Sơ lược Văn kiện Chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục
thứ 16 về tính hiệp hành
Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 đã chính thức kết
thúc vào Chúa Nhật ngày 27/10/2024 với Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự tại Đền
thờ Thánh Phêrô. Ngày hôm trước, 26/10, Văn kiện Chung kết đã được thông qua với
hơn 2/3 số phiếu thuận, sau khi mỗi đoạn trong số 155 đoạn của văn kiện được
tán thành. Văn kiện thuật lại và tái khởi động một kinh nghiệm về Giáo hội như
sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ, với một đề xuất cụ thể về một tầm nhìn mới vượt
lên các thực hành đã được thiết lập.
Vatican News
Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng ngài đã chọn không viết Tông
huấn hậu Thượng Hội đồng, nhưng nói rằng Tài liệu Thượng Hội đồng sẽ được cung
cấp ngay cho tất cả mọi người. Ngài giải thích: “Đã có những chỉ dẫn rất cụ thể
trong Tài liệu có thể là kim chỉ nam cho sứ mạng của các Giáo hội, tại các châu
lục và bối cảnh cụ thể của họ”. Ngài bày tỏ sự tin tưởng rằng trải nghiệm chung
này sẽ truyền cảm hứng cho “những hành động cụ thể phục vụ dân Chúa”.
“Tiến trình hiệp hành không kết thúc khi Đại hội hiện tại của
Thượng Hội đồng Giám mục kết thúc, nhưng nó cũng bao gồm giai đoạn thực hiện”
(9), bao gồm tất cả mọi người trong “hành trình hàng ngày với phương pháp tham
vấn và phân định theo phong cách hiệp hành, xác định những cách thức cụ thể và
lộ trình đào tạo để mang lại sự hoán cải hiệp hành hữu hình trong các bối cảnh
Giáo hội khác nhau” (9).
Đặc biệt, Tài liệu yêu cầu các Giám mục dấn thân đối với
tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời lưu ý, như Đức Hồng y
Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã nói, rằng công việc được
tiếp tục để mang lại cho phụ nữ những vai trò và quyền hạn lớn hơn trong Giáo hội.
Hai từ khóa nổi lên từ văn bản - được thể hiện qua viễn cảnh
và đề xuất hoán cải - là “các mối quan hệ”, một cách để trở thành Giáo hội; và
“các mối liên kết”, được đánh dấu bằng “sự trao đổi các ân sủng” giữa các Giáo
hội được sống một cách năng động và do đó, để hoán cải các quá trình. Chính các
Giáo hội địa phương là trung tâm của chân trời truyền giáo, là nền tảng của
kinh nghiệm về tính đa nguyên của sự hiệp hành, với tất cả các cấu trúc phục vụ
cho sứ vụ, với giáo dân ngày càng ở trung tâm và là người giữ vai chính.
Trong viễn tượng này, tính chất cụ thể của việc được bám rễ
vào “nơi chốn” nổi bật cách mạnh mẽ trong Văn kiện Chung kết này. Điều
lưu ý là các tham dự viên đã đề xuất rằng các Bộ của Tòa Thánh khởi động các cuộc
tham vấn “trước khi công bố các tài liệu chuẩn mực quan trọng” (135).
Cấu trúc của Tài liệu Chung kết
Tài liệu Chung kết gồm năm phần (11). Phần đầu tiên có tựa đề
“Trái tim của tính Hiệp hành”. Phần thứ hai, “Cùng nhau, trên thuyền của
Phêrô”, nói về “việc hoán cải các mối quan hệ xây dựng cộng đoàn Kitô giáo và định
hình sứ vụ trong sự đan xen của các ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ”; trong khi
phần thứ ba, “Theo Lời Người”, “xác định ba thực hành có liên quan chặt chẽ với
nhau: sự phân định của Giáo hội, các tiến trình ra quyết định và một nền văn
hóa minh bạch, trách nhiệm giải trình và đánh giá”.
Phần thứ tư, “Một mẻ cá dồi dào”, “phác thảo cách thức có thể
vun đắp theo những hình thức mới của việc trao đổi các đặc sủng và sự đan xen của
các mối liên kết hiệp nhất chúng ta trong Giáo hội, tại thời điểm mà kinh nghiệm
về việc bám rễ vào một nơi chốn đang thay đổi sâu sắc”. Cuối cùng, phần thứ
năm, “Thầy cũng sai các con”, “cho phép chúng ta nhìn vào bước đầu tiên cần thực
hiện: quan tâm đến việc đào tạo tất cả mọi người theo tinh thần truyền giáo hiệp
hành”. Đặc biệt, cần lưu ý rằng việc khai triển Văn kiện này được hướng dẫn bởi
các trình thuật Tin Mừng về sự Phục Sinh (12).
Những vết thương của Đấng Phục sinh vẫn tiếp tục rỉ máu…
Phần giới thiệu của Tài liệu (1-12) ngay lập tức làm sáng tỏ
bản chất của Thượng Hội đồng như là “một trải nghiệm được đổi mới về cuộc gặp gỡ
của các môn đệ với Đấng Phục sinh trong Phòng Tiệc ly vào chiều ngày Phục sinh”
(1). Văn kiện khẳng định, “Khi chiêm ngắm Đấng Phục sinh, chúng ta đã thấy dấu
vết của những thương tích của Người (…) vẫn tiếp tục rỉ máu trên cơ thể của nhiều
anh chị em, kể cả do những lỗi lầm của chính chúng ta. Việc nhìn lên Chúa không
làm chúng ta xa rời những bi kịch của lịch sử. Ngược lại, nó mở mắt chúng ta
nhìn thấy nỗi đau khổ của những người xung quanh và thấm sâu vào chúng ta:
khuôn mặt của những đứa trẻ hoảng sợ vì chiến tranh, những giọt nước mắt của
các bà mẹ, những giấc mơ tan vỡ của rất nhiều người trẻ, những người tị nạn phải
đối mặt với những hành trình khủng khiếp, những nạn nhân của biến đổi khí hậu
và bất công xã hội” (2).
Nhắc lại nhiều cuộc chiến tranh đang diễn ra, Thượng Hội đồng
đã hợp với Đức Thánh Cha Phanxicô trong “việc không ngừng kêu gọi, lên án logic
của bạo lực, hận thù và trả thù” (2).
Hơn nữa, hành trình hiệp hành rõ ràng là hành trình đại kết,
hướng đến “sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của các Kitô hữu” (4) – và “cấu
thành một hành động tiếp nhận Công đồng [Vatican II] cách đích thực hơn nữa, do
đó đào sâu thêm nguồn cảm hứng của Công đồng và tiếp thêm sức mạnh ngôn sứ của
Công đồng cho thế giới ngày nay” (5).
Tài liệu thừa nhận rằng điều đó không dễ dàng: “Chúng ta
không thể phủ nhận rằng chúng ta đã phải đối mặt với sự mệt mỏi, việc kháng cự
lại sự thay đổi và cám dỗ để những ý tưởng của riêng mình lấn át việc lắng nghe
Tin Mừng và thực hành sự phân định” (6)
Trọng tâm của tính hiệp hành
Phần đầu tiên của tài liệu (13-48) bắt đầu bằng những suy tư
chung về “Giáo hội như Dân Chúa, Bí tích Hiệp nhất” (15-20) và về “Những Cội rễ
Bí tích của Dân Chúa” (21-27).
Chính qua “kinh nghiệm của những năm gần đây” mà ý nghĩa của
các thuật ngữ “tính hiệp hành” và “hiệp hành” đã “được hiểu rõ hơn, và được sống
cách sống động hơn. Chúng ngày càng được kết nối cách sâu sắc hơn với mong muốn
về một Giáo hội gần gũi hơn với mọi người và có tương quan hơn – một Giáo hội
là nhà và gia đình của Thiên Chúa (28).
“Nói một cách đơn giản và súc tích, tính hiệp hành là một
hành trình canh tân thiêng liêng và cải cách cơ cấu giúp Giáo hội có thể tham
gia và truyền giáo nhiều hơn, để có thể đồng hành với mọi người và tỏa sáng ánh
sáng của Chúa Kitô” (28).
Khi nhìn nhận rằng sự hiệp nhất của Giáo hội không có nghĩa
là đồng nhất, “việc đánh giá cao các bối cảnh, nền văn hóa và sự đa dạng, cũng
như các mối quan hệ giữa chúng, là chìa khóa để phát triển như một Giáo hội hiệp
hành truyền giáo” (40). Và với sự hồi sinh của các mối quan hệ với các truyền
thống tôn giáo khác, Giáo hội phấn đấu “cùng với họ để xây dựng một thế giới tốt
đẹp hơn” (41).
Hoán cải về các tương quan
Phần thứ hai của Tài liệu (49-77) mở đầu bằng “lời kêu gọi một
Giáo hội có nhiều khả năng hơn trong việc nuôi dưỡng các mối tương quan: với
Chúa, giữa người nam và người nữ, trong gia đình, trong cộng đồng địa phương,
giữa các nhóm xã hội và tôn giáo, với công trình tạo dựng” (50). Đồng thời, Thượng
Hội đồng nhìn nhận rằng một số người “tiếp tục trải qua nỗi đau khi cảm thấy bị
loại trừ hoặc bị xét đoán vì tình trạng hôn nhân, căn tính hoặc khuynh hướng
tính dục của họ” (ibid.).
“Để trở thành một Giáo hội có tính hiệp hành, chúng ta cần
phải mở lòng mình hướng đến một sự hoán cải thật sự trong các tương quan, điều
sẽ định hướng lại các ưu tiên của mỗi người và một lần nữa chúng ta phải học hỏi
từ Tin Mừng rằng quan tâm chú ý đến các tương quan không chỉ đơn thuần là một
chiến lược hay một công cụ để tăng hiệu quả tổ chức. Các mối tương quan và liên
kết là phương tiện mà qua đó Chúa Cha đã mặc khải chính Người trong Chúa Giêsu
và Chúa Thánh Thần” (50).
Tài liệu chung kết tiếp tục với việc nhìn nhận “nỗi đau và sự
đau khổ được diễn tả bởi nhiều phụ nữ từ mọi khu vực và châu lục, cả giáo dân
và những người thánh hiến, trong suốt tiến trình hiệp hành”, điều “cho thấy
chúng ta thường không sống theo tầm nhìn này” (52).
Đặc biệt, “lời kêu gọi canh tân tương quan trong Chúa Giêsu
phát triển mạnh mẽ trong các bối cảnh khác nhau, nơi các môn đệ của Người đang
sống”, kết hợp với “sự đa dạng của các nền văn hóa”; tuy nhiên “sự tương tác của
những người từ các bối cảnh văn hóa khác nhau cũng có thể dẫn đến các mối quan
hệ méo mó không phù hợp với Tin Mừng” (53).
Tài liệu khẳng định rằng “Những sự dữ đang hoành hành trên
thế giới của chúng ta bắt nguồn từ những động lực này” và lưu ý rằng “sự từ chối
triệt để và mạnh mẽ nhất chính là sự từ chối chính sự sống con người; điều này
dẫn đến sự từ chối những đứa trẻ chưa chào đời, cũng như người già” (54).
Các Thừa tác vụ Truyền giáo
“Đặc sủng, Ơn gọi và Các Thừa tác vụ Truyền giáo” (57-67) nằm
ở trung tâm của tài liệu, nhấn mạnh đặc biệt đến sự tham gia nhiều hơn của giáo
dân. Thừa tác vụ thánh chức là “phục vụ cho sự hòa hợp” (68); và thừa tác vụ
Giám mục là nhằm mục đích “phân định và quy tụ trong sự hiệp nhất” các ân huệ của
Chúa Thánh Thần (69-71).
Trong cuộc thảo luận về thừa tác vụ Giám mục, Tài liệu lưu ý
rằng “mối quan hệ mang tính cấu thành giữa giám mục và Giáo hội địa phương dường
như không thể hiện rõ ràng trong trường hợp của các giám mục hiệu tòa ngày nay,
ví dụ, trong trường hợp của các đại diện Giáo hoàng và những người phục vụ
trong Giáo triều Roma” (70).
Cùng với các Giám mục, có các linh mục và phó tế, để “cộng
tác giữa các thừa tác viên có chức thánh trong một Giáo hội hiệp hành” (74). Vì
vậy, kinh nghiệm về “Linh đạo hiệp hành” rất quan trọng, vì nếu “thiếu chiều
sâu thiêng liêng ở cả cấp độ cá nhân và cộng đoàn, thì tính hiệp hành sẽ bị giảm
xuống thành sự tiện lợi về mặt tổ chức” (44).
Vì lý do này, Tài liệu lưu ý, “khi được thực hành với sự
khiêm tốn, phong cách hiệp hành cho phép Giáo hội trở thành tiếng nói ngôn sứ
trong thế giới ngày nay”.
Hoán cải về các tiến trình
Trong phần thứ ba của Tài liệu (79-108), Thượng Hội đồng lưu
ý rằng “trong cầu nguyện và đối thoại, chúng ta đã nhận ra rằng sự phân định của
Giáo hội, việc quan tâm đến các tiến trình ra quyết định, sự dấn thân chịu
trách nhiệm và đánh giá các quyết định của chúng ta là những thực hành mà qua
đó chúng ta đáp lại Lời Chúa chỉ cho chúng ta những con đường của sứ vụ” (79).
Đặc biệt, tài liệu lưu ý rằng “Ba thực hành này gắn bó chặt
chẽ với nhau. Các tiến trình ra quyết định cần có sự phân định của Giáo hội,
đòi phải lắng nghe trong bầu không khí tin tưởng được hỗ trợ bởi sự minh bạch
và chịu trách nhiệm. Sự tin tưởng phải là của cả hai bên: những người ra quyết
định cần có khả năng tin tưởng và lắng nghe Dân Chúa. Ngược lại, Dân Chúa cần
có thể tin tưởng những người nắm giữ quyền bính” (80).
Trên thực tế, “Sự phân định của Giáo hội cho Sứ vụ” “không
phải là một kỹ thuật tổ chức mà là một thực hành thiêng liêng dựa trên đức tin
sống động” và “không bao giờ chỉ là việc đưa ra quan điểm cá nhân hoặc của nhóm
hoặc là tổng hợp các ý kiến cá nhân khác nhau” (82).
“Cấu trúc của quá trình ra quyết định” (87-94), “tính minh bạch,
trách nhiệm giải trình và sự đánh giá” (95-102) và “tính hiệp hành và các cơ
quan tham gia” (103-108) là những điểm chính của các đề xuất có trong Tài liệu,
phát sinh từ kinh nghiệm của Thượng Hội đồng.
Hoán cải về các mối liên kết
Bản chất của phần thứ tư của Tài liệu Chung kết (109-139) được
diễn tả trong đoạn đầu tiên: “Trong thời điểm có sự thay đổi lớn lao đang diễn
ra ở những địa điểm cội nguồn và hành hương của Giáo hội, chúng ta cần vun đắp
những hình thức mới để trao đổi các ân huệ và đan dệt các mối liên kết hiệp nhất
chúng ta. Trong điều này, chúng ta được nâng đỡ bởi thừa tác vụ của các Giám mục
trong sự hiệp thông giữa họ và với Giám mục Roma” (109).
Cụm từ “được bén rễ vững chắc nhưng vẫn là những người hành
hương” (110-119) nhắc lại rằng “không thể hiểu được Giáo hội nếu không bén rễ
trong một lãnh thổ cụ thể, trong một không gian và thời gian nơi hình thành
kinh nghiệm chung về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng cứu độ” (110).
Phần này của Tài liệu cũng nhấn mạnh đến hiện tượng “dịch
chuyển dân số” (112) và “sự lan truyền của văn hóa kỹ thuật số” (113).
Theo viễn cảnh này, “việc chúng ta cùng nhau bước đi như những
môn đệ của Chúa Giêsu, với các đặc sủng và thừa tác vụ đa dạng của chúng ta, đồng
thời tham gia vào việc trao đổi các ân huệ giữa các Giáo hội, là một dấu chỉ hữu
hiệu về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong Chúa Kitô” (120).
“Nguyên tắc chỉ đạo mối tương quan giữa các Giáo hội là cái
nhìn hiệp thông thông qua việc chia sẻ các ân huệ” (124). Từ điểm khởi đầu này,
Tài liệu trình bày chi tiết “Những mối dây hiệp nhất: Các Hội đồng Giám mục và
các Hội nghị Giáo hội” (124-129).
Suy tư của Thượng hội đồng về “Sự phục vụ của Giám mục Roma”
(130-139) đặc biệt có ý nghĩa. Đề cập chính xác đến việc thúc đẩy sự hợp tác và
lắng nghe nhiều hơn, Thượng Hội đồng kêu gọi các Bộ “khởi xướng một cuộc tham vấn
với các Hội đồng Giám mục và với các cơ quan tương ứng của các Giáo hội Đông
phương tự quản” trước khi công bố “các văn kiện chuẩn mực quan trọng” (135).
Đào tạo một Dân tộc các Môn đệ Truyền giáo
Tài liệu khẳng định ở phần đầu của phần thứ năm (140-151):
“Dân thánh của Thiên Chúa cần được đào tạo thích đáng để họ có thể làm chứng
cho niềm vui của Tin Mừng và phát triển trong việc thực hành tính hiệp hành:
trước hết, trong sự tự do của con cái Thiên Chúa khi theo Chúa Giêsu Kitô, được
chiêm niệm trong cầu nguyện và được nhìn nhận nơi những người nghèo” (141).
“Một trong những yêu cầu nổi lên mạnh mẽ nhất và từ mọi bối
cảnh trong tiến trình hiệp hành là việc đào tạo do cộng đoàn Kitô giáo cung cấp
phải toàn diện và liên tục” (143). Về vấn đề này, chúng ta cũng thấy nhu cầu cấp
thiết về “việc trao đổi các ân huệ giữa các ơn gọi khác nhau (hiệp thông), theo
quan điểm thực thi việc phục vụ (sứ vụ) và theo phong cách tham gia và giáo dục
trong sự đồng trách nhiệm khác biệt (sự tham gia)” (147).
“Một lĩnh vực khác có tầm quan trọng lớn là việc thúc đẩy
trong mọi bối cảnh giáo hội một nền văn hóa bảo vệ, biến cộng đoàn thành nơi an
toàn hơn bao giờ hết cho trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương”
(150).
Cuối cùng, “các chủ đề trong học thuyết xã hội của Giáo hội,
ví dụ như dấn thân vì hòa bình và công lý, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta
và đối thoại liên văn hóa và liên tôn, cũng phải được chia sẻ rộng rãi hơn
trong Dân Chúa” (151).
Phó thác cho Đức Maria
Tài liệu nói trong đoạn áp chót: “Bằng cách sống lại tiến
trình hiệp hành, chúng ta đã nhận ra rằng ơn cứu độ được đón nhận và được loan
báo có mối quan hệ thiết yếu. Chúng ta cùng nhau sống và làm chứng cho ơn cứu độ
đó. Đối với chúng ta, lịch sử dường như được đánh dấu một cách bi thảm bởi chiến
tranh, sự tranh giành quyền lực, hàng ngàn bất công và lạm dụng. Tuy nhiên,
chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần đã đặt vào tâm hồn mỗi người một ước muốn
sâu xa và thầm lặng về những mối quan hệ đích thực và những mối liên kết thực sự.
Chính công trình tạo dựng nói lên sự hiệp nhất và chia sẻ, sự đa dạng và đan
xen giữa các dạng sống khác nhau” (154).
Tài liệu kết thúc bằng lời cầu nguyện phó thác “kết quả của
Thượng Hội đồng này cho Đức Trinh Nữ Maria”. “Xin Mẹ dạy chúng con trở thành một
dân tộc của các môn đệ truyền giáo cùng nhau bước đi, trở thành một Giáo hội hiệp
hành” (155).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét