Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

11-05-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH năm A

11/05/2014
Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm A
(phần II)


GIÁO LÝ PHÚC ÂM NHẬT IV PHỤC SINH, NĂM A

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM A
Chúa Nhật Chúa Chiên Lành – Ngày cầu cho ơn Thiên Triệu

Sách Tồng Đồ Công Vụ 2,14.36-41; Thư Thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ 2,20-25
và Phúc Âm Thánh Gioan 10, 1-10

I.               Giáo Huấn P.Â.:
          Mục tử là: Người đi qua cửa mà vào ràn chiên.Được người giữ cửa mở cửa cho vào.Chiên nhận ra tiếng mục tử và mục tử biết tên chiên mình. Đi trước để dẫn chiên và chiên đi theo.
          Chúa Giêsu là cửa cho chiên ra vào.
          Mục tử và chiên phải ra vào bằng cửa ràn chiên.
    
II.            Vấn nạn P.Â.  
                    Chúa Nhật IV Phục Sinh
          Chúa Nhật Chúa Chiên Lành
          Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu.
    
          Chúa Nhật IV Phục Sinh - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành
          Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, Chúa Giêsu được gọi là chủ chiên của đàn chiên Giáo Hội. Trước Công Đồng Vatican II, năm 1962-1965, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành được xếp vào Chúa Nhật II Phục Sinh, gọi là Quasimodo, coi như Chúa Nhật thường (low Sunday) Gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên lành vì xử dụng bài Phúc Âm Thánh Gioan chương 10. Trong đó Chúa Giêsu được diễn tả như một Mục Tử mẫu mực nhân hậu: Ngài thí mạng sống vì đàn chiên Giáo Hội. Ngày nay, theo lịch Phụng Vụ mới, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành được xếp vào Chúa Nhật IV Phục Sinh và được  dành riêng để cầu nguyện cho ơn thiên triệu.

Ngày 11 tháng 4 năm 1964 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập và dành riêng ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh hàng năm, ngày Chúa Chiên Lành để cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Xin Chúa Giêsu là Chúa Chiên nhân hậu chọn gọi nhiều người tiếp tục theo bước chân Ngài, làm mục tử nhân hậu chăm sóc đàn chiên Chúa. Ngày 11 tháng 4 năm 1964 là ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh đầu tiên để cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Trong ngày ấy Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dâng lời cầu nguyện như sau, như một tuyên bố chính thức thành lập ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu: Lạy Chúa Giêsu, Vị Mục Tử thần thánh, ngày xưa Ngài đã kêu gọi các tông đồ và biến đổi các Ngài thành những ngư phủ đánh bắt người. Ngày nay, xin Ngài tiếp tục lôi cuống các bạn trẻ đầy lòng sốt mến và quảng đại, để họ cũng trở thành những người nối bước Ngài và thi hành sứ mạng Mục Tử trên chúng tôi. Amen

          Tính cho đến nay, đã bốn mươi lăm năm, các Đức Giáo Hoàng tiếp tục dành riêng ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh hảng năm, Ngài Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và đời sống tận hiến trong các dòng tu. Từ ơn kêu gọi phát xuất từ tiếng La tinh VOCARE, trước thế kỷ thứ 16, có nghĩa là ơn Chúa kêu gọi phổ quát: Mọi người được mời gọi để nhận lãnh ơn cứu độ. Nói theo Thánh Phaolô: Con người được tiền định để nhận lãnh ơn cứu độ (Thư gửi Êphêssô 1,11)Nên ơn thiên triệu tiềm ẩn trong sáng tạo. Sáng tạo là để cứu độ, để được hưởng hạnh phúc chứ không phải để bị tiêu diệt hay luận phạt. Mọi người đểu được kêu gọi để chọn một bậc sống phù hợp với khả năng Chúa ban để cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và cứu độ nầyNhiều người được kêu gọi sống đời sống gia đình. Nhưng cũng có những người chọn đời sống độc thân giáo sĩ hay tu sĩ. Tất cả đều là ơn kêu gọi và có giá trị ngang nhau. Nhưng qua thời gian, người ta hiểu từ vocaretheo nghĩa hẹp hơn: Ơn Chúa kêu gọi để chọn bậc sống tu trì cụ thể và đặc biệt là ơn gọi linh mục để tiếp tục công việc chăn dắt đàn chiên Chúa.   

          Tại sao phải dành riêng ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành để cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu? Xin lấy Giáo Hội Công Giáo Canada với những con số cụ thể làm thì dụ, để chúng ta sẽ thấy rất cần thiết cầu nguyện cho ơn thiên triệu trong suốt năm và đặc biệt trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Tờ Western Catholic Report số ra ngày 29.3.2010 cho biết số linh mục Công Giáo ở Canada đã giảm từ con số 9,594 linh mục năm 1998 xuống còn 7,546 linh mục năm 2009. Tính ra chỉ trong 11 năm, số linh mục tại Canad giảm đi 2,048 linh mục.

          Số nữ tu giảm từ 24,040 nữ tu năm 1998 xuống 16,945 nữ tu năm 2009. Số nam tu sĩ từ 2,284nam tu năm 1998 xuống chỉ còn 1,511 nam nu năm 2009. Vì thiếu hụt nhân sự và giảm dân số nơi các vùng nông thôn, nên trong những năm qua, có đến 638 nhà thờ ở các giáo họ buộc phải đóng cửa. 

          Hình ảnh mục tử:
          Do Thái, xứ sở du mục, hình ảnh mục tử đi trước hướng dẫn đàn chiên từ sđồng cỏ nầy sang đồng cỏ khác, cũng như đi tìm suối nước mát giữa sa mạc nắng cháy rất quen thuộc và được xử dụng để so sánh giữa Thiên Chúa là Mục Tử nhân hậu trong Cựu Ước và Chúa Giêsu là Mục Tử hy sinh mạng sống cho đàn chiên trongf Tân Ước.

          Trong Kinh Thánh Cựu Ước:  
          Rất nhiều nhân vật Cựu Ước là những người chăn chiên:

          Abel em của Cain, con Adam và Evà sinh sống bằng nghề chăn chiên và đã giết chiên béo tốt nhất bầy đàn để tế lễ Chúa. Sáng Thế Ký 4:2

          Tổ phụ  Abraham trong Sáng Thế Ký 12:16 mô tả là một mục tử.

          Giacóp hay cũng gọi là Israel trong Sáng Thế Ký 30:31 cũng là mục tử.

          Môsê chăn chiên cho nhạc phụ Giêthrô suốt 40 sau khi giết chết người Ai Cập và trốn vào sa mạc. Sách Xuất Hành3:1

          Thánh Vương Đavít làm nghề chăn chiên: Ông không có mặt khi Samuel đến nhà Ba Ông là Jesse để xức đầu phong vương. Sách Samuel quyển I, chương 16.  Ông đã giết chết tướng Goliát bằng ná bắn chim được xử dụng khi lang thang trong đồng vắng. Sách Samuel quyển I, chương 17

          Do đó Đa-vít đã sáng tác thánh vịnh 23, Mục tử nhân hậu thật ý nghĩa về tình thương Chúa như một mục tử chăm lo cho đàn chiên

Cựu Ước rất dồi dào hình ảnh mục tử qua các tổ phụ cũng như qua Thánh Vịnh , qua các Tiên Tri diễn tả: Thiên Chúa là Mục tử nhân hậu và quyền năng, s8ãn sàng bảo vệ đàn chiên “Còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu, đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên, đưa họ đi an toàn, chẳng có chi phải sợ…”  (Tv 78: 52-53), hay: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40: 11).

          Trong Kinh Thánh Tân Uớc
          Những người chăn chiên nghèo khổ đã được thiên sứ báo tin vui Đấng Cứu Thế giáng sinh được tường thuật trong Luca 2:8-20.

          Nhiều bản văn Kinh Thánh qui hướng về Chúa Giêsu như mục tử nhân hậu: biết chiên, chiên nghe tiếng chủ chiên, chủ chiên đi trước hướng dẫn chiên, bảo vệ chiên và hy sinh mạng sống cho đàn chiên. Phúc Âm Thánh Gioan 10,11-18

          “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. …….Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được."

          Mục tử nhân hậu quí trọng chiên, đi tìm chiên lạc và vui mừng khi chiên an toàn trong bầy đàn, diễn tả trong Phúc Âm Thánh Luca 15,4-10 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : 'Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.'  Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

          Thường người ta thấy người chăn chiên thường được trang bị như sau:

          Một túi làm bằng da thú để đựng đồ ăn khô cho nhiều ngày lang thang trong đồng vằng.
          Ná bắn đá (Dây da có túi đựng đá) dùng chống thủ rừng bảo vệ bản thân và đàn chiên
          Ống sáo để thổi giải trí và mua vui cho đàn chiên
          Một áo khoác dày để đáp ban đêm
          Một gậy có ngoéo ở đầu để lôi chiên rơi xuống hố sâu.

Vai trò mục tử được mô tả trong Kinh Thánh:
          Người chăn chiên phải mang gậy, nhận quyền lãnh đạo để dẫn dắt chiên và bảo vệ chiên

          Mọi thuế thập phân đánh vào bò và chiên dê, tức là một phần mười của mọi vật đi qua dưới cây gậy người chăn, đều là của rất thánh dâng ĐỨC CHÚA. (Sách Lê vi 27,32)

          Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. (Thánh Vịnh 23,4)

          Người chăn chiên phải sống và phải cắm lều giữa đàn chiên “Nhà tôi ở đã bị giật tung, và đem đi như lều mục tử. Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ. Từ sáng tới khuya, Chúa làm con hao mòn sinh lực. (Sách Isaia 38 :12)

          Người chăn chiên phải yêu thương và chăm sóc chiên:
          Biết chiên mình: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Phúc Âm Gioan 10,14-15)

          Đi trước hướng dẫn chiên:
          “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Gioan 10, 4-5)

          Tìm đồng cỏ xanh và suối nước trong cho đàn chiên
           Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. (Thánh Vịnh 23,20

          Kiểm soát cho đủ số chiên khi trở về ràn.

          Tại các thành miền núi, các thành vùng Sơ-phê-la, và các thành vùng Ne-ghép, trong đất Ben-gia-min, vùng phụ cận Giê-ru-sa-lem và tại các thành Giu-đa, chiên cừu vẫn còn được lùa qua, dưới bàn tay của người kiểm số chiên - ĐỨC CHÚA phán như vậy (Giêmia 33,13)

          Canh giữ đàn chiên trong đêm tối:
          “Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.” Phúc Âm Luca 2:8)

          Người chăn chiên phải dịu dàng
          Ông Gia-cóp trả lời : "Ngài biết là lũ trẻ thì yếu ớt, còn tôi phải lo cho đám chiên và bò đang cho con bú ; nếu hối thúc chúng, dù một ngày thôi, thì chiên dê sẽ chết hết. Vậy xin ngài cứ vượt lên phía trước tôi tớ ngài; phần tôi, tôi sẽ đi chậm chậm, theo chân đàn vật đi trước và theo chân lũ trẻ, cho tới khi đến với ngài tại Xê-ia." (Sáng Thế Ký 33,13-14)

          Người chăm chiên không bỏ chiên mà giữ mạng sống, nhưng phải hy sinh mạng sống vì đàn chiên, phải chống dã thú bảo vệ đàn chiên:

          Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.

          Đây là những hình ảnh quen thuộc xảy ra hàng ngày trên đất Do Thái, một đất nước cằn cỗi, đá nhiều hơn đất, nên số khá đông dân chúng sống về chăn nuôi bầy đàn.

          Đây là một hình ảnh đẹp nói lên sự gắn bó giữa người chăn chiên và đàn chiên.

          Đây là một hình ảnh hoàn hảo để diễn đạt Chúa Giêsu, như mục tử nhân hậu dám hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên Giáo Hội.

Giám Mục địa phận và Linh Mục trong nhiệm vụ cha sở được coi là mục tử đàn chiên Chúa phải BIẾT chiên mình. Nên Giáo Luật điều 533 yêu cầu Cha sở phải sống trong nhà xứ gần nhà thờ và không được vắng giáo xứ quá một tháng trong một năm. Cha sở được yêu cầu phải thăm viếng mục vụ gia đình giáo dân và quan tâm đặc biệt những gia đình thiếu thốn nghèo khổ hay nguội lạnh bê trễ.

          Giám Mục địa phận và Linh Mục trong nhiệm vụ cha sở được coi là mục tử đàn chiên Chúa phải BAN cho chiên mình sự sống đời đời. Giáo Luật điều 519 nói rằng: Những vị chủ chăn trong Giáo Hội phải thực hành quyền giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn giáo dân. Đây là những phương dược ban cho giáo dân sự sống đời đời. Quyền thánh hóa, tức nhiệm vụ ban bí tích: Linh mục trong nhiệm vụ Cha sở không có quyền từ chối ban bí tích cho người có đủ điều kiện để lãnh nhận (lấy nguồn từCanonical and Pastoral Guide for Parishes được Hội Đồng Giám Mục Giáo Tỉnh Québec chấp thuận)
         
III.         Thực hành P.Â.:
Chiên nào có chủ chiên nấy. Chiên nào có chuồng nấy.

          Giáo Hội là một tổ chức trần thế. Cơ cấu tổ chức rất chặt chẻ như sau:
          Giáo Hội chia làm nhiều địa phận. Đứng đầu mỗi địa phận có một Giám Mục địa phận, người kế vị các Thánh Tông Đồ và là chủ chăn của địa phận đó. Đức Giám Mục địa phận có quyền tư pháp, lập pháp và hành pháp trên địa phận mình. Tất cả mọi nhân viên của địa phận phải tùy thuộc vào Đức Giám Mục địa phận. Mỗi địa phận chia làm nhiều giáo xứ và được trao cho một cha sở chăm sóc. Chúng ta sống trong lãnh thổ của giáo xứ nào thì thuộc quyển cha sở đó và là đàn chiên của địa phận đó.

          Mỗi địa phận được coi như một giáo đoàn hay một giáo hội địa phương, độc lập trên nhiều phương diện. Nên chúng ta không thấy Đức Giám Mục của địa phận nầy chen vào sinh hoạt nội bộ của địa phận khác. Chúng ta cũng không thấy cha sở họ đạo nầy sang điều hành công việc mục vụ của giáo xứ khác. Nên chiên có chủ chiên riêng. Chiên có bầy đàn và chuồng chiên riêng của mình. Nên người công giáo Việt Nam đã rời khỏi Việt Nam thì không còn thuộc đàn chiên của Giáo Hội Việt Nam nữa. Các chủ chiên của chúng ta bây giờ là nơi mà chúng ta định cư. Nên chúng ta không thấy các Đức Giám  Mục bên Việt Nam sang đây để hướng dẫn hay dìu dắt chúng ta. Các Ngài có sang thăm viếng hữu nghị hay thăm mục vụ di dân, nhưng không là chuyện lãnh đạo hay điều hành đàn chiên bên nầy.

          Giáo dân có quyền được chăm sóc: 
        Xin trưng dẫn những khoản Giáo Luật sau đây để cho giáo dân và linh mục, chiên và chủ chiên thấy rõ nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong giáo xứ hay nói theo Phúc Âm hôm nay là trong ràn chiên. Thấy rõ để tôn trọng và mang lại lợi ích cho nhau.

        Cá nhân của mọi tín hữu kể cả các Giáo Hoàng và Giám Mục được gọi chung là Christifideles, Christian faithful hay người tin Chúa Kitô. Những tín hữu nầy hiện diện thể lý trong Giáo Hội nhờ bí tích Rửa tội. Nên Đức Giáo Hoàng, Giám Mục, linh mục và giáo dân không ai có tư cách pháp nhân cả. Juridicial person hay tư cách pháp nhân là người vô hình thí dụ Giáo Triều Rôma, Hội Đồng Giám Mục hay Dòng Tu…Người có tư cách pháp nhân được làm chủ tài sản của Giáo Hội. Nên linh mục không bao giờ làm chủ nhà thờ hay nhà xứ mà là Giáo Xứ hay địa phận.

        Nên Cha Xứ không tự quyền sang nhượng hay mua bán tài sản của Giáo Hội.

        Chúng ta thuộc giáo xứ nào? Có hai loại giáo xứ:

        Tòng thổ: giáo dân được qui định theo lãnh thổ phân chia của giáo xứ.

        Tòng nhân: Không lãnh thổ, nhưng giáo xứ căn cứ trên sắc dân cùng ngôn ngữ, thí dụ Việt, Miên, Tàu.. Có rất nhiều linh mục dòng được làm Cha Sở chăm sóc giáo xứ. Có vài cách hiểu không đúng hay gặp phải:

        Linh mục dòng hiểu là mình phải lãnh đạo giáo xứ theo ý bề trên dòng mình. Không đúng! Dòng tu có nhà dòng chứ không có giáo xứ. Giáo xứ thuộc Giám Mục địa phận. Nên Cha xứ phải dưới quyền lãnh đạo của Giám Mục địa phận (GL. 515)

        Khi có Cha xứ là Cha dòng. Giáo dân gọi là “giáo xứ dòng” Không đúng! Có hai loại giáo xứ thôi: tòng nhân và tòng thổ, có giáo xứ trao phó cho nhà dòng, nhưng không có giáo xứ dòng.

        Không nhất thiết phải thuộc giáo xứ tòng nhân, nhưng buộc phải thuộc giáo xứ tòng thổ. Thí dụ: Giáo dân Việt Nam sống cách xa nhà thờ Việt Nam 50 hay 100 cây số. Nên sinh hoạt và theo giáo xứ mà người đó đang có cư sở.

        Khi có cư sở nơi nào là thuộc giáo xứ đó và có quyền lợi của một giáo dân. Ghi danh hay làm sổ gia đình công giáo là điều tốt, nhưng không là luật đòi buộc để thành giáo dân của giáo xứ. Tôi ở đâu là tôi thuộc giáo xứ đó và tôi có quyền hưởng ân huệ thiêng liêng từ cha sở đó. Cha sở phải rửa tội hay chôn cất hay làm hôn phối cho ai có cư sở trong giáo xứ mình. Không có quyền từ chối vì lý do không ghi danh hay không đóng góp.

 Lm Phêrô Trần Thế Tuyên

CN 4 PS A - Noi gương vị mục tử nhân lành Giê-su
Ngày lễ Chúa Chiên nhân lành hằng năm chính là dịp để các tín hữu chúng ta, nhất là các người đang có trách nhiệm chăn dắt đàn chiên kiểm điểm đời sống, xét lại về cung cách phục vụ của mình.
 I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 10,1-10
(1) “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3) Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh, anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. (6) Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. (7) Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giê-su vừa là mục tử vừa là cửa chuồng chiên:
- LÀ MỤC TỬ THẬT SỰ CỦA DÂN ÍT-RA-EN: Vì Người đi qua cửa chính mà vào chuồng chiên và được người giữ cửa là Gio-an Tẩy Giả giới thiệu. Do đó, Người được đàn chiên là dân chúng nghe theo. Còn các đầu mục Do thái chỉ là người lạ, nên chiên chạy trốn và không đi theo họ.

- LÀ CỬA CHO CHIÊN RA VÀO: Các kinh sư và Pha-ri-sêu không tin Đức Giê-su và không được Thiên Chúa ủy nhiệm coi sóc đàn chiên. Họ leo rào mà vào chuồng nên chỉ là hạng trộm cướp. Kẻ trộm đến chỉ để giết hại và phá huỷ đàn chiên. Còn Đức Giê-su đến để đem lại cho chiên sự an toàn, tự do, lương thực và sự sống dồi dào.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Ràn chiên: hay chuồng chiên, nơi nuôi giữ chiên cừu của dân Do thái vốn là một dân du mục. Ở đây ràn chiên là hình ảnh ám chỉ Giáo hội là Nước Trời hay Nước Thiên Chúa. + Cửa vào: Mỗi chuồng chiên chỉ có một cửa chính để chiên ra vào. Ai muốn được công nhận là mục tử đích thực của Chúa phải qua cửa chính là Đức Giê-su mà vào Hội Thánh. Họ phải được Người tuyển chọn và trao sứ mạng chăn chiên. Còn kẻ trèo qua lối khác mà vào, như các kinh sư hay Pha-ri-sêu, thì chỉ là mục tử giả hiệu và được xếp vào hạng trộm cướp. + Người giữ cửa mở cho anh ta vào: Đức Giê-su chính là Mục tử đích thực, vì đã được người giữ cửa là Gio-an Tẩy Giả làm chứng là “Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,31-34). + Và chiên nghe tiếng của anh: Đàn chiên chỉ nhận biết và nghe theo một chủ chăn duy nhất, như các tông đồ đã nghe lời và đi theo một mình Đức Giê-su (x. Ga 1,35-51). + Anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra: Trong ràn có nhiều đàn chiên. Ban chiều, mỗi mục tử sẽ đưa đàn chiên của mình vào ràn, rồi sáng sớm lại đến đưa đàn chiên ấy ra khỏi chuồng để dẫn đến đồng cỏ cho chúng ăn cỏ uống nước. “Gọi tên từng con” trong câu này là kiểu nói cường điệu. Thực ra các mục tử chỉ đặt tên và gọi tên một con chiên đầu đàn và các con khác sẽ theo sau con chiên đầu đàn ra ngoài. Ở đây Đức Giê-su nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của Người là Mục tử tốt lành, khác với các Pha-ri-sêu và kinh sư là những kẻ chăn thuê vô trách nhiệm.
- C 4-6: + Anh ta đi trước và chiên đi theo sau: Câu này nhắc đến sứ mệnh Mục tử của Đức Giê-su: Khi đã kéo Môn đệ ra khỏi thế gian (x. Ga 15,19). Người đi tiên phong dẫn họ tới đồng cỏ non là Hội Thánh. Chiên sẽ nhận biết tiếng nói và chỉ đi theo Mục tử Giê-su, vì Người luôn nói Lời của Thiên Chúa cho họ (x. Ga 14,10). + Chúng sẽ không theo người lạ,..: Người lạ là những kẻ không do Thiên Chúa sai đến, nhưng là kẻ trộm leo rào mà vào. Người lạ ám chỉ các đầu mục Do thái đương thời. Vì không phải là mục tử đích thực, nên chiên không đi theo mà còn lẩn trốn họ.
- C 7-8: + Tôi là cửa cho chiên ra vào: Vì thính giả không hiểu ý nghĩa dụ ngôn, nên Đức Giê-su phải giải thích rõ ràng: Người chính là cửa chuồng chiên tức là cửa vào Nước Trời, mà ai muốn vào Nước Trời đều phải đi qua Người. + Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ: Mọi kẻ đến trước ở đây không nhằm nói về các ngôn sứ Cựu ứơc, mà chỉ nhắm nói về những kẻ không được Thiên Chúa sai như các Pha-ri-sêu và kinh sư Do thái (x. Mt 23,1-8). Họ bị Đức Giê-su quở trách là bọn đạo đức giả, cản đường người khác gia nhập Nước Trời, có lòng tham lam, ăn ở bất công, dẫn dường đui mù và đã từng giết hại nhiều vị ngôn sứ chân chính (x. Mt 23,13-32).
- C 9-10: + Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu: Đức Giê-su là con đường mà người ta phải đi qua để vào Nước Trời. Tương tự như câu: “Thầy là đường…Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). + Người ấy sẽ ra vào: Ra vào nghĩa là tự do đi lại. + Gặp được đồng cỏ: Trong Đức Giê-su, các tín hữu sẽ được cứu khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ. Họ sẽ được hưởng tự do đích thực (x. Ga 8,31-36). Nhờ Đức Giê-su, họ sẽ tìm được của nuôi thân là Nước hằng sống và Bánh trường sinh (x. Ga 4,14 ; 6,35). + Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy: Kẻ trộm ám chỉ các đầu mục Do thái, vì không được Thiên Chúa sai phái nhưng leo rào mà vào. Họ chỉ tìm kiếm lợi ích cho bản thân hơn là lợi ích của đàn chiên (x. Mt 23,4-7). + Tôi đến cho chiên được sống và sống dồi dào: Nhờ lương thực Đức Giê-su ban là Lời Chúa và Thánh Thể, mà đức tin của các tín hữu sẽ trở nên vững mạnh và được sự sống đời đời.
4. CÂU HỎI:
1) Ràn chiên nghĩa là gì và là hình ảnh ám chỉ điều gì ? Cửa vào ám chỉ ai ? 2) Đức Giê-su là Mục Tử thực sự của đàn chiên vì đã được Gio-an Tẩy Giả là người giữ cửa làm chứng thế nào ? 3) Đàn chiên chỉ nhận biết tiếng nói và đi theo ai ? Phải chăng mọi con chiên đều được đặt tên và mỗi buổi sáng người mục tử phải gọi tên từng con chiên để dẫn chúng ra khỏi chuồng ? 4) Ý nghĩa của câu: anh ta đi trước và chiên đi theo sau… là gì ? 5) Tại sao đàn chiên không nghe theo người lạ ? Người lạ nói đây ám chỉ những ai ? 6) Những kẻ đến trước được liệt vào hạng trộm cướp là những người nào ? 7) Đức Giê-su tự nhận mình là cửa chuồng chiên mà ai muốn vào chuồng chiên phải đi qua, tương tự như câu nào ? 8) Kẻ trộm là các đầu mục dân Do thái khác với Mục Tử tốt lành là Đức Giê-su như thế nào ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LÒI CHÚA: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9)

2. CÂU CHUYỆN: QUO VADIS ? THẦY ĐI ĐÂU ?
Thời Hội thánh sơ khai, tại Rô-ma bạo vương Nê-rông đã bách hại các tín hữu công giáo cách rất tàn khốc. Biết bao tín hữu đã ngã xuống chết dưới bàn tay cuả ông vua điên loạn và tàn bạo này. Hội thánh non trẻ tại đây dường như sắp bị tận diệt. Bấy giờ các tín hữu đã yêu cầu tông đồ Phê-rô phải mau chạy trốn khỏi thành để tiếp tục lãnh đạo đàn chiên trong cơn bách hại. Ông Phê-rô tỏ ra phân vân, vì quả thật nếu bị mất đi người lãnh đạo thì đàn chiên Hội Thánh làm sao có thể đứng vững ? Đàng khác, chính Đức Giê-su đã chẳng khuyên các môn đệ: “Khi người ta bắt bớ chúng con ở thành này, thì hãy trốn sang thành khác” đó sao ? Cuối cùng Phê-rô quyết định hóa trang thành một người khác và trốn thoát thành công ra ngoài thành Rô-ma. Nhưng sau đó Phê-rô đã gặp Chúa Giê-su Phục Sinh đang đi vào thành. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis, Domine ?” - “Thưa Thầy, Thầy đi đâu ?” Chúa Giê-su liền đáp: “Thầy vào thành Rô-ma để chịu đóng đinh một lần nữa” rồi Chúa biến mất. Ông Phê-rô hiểu ý Chúa muốn ông trở vào trong thành để động viên tinh thần của đoàn chiên. Rồi sau đó ông đã bị bắt bớ và bị kết án chết giang tay trên cây thập giá đúng như lời Đức Giê-su đã tiên báo trước đó: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào đẻ tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,18). Tuy nhiên, ông đã yêu cầu được treo thập giá ngược đầu xuống đất vì nghĩ mình không đáng chịu khổ hình cùng một cách thế giống như Thầy mình.
3. SUY NIỆM:
1) Có hai loại mục tử:
Mục tử là người lãnh đạo chăn dắt đàn chiên. Đức Giê-su đã phân biệt hai loại mục tử là mục tử đích thực là chủ chiên và mục tử giả hiệu là người chăn thuê như sau:  
- Hạng thứ nhất là mục tử tốt hay là chủ chiên thực sự của đàn chiên noi gương Đức Giê-su như Người đã khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (10,14).  Đức Giê-su đã thể hiện chức vụ mục tử của loài người qua việc hy sinh quên mình để nghĩ đến đàn chiên: Người đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời (x Mt 13,1-9), làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, sẵn sàng chịu chết trên cây thập tự đền tội thay cho đàn chiên như Người đã nói: «Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11). Điều Đức Giê-su luôn quan tâm là lo cho «chiên được sống và sống dồi dào» (10,10). Đây cũng là điều các mục tử hôm nay cần quan tâm thực hiện noi gương Mục Tử Giê-su là lo phục vụ đàn chiên Hội Thánh được sống và sống dồi dào: dồi dào về mặt tinh thần qua việc hăng say rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Dồi dào cả về phạm vi thể chất qua việc chữa lành các bệnh tật của dân chúng (x. Mt 8,16-17), xua trừ ma quỷ (x. Mt 9,32-34) và nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông đang bị đói (x. Mt 14,15-21; 15,32-38).
- Hạng thứ hai là mục tử giả hiệu hay những người chăn thuê, ám chỉ các đầu mục dân Do Thái đương thời gồm các kinh sư, người Pha-ri-sêu và các tư tế phục vụ Đền thờ. Những người này không phải là chủ chiên thực sự nên «không thiết gì đến chiên» (10,13). Họ vô trách nhiệm trước sự an nguy của đàn chiên: «nên khi thấy sói đến, đã bỏ chiên mà chạy», để «sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (10,12). Đối với hạng mục tử này, đàn chiên chỉ có giá trị lợi dụng để phục vụ cho họ như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm lời Đức Chúa trách cứ các mục tử dân Ít-ra-en như sau: «Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, nhưng đàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,2-4).
2) Hai loại mục tử hôm nay:
Ngày nay trong Hội thánh cũng luôn có hai loại mục tử như thời Đức Giê-su xưa kia:
- Các mục tử tốt lành là những người thành tâm đáp lại ơn Chúa kêu gọi để gia nhập chủng viện, được huấn luyện, tuyển chọn lên lãnh tác vụ linh mục và được sai đi chăm sóc đàn chiên Hội Thánh. Đặc điểm của mục tử tốt lành là nhiệt tình và khiêm tốn phục vụ đàn chiên vô vụ lợi noi gương Đức Giê-su. Họ luôn vui vẻ đón tiếp mọi người không phân biệt giàu nghèo sang hèn khi làm các công tác mục vụ như rao giảng Tin Mừng, an ủi các người đau khổ, chia sẻ cơm bánh và khiêm tốn phục vụ người nghèo với tình thương noi gương Mục Tử Giê-su.
- Bên cạnh những mục tử tốt lành nói trên, vẫn còn một số mục tử không tốt. Những người này coi việc mục vụ như một nghề kiếm sống. Họ cũng rao giảng Tin mừng, cũng dạy giáo lý, cũng khuyên bảo mọi người… nhưng chính họ lại không nêu gương thực hiện trước, như lời Đức Giê-su đã phê phán về các đầu mục dân Do thái: «Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm» (Mt 23,3). Họ thường tỏ ra kính nể săn đón người giàu và khinh thường bạc đãi người nghèo. Họ có lối sống xa hoa hưởng thụ thể hiện qua nhà ở sang trọng, quần áo thời trang, xe cộ đời mới đắt tiền… mà không quan tâm đến những nhu cầu của người nghèo khổ và các bệnh nhân bên cạnh đang cần được trợ giúp. Họ có thái độ kiêu căng khi tìm cách trả thù những ai dám lên tiếng phê phán các việc làm sai trái của họ. Họ quá quan tâm đến những công việc ngoài đời hơn là những việc thuộc phạm vi chức năng mục tử của mình, và chỉ làm việc phục vụ nếu được trả công xứng đáng...
3) Kiểm điểm đời sống:
Hiện nay có hiện tượng ngày càng có nhiều tín hữu chủ trương “Tin Chúa chứ không tin Giáo Hội”. Thực tế tại các nước Nam Mỹ, một số khá đông tín hữu công giáo đã từ bỏ Hội Thánh để đi theo các giáo phái có lối ứng xử có tình người hơn và phù hợp với lời Chúa dạy hơn. Ngày lễ Chúa Chiên nhân lành hằng năm chính là dịp để các tín hữu chúng ta, nhất là các người đang có trách nhiệm chăn dắt đàn chiên kiểm điểm đời sống, xét lại về cung cách phục vụ của mình. Có thể chúng ta đã “nói mà không làm” như kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình đã bị Đức Giê-su nặng lời quở trách như sau: "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,2-4). Có thể một số mục tử đã có thái độ thiếu bác ái khi giải quyết giấy tờ hôn phối theo ý riêng vượt quá quy định của giáo luật, nên đã gây trở ngại cho công việc làm ăn sinh sống, thiệt hại về tiền bạc và thời giờ, gây bức súc cho những người di dân. Một số các mục tử khi giải quyết công việc đã không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác nên đã có lối hành xử “vụ lề luật”, thiếu tình người, hoặc có lối ứng xử thiếu nhân bản và không thân thiện, gây bất mãn cho các người lương khi có dịp tiếp xúc.
4) Mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Pha-xi-cô:
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô quan niệm mục tử lý tưởng phải là "người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm trước mặt Chúa, cũng như khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ trong cuộc sống. Là những người không có "tâm lý của các ông hoàng". Là những người không tham vọng và là các phu quân của Giáo Hội. Là những người có khả năng thức tỉnh đoàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa đàn chiên. Nhất là, làm cho niềm hy vọng được lớn lên. Ước gì các Mục Tử luôn có mặt trời và ánh sáng trong trái tim. Là những người có khả năng hỗ trợ Thiên Chúa nơi dân Người, với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn. Và cuối cùng vị mục tử có ba vị trí trong đàn chiên của mình để thi hành sứ vụ mục tử như sau:
-Một là ở đàng trước để dẫn đường.
-Hai là ở giữa để duy trì sự hiệp nhất và giữ vững tinh thần của đàn chiên.
-Ba là ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu, và tạo điều kiện để đàn chiên đánh hơi hầu tìm ra một hướng đi mới.
5) Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu:
Hiện nay trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ đang thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn tu sĩ trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này rất nhiều. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do lỗi của mỗi người tín hữu chúng ta: Vì chưa ý thức được tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo nên chúng ta chưa thiết tha nài xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến, chưa canh tân đời sống để làm chứng nhân tình thương của Chúa Giê-su trước mặt người đời; Các bậc cha mẹ công giáo chưa quảng đại dâng con cho Chúa và không khuyến khích chúng đi tu làm linh mục và tu sĩ để phục vụ Chúa và Hội Thánh hữu hiệu hơn.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp về ơn gọi năm 1996 cũng nhắc đến vai trò của giáo xứ trong việc vun trồng ơn thiên triệu như sau: “Phải làm sao để mỗi giáo xứ trở thành một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, cộng đoàn cầu nguyện, hăng say làm việc tông đồ và luôn quan tâm phục vụ những người nghèo khổ. Giới trẻ hôm nay vẫn không thiếu những tâm hồn quảng đại, không thiếu những người trẻ muốn sống cuộc đời lý tưởng và có ý nghĩa. Họ cần được Hội thánh hướng dẫn để gặp được Đức Giê-su, để nghe lời Người và đi theo làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ sứ mạng cứu độ của Người. Giới trẻ hôm nay cũng cần được nghe những tiếng kêu than của bao người đói khát chân lý hay đang cần được công lý bảo vệ. Hội Thánh phải giúp giới trẻ cảm nhận được bổn phận lớn lao là xây dựng thế giới này trở thành một ngôi nhà của tình thương và hạnh phúc. Giới trẻ cũng cần có những người thầy, người bạn dám sống điều mình tin giữa muôn trở lực khó khăn, và luôn đứng vững trước sức mạnh của các cám dỗ muốn thỏa mãn các đam mê tội lỗi bất chính”.
4. THẢO LUẬN:
1) Bạn sẽ làm gì giúp Hội Thánh có thêm nhiều linh mục tình nguyện dấn thân phục vụ dân Chúa ? 2) Cùng nhau hát bài: “Lạy Chúa, xin hãy sai đi…” để xin Chúa sai thêm thợ gặt lành nghề đến cánh đồng lúa đã chín vàng ở khắp nơi.
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con những linh mục biết quảng đại, hy sinh phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa. Xin ban cho chúng con những linh mục biết nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, có sức làm bùng cháy ngọn lửa yêu thương trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa trong mọi người. Cuối cùng xin Chúa ban cho chúng con những linh mục là những vị chủ chăn tốt lành noi gương Chúa xưa, đến để cho chiên “được sống và sống dồi dào”.

- LẠY CHÚA. Xin cho các gia đình Công giáo trở thành một môi trường tốt ươm trồng ơn thiên triệu, bằng việc tạo bầu khí đạo đức và yêu thương giữa các thành viên với nhau. Xin cho chúng con luôn kính trọng yêu mến các linh mục coi sóc chúng con, thành tâm cộng tác với các ngài, sẵn sàng giúp đỡ các ngài chu toàn nhiệm vụ. Ước gì giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn luôn hiệp thông giữa chủ chăn và đàn chiên, là điều kiện để giáo xứ phát triển cả về vật chất cũng như tinh thần. Nhờ đó chúng con sẽ chu toàn được sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH -  HHTM

4. SUY NIỆM: NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA LINH MỤC THỜI ĐẠI MỚI:
Linh mục là mục tử dẫn dắt dân Chúa về phần linh hồn.
- "LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI?": Văn hào Giu-ăng A-ri-a (Juan Arias) viết: "Lạy Chúa, Linh mục là ai? Đối với nhiều người: Ông ta là một người cô độc ích kỷ. Đối với nhiều người khác: Ông ta là thứ trai già vô tích sự, một nhân viên bàn giấy của tôn giáo". Người nghèo tỏ vẻ bực bội khi thấy Linh mục hay tiếp xúc với người giàu có và rủa Linh mục là "đồ tư bản chết tiệt!". Nếu linh mục hiến thân chuyên lo phục vụ cho người nghèo ít học, bệnh tật, cô đơn... thì người ta lại ganh ghét và gọi Linh mục là "Đồ tả khuynh bần tiện!".
Làm Linh mục thời đại ngày nay thật không đơn giản chút nào!
"MỘT NGƯỜI LUÔN LUÔN SAI LẦM" (He is always wrong): Đây là tựa đề của một bài báo nhỏ nói lên sự cảm thông của các tín hữu đối với các Linh mục chủ chăn như sau:
* Giảng ngắn dưới 10 phút: "Ông Linh mục này lười không chịu dọn kỹ bài giảng!".
* Giảng quá 20 phút: "Ông ta là người ưa nói dai và nói dài!"
* Nếu giảng hùng hồn: Ông ta la lối om sòm thật bất kính với Chúa đang ngự trong nhà chầu!
* Nếu giảng với giọng bình thường: "Ông ta có biệt tài dỗ ngủ cho người bệnh khó ngủ!"
* Nếu năng đến thăm các gia đình trong giáo xứ: "Ông ta chẳng có việc gì để làm, suốt ngày la cà hết nhà này sang nhà nọ để kiếm chác! chẳng mấy khi thấy ông ta có mặt ở nhà để tiếp xúc với các người cần gặp hay để đi kẻ liệt!".
* Nếu ít đi thăm: "Ông ta chẳng quan tâm để biết con chiên của mình sống chết ra sao!".
* Nếu linh mục còn trẻ: "Ông ta mới ra trường nên tay nghề còn non và chưa có kinh nghiệm mục vụ!".
* Nếu đã cao niên: "Một lão già lẩm cẩm hủ lậu! Ông ta nên sớm về hưu đi là vừa!"
Thật đúng như người đời thường nói: "Ở sao cho vừa lòng người: Ở rộng người cười ở hẹp người chê". Làm Linh mục thật không dễ chút nào!.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét