Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

26-10-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

26/10/2014
CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN năm A
(phần II)

GIÁO LÝ PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXX QUANH NĂM, NĂM A
GLPÂ CHÚA NHẬT XXX QUANH NĂM, NĂM A
Sách Xuất Hành 22.21-27;
Thư I của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Tessalonica 1,5-10
và Phúc Âm Thánh Matthêô 22.34-40

I.                  Giáo Huấn P.Â.:   
            “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”
Mến Chúa yêu người là hai điều răn cao trọng ngang nhau.
II.               Vấn nạn P.Â.
Tại sao mến Chúa yêu người lại cao trọng ngang nhau?
Vì Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa.
“Thiên Chúa phán : "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất."Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (STK. 1.26-27)
Con người rất cao trọng vì giống Thiên Chúa có linh hồn, có trí khôn và được làm bá chủ vũ trụ.
Vì sống hòa thuận yêu thương là yếu tố để Chúa khấn nhậm lễ tế.
“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).
Vì Chúa tạo dựng con người và vũ trụ vạn vật bất toàn, để con người kiện toàn bằng tình yêu thương bác ái.
Cụ thể: Bản thân mỗi người chúng ta, từ thân xác cho đến tâm hồn bao gồm những thiếu sót và bất toàn. Có bao giờ chúng ta hoàn toàn thỏa mãn với chính chúng ta về cả thân xác và tâm hồn. Chúng ta thường ƯỚC được như thế nầy thế khác. ƯỚC, có nghĩa là chưa được.
Trong đời sống vợ chồng hay gia đình, có bao giờ chúng ta mãn nguyện hoàn toàn với người phối ngẫu hay với những thành phần trong gia đình. Có đôi lần chúng ta mơ ước gia đình mình được như gia đình của một ai đó. Vợ chồng phản bội nhau là kết quả của thất vọng hay mộng đẹp chưa tròn.
Muốn kiện toàn, chúng ta phải có tình yêu thương bác ái và quảng đại tha thứ cho nhau. Kiện toàn đời sống cá nhân, gia đình hay xã hội  bằng tình yêu thương bác ái là lý do chúng ta được sinh ra và sống trên trần đời. Hạnh phúc thật lớn lao khi chúng ta được thực thi bác ái và làm gì đó mang ích cho người khác.
Vì ngày chung thẩm, Chúa phán xét dựa trên tiêu chuẩn bác ái.
“ Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm". Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?" Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy". (Matt. 25. 35-40)

Tất cả Luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy. Thế nào về luật giữ ngày Chúa Nhật, có liên quan gì đến giới răn mến Chúa yêu người?
Nói về luật giữ ngày Chúa Nhật và các lễ buộc.
Giáo luật qui định về việc giữ ngày Chúa Nhật và lễ buộc:
Điều 1246 §1: Tất cả các ngày Chúa nhật là ngày cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua theo truyền thống Tông đồ, ngày đó phải được giữ như là ngày lễ buộc chính yếu trong Giáo Hội toàn cầu.
Cụ thể là:
Bốn lễ kính mầu nhiệm của Đức Kitô: lễ Sinh Nhật Đức Giêsu Kitô, lễ Hiển Linh, lễ Thăng Thiên, lễ Mình và Máu Rất Thánh Đức Kitô;
Ba lễ kính Đức Maria: lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm và lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời;
Ba lễ dành cho các Thánh: lễ Thánh Giuse, lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, lễ Các Thánh.
Điều 1246 §2: Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục có thể xin Tông Toà huỷ bỏ hoặc chuyển một số lễ buộc sang ngày Chúa Nhật.
Tại Việt Nam, các Đức Giám Mục, theo Điều 2 và 1246 §, duy trì các đặc ân vẫn có đối với các lễ buộc, nghĩa là: Tại Giáo tỉnh Hà Nội, ngoài các ngày Chúa Nhật, chỉ buộc giữ “Tứ Quý”, tức là 4 ngày lễ trọng: lễ Giáng Sinh, lễ Chúa Thăng Thiên, lễ Đức Mẹ Lên Trời và lễ các Thánh Nam Nữ.Tại các Giáo tỉnh Huế và Giáo tỉnh Sàigòn, ngoài các ngày Chúa nhật, chỉ buộc giữ lễ Chúa Giáng Sinh. Canada ngoài các ngày Chúa Nhật có hai lễ buộc là Giáng Sinh và lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa ngày đấu năm dương lịch 1.1
Ở Mỹ, có sáu ngày lễ buộc là: Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa ngày 1.1; Lễ thăng thiên, chỉ áp dụng ở các ít thành phố như BostonHartfordNew YorkNewarkOmaha, vàPhiladelphia; Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 15.8; Lễ các thánh nam nữ 1.11; Lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội 8.12 và Lễ Giáng Sinh 25.12
Luật buộc giữ ngày Chúa Nhật và những lễ buộc dành cho những tín hữu đã được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội Công Giáo đã sử dụng đủ trí khôn và đã được 7 tuổi trọn.
Tham dự lễ ngày Chúa Nhật có liên quan gì đến việc yêu người?
Tham dự lễ ngày Chúa Nhật chúng ta tuyên xưng rằng: Chúa là Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo, đã cứu chuộc và đã thánh hóa chúng ta và Chúa là Đấng chúng ta phải tôn thờ và tìm kiếm trong cuộc sống.
            Tham dự lễ ngày Chúa Nhật chúng ta tỏ lòng tri ơn với Đấng Tạo Hóa.
            Tham dự lễ ngày Chúa Nhật chúng ta tuyên xưng rằng: Chúng ta có nhiều người anh chị em cùng có Thiên Chúa là Cha và chúng ta cùng nhau tôn thờ Chúa và thực thi bác ái huynh đệ. Dự Thánh lễ Chúa Nhật giống như con cái về nhà Cha Mẹ m2inh để hỏi thăm sức khỏe Cha Mẹ cũng như để nhận ra nhu cầu của nhau.
III.           Thực hành P.Â.:
Giống (Gender) Nam và Nữ (Male and Female)
Nếu chúng tra có dịp quan sát thì nhiều tờ khai cá nhân không còn dùng từ phái tính, tức Nam hay Nữ (SEX: M or F) Nhưng dùng từ giống loại với 3 ô: Nam, Nữ hay giới tính khác (Gender: M, F, or other)  Mặc nhiên người ta chấp nhận nhân quyền cho những người lưỡng tính hay hôn nhân đồng tính.
Người ta bôm vào tâm trạng con người vấn đề :Sống theo luật Chúa và luật Giáo Hội là vô lý. Có những anh chị em tỏ ra bất cần luật Chúa và Giáo Hội trong việc hôn nhân. Họ lý luận rằng: Chúa dựng nên con người và bảo họ làm vợ làm chồng sinh sản cho đầy mặt đất. Chúa nào có dạy phải học giáo lý hôn nhân hay vào nhà thờ làm đám cưới….Chỉ có vậy! Còn luật Giáo Hội về hôn nhân thì mới thành hình sau nầy…gọi là muốn chứng minh vai trò của Giáo Hội thôi.
Không đâu! Có người Cha nào mà đặt ra luật lệ để hãm tài con mình? Giáo Hội là Mẹ chúng ta, không lẽ Giáo Hội muốn điều bất hạnh cho chúng ta? Vì thế có luật: chuẩn bị hôn nhân để giúp đôi hôn nhân nguội lại hay bình tĩnh và có giờ suy nghĩ về giai đoạn quan trọng mà họ đang bước vào. Hãy mang ơn Giáo Hội và tuân hành luật lệ Giáo Hội. Rất tốt cho chúng ta!

            Ngày nào đó con sẽ thấy:
Người Cha đã 70 tuổi – Người con trai út chỉ ngoài 30. Hai cha con hè hụt khuân những đồ vật mua từ tiệm vật liệu xây dựng về để sưa sang bên ngoài nhà. Thanh niên 30 tuổi sức vóc: làm nhanh, vác khỏe mà hơi thở vẫn nhẹ nhàng. Người Cha 70 tuổi chậm chạm, chỉ mang vật nhẹ mà lại còn thở nặng nhọc nhằn. Anh c on trai 30 tuổi bảo: Ba xuống sức quá rồi, mới vác có vài món đồ mà đã thờ hồng hộc. Cha già 70 nghe con trai mình  nhận xét, mỉm cười, quẹt mồ hôi trán và nói: Ngày nào đó con sẽ thấy!
Chúng ta sẽ thấy: chả được gì khi tiếc một giờ bỏ lễ Chúa Nhật – Cha được gì khi không biết lắng nghe người lớn và Giáo Hội – Chả được gì nếu sống vô kỷ luật – Chả được gì nếu từ chối giúp đỡ người khác. Ngày nào đó chúng ta sẽ thấy cái hậu quả của những tự hào do thiếu kinh nghiệm sống ở đời. Người lớn tuổi, có những giới hạn nhưng họ có kinh nghiệm thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy khi về già.

 Lm Phêrô TrầnThế Tuyên


Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu cho thấy một bầu khí tranh chấp và đố kỵ của người Do Thái. Kẻ thì theo nhóm biệt phái, người thì theo nhóm Sađốc. Bên này gài bẫy bên kia và hí hửng khi đối thủ lâm nạn. Từ lãnh vực chính trị xã hội cuộc tranh chấp lan sang phạm vi tôn giáo. Luật pháp có tới 613 khoản, gồm 248 lệnh truyền và 365 lệnh cấm. Những khoản nào là quan trọng nhất. Đó là một vấn đề nóng bỏng.
Tuỳ theo lập trường nghiêng về phụng vụ hay xã hội, đền thờ hay đền vua, mà người ta có thể biện minh cho thái độ của mình, biệt phái hay Sađốc, chống đối hay cộng tác với ngoại bang. Ai cũng muốn tranh thủ người khác về phe mình. Người ta muốn biết ý kiến của Chúa Giêsu, bởi vì lập trường của Ngài rất quan trọng, dân chúng sẽ tuỳ đó mà biểu lộ cảm tình của mình với phe nào, thế nhưng tuyên bố lập trường của mình cũng là điều nguy hiểm cho Ngài, bởi vì phe đối nghịch có thể dựa ào đó mà kết án Ngài.
Tuy  nhiên, đó chỉ là những suy tính của người ta. Đã nhiều lần họ gài bẫy Ngài. Nhưng chẳng có lần nào họ đã thành công. Hôm nay cũng vậy. Được hỏi ý kiến về giới răn quan trọng nhất, Ngài đã trả lời như hết mọi người Do Thái đạo đức: Ngươi phải kính mến Thiên Chúa hết lòng. Thế nhưng không dừng lại ở đó mà Ngài còn nói tiếp: Giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất đó là ngươi phải thương yêu anh em như chính mình ngươi. Ngài không đồng hoá hai việc mến Chúa và yêu người. Hai việc đó vẫn khác nhau và vì thế không được xao lãng nhiệm vụ nào. Đó là nét độc đáo của Chúa Giêsu.
Người ta vẫn nói phải mến Chúa và yêu người, phải có thiên đạo và nhân đạo, nhưng bình thường người ta vẫn coi đó là những nhiệm vụ xa rời nhau, không liên hệ gì với nhau. Người ta có thể mến Chúa trong nhà thờ và không thương người ở ngoài xã hội. Hoặc thương người ở ngoài xã hội nhưng lại không mến Chúa ở trong nhà thờ. Hơn nữa, người ta coi việc thương người chỉ là thứ yếu sánh với việc mến Chúa. Đối với Chúa Giêsu thì khác. Phải mến Chúa cũng như yêu người. Ưu tiên là mến Chúa, nhưng đồng thời cũng phải yêu người. Hay như thánh Gioan đã viết: Không thể có lòng mến Chúa, Đấng vô hình, nếu không thương người. Và khi dạy phải yêu người như chính bản thân, thì Chúa Giêsu không có ý bảo phải thương mình trước. Câu nói của Chúa Giêsu có nghĩa là phải yêu người hết lòng cũng như phải kính mến Chúa hết lòng.
Cuối cùng một nét độc đáo khác nữa trong câu trả lời của Chúa Giêsu là tất cả luật pháp và các tiên tri đều quy về sự mến Chúa và yêu người. Như vậy, không những tất cả 613 khoản luật, mà toàn thể lời giáo huấn đều nhằm phát triển lòng mến Chúa yêu người. Như thế vấn đề tranh chấp đã được giải quyết. Chẳng phe nào thắng. Phe nào cũng phải nỗ lực hơn để giữ trọn lề luật. Phe nào cũng đã lầm lạc vì đã không cọi trọng hai nhiệm vụ mến Chúa yêu người như nhau, cho nên đã làm mất quân bình, gây ra những lệch lạc trong đời sống. Đức Kitô đã đến để mang lại ơn cứu độ. Ai đón nhận Ngài thì phải mến Chúa. Ai đã mến Chúa thì cũng phải yêu người.

Lectio Divina: Chúa Nhật XXX Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 26 Tháng 10, 2014
Giới răn trọng nhất
Yêu mến Thiên Chúa là yêu mến người khác
Mt 22:34-40 

1.  Lời nguyện mở đầu 
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại. 
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con  Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen. 
 2.  Bài Đọc 
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc: 
Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ ba mươi thường niên, các người Biệt Phái muốn biết điều răn nào của lề luật mà Chúa Giêsu cho là cao trọng nhất.  Chủ đề này đã được bàn cãi giữa những người Do Thái thời bấy giờ.  Đó là cuộc tranh luận thường xuyên.  Ngày nay cũng vậy, người ta muốn biết định nghĩa của một Kitô hữu ngoan đạo là gì.  Có người cho rằng điều này gồm có việc đã được rửa tội, cầu nguyện và tham dự thánh lễ Chúa Nhật.  Một số người khác thì nói nó bao gồm cả việc thực thi sự công bằng và sống trong tình huynh đệ.  Mỗi người có ý kiến riêng của mình.  Theo bạn, điều quan trọng nhất trong giáo lý và đời sống của Giáo Hội là gì?  Khi đọc bài Tin Mừng này, bạn hãy cố gắng để tâm chú ý đến cách thức Chúa Giêsu trả lời câu hỏi.  
b)  Phúc Âm: 
34 Khi ấy, những người Biệt Phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại.  35 Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng:  36 “Thưa Thầy, trong Lề Luật, giới răn nào trọng nhất?” 37Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng:  “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.  38 Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất.  39 Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là:  Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.  40 Toàn thể Lề Luật và sách các Tiên Tri đều tóm lại trong hai giới răn đó.”      
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4.  Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a)  Phần nào của bài dụ ngôn bạn thích nhất hoặc động chạm bạn nhất?  Tại sao? 
b)  Những người Biệt Phái thời bấy giờ là ai?  Những người Biệt Phái thời nay là ai?           
c)  Làm thế nào mà một câu hỏi của người Biệt Phái hỏi Chúa Giêsu lại có thể thử thách Người? 
d)  Sự tương quan giữa các giới răn thứ nhất và thứ hai là gì?
e)  Tại sao sự yêu mến Thiên Chúa và lòng thương yêu tha nhân là một bản tóm tắt của Lề Luật và sách các tiên tri?
5.  Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
a)  Bối cảnh đoạn Phúc Âm này trong Tin Mừng Mátthêu:
Đây là một trong nhiều cuộc thảo luận của Chúa Giêsu đã có với các chức sắc tôn giáo vào thời bấy giờ.  Lần này thì bàn luận với các người Biệt Phái.  Trước hết, những người Biệt Phái đã cố gắng làm mất uy tín Đức Giêsu với dân chúng bằng cách vu cáo Người nói rằng Người đã bị ám bởi quỷ vương Bê-en-giê-bun mà đã bị Người đuổi trừ (Mt 12:24).  Giờ đây, tại Giêrusalem, một lần nữa họ lại tham dự vào một cuộc thảo luận với Chúa Giêsu liên quan đến việc giải thích lề luật của Thiên Chúa.
b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 
Mt 22:34-36:  Câu hỏi được đặt để bởi người Biệt Phái.
Trước tiên, để thử Chúa Giêsu, những người Sađốc đã hỏi Người về niềm tin vào sự phục sinh và đã bị Chúa Giêsu khiến họ im miệng (Mt 22:23-33).  Bây giờ, đến phiên người Biệt Phái nhập cuộc.  Các người Biệt Phái và Sađốc là kẻ thù của nhau, nhưng họ trở thành bạn hữu trong việc chỉ trích Chúa Giêsu.  Người Biệt Phái tụ tập nhau lại và một người trong bọn họ đại diện đứng ra đặt câu hỏi:  “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”  Vào thời ấy, người Do Thái có rất nhiều quy tắc, truyền thống và lề luật, lớn và nhỏ, để cai quản việc tuân giữ Mười Điều Răn.  Một điểm liên quan đến hai giới răn của lề luật Thiên Chúa là một đề tài thảo luận gay go giữa những người Biệt Phái.  Một số người nói:  “Tất cả lề luật, lớn hay nhỏ, có giá trị như nhau bởi vì chúng đều xuất phát từ Thiên Chúa.  Chúng ta không thể xếp loại những gì thuộc về Thiên Chúa”.  Những người khác lại nói: “Có một số giới răn quan trọng hơn những điều khác và vì thế chúng đáng được xem trọng hơn!”  Người Biệt Phái muốn biết quan điểm của Chúa Giêsu thuộc về phe nào trong cuộc tranh luận này.
Mt 22:37-40:  Câu trả lời của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn lời trong Kinh Thánh:  Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi!”  (xem Đnl 6:4-5).  Trong thời Chúa Giêsu, người Do Thái sùng đạo lập lại câu kinh này mỗi ngày ba lần, buổi sáng, buổi trưa và buổi tối.  Đó là lời cầu nguyện quen thuộc trong dân giống như kinh Lạy Cha của chúng ta ngày nay.  Và Chúa Giêsu tiếp tục trích dẫn Cựu Ước:  “Đây là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Giới răn thứ hai cũng giống như giới răn ấy là:  Ngươi phải yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Lv 19:18).  Và Người kết luận:  “Toàn thể Lề Luật và sách các Tiên Tri đều tóm lại trong hai giới răn này”.  Nói cách khác, đây là con đường dẫn tới Thiên Chúa và tha nhân.  Không có đường nào khác.  Sự cám dỗ lớn lao nhất của loài người là cố gắng tách rời hai tình yêu này, bởi vì theo cách này, sự nghèo khổ của người khác sẽ không làm lương tâm họ cắn rứt.          
c)  Phần đào sâu hơn:
i)  Người Biệt Phái:
Chữ “người Pharisêu” có nghĩa là “tách biệt” bởi vì cung cách tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa cứng ngắc của họ đã tách biệt họ khỏi những người khác.  Với nhau, họ gọi nhau là bạn đồng hành bởi vì họ đã tạo nên một cộng đoàn mà lý tưởng là tuân giữ tuyệt đối các quy tắc và tất cả các giới răn của lề luật Thiên Chúa.  Cách sống của hầu hết các người này là nhân chứng cho người ta bởi vì họ dùng sức lao động mà mưu sinh và sự tận tụy của họ dành nhiều giờ mỗi ngày để tra cứu học hỏi và suy gẫm lề luật Thiên Chúa.  Nhưng có điều gì đó rất tiêu cực:  họ đã đi tìm sự an toàn của họ không phải dựa vào Thiên Chúa mà dựa vào việc tuân giữ nghiêm ngặt Lề Luật của Thiên Chúa.  Họ đã tin vào những gì họ làm cho Thiên Chúa hơn là vào những gì Thiên Chúa đã làm cho họ.  Họ đã đánh mất đi khái niệm về ân sủng, đó chính là nguồn mạch và hoa trái của tình yêu.  Trước một thái độ sai lạc về Thiên Chúa như thế, Đức Giêsu đã phản ứng một cách vững chắc và khẳng định về việc thực thi tình yêu thương khiến cho việc tuân giữ lề luật và ý nghĩa thực sự của nó thành tương đối.  Trong một thời đại của thay đổi và bất định, chẳng hạn như bây giờ, sự cám dỗ ấy lại xuất hiện, đó là tìm kiếm sự yên thân trước khi tìm kiếm Thiên Chúa, không phải trong sự tốt lành của Thiên Chúa dành cho chúng ta, mà trong việc nghiêm ngặt tuân giữ Lề Luật.  Nếu chúng ta không chống nổi sự cám dỗ như thế, thì chúng ta cũng đáng bị Chúa quở trách như vậy.   
ii)  Một sự tương đồng giữa Tin Mừng Máccô và Mátthêu:
Trong Tin Mừng của Máccô, một người kinh sư đứng ra chất vấn (Mc 12:32-33). Sau khi nghe xong câu đối đáp của Chúa Giêsu, vị kinh sư này đồng ý với Người và đưa ra kết luận sau:  “Thầy nói đúng, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân thì quý hơn nhiều so với bất kỳ lễ toàn thiêu hoặc hy lễ”.  Nói cách khác, giới răn yêu thương là giới răn quan trọng nhất trong tất cả các giới răn liên quan đến lòng tôn sùng và các hy lễ của Đền Thờ và các sự tuân giữ bên ngoài.  Lời tuyên bố này đã có trong Cựu Ước từ thời tiên tri Hôsê (Hs 6:6; Tv 40:6-8; Tv 51:16-17).  Ngày nay, chúng ta có thể nói rằng việc thực thi lòng bác ái thì quan trọng hơn là tuần cửu nhật, khấn hứa, ăn chay, cầu nguyện và rước kiệu.  Chúa Giêsu chấp nhận lời kết luận của vị kinh sư và nói:  “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa nữa đâu!”  Nước Thiên Chúa gồm có điều này:  nhận biết rằng tình yêu Thiên Chúa thì ngang với tình yêu tha nhân.  Chúng ta không thể đến được với Thiên Chúa mà không hy sinh thân mình cho tha nhân!
iii)  Giới răn cao trọng nhất:

Giới răn đầu tiên và cao trọng nhất là:  “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mc 12:30; Mt 22:37).  Cho đến ngày nay, trải qua nhiều thế kỷ, dân của Chúa đã hiểu được ý nghĩa của tình yêu này, cho đến độ họ đã ý thức được rằng tình yêu Thiên Chúa thì có thật và chỉ thực sự nếu nó được thực hiện cụ thể qua tình yêu tha nhân.  Đó là lý do tại sao điều răn thứ hai tương đồng như điều răn thứ nhất (Mt 22:39; Mc 12:31).  “Nếu ai nói:  ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4:20).  “Tất cả luật Môisen và sách các Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:40).  Bởi vì sự gắn bó của hai tình yêu này, đã có một sự tiến hóa trong ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất:  “Người đồng loại”, tương ứng với người cùng nòi giống
Cựu Ước đã dạy rằng chúng ta phải “yêu thương người đồng loại như chính mình!” (Lv 19:18).  Nhưng sau đó, từ ngữ người đồng loại đã được chuyển thành đồng nghĩa với người thân thuộc bà con.  Họ cảm thấy có nhiệm vụ phải yêu thương tất cả những người cùng chung huyết thống, chung gia tộc, chung nòi giống.  Đối với những kẻ xa lạ, đó là, những kẻ không phải là dân Do Thái, sách Đệ Nhị Luật nói: “Đối với người nước ngoài, anh em có thể thúc nợ; nhưng cái gì của anh em mà ở trong nhà người bà con (thân nhân, hàng xóm) của anh em, thì phải tha không đòi!” (Đnl 15:3).
Giai đoạn thứ hai:  “Người đồng loại” là người tôi tiếp cận hoặc người tiếp cận tôi
Khái niệm về người đồng loại được mở rộng.  Vào thời Chúa Giêsu, có cả một cuộc thảo luận về “ai là người đồng loại của tôi?”  Một số các luật sĩ nghĩ rằng khái niệm về người đồng loại phải được mở rộng ra khỏi giới hạn của chủng tộc.  Những người khác lại không muốn nghe điều này.  Vì vậy, một người thông luật tìm đến Chúa Giêsu và hỏi thử người câu hỏi:  “Ai là người lân cận của tôi?”  Chúa Giêsu trả lời với dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu (Lc 10:29-37), ở đó người lân cận không phải là một người thân thuộc cũng chẳng là bạn hữu, mà là tất cả những ai tiếp cận với chúng ta, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, giới tính hoặc ngôn ngữ!  Bạn phải yêu thương họ!
Giai đoạn thứ ba:  Tiêu chuẩn để đánh giá tình yêu của chúng ta với người lân cận là tình yêu mà Chúa Giêsu yêu thương chúng ta.
Đức Giêsu đã nói với người thông luật:  “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12:34).  Người thông luật đã gần Nước Trời, vì trong thực tế, Nước Trời bao gồm kết hợp tình yêu Thiên Chúa với tình yêu tha nhân, như người thông luật đã trang trọng tuyên bố trước mặt Chúa Giêsu (Mc 12:33).  Nhưng để được vào Nước Trời ông ta phải tiến thêm một bước nữa.  Trong Cựu Ước, tiêu chuẩn của tình yêu đối với tha nhân như sau:  “yêu thương người lân cận như chính mình”.  Chúa Giêsu đã nới rộng tiêu chuẩn ấy xa hơn và phán:  “Đây là điều răn của Thầy:  anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em!  Không có tình yêu nào cao cả hơn là tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình!” (Ga 15:12-13).  Ngày nay, trong Tân Ước, tiêu chuẩn là:  “Hãy yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta!”  Đức Giêsu giải thích ý nghĩa chính xác của Lời Chúa và chỉ cho chúng ta đường lối đến một lối sống trong tình huynh đệ và công bằng hơn.
6.  Thánh Vịnh 62
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi linh hồn tôi mới được nghỉ ngơi
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người?
Hắn đã như bức tường xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng.
Con người ấy, chúng chỉ mưu hạ bệ,
chúng thoả lòng vì đã nói dối nói gian.
Miệng thì chúc phúc cầu an,
mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,
Người là núi đá vững vàng,
ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân.
Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi,
trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu.
Kẻ thường dân âu chỉ là hơi thở,
người quyền quý đều ví tựa ảo huyền,
đứng cả lên cân cũng chẳng tày mây khói.
Đừng tin tưởng ở trò áp bức nữa,
chớ hoài công cậy ngón bóc lột người!
Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở,
lòng chẳng nên gắn bó làm chi.
Lạy Thiên Chúa, một lần Ngài phán dạy,
con nghe được hai điều,
rằng: Ngài nắm quyền uy
và giàu lòng nhân hậu;
rằng: Ngài theo tội phúc mà thưởng phạt mỗi người.
7.  Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Suy niệm và chú giải Lời Chúa, Chúa nhật XXX thường niên - Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Thánh Phao-lô khích lệ các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca và ca ngợi đức tin kiên vững của họ: dù chỉ đón nhận Tin Mừng trong một thời gian ngắn, họ đã phải chịu trăm chiều gian nan thử thách.
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nhấn mạnh “Mến Chúa và Yêu Người là một”.
Xh 22: 20-26
Bài Đọc I, trích từ “Bộ Luật Giao Ước” của sách Xuất Hành. Thiên Chúa đòi hỏi dân Ngài phải thực hành đức ái đối với những người khốn khổ nhất: ngoại kiều, mẹ góa con côi, người túng thiếu. Ngài tự đồng hóa minh với họ: “Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ”.
Tv 18 (17): 2-4, 47, 51
Vua Đa-vít bày tỏ tấm lòng cảm mến tri ân của mình đối với Đức Chúa vì Ngài không ngừng bảo vệ che chở vua trong suốt cuộc đời đầy gian nan thử thách của vua.
1Th 1: 5-10
Thánh Phao-lô khích lệ các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca và ca ngợi đức tin kiên vững của họ: dù chỉ đón nhận Tin Mừng trong một thời gian ngắn, họ đã phải chịu trăm chiều gian nan thử thách.
Mt 22: 34-40  
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su hiệp nhất hai giới luật mến Chúa và yêu người làm một.
BÀI ĐỌC I (Xh 22: 21-27)
Bản văn nầy được trích dẫn từ “Bộ Luật Giao Ước” của sách Xuất Hành. Bộ luật nầy phản ảnh thời kỳ dân Do thái không còn sống cuộc đời du mục nữa, nhưng định cư lập nghiệp ở đất Ca-na-an. Vì thế, Người ta có thể ấn định niên biểu của bộ luật này vào thời hậu Mô-sê, chính xác hơn vào những giai đoạn đầu tiên của thời kỳ định cư, trước khi tổ chức thành một quốc gia, tức vào thời Thủ Lãnh, khoảng năm 1200 và 1030 trước Công Nguyên. Đây là luật của một xã hội chăn nuôi và nông nghiệp. Bộ luật được đặt vào trong bối cảnh “Trên núi Si-nai, Chúa phán với dân Ít-ra-en”. Đây là hư cấu văn chương được dùng để nhấn mạnh rằng bộ luật nầy vẫn ở trong tinh thần Luật Mô-sê và chỉ là khai triển Luật Mô-sê.
Trên bình diện hình thức, “Bộ Luật Giao Ước” nầy có nhiều mối quan hệ thân thuộc với các luật của miền Cận Đông xưa như Bộ Luật Hammourabi, vua Ba-by-lon, vào năm 1700 trước Công Nguyên, trong đó luật cũng được diễn tả theo biểu thức điều kiện: “Nếu ngươi làm điều nầy, nếu người làm điều nọ”. Một biểu thức khác, hiếm hơn trong những bản văn luật thời xưa, nhưng thường gặp trong Cựu Ước, đó là biểu thức mệnh lệnh thường nhất được diễn tả theo hình thức lệnh cấm: “Ngươi không được…”, như trong Thập Giới (Xh 20: 3-17), trong đó chỉ có hai giới luật được diễn tả theo hình thức lệnh truyền:“Ngươi hãy…”. Trong bản văn của chúng ta, hình thức lệnh cấm cũng chiếm ưu thế.
Trên bình diện nội dung, Bộ Luật Giao Ước phân biệt rõ nét với các bộ luật ngoại quốc có cùng xuất xứ. Sự độc đáo của Bộ Luật Giao Ước ở nơi chỗ chính Thiên Chúa đứng ra đảm bảo luật luân lý, vì thế vi phạm luật đồng nghĩa xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Đức Ái được đề cao như luật cốt yếu của cuộc sống xã hội, vì thế, hai giới luật: mến Chúa và yêu người, vốn đã được liên kết cùng nhau rồi.
1. “Người ngoại kiều”.
Ở Ít-ra-en, có nhiều quy chế liên quan đến ngoại kiều. Trước hết, “ngoại kiều cư trú” được hưởng một quy chế khá thuận lợi (nhất là người làm thuê ngụ ở nhà chủ mình). Đoạn, “ngoại kiều vãng lai” được hưởng truyền thống hiếu khách. Cuối cùng, “ngoại kiều nhập cư” phải chịu một quy chế khắc khe. Chính hoàn cảnh của “ngoại kiều nhập cư” nầy mà Bộ Luật Giao Ước lưu ý. Nguyên do được nêu lên là tính lịch sử: “vì chính các người đã là ngoại kiều ở Ai-cập”. Phải nhấn mạnh rằng các luật pháp của miền Cận Đông xưa không bao giờ nêu lên nguyên do của các luật lệ được ban hành. Vì thế, đây là nét đặc thù của Kinh Thánh.
2. “Mẹ góa con côi”.
Thân phận của người phụ nữ ở Ít-ra-en là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Vì thế, người phụ nữ góa chồng khó có thể tìm được nơi nương tựa. Nếu không có của cải, người phụ nữ nầy có thể lâm vào một cuộc sống khốn khổ, nhất là phải gánh vác trách nhiệm nuôi nấng con cái. Những cảnh ngộ thương tâm như thế rất thường trong những xã hội thời xưa. Thế nên, luật pháp quan tâm đến cảnh ngộ mẹ góa con côi nầy như phần kết của Bộ Luật Hammourabi: “Ta đã viết những lời nầy trên bia đá ngỏ hầu kẻ mạnh không ức hiếp người yếu và trả lại sự công bình cho mẹ góa con côi”.
Như chúng ta đã nói trên, nét độc đáo của luật Kinh Thánh chính là viện dẫn Thiên Chúa như Đấng bênh vực bảo vệ tình cảnh mẹ góa con côi. Thiên Chúa sẽ đích thân can thiệp và “sẽ cho gươm giết các ngươi”, nghĩa là các ngươi sẽ bị giết chết trong chiến tranh. Một cách nào đó, đây là luật “ân oán phân minh” (luật “răng đền răng mắt đền mắt”), nghĩa là vợ con của họ cũng sẽ trở thành góa bụa đơn côi.
3. Cho vay nợ.
Mối quan hệ của mọi thành viên dân Thiên Chúa là cốt nhục tình thâm, vì thế không được để cho bất cứ một ai trong anh chị em mình phải sống trong cảnh nghèo khổ túng thiếu. Phải cho anh chị em vay mượn nhưng không đòi trả lãi.
Tại các dân tộc lân cận, người ta cho vay để lấy lãi. Bộ Luật Giao Ước cấm cho vay lấy lãi như thế. Việc vay lấy lãi được trình bày như đối lập với luật yêu thương anh chị em chủng tộc mình. Quả thật, sách Đệ Nhị Luật xác định: “Người nước ngoài, anh em được cho vay lấy lãi, còn người anh em của anh thì không được cho vay lấy lãi; như vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh sẽ chúc phúc cho anh trong mọi công việc tay anh làm, trên đất anh sắp vào chiếm hữu” (Đnl 23: 20-21).
Đức Giê-su sẽ hủy bỏ quan niệm yêu thương bị giới hạn chỉ trong vòng anh em chủng tộc nầy. Phải nhận ra luật “Cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả” được mở rộng đến hết mọi người, bởi vì mọi người trong bốn bể đều là anh em.
Để tránh người vay lạm dụng, người cho vay có thể lấy áo choàng làm vật thế chấp. Bản văn đưa ra một ví dụ ý nhị. Người chăn chiên nằm ngủ ngoài trời cần chiếc áo choàng làm chăn đắp. “Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ”. Lại một lần nữa, bản văn khẳng định rằng Thiên Chúa bao hàm trong tình yêu tha nhân. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su khẳng định mến Chúa và yêu người chỉ là một.
THÁNH VỊNH 18 (17): 2-4, 47, 51
Thánh vịnh này được trình bày như một lời cảm tạ tri ân của vua Đa-vít vì Đức Chúa không ngừng bảo vệ che chở vua trong suốt cuộc đời đầy gian truân thử thách của vua. Một dị bản được bảo lưu trong 2Sm 22: 2-51. Đoạn trích Thánh Vịnh hôm nay được cấu trúc như sau:
A.Vua Đa-vít thổ lộ tấm lòng cảm mến tri ân của mình đối với Đức Chúa (cc. 2-3):
Vua Đa-vít thân thưa với Đức Chúa của mình (“con”) và thổ lộ tấm lòng yêu mến của mình đối với Đức Chúa từ chính kinh nghiệm của cuộc đời mình; từ chính kinh nghiệm sống đó, đức vua mô tả tấm lòng ưu ái mà Đức Chúa dành cho mình bằng những hình ảnh rất sinh động và gợi mở: Chúa là núi đá, là thành lũy, là khiên mộc của con trong cuộc đời gian truân thử thách của con.
B.Vua Đa-vít giãi bày tấm lòng ưu ái của Đức Chúa dành cho mình (cc. 4 và 47)
Vua Đa-vít giãi bày tấm lòng ưu ái của Đức Chúa dành cho mình (“tôi”) và tôn vinh Đức Chúa, Ngài là Đấng giải thoát mình (c. 4) và là Đấng nơi Ngài mình gặp thấy sự nương tựa vững chắc trong những ngày đầy gian truân thử thách của cuộc đời (c. 47).
C.Lời khẳng định về tấm lòng ưu ái của Đức Chúa dành cho vua Đa-vít (c. 51)
Cuối cùng, những ai đã biết rõ cuộc đời của vua Đa-vít đều khẳng định tấm lòng ưu ái Đức Chúa dành cho đức vua, người mà Ngài đã xức dầu tấn phong.
BÀI ĐỌC II (1Th 1: 5-10)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
1.Tấm gương của những người loan báo Tin Mừng.
Thánh nhân nói đến cách sống của mình và của những người bạn đồng hành của mình là ông Xin-va-nô và ông Ti-mô-thê: “Anh em biết khi ở với anh em chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em”, mà không nêu ra bất kỳ một chi tiết cụ thể nào. Sau nầy, thánh nhân sẽ đề cập vấn đề nầy một cách cụ thể và rõ ràng hơn như tấm lòng ưu ái mà ngài dành cho họ. Trong đoạn trích dẫn hôm nay, thánh nhân ca ngợi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca vì “noi gương các vị mục tử của họ và bắt chước Chúa”.
Chúng ta đừng quên rằng lúc nầy thánh Phao-lô đang ở Cô-rin-tô, một cộng đoàn Ki-tô hữu mà ngài vừa mới thành lập. Sau nầy ngài viết cho các tín hữu Cô-rin-tô cùng một lời khuyên như vậy: “Anh em hãy bắt chước chúng tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô” (1Cr 11: 1) và cả cho các tín hữu Phi-líp nữa:“Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em.” (Pl 3: 17).
2.Tấm gương của các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
Những người loan báo Tin Mừng, dù đã phải kinh qua biết bao gian truân, họ vẫn cảm thấy niềm vui vì thấy thành quả của Tin Mừng ở nơi các tín hữu nhờ tác động của “Thánh Thần”. Quả thật, các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, dù đón nhận Tin Mừng trong một thời gian ngắn và phải chịu trăm chiều thử thách, trở nên tấm gương sáng chói cho mọi người:“Từ nơi anh em, Lời Chúa được vang ra; không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa…”
3.Dân ngoại đón nhận đức tin.
 Thánh Phao-lô diễn tả niềm vui của ngài vì dân ngoại mở rộng lòng đón nhận đức tin: “Anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa như thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống và chân thật”. Như các ngôn sứ thời xưa, thánh Phao-lô đối lập các ngẫu tượng có mắt có tai mà không nghe không thấy với Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Thánh nhân ca ngợi họ đã hiểu ý nghĩa cuộc sống Kitô hữu: phụng sự Thiên Chúa hằng sống và chân thật và chờ đợi ngày quang lâm của Con Thiên Chúa, Đấng phục sinh từ cõi chết, cứu độ chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ đang đến.
Ở đây, thánh nhân tóm gọn điều cốt yếu lời rao giảng của ngài. Lời rao giảng nầy theo cùng cung giọng với lời rao giảng của Giáo Hội tiên khởi, như chúng ta gặp thấy trong sách Công vụ.
TIN MỪNG (Mt 22: 34-40)
 Câu chuyện nầy được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật. Tuy nhiên, chỉ một mình thánh Mát-thêu đặt câu chuyện nầy vào trong bối cảnh của một trong những cuộc xung đột của nhóm Biệt Phái với Chúa Giê-su ngỏ hầu họ có thể bắt bí Ngài.
1.Vấn đề mà nhóm Biệt Phái nêu lên:
Theo thánh Mát-thêu, sau khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng về vấn đề kẻ chết sống lại, nhóm Biệt Phái lại xuất hiện và bày mưu tính kế hãm hại Đức Giê-su. Trước đây họ đã giăng bẫy Ngài về vấn đề chính trị: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?” (Mt 22: 15-22), bây giờ, vấn đề tôn giáo: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, giới luật nào là giới luật quan trọng nhất?”Quả thật, sách Luật Mô-sê, tức bộ Ngũ Thư, chứa đựng vô số những lệnh truyền và lệnh cấm, tổng cộng đến 613 điều phải tuân giữ. Làm thế nào nhận ra trong muôn vàn giới luật nầy giới luật nào quan trọng nhất? Trong một thời gian dài từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, các nhà thông luật tranh luận với nhau nhưng không đưa ra một giải pháp nào thỏa đáng cả. Vì thế, đây là một vấn đề có tính thời sự vào lúc đó, nhưng trong hoàn cảnh nầy, vấn đề được nêu ra là nhằm gài bẫy Đức Giê-su, điều đó cho thấy ác tâm của nhóm Biệt phái nầy. 
2.Câu trả lời của Đức Giê-su.
Đức Giê-su không xuất thân từ trường lớp nào của các kinh sư. Ngài có thái độ khá tự do đối với huấn lệnh ngày sa-bát (huấn lệnh quan trọng, thậm chí rất quan trọng nữa), Ngài và các môn đệ Ngài không thực hành việc rửa tay trước bữa ăn, cũng như Ngài giao du với những người mà người Biệt phái tránh tiếp xúc để giữ mình khỏi ô uế. Tuy nhiên, Đức Giê-su khẳng định rằng Ngài không đến để hủy bỏ Lề luật và lời dạy của các ngôn sứ, nhưng đề xuất những quan niệm của riêng mình. Trước vấn đề nầy, Ngài sẽ trả lời như thế nào? Rốt cuộc, câu trả lời của Ngài sẽ cung cấp cho những con người ác tâm nầy lý do để buộc tội Ngài chứ?
Trước hết, Chúa Giê-su trả lời khi trích dẫn giới luật “mến Chúa” trong sách Đệ Nhị Luật 6: 5. Giới luật nầy trở thành kinh nguyện của người Do thái (kinh Shema), luôn luôn đứng hàng đầu trong các kinh nguyện Do thái, và được đọc hai lần một ngày. Kinh nguyện nầy nói lên niềm hãnh diện của dân Ít-ra-en, qua đó họ khẳng định dân tộc của họ khác với các dân tộc khác: không chỉ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất và hữu vị, nhưng còn yêu mến Ngài trọn cả tấm lòng của mình. Tiếp đó, Đức Giê-su trích dẫn giới luật “yêu thương người thân cận như chính mình” trong sách Lê-vi 19: 18. Câu trả lời của Chúa Giê-su thật sự hoàn toàn mới mẽ:
Trước hết, giới luật yêu thương người thân cận được trích dẫn trong sách Lê-vi chỉ giới hạn ở nơi dân tộc Do thái, trong khi Đức Giê-su mở rộng ra với hết mọi người. Trong cùng một câu chuyện song đối (Lc 10: 25-28), thánh Lu-ca đã khai triển điểm mới mẽ nầy khi để cho thầy thông luật nêu lên vấn đề:“Nhưng ai là người thân cận của tôi?” và Chúa Giê-su trả lời bằng dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành (Lc 10: 29-37) khi mà chúng ta biết rằng đối với dân Do thái, người Sa-ma-ri là kẻ thù không đội trời chung.
Thứ nữa, hai giới luật nầy được trích dẫn từ hai sách khác nhau: giới luật mến Chúa trong sách Đệ Nhị Luật 6: 5, còn luật yêu người thân cận trong sách Lê-vi 19: 18. Người Do thái cũng đã nhận biết giới luật yêu người thân cận là quan trọng vì đây là luật của Thiên Chúa, vì thế vi phạm đến giới luật nầy là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Nhưng trong cuộc sống thường ngày, người ta thường đặt giới luật mến Chúa lên hàng đầu, vì thế rất dể bỏ qua hay thậm chí hy sinh yêu thương người thân cận mình vì mến Chúa, như cách hành xử của thầy tư tế và thầy Lê-vi trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu hay những lời phê phán của Đức Giê-su trong những cuộc tranh luận của Ngài với những giai cấp lãnh đạo Do thái về ngày sa-bát. Nét độc đáo của câu trả lời của Chúa Giê-su không chỉ vì Ngài trích dẫn hai giới luật nầy như là hai giới luật quan trọng bậc nhất, nhưng vì Ngài liên kết hai giới luật thành một.
3.Sự duy nhất của luật “mến Chúa và yêu người”.
Việc hiệp nhất hai giới luật mến Chúa và yêu người là nét đặc trưng của Kitô giáo: vì mỗi người đều được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa (St 1: 26-27) mà Công Đồng Va-ti-can II gọi là “thiên chức toàn vẹn của con người” (G S, 11). Hơn nữa, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, tự đồng hóa mình với mỗi một con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, những người thấp cổ bé miệng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25: 40, 45). Như vậy, hai giới luật cùng nhau hình thành nên một nền tảng của cuộc sống Kitô hữu. Giới luật yêu người chỉ gặp thấy điểm quy chiếu và ý nghĩa trọn vẹn của nó chỉ trong giới luật mến Chúa. Trong toàn bộ Tân Ước, thánh Gioan Tông Đồ cho chúng ta lời giải thích ngắn gọn nhất và cũng hay nhất về sự duy nhất của lòng mến Chúa và yêu thương người: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4: 20).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét