Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Đức Phanxicô nói với nhà cầm quyền Giócđăng

Đức Phanxicô nói với nhà cầm quyền Giócđăng


Đài phát thanh Vatican ngày 25 tháng 5 loan tin: Đức Phanxicô đã đọc diễn văn trước các vị đại diện chính trị và tôn giáo cũng như các nhà ngoại giao hàng đầu tại hoàng cung Giócđăng. Trong bài diễn văn này, ngài ca ngợi Giócđăng về lòng quảng đại đối với người tị nạn từ các nước láng giềng, nhất là Syria, và các cố gắng của quốc gia này trong việc giúp tìm ra một nền hòa bình lâu bền cho Trung Đông. Ngài cũng đề cao các cố gắng của Giócđăng trong việc cổ vũ đối thoại liên tôn và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo, tại Trung Đông cũng như trên toàn thế giới. Sau đây là nguyên văn lời ngài:

“Kính thưa Đức Vua và Hoàng Hậu 
Kính thưa quý vị
Kính thưa các hiền huynh giám mục
Thưa các bạn

Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi cơ hội này để viếng thăm Vương Quốc Hashim Giócđăng theo vết chân các vị tiền nhiệm của tôi là Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI. Tôi biết ơn Đức Vua Abdullah II về những lời nồng nàn chào đón của ngài, làm tôi hân hoan nhớ lại cuộc gặp gỡ mới đây giữa chúng ta tại Vatican. Tôi xin kính chào các thành viên của Hoàng Gia, chính phủ và nhân dân Giócđăng, lãnh thổ hết sức phong phú về lịch sử và có tầm quan trọng rất lớn về tôn giáo đối với Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo.

Giócđăng đã cung hiến một đón tiếp quảng đại đối với số lớn các người tị nạn Palestine và Iraq, cũng như các người tị nạn khác từ các miền đang nhiễu nhương, nhất là Syria láng giềng, bị tan hoang vì tranh chấp đã quá lâu. Lòng quảng đại này đáng được cộng đồng quốc tế đánh giá và hỗ trợ. Trong phạm vi khả năng của mình, Giáo Hội Công Giáo đã tìm cách cung cấp sự trợ giúp cho các người tị nạn và những ai cần giúp đỡ, đặc biệt qua cơ quan Caritas Giócđăng.

Dù thừa nhận, với lòng ân hận sâu xa, các căng thẳng trầm trọng đang tiếp diễn tại Trung Đông, tôi vẫn cám ơn các nhà cầm quyền của Vương Quốc về tất cả mọi điều qúi vị đang làm và tôi khuyến khích các vị duy trì các cố gắng của mình trong việc mưu tìm một nền hòa bình lâu dài cho cả vùng. Mục tiêu cao cả này khẩn thiết đòi ta phải tìm cho ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria, cũng như một giải pháp công bằng cho cuộc tranh chấp Do Thái – Palestine. 

Tôi xin mượn dịp này để nhắc lại lòng kính trọng và quí mến sâu xa của tôi đối với cộng đồng Hồi Giáo và sự đánh giá cao của tôi đối với tài lãnh đạo của Đức Vua trong việc phát huy cái hiểu tốt hơn về các nhân đức được Hồi Giáo truyền dạy và một bầu khí sống chung thanh thản giữa các tín hữu của nhiều tôn giáo khác nhau. Tôi biết ơn việc Giócđăng hỗ trợ một số các sáng kiến quan trọng nhằm tăng tiến cuộc đối thoại và hiểu biết liên tôn giữa người Do Thái, Kitô hữu và Hồi Giáo. Cách riêng, tôi nghĩ tới Sứ Điệp Amman và sự hỗ trợ đưa ra trong khuôn khổ Tổ Chức LHQ đối với việc cử hành hàng năm Tuần Lễ Hòa Hợp Liên Tín Ngưỡng Thế Giới. 

Tôi cũng muốn đưa ra lời chào hỏi âu yếm đối với các cộng đồng Kitô Giáo từng có mặt tại đất nước này kể từ thời các tông đồ, góp phần vào ích chung của xã hội mà họ vốn là thành phần trọn vẹn. Dù ngày nay, các Kitô hữu là một thiểu số về số lượng, nhưng sự hiện diện của họ là một sự hiện diện có ý nghĩa và được trân qúi trong lãnh vực giáo dục và chăm sóc y tế, nhờ các trường học và bệnh viện của họ. Họ được tuyên xưng đức tin của mình một cách hòa bình, trong một bầu khí tôn trọng tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo này thực sự là một nhân quyền nền tảng và tôi không thể không bày tỏ niềm hy vọng rằng nó sẽ được duy trì tại khắp Trung Đông và trên toàn thế giới. Quyền tự do tôn giáo “bao gồm tự do được theo lương tâm của mình trong các vấn đề tôn giáo, cả trên bình diện cá nhân lẫn trên bình diện tập thể, và, cùng một lúc, tự do thờ phượng… [Nó cũng bao gồm] tự do lựa chọn tôn giáo mình phán đoán là đúng và biểu lộ các niềm tin của mình nơi công cộng” (Ecclesia in Medio Oriente, 26). Các Kitô hữu tự coi mình là, và thực sự là, các công dân trọn vẹn, và trong tư cách ấy, họ tìm cách, cùng với các đồng bào Hồi Giáo của mình, góp phần đặc thù của mình vào xã hội nơi họ sinh sống.

Sau cùng, tôi xin hết lòng cầu khẩn hòa bình và thịnh vượng xuống trên Vương Quốc Giócđăng và nhân dân của nó. Tôi cầu xin cho chuyến viếng thăm của tôi sẽ giúp tăng tiến và củng cố các liên hệ tốt đẹp và thân hữu giữa Kitô hữu và người Hồi Giáo.

Tôi xin cám ơn qúi vị về sự tiếp đón lịch sự của qúi vị. Xin Thiên Chúa toàn năng và từ bi ban hạnh phúc và trường thọ cho Đức Vua, Hoàng hậu và xin Người chúc phúc tràn trề cho Gióađăng. Chào Bình An!"

Diễn văn chào mừng của quốc vương Giócđăng

Sau nhiều lời thưa cùng Thiên Chúa, Tiên Tri Mohammad và trích dẫn Korăng, Quốc Vương Abdullah II đã ngở lời như sau với Đức Phanxicô:

“Kính thưa Đức Thánh Cha,

Nhân danh mọi người Giócđăng, tôi xin chào mừng ngài!

Quả là niềm vinh dự đặc biệt khi cuộc hành hương của ngài khởi đầu từ đây, từ Giócđăng, lãnh thổ của đức tin, lãnh thổ của tình bằng hữu.

Tại đây, 50 năm trước, người cha quá cố của tôi là Quốc Vương Hussein đã đón tiếp Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, cuộc viếng thăm một nước Hồi Giáo lần đầu tiên của một vị giáo hoàng.

Tại đây, 14 năm về trước, tôi được đặc ân tiếp đón Thánh Gioan Phaolô II; và 5 năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.

Tại đây, ngày hôm nay, người Hồi Giáo và người Kitô Giáo đang xây dựng một tương lai chung, trên cơ sở chung của lòng kính trọng nhau, của hòa bình và của lòng tôn sùng Thiên Chúa. 

Kính thưa Đức Thánh Cha,

Cơ sở chung là chỗ mà những bước đi kế tiếp của toàn thể nhân loại phải bắt đầu.

Trong thời hiện đại của chúng ta, chúng ta đang phải đối diện với nhiều thách đố lớn lao có tính hoàn cầu. Không nhỏ là thiệt hại khủng khiếp do tranh chấp phe phái và liên tôn gây ra. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho ta một sự chống đỡ không ai thắng nổi. Nơi nào các nhà ý thức hệ gieo rắc u mê và bất tín, các tiếng nói chung của chúng ta có thể đem tới hiểu biết và thiện chí. Nơi nào đời sống bị tan nát vì bất công và bạo lực, các cố gắng đoàn kết của ta có thể mang lại hàn gắn và hy vọng.

Thực vậy, thế giới rất giầu những con người thiện chí, những người luôn tìm cách duy trì phẩm giá con người và sự sống chung hòa bình. Xin cho phép tôi được thừa nhận, với lòng biết ơn, tài lãnh đạo của Đức Thánh Cha trong chính nghĩa này. Ngài đã dấn thân cho đối thoại, nhất là với Hồi Giáo. Người Hồi Giáo khắp nơi đánh giá cao các sứ điệp quí mến và bằng hữu của ngài. Thưa Đức Thánh Cha, ngoài việc là người kế nhiệm Thánh Phêrô, ngài còn trở thành lương tâm cho toàn thế giới.

Từ ngày trở thành giáo hoàng, ngài vốn nhắc nhớ chúng tôi, bằng lời và bằng việc làm, rằng “giáo hoàng” (pontiff) nghĩa là “người bắc cầu”. Người Giócđăng, cũng thế, là những người bắc cầu. Công việc của chúng tôi bao gồm các hành động cụ thể và rờ mó được, trong nhiều năm qua.

Mười năm trước đây, tôi được vinh dự ban hành Sứ Điệp Amman, tái khẳng định lời kêu gọi của Hồi Giáo muốn có sự hòa hợp, nhân từ và công lý phổ quát, và rõ ràng bác bỏ các chủ trương lầm lẫn của những người gieo rắc hận thù và chia rẽ.

Giócđăng cũng là quê hương của sáng kiến năm 2007 tựa là “Lời Chung”, suy tư về hai giới răn vĩ đại của cả Hồi Giáo lẫn Kitô Giáo: yêu Thiên Chúa và yêu người lân cận. Người thuộc hai tôn giáo chúng ta, chiếm quá phân nửa nhân loại, là những người lân cận của nhau, khắp mọi nơi. “Lời Chung” đã đem lại cuộc đối thoại mới giữa chúng ta. Hai nghị hội Công Giáo - Hồi Giáo chính đã diễn ra, một tại Vatican và một tại Giócđăng. Nghị hội thứ ba sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng Mười Một tới, nếu Thiên Chúa muốn. 

Thưa Đức Thánh Cha,

Là hậu duệ thứ 41 của Tiên Tri Mohammad (hòa bình và chúc lành xuống trên ngài), tôi từng cố gắng duy trì tinh thần đích thực của Hồi Giáo, Hồi Giáo của hòa bình. Nhiệm vụ đối với nhà Hashim của tôi trải dài qua việc bảo vệ Các Thánh Điểm của Kitô Giáo lẫn Hồi Giáo tại Giócđăng và tại Giêrusalem. Là người bảo vệ, tôi cam kết duy trì Thành Thánh, làm nơi thờ phượng của mọi người và, nếu Thiên Chúa muốn, làm nhà an toàn cho mọi cộng đồng thuộc mọi thế hệ. 

Năm ngoái, Giócđăng đã triệu tập một hội nghị vùng có tính lịch sử về các thách đố đang đối diện với các Kitô hữu Ả Rập. Xin cho tôi nó thẳng thắn rằng các cộng đồng Kitô Giáo Ả Rập là thành phần yếu tính của Trung Đông. 

Ở đây, tại Giócđăng này, di sản Kitô giáo lâu đời đang hiện hữu một cách hòa hợp với di sản và căn tính Hồi Giáo. Chúng tôi trân qúi di sản này. Thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi hân hoan vì ngài, cũng như các vị tiền nhiệm của ngài, sẽ thực hiện chuyến hành hương tới nơi Chúa Giêsu Kitô (hòa bình xuống trên Ngài) chịu phép rửa tại Bêtani bên kia Sông Giócđăng. 

Thưa Đức Thánh Cha, 

Hòa bình thế giới tùy vào sự hiểu biết và chung sống của mọi người, thuộc mọi tín gưỡng. Để đạt được mục tiêu này, năm 2010, chúng tôi có dẫn khởi tuần lễ mới tại LHQ, được tổ chức hàng năm gọi là “Tuần Lễ Hòa Hợp Liên Tín Ngưỡng Thế Giới”. Để biết ơn, chúng tôi đã lập một giải thưởng hàng năm, năm nay sẽ được cấp cho giới trẻ và các tổ chức tại Ấn Độ, Phi Luật Tân, Uganda và Ai Cập.

Thưa Đức Thánh Cha

Trong những ngày sắp tới, ước gì chúng ta tiếp tục làm việc với nhau để củng cố sự hòa hợp và đương đầu với các thách đố. Tình nhân loại và sự khôn ngoan của ngài có thể đóng góp đặc biệt cho việc làm dịu cuộc khủng hoảng tị nạn Syria và gánh nặng đang đè lên các nước láng giềng chủ nhà như Giócđăng. Chúng ta phải giúp Syria lấy lại tương lai của họ, chấm dứt việc đổ máu, và tìm ra một giải pháp chính trị hoà bình. 

Các hành động và hỗ trợ của ngài cũng tiếp tục được cần tới giúp cho người Palestine và người Do Thái Giáo giải quyết được cuộc tranh chấp lâu dài của họ. Nguyên trạng ‘công lý bị khước từ’ dành cho người Palestine; sợ người khác; sợ thay đổi; đó là con đường dẫn tới hủy diệt lẫn nhau, chứ không tôn trọng lẫn nhau. Cùng nhau, chúng ta có thể giúp các nhà lãnh đạo của cả hai phe biết đưa các biện pháp can đảm nhằm đạt được hòa bình, công lý và sống chung…”
Vũ Văn An5/24/2014(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét