Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Video: Nỗi buồn của ĐTC và cha tuyên úy bệnh viện trước hàng dài những chiếc xe nhà binh chở quan tài


Video: Nỗi buồn của ĐTC và cha tuyên úy bệnh viện trước hàng dài những chiếc xe nhà binh chở quan tài
Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn qua đời tại Washington DC. Số ca nhiễm bệnh tại Mỹ chỉ sau Trung Quốc và Ý

Tính cho đến sáng Chúa Nhật 22 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 13,017 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 306,677 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,586 người thiệt mạng vì coronavirus, và 29,457 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Số trường hợp tử vong tại Ý đã gia tăng một cách kinh hoàng. Chỉ trong 24 giờ đã có 793 người chết, là con số người chết trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Tính đến sáng Chúa Nhật 22 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 4,825 người, và 53,578 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ tiếp diễn như thế này chỉ trong một tuần nữa số trường hợp nhiễm bệnh tại Ý sẽ cao hơn cả số trường hợp nhiễm bệnh tại Hoa Lục và số trường hợp tử vong tại Ý sẽ gấp đôi con số người chết tại Trung Quốc.

Cho đến nay, Bắc Kinh thừa nhận trên toàn cõi Hoa Lục con số thương vong là 3,255 người chết, và 81,008 trường hợp nhiễm bệnh.

Đặc biệt nghiêm trọng là tình hình tại Hoa Kỳ. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Mỹ đã tăng đến 6,513 người. Như thế sau Trung Quốc và Italia, Hoa Kỳ đang là nước thứ ba trên thế giới về phương diện nhiễm bệnh với 25,896 trường hợp. Trong khi đó, số trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 316 người, tức là thêm 60 người chết chỉ trong 24 giờ.

Tây Ban Nha đứng thứ tư với 25,496 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 1,378 người chết. Trong 24 giờ qua số người chết tại Tây Ban Nha là 285 người. Đây là con số thương vong cao nhất trong một ngày cho đến nay.

Tại Đức đã có 84 người chết; và 22,364 trường hợp nhiễm bệnh.

Tiếp theo là Iran với 1,556 người chết, tăng 123 người trong vòng 24 giờ; và 20,610 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 966 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Tại thủ đô Washington DC, tính đến sáng Chúa Nhật 22 tháng Ba đã có 77 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Trong một diễn biến đáng buồn, Washington DC đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên. Đó là trường hợp của thầy John-Sebastian Laird-Hammond, tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn, 59 tuổi. Cha Larry Dunham, Bề Trên Tu Viện Phanxicô tại Washington DC cho biết thầy Hammond được đưa vào nhà thương từ tuần trước và đã qua đời hôm thứ Sáu 20 tháng Ba. Thầy Hammond đã giữ chức quản lý của tu viện trong 14 năm qua.

Tổng giáo phận Washington cũng báo cáo về một sáng kiến đáng chú ý của một linh mục trong việc tạo điều kiện cho anh chị em giáo dân đón nhận bí tích hòa giải.

Khi các Thánh lễ công cộng tại Tổng giáo phận Washington bị đình chỉ trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, Cha Scott Holmer, Cha Sở nhà thờ Thánh Edward Cha Giải Tội ở Bowie, Maryland, đã có sáng kiến đưa các bí tích đến cộng đồng địa phương của ngài.

Chỉ 10 phút trước khi bắt đầu giải tội vào ngày 14 tháng Ba, Cha Holmer, trong ước muốn ngăn chặn việc lây lan thông qua các bề mặt như ghế quỳ và tay nắm cửa, đã nảy ra ý tưởng cho anh chị em giáo dân xưng tội từ trong xe hơi của họ.

Khoác chiếc stola màu tím, cầm một chiếc ghế và một biển báo giao thông màu cam, Cha Holmer đi ra ngoài bãi đậu xe của nhà thờ và thiết lập một tòa giải tội ngoài trời. Chủng sinh Joe McHenry đã giúp hướng dẫn từng chiếc xe và nói với Cha Holmer khi nào nên bịt mắt lại khi hối nhân yêu cầu một lời thú tội nặc danh.

“Đây là lúc mà các linh mục chúng ta phải tìm ra các phương thế sáng tạo về cách mang Chúa Kitô đến với mọi người khi chúng ta không thể làm điều đó trong các nhà thờ,” Cha Holmer nói. Bây giờ chúng ta cần phải mang Chúa Kitô đến với mọi người, để đưa Ngài đến với những người khác một cách an toàn mà không gây ra lây nhiễm.

Các hối nhân chỉ phải rời khỏi xe của họ khi có nhiều hơn một người trong xe và họ có thể xếp hàng phía sau xe và di chuyển vào ghế lái khi đến lượt họ để thú tội.

“Chiếc xe nhỏ đó trở thành chiếc ghế xưng tội,” Cha Holmer nói.

Cha Holmer cho biết sau khi sáng kiến của ngài được đưa lên các đài truyền hình địa phương, nhiều người từ các địa phương khác đã tìm đến.

“Tôi rất cảm động trước những giọt nước mắt của ba người già đến từ Harrisburg, Pennsylvania. Họ phải lái xe hơn 2 giờ để đến đây vì họ không biết bất cứ nơi nào họ có thể đến và nói chuyện với một linh mục trong cuộc khủng hoảng này. Họ khóc và tôi cũng khóc”.

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay

Lúc 7 sáng Chúa Nhật 22 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Thánh lễ tại Santa Marta vào ngày Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay đã được dành để cầu nguyện cho những người phải chết cô đơn trong bệnh viện không thể nói lời từ biệt với những người thân yêu của họ, do đại dịch coronavirus. Thường khi họ cũng không thể nhận được các bí tích sau cùng trong lúc lâm chung.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trong những ngày này, chúng ta nghe tin tức về nhiều người đã chết: đàn ông, phụ nữ chết một mình, mà không thể nói lời giã biệt với người thân. Chúng ta hãy nghĩ đến họ và cầu nguyện cho họ. Nhưng chúng ta cũng phải cầu nguyện cho các gia đình, những người không thể đồng hành cùng người thân của họ trong giờ phút sinh ly tử biệt. Chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện đặc biệt của chúng ta dành cho những người quá cố và các thành viên trong gia đình của họ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã tập trung vào bài Tin mừng trong ngày (Ga 9, 1-41) kể về sự chữa lành của người mù từ lúc sinh ra. Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta phải cảnh giác khi Chúa Giêsu đi ngang qua cuộc sống của chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể hoán cải và đón nhận Chúa.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói

Bài Tin Mừng của Thánh Gioan ngày hôm nay là một thông báo của Chúa Giêsu Kitô và cũng là một bài giáo lý. Tôi chỉ muốn đề cập đến một điều. Thánh Augustinô có một câu luôn luôn gây ấn tượng mạnh đối với với tôi. Thánh nhân nói: “Tôi sợ Chúa Kitô khi Ngài đi qua”. Timeo Dominum transeuntem. “Tôi sợ rằng Chúa Kitô sẽ vượt qua” - “Nhưng tại sao bạn sợ Chúa?” - “Tôi sợ rằng tôi sẽ không nhận ra rằng đó là Chúa Kitô và để Ngài lướt qua”. Một điều rõ ràng: trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, những cảm xúc chân thật của trái tim nảy nở, những thái độ thực sự xuất hiện. Đó là một ân sủng, và vì lý do này, Thánh Augustinô đã sợ để thời khắc ấy qua đi mà không nhận ra rằng Chúa đã đi qua.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa đi qua, một người mù được chữa lành và tai tiếng phát sinh. Sau biến cố chữa lành này là sự xuất hiện những người tốt nhất và những người tồi tệ nhất. Người mù làm kinh ngạc trí tuệ của những thầy thông luật, khi anh ta trả lời. Anh đã quen với việc di chuyển bằng tay, anh cảm giác được những gì là nguy hiểm, anh có cảm giác trước những thứ nguy hiểm có thể khiến anh trượt ngã. Và anh ta di chuyển như một người mù. Nhưng anh có một lập luận rõ ràng, chính xác, và sử dụng cả sự mỉa mai khi đối đáp với các thầy thông luật.

Các thầy thông luật biết tất cả các lề luật: họ biết hết, biết tất cả. Nhưng họ đã dừng lại ở đó. Họ không hiểu khi Chúa đi qua. Họ cứng nhắc, gắn liền với thói quen của họ: Chính Chúa Giêsu đã nói như vậy. Họ gắn bó với thói quen. Và nếu để duy trì những thói quen này, họ phải thực hiện một sự bất công nào đó, thì đó không phải là vấn đề, vì thói quen nói với họ rằng đó không phải là bất công; và sự cứng nhắc đó đã khiến họ làm những điều bất công. Cảm giác đóng cửa đó đã xuất hiện trước mặt Chúa Kitô.

Ngày hôm nay, tôi chỉ muốn khuyên anh chị em điều này. Tôi khuyên tất cả anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm, và đọc kỹ bài Tin Mừng ngày hôm nay trong chương 9 Phúc Âm theo Thánh Gioan, và đọc nó, đừng lo lắng. Hãy đọc một lần, hai lần, để hiểu rõ điều gì xảy ra khi Chúa Giêsu đi qua, những cảm xúc nào xuất hiện. Anh chị em hãy hiểu rõ những gì Thánh Augustinô nói với chúng ta: Tôi sợ Chúa khi Ngài đi qua, tôi e rằng tôi không nhận thấy điều đó và không nhận ra Ngài, và không hoán cải. Anh chị em đừng quên, hãy đọc ngay hôm nay một lần, hai lần, ba lần, bao nhiêu lần tùy sức của anh chị em, chương 9 Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Đức Thánh Cha đã kết thúc thánh lễ bằng việc chầu Thánh Thể và ban phép lành Tòa Thánh. Ngài mời gọi mọi người hãy đọc Lời nguyện Rước lễ Thiêng liêng cho những ai không thể rước lễ vì đại dịch coronavirus.

Lạy Chúa Giêsu,

Con tin rằng Chúa đang ngự thật trong Bí tích Thánh Thể. Con yêu Chúa trên tất cả mọi sự, và con mong ước được rước Chúa vào trong tâm hồn con.

Song le bây giờ con chẳng được rước thật Mình và Máu Thánh Chúa, thì ít nữa lại xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng.

Con ôm ấp Chúa như thể Chúa đã ngự trị trong lòng con và liên kết cả toàn thân con với Chúa. Xin đừng bao giờ để con xa lìa Chúa.

Amen.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét