Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

08-03-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT III MÙA CHAY năm B

08/03/2015
Chúa Nhật Tuần III Mùa Chay Năm B
(phần II)

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay năm B
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM B
Xh 20,1-17 - 1Cr 1,22-25 - Ga 2,13-25
MÙA CHAY:
THỜI GIAN CHO CUỘC THANH TẨY TOÀN DIỆN
“Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi;
nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”

(Ga 2,19)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc – Xh 20,1-17
Đây là một trong những trình thuật về Mười Điều Răn được tác giả sách Xuất hành ghi nhận và nội dung của trình thuật rất gần với nội dung của kinh Mười Điều Răn. Đây cũng chính là nền tảng chi phối toàn bộ mọi sinh hoạt trong đời sống tôn giáo của dân Israel. Với việc tuân giữ Mười Điều Răn, dân Israel không chỉ là Dân Riêng mà còn trở nên Dân Giao Ước trong tương quan với chính Thiên Chúa của họ.
Việc phải tuân giữ Mười Điều Răn đối với dân Israel được đặt nền tảng trên lời khẳng định của Thiên Chúa: ‘Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.’ Sự sống và sự tự do mà dân Israel có được lúc ấy chính là do Thiên Chúa đã giải phóng họ ra khỏi những ngày tháng tủi nhục của thân phận nô lệ và kiếp lầm than bên Ai cập. Như thế, sự sống và sự tự do ấy là của Thiên Chúa. Ngài đòi buộc họ phải dùng chính sự sống và sự tự do này để tuân giữ các thánh chỉ của Ngài.
Ba điều răn đầu tiên mà đối tượng của nó quy về chính Thiên Chúa, được triển khai một cách rất chi tiết và cụ thể. Tuân giữ ba điều răn này luôn là một thách đố lớn đối với dân Israel trong suốt dòng lịch sử cứu độ khi họ luôn bị cám dỗ để chạy theo thần ngoại (thờ ngẫu tượng), kêu cầu danh Chúa cách bất xứng, và tục hóa ngày Sabat. Những điều răn còn lại giúp hoàn thiện mối tương quan với chính mình và với mọi người trong ý định của Thiên Chúa.
2. Bài đọc II - 1Cr 1,22-25
Đây là đoạn văn cốt lõi khi thánh Phaolô suy tư về sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong tương quan với sự khôn ngoan của con người. Hành động cứu độ của Thiên Chúa đã không thuận theo logic khôn ngoan của con người. Người Do thái đòi hỏi những phép lạ nhằm củng cố uy tín của lời rao giảng, còn người Hy lạp lại cần những lý lẽ có khả năng thỏa mãn trí khôn ngoan của loài người. Nhưng điều mà Thiên Chúa đã dùng để biểu dương sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài lại trở nên sự ô nhục không thể chấp nhận đối với người Do thái và là sự điên rồ của dân ngoại: đó là việc Đức Kitô chịu đóng đinh.
Đức Kitô chịu đóng đinh, đối với Thánh Phaolô, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa chính bởi vì biến cố này đã giải thoát con người khỏi cái chết đời đời khi qua việc Đức Kitô chịu đóng đinh, Thiên Chúa thông ban cho họ ơn cứu độ vĩnh cửu.
3. Bài Phúc Âm – Ga 2,13-25
Sự kiện Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, đang khi được Tin mừng Nhất lãm nhìn như là biến cố cuối cùng trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó, thì thánh sử Gioan lại đặt sự kiện này vào đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu khi Người lên Giêrusalem để tham dự lễ Vượt Qua đầu tiên.
Trong suy tư của thánh Gioan, chính Chúa Giêsu, khi trả lời cho những chất vấn của người Do thái, Người đã muốn ám chỉ biến cố thanh tẩy đền thờ với cái chết, việc mai táng trong mồ và cuộc phục sinh vinh hiển mà Người sẽ phải thực hiện như đỉnh cao của sứ vụ: ‘Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại’ (Ga 2,19).
Như thế, cuộc thanh tẩy toàn diện đền thờ Giêrusalem mà Đức Giêsu đã thực hiện vào lúc khởi đầu sứ vụ đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho toàn bộ sứ mạng mà Người sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động công khai. Đồng thời hành động biểu trưng này còn mở ra một nền phụng tự mới mà trung tâm của nó không còn là đền thờ Giêrusalem nhưng là chính ‘thân thể Người.’
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Nền tảng của việc tuân giữ luật Môsê, khởi đi từ biến cố dân Israel được chính Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập; để rồi qua giao ước Sinai, dân Israel được trở nên con cái của Thiên Chúa. Do vậy, việc tuân giữ luật Môsê chính là cơ hội giúp cho dân Israel ý thức tư cách là dân riêng và sống tư cách dân riêng ấy trong tương quan với Thiên Chúa là Chúa của họ. Cũng thế, Việc giữ tuân luật Chúa của người Kitô hữu cũng sẽ giúp cho họ ý thức tư cách là con và sống tư cách là con ấy trong tương quan với Thiên Chúa là Cha.
2. Việc Đức Giêsu chịu đóng đinh chính là phương thế khôn ngoan nhất mà Thiên Chúa đã dùng để cứu độ loài người. Mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi thông phần mình vào biến cố Đức Giêsu chịu đóng đinh để cứu độ anh chị em của mình (Cl 1,24). Vui lòng chấp nhận những hy sinh, những lao nhọc, những nỗi vất vả hay đau khổ trong cuộc sống hằng ngày chính là phương thế giúp mỗi Kitô hữu thực hiện lời mời gọi ấy.
3. Chúa Giêsu chấp nhận ‘cuộc thanh tẩy đền thờ’ là cái chết nơi chính thân thể Ngài để kiến tạo một đền thờ mới qua biến cố phục sinh. Bốn mươi ngày mùa chay cũng chính là thời gian mỗi tín hữu được mời gọi để thực hiện một cuộc thanh tẩy toàn diện khỏi mọi thói hư tật xấu để trở nên đền thờ mới trong biến cố phục sinh với Đức Kitô.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy cùng với Đức Giêsu thanh tẩy toàn diện bản thân, từ nhận thức đến hành động, để con người chúng ta xứng đáng là đền thờ sống động cho Thiên Chúa. Trong tâm tình sám hối và khát khao đổi mới, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. Hội Thánh là dân Thiên Chúa và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin cho Hội Thánh luôn là mối dây hiệp thông và dấu chứng yêu thương, để nên lời mời gọi con người thời đại nhận biết cùng tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
2. Con người là công trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin cho chính quyền các quốc gia biết áp dụng những chính sách hợp lý nhằm đề cao nhân phẩm, tôn trọng nhân quyền, và đảm bảo một môi trường lành mạnh cho con người sinh sống và thăng tiến.
3. “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh.” Chúng ta cầu xin cho mọi kitô hữu biết đặt lẽ sống và niềm hy vọng của họ nơi Chúa Kitô; để trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, họ luôn can đảm loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Người.
4. Mỗi kitô hữu là một viên đá sống động xây nên ngôi nhà Thiên Chúa. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực cộng tác với các vị chủ chăn, xây dựng và kiến tạo giáo xứ thành một cộng đoàn huynh đệ, luôn biết yêu thương và sẵn sàng phục vụ.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa đã thanh tẩy và tái sinh chúng con trong Đức Giêsu Kitô. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và ban Thánh Thần để Người biến đổi, giúp chúng con tích cực sống mùa Chay thánh này cho đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


SCĐ CHÚA NHẬT III MÙA CHAY.B
CHỦ ĐỀ :
VÌ THƯƠNG, THIÊN CHÚA DẠY CHÚNG TA
MỘT CÁCH SỐNG KHÔN NGOAN
Sợi chỉ đỏ
- Bài đọc I (Xh 20,1-17) : Khôn ngoan là sống theo các giới luật của Thiên Chúa.
- Bài Tin Mừng (Ga 2,13-25) : Đức Giêsu làm gương sống khôn ngoan : nhiệt thành với Thiên Chúa đến nỗi dám làm những việc có thể nguy hiểm đến mạng sống mình (như thanh tẩy đền thờ Giêrusalem).
- Bài đọc II (1 Cr 2,13-25) : Người đời khó mà hiểu được sự khôn ngoan ấy. Vì thế thập giá bị người do thái coi là vấp phạm và người hy lạp cho là điên rồ.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Thế nào là khôn ngoan ? Phải chăng là khéo léo để được hơn người, để làm ăn thành đạt, để được người đời khen ngợi ? Thế nhưng "lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì ?" Sự khôn ngoan của thế gian chỉ là ngu dại trước mắt Thiên Chúa. Hôm nay Lời Chúa sẽ dạy chúng ta một cách sống khôn ngoan thực sự sẽ mang hạnh phúc đến cho ta chẳng những ở đời này mà còn cả đời sau. Xin Chúa thương ban cho chúng ta sự khôn ngoan ấy.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Người khôn ngoan là người sống theo luật Chúa. Thế nhưng rất nhiều lần chúng ta đã vi phạm luật Ngài.
- Thập giá Đức Giêsu là sự điên rồ đối với thế gian, nhưng là sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Nhưng nhiều khi chúng ta trốn tránh thập giá, vất bỏ những thập giá Chúa gởi đến cho chúng ta.
- Thân xác và tâm hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đã để đền thờ ấy ra dơ bẩn. Xin Chúa thương thanh tẩy.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Xh 20,1-17
Sau khi dân Israel được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập, họ xuất hành qua sa mạc. Khi đến núi Sinai, Thiên Chúa gọi Môsê lên với Ngài và Ngài ban cho dân 10 điều luật.
Thực ra khi mới ra khỏi Ai cập, họ chỉ là một đám đông chưa biết cách sống chung với nhau, chưa có tinh thần tập thể, cũng như chưa có một đức tin chung. Nhờ những điều luật này, họ biết sống với nhau bằng tình thương (phần thứ hai của thập giới : yêu người) và biết sống với Thiên Chúa bằng lòng kính mến (phần đầu của thập giới : mến Chúa).
2. Đáp ca : Tv 18
Thánh vịnh này ca ngợi luật pháp của Chúa : a/ đó là luật toàn thiện ; b/ rất hữu ích cho cuộc sống ; c/ vì thế nó đáng quý chuộng hơn mọi thứ quý giá nhất ở đời.
3. Tin Mừng : Ga 2,13-25
Tường thuật việc Đức Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong sân Đền thờ Giêrusalem. Đối với thánh Gioan, điều đáng chú ý nhất là sự nguy hiểm của việc làm này : nó sẽ dẫn Đức Giêsu tới chỗ chết (c 20 : "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi. Nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại". c 21 "Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài"). Nhưng vì nhiệt thành với Thiên Chúa nên Đức Giêsu dám chấp nhận mọi nguy hiểm (c 17 "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân").
4. Bài đọc II : 1 Cr 2,13-25
Thánh Phaolô so sánh sự khôn ngoan của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của thế gian. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện rõ nhất nơi thập giá. Nhưng thập giá là cớ vấp phạm đối với người do thái và là sự điên rồ đối với người hy lạp. Tuy nhiên sự khôn ngoan Thiên Chúa trổi vượt mọi khôn ngoan của con người.
Vì thế thánh Phaolô tự hào về sự khôn ngoan của thập giá. Ngài hăng hái rao giảng sự khôn ngoan ấy và kêu gọi tín hữu hãy tìm kiếm sự khôn ngoan ấy.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. "Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh"
Ngài thời nay dị ứng với từ "luật" vì cho rằng luật gò bó tự do. Họ ghét chủ trương "vị luật".
Chính Đức Giêsu cũng đả phá chủ trương vị luật. Ngài kịch liệt công kích những người pharisêu vì họ chủ trương như thế.
Thế nhưng Chúa không phá bỏ lề luật : "Ta đến không phải để huỷ bỏ lề luật mà để kiện toàn" (Mt 5,17).
Ngài kiện toàn luật thế nào ? Bằng cách chỉ cho thấy "trái tim" của lề luật là thương yêu. Ngài tóm lược tất cả mọi lề luật vào 2 khoản là mến Chúa và yêu người. Thánh Augustinô đã hiểu như thế nên đã nói : Ama et fac quod vis, Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.
Chính Đức Giêsu nêu gương giữ luật với tất cả tấm lòng yêu thương. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ngài nổi giận khi thấy người ta làm hại đến sự thánh thiện của Đền thờ. Vì yêu mến lề luật và nhiệt thành với Thiên Chúa, Ngài đã đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, một việc làm sẽ dẫn Ngài tới cái chết. "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân".
* 2. Sự khôn ngoan của Thập giá
Một vài ý tưởng của Nino Salvaneschi (trong quyển Savoir souffrir) :
-             Không có tình yêu, ta không thể sống
   Không có đau khổ, ta không thể yêu
   Phải học yêu để sống tốt hơn
   Và phải học chịu khổ để yêu nhiều hơn.
- Tình yêu là nhung nhớ về cõi trời ; đau khổ là giải thoát khỏi cõi đất. Vì thế trong mọi đau khổ luôn có một cái gì đó của trời, và trong mọi tình yêu luôn có một cái gì đó của đất.
- Vui sướng làm cho tâm hồn mềm yếu, đau khổ làm cho tâm hồn cứng cáp. Vui sướng làm thỏa mãn cho riêng mình, đau khổ đi tìm một trái tim khác. Vui sướng làm hư (déformer), đau khổ huấn luyện (former) nhân cách.
- Tình yêu đến và đi, đôi khi nó đem lại cho ta một cái gì đó, nhưng đôi khi nó cướp đi tất cả. Tình yêu chỉ cất tiếng hát trong một mùa. Trái lại đau khổ đến thăm ta vào mọi lứa tuổi. Nó đến thì biến đổi đời ta, và trước lúc ra đi nó luôn để lại một cái gì đó.
- Dĩ nhiên bạn có thể chấp nhận hoặc từ chối đau khổ. Nhưng nếu chấp nhận thì bạn sẽ bình an. Còn nếu từ chối thì bạn vẫn còn phải chiến đấu mãi với chính mình.
Chịu đựng là dấu chỉ kẻ bại trận. Chấp nhận là dấu chỉ của người đang cầm vũ khí để chiến đấu.
* 3. Bài học khôn ngoan
Một  thiếu niên đi xem đấu bóng với cha sở, nói với cha rằng anh không thích vâng phục. Anh nói : "Thưa cha, con rất ghét ai bảo phải thế này, thế nọ. Không có tự do trong việc này".
Cha sở không nói một lời. Liền sau đó, họ gặp một biển chỉ đường chỉ hướng đi tới sân chơi. Cha sở làm như không thấy. Cậu bé la lên : "Chúng ta đi sai đường ! Thưa cha, cha không thấy dấu đằng kia à !".
Cha sở bình tĩnh trả lời : "Cha thấy chứ, nhưng cha nghĩ đường này xem ra tốt hơn, và cha ghét bị chỉ bảo đi đường này đường kia bởi một biển chỉ đường cũ kỹ. Nó không cho cha tự do hành động".
Cậu bé nhận ra bài học, và họ vòng trở lại đi vào hướng sân chơi.
* 4. Tuân giữ lề luật
Một người do thái nọ muốn sống thánh thiện nên đến tham khảo ý kiến của một vị Rabbi. Vị Rabbi hỏi :
- Từ trước tới nay anh sống thế nào ?
- Rất tốt, thưa ngài.
- Anh nói "rất tốt" nghĩa là sao ?
- Nghĩa là tôi không vi phạm giới luật nào cả. Tôi không kêu tên Chúa vô cớ, tôi không tục hóa ngày sabát, tôi không bất kính với cha mẹ, tôi không giết người, tôi không bất trung với vợ tôi, tôi không trộm cắp, tôi không làm chứng dối, tôi không tham muốn của cải và vợ người khác.
Vị Rabbi nói :
- Tôi hiểu. Anh đã không vị phạm giới luật nào cả.
- Đúng vậy, thưa ngài.
Nhưng vị Rabbi hỏi tiếp :
- Nhưng anh có tuân giữ các giới luật không ?
- Ngài hỏi vậy nghĩa là sao ạ ?
- Nghĩa là : anh có tôn kính tên Chúa không ? Anh có thánh hóa ngày sabát không ? Anh có hiếu kính cha mẹ không ? Anh có tôn trọng và bảo vệ mạng sống của người khác không ? Lần gần đây nhất anh nói với vợ rằng anh yêu nàng là khi nào ? Anh có chia sẻ của cải cho người nghèo không ? Anh có bảo vệ danh dự và tiếng tốt cho ai chưa ? Anh có thường giúp đỡ người khác không ?
Người do thái ra đi và suy nghĩ miên man. Từ trước tới nay anh chỉ nhìn các giới luật theo khía cạnh tiêu cực nên mọi cố gắng của anh chỉ là làm sao khỏi vi phạm luật. Nhưng nay vị Rabbi vừa chỉ cho anh một cách nhìn mới hẳn : không chỉ cố tránh vi phạm luật, mà còn phải làm những việc tốt mà luật chỉ dạy.
Kitô hữu ngày nay cũng cần lưu ý :
- Chúng ta tuân giữ lề luật không phải vì sợ Chúa phạt, mà vì yêu mến Chúa.
- Chúng ta giữ luật không phải để được Chúa yêu, mà chúng ta giữ luật bởi vì Chúa đã yêu ta.
* 5. Sự điên rồ khôn ngoan
Đức Giêsu quả là điên rồ khi dám đụng tới Đền Thánh Giêrusalem, vì đó chính là kết tinh của tình cảm, đức tin và niềm kiêu hãnh của toàn dân do thái. Việc Ngài thanh tẩy Đền thờ mang tính cách trầm trọng chẳng khác gì ai đó dám xé cờ tổ quốc hoặc đập nát tượng lãnh tụ một nước. Cho nên cái giá mà Đức Giêsu phải trả cho việc này là Ngài sẽ bị giết chết. Bài Tin Mừng hiểu được cái giá đó, nên có câu "Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân".
Còn ông Phaolô thì nói với các tín hữu Côrintô : "Trong khi người do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ". Phaolô có đầy đủ mọi điều kiện để làm một Rabbi đáng kính đối với người do thái, hoặc làm một triết gia đáng nể đối với người hy lạp. Thế mà ông bỏ tất cả để đi làm một việc điên rồ là rao giảng về thập giá.
Có nhiều điều trong cách sống của kitô hữu cũng bị người không kitô coi là điên rồ. Do người ta coi thế nên tôi không dám làm ? hay dù người ta coi thế, tôi vẫn can đảm làm, theo gương Đức Giêsu và Thánh Phaolô ?
6. Thanh tẩy đền thờ
Mahatma Gandhi, vị thánh của dân tộc Ấn Độ, trong nhật ký tự thuật của mình, ông kể rằng khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất thích đọc Kinh Thánh, đặc biệt là "Bài giảng trên núi". Ông xác tín rằng Kitô giáo chính là giải đáp cho hệ thống đẳng cấp đã gây thương tổn cho đất nước Ấn Độ của ông từ bao thế kỷ. Ông thực sự nuôi ý định trở thành Kitô hữu.
Ngày kia, ông vào một nhà thờ để dự lễ và nghe giảng. Người ta chặn ông lại ở cửa nhà thờ và nhẹ nhàng cho ông hay rằng nếu ông muốn dự lễ, xin mời ông đến một nhà thờ dành riêng cho người da đen.
Ông ra đi và không bao giờ trở lại.
*
Tin mừng hôm nay thuật lại Đức Giêsu xua đuổi những người bán chiên bò, chim câu và những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ. Chắc chắn Người không hề xua đuổi những con người thành tâm thiện chí. Nhà thờ là nơi tôn nghiêm, qui tụ các tín hữu, cử hành phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, mọi người chung một niềm tin, một lời cầu tôn vinh Thiên Chúa. Nhà thờ chính là Hội thánh thu nhỏ, không phải là ngôi nhà kín rào luỹ cấm, trái lại phải mở rộng để đón tiếp mọi người.
Hôm nay Đức Giêsu phải xua đuổi người ta ra khỏi Đền Thờ, vì Người không muốn nơi thánh thiêng trở thành cái chợ. Người không muốn nhà Cha Người bị xúc phạm. Người thấy cần phải thanh tẩy Đền Thờ. Thái độ quyết liệt của Đức Giêsu đòi chúng ta phải xét lại chính mình.
Dường như không khí chợ búa vẫn vương vấn đầu đây : Người ta hẹn hò vào các giờ lễ, họ đi nhà thờ nhưng mắt trước mắt sau, họ lo trình diễn áo quần kiểu tóc.
Có kẻ đến nhà thờ để thắp sáng hào quang cho chính mình hơn là cho Chúa.
Có những đám cưới yêu cầu bật sáng mọi bóng đèn trong thánh đường.
Có những đám ma nhà thờ phải treo cờ tang phướn rũ như một biển tím, một rừng tang. Đồng tiền đã che mờ nét tôn nghiêm nhà Chúa.
"Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây" (Ga.216). Lời bất bình đó của Đức Giêsu vẫn như còn đang nói với chúng ta hôm nay. Người muốn các nhà thờ phải là nơi thờ phượng, nơi tĩnh lặng để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Không cần ồn ào, nặng phần trình diễn, cũng không nên máy móc, buồn tẻ khi cử hành các nghi thức phụng vụ.
Nếu mỗi thánh lễ là tái diễn Hy lễ thập giá của Đức Giêsu, Đấng đã yêu cho đến cùng, thì mỗi thánh lễ cũng mang một sức sống mới của Đấng Phục sinh. Người chính là Đền Thờ mới, nơi nhân loại sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha cách đích thực.
*
Lạy Cha, Mùa chay là mùa thanh tẩy các đền thờ : đền thờ vật chất là những thánh đường và đền thờ thiêng liêng là mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con biết thanh tẩy những nhơ nhớp trong tâm hồn, hầu xứng đáng đến thờ phượng Cha trong Đền Thờ mới là Đức Giêsu, Con Cha. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
7. Nhà của Chúa
Lời nguyện sau đây được viết trên cửa một nhà thờ nọ :
Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón tiếp mọi người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em,
nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị,  bất hòa.
Xin làm cho ngưỡng cửa này đủ phẳng để những bước chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc lối vào đây mà không bị vấp ngã.
Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa.
(Viết theo Flor McCarthy)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu là Đền thờ, mỗi Kitô hữu chúng ta cũng là Đền thờ sống động của Thiên Chúa. Đền thờ này cũng cần được thanh tẩy cho xứng đáng hơn. Trong mùa Chay này, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta :
1. Hội thánh là Đền thờ của Thiên Chúa nơi mọi người hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau /. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi thành phần trong Hội thánh / biết loại bỏ những thái độ giả hình, kiêu căng, chia rẽ, kỳ thị / làm cản trở cho sự hiệp thông đó.
2. Thế giới và các quốc gia là đại gia đình của nhân loại, nhưng luôn trở thành chiến trường về kinh tế và chính trị / Chúng ta cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền / biết loại trừ tất cả mọi hình thức xâm lăng và bóc lột nhau / để các nước tôn trọng và giúp đỡ nhau phát triển.
3. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa / nhưng nhiều người đã khiến nó trở thành hình ảnh dễ sợ của ma quỉ /Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho họ ý thức sự ghê tởm đó / để bắt tay vào việc sám hối và thanh tẩy.
4. Mỗi người Kitô hữu chúng ta đã trở thành đền thờ sống động của Thiên Chúa / Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho anh chị em giáo hữu trong họ đạo chúng con / không ngừng thanh tẩy mình khỏi mọi tội lỗi nhất là các tội nặng.
Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, vì nhiệt tâm phục vụ Chúa Cha mà Chúa đã thanh tẩy đền thờ, xin ban cho chúng con thêm nhiệt tâm yêu mến Chúa, để luôn thanh tẩy tâm hồn hầu xứng đáng đón nhận dồi dào hồng ân cứu độ của Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật III Mùa Chay (B)
Chúa Nhật, 8 Tháng 3, 2015
Việc thanh tẩy đền thờ
Chúa Giêsu, đền thờ mới                                  
Ga 2:13-15


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Thánh Thần của chân lý, được Chúa Giêsu sai đến để hướng dẫn chúng con tìm đến sự toàn chân, xin hãy soi sáng tâm trí chúng con để chúng con có thể hiểu được lời Kinh Thánh. Ngài là Đấng đã rợp bóng trên Đức Maria và khiến bà thành mảnh đất màu mỡ nơi Lời của Chúa có thể nẩy mầm, xin hãy thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi trở ngại hướng đến Lời Chúa.  Xin giúp chúng con nên giống như Đức Maria xưa kia với trái tim trinh khiết và tốt lành để lắng nghe Lời Chúa nói với chúng con trong đời sống và trong Kinh Thánh, để chúng con có thể tuân giữ Lời Chúa và sinh sản được hoa trái tốt tươi qua sự kiên trì của chúng con.

 2.  Bài Đọc 

i)  Bối cảnh và cấu trúc:
Đoạn Tin Mừng của chúng ta tiếp theo ngay sau phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm tại Cana miền Galilêa (2:1-12).  Một số các câu diễn đạt và từ ngữ được lặp lại trong cả hai trường hợp và khiến cho chúng ta nghĩ rằng tác giả muốn trình bày sự tương phản của hai câu chuyện.  Tại Cana, một làng quê miền Galilêa, trong một tiệc cưới, một người phụ nữ Do Thái, thân mẫu của Đức Giêsu, bày tỏ niềm tin vô điều kiện của bà nơi Chúa Giêsu và kêu gọi người khác chấp nhận lời Người (2:3-5).  Mặt khác, “người Do Thái”, trong dịp lễ Vượt Qua tại thành Giêrusalem, từ chối tin vào Đức Giêsu và không chấp nhận lời Người.  Tại Cana, Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên của Người (2:11) và ở đây những người Do Thái đòi hỏi một dấu lạ (câu 18) nhưng rồi sau đó không chấp nhận dấu lạ Chúa Giêsu đã ban cho họ (2:20).
Diễn biến câu chuyện nhỏ bé của chúng ta khá là đơn giản.   Câu 13 đặt trong khuôn khổ một bối cảnh của không gian và thời gian rất chính xác và có ý nghĩa: Chúa Giêsu đi đến Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua.  Câu 14 giới thiệu cảnh gây ra phản ứng mạnh mẽ về phần Chúa Giêsu.  Cử chỉ của Chúa Giêsu được mô tả trong câu 15 và gây ra bởi Chúa Giêsu trong câu 16.  Việc làm và lời nói của Chúa Giêsu lần lượt gây ra hai phản ứng.  Thứ nhất, về phía các môn đệ, một sự ngưỡng mộ (câu 17); thứ hai, về phía “người Do Thái”, một sự bất đồng và phẫn nộ (câu 18).  Họ muốn có một lời giải thích từ Chúa Giêsu (câu 19) nhưng họ đã không mở lòng ra để nhận lấy nó (câu 20).  Tại thời điểm này, người kể chuyện chêm vào để giải thích lời của Chúa Giêsu một cách xác thực (câu 21).  “Người Do Thái” không thể hiểu được ý nghĩa thực sự của lời Chúa Giêsu.  Tuy nhiên, các môn đệ là những người ngưỡng mộ Chúa như một ngôn sứ đầy lòng nhiệt thành với Thiên Chúa, cũng không thể nắm bắt được ý nghĩa lúc bấy giờ.  Chỉ sau khi việc đã xảy ra thì họ mới tin vào lời Chúa Giêsu đã nói (câu 22).  Cuối cùng, người kể cho chúng ta một biết một đoạn ngắn gọn về việc đám đông tiếp rước Chúa Giêsu tại thành Giêrusalem (các câu 23-25).  Tuy nhiên, lòng tin này, chỉ được dựa trên các phép lạ của Người, đã không làm Chúa Giêsu phấn khởi cho lắm.    

ii)  Phúc Âm:  
13 Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem.  14 Người thấy ở trong Đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, 15 người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ 16 và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". 17 Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi"18 Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". 19 Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". 20 Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" 21 Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. 22 Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
23 Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. 24 Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, 25 vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện


Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

i)  Tôi có thể tin tưởng đặt mình hoàn toàn trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa như một cử chỉ của đức tin không, hay là tôi đòi hỏi phải có những dấu chỉ?     
ii)  Thiên Chúa đã cho tôi nhiều dấu chỉ về sự hiện diện của Người trong đời sống của tôi.  Tôi có khả năng nhìn thấy và chấp nhận chúng không?           
iii)  Tôi có tự mãn với sự thờ phượng bên ngoài không hay là tôi cố gắng dâng lên Chúa sự thờ phượng bằng đức vâng phục trong đời sống thường nhật của tôi? 
iv)  Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai?  Tôi có nhận thức được rằng chỉ trong Người và nhờ Người mà tôi mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa không?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề

“Người Do Thái”

Tin Mừng Gioan được đặc trưng bởi cuộc tranh luận dài về căn tính của Chúa Giêsu.  Trong lập luận về Kitô học này, một bên chúng ta có Chúa Giêsu và bên kia là “người Do Thái”.  Nhưng cuộc tranh luận này, thay vì phản ảnh tình hình lịch sử vào thời Chúa Giêsu, thì lại phản ảnh tình hình được phát triển hướng tới thập niên 80 của thế kỷ thứ nhất giữa những người theo Chúa Giêsu và các người Do Thái không chấp nhận Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế.  Chắc chắn rằng cuộc xung đột đã bắt đầu vào thời Chúa Giêsu, nhưng khoảng cách giữa hai nhóm, cả hai đều là những người Do Thái, đã hiện hữu khi những kẻ không chấp nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế và đã lên án Người là kẻ ăn nói báng bổ, trục xuất các môn đệ Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, có nghĩa là, ra khỏi cộng đoàn các tín hữu Do Thái (xem Ga 9:22; 12:42; 16:2).
Do đó, “người Do Thái” mà chúng ta thường gặp trong quyển Tin Mừng thứ tư, không đại diện cho dân tộc Do Thái.  Họ chính là những nhân vật trong cuộc tranh luận về Kitô học suy ra trong sách Tin Mừng này.  Họ không đại diện cho một dân tộc, mà là đại diện cho những kẻ đã có quan niệm rõ ràng là tuyệt đối phủ nhận Chúa Giêsu.  Trong bất kỳ bài đọc Tin Mừng, “người Do Thái” là tất cả những kẻ từ chối Chúa Giêsu, bất kể họ thuộc về chủng tộc gì hay thời đại nào.      

Các dấu chỉ 

Việc chữa lành và các hoạt động phi thường khác của Chúa Giêsu mà các sách Tin Mừng Nhất Lãm (Máccô, Mátthêu và Luca) gọi là phép lạ hay việc thần kỳ, Gioan gọi là các dấu chỉ.  Là các dấu chỉ, chúng cho thấy có một điều gì đó vượt ra ngoài các hành động trông thấy rõ rệt.  Chúng mặc khải mầu nhiệm về Chúa Giêsu.  Vì thế, lấy ví dụ, việc chữa lành người mù từ thuở sơ sinh mặc khải Chúa là ánh sáng thế gian (Ga 8:12; 9:1-41), việc sống lại của Lagiarô từ cõi chết mặc khải Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống (xem Ga 11:1-45).
Trong đoạn Tin Mừng của chúng ta, “người Do Thái” yêu cầu được xem thấy một dấu chỉ trong ý nghĩa của một bằng chứng xác thực lời nói và việc làm của Chúa Giêsu.  Nhưng trong sách Tin mừng thứ tư, Chúa Giêsu không làm các dấu lạ như là bằng chứng bảo đảm cho đức tin.  Một đức tin được xây dựng trên các dấu lạ thì không đủ.  Đó chỉ là một đức tin khởi đầu để có thể dẫn đến đức tin thật sự (xem Ga 20:30-31), nhưng cũng có thể không phải là như vậy (xem Ga 6:26).
Tin mừng của Gioan đòi hỏi chúng ta phải đi xa hơn các dấu lạ, đừng dừng lại ở việc ngoạn mục, mà hãy nhìn vào ý nghĩa sâu sắc nhất trong sự mặc khải mà các dấu lạ chỉ ra. 

Chúa Giêsu, đền thờ mới

Đền thờ tại Giêrusalem là nơi hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân chúng.  Tuy nhiên, các tiên tri liên tục nhấn mạnh rằng nếu chỉ việc đi đến đền thờ và dâng hy lễ ở đó thì chưa đủ để được Thiên Chúa chấp nhận (xem Is 1:10-17; Gr 7:1-28; Am 4:4-5, 5:21-27).  Thiên Chúa muốn sự vâng phục và một cuộc sống đạo đức chính trực và công bằng.  Nếu sự tôn sùng bề ngoài xuông không thể hiện được thái độ quan trọng như thế, thì nó chỉ là trống rỗng (xem 1Sm 15:22).  Chúa Giêsu tự xen mình trong truyền thống tiên tri về việc thanh tẩy của sự sùng bái (xem Dcr 14:23 và Mi 3:1 về hoạt động của “Đấng Cứu Thế” sắp đến trong bối cảnh này).  Các môn đệ ngưỡng mộ Người về điều này và lập tức nghĩ rằng vì thái độ này, Người sẽ phải đích thân trả giá giống như tiên tri Giêrêmia (xem Gr 26:1-15) và các tiên tri khác. Nhưng trong Tin Mừng Gioan, hành động của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa hơn là một cử chỉ tiên tri của lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa.  Đó là dấu hiệu tiên báo và công bố dấu chỉ cao cả về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.  Nó mang ý nghĩa hơn chỉ là một sự thanh tẩy, điều mà Đức Giêsu làm là phá bỏ đền thờ và sự sùng bái thờ lạy ở đó, bởi vì từ bây giờ nơi hiện diện của Thiên Chúa chính là thân xác vinh hiển của Đức Giêsu (xem Ga 1:51; 4:23).     

6.  Thánh Vịnh 50
Sùng bái theo ý muốn của Thiên Chúa

ĐỨC CHÚA, Thượng Đế
chí tôn, nay Người lên tiếng,
từ khắp cõi đông tây, Người triệu tập hoàn cầu.
Tại Xi-on, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh,
Thiên Chúa ta ngự đến, Người không nín lặng.
Hàng tiền đạo: kìa lửa hồng thiêu đốt,
quân tả hữu: đây bạo vũ cuồng phong.

Chúa hạ lệnh đòi trời cao đất thấp
phải ra phiên toà nghe Chúa xử dân Người.
Rằng: "Hãy triệu tập cho Ta những người trung hiếu,
những người đã giao ước với Ta bằng hy lễ."
Các tầng trời tuyên bố Chúa công minh,
vì chính Người sẽ đứng ra xét xử.
"Dân Ta hỡi, nghe đây Ta phán dạy,
này Ít-ra-en, Ta dẫn chứng tố ngươi.
Ta là Thượng Đế, là Chúa ngươi thờ,
"Ta chẳng trách cứ ngươi về hy lễ;
lễ toàn thiêu của ngươi
hằng nghi ngút trước mặt Ta đêm ngày.
"Bò của ngươi, Ta nào có thiết;
chiên của ngươi, chẳng lẽ Ta ham!

Vì thú rừng là của Ta hết thảy,
cả ngàn muôn loài vật núi đồi.
Mọi thứ chim trời, Ta đều biết rõ,
động vật nơi hoang dã thuộc về Ta.
Ta mà đói, Ta đâu cần nói ngươi hay,
vì trái đất với mọi loài, chính Ta làm chủ.

Thịt bò há là thức Ta ăn?
Máu chiên há là đồ Ta uống?
"Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ,
giữ trọn điều khấn nguyền cùng Đấng Tối Cao.
Hãy kêu cầu Ta trong ngày cùng khốn,
Ta sẽ giải thoát, và ngươi sẽ làm hiển danh Ta."

Với kẻ gian ác, Thiên Chúa phán bảo rằng:
"Thánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở,
mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi?
"Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy,
lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng.

Gặp tên trộm đạo, ngươi hùa theo nó,
với bọn gian dâm, cũng lại thông đồng.
Miệng tha hồ nói năng ác độc,
ba tấc lưỡi đặt điều xảo trá;

hễ ngồi lê là bới xấu anh em
và bêu diếu cả người ruột thịt.
"Ngươi làm thế, chẳng lẽ Ta thinh lặng,
ngươi tưởng rằng Ta cũng giống ngươi sao?
Này đây Ta khiển trách,
những tội kia, Ta vạch rõ ngươi xem.

"Hỡi những người lãng quên Thượng Đế,
gắng mà hiểu cho tường,
kẻo rồi Ta xé nát, chẳng còn ai cứu thoát được đâu!
"Kẻ dâng lời tạ ơn làm hy lễ sẽ làm hiển danh Ta.
Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời."

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Cha, Cha đã ủy nhiệm Con Cha, Chúa Giêsu, là đền thờ mới của sự gắn bó mới và trường cửu, được xây dựng không do bàn tay loài người mà bởi Chúa Thánh Thần.  Do đó, khi chúng con đón nhận Lời Chúa trong đức tin, xin hãy cho chúng con có thể được ở trong Người và do đó thờ phượng Cha trong thần khí và trong chân lý.  Xin Cha hãy mở mắt chúng con ra cho các nhu cầu của anh chị em chúng con là những thành viên của thân thể Đức Kitô, để mà trong sự phục vụ họ, chúng con có thể dâng lên Cha sự tôn thờ mà Cha mong muốn từ chúng con. Chúng con cầu xin Cha điều này qua Đức Kitô là Chúa chúng con.  Amen.  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét