Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần II, Chương IV


Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần II, Chương IV
Vũ Văn An
24/Aug/2018

Chương IV: Nghệ thuật đồng hành

120. Toàn bộ truyền thống tâm linh nhấn mạnh đến tầm quan trọng căn bản của việc đồng hành, đặc biệt trong diễn trình biện phân ơn gọi. Người trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG bày tỏ nhu cầu này nhiều lần, nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng của chứng từ và nhân đạo của người đồng hành với họ. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cũng đã nhấn mạnh việc giới trẻ đang yêu cầu các nhà lãnh đạo giáo hội sẵn lòng cung cấp việc phục vụ này như thế nào, và làm nổi bật việc các nhà lãnh đạo khó khăn ra sao trong việc bảo đảm điều này.

Có thể nói "đồng hành" nhiều cách

121. «Mọi người trẻ, không trừ ai, đều có quyền được hướng dẫn trong hành trình cuộc sống» (DP III, 2). Đồng hành ơn gọi là một diễn trình có khả năng giải phóng tự do, cũng như khả năng để hiến tặng và hòa nhập các chiều kích khác nhau của cuộc sống bên trong một chân trời ý nghĩa. Vì lý do này, một cuộc đồng hành đích thực sẽ cố gắng trình bày ơn gọi không phải như một số phận tiền định, một trách vụ phải thi hành, một kịch bản đã viết sẵn, phải được chấp nhận bằng cách tìm ra cách để thực thi nó một cách hữu hiệu. Thiên Chúa coi trọng sự tự do mà Người đã ban cho con người, và đáp trả lời kêu gọi của Người là một sự cam kết đòi hỏi việc làm, trí tưởng tượng, sự táo bạo và sẵn lòng thực hiện sự tiến bộ bằng cả lối thử, sai thì làm lại.

122. Các câu trả lời mà chúng ta nhận được cho thấy một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC xem xét việc đồng hành bằng các hạn từ “rộng rãi” (bao gồm cả các cuộc hội họp không thường xuyên, lời cố vấn tốt, các buổi đối thoại về các chủ đề khác nhau); đối với các Hội Đồng khác, nó là một điều gì đó chuyên biệt hơn và nằm trong phạm vi của “luyện thi Kitô giáo” (Christian coaching). Những người đồng hành với giới trẻ có thể là đàn ông và đàn bà, tu sĩ và giáo dân, các cặp vợ chồng; cộng đồng cũng đóng một vai trò quyết định. Do đó, việc đồng hành với người trẻ của Giáo hội mang nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp khác nhau, đan xen nhiều chiều kích khác nhau và sử dụng các phương tiện đa dạng, tùy thuộc vào bối cảnh nơi nó diễn ra và mức độ tham gia vào giáo hội và vào đức tin của những người được đồng hành.

Đồng hành thiêng liêng

123. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC coi việc đích thân đồng hành thiêng liêng như là nơi ưu tuyển, nếu không muốn nói là nơi duy nhất, để biện phân ơn gọi. Đây là một cơ may để học cách biết nhìn nhận, giải thích, lựa chọn, theo một quan điểm đức tin, lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần gợi ý trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta (xem EG 169-174). Trong mối liên hệ đồng hành bản thân, điều quan trọng là nhận ra sự khác biệt giữa cách tiếp cận nam và nữ, cả đối với người đồng hành lẫn những người được đồng hành. Về mặt này, sự phong phú của truyền thống biết nói đến việc làm cha và làm mẹ tinh thần cần phải được thâm hậu hóa và duy trì.

124. Đồng hành thiêng liêng có những đặc điểm chuyên biệt làm nó khác với các hình thức đồng hành bản thân khác như huấn đạo, huấn luyện, dìu dắt, dạy kèm, vv Tuy nhiên, cũng có những mối liên hệ và liên kết giữa chúng. Muốn tránh việc không nhìn thấy tính thống nhất giữa con người và đặc điểm toàn diện trong mối liên hệ đồng hành, ta cần thăm dò tính bổ túc giữa việc đồng hành thiêng liêng theo nghĩa hẹp và các hình thức gần gũi khác mà, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có liên quan đến các cá nhân có thể giúp người trẻ biện phân và góp phần vào việc đào luyện lương tâm và tự do của họ.

Đồng hành tâm lý

125. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dạy, «sự biện phân thiêng liêng không loại trừ các hiểu biết thông sáng trong các lãnh vực hiện sinh, tâm lý, xã hội hay luân lý rút ra từ các khoa học nhân văn. Nhưng đồng thời, nó cũng vượt quá chúng » (GE 170). Cách riêng, cần chỉ rõ điều gì phân biệt việc đồng hành thiêng liêng với việc đồng hành tâm lý hay tâm lý trị liệu, một khoa, nếu chịu cởi mở đối với siêu việt, có thể trở thành nền tảng cho con đường hội nhập và tăng trưởng. Loại đồng hành thứ hai tập trung vào các nguồn tài nguyên, các giới hạn và biến hóa của con người trong việc hoàn thành các mong ước của họ. Còn đồng hành thiêng liêng thì nhắm một cách chuyên biệt hơn vào việc kích hoạt cuộc đối thoại thân mật giữa con người và Thiên Chúa trong cầu nguyện, khởi đi từ Tin Mừng và toàn bộ Sách Thánh, ngõ hầu tìm ra cách có tính bản vị nhất để đáp lại lời Thiên Chúa kêu gọi. Một nền sư phạm cẩn trọng sẽ cho phép việc hội nhập chiều kích tâm lý vào việc đồng hành thiêng liêng: không những chỉ lắng nghe và tương cảm (empathy), mà còn biện phân trong khi tương tác với Lời Chúa; không những chỉ tín thác, mà còn cố gắng nhận ra rằng niềm vui Tin Mừng đánh thức sự cao quí trong các ước muốn của chúng ta; không những chỉ là những giấc mơ, mà còn là những bước tiến thực sự vượt qua các khó khăn của đời sống.

Đồng hành và Bí tích Hòa giải

126. Đặc sủng đồng hành thiêng liêng không nhất thiết phải gắn liền với thừa tác vụ thụ phong. Trong truyền thống cổ xưa của chúng ta, những người cha và những người mẹ thiêng liêng đều là các giáo dân, đôi khi là các đan sĩ, nhưng không phải là giáo sĩ. Thói quen, qua đó, việc đồng hành hiện nay được kể như một trong số các vai trò được giao cho các linh mục có nguy cơ giới hạn nó vào cuộc đối thoại thường trùng lắp với việc cử hành bí tích thống hối. Mặc dù có sự gần gũi, các thừa tác viên hòa giải và các nhà đồng hành thiêng liêng có những mục đích, phương pháp và ngôn ngữ khác nhau. Đồng hành ơn gọi, theo nghĩa hẹp, đúng ra không phải là "chất thể" của bí tích hòa giải, vốn là sự tha thứ tội lỗi; tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Thiên Chúa trong bí tích là điều không thể thiếu nếu muốn có tiến bộ trong cuộc hành trình này. Chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng, trong mối liên hệ giữa đồng hành và bí tích, các truyền thống thiêng liêng khác nhau đã khai triển nhiều nhạy cảm khác nhau.

Gia đình, đồng hành đào tạo và đồng hành xã hội

127. Các hoàn cảnh trong đó cuộc sống bình thường diễn tiến cung cấp nhiều cơ hội để gần gũi, một sự gần gũi giúp ta đồng hành với từng người trong hành trình phát triển của họ, theo nghĩa chuyên biệt thiêng liêng hay theo nghĩa nhân bản rộng rãi hơn. Có những trường hợp trong đó loại đồng hành này được xếp vào các nhiệm vụ có tính định chế của những người cung cấp nó, nhưng có những trường hợp, nó được đặt căn bản trên sự sẵn lòng, năng lực và sự cam kết của các cá nhân có liên quan.

Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhắc đến vai trò không thể thiếu của các gia đình trong việc biện phân ơn gọi, đặc biệt khi cha mẹ là những vai trò khuôn mẫu trong việc truyền cảm hứng đức tin và sự tận tụy: cha mẹ luôn là các nhân chứng đầu tiên, và thậm chí càng là thế ở những nơi thiếu các thừa tác viên thụ phong. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng có thể xảy ra, khi các gia đình quá nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thành công kinh tế hay nghề nghiệp, và điều này, cuối cùng, sẽ cản trở khả thể có được một cuộc hành trình biện phân ơn gọi mạnh mẽ. Đôi khi, việc tan vỡ gia đình dẫn người trẻ đến chỗ không còn tin tưởng vào khả thể lập kế hoạch cho tương lai và có được những niềm hy vọng lâu dài.

Đồng hành, cả dưới các tên gọi khác nhau, nằm ở trung tâm chú ý của nhiều hệ thống giáo dục, cả ở cấp trường học lẫn ở cấp đại học. Trước khi là một nhiệm vụ được giao phó cho các cá nhân chuyên biệt, nó là một thái độ sư phạm căn bản và một khung suy nghĩ thấm nhập toàn bộ cộng đồng giáo dục. Sự dìu dắt trong việc đào tạo chuyên nghiệp với viễn tượng chuẩn bị có việc làm, cũng là điều tự nó có giá trị. Như một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã cho thấy, các loại đồng hành này là «các máng chuyển quan trọng nhất qua đó các trường học, các đại học và các định chế giáo dục khác đóng góp vào sự biện phân ơn gọi của giới trẻ"; hơn nữa, chúng còn tạo dịp kích thích cách tiếp cận thực tại có phê phán khởi đi từ một viễn tượng Kitô giáo và việc lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa.

Cuối cùng, có một số bối cảnh, vai trò và nghề nghiệp trong đó người lớn tiếp xúc với người trẻ, có lẽ vì những vấn đề chuyên biệt, có thể cung cấp một cuộc đồng hành làm thuận lợi cho diễn trình trưởng thành nhân bản hay giải quyết các tình huống có vấn đề: chúng ta có thể nghĩ tới vai trò của huấn luyện viên thể thao, những người có trách nhiệm giáo dục hoặc làm việc trong các loại định chế chuyên biệt (nhà tù, nơi trú ẩn đủ loại, văn phòng huấn đạo hoặc các trạm y tế) hoặc chuyên nghiệp (bác sĩ, nhà tâm lý học, nhà giáo dục, v.v.). Dù trong các trách nhiệm có giới hạn của họ, kể cả các chuyên gia, chúng ta phải nhìn nhận rằng những hình thức đồng hành này có thể có ý nghĩa thiêng liêng, và đóng một vai trò nào đó trong diễn trình biện phân ơn gọi.

Đồng hành trong việc đọc các dấu chỉ thời đại

128. Người trẻ bị thách thức bởi thực tại xã hội mà họ phải đối diện, một thực tại thường gợi ra những cảm xúc mạnh mẽ: việc giải thích của họ đòi có sự đồng hành và có thể trở thành phương thế để nhận diện các dấu chỉ thời đại mà Chúa Thánh Thần khiến người trẻ và Giáo Hội chú ý. Sự thịnh nộ của người trẻ trước cảnh tham nhũng lan tràn, bất bình đẳng về cấu trúc gia tăng, khinh thường nhân phẩm, vi phạm nhân quyền, kỳ thị đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số, bạo lực có tổ chức, và bất công dường như không được xem xét thỏa đáng, nếu chúng ta nhìn vào các câu trả lời của các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC. Xem ra không có chỗ để thảo luận những vấn đề này trong các cộng đồng Kitô hữu. Ngoài ra, ở nhiều nơi trên thế giới, người trẻ thấy mình ở giữa bạo lực, trong tư cách thủ phạm hay nạn nhân, và họ dễ trở thành mồi ngon cho người lớn thao túng. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị vô lương tâm biết cách khai thác các tham vọng đầy lý tưởng của giới trẻ để phục vụ lợi ích riêng của họ. Trong các bối cảnh khác, sự bách hại tôn giáo, chủ nghĩa cuồng tín và bạo lực chính trị đang làm nản niềm hy vọng về một tương lai hòa bình và thịnh vượng trong trái tim người trẻ. Đây cũng là những biên giới, trong đó, khả năng tiên tri trong việc đồng hành của Giáo hội phải đóng được một vai trò.

Đồng hành trong cuộc sống hàng ngày và trong các cộng đồng Giáo Hội

129. Cuối cùng, còn có việc đồng hành hàng ngày, thường im lặng nhưng không kém phần quan trọng, được cung cấp bởi những người giải thích cuộc sống của họ một cách hoàn toàn nhân bản qua chứng từ của họ. Cũng có tính nền tảng không kém và trong ngôn từ ơn gọi như thế, ta thấy có việc đồng hành bởi các cộng đồng Kitô giáo như một toàn thể, một cuộc đồng hành, nhờ mạng lưới liên hệ của nó, đề ra một lối sống và đứng chung hàng với những người đang trên hành trình hướng tới hình thức thánh thiện bản thân của họ. Như một trong các thánh bộ của Tòa Thánh từng tuyên bố, «khía cạnh cá thể của việc đồng hành biện phân chỉ có thể hữu hiệu nếu là một phần của kinh nghiệm Kitô Giáo có tính đối thần (theologal), huynh đệ và sinh ích. Thực vậy, chính từ cộng đồng, phát sinh ước muốn hiến mình, vốn là điều kiện tiên quyết cho việc biện phân đúng nghĩa các cách chuyên biệt để sống sự biện phân này».

Các phẩm tính của người đồng hành

130. Các nhà đồng hành được kêu gọi tôn trọng mầu nhiệm mà mỗi người đều mang trong mình và tin tưởng rằng Chúa vốn làm việc ở trong họ. Các nhà dìu dắt được mời gọi nhận ra họ là một mẫu mực có thể gây ảnh hưởng đối với người khác qua chính con người họ, hơn là qua những gì họ làm hoặc đề nghị. Sự tương tác sâu sắc về xúc cảm, một sự tương tác được tạo ra trong khung cảnh đồng hành thiêng liêng – không phải là chuyện ngẫu nhiên nếu truyền thống nói tới việc làm cha làm mẹ thiêng liêng, và do đó, tới mối liên hệ sinh sản sâu sắc - đòi người đồng hành phải có một sự đào tạo vững vàng, và khả năng tự mình cố gắng, trước hết, về mặt thiêng liêng và, ở một mức độ nào đó, cả về mặt tâm lý nữa. Chỉ bằng cách này, họ mới có thể thực sự phục vụ người khác, bằng cách lắng nghe và biện phân, và tránh được các nguy cơ thường gặp nhất liên quan đến vai trò của họ: thay thế những người họ đồng hành trong việc tìm kiếm các lựa chọn và chịu trách nhiệm đối với chúng, phủ nhận hoặc dẹp bỏ sự xuất hiện các vấn đề tính dục và, sau cùng, vượt các ranh giới và can dự một cách không thích đáng và phá hoại đối với những người họ đang giúp đỡ trong hành trình thiêng liêng, đến độ gây ra các lạm dụng và phụ thuộc thực sự. Khi điều này xảy ra, ngoài những thương tích gây ra cho những người được đồng hành, một bầu khí sợ hãi và ngờ vực bắt đầu lan rộng, một điều làm nản thói quen đồng hành.

131. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhận ra rằng đồng hành là một việc phục vụ có tính đòi hỏi, khi đụng đến đức tính bản thân của những người làm việc đó: «Người trẻ đang yêu cầu [...] có được các người đồng hành hữu hiệu và đáng tin cậy, những người tràn đầy niềm tin; những người bắt chước Chúa Kitô, Đấng vốn sống một cuộc sống thực sự hạnh phúc trong khi cổ vũ mối tương quan với Thiên Chúa và Giáo Hội ». Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến việc các người đồng hành có khả năng ra sao trong việc gây cảm hứng cho lòng tin và là những người khôn ngoan, «những người không sợ bất cứ điều gì, biết cách lắng nghe và được Chúa ban cho hồng phúc nói lời đúng vào đúng lúc» (GMTHĐ, trả lời câu hỏi số 2).

132. Người trẻ của dự cuộc Hặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã mô tả chính xác khuôn mạo của người đồng hành: «một Kitô hữu trung thành biết dấn thân vào Giáo hội và thế giới; một người luôn tìm kiếm sự thánh thiện; một người tâm giao không phán xét; tích cực lắng nghe các nhu cầu của người trẻ và đáp ứng cũng tích cực; yêu thương và tự biết mình cách sâu xa; thừa nhận các giới hạn của mình và biết hưởng các niềm vui và nỗi buồn của cuộc hành trình thiêng liêng” » (GMTHĐ 10). Đối với người trẻ, điều đặc biệt quan trọng là các người đồng hành nhận ra nhân tính và tính dễ sai lầm của mình: “Đôi khi người đồng hành được đặt trên bệ cao, và khi họ ngã xuống, sự tàn hại có thể ảnh hưởng đến khả năng người trẻ trong việc tiếp tục dấn thân với Giáo Hội” (GMTHĐ 10). Họ cũng nói thêm rằng «người đồng hành không nên dẫn dắt người trẻ như những người thụ động theo mình, nhưng đi bên cạnh họ, cho phép họ trở thành những người tham gia tích cực trong cuộc hành trình. Họ nên tôn trọng quyền tự do luôn đi kèm với diễn trình biện phân của người trẻ và trang bị cho họ các công cụ để thực hiện điều này một cách hữu hiệu. Các người đồng hành nên hết lòng tin vào khả năng của người trẻ trong việc tham gia vào đời sống của Giáo Hội. Họ nên nuôi dưỡng những hạt giống đức tin nơi người trẻ, mà không mong ngay lập tức nhìn thấy hoa trái việc làm của Chúa Thánh Thần. Vai trò này không và không thể bị giới hạn vào các linh mục và tu sĩ, nhưng giáo dân cũng nên được trao quyền để đảm nhận một vai trò như vậy. Tất cả những người đồng hành như thế sẽ được hưởng lợi nếu được đào tạo tốt và tham gia vào việc đào tạo liên tục» (GMTHĐ 10).

Sự đồng hành của các chủng sinh và người trẻ thánh hiến

133. «Đồng hành bản thân là một phương thế không thể thiếu trong việc đào tạo» (RFIS 44) các chủng sinh, nhưng việc này cũng có thể dễ dàng áp dụng cho các tu sĩ nam nữ đang được đào tạo. Trước hết, điều này phục vụ việc biện phân ơn gọi và xác nhận đặc sủng: cả các cá nhân lẫn Giáo Hội đều cần xác minh các lựa chọn đã làm. Để đạt được mục đích này, điều cốt yếu là các người đồng hành dành một chỗ có thực chất cho tự do trong chính bản thân họ: gợi hứng lòng tin đòi phải từ bỏ các hình thức kiểm soát trá hình; khám phá ra việc đào tạo có thể bị gián đoạn và việc giúp người ta khám phá các nẻo đường thay thế không nên bị loại bỏ một cách tiên thiên, hoặc bị coi như một thất bại, ngay cả trong các tình huống thiếu các thừa tác viên thụ phong hay các vị thánh hiến nam nữ. Đồng thời, việc đồng hành này sẽ góp phần vào diễn trình trưởng thành nhân bản và Kitô giáo của những người đang được đào tạo và là một đầu tư thực sự vào việc đào tạo, nhằm tạo ra một lớp người đàn ông và đàn bà đủ các phẩm tính cần thiết để đồng hành với người khác giúp họ khám phá ra ơn gọi và theo ơn gọi này. Người ta học được việc đồng hành trước nhất bằng cách chấp nhận được đồng hành.

134. Kinh nghiệm của các nhà đào tạo cho thấy các ứng viên của thừa tác vụ thụ phong và đời sống thánh hiến là những người trẻ thời nay cùng chia sẻ các đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa và cách tiếp cận thế giới của những người cùng trang lứa, bắt đầu với sự phổ biến các phương tiện truyền thông xã hội và truyền thông kỹ thuật số. Đồng hành sẽ phải tập chú vào việc thâm hậu hóa đời sống thiêng liêng của bản thân họ, cũng như động lực tông đồ của họ, cổ vũ sự tổng hợp việc chịu khó làm việc, các nỗi thất vọng và sự khô khan; nếu các khó khăn tâm lý xuất hiện, thì ngoài việc đồng hành thiêng liêng, một việc đồng hành chuyên biệt sẽ cực kỳ hữu ích. Đồng thời, việc đồng hành thiêng liêng sẽ cố gắng ngăn cản các ứng viên khỏi lãng phí thời gian bằng cách giúp họ bám trụ vào giai đoạn họ đang trải qua, dù tạm thời, chứ không sống trong sự mong chờ đến lúc việc đào tạo kết thúc. Việc gặp gỡ Chúa diễn ra trong lúc hiện tại, cả với những người đang sống trong các viện đào tạo.

135. Một thách thức mà thời ta ngày càng làm gia tăng là sự tích nhập các dị biệt. Đặc biệt trong các bối cảnh đào tạo có nhiều người từ nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau, người trẻ sẽ phải được đồng hành để đối phó với cuộc đối thoại liên văn hóa, chuẩn bị cho những gì xã hội đòi hỏi vào cuối diễn trình đào tạo của họ. Nếu một mặt, người trẻ thiết tha muốn được gặp gỡ với các nền văn hóa khác, thì mặt khác họ lại gặp khó khăn trong việc đối phó với các dị biệt, vì họ phát xuất từ các xã hội vốn sử dụng các phương thế phòng ngừa rất mạnh mẽ chống lại tính đa dạng, thậm chí cố gắng phủ nhận, tiêu chuẩn hóa hay hạ giá tính đa dạng này.

136. Đồng hành cũng sẽ rất quan trọng để giải thích thỏa đáng bối cảnh của người ta, những bối cảnh, ngày nay, càng ngày càng trở thành đa dạng về tuổi nhập học, trình độ giáo dục, việc đào tạo trước đó, các kinh nghiệm nghề nghiệp và xúc cảm trước đây, bối cảnh giáo hội (giáo xứ, các hiệp hội, phong trào, vv). Đồng hành là một phương thế chủ chốt để có được cách tiếp cận thực sự có tính bản vị đối với các nẻo đường đào tạo, mà người trẻ chắc chắn đánh giá cao, vì họ vốn coi các đề xuất có tính tiêu chuẩn là quá khổ hạnh. Điều này cũng có thể áp dụng vào thứ đồng hành chuyên biệt giảng dạy trong diễn trình học tập của họ.

Kỳ sau: PHẦN III: CHỌN LỰA: CÁC NẺO ĐƯỜNG HỒI TÂM MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét