Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

23-03-2020 : THỨ HAI - TUẦN IV MÙA CHAY


23/03/2020
 Thứ hai tuần 4 Mùa Chay



BÀI ĐỌC I: Is 65, 17-21
“Thiên hạ sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Đây Thiên Chúa phán: “Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giêrusalem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu, không còn người già chết sớm nữa, vì người chết trăm tuổi cũng còn gọi là chết trẻ, người không sống đến trăm tuổi, kể là bị chúc dữ. Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11e-12a và 13b
Đáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. – Đáp.
2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. – Đáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Lc 15, 18
Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha. 

PHÚC ÂM: Ga 4, 43-54
“Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.
Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Được tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.
Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Đó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Chữa con một quan chức
Một thiếu nữ có giọng hát thiên phú, cô luyện giọng với một giáo sư âm nhạc tài ba, cô đã hát được những giai điệu tuyệt hảo. Thế nhưng khi trình diễn, cô vẫn thấy giọng hát của cô chưa được truyền cảm. Vị giáo sư âm nhạc giải thích cho cô: “Tôi đã dạy cô tất cả những gì tôi biết, nhưng cô còn thiếu một điều mà tôi không thể cung cấp cho cô được, điều đó đến từ cuộc sống: chỉ có kinh nghiệm của cuộc sống, chỉ có những điều làm tan vỡ cõi lòng mới làm cô hát với tất cả cảm xúc”.
Bước vào tuần 4 mùa chay, Giáo Hội mỗi lúc một tha thiết mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để được xứng đáng chung phần vinh quang Phục Sinh của Ngài. Cuộc sống với những khổ đau mà chúng ta đang trải qua quả là một cuộc tử nạn dai dẳng. Là người kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống ấy. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu không có nghĩa là tự đày đọa mình vào cuộc sống khổ lụy. Đau khổ tự nó không phải là một giá trị để tìm kiếm. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là mặc lấy tinh thần tin yêu phó thác của Ngài. Thất vọng, buông xuôi, nổi loạn, trách móc là cơn cám dỗ chung của mọi người. Chúa Giêsu có lẽ cũng không thoát khỏi những giờ phút thử thách ấy. Thế nhưng ý hướng duy nhất của Ngài lúc đó là niềm tín thác và tha thứ. Chỉ có thái độ như thế mới đem lại giá trị cho đau khổ và biến cuộc tử nạn của Ngài thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.
Đó cũng chính là tâm tình mà Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy khi cho chúng ta nghe và suy niệm về lòng tin của viên bách quản Caphanaum. Dù chỉ là một người ngoại giáo, dù chưa một lần chứng kiến phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông đã tìm đến để xin Ngài chữa lành cho đứa con của ông, hay đúng hơn là để xoa dịu nỗi đau khổ của người cha phải chứng kiến con mình quằn quại trong đau khổ.
Đau khổ là lửa thử niềm tin con người, đau khổ có thể đưa con người đến thất vọng, chối bỏ, và lộng ngôn, nhưng đau khổ cũng có thể là khởi điểm của tin yêu phó thác. Nguyện xin Đấng là đường, là sự thật và là sự sống củng cố niềm tin chúng ta giữa những đau khổ đè nặng trên thân xác và tâm hồn chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần IV MC
Bài đọcIsa 65:17-21; Jn 4:43-54.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin vào Thiên Chúa có thể làm được mọi sự.
Có một sự khác biệt to lớn giữa người có và không có niềm tin: Người có niềm tin luôn lạc quan hy vọng, ngay cả trong những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, như khi phải sống trong đau khổ, bệnh tật, hay phải đối diện với thần chết. Người không có niềm tin sống mà không biết hướng về đâu. Họ không có nghị lực để đương đầu với đau khổ, bệnh tật, và đứng trước cái chết, họ không dễ dàng chấp nhận. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự khác biệt của những con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa.
Trong Bài Đọc I, tuy sống cực khổ trong nơi lưu đày, tiên-tri Isaiah tin tưởng Chúa sẽ xóa sạch mọi tang thương quá khứ, để sáng tạo một trời mới đất mới. Như Ngài đã xóa sạch tội lỗi nhân lọai trong trận Lụt Hồng Thủy, Ngài sẽ xóa sạch tội lỗi và cho dân hồi hương để tái thiết quốc gia và xây dựng lại Đền Thờ. Hơn nữa, tiên-tri Isaiah cũng nhìn thấy trước ngày Đấng Thiên Sai sẽ tới và gánh tội cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành người con trai của viên sĩ quan Dân Ngọai, không bằng việc đặt tay, nhưng bằng đức tin của người cha. Viên sĩ quan năn nỉ Chúa Giêsu về nhà chữa trị cho con ông, Chúa Giêsu bảo: “Ông về đi, và con ông sống!” Ông tin tưởng trở về; và đang khi còn trên đường, đầy tớ của ông chạy ra báo tin con ông đã khỏi bệnh vào đúng thời gian mà Chúa Giêsu hứa với ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới.
1.1/ Thiên Chúa sẽ sáng tạo mọi sự mới: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo.” Cụm từ “trời mới đất mới” được dùng nhiều trong các Sách Ngọai Thư và Tân Ước (x/c 2 Edr 6:16, 7:30, 2 Bar 32:16, I Enoch 91:16, 2 Cor 5:17, 2 Pet 3:10-13, Rev 21:1). Nghĩa của cụm từ thay đổi: Trong Thư Corintô, Thánh Phaolô muốn nói trong Chúa Kitô, con người trở thành một tạo vật mới, con người cũ cùng với tính hư nết xấu đã qua đi, con người mới cùng với các nhân đức xuất hiện nhờ ân sủng của Đức Kitô. Trong Thư Phêrô II và Sách Khải Huyền, “trời mới đất mới” chỉ những gì sẽ xảy ra sau Ngày Cánh Chung, nơi công lý của Thiên Chúa ngự trị. Theo tiên-tri Isaiah, “trời mới đất mới” chỉ cả hai: những gì mới được tái tạo sau Thời Lưu Đày và những gì mới do Đấng Thiên Sai mang lại.
Jerusalem sẽ trở nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng: Đền Thờ sẽ được tái thiết và dân Chúa sẽ lại có cơ hội thờ phượng Thiên Chúa. Jerusalem cũng là nơi Dân Ngọai sẽ qui tụ về để cùng hợp với dân Do-Thái làm thành dân của Thiên Chúa. Như một người Cha, Thiên Chúa sẽ hoan hỷ vì Jerusalem, khi nhìn thấy con cái Ngài được qui tụ thành một mối.
1.2/ Thiên Chúa sẽ xóa sạch tất cả đau thương của quá khứ: Dân chúng khóc than vì chết chóc trong thời chiến tranh và khổ cực trong Thời Lưu Đày; nhưng Thiên Chúa sẽ xóa sạch tất cả. Ngài hứa với dân 3 điều sau đây:
– Họ sẽ không còn phải chịu đau khổ của kiếp lưu đày;
– Họ sẽ không còn sợ chết vì chiến tranh;
– Họ sẽ được hưởng cuộc sống an tòan: “Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái.”
2/ Phúc Âm: “Ông cứ về đi, con ông sống.”
Khỏang cách từ Capernaum tới Cana khỏang 20 dặm, một khỏang cách dài cho người đi bộ. Đi và trở về ngay phải mất khỏang 20 tiếng. Có một trình thuật tương tự trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 8:5-13, Lk 7:1-10). Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa 2 trình thuật: Trong Tin Mừng Nhất Lãm, viên sĩ quan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Trong trình thuật của Gioan, Chúa bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Chúng ta có thể học được nhiều điều qua thái độ của viên sĩ quan này:
(1) Khiêm nhường: Viên sĩ quan, tiếng Hy-lạp dùng chữ “basilikos” có nghĩa là “ông vua nhỏ.” Có nhiều bức tường ngăn cách giữa Chúa Giêsu và viên sĩ quan này:
– Bức tường ngăn cách xã hội: Ông là người có địa vị cao trong hòang gia, khiêm nhường đi bộ đến cầu xin với Chúa Giêsu, một người không có địa vị trong xã hội.
– Bức tường ngăn cách giữa người Do-thái và Dân Ngọai: Người Do-thái không muốn có bất kỳ liên hệ gì với Dân Ngọai. Ông biết ông có thể bị mất mặt nếu Chúa Giêsu từ chối.
Tuy nhiên, lòng thương con đã thắng vượt tất cả, ông sẵn sàng hy sinh mọi sự để có thể cứu vãn sự sống của con ông.
(2) Vượt qua thử thách: Đức Giêsu nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” Ngài dùng số nhiều “các ông,” có lẽ muốn nói với ông và những người chung quanh. Chúa Giêsu muốn nói lên một thực tại của người Do-thái: họ sẽ không tin khi không nhìn thấy dấu lạ. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng muốn cho những người Do-thái xem niềm tin không dựa trên việc chứng kiến phép lạ của viên sĩ quan Dân Ngọai. Khi viên sĩ quan năn nỉ van xin Chúa Giêsu xuống Capernaum chữa bệnh cho con ông, Chúa thử đức tin của ông, Ngài không đi với ông, nhưng bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Người Do-thái chắc phải ngạc nhiên vì niềm tin của ông khi thấy: “Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về.” Trong trình thuật của Matthêu, Chúa Giêsu khen viên sĩ quan: “Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.”
(3) Đức tin được kiện tòan bởi lý trí: Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Đối với một người vô tâm, họ sẽ vui mừng khi biết con còn sống và quên hết mọi sự khác; nhưng viên sĩ quan còn đang sống trong tiến trình của đức tin, nên ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.”
Ông nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: “Con ông sống.” Đức tin của ông vào Chúa Giêsu được kiện tòan. Ngài hứa với ông và lời hứa đã thành sự thực, ông tin vào Ngài.
(4) Ông và cả nhà đều tin: Không dễ cho một viên sĩ quan công khai thú nhận niềm tin vào Chúa Giêsu vì sợ ảnh hưởng của dư luận. Nhưng viên sĩ quan này đã có một niềm tin được sự trợ giúp của lý trí. Ông muốn không những chỉ có ông, nhưng còn cả nhà tin vào Chúa Giêsu. Điều này thông thường đối với dân thời đó: Gia trưởng có quyền quyết định mọi chuyện trong nhà. Khi nhận ra điều gì tốt, người gia trưởng có quyền bắt tất cả người trong nhà phải làm theo. Ví dụ, Tổ-phụ Abraham bắt mọi người trong nhà phải cắt bì.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa không muốn nhớ tới dĩ vãng tội lỗi và đau thương của con người. Ngài luôn mời gọi chúng ta nhìn về tương lai và hy vọng bước tới. Như một người Cha, Ngài mừng vui khi thấy con cái được vui vẻ, hạnh phúc.
– Thiên Chúa muốn con người luôn tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài, ngay cả những lúc chưa nhìn thấy kết quả, hay những đêm tăm tối của cuộc đời; vì những gì Thiên Chúa đã hứa, Ngài sẽ thực hiện.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


23/03/2020 – THỨ HAI TUẦN 4 MC
Th. Tu-ri-bi-ô Môn-rô-vê-khô, giám mục
Ga 4,43-54

XIN THÊM ƠN ĐỨC TIN
Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)

Suy niệm: Không ít người, ngay cả các Ki-tô hữu đã hoài nghi, không biết niềm tin mà Kinh Thánh nói, có thật sự đem lại gì trong thực tế không. Tuy nhiên, không chỉ trong Kinh Thánh, cuộc sống này cũng luôn cần phải lấy chữ “tin” như nền tảng mọi quan hệ của xã hội. Gia đình là “tế bào gốc” để cấu thành nên xã hội, thế mà gia đình ấy được khởi đầu và tồn tại dựa trên chữ “tin.” Đôi bạn hứa chung thủy với nhau trọn đời trong ngày thành hôn. Lời hứa ấy không dây xích nào buộc lại được, chỉ dựa trên niềm tin và lòng yêu mến nhau mà thôi. Viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay là gương mẫu đặc biệt của niềm tin. Ông đặt cược mạng sống con ông và cả cuộc sống của ông vào Đức Giê-su, vì ông tin vào thế giá, quyền năng của Ngài. Tin vào lời hứa của Đức Giê-su, ông ra về, và con ông được khỏi bệnh.     
Mời Bạn: Có những lúc bạn hoài nghi vào quyền năng và sự hiện diện của Chúa Giê-su. Có lắm khi bạn kêu xin Chúa ban thêm niềm tin cho bạn, để có thể chỉ tựa nương vào Chúa mà thôi, nhưng bạn thấy đức tin ấy vẫn yếu mềm. Bạn hãy bắt chước viên sĩ quan hôm nay, để có thể lớn lên trong đức tin. Ông NGHE tin tức về Giê-su, ĐẾN GẶP, KÊU XIN, và TIN TƯỞNG vào Lời Ngài. Bạn cũng hãy làm như thế.
Sống Lời Chúa: Tôi đến gặp Chúa Giê-su trong thánh lễ, rước Ngài cách sốt sắng, và xin ơn thêm đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, ngày xưa các Tông đồ đã cầu xin Chúa ban thêm đức tin. Hôm nay, xin Chúa cũng ban ơn ấy cho chúng con, để chúng con tín thác vào Chúa. Nhờ đó, có thể làm lan tỏa tình yêu Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


SUY NIỆM : Con ông sống
Suy niệm:

Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thường gặp nỗi sợ hãi, lo lắng
của những bậc cha mẹ trước căn bệnh hiểm nghèo của con mình.
Ông trưởng hội đường Giairô khẩn khoản nài xin Đức Giêsu
“Con bé nhà tôi gần chết. Xin Thầy đến và đặt tay trên nó” (Mc 5, 23).
Bà dân ngoại gốc Canaan kêu lên: “Xin thương xót tôi,
vì con gái của tôi bị quỷ ám trầm trọng lắm” (Mt 15, 22).
Người cha có đứa con bị động kinh cũng nài van Đức Giêsu:
“Xin Thầy chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9, 22).
Trong bài Tin Mừng hôm nay viên sĩ quan, có lẽ của vua Hêrôđê, cũng năn nỉ:
“Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất !” (c. 49).
Bệnh tật và cái chết đang đe dọa đứa con khiến cha mẹ khổ đau và bối rối.
Họ không muốn mất đứa con đã trở nên một phần của đời họ.
Họ vội vã đến với Đức Giêsu như đến với một nơi có thể cấp cứu kịp thời.
Họ tin vào sự hiện diện của Ngài, vào sự chữa lành mà Ngài đem lại.
Lòng tin của viên sĩ quan đã lớn lên từ từ.
Ông tin nhờ nghe người ta nói về những gì Đức Giê su đã làm ở vùng Giuđê.
Ông gặp Ngài vì tin Ngài có thể chữa đứa con trai đang nguy tử của ông
bằng cách đi với ông về nhà ở Caphácnaum (c. 49).
Nhưng sau đó ông tin vào uy quyền của lời Đức Giêsu :
“Ông cứ về đi, con ông sống!”
nên ông vâng lời đi về nhà một mình (c.50).
Chẳng cần sự hiện diện, chỉ cần lời của Ngài nói từ xa cũng đủ con ông khỏi bệnh.
Lòng tin của ông được vững vàng hơn khi ông kiểm chứng và biết rõ
chính vào giờ Ngài nói thì con mình được chữa lành (c. 53).
Bây giờ hẳn ông đã tin trọn vẹn vào chính con người Đức Giêsu.
Lòng tin ấy lôi cuốn cả gia đình ông tin theo.
Sau khi dấu lạ xảy ra, không thấy nói gì về thái độ ngạc nhiên của gia quyến.
Kết quả tuyệt vời của dấu lạ là chính lòng tin của mọi người trong nhà.
Họ sẽ được ông kể cho nghe từng chi tiết câu chuyện gặp gỡ.
Trong tiệc cưới ở Cana, lòng tin của Đức Maria đã dẫn đến dấu lạ đầu tiên.
Dấu lạ này đã khiến các môn đệ Đức Giêsu tin vào Ngài (Ga 2, 11).
Trong dấu lạ thứ hai này ở Cana, lòng tin của viên sĩ quan, của một người cha,
đã dẫn đến lòng tin của những người thân thuộc.
Lòng tin thật sự bao giờ cũng có khả năng thu hút, lôi kéo, lan rộng.
Ngay trước đoạn Tin Mừng này,
chuyện người phụ nữ Samari cũng cho ta thấy điều đó.
Từ lời chứng của chị, dân thành Xykha đã tin vào Đức Giêsu (Ga 4,39).
Đời chúng ta cũng có những lúc tưởng như tuyệt vọng,
khi ta thấy tuột khỏi tay mình những gì rất quý mà mình muốn ôm giữ.
Hãy nhìn lên thánh giá để khỏi mất lòng tin.
Hãy chấp nhận đi vào những nẻo đường lạ lẫm mà Chúa đang mời gọi.
Như viên sĩ quan, ta sẽ gặp tin vui ngay trên đường về nhà.

Cầu nguyện :
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG BA
Chúng Tôi Rao Giảng Đức Kitô Chịu Đóng Đanh
Mùa Chay, Giáo Hội không chỉ đào sâu luật luân lý của Thập Giới. Cùng với Thánh Phao-lô, Giáo Hội còn rao giảng cho chúng ta “Đức Kitô chịu đóng đanh” trên Núi Can-vê.
Thuở xưa, người Do Thái đòi dấu lạ và người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan – như một điều kiện để họ tin vào hành động cứu độ của Thiên Chúa (1Cr 1,22). Con người thời nay cũng có thái độ tương tự như người Do Thái và người Hy Lạp thời các Tông Đồ. Hay nói đúng hơn, đòi hỏi của con người thời nay còn xa hơn thế nữa. Đó đây đôi khi chúng ta gặp phải những chỉ trích và chống đối đối với các huấn lệnh của Thiên Chúa một cách phũ phàng hơn. Dù sao, Giáo Hội vẫn kiên trung với lời tuyên bố của Tông Đồ Phao-lô: “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh” (1Cr 1,23).
Nơi Đức Kitô, chúng ta tìm thấy câu trả lời cho mọi sự! Mọi chỉ trích và chống đối nhắm vào các huấn lệnh của Thiên Chúa đều bị hóa giải khi chúng đối diện với một Đức Kitô chịu đóng đanh. Thập giá Can-vê “thì khôn ngoan hơn loài người” và “mạnh mẽ hơn loài người” (1Cr 1,25).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 23/3
Thánh Turibiô Môgrôvêjô, Giám mục.
Is 65, 17-21; Ga 4, 43-54.

Lời Suy Niệm: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về.
       Các dấu lạ do Chúa Giêsu thực hiện, mời gọi con người hãy tin vào Người. Đối với những ngươi đến với Người với lòng tin, họ đều được điều họ thỉnh cầu.
       Lạy Chúa Giêsu, Nhưng ai đã đặt niềm tin vào Chúa đều đã toại nguyện. Xin cho chúng con vững tin, cầu xin và phó thác mọi hoàn cảnh sống vào bàn tay quan phòng, yêu thương của Chúa.
Mạnh Phương








Gương Thánh Nhân
Ngày 23-03: Thánh TURIBIÔ MONGRÔVEJO
Giám mục (1536 – 1606)

Có những trẻ em như đã biết Chúa làm gì, trong khi những người khác lo tìm kiếm. Những trẻ này biết an ủi và giúp đỡ người khác. Chẳng hạn dân Mayorga nước Tây Ban Nha, ngày kia, được thấy một em bé đến bên một phụ nữ đang giận dữ. Bà này mất một vật mà không mong tìm lại. Đứa trẻ nhã nhặn giải thích cho bà rằng: đừng nên làm như vậy bởi vì điều đó làm phiền lòng Thiên Chúa. Đứa trẻ tốt lành và tế nhị này tên là Turibiô, con thứ của lãnh chúa Mongrôvejô.
Ở trường Valladolid rồi ở Salamanca, Ngài thường nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo, Ngài còn muốn thống hối thay cho các tội nhân đến nỗi Ngài bị buộc phải bỏ những hy sinh. Người ta có thể tiên đoán là người sẽ thành một tông đồ bởi Ngài đã biết sống đúng đắn.
Khi đã lớn đủ, cùng với sự khôn ngoan, thông hiểu khá vững chãi, Ngài được vua Philippê II đặt làm chánh án tòa án Granada. Khi địa phận Lima trống ngôi năm 1578, thật ngạc nhiên khi người được chỉ định là một giám mục lại là Turibinô một giáo dân. Nghe tin này, Turibinô khóc ròng, Ngài quì dưới chân thánh giá viết thư cho nhà vua, trong đó Ngài tự diễn tả như một kẻ thù tồi tệ của vua vì những bất xứng của mình. Nhưng các lý lẽ ấy đã không lay chuyển được ai. Ngài thụ phong linh mục rồi giám mục và nhậm địa phận năm 1581.
Địa phận dành cho Turibiô có những khó khăn đến nỗi có thể ngăn chận Ngài lại nếu Ngài không phải là một vị thánh. Địa phận có chu vi là sáu trăm dặm, gồm nhiều thành phố và làng mạc rải rác trên hai dãy núi Andes.
Người Tây Ban Nha khai phá tân thế giới, ức hiếp dân chúng cách man rợ. Muốn cải hóa bằng roi, họ bắt dân làm nô lệ và muốn khai hóa dân thì họ lại chỉ thông cho dân những tật xấu của mình. Nhìn dân da đỏ say sưa liên lỉ, Turibiô không thể cầm được nước mắt Ngài quở trách những người chinh phục vì những lạm dụng cướp bóc của họ và tuyên cáo rằng: những cớ vấp phạm ấy phải dừng lại cho chân lý và tình thương ngự trị.
Vị mục tử đi tìm kiếm mọi con chiên của mình. Sa mạc nóng cháy, núi cao tuyết phủ, thú rừng hung tợn, tất cả đều không làm Ngài nản chí, những người Tây ban Nha quyền thế trở thành phó vương, rồi đến vua Philippe II, do những báo cáo sai lầm đã trách cứ Ngài. Nhưng tất cả những lề luật nghiêm khắc đó đã không làm cho Ngài tháo lui. Ngài biện hộ rằng : Chính Chúa Kitô chứ không phải thế gian sẽ phán xét Ngài.
Turibiô học ngôn ngữ dân Peru, Ngài dạy dỗ dân da đỏ như một người cha nhân từ. Lòng bác ái nhân từ của Ngài đối với họ không có giới hạn. Khi Ngài tới một làng hẻo lánh, dân chúng đổ xô đến với Ngài. Trước hết Ngài thăm hỏi những người đau yếu và không chữa chạy cho họ được, Ngài dạy cho họ biết chết lành. Khi phân phát tình yêu Chúa Kitô, Ngài cũng tái lập sự công bình. Dần dần các thành phố và cả những nơi cô quạnh có người Kitô hữu cư ngụ đông đảo. Thánh Turibiô thiết lập các chủng viện, các viện cứu tế.
Trong hai mươi lăm năm, Ngài đi thăm viếng giáo phận rộng lớn và hoang dã của mình ba lần, mỗi lần phải mất tới bảy năm. Ngài kiên trì ngồi tòa mỗi sáng. Người ta nói rằng: khi cầu nguyện, Ngài tỏa chiếu từ khuôn mặt một tia sáng siêu nhiên. Mệt nhọc đã là một việc sám hối rồi, Ngài còn hy sinh và ăn chay thêm nữa. Khi có ôn dịch trong giáo phận, Ngài tăng gấp đôi lời cầu nguyện hãm mình, Ngài cũng tổ chức nhiều cuộc rước, khi tham dự chính Ngài rơi lệ uớt cả thánh giá cầm trong tay.
Trong khi bất dầu cuộc kinh lý mớí, Ngài đã ngã bệnh tại Santa, Ngài chỉ biết lập lại lời thánh Phaolô : “Tôi ao ước thoát khỏi những ràng buộc của thể xác để kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô”.
Gần chết Ngài xin những người chung quanh hát lời thánh vịnh  : – Tôi vui mừng khi nghe nói cùng tôi : chúng ta đi về nhà Thiên Chúa
Thế là cái chết của Ngài được coi như một thánh lễ. Lời cuối cùng của Ngài là lời chính chúa Kitô  : – Lạy Chúa, con phó thác linh hồn con trong tay Chúa. Ngài tự đi tới thánh đường Santa để lãnh các bí tích cuối cùng và kết hiệp với Thánh Thể, Ngài qua đời năm 1606.
(daminhvn.net)


23 Tháng Ba
Cầu Xin và Cảm Tạ
Một buổi sáng kia, một cô giáo dạy vườn trẻ chưng một bình hoa thủy tiên tuyệt đẹp trên chiếc bàn đặt ở giữa phòng. Khi các em bé nhỏ thơ ngây tung tăng tiến vào phòng học, có một em tròn xoe đôi mắt nhìn ngắm những chiếc hoa màu vàng lợt và em nói với cô giáo: “Có phải Chúa đã làm ra những bông này không, em muốn gọi dây nói để cảm ơn Chúa đã cho chúng ta những cái bông đẹp”.
Nếu đất với trời được nối kết với nhau bằng dây điện thoại, thiết nghĩ Thiên Chúa sẽ phải đặt ra hai đường dây: Một đường dây cho những kẻ cầu xin và một đường dây dành cho những lời cám ơn. Và người ta sẽ thấy một đường điện thoại luôn luôn bận rộn. Trong khi đường dây kia thỉnh thoảng mới được dùng đến như một chuyện ngụ ngôn kia thuật lại như sau:
Hai Thiên thần được sai xuống trần gian, môic vị mang theo một chiếc giỏ. Họ chia tay nhau đểđi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến nhà các người giàu có cũng như những kẻ nghèo khổ, thăm các trẻ em cầu nguyện tại tư gia cũng như tất cả nam phụ lão ấu cầu nguyện tại các nhà thờ.
Sau một thời gian, hai Thiên thần gặp nhau đúng thời điểm đã hẹn để trở về trời. Chiếc giỏ của một thiên thần nặng như chì, còn chiếc giỏ của Thiên Thần kia có vẻ nhẹ như đựng toàn bông gòn.
“Ông mang gì mà nặng thế?”, một Thiên Thần hỏi. Thiên Thần mang giỏ nặng trả lời: “Tôi được sai đến để thu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại. Còn ông, cái giỏ của ông xem ra nhẹ nhàng thế?”.
“À, tôi được sai đến để góp nhặt những lời cám ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài luôn ban cho họ”.
Sự thật về hai cái cân nặng nhẹ của những lời cầu xin và những lời cám ơn trên cũng được bài Tin Mừng về 10 người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành bệnh thuật lại như sau: Một trong bọn họ thấy mình được làm sạch, bèn quay trở lại lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người. Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả 10 người được làm sạch sao? Còn 9 người kia đâu? Sao không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?”.
Ðể sống trọn lời Chúa, ước gì cuộc sống chúng ta được diễn ra hằng ngày theo lời khuyên sau đây: Hãy chỗi dậy với tâm hồn thư thái và hãy tạ ơn cho một ngày mới mình được yêu thương.
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Gioan 4:43-54
Monday 23 March, 2020
Lectio Divina
Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay                               

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, Chúa Cha toàn năng,
Chúa muốn chúng con đừng nhìn về quá khứ
Để hối tiếc và khóc thương
Mà hy vọng vào tương lai,
Trong đất mới và trời mới.
Xin Chúa ban cho chúng con một niềm tin vững chắc
Vào Con Chúa là Đức Giêsu Kitô,
Xin Chúa đừng chấp nhặt những thiếu sót của thời đại chúng con,
Xin cho chúng con có được niềm tin vào tương lai,
Mà Chúa muốn chúng con xây dựng
Cùng với Con Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2.  Phúc Âm – Gioan 4:43-54
Sau hai ngày, Chúa Giêsu bỏ Samaria đi Galilêa. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.
Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Caphárnaum có người con trai đang đau liệt. Được tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về. Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Đó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.
3.  Suy Niệm
 Chúa Giêsu đã rời đất Galilêa, và hướng về xứ Giuđêa, để đi lên Giêrusalem trong dịp lễ (Ga 4:45) và, đi ngang qua vùng Samaria, Người đang quay trở lại hướng về Galilêa (Ga 4:3-4). Người Do Thái theo phong tục không được phép đi ngang qua vùng Samaria, và thậm chí họ không thể giao thiệp với người Samaritanô (Ga 4:9). Chúa Giêsu đã không màng đến những quy tắc ngăn trở tình bằng hữu và đối thoại. Người ở lại Samaria vài ngày và nhiều người đã hoán cải (Ga 4:10). Sau đó, Chúa đã quyết định quay trở lại Galilêa.
 Ga 4:43-46a: Chuyến trở về Galilêa. Mặc dù Chúa Giêsu đã biết rằng người dân Galilêa đã có phần nào nghi ngại mình, Người vẫn muốn trở về quê nhà của mình. Có lẽ, tác giả Gioan nói về việc Chúa Giêsu đã bị đón tiếp, chấp nhận cách tệ bạc ra sao ở làng Nagiarét miền Galilêa. Chính Chúa Giêsu đã thốt lên rằng: “Không một ngôn sứ nào được kính nể tại quê hương mình” (Lc 4:24). Nhưng giờ đây, trước chứng cớ về những gì Người đã làm tại Giêrusalem, người dân Galilêa đổi ý và đón tiếp Người nồng nhiệt. Sau đó Chúa Giêsu trở lại Cana nơi mà Người đã làm “phép lạ” đầu tiên (Ga 2:11).
 Ga 4:46b-47: Lời cầu xin của vị quan chức triều đình. Đây là trường hợp của một dân ngoại. Một thời gian ngắn trước đây, ở Samaria, Chúa Giêsu đã nói chuyện với một người phụ nữ Samaritanô, một người dị giáo đối với người Do Thái, người mà Chúa Giêsu đã mặc khải về việc Người là Đấng Thiên Sai (Ga 4:26). Và giờ đây, tại Galilêa, Người đón nhận một người ngoại giáo, viên quan của nhà vua, người đang cầu xin sự giúp đỡ cho người con đau liệt của mình. Chúa Giêsu không hạn chế chỉ giúp đỡ cho những ai cùng dòng giống với Người, cũng chẳng giới hạn vào những ai cùng tôn giáo với Chúa. Người có tinh thần đại kết và chấp nhận tất cả mọi người.
 Ga 4:48: Câu trả lời của Chúa Giêsu cho vị quan của nhà vua. Vị quan muốn Chúa Giêsu đi với ông ta về nhà để chữa bệnh cho con của ông. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin!” Một câu trả lời cay nghiệt và kỳ lạ. Tại sao Chúa Giêsu lại trả lời theo cách này? Có điều gì sai trái với lời khẩn cầu của viên quan đó không? Chúa Giêsu muốn đạt được điều gì qua câu trả lời này? Chúa Giêsu muốn giảng dạy về đức tin của chúng ta phải như thế nào. Viên quan sẽ chỉ tin nếu Chúa Giêsu đi cùng với ông đến nhà của ông ta. Ông muốn trông thấy Chúa Giêsu chữa bệnh. Nói chung, đây là thái độ mà tất cả chúng ta đều có. Chúng ta không ý thức được việc kém đức tin của chúng ta.
 Ga 4:49-50: Viên quan triều đình lặp lại lời khẩn cầu của mình và Chúa Giêsu lặp lại câu trả lời. Mặc kệ câu trả lời của Chúa Giêsu, viên quan đã không im lặng và vẫn lặp lại cùng một lời cầu xin: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết!” Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giữ lập trường cùa mình. Người không đáp ứng lời cầu xin và không đi với viên quan về nhà ông ta và lặp lại cùng một câu trả lời, nhưng được trình bày theo một cách khác: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Cả hai lần trả lời, lần thứ nhất cũng như lần thứ hai, Chúa Giêsu đòi hỏi đức tin, đức tin mạnh mẽ. Người đòi hỏi viên quan phải tin rằng con ông đã được khỏi bệnh. Và phép lạ thực sự đã xảy ra! Không nhìn thấy bất kỳ phép lạ nào, cũng chẳng có điềm báo, người ấy tin vào lời của Chúa Giêsu và trở về nhà. Điều đó không phải là dễ dàng. Đây chính là phép lạ thực sự của đức tin; tin mà không có bất kỳ một lời bảo đảm nào khác, ngoại trừ Lời của Chúa Giêsu. Lý tưởng là tin vào Lời của Chúa Giêsu, ngay cả khi không thấy (xem Ga 20:29).
 Ga 4:51-53: Kết quả của lòng tin vào Lời của Chúa Giêsu. Khi viên quan đang trên đường trở về nhà mình, gia nhân của ông trông thấy ông và chạy ra đón để báo tin cho ông biết rằng con ông đã được mạnh khỏe, rằng con ông còn sống. Ông hỏi họ giờ giấc con ông được khỏi và khám phá ra rằng đó chính là lúc mà Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi!” Ông đã được củng cố trong lòng tin của mình.
 Ga 4:54: Bản tóm lược được trình bày bởi Thánh Sử Gioan. Gioan kết luận bằng câu nói: “Đó là dấu lạ mới, dấu lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm”. Gioan ưa nói về dấu lạ hơn là nói về phép lạ. Chữ dấu lạ gợi nhớ lại điều gì đó tôi nhìn thấy với đôi mắt của mình, nhưng chỉ có đức tin mới có thể cho tôi khám phá ra ý nghĩa sâu xa của nó. Đức tin giống như tia quang tuyến X: nó làm cho người ta khám ra những gì mắt trần không thể thấy.
4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
 Bạn sống đời sống đức tin của mình như thế nào? Bạn có lòng tin vào Lời Chúa hay bạn chỉ tin vào các phép lạ và các kinh nghiệm cảm được từ giác quan?
– Chúa Giêsu chấp nhận những người lạc giáo và ngoại kiều. Còn tôi, tôi đối xử với những người ấy như thế nào?
5.  Lời nguyện kết
Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng CHÚA,
Cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
Nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
Hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
(Tv 30:4-5)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét