Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024

ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ BAN HÀNH THÔNG ĐIỆP THỨ TƯ, "NGƯỜI ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA"

 


ĐTC Phanxicô ban hành Thông điệp thứ tư, “Người đã yêu thương chúng ta"

Ngày 24/10/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp thứ tư có tên “Dilexit nos” (Người đã yêu thương chúng ta). Thông điệp lược lại suy tư truyền thống và hiện tại “về tình yêu theo chiều kích con người và Thiên Chúa của trái tim Chúa Giêsu Kitô”, mời gọi chúng ta canh tân lòng sùng kính đích thực của mình để không quên sự dịu dàng của đức tin, niềm vui của việc hiến thân phục vụ và lòng nhiệt thành của sứ mạng.

Vatican News

Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu được ban hành trong bối cảnh các cử hành kỷ niệm 350 năm lần đầu tiên Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện ra với Thánh nữ Magarita Maria Alacoque, vào năm 1673; các cử hành này sẽ kết thúc vào ngày 27/6/2025.

Thông điệp gồm 220 số, được chia thành 5 chương, bắt đầu với lời của Thánh Phaolô nói về Chúa Kitô: “Dilexit nos” (Người đã yêu thương chúng ta) (Rm 8,37) để giúp chúng ta khám phá rằng “không gì có thể tách rời chúng ta” khỏi tình yêu này (Rm 8,39).

Đức Thánh Cha cũng viết trong số đầu tiên của Thông điệp: “Trái tim rộng mở của Người đi trước chúng ta và chờ đợi chúng ta vô điều kiện, không đòi hỏi bất kỳ yêu cầu nào trước để có thể yêu thương chúng ta và cống hiến cho chúng ta tình bạn của Người: Người yêu thương chúng ta trước (x. 1 Ga 4,10). Nhờ Chúa Giêsu “chúng ta đã biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta” (1 Ga 4,16)” (1).

Trong Trái Tim Chúa Giêsu chúng ta nhận ra chính mình và học cách yêu thương

Trong một xã hội với sự gia tăng của “nhiều hình thức tôn giáo khác nhau mà không đề cập đến mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa tình yêu” (87), trong khi Kitô giáo thường quên mất “sự dịu dàng của đức tin, niềm vui của việc cống hiến để phục vụ, lòng nhiệt thành truyền giáo từ người này sang người khác" (88), Đức Thánh Cha đề xuất tái đào sâu về tình yêu của Chúa Kitô được thể hiện trong Thánh Tâm Người và mời gọi chúng ta canh tân lòng sùng kính đích thực của mình bằng cách nhớ rằng trong Trái Tim Chúa Kitô “chúng ta có thể tìm thấy toàn bộ Tin Mừng” (89): chính trong Trái Tim Người mà “cuối cùng chúng ta nhận ra chính mình và học cách yêu thương” (30).

Đức Thánh Cha giải thích rằng bằng cách gặp gỡ tình yêu của Chúa Kitô, “chúng ta có khả năng dệt nên những mối dây huynh đệ, nhận ra phẩm giá của mỗi con người và cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” (217). Và trước Trái Tim Chúa Kitô, ngài cầu xin Chúa “một lần nữa tỏ lòng thương xót đối với trái đất bị thương tích này” bằng cách tuôn đổ trên đó “những kho tàng ánh sáng và tình yêu của Người”, để thế giới “tồn tại giữa chiến tranh, những mất cân bằng kinh tế xã hội, chủ nghĩa tiêu thụ và việc sử dụng công nghệ chống con người, có thể phục hồi điều quan trọng và cần thiết nhất: trái tim” (31).

Chương 1: Tầm quan trọng của trái tim

Chương thứ nhất, “Tầm quan trọng của trái tim”, giải thích tại sao cần phải “trở về với trái tim” trong một thế giới mà chúng ta bị cám dỗ “trở thành những người tiêu dùng vô độ” (2). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hiện nay tầm quan trọng của trái tim bị đánh giá thấp lại do “chủ nghĩa duy lý Hy Lạp và tiền Kitô giáo, chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật hậu Kitô giáo”, vốn ưa thích các khái niệm như “lý trí, ý chí hay tự do”.

Chương 2: Những cử chỉ và lời nói yêu thương của Chúa Kitô

Chương thứ hai nói về những cử chỉ và lời nói yêu thương của Chúa Kitô, những cử chỉ qua đó Người cư xử với chúng ta như những người bạn và cho thấy rằng Thiên Chúa “là sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng”.

Chương 3: Đây là trái tim đã yêu thương rất nhiều

Trong chương thứ ba, “Đây là trái tim đã yêu thương rất nhiều”, Đức Thánh Cha cho thấy rõ rằng Trái Tim Chúa Kitô chứa đựng “ba mặt của tình yêu”: sự nhạy cảm của trái tim thể lý “và tình yêu thiêng liêng kép của Người, con người và Thiên Chúa” (66), trong đó chúng ta tìm thấy “cái vô hạn trong cái hữu hạn” (64). Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta canh tân lòng sùng kính Trái Tim Chúa Kitô cũng để chống lại “những biểu hiện mới của một ‘linh đạo phi thân xác’” hiện diện trong xã hội” (87). Cần phải quay trở lại với “sự tổng hợp nhập thể của Tin Mừng” (90) khi đứng trước “các cộng đồng và các mục tử chỉ tập trung vào các hoạt động bên ngoài, những cải cách cơ cấu không có Tin Mừng, các ám ảnh về tổ chức, các dự án trần thế, những suy tư thế tục hóa”, trước các đề xuất “mà đôi khi đòi áp đặt lên mọi người” (88).

Chương 4: Tình yêu ban nước Thánh Thần

Trong chương thứ tư, “Tình yêu ban nước uống”, Đức Thánh Cha trích dẫn một số Giáo phụ đã nói về “vết thương nơi cạnh sườn Chúa Giêsu là nguồn gốc của nước Thánh Thần” làm dịu đi cơn khát tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta. Thánh Augustinô “đã mở đường cho việc sùng kính Thánh Tâm như một nơi gặp gỡ cá nhân với Chúa” (103). Đức Thánh Cha nhắc lại, dần dần khía cạnh bị thương tích này “đã mang hình dáng của trái tim”, và liệt kê một số phụ nữ thánh thiện đã “kể lại những kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô, được đặc trưng bởi sự an nghỉ trong Trái Tim Chúa” (110).

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại kinh nghiệm kết nối mật thiết với Thánh Tâm Chúa Giêsu của một số vị thánh như Thánh Magarita Maria Alacoque, Thánh Têrêsa thành Lisieux, Thánh Faustina Kowalska, Thánh Gioan Phaolô II.

Chương 5: Tình yêu vì tình yêu

Trong chương thứ năm và cũng là chương cuối cùng “Tình yêu vì tình yêu”, Đức Thánh Cha đi sâu vào chiều kích cộng đồng, xã hội và truyền giáo của mọi lòng sùng kính đích thực đối với Trái Tim Chúa Kitô, Đấng mà khi “dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, sai chúng ta đến với anh em của chúng ta” (163). Thực ra, “tình yêu dành cho anh em” là “cử chỉ lớn nhất mà chúng ta có thể cống hiến cho họ để đáp lại tình yêu bằng tình yêu” (167). Nhìn vào lịch sử linh đạo, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng sự dấn thân truyền giáo của Thánh Charles de Foucauld đã biến ngài thành một “người anh em phổ quát”: “để cho mình được uốn nắn bởi Trái Tim Chúa Kitô, ngài muốn đón nhận toàn thể nhân loại đang đau khổ trong trái tim huynh đệ của mình” (179).

Đền tạ Thánh Tâm

Sau đó, Đức Thánh Cha nói về “sự đền tạ” Thánh Tâm, như Thánh Gioan Phaolô II giải thích: “bằng cách cùng nhau hiến thân cho Trái Tim Chúa Kitô, ‘trên những đống đổ nát do hận thù và bạo lực tích tụ, Người có thể xây dựng nền văn minh của tình yêu mà nhiều người mong ước, vương quốc của trái tim Chúa Kitô’” (182).

Thông điệp một lần nữa nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II rằng việc thánh hiến cho Trái Tim Chúa Kitô “được so sánh với hoạt động truyền giáo của chính Giáo Hội”, và lời Thánh Phaolô VI nhấn mạnh, chúng ta cần “những nhà truyền giáo yêu thương, những người đã để Chúa Kitô chinh phục” (209).

Thông điệp kết thúc với lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-10/dtc-phanxico-dilexit-nos-nguoi-da-yeu-thuong-chung-ta-thanh-tam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét