vẻ đẹp, và cả hai cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của Người, rồi bị vẻ đẹp của Người thu hút; điều này, theo một phong cách mà mỗi người nhìn thấy người kia có thể trông thấy vẻ đẹp của mình trong người kia, bởi vì cả hai đều là vẻ đẹp của Người, tôi đang bị thu hút bởi vẻ đẹp của Người; do đó, tôi sẽ thấy Người trong vẻ đẹp của Người, và Người sẽ thấy tôi trong vẻ đẹp của Người, và tôi sẽ thấy mình trong vẻ đẹp của Người, và Người sẽ thấy chính Người trong tôi trong vẻ đẹp của Người; tôi có thể trông giống Người trong vẻ đẹp của Người, và Người trông giống tôi trong vẻ đẹp của Người, và vẻ đẹp của tôi là vẻ đẹp của Người và vẻ đẹp của Người là vẻ đẹp của tôi; vì thế tôi sẽ là Người trong vẻ đẹp của Người, và Người sẽ là tôi trong vẻ đẹp của Người, bởi vì vẻ đẹp của Người sẽ là vẻ đẹp của tôi; và do đó chúng ta sẽ ngắm nhìn nhau trong vẻ đẹp của Người.  (Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca, 36/5)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét