Trang

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

XIN THIÊN CHÚA BAN CHO TÂM HỒN CHÚNG TA NIỀM HOAN HỶ VÀ CHO ĐỜI SỐNG CHÚNG TA ĐƯỢC HƯỞNG PHÚC BÌNH AN!

XIN THIÊN CHÚA BAN CHO TÂM HỒN CHÚNG TA NIỀM HOAN HỶ VÀ CHO ĐỜI SỐNG CHÚNG TA ĐƯỢC HƯỞNG PHÚC BÌNH AN!

... Chứng từ của Linh Mục Arnaud Dhuicq thuộc Tổng Giáo Phận Reims ở miền Bắc nước Pháp, về phép lành các tín hữu lãnh nhận trong Phụng Vụ là để thông truyền cho người khác và trở thành chứng nhân cho Tình Yêu THIÊN CHÚA.

Mỗi tín hữu được mời gọi chúc lành nhân danh THIÊN CHÚA. Nhưng vào ngày thụ phong linh mục tôi nhận sứ vụ ban phép lành và phổ biến rộng rãi phép lành của Chúa. Đặc biệt trong Phụng Vụ, không phải tôi ban phép lành của tôi mà là phép lành của Chúa: xuyên qua tôi, chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ đến chúc lành cho dân Người để làm cho dân Người lớn lên và tăng trưởng.

”Xin THIÊN CHÚA Toàn Năng chúc lành cho anh chị em”: Khi vừa đọc vừa vạch hình Thánh Giá trên cộng đoàn tín hữu vào cuối Thánh Lễ chẳng hạn, tôi chúc lành nhân danh Chúa không phân biệt ai. Bởi vì phép lành được gởi đến từng người, được gởi đến cho tất cả những ai mong ước.

Phép lành diễn tả lòng quảng đại THIÊN CHÚA gieo vãi không tính toán với một Tình Yêu vô điều kiện. Và đến phiên mình, chúng ta cũng được mời gọi phổ biến phép lành của Chúa trên người khác, không dè sẻn. Chúa phán: ”Các con nhận lãnh nhưng không thì cũng hãy cho đi nhưng không”. Bởi vì, nếu chúng ta nhận phép lành của Chúa thì không phải để giữ lại mà là để phổ biến. Đó là ý nghĩa đặc biệt của phép lành vào cuối Thánh Lễ khi Linh Mục kết thúc với lời sai đi truyền giáo:
- Anh chị em hãy ra đi trong Bình An của Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Thật vậy, chúng ta được sai đi vào thế giới như những sứ giả của Tình Yêu và Bình An của THIÊN CHÚA bên cạnh các anh chị em đồng loại, như lời thánh Phaolô đã nói. Như vậy có nghĩa tôi không đi lễ để được sưởi ấm mà là để dìm mình trong phúc lành của Chúa, hầu kín múc sức mạnh và đến phiên mình, tôi có thể chúc lành cho người khác.

Phép lành của Chúa dành cho tất cả mọi người và mỗi người chúng ta phải đi vào cái luận lý thực tiễn này.

Thật vậy, Đức Chúa GIÊSU KITÔ kêu mời chúng ta phải chúc lành ngay cả cho kẻ thù nữa. Việc làm này là chuyện không thể được xét về phương diện loài người nhưng trở thành chuyện có thể được khi người ta rộng mở cho phúc lành: chính Chúa chúc lành và tha thứ nơi chúng ta. Khi để cho Tình Yêu vô biên của Chúa xuyên qua chúng ta, chúng ta có thể đặt cái nhìn yêu thương trên những người chúng ta khó thương, nhận ra các dấu vết cuộc đi qua của THIÊN CHÚA trong cuộc đời họ.

Như thế, trọn cuộc đời tôi được kêu gọi trở thành dấu chỉ Tình Yêu THIÊN CHÚA. Và điều này được biểu lộ trước tiên trong cuộc sống thường nhật bởi những cử chỉ bé nhỏ như một nụ cười, một câu chào hỏi .. Tôi nghĩ rằng Đức Chúa GIÊSU KITÔ mời chúng ta đi đến với tha nhân với tâm tình đơn sơ, không kiêu căng không thành kiến cũng không chủ tâm quyến rũ họ. Chính khi ấy chúng ta mới trở thành những nhà truyền giáo, người loan báo Tin Mừng! Không phải chỉ trong những dấu hiệu phi thường, những diễn văn dọn kỹ lưỡng, nhưng trong tư thế lắng nghe chú ý đến người khác, trong một thái độ liên lỉ của phúc lành.

Sức mạnh của phúc lành và công cuộc rao giảng Tin Mừng của chúng ta nằm trong Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ! Thánh Giá mà Linh Mục vạch trên chúng ta, Thánh Giá mà chúng ta mang lấy khi tiếp nhận phép lành. Điều này là một nhắc nhở liên lỉ rằng sức mạnh của phép lành không đến từ sức mạnh loài người nhưng từ Tình Yêu chí thiết THIÊN CHÚA dành cho chúng ta. Một tình yêu mạnh đến độ biến đổi cái chết thành sự sống, chúc dữ thành chúc lành. Trong dấu Thánh Giá mà tôi vạch trên tôi hay trên người khác, tôi có thể tìm thấy sức mạnh truyền giáo quay ngược trở lại: được ghép vào Thánh Giá, vào Tình Yêu tuyệt đỉnh của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, đến phiên mình tôi có thể đi vào cái luận lý thực tiễn của trao tặng, của tình yêu, kể cả trong lúc tôi đang gặp thử thách.

Tôi ngỡ ngàng thán phục khi nhận ra điều tuyệt diệu ghi vào tôi cũng như vào người khác chỉ xuyên qua một cử chỉ đơn sơ là Dấu Thánh Giá! Dấu Thánh Giá không bao giờ là một cử chỉ tầm thường! Không! Khi làm với trọn ý thức, cử chỉ làm dấu Thánh Giá trở thành một dấu giúp đào sâu nơi tôi Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Và tôi, với tư cách Linh Mục, khi tôi vừa ban phép lành vừa vạch hình Thánh Giá trên cộng đoàn tín hữu và vừa đọc lời chúc lành nhân Đức Chúa GIÊSU KITÔ, tôi tự nhủ rằng: ”Cử chỉ đơn sơ này lại có thể biến đổi con tim của người tìm kiếm THIÊN CHÚA!”. Bởi vì đây là cuộc sống đổi mới được ban cho các tín hữu. Khi Linh Mục ban phép lành vạch hình Thánh Giá trên tín hữu thì tín hữu được mặc lấy Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Đây chính là món quà đẹp nhất mà chúng ta có được. Đây chính là ân sủng của phép lành: chúng ta phải nhận phép lành để đến phiên mình có thể chúc lành cho người khác.

... Bấy giờ con cái Aharon cất tiếng tung hô, thổi kèn đồng, tạo nên một âm thanh vang dội, để mời gọi dân tưởng nhớ Đấng Tối Cao. Tức khắc toàn dân cùng phủ phục sát đất mà thờ lạy THIÊN CHÚA của họ, là Đấng Toàn Năng và là THIÊN CHÚA Tối Cao. Đoàn ca viên hát bài ca ngợi, tiếng hát vang lừng, cung điệu du dương. Dân chúng dâng lời van xin và cầu khẩn lên THIÊN CHÚA Tối Cao là Đấng nhân từ, cho đến khi nghi lễ kính THIÊN CHÚA và buổi cử hành phụng tự đã hoàn thành. Bấy giờ ông Simon bước xuống, giơ tay trên toàn thể cộng đồng con cái Israel, và đọc lời chúc lành của THIÊN CHÚA. Một lần nữa dân chúng lại phủ phục, để đón nhận phúc lành từ Đấng Tối Cao.

Giờ đây hãy chúc tụng THIÊN CHÚA muôn loài, Đấng đã làm những điều vĩ đại ở khắp nơi, Đấng đã làm cho đời sống chúng ta nên cao quý ngay từ thưở ta còn trong lòng mẹ, và đối xử với chúng ta theo lòng lân tuất của Người. Xin THIÊN CHÚA ban cho tâm hồn chúng ta niềm hoan hỷ, và cho đời sống chúng ta được hưởng phúc bình an, tại đất Israel đến muôn thưở muôn đời! Xin THIÊN CHÚA hằng tỏ lòng lân tuất với chúng ta, và giải cứu chúng ta trong những ngày chúng ta đang sống! (Sách Huấn Ca 50,16-24).

(”Reims-Ardennes” Vie Diocésaine - No 1355, Septembre 2014, trang 12-13)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét