Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

28-12-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT - LỄ THÁNH GIA THẤT

Chúa Nhật Trong Tuần Bát Nhật Lễ Chúa Giáng Sinh
Lễ Thánh Gia Thất Năm B
(phần II)


HẠT GIỐNG NẢY MẦM

 Lc 2,22-40

 A. Hạt giống...

Đoạn này gồm 3 chuyện :
1. Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem để chu toàn 2 bổn phận của lề luật : Thanh tẩy cho Đức Maria sau khi sinh con ; dâng Chúa Giêsu là con trai đầu lòng cho Thiên Chúa Câu chuyện cho thấy Thánh gia tuân giữ lề luật rất chu đáo ; đồng thời những lễ vật các Ngài dâng chứng tỏ Thánh gia nghèo.
2. Trong dịp này Thánh Gia đã gặp được cụ Simêon. Cụ được Thánh Thần soi sáng cho biết trẻ Giêsu chính là Đấng Messia cho nên toại nguyện vì gặp được Ngài. Cụ nói Chúa Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại”
3. Trong dịp này các Ngài cũng gặp nữ ngôn sứ Anna và bà cũng nói tiên tri về tương lại Chúa Giêsu.

B.... nẩy mầm.

1. Gia đình Nadarét được gọi là Thánh Gia, là gương mẫu cho mọi gia đình tín hữu. Qua đoạn Tin Mừng này, ta có thể thấy những nét của một gia đình tín hữu tốt :
- Một gia đình tốt không chỉ co rút trong ngôi nhà của mình, nhưng còn thích cùng nhau lên Nhà Chúa : theo luật, việc dâng con cho Thiên Chúa có thể thực hiện tại nhà ; cũng theo luật, việc thanh tẩy người mẹ không buộc người cha phải đi theo lên Đền thờ. Nhưng cả ba đã cùng nhau lên Đền thờ.
- Một gia đình tốt là gia đình tuân giữ luật Chúa : “Cha mẹ hài nhi đem con lên Đền thờ để chu toàn Lề luật...”.
- Một gia đình tốt là gia đình biết dâng cho Chúa nhũng gì tốt nhất của mình : “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa”.
- Gia đình tốt có thể nghèo (lễ vật của Thánh Gia chứng tỏ các Ngài nghèo), và không tránh khỏi đau khổ (“Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”), nhưng vẫn hạnh phúc vì có Chúa Giêsu ở giữa, có Chúa Giêsu là thành viên.
2. Một thanh niên Scốt-len tìm được một chân làm vườn trong một gia đình giàu có. Nhưng chỉ hai tuần sau, anh xin thôi việc. Một người bạn hỏi :
- Có phải công việc quá cực nhọc không ?
- Không, công việc rất nhàn.
- Có phải lương quá ít không ?
- Không, lương khá lắm.
- Hay anh không thích đồ ăn ở đó ?
- Cũng không phải. Đồ ăn rất ngon.
- Vậy tại sao anh thôi việc ?
- Vì nhà đó không có mái che.
Đối với người Scốt-len, thành ngữ “nhà không có mái che” nghĩa là gia đình không biết cầu nguyện. (Tonne).
3. Một nhóm người thiện chí bàn nhau cách phổ biến Tin Mừng. Có người đề nghị quảng cáo trên TV, người khác đề nghị dùng báo chí. Một thiếu nữ Châu Phi chia xẻ : Ờ xứ tôi, khi muốn loan Tin Mừng cho một vùng nào đó thì chúng tôi gởi đến đấy một gia đình công giáo tốt để gia đình này sống giữa những người khác trong vùng. (Barclay)
4. Trong khi người Ấn độ được đánh giá là giỏi triết lý, người Trung hoa được đánh giá là giàu lễ nghĩa, thì người do thái được đánh giá là tinh thần tín ngưỡng cao. Nhờ đâu ? Nhờ người cha do thái biết quan tâm đến việc đạo trong gia đình. Trong gia đình do thái, người cha chủ sự những buổi cầu nguyện, người cha lãnh trách nhiệm khai tâm tôn giáo cho con, người cha hãnh diện truyền lại cho con truyền thống đạo đức của ông bà tổ tiên.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI


GIÁO LÝ PHÚC ÂM LỄ THÁNH GIA THẤT
Sách Sáng Thế 15.1-6; 21.1-3; Thư
Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Do Thái 11.8.11-12.17-19
và Phúc Âm Thánh Luca 2.22-40

I.                   Giáo Huấn P.Â.:
Trong Cựu Ước Chúa hứa ban cho Abraham một dòng dõi đông đúc. Chúa Giêsu, Con Thiên
Chúa, con của lời hứa. Ngài cũng sẽ tạo một dòng dõi đông đúc.
Ông Abraham tuân lệnh Chúa, đi về Đất Chúa hứa và tin là mình có dòng dõi đông đúc dù bà Sara đã lớn tuổi mà chưa có con.
Thánh gia hoàn toàn sống và hành động theo thánh ý Chúa: Đem dâng con vào đền thánh và nhận những lời tiên báo không may về con trẻ. Nhưng vẫn một lòng vững tin.
II.               Vấn nạn P.Â.    
            Tiên báo của Ông Simêon:
“ Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,xin để tôi tớ này được an bình ra đi.Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ísraen Dân Ngài."
Cụ Simêon tỏ ra mãn nguyện vì đã được bồng ẫn Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà Thiên chúa đã hứa ban và muôn dân hằng trông đợi. Thánh Luca đã dùng miệng Ông Simêon để tiên báo về trẻ Giêsu mà Ông đang bồng ẫm: Một trẻ sơ sinh, nhưng chính là Thiên chúa.
"Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng -còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”
Cụ Simêon đặc biệt nói với Mẹ Maria, mẹ của Hài Nhi, vì số phận của Mẹ và con liên kết mật thiết đặc biệt. Mẹ sẽ chịu nhiều đau khổ vì con mình bị chối từ. Lời tiên tri cho Mẹ biết trước: Con Mẹ là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế nhưng không được mọi người tin nhận. Do đó, Hài Nhi là dấu hiệu mâu thuẫn, là đá vấp ngã . Con Mẹ sẽ phải khổ nhục do sự mâu thuẫn đó.

Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-en, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.ngươi.
Thêm một người đạo đức và có uy tìn nói về trẻ Giêsu: Đấng thiên sai mà muôn dân đang mong đợi. Chúng ta cũng không rõ tại sao như cụ Simêon, hay bà Anna, những người đạo đức và được linh ứng để nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, nhưng chỉ một lần rồi lịm tắt. Không nghe Kinh thánh nói về dư âm của những nhân chứng nầy. Có thể họ đã chết sau đó hay có thể những linh ứng nầy cho cá nhân nhiều hơn là có tác động cho quần chúng.
Tuy nhiên chúng ta cũng biết thế nầy: Không dễ có mấy ai hưởng ứng lời tiên báo về Chúa Giêsu của Ông Simêon hay bà Anna. Tất cả đều mong chờ một Đấng Cứu Thế với binh hung tướng mạnh và sinh sống trong hoàng gia, chứ ai tin nỗi một bé trai còn khóc hoe hoe mà là Đấng Thiên Sai như lời Chúa hứa. Ngưới ta không có được niềm tin như Ông Abraham.

Đền Thờ Giêrusalem:
Đền thờ thứ I do vua Salomon xây:
Hoàn tất trong vòng 7 năm. Tồn tại 417 năm và bị quân đội Chalđê phá năm 587
Đền thờ thứ II do vua Zorobabel xây:
            Đế quốc Babylon sụp đổ. Hoàng đế Batư cho dân Israel hồi hương năm 536 trước công nguyên. Đợt hồi hương đầu tiên có hơn 42 ngàn dân. Năm 525 khởi công kiến thiết đền thờ. Đền thờ dài 147m85, rộng 44m36,  có 2 cửa. Một bàn thờ vuông mỗi chiều 8m 87, cao 4m43. Đây là chính đền thờ mà Chúa được dâng vào. Đền thờ nầy tồn tại trong 499 năm
Đền thờ do vua Herode sửa lại:
Năm 17, Herode bắt đầu sửa lại đền thờ do Zorobalel đã bị phá. Herode cho nới rộng chu vi tường chung quanh chừng l.544m. Xây lại pháo đài cũ về góc tây bắc. Đổi thành pháo đài Antonia, để ghi ơn hoàng đế La mã Antonio. Chính đền thờ, vua để các tưtế xây lấy, chỗ mà chỉ có họ vào được, dài 45m và cao 54m. Đền thờ (nhỏ)này ghép bằng đá hoa trắng, mỗi phiến dài 11m25, rộng 5m 40. cao 3m60.
Đền thờ nầy có bức tường ngoài cùng, xây các cửa vào đền thờ. Bên  trong bức tường có sân dành cho dân ngoại. Rồi đến bức tường vòng thứ hai. Bên trong tường hai này có sân dành cho phụ nữ, sân dành cho nam giới, rồi tới sân tư tế. Đền thờ nầy bị phá hủy bởi quân đội La Mã năm 70 sau công nguyên. Chính Chúa Giêsu đã thanh tẩy đền thờ nầy.

Bức tường than khóc tại Giêrusalem:
Bức tường Than Khóc tại khu Cổ thành Jerusalem tức the Wailing Wall hoặc the Western Wall, di tích còn lại của Ngôi Đền Thờ Do Thái do Hoàng Để Herod Cả xây cất vào năm 19 trước Công Nguyên. Khi đế quốc La Mã dẹp vụ nổi loạn của người Do Thái vào năm 70 sau Tây Lịch thì ngồi đền đã bị phá hủy chỉ còn lại một bức tường phía Tây mà thôi vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Sở dĩ bức tường này có tên là Than Khóc là vì nơi đây chính là nơi mà người Do Thái thường tới cầu nguyện và than khóc cho thân phận lạc loài, lưu vong mất nước của họ từ cả ngàn năm về trước. Dân tộc Do Thái phải chịu kiếp lưu đày lang thang, không nhà , không tổ quốc và thỉnh thoảng họ phải chịu nhiều tai biến, nhất là trong thời Trung Cổ và sau cùng là thảm họa lò sát sinh khi 6 triệu người Do thái bị Hitler bỏ vào các lò thiêu xác..
Bức tường Western Wall dài 57 thước tọa lạc tại khu vực Temple Mount và phần còn lại thì bị vùi lấp bởi các di tích khác. Bức tường bằng đá vôi cao 20 thước và gồm có 45 phiến đá rất lớn, trung bình mỗi phiến nặng từ 2 đến 3 tấn và có phiến lớn nhất nặng hàng trăm tấn. Cho đến nay các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm ra được kỹ thuật của cổ nhân làm thế nào để di chuyển những phiến đá đó và ráp thành những bức tường tại ngôi đền thờ.. Nhưng vào thời Hoàng Đế Constantine chấp nhận theo Thiên Chúa Giáo thì người Do Thái được quyền trở lại Jerusalem để “ than khóc “ tại bức tường Western Wall. Trải qua bao nhiêu thời đại dân tộc Do Thái bị phân tán khắp nơi trên thế giới nhưng dù ở bất cứ nơi nào họ vẫn duy trì tôn giáo của họ, chờ đợi một ngày kia sẽ có một vị Chúa Cứu Thế mà họ gọi là đấng Messiah , ra đời và sẽ đưa dân tộc Do Thái trở về quê hương của họ là Jerusalem và khi đó họ sẽ xây dựng lại một ngôi đền thờ mới.

III.      Thực hành P.Â.:
Thánh gia vào đền thánh
Chúa  Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse đều lên đền thánh Giêrusalem để dâng tiến Chúa và Đức Mẹ được nhận sự thanh tẩy sau khi sinh con theo tập tục Do Thái. Hình ảnh rất đẹp: cả gia đình lên đền thờ làm việc tôn giáo. Ngày xưa trong nhiều xóm đạo, người ta đi lễ cả nhà, có nhiều khi cả xòm. Một xứ đạo, mỗi chiều dài một cây số, ngày Chúa Nhật ngập tràn màu sắc, người ta mặc quần áo đẹp đi lễ Chúa Nhật.
Ngày nay chuyện đi nhà thờ cả gia đình thật khó kiếm: Mỗi người một việc, giờ giấc khác nhau, ăn uống khắc giờ và đương nhiên không mấy đi lễ chung…. Thiếu một cái gì “thánh gia” hay gia đình thánh. Thêm vào đó, nhiều đôi vợ chồng theo chủ trương đạo ai nấy giữ: chồng đi vợ ở nhà hay ngược lại. Con cái cũng chả hiểu chuyện gì mà kẻ đi người ở.
Tự do cá nhân nhiều làm mất đi những cái chung rất đáng quí như ăn chung, đi lễ chung, đọc kinh chung hay đi chơi chung. Cố gắng duy trì càng nhiều càng tốt những cái chung nầy. Khi gia đình bị mất đi một người, người còn ở lại mới thấy quí những cái chung đã mất.
            Kinh tối gia đình
            Ôi đẹp làm sao giờ kinh tối!
            Cha mẹ con cái quay quần.
            Hướng mắt về bàn thờ Chúa.
            Lời kinh vang lên ấm gia đình.

            Có Chúa tức có tình!
            Tình gia đình thương yêu đùm bọc.
            Tình vợ chồng gắn bó nhiều năm.
            Tình anh em đậm đà sâu sắc.

            Có Chúa người lòng nguồi sám hối
            Nhận ra lỗi ản thân mình.
            Xin Chúa cho mình biết sữa đổi.
            Đời sống mỗi ngày thêm tốt hơn.

            Nhớ hoài giờ kinh tối!
            Có Cha, có Mẹ có anh em.
            Không nhiều kinh, nhưng đậm tình!
            Tình Chúa cho tình mình gắn bó. Amen.
             

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên



TÌNH YÊU TRONG GIA ĐÌNH

1. GIA ĐÌNH LÀ HÌNH ẢNH CỦA BA NGÔI THIÊN CHÚA

Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì có thể nói rằng gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa sống đơn độc, mà là một Thiên Chúa mang tính gia đình, trong đó Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng yêu thương nhau, sống chung, làm việc chung, và kết hợp với nhau thắm thiết như trong một gia đình, tới mức độ tuy là Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì "Tập Thể Ba Ngôi" là một môi trường để Ba Ngôi Thiên Chúa thể hiện tình yêu của mình với nhau. Vì Ba Ngôi yêu thương nhau vô cùng, nên sự hiệp nhất của Ba Ngôi đạt được mức độ tối đa là trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Tình yêu và sự hiệp nhất ấy tạo nên thiên đàng hay hạnh phúc của Ba Ngôi.

Cũng vậy, nếu gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi, thì mọi thành viên trong đó phải yêu thương nhau, hòa hợp với nhau đến mức hiệp nhất với nhau. Nhờ đó gia đình trở thành một thiên đàng tại thế. Như vậy, mọi thành viên của gia đình đã được hưởng nếm trước phần nào hạnh phúc của thiên đàng mai sau. Hạnh phúc trong những gia đình yêu thương nhau - được biểu lộ và hình thành cụ thể bằng việc quan tâm, lo lắng và hy sinh cho nhau - chính là hình ảnh trung thực của thiên đàng vĩnh cửu. Trái lại, nếu các thành viên trong gia đình không yêu thương nhau, không sẵn sàng hy sinh cho nhau, thì họ sẽ biến gia đình thành hỏa ngục tại thế, là hình ảnh của hỏa ngục vĩnh cửu. Trong 8 cái khổ mà Đức Phật kể ra, có cái khổ gọi là "oán tắng hội khổ", nghĩa là khổ vì không ưa nhau, ghét nhau mà lại phải sống chung với nhau.

2. TÍNH ÍCH KỶ, NGUỒN GỐC BẤT HẠNH CỦA MỌI GIA ĐÌNH

Nhìn vào bất cứ một gia đình bất hạnh nào - nghĩa là một gia đình không hạnh phúc - ta luôn luôn thấy bóng dáng tính ích kỷ của một thành viên nào đó trong gia đình. Chính tính ích kỷ của thành viên này là nguồn gây nên đau khổ trong gia đình. Nếu thành viên ích kỷ ấy là người cha hay người mẹ, thì đau khổ trong nhà sẽ hết sức lớn lao. Gia đình nào càng có nhiều người ích kỷ, gia đình ấy càng bất hạnh. Gia đình mà càng có nhiều người sống vị tha, biết hy sinh cho người khác, gia đình ấy càng ít bất hạnh. Một gia đình mà mọi thành viên đều vị tha, đều quan tâm, chăm sóc và hy sinh cho nhau, đều sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho nhau, gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.

Câu chuyện minh họa về thiên đàng và hỏa ngục sau đây thật phù hợp với thiên đàng và hỏa ngục của gia đình. Cả thiên đàng và hỏa ngục đều dùng bữa với những thức ăn y như nhau, trong khung cảnh giống y hệt nhau, trong đó mỗi người đều phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. Thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau ở chỗ này: trên thiên đàng, mọi người không ai tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn, vì thế, ai cũng được ăn no. Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai gắp cho mình được gì cả, thế rồi chẳng ai được no, hết giờ ăn mà đói vẫn hoàn đói, từ đó họ trở nên căm thù nhau.

Cũng vậy, trong gia đình, không ai tự tạo hạnh phúc cho mình được mà không cần đến người khác, nên nếu ai cũng chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình, thì chẳng ai hạnh phúc cả, và rồi sẽ phát sinh đủ thứ đau khổ. Tuy nhiên trong gia đình, người ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác, vì thế, nếu mọi người trong nhà đều biết lo cho nhau, tạo hạnh phúc cho nhau, thì ai nấy đều hạnh phúc.

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình thương, nên bản chất của con người cũng là tình thương. Vì thế, chỉ khi con người sống phù hợp với bản tính của mình là yêu thương, và thể hiện cụ thể tình yêu thương ấy với những người chung quanh, thì con người mới hạnh phúc. Nếu con người sống ích kỷ, tức ngược lại bản chất yêu thương của mình, con người sẽ đau khổ và làm cho những người chung quanh đau khổ.

3. LÀM SAO ĐỂ CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG?

Nhưng làm sao người ta có thể yêu thương nếu không có một động lực, một nguồn yêu thương ngay từ trong lòng mình phát xuất ra? Làm sao có được nguồn yêu thương ấy? - Vì "tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa" (1 Ga 4, 7), nên chính "Thiên Chúa là nguồn yêu thương" (2 Cr 13, 11). Vì thế, muốn yêu thương, muốn loại trừ tính vị kỷ, con người phải kết hợp làm một với Thiên Chúa, nguồn tình thương. Kết hợp với Thiên Chúa là luôn luôn ý thức rằng mình "là hình ảnh của Thiên Chúa" (St 1, 27; 9, 6; Ep 4, 24), được tạo dựng giống như Thiên Chúa (x. St 1, 26; 5, 1), và "được thông phần bản tính của Thiên Chúa" (2 Pr 1, 4), một Thiên Chúa mà bản chất là yêu thương (x.1 Ga 4, 8.16).

Nếu bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, mà ta giống Ngài, là hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính Ngài, tất nhiên bản chất của ta cũng là yêu thương. Ta không yêu thương hay không yêu thương đủ, là ta sống không đúng với bản chất của ta. Nhờ thường xuyên ý thức như thế, tình yêu và sức mạnh của tình yêu ngày càng lớn mạnh trong ta, khiến ta ngày càng yêu thương mọi người cách dễ dàng, và sẵn sàng làm tất cả để mọi người được hạnh phúc. Sống đúng với bản chất của mình là yêu thương, là hình ảnh Thiên Chúa, chính là sống thánh thiện.

Lectio Divina: Lễ Thánh Gia (B)
Chúa Nhật, 28 Tháng 12, 2014
Đấng được mọi người trông ngóng
Tiến dâng Chúa Hài Đồng trong Đền Thờ
Lc 2:22-40 


1.  Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa, Người là Đấng Tạo Hóa và là Cha của chúng con, Chúa đã muốn Con Một Chúa, Đấng đã hiện hữu trước khi thế gian được tạo dựng, phải trở thành một thành viên của gia đình nhân loại.
Xin Chúa hãy nhen nhúm lại trong chúng con lòng biết ơn về món quà của sự sống, để cho các bậc cha mẹ có thể tham dự vào sự sinh sản của tình yêu Chúa, để người già có thể truyền lại cho thế hệ con cháu sự khôn ngoan trưởng thành của họ, và con cháu có thể lớn lên trong sự khôn ngoan, lòng đạo đức và ân sủng, mọi người ca tụng tôn vinh danh thánh Chúa.  Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

2.  Bài đọc:  Luca 2:22-40

22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môisen, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa",24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là “một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.”
25 Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel Dân Ngài."
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Người.34 Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Phanuel, thuộc chi tộc Asê. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nagiarét, miền Galilê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

-  Để Lời Chúa có thể ngự vào lòng chúng ta và để cho lời ấy soi sáng đời sống chúng ta;
-  Để trước khi chúng ta đưa bất kỳ ý kiến nào, xin cho ánh sáng Lời Chúa có thể tỏa sáng và bao phủ với mầu nhiệm về sự hiện diện sống động của Chúa.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Tại sao Đức Giêsu, Con Một của Đấng Tối Cao, và Đức Maria mẹ Người, đã được thụ thai không vướng tội lỗi, mà lại phải tuân theo các lề luật của Môisen?  Có phải bởi vì Đức Maria chưa nhận thức được sự vô nhiễm và thánh thiện của bà không?   
b)  Lời nói và thái độ của ông Simêon và bà tiên tri Anna có ý nghĩa đặc biệt nào không?  Cử chỉ và sự vui mừng của họ có làm gợi nhớ lại phong thái của các tiên tri cổ xưa không?
c)  Làm thế nào chúng ta có thể giải thích được câu “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn”:  đó có phải là việc xé nát lương tâm trước những thách thức và sự phong phú của Chúa Giêsu không?  Hay đó chỉ là nỗi đau lòng của Đức Mẹ?
d)  Cảnh này có thể nào có một ý nghĩa gì đó cho các bậc phụ huynh ngày nay không:  về ý thức tôn giáo của con cái họ; về kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mỗi con cái của Người; về những nỗi sợ hãi và đau khổ mà bậc cha mẹ mang trong tâm tư những khi họ nghĩ đến lúc con cái họ lớn khôn? 

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong bài Tin Mừng.

a)  Như đã chép trong Luật Môisen/Lề Luật Chúa.  Đây là một loại điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần.  Thánh sử Luca hòa lẫn hai hệ thống lề luật mà không có bất kỳ một sự phân biệt nào.  Luật thanh tẩy người mẹ đã được dự kiến trongSách Lêvi (12:2-8) và đã được định là bốn mươi ngày sau khi lâm bồn.  Cho đến lúc ấy, người phụ nữ không được phép đến gần những nơi thiêng liêng, và nghi thức được đi kèm với lễ vật là một con vật nhỏ.  Nhưng lễ thánh hiến con đầu lòng đã được quy định trong sách Xuất Hành chương 13:11-16, và được xem như là một loại “tiền chuộc” để tưởng nhớ cử chỉ cứu rỗi của Thiên Chúa khi Người giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập.  Vì việc này cũng dâng lên lễ vật là một sinh vật nhỏ.  Trong cả hai trường hợp này, các bậc cha mẹ dường như là trong tiến trình dâng/thánh hiến con trai của họ như đã làm với vật hiến tế và chi tộc Lêvi, trong khi nhờ vào con người của ông Simêon và bà Anna, có vẻ như chính Thiên Chúa là Đấng dâng/hiến tế Con Người để cứu độ nhân loại.   

b)  Ông Simêon và bà Anna:  Đây là những nhân vật đầy đủ giá trị tiêu biểu.  Vai trò của họ là sự công nhận, xuất phát từ việc soi sáng lẫn việc làm của Chúa Thánh Thần và một cuộc sống đã sống trong sự mong đợi và đức tin.  Cách đặc biệt, ông Simêon được mô tả như là một người hoàn toàn đắm chìm trong sự chờ đợi (prodekòmenos), và là kẻ bước tới để chào đón.  Ông cũng xuất hiện để tuân giữ lề luật, lề luật của Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn ông về phía hài nhi trong đền thờ.  Bài ca vịnh ông công bố biểu lộ khuynh hướng sống cho người khác (pro-existentia) của ông, ông đã sống để chờ đến thời khắc này và giờ đây ông rút lui để cho những người khác có thể nhìn thấy ánh sáng và ơn cứu độ đến cho dân tộc Israel cũng như dân ngoại.  Bà Anna hoàn thành bức tranh, bằng vào số tuổi của bà (con số tượng trưng:  84 = 7 x 12; mười hai chi tộc Israel; hoặc 84 – 7 = 77, con số toàn thiện kép), nhưng hơn hết cả là bằng lối sống của bà (ăn chay và cầu nguyện) và bằng lời công bố của bà cho tất cả những ai “nhìn về tương lai”.  Bà được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần về việc nói tiên tri, phụng thờ Chúa và sự trinh khiết trong lòng của bà.  Ngoài ra, bà thuộc về một chi tộc nhỏ bé nhất, chi tộc Asê, một dấu chỉ cho thấy rằng những người nhỏ bé và mong manh là những người có khuynh hướng nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, hơn.  Cả hai ông bà lão này – trông giống như là một cặp đôi thuở tạo dựng trời đất – là những biểu tượng đẹp nhất của Do Thái giáo, của thành Giêrusalem trung thành và hiền lành, đang chờ đợi và vui mừng và từ bây giờ sẽ để cho nguồn ánh sáng mới lan tỏa.

c)  Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu:  thông thường những chữ này được hiểu như có nghĩa là Đức Maria sẽ chịu đau khổ, một cảnh được thấy rõ ràng là hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi.  Thay vào đó, chúng ta cần xem Đức Mẹ như là một biểu tượng của dân tộc Israel.  Ông Simêon linh cảm được cảnh tượng dân tộc của ông sẽ bị chia rẽ sâu xa bởi lời sắc bén và hằng sống của Đấng Cứu Thế (xem Lc 12:51-53).  Đức Maria đại diện cho đường đi:  bà phải tín thác, nhưng sẽ phải trải qua những thời gian đau thương và đen tối, sự im lặng đớn đau và cố gắng.  Câu chuyện của Đấng Mêssia đau khổ sẽ làm cho mọi người đau đớn, ngay cả đối với Đức Mẹ.  Người ta không thể đi theo ánh sáng mới của toàn thế giới mà không phải trả giá, mà không phải bị khích động để chọn các quyết định đầy rủi ro, mà không phải được tái sinh từ trời và trong sự mới mẻ.  Nhưng hình ảnh của “lưỡi gươm đâm thấu” này, về một hài nhi sẽ “làm vấp ngã” và giao động những trái tim khỏi sự thờ ơ của họ, thì không thể bị tách rời khỏi hành động đầy ý nghĩa của hai cụ già:  một người là ông Simêon, kẻ đã bế Chúa Hài Đồng trên tay mình để cho thấy rằng đức tin là một sự gặp gỡ và vòng tay ôm, chứ không phải là một lý thuyết suông; còn người kia, cụ bà Anna, đảm nhận vai trò công bố và nhen nhóm lại ánh sáng rực rỡ trong lòng tất cả những ai “đã nhìn về phía” Người.

d)  Đời sống hằng ngày, sự hiển linh của Thiên Chúa:  Cuối cùng, thật là thú vị khi nhận thấy rằng toàn bộ câu chuyện nhấn mạnh đến hoàn cảnh đơn sơ và chất phác nhất:  một cặp vợ chồng trẻ với một đứa con trong tay, một ông già vui mừng và ôm ấp đứa bé, một bà lão cầu nguyện và nói tiên tri, những kẻ lắng nghe dường như là những người đang gián tiếp tham gia.  Ở phần cuối của đoạn Tin Mừng, chúng ta cũng có một cái nhìn thoáng qua về làng Nagiarét, về sự phát triển của đứa trẻ trong một bối cảnh thông thường, ấn tượng về một đứa trẻ có năng khiếu khác thường cùng với sự khôn ngoan và tốt lành.  Chủ đề của sự khôn ngoan được đan dệt vào trong tấm vải của đời sống bình thường và lớn lên trong một bối cảnh của ngôi làng, để cho câu chuyện dường như treo lơ lửng, và nó sẽ được nhắc lại lần nữa đúng với chủ đề sự khôn ngoan của cậu bé ở giữa các luật sĩ trong đền thờ.  Thật vậy, đây là cảnh kế tiếp ngay sau đây (Lc 2:41-52).

6.  Thánh Vịnh 122  


Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
"Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! "
Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân.

Giêrusalem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.
Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Israel.

Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đavít.
Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình,
rằng: "Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
tường trong lũy ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh."

Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
tôi nói rằng: "Chúc thành đô an lạc."
Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Cha, chúng con ngợi khen và chúc tụng Cha bởi vì nhờ Con Cha, được sinh ra bởi một người phụ nữ do việc làm của Chúa Thánh Thần, được sinh ra theo lề luật, đã cứu chuộc chúng con khỏi lề luật và Cha đã làm đầy cuộc sống chúng con với ánh sáng và niềm hy vọng mới mẻ.  Nguyện xin cho gia đình chúng con hân hoan chào đón và trung thành với chương trình của Cha, nguyện xin cho những người trong gia đình chúng con giúp đỡ và duy trì trong con cái họ những giấc mơ và sự nhiệt tình mới, xin Cha ấp ủ chúng trong sự dịu dàng khi chúng yếu ớt mong manh, xin Cha dạy dỗ chúng trong tình yêu dành cho Cha và cho tất cả tha nhân.  Lạy Cha, tất cả mọi danh dự và vinh quang đều quy về Cha.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét