Trang

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

15-06-2012 : THỨ SÁU - LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU


LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU
Lễ Trọng
Ngày thế giới xin ơn thánh hóa các Linh mục.

BÀI ĐỌC I: Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9
"Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Đây Thiên Chúa phán: "Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
"Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.
Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt".
 Đó là lời Chúa.
Tiên tri Hô-sê đang rao giảng.

ĐÁP CA: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6
Đáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Đấng Cứu Độ (c. 3).
Xướng: 1) Đây Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Đấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. - Đáp.
2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. - Đáp.
3) Hãy ca tụng, vì Người làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Đấng cao cả là Đấng Thánh Israel ở giữa ngươi. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Ep 3, 8-12. 14-19
"Biết lòng mến của Đức Kitô vượt quá trí hiểu loài người".
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân Ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.
Nhân vì lẽ ấy, tôi quỳ gối trước mặt Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Đức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Đức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 11, 29ab
Alleluia, alleluia! - Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. - Alleluia.
Hoặc: 1 Ga 4, 10b
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 19, 31-37
"Tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, và máu cùng nước chảy ra".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày sabbat, vì ngày sabbat là một ngày trọng đại, những người Do-thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân. Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra. Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin. Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: "Không một cái xương nào của Người bị đánh giập". Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: "Chúng sẽ nhìn vào Đấng chúng đã đâm thâu qua".
 Đó là lời Chúa.
Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm, Năm B
Bài đọc: Hos 11:1, 3-4, 8c-9; Eph 3:8-12, 14-19; Jn 19:31-37.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thánh Tâm Chúa Giêsu

            Chúng ta thường rất ghét người phản bội, nhất là sự phản bội từ những người mà chúng ta đã yêu thương, hy sinh, và lo lắng mọi sự cho họ như: vợ chồng, con cái, bạn kết nghĩa ... Nhưng nếu xét về mối liên hệ của chúng ta dành cho Đức Kitô, chúng ta cũng chẳng khác chi những người phản bội hay vô ơn bạc nghĩa; vì chúng ta đã không đền đáp cho cân xứng những gì Ngài đã làm cho chúng ta: ơn cứu tử, ơn được làm con Thiên Chúa, ơn nuôi dưỡng hằng ngày qua BT Thánh Thể, ơn dạy dỗ qua Kinh Thánh, ơn răn dạy và thúc đẩy làm hòa với Thiên Chúa, và ơn thánh bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm.
            Các Bài Đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu Thiên Chúa, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Trong Bài Đọc I, tiên tri Hosea nhắc nhở cho dân Do-thái biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ như tình phụ tử của người cha dành cho con; thế mà họ đã phản bội Ngài như những dân thành tội lỗi nhất của Cựu Ước. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Ephesô về tình yêu của Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài. Theo Kế Hoạch này, Ngài chọn dân Do-thái làm dân riêng trước để yêu thương và dạy dỗ họ; nhưng khi Đức Kitô đến, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ mở rộng đến tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, thánh Gioan ghi lại một biến cố quan trọng trong những giờ phút cuối cùng của Đức Kitô trên Thập Giá: một tên lính không đập gẫy ống chân Ngài; nhưng dùng ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Ngài, tức thì Nước cùng Máu chảy ra. Nước để rửa sạch tội cho con người qua BT Rửa Tội để con người xứng đáng làm con Chúa, và Máu để nuôi dưỡng con người qua BT Thánh Thể và cung cấp đời sống thần linh cho con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc ITình thương Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel.
            1.1/ Mối tình phụ tử: Tiên tri Hosea dùng nhiều hình ảnh để diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Trong trình thuật hôm nay, tiên tri ví Thiên Chúa như người cha và Israel như người con: ''Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.'' Khi dân Israel còn làm nô lệ bên Ai-cập, Thiên Chúa vì yêu họ, nên đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai-cập qua sự lãnh đạo của ông Moses để ban cho họ một vùng Đất Hứa chảy sữa và mật. Ngài đã dạy dỗ họ từng ly từng tí, và ban Thập Giới để họ biết sống xứng đáng như Dân Riêng của Ngài.
            Ephraim và Manasseh là hai con của Joseph, và được tổ phụ Jacob chúc lành như 12 chi tộc của Israel. Ephraim nằm về phía Bắc và thuộc vương quốc Israel khi bị chia đôi. Nhiều tác giả đã dùng tên Ephraim để gọi vương quốc Israel phía Bắc (Isa 7:2, Jer 31:9; Eze 37:16, 19), và Judah để gọi vương quốc phía Nam.
            1.2/ Sự phản bội của Israel: Mặc dù được Thiên Chúa yêu thương, dạy dỗ, và bảo vệ cẩn thận; Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa bằng cách vi phạm các giới răn, quay lưng lại với Thiên Chúa, và chạy theo các thần ngoại bang. Theo giao ước trên núi Sinai, Thiên Chúa có quyền để mặc họ cho quân thù giày xéo, hay khiến lửa diêm sinh từ trời xuống tiêu diệt họ, như đã từng tiêu diệt các thành tội lỗi như 5 thành Sodom, Gomorrah, Admah, Zeboiim, và Zoar (Gen 14:2, 8). Nhưng tình yêu Thiên Chúa đã ngăn cản Ngài làm chuyện đó cho Israel: ''Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Admah, để ngươi nên giống như Zeboiim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.''  

2/ Bài đọc IITình thương Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.
            2.1/ Tình thương Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Kitô:
            (1) Hai đặc quyền được ban cho Phaolô: thấu hiểu và loan truyền tình thương cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô: ''Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài.''
            (2) Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: Theo Kế Hoạch này, Thiên Chúa chọn dân Do-thái là dân riêng trước, rồi sau đó lan ra đến mọi dân tộc. Ý định cứu độ tất cả đã có từ đầu; nhưng hiện thực với sự xuất hiện của Đức Kitô. Phaolô viết: ''Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật... Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa.''
            (3) Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để loan truyền Kế Hoạch Cứu Độ cho mọi người: ''để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.''
            2.2/ Tình thương của Thiên Chúa và của Đức Kitô vượt quá sự hiểu biết của con người.
            (1) Tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa: Giống như Gioan, thánh Phaolô tin tưởng Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu. Ngài yêu con người như người cha yêu thương con cái, và tình phụ tử của Thiên Chúa là "nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất."
            (2) Biểu lộ của tình thương Thiên Chúa: Để biểu lộ tình thương cho con người, Thiên Chúa đã làm hai việc trọng đại, như chúng ta đã đề cập đến trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi:
            - Ban Thánh Thần của Ngài cho con người: để soi sáng, củng cố mạnh mẽ, và làm cho đời sống nội tâm của các tín hữu được vững vàng.
            - Ban Người Con Một của Ngài là Đức Kitô: Thánh Phaolô cầu nguyện: ''Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.''


3/ Phúc ÂmHọ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
            3.1/ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu:
            (1) Khác biệt giữa phong tục của Rôma và Do-thái: Người Rôma để xác chết của nạn nhân bên ngoài cho đền khi tan biến. Người Do-thái chôn cất nạn nhân. Trình thuật kể: ''Hôm đó là ngày áp lễ (Vượt Qua), người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabbath, mà ngày Sabbath đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.''
            (2) Chúa Giêsu bị đâm thâu: ''Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.''
            (3) Ý nghĩa của Nước và Máu: Các thánh Giáo Phụ đã suy tư về biến cố này và cắt nghĩa:
                        + Nước tượng trưng cho BT Rửa Tội và Máu tượng trưng cho BT Thánh Thể.
                        + Nước tượng trưng cho sự thanh tẩy tội lỗi và Máu tượng trưng cho sự sống.
                        + Nước tượng trưng cho sự sống và Máu tượng trưng cho Thánh Thần.
                        + Như bà Evà được tạo từ cạnh sườn ông Adong, Hội Thánh cũng được phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu.
            3.2/ Làm chứng cho tình thương Thiên Chúa: ''Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.'' Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh:
            (1) Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua không tì tích: ''Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.'' Tin Mừng Gioan tiên báo Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa bỏ tộ trần gian ngay từ đầu (Jn 1:29); và theo truyền thống, con chiên dùng trong lễ Vượt Qua phải là con chiên không tì tích, và không một khúc xương nào của con chiên này bị bẻ gẫy (Exo 12:46, Num 9:12).
                (2) Lời tuyên bố về lòng sùng kính Thánh Tâm: ''Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.'' Biến cố này làm trọn những gì đã được loan báo bởi tiên tri Zechariah (Zech 12:10) và được tác giả Sách Khải Huyền tuyên bố sẽ xảy ra trong Ngày Cánh Chung (Rev 1:7). Nhiều người cũng dùng những lời này như lời tiên tri về sự sùng kính Thánh Tâm của con người như đang xảy ra trong thời đại chúng ta.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            - Chúng ta không thể tách rời tình thương Thiên Chúa ra khỏi tình thương của Đức Kitô. Khi chúng ta cảm nhận tình thương của Đức Kitô, cũng là lúc chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa.
            - Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa đã thương yêu và muốn cứu chuộc tất cả mọi người; nhưng khi Đức Kitô nhập thể, Ngài chính thức loan truyền ơn cứu độ cho mọi người.
            - Thiên Chúa luôn yêu thương và trung thành giữ lời hứa, nhưng con người luôn bất trung và phản bội. Mừng Lễ Thánh Tâm là dịp chúng ta nhìn lại tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta và quyết tâm đền tạ những tội lỗi chúng ta và nhân loại đã không ngừng xúc phạm đến Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

Thánh Tâm Chúa Giêsu, năm B
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại cho đến chết. Trái tim Chúa đã mở ra, những giọt nước và máu cuối cùng đã được ban cho nhân loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con rất xúc động khi nhìn thấy trái tim Chúa đã bị lưỡi đòng đâm thâu. Chúa đã không tiếc gì với con. Cả đến những giọt nước và giọt máu cuối cùng trong trái tim Chúa, Chúa cũng dốc cạn cho con. Tình yêu của Chúa thật cao cả và trọn vẹn.
Lạy Chúa Giêsu, dịp lễ Thánh Tâm Chúa là cơ hội để con chiêm ngưỡng và nhận biết tình yêu Chúa đã dành cho con, và nhất là để con biết đáp lại tình yêu Chúa bằng một tấm lòng chân thành với tình mến sâu xa. Thật vậy, trái tim của con đang cần thanh luyện để biết yêu thương quảng đại hơn, biết mở rộng cõi lòng như một món quà trao tặng người khác. Nếu Chúa đã yêu thương con cách trọn vẹn, kể cả những giọt máu cuối cùng trong trái tim, thì con cũng cần biểu lộ một tình yêu biết dốc cạn cho người khác. Tình yêu được dốc cạn khi con sẵn sàng tự nguyện đi bước trước, đến bắt tay kẻ con đang giận hờn. Tình yêu được dốc cạn khi con quảng đại giúp người túng thiếu, không một chút luyến tiếc hoặc tính toán hơn thiệt. Và tình yêu được dốc cạn khi con dám can đảm chấp nhận phần thiệt thòi cho mình, để người khác được lợi ích hơn.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin Chúa thanh luyện trái tim con và giúp con thực hiện điều đó. Amen.
Ghi nhớ : "Tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, và máu cùng nước chảy ra".


15/06/12 THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Ga 19,31-37


CÓ TÂM NHƯ THÁNH TÂM

Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Nguời đã chết, họ không đánh dập ống chân Người. Nhưng có một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,33-34)

Suy niệm: Ngắm nhìn kỹ một tấm ảnh hay một pho tượng Thánh Tâm, bạn sẽ nhận ra một điều khác thường: Trái Tim Chúa Giêsu không nằm trong lồng ngực, nhưng bày ra bên ngoài. Trước khi gia nhập Kitô giáo, năm 1597 quan đại thần Tsukamoto đã phát hiện ra điều lý thú này. Ông đã ghi vào bức ảnh Thánh Tâm: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” và nói với ông bạn Osaki: “…Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo. Để ông bạn coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu tâm”, còn đối với bản thân mình thì “Vô tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời giúp người (…). Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy”.

Mời Bạn suy gẫm lời nhận định trên đây của một người lương dân trước khi gia nhập Kitô giáo. Bạn có nhận thấy như Tsukamoto không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thay đổi quan điểm sống trong cuộc đời: có tấm lòng, có cái tâm như Thánh Tâm Chúa Giê-su khi sống với đồng loại.

Cầu nguyện: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa. Xin biến đổi con để con yêu tha nhân bằng trái tim của Chúa. Amen.”



Máu cùng nước chảy ra
Suy nim:
Muốn nhìn thấy Trái Tim của Thiên Chúa, phải đến với Giêsu.
Muốn nhìn thấy Trái Tim của Giêsu, chúng ta có thể đứng từ nhiều vị trí.
Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu cúi xuống trên những bệnh nhân và tội nhân,
trên người thu thuế và gái điếm, trên phụ nữ và trẻ em.
Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu nuôi dân ăn no, hay rửa chân cho các môn đệ.
Nhưng có một chỗ đứng đặc biệt để nhìn thấu Trái Tim của Giêsu,
nhìn rõ Trái Tim đó vào lúc yêu bằng tình yêu lớn nhất,
chỗ đó là Núi Sọ, lúc đó là buổi chiều thứ sáu, áp lễ Vượt Qua,
khi đó Trái Tim ấy đã ngừng đập và bị đâm thâu.
Chỉ riêng Tin Mừng thứ tư kể lại chuyện Đức Giêsu bị đâm vào cạnh sườn,
khi Ngài chịu đóng đinh trên thánh giá.
Có Mẹ của Ngài và người môn đệ Ngài thương mến đứng gần bên.
Chính người môn đệ này đã chứng kiến tận mắt
và muốn làm chứng một cách nghiêm túc cho các môn đệ tương lai
về điều đối với ông thật là quan trọng, để họ cũng tin như ông (c.35).
Câu chuyện xảy ra thật là đơn giản.
Người Do thái muốn hạ xác các người bị đóng đinh xuống,
vì chiều thứ sáu là đã bắt đầu ngày sabát,
cũng là ngày đầu tiên của tuần lễ Vượt Qua, một đại lễ trong năm.
Thấy Đức Giêsu chết rồi, lính đã không đánh giập ống chân nữa.
“Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.
Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (c. 34).
Làm sao máu có thể chảy ra khi tim đã ngừng bơm máu và xác đã chết ?
Làm sao máu và nước có thể chảy ra một cách có vẻ biệt lập như vậy ?
Nhiều nhà khoa học đã tìm cách giải thích hiện tượng này,
và đối với họ điều này không phải là không có khả năng xảy ra,
đối với một người mới chết, đang ở tư thế thẳng đứng.
Người môn đệ được Chúa mến thương đã chứng kiến cảnh tượng ấy,
hẳn đã nhận ra và trân trọng ý nghĩa sâu xa của nó.
Giáo Hội vẫn coi các bí tích được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu.
Máu là máu của bí tích Thánh Thể, nước là nước của bí tích Thánh Tẩy.
Từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra dòng nước mà Ngài đã hứa ban trước đây.
“Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38-39).
Dòng nước ấy là Thần Khí Ngài ban khi gục đầu tắt thở (Ga 19, 30).
Chính vào giờ Đức Giêsu chịu treo, người ta giết chiên Vượt qua để mừng lễ.
Đức Giêsu mới là Chiên Vượt qua đích thực (Ga 1, 29. 36).
Ngài chết như con chiên hiền lành bị đem đi giết, như người Tôi Trung (Is 53, 7).
Ngài chết như con chiên Vượt qua không bị đánh giập cái xương nào (c. 36).
Lễ Thánh Tâm cũng là ngày thánh hóa các linh mục.
Chúng ta cầu cho các linh mục có trái tim của Thầy Giêsu,
trái tim bị đâm thâu, nên đã mở ra để đón mọi người chẳng trừ ai,
trái tim yêu đến cùng, yêu bằng tình yêu lớn nhất, yêu đến hiến mạng.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, và máu cùng nước chảy ra".
Tình yêu

Vào một buổi sáng Chúa nhật đẹp trời năm 1912, chiếc tàu khổng lồ mang tên là Titanic được hạ thủy và khởi hành sang Mỹ. Trong chuyến đi đầu tiên này, chiếc tàu ấy chẳng may đụng phải băng sơn, khiến cho nước ùa tràn vào và con tàu bị chìm dần dưới lòng đại dương.
Hành khách hoảng hốt tìm cách cứu thoát lấy mình và những người thân yêu trên những chiếc thuyền cứu cấp. Giữa cảnh kinh hoàng ấy, bỗng người ta nghe thấy một giọng hát vang lên:
- Gần bên Chúa, linh hồn con sướng vui.
Với chúng ta cũng vậy, giữa lòng cuộc đời đầy sóng gió, khổ đau và thử thách, nếu chúng ta biết suy nghĩ về tình thương của Chúa và nhất là nếu chúng ta biết sống gắn bó mật thiết với Thánh Tâm Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy được niềm vui mừng và hạnh phúc.
Có lẽ không một lời nói nào của Chúa làm cho chúng ta xúc động bằng lời nói đầy yêu thương sau đây:
- Này con, con hãy dâng lòng con cho Cha.
Khi nghe đọc những lời này, chúng ta dường như cảm thấy Chúa đang gõ cửa, đang dang tay van xin chút tình yêu thương của chúng ta.
Thực vậy, Ngài không phải chỉ van xin bằng lời nói, mà Ngài còn thực hiện sự van xin ấy bằng những việc làm cụ thể. Máng cỏ, Thập Giá và Thánh Thể đã chẳng phải là những bằng chứng hùng hồn nhất của một tình yêu điên khùng và mạnh mẽ đó sao?
Đúng thế, mỗi năm vào dịp lễ Giáng sinh, khi quì bên máng cỏ, chúng ta không bồi hồi xúc động sao được. Hài nhi Giêsu nằm trên lớp cỏ rơm, không nói với chúng ta bằng ngôn từ, nhưng nói với chúng ta bằng việc làm, bằng chứng tích cụ thể của tình yêu:
- Con thấy không Cha đã yêu thương con biết bao, chính vì yêu con mà Cha đã đi con đường dài nhất, con đường từ trời xuống đất. Cha đã đến trong thế gian, chỉ vì yêu thương con mà thôi.
Rồi trong những phút giây thinh lặng ấy, chúng ta hãy ngước nhìn lên Thập Giá và tự hỏi:
- Ai đã chịu treo trên đó?
- Con Thiên Chúa.
- Tại sao Ngài lại chấp nhận một cái chết tủi nhục và đớn đau như thế?
- Chỉ vì yêu thương chúng ta mà thôi.
Thực vậy, vì yêu thương chúng ta, Ngài đã xuống thế làm người. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã sống một cuộc sống nghèo túng và cực nhọc. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã chịu đánh đòn, chịu đội mạo gai và sau cùng chịu đóng đinh vào Thập Giá. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã chịu lưỡi đòng đâm qua trái tim.
Suy nghĩ về cực hình Thập Giá, chúng ta phải kêu lên như thánh Phaolô:
- Chúa đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi.
Sau cùng, hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đã biết về hình ảnh người mục tử nhân lành. Đúng thế, người mục tử nhân lành dẫn đàn chiên tới đồng cỏ xanh và tới dòng suối mát. Người mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đàn chiên trước sự tấn công của sói rừng. Và khi chiều xuống, người mục tử nhân lành đưa đàn chiên về chuồng để nghỉ qua đêm.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ về bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta sẽ thấy tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta còn trở vượt hơn tình yêu của người mục tử nhân lành rất nhiều.
Nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thấy được những  gì? Chúng ta thấy Chúa Giêsu trao ban chính bản thân Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Cả Mình với Máu thánh. Cả thân xác với linh hồn. Cả bản tính nhân loại với bản tính Thiên Chúa.
Vì thế, chúng ta đừng đáp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.
Và sau cùng, tước tình yêu thương vô biên của Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng lên Ngài lời nguyện cầu chân thành:
- Lạy Chúa, xin cho con biết làm mọi sự vì lòng yêu mến Chúa.

Thánh Tâm Chúa Giêsu
Như chúng ta đã biết vào chiều Thứ sáu Tuần Thánh, trên đỉnh đồi Canvê, có một người lính lấy lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn, trúng trái tim Chúa Giêsu, tức thì máu cùng nước chảy ra.
Tương truyền rằng kẻ đâm ngọn giáo ấy tên là Longinô. Anh đã được biết Chúa và trở lại cùng Chúa. Khi chết đi, anh được chôn cất tại Pháp và trên phần mộ của anh còn ghi những chữ như sau:
- Đây là nơi an nghỉ của Longinô, người đã đâm cây đòng vào cạnh sườn Đấng Cứu thế.
Chúa Giêsu đã đổ máu không phải riêng gì do lưỡi đòng của người lính này. Thực ra, cả nhân loại đã đứng lên giết Chúa. Trong đó có chính bản thân chúng ta nữa.
Tuy nhiên, cái chết của Chúa không phải là một vụ thảm sát, nhưng là một cuộc cách mạng. Cái chết của Chúa không phải là một sự thất bại, nhưng là một thành công to lớn, bởi vì máu Chúa đem lại sự sống, như hạt lúa phải mục nát để mầm sống xanh tươi được vươn lên.
Máu Chúa đem lại ơn tha thứ, như giòng nước tinh tuyền gột sạch tâm hồn chúng ta, đem lại sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau.
Nếu như tâm hồn chúng ta đang thất vọng chán nản vì tội lụy, nếu như tâm hồn chúng ta đang mang những vết thương cuộc đời, thì chúng ta hãy chạy đến với Chúa, để Người chăm sóc và băng bó, để Ngài chuyền máu mà cứu chữa. Bởi vì chỉ trong Người chúng ta mới biết được sống thực là gì.
Tiếp đến, chúng ta hãy nhìn vào trái tim Chúa để cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chảy sang tâm hồn chúng ta và để trái tim chúng ta có chung một nhịp đập với trái tim Chúa.
Thực vậy, dù là ai chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được chia sẻ với trái tim Chúa, chúng ta vẫn được nghe nhịp đập của trái tim Chúa thổn thức như Gioan thuở trước. Nhân loại ngày nay đang cố gắng thay tim và ghép tim. Chúng ta cũng hãy đến với Chúa để Ngài đổi cho chúng ta một trái tim mới.
Đúng thế, có khi con tim chúng ta đã già nua và bệnh hoạn, trong khi tuổi đời vẫn còn trẻ. Có khi con tim của chúng ta đã bị chia năm xẻ bảy, trong đó Thiên Chúa chưa chắc đã có lấy được một phần nhỏ nhoi. Có khi con tim của chúng ta đã mệt mỏi và trở nên băng giá, không còn hăng hái nhiệt thành như thuở chúng ta mới biết Chúa và yêu Chúa. Có khi con tim của chúng ta đã ngoại tình, đã lang chạ, nghĩa là không còn trung thành với Chúa, trái lại đã xé rào để chạy theo những thần tượng giả dối như tiền tài, lạc thú và danh vọng.
Hãy hồi tâm, xét mình và kiểm điểm lại đời sống để xem tình trạng con tim mình như thế nào. Bởi vì không ai muốn mang lấy một trái tim bệnh hoạn, không ai muốn chấp nhận một trái tim bị chia xẻ.
Cựu ước đã diễn tả Thiên Chúa là Đấng hay ghen, cho nên Ngài càng không thể chấp nhận bệnh hoạn, chia sẻ và chai đá. Ngài chỉ bằng lòng cư ngụ trong một trái tim trong sạch, và hoàn toàn trống không.
Tất cả những danh vọng, của cải và lạc thú phải được qua một bên để dành chỗ ưu tiên số một cho Chúa. Hãy dâng lên Chúa trái tim nhỏ bé của chúng ta, cùng với một tình yêu trọn vẹn, không chia năm xẻ bảy, để cuộc đời chúng ta được thuộc hẳn về Chúa.

Thánh Tâm
Thế kỷ 16, Giáo Hội bị xâu xé bởi nhiều lạc giáo mệnh danh cải cách Giáo Hội. Luther chống lại tình thương tha thứ của Chúa đối với tội nhân. Chủ trương Thiên Chúa đã tiền định ai được lên thiên đàng, ai bị xuống hỏa ngục trước rồi, không còn phép tha tội nữa. Calvin chối phép Thánh Thể. Jensenis hạn chế rước lễ vì sợ Chúa phạt khi xúc phạm đến Chúa.
Giữa thời đại khủng hoảng về tình yêu Thiên Chúa, ngày 27 tháng 12 năm 1673 lễ thánh Gioan, người môn đệ dựa đầu vào Thánh Tâm Chúa trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Magarita giữa hào quang sáng láng như mặt trời, Chúa Giêsu đã phán: “Đây là Thánh Tâm Cha đã yêu thương loài người vô cùng … Con phải truyền bá việc tôn sùng Thánh Tâm Cha để làm phương thế kín múc kho tàng châu báu cho loài người”. Chúa cho thánh nữ thấy Thánh Tâm chứa đựng mọi ơn thánh hóa và ơn cứu độ cần thiết để kéo các linh hồn ra khỏi vực thẳm chết đời đời.
Chúa Giêsu còn hiện ra nhiều lần kêu gọi thực hiện tôn sùng Thánh Tâm và đặc biệt năm 1675 Chúa đã dạy thánh nữ vận động lập lễ kính Thánh Tâm Chúa vào thứ sáu sau lễ Mình Máu Chúa. Tháng 7 năm 1685 lễ Thánh Tâm được mừng lần đầu tiên tại nhà dòng Đức Mẹ thăm viếng ở Paray le Monial. Đến năm 1765 Đức Thánh Cha Clêmentê 13 lập lễ và kinh nguyện Thánh Tâm mừng tại Rôma và các nơi.
Lễ Thánh Tâm nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa: “Thánh Tâm đã thương yêu loài người quá bội”.
Bài đọc I, tiên tri Ôsê đã mô tả tình yêu Thiên Chúa thương dân Người như tình yêu cha mẹ đối với con thơ, bồng bế, áp má, đút ăn, tập đi, săn sóc êm ái không ngơi: “Tim Ta thổn thức, ruột gan bồi hồi ở giữa các ngươi”.
Thánh Gioan còn mô tả tình yêu Thiên Chúa qua sự hy sinh chịu chết trên thập giá của Chúa Giêsu. Thân xác chịu trăm ngàn đòn, bị đóng đinh chết treo lên, thế mà vẫn còn để cho tên lính lấy giáo thọc sâu vào Thánh Tâm, đổ hết máu và nước ra cho chúng nhìn thấu Thánh Tâm Chúa thương yêu chúng dường nào.
Không phải vô tình mà thánh Gioan nhấn mạnh đến cái nhìn vào Thánh Tâm Chúa. Chính Thánh Tâm đã mở ra cho Gioan nhìn thấy tình yêu Thiên Chúa, cho những người lành và còn đặc biệt cho chúng ta, cho quân dữ, cho kẻ thù và cho kẻ tội lỗi: “Họ sẽ nhìn vào Đấng họ đã đâm thâu qua” (Ga. 19, 37).
Thực sự, chính quân dữ đã được ơn nhìn vào Thánh Tâm, nên đã đấmngực ăn năn và tuyên xưng: “Thật người này là Con Thiên Chúa”.
Chính Phaolô khi đi lùng bắt các Kitô hữu, đã được nhìn vào Thánh Tâm Chúa mà được ơn trở lại, nên khi viết thư cho giáo đoàn Êphêsô, Phaolô đã quỳ gối xuống trước mặt Chúa Cha trên trời dưới đất, cầu khẩn cho anh em được hợp cùng các thánh mà nhận biết chiều rộng, dài, cao, sâu của tình yêu của Chúa Kitô vượt quá trí loài người. Như thế, anh em mới được sung mãn trong nguồn ơn vô biên của Thiên Chúa.
Tình yêu Chúa đã thắng kẻ thù. Chỉ có tình yêu đó mới chiến thắng thế gian.
Đại đế Napolêôn là anh hùng vô địch, bách chiến bách thắng khắp các nước Âu châu. Chỉ trong một tháng, ông kéo 500.000 quân tràn qua Đông Âu, chiếm thủ đô nước Nga dễ dàng. Nhưng đoàn quân chiến thắng trở thành quân cướp của, giết người và đâm chém giết lộn nhau. Trong cảnh chém giết hỗn loạn, Napolêôn mới hiểu sức mạnh binh hùng dũng tướng mà thiếu tình yêu, thì khốn nạn đến chừng nào! Nên ông đã tuyên bố: “Chỉ có tình yêu mới chiến thắng”.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu đang bốc lửa yêu mến loài người chúng con quá bội, xin cho trái tim mỗi người chúng con được cháy lửa yêu mến Chúa nồng nàn, cho chúng con thương yêu nhau, hy sinh phục vụ nhau, tha thứ cho nhau, mới mong làm cho cuộc sống nơi trần gian trở nên êm ái, nhẹ nhàng.
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 6
15 THÁNG SÁU
Thiên Chúa Cai Quản Mọi Sự
Một Cách Tốt Đẹp
“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất”. Lời tuyên tín đầu tiên này của Kinh Tin Kính sẽ không bao giờ ngừng tuôn đổ sự phong phú phi thường của nó cho chúng ta. Thiên Chúa là Cha và là Đấng tạo thành “mọi sự hữu hình và vô hình”. Ngài cai quản muôn loài bằng sự quan phòng thần linh của Ngài.
Với những suy tư về công cuộc sáng tạo, đã đến lúc chúng ta bắt đầu một loạt các giáo huấn về chủ đề sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự quan phòng này nằm trong chính cốt lõi đức tin Kitô giáo và trong đáy lòng của mọi người được mời gọi đến với đức tin. Thiên Chúa là Cha khôn ngoan và toàn năng của chúng ta. Ngài hiện diện và hành động trong thế giới. Xuyên qua sự quan phòng thần linh của Ngài, Thiên Chúa lo liệu sao cho mọi tạo vật có thể sống trọn vẹn trong sự hiện diện của Ngài. Một cách đặc biệt, Ngài lo liệu cho chúng ta và các nhu cầu của chúng ta, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Thiên Chúa – là Cha chúng ta – mong muốn rằng hành trình của chúng ta được hướng dẫn bởi chân lý tình yêu của Ngài, trong khi chúng ta tiến về mục tiêu là sự sống vĩnh cửu trong Ngài.
+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Tâm Chúa Giêsu; Ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục;
Hs 11, 1.3-4.8c-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19, 31-37.
LỜI SUY NIỆM: “Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh dập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.”(Ga 19,33-34).
        Hình ảnh Máu và Nước từ trái tim của Chúa Giêsu đã chảy ra cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã hoàn thành chương trình Cứu độ nhân loại theo Thánh Ý của Chúa Cha.
        Nước trong trái tim của Chúa Giêsu đổ ra, đã trở thành Nước Rửa Tội; Nước của ân sủng, cho những ai tin Ngài là Con Một của Thiên Chúa.
        Máu từ trái tim của Chúa Giêsu chảy ra là giá Cứu chuộc chúng ta khỏi tay ác thần, giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết để được tự do trở thành con cái Thiên Chúa và được sống muôn đời.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
15 Tháng Sáu
Thiên Chúa Không Thất Vọng Về Con Người

Văn hào Nga Dostoievski, với những tác phẩm nổi tiếng như Tội ác và Hình phạt, anh em nhà Karamazov, là người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng, như một phép lạ, vào giữa lúc sắp sửa bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh tha. Người viết tiểu sử của ông kể lại như sau:
Thời gian trong tù đã in đậm nét trên quãng đời còn lại của ông. Từ trên chiếc máy chém nhìn xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị áp bức, những người nô lệ đáng thương. Dù họ có phạm tội ác tày trời đi nữa, tâm hồn họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội, do đó đáng được sự tha thứ.
Khi bước xuống khỏi máy chém, Karamazov thấy mọi sự như vô nghĩa. Ðiều duy nhất còn có ý nghĩa đối với ông chính là tình yêu, và cho dù trong suốt 30 năm sau, cuộc đời của ông đắm chìm trong bùn nhơ của tội lỗi, của khốn khổ, của ô nhục, ông luôn nhìn mọi sự qua lăng kính của yêu thương. Một lần bị đưa lên máy chém ấy cho ông hiểu rằng con người đau khổ, tất cả mọi người đều đáng cảm thông, thương mến. Ðó là sứ điệp mà Karamazov công bố suốt cuộc đời của ông.
Cả cuộc đời của ông là một cố gắng không ngừng để diễn đạt câu nói: "Hỡi người anh em, không có gì có thể ngăn cản tôi yêu thương bạn".
Nếu có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng về con người đốn mạt của chúng ta, nếu có những lúc chúng ta không còn tin tưởng ở tình người nữa, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu. Chúng ta thấy ngay ánh mắt nhân từ, cảm thông của Ngài.
Khi Zakêu, thủ lãnh của phường thu thuế, leo lên cây cao để thấy Ngài, Chúa Giêsu đã ôn tồn nói với ông: "Hôm nay, tôi đến thăm nhà ông".
Khi người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình được dẫn ra trước mặt Ngài, Chúa Giêsu nhỏ nhẹ nói với bà: "Chị hãy về đi, tôi không kết án chị".
Khi Maria Madalêna đến quỳ dưới chân Ngài, Chúa Giêsu đã không hắt hủi cô.
Khi Phêrô phản bội Ngài, Chúa Giêsu nhìn ông với tất cả trìu mến, thông cảm.
Khi tên trộm cừu bị treo trên thập giá hướng về Ngài, Chúa Giêsu đã hứa với anh: "Hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên Thiên Ðàng".
Ngài đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi. Ngài tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá.
Qua cách cư xử của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Ngài yêu thương con người, bởi vì Ngài không thể chối bỏ hình ảnh của Ngài nơi con người. Chính ánh lửa ấy khiến cho Thiên Chúa vẫn luôn nhận ra được hình ảnh của mình nơi con người, để không bao giờ thất vọng về con người.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 15
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU


Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng con van xin Chúa, giúp chúng con yêu Thiên Chúa như Chúa muốn cho chúng con yêu Người, xin bao bọc trái tim chúng con bằng những ngọn lửa của Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con, thánh hiến chúng con, xỉn đốt lên ngọn lửa mà Chúa muôn đốt lên cả trần gian, xin hãy ôm chúng vào lòng, xin làm cho chúng cũng nồng cháy và soi sáng mọi người, Xin đốt cháy mọi ngày và soi sáng cho đến giây phút cuối cùng cuộc đời chúng con, vì vinh quang của Chúa


Charles de Foucauld

Những thuật ngữ liên tiếp nhau: lửa, ngọn lửa, đốt cháy, soi sáng.. .để diễn tả tình yêu thần linh, ngang qua Người Con nhập thể, sau đó qua các anh em của Đức Giêsu, là ân huệ tình yêu sống động để Nước Chúa trị đến trên mặt đất này. Lời cầu nguyện trong ngày lễ Hiện Xuống, Thánh thi Veni Creator ca tụng Thánh Thần tình yêu với các thuật ngữ fons vivus, ignis, caritas rất thích hợp với tổng luận này để ca tụng "nhiệm cục" của mầu nhiệm tình yêu thần linh, và người ta biết rằng bài thánh thi, với kinh Truyền Tin và tận hiến Thánh Tâm, ngày và đêm của Charles de Foucauld và các anh chị Thánh Tâm Chúa mà Chúa muốn thăm viếng.
Maurice Bouvie

Thứ Sáu 15-6

Thánh Germaine Cousin


(1579-1601)
T
hánh Germaine là một thiếu nữ quê mùa ở làng Pibrac, gần Toulouse. Vì mẹ mất sớm nên ngài phải lớn lên trong hoàn cảnh đau khổ vì bị người cha ghét bỏ và người mẹ ghẻ thật tàn nhẫn. Vì không muốn Germaine chung đụng với con riêng của mình, bà mẹ ghẻ bắt Germaine phải ngủ trong chuồng súc vật hoặc dưới gầm cầu thang, lúc nào cũng phải làm việc trong khi ăn uống rất kham khổ. Ngay khi chín tuổi, Germaine đã phải đi chăn cừu.
Bất kể những lao nhọc và bất công trong đời sống, Germaine vui lòng chấp nhận mọi sỉ nhục. Cô thích đi chăn cừu, vì đó là cơ hội để cầu nguyện và truyện trò với Thiên Chúa.
Germaine rất đạo đức và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Mỗi sáng nghe chuông đổ, dù đang chăn cừu, cô vội vã cắm cây gậy xuống đất và chạy đến nhà thờ, phó thác đàn cừu cho sự chăm sóc của các thiên thần. Chưa bao giờ đàn cừu bị nguy hại vì sói rừng khi vắng mặt cô, dù ở cạnh khu rừng. Người ta kể rằng, có lần cô đã đi trên mặt nước, chạy băng qua sông để kịp dự lễ.
Germaine quá nghèo để có thể chia sẻ vật chất cho người khác. Nhưng tình yêu tha nhân của cô luôn luôn được thể hiện qua sự giúp đỡ bất cứ ai cần đến cô, và nhất là các trẻ em trong làng, là những người được cô dạy họ biết kính sợ Thiên Chúa.
Vào lúc ấy, sự thánh thiện của Germaine bắt đầu được dân làng chú ý. Nhưng điều này cũng không giúp thay đổi gì tình trạng của cô trong gia đình. Thật vậy, cô bị trừng phạt vì đã chia sẻ thức ăn cho người ăn xin. Có lần vào mùa đông, bà mẹ ghẻ nghi ngờ cô giấu miếng bánh trong vạt áo, nhưng khi mở ra bà chỉ thấy những bông hoa thật đẹp của mùa hè rơi xuống. Gia đình bắt đầu nhận ra sự thánh thiện của cô và mời cô vào sống ở trong nhà, nhưng Germaine xin được tiếp tục cuộc sống như trước.
Năm cô 22 tuổi, người ta tìm thấy cô nằm chết trên đống rơm dưới gầm cầu thang. Thi hài của cô được chôn trong nhà thờ ở Pibrac. Bốn mươi ba năm sau, khi tân trang nhà thờ, các người thợ vô tình khai quật mộ của cô và người ta tìm thấy xác của cô vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi được trưng bầy cho mọi người kính viếng trong một năm trời, thi hài của cô được chôn cất trong gian cung thánh. Nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của cô. Tiến trình phong thánh cho cô được khởi sự từ năm 1700, nhưng vì cuộc Cách Mạng Pháp, tiến trình này đã bị đình trệ, mãi cho đến năm 1849, cô được Ðức Giáo Hoàng Piô IX phong thánh và đặt làm quan thầy của các thiếu nữ ở thôn quê.

Nơi Thánh Germain Từ Trần

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét