17/02/2019
Chúa Nhật 6 Thường Niên năm C.
(phần I)
BÀI ĐỌC I: Gr 17, 5-8
"Khốn thay cho kẻ tin tưởng
người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa".
Trích sách Tiên tri
Giêrêmia.
Đây Chúa phán:
"Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người,
còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy
khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không
người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy
trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt,
không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà
vẫn sinh hoa kết quả luôn.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4
và 6
Đáp: Phúc thay người
đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5c).
Xướng:
1) Phúc cho ai không
theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi
chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm
luật Chúa đêm ngày. - Đáp.
2) Họ như cây trồng
bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả
công việc họ làm đều thịnh đạt.- Đáp.
3) Kẻ gian ác không được
như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công
chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15,
12. 16-20
"Nếu Đức Kitô đã không sống
lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền".
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu Đức
Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người
trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống
lại, Đức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng
tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của
anh em. Như thế ai đã chết trong Đức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ
hy vọng vào Đức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô
phúc nhất trong thiên hạ.
Nhưng không, Đức Kitô đã
từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia!
- Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và
Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 17.
20-26
"Phúc cho những kẻ nghèo
khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ
trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng;
ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên
hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy
giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ
nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ
bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ
bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu
vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ
tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì
như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối
xử với các tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho
các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các
ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các
ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các
ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử
như vậy với các tiên tri giả".
Đó là lời Chúa.
Suy niệm : Phó thác nơi Thiên Chúa
Ông Arafat, nguyên
lãnh tụ phong trào giải phóng Palestin, lúc ông còn sống đã là người đầu tiên
nhiệt liệt ủng hộ cựu tổng thống độc tài Saddam Hussein của Irak, bởi vì ông
tin chắc rằng chuyến này, nhân dân Palestin cũng sẽ giành lại được quyền tự quyết.
Nhưng sau khi Irak bại trận, ông Arafat và nhân dân Palestin lại bị bỏ rơi, và
họ mới vỡ lẽ ra là mình cũng chỉ là một thứ chiêu bài chính trị được ông Saddam
hoan hô nhằm phục vụ cho mưu toan của Irak trong ván cờ phức tạp khi đánh ở
vùng Trung Ðông.
Biết tin vào ai, và biết
cậy vào ai trong thế giới chỉ biết trọng kim tiền và khinh dể công lý, các quyền
tự do căn bản của những con người này? Bởi vì các quốc gia, các phe nhóm, các lực
lượng ý thức hệ, kinh tế, chính trị, xã hội hùa nhau đó nếu không còn lợi lộc
gì thì trong nháy mắt họ quay lưng trở mặt lại với nhau.
Các bài đọc phụng vụ
hôm nay cống hiến cho chúng ta một lời giải đáp. Có lúc người nghèo khó chỉ phó
thác nơi Thiên Chúa chớ không cậy dựa nơi sức mạnh vật chất và khả năng của
loài người mau tàn lụi và hay hư nát. Giáo huấn của tiên tri Giêrêmia đoạn
17,5-8 viết cũng là điều thánh vịnh 146 và 40 khuyên nhủ chúng ta: "Con đừng
cậy dựa nơi vua chúa và kẻ quyền quí, vì loài người không thể cứu được con.
Phúc cho ai được Chúa nhà Giacóp trợ lực. Phúc cho ai hy vọng nơi Chúa và không
về phe với kẻ kiêu căng cũng không chạy theo sự dối trá". Thánh vịnh 1
cũng đưa ra cùng lời khuyên nhủ như trên và rất giống giáo huấn của tiên tri
Giêrêmia: "Khốn cho những ai cậy dựa nơi con người". Tức là cậy dựa
nơi những phường tội lỗi gian ác, vì chúng có quyền cao chức trọng và giàu có,
tiền rừng bạc bể đến đâu đi nữa chúng cũng không thể cứu chính mình và cứu được
ai.
Sức lực con người là
bao, cuộc đời con người là mấy? Có kẻ quyền quý nào mà lại không phải chết và
tan biến thối rữa đâu? Con người tự bản tính thường hay ích kỷ hẹp hòi và ham
danh lợi, thấy quyền cao chức trọng và của cải, nó thường tới mức họ quên hết mọi
điều cao đẹp khác. Do đó, cậy dựa vào con người quả thật là thái độ khờ dại.
Khi con người tự cậy dựa nơi mình và khép kín với Thiên Chúa và tha nhân, nó cố
trở nên khô cằn và chết đi, nó giống như cây me mọc trong hoang địa khô cằn và
chết héo. Do đó, các lời tiên tri Giêrêmia tố cáo dân Israel hồi thế kỷ thứ VII
trước Tây lịch, cũng còn rất là thời sự đối với con người sống trong thế giới
ngày nay, là một thế giới chủ trương lấy con người làm thước đo mọi sự. Tám mối
Phúc thật và Lời Chúa Giêsu đe dọa những người giàu có như tường thuật trong
Phúc Âm thánh Luca, đoạn 6, cũng là mời gọi chúng ta đừng lấy tâm thức của thế
giới con người làm mẫu mực cuộc sống nhưng hãy lấy cái nhìn của Thiên Chúa.
Bốn mối Phúc thật và bốn
lời chúc dữ trong Phúc Âm thánh Luca. Mối phúc thật là một kiểu hành văn quen
thuộc của nền văn chương tiên tri và nền văn chương khôn ngoan, loan báo một niềm
vui trong hiện tại hay trong tương lai. Nó cũng không phải là một lời cầu chúc
mà là một khẳng định, một lời cam kết long trọng được tuyên bố với chính quyền
bính và sức mạnh của Thiên Chúa, Ðấng luôn hoạt động trong lịch sử loài người để
thực hiện sự công chính của Ngài. Các mối phúc thật của Chúa Giêsu công bố đảo
lộn mọi giá trị trong tâm thức và kiểu cách nhìn bình thường của con người, bởi
vì chúng diễn tả một cuộc cách mạng nội tâm sâu xa, có năng lực biến đổi hoàn cảnh
sống bên ngoài của thế giới loài người. Chúa Giêsu không chúc lành hay chúc dữ
cho một số cảnh sống nghèo. Tự chúng sự giàu có và của cải vật chất không phải
là những gì đáng khinh rẻ, bởi vì chúng cũng được Thiên Chúa tạo thành, giúp
con người sống sung túc và hạnh phúc. Một khi con người coi chúng như là một
giá trị tuyệt đối, tôn chúng lên địa vị của Thiên Chúa và quỳ thờ lạy chúng,
thì khi đó, của cải đáng chúc dữ và khốn cho những người thờ lạy chúng. Bởi vì
khi đó của cải vật chất khiến cho con người khép kín ơn trời, cuộc sống của
mình trong một chút hạnh phúc bé nhỏ, hạn hẹp mau qua của thế giới vật chất
này, mà quên đi cuộc sống đích thật mà Thiên Chúa cống hiến cho mình. Của cải
khi đó đáng chúc dữ vì nó khiến cho chúng ta đóng chặt, khép kín cửa nhà và
cánh cửa tâm lòng mình trước những người anh em túng thiếu, khổ đau, quên Chúa,
xa Chúa và đánh mất đi cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu của mình.
Cũng thế, sự nghèo nàn
và các khổ đau trong cuộc sống con người tự chúng là những gì đáng ghê sợ, vì
chúng hủy hoại hạnh phúc của con người, do đó cần phải cố gắng bài trừ chúng
trước hết bằng cách loại trừ các nguyên nhân gây ra chúng. Thật ra, Chúa Giêsu
không đề cao sức tàn phá tiêu cực đó của nghèo đói và khổ đau. Trong ba năm rao
giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ơn cứu độ Ngài đem đến cho con người
là ơn cứu độ toàn vẹn, đem lại của ăn và sức khỏe cho thân xác cũng như cho
linh hồn. Ðó là ý nghĩa các phép lạ nuôi dân và chữa lành mọi tật bệnh cho con
người. Nhưng trái lại, Chúa Giêsu cũng coi nghèo đói và khổ đau cũng là ân phước,
vì chúng có thể giúp con người hồi tâm ăn năn hối cải, rộng mở tâm lòng để hiểu
biết và đón nhận tình thương sâu xa của Thiên Chúa và ký thác nơi Ngài. Khi
tuyên bố: Phúc cho những người nghèo hèn, đói khát, khóc lóc và khổ đau vì bị
người đời hất bỏ, Chúa Giêsu không muốn trói buộc con người trong tình trạng
nghèo nàn và khổ đau, mà Ngài muốn cho họ hiểu rằng, ngay cả khi phải sống
trong những hoàn cảnh tiêu cực ấy, như hậu quả của bất công xã hội, ngay cả cái
chết của con người họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương và vẫn có thể rộng mở tâm
lòng đón nhận ơn cứu độ Ngài ban.
Cái nghèo đói và khổ
đau vật chất là cái nghèo đói và khổ đau có phước, vì nhờ đó con người được gặp
gỡ Thiên Chúa và được ơn cứu độ. Nói tóm lại, người giàu có không phải vì giàu
mà bị án phạt; người nghèo khó và khổ đau không phải vì nghèo khó và khổ đau mà
được trọng thưởng. Giàu cũng như nghèo, ai cũng phải nỗ lực sống Tin Mừng yêu
thương, chia sẻ đại đồng của Chúa để được cuộc sống đời đời.
Ðó cũng là điều thánh
Phaolô nhắc nhủ chúng ta trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, chương 15:
Niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh phải giúp chúng ta chết đi cho những kiểu cách
suy tư hành xử cũ của con người trần gian. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh phải
trao ban cho chúng ta một tâm thức mới, một kiểu cách suy tư lý luận mới, một
cái nhìn mới, một nếp sống mới đặt nền tảng trên Tin Mừng Phục sinh và trên các
mối phúc thật. Nói cách khác, khi tuyên xưng lòng tin vào Chúa Kitô Phục sinh
là chúng ta chấp nhận nhìn mọi sự với chính đôi con mắt của Thiên Chúa và sống
theo các nấc thang giá trị Tin Mừng của Chúa. Tin vào Chúa Kitô Phục sinh cũng
có nghĩa là biết lấy các giá trị đó làm mẫu mực và nền tảng cho cuộc sống gia
đình và xã hội.
(Trích trong ‘Suy Niệm
Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật VI Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Jer 17:5-8; I Cor 15:12, 16-20; Lk 6:17, 20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ
ĐỀ: Hãy đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thiên
Chúa!
Đa số con người ở mọi
thời đều tin: "ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão." Đàng sau niềm tin
này là niềm tin vào "ông Trời," hay "Thượng Đế," hay
"Thiên Chúa;" vì phải có một Đấng uy quyền nhìn xem để bảo vệ người
lành và trừng phạt kẻ ác. Mới đầu, niềm tin này chỉ giới hạn trong cuộc đời
trên dương gian của mỗi người; nhưng khi thấy có những người ăn ở hiền hậu mà vẫn
không gặp lành, hay những kẻ ăn ở thất nhân ác đức mà vẫn sống phây phây; niềm
tin này lan rộng tới đời sau. Nếu ông trời có mắt, phải thưởng công cho những
người ăn ở hiền lành và phải phạt kẻ ác ở đời sau.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong việc con người phải đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, để
được Ngài ghé mắt thương tới cả đời này và đời sau. Trong Bài Đọc I, tiên-tri
Jeremiah so sánh sự đau khổ của những kẻ tin tưởng nơi sức phàm nhân với hạnh
phúc của những ai đặt niềm trông cậy nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, thánh
Phaolô khuyên các tín hữu Corintô phải giữ vững niềm tin vào sự sống lại của Đức
Kitô và niềm tin mình cũng sẽ được sống lại với Ngài. Đây chính là lý do thúc đẩy
con người thực hành những gì Đức Kitô dạy. Trong Phúc Âm, thánh Lucas tường thuật
bài giảng của Đức Kitô nơi đồng bằng. Ngài chúc lành cho tất cả những ai nghèo
khó, đói khát, khóc lóc, và bị đối xử bất công vì danh Thiên Chúa. Ngược lại,
Ngài báo trước khốn cho những ai bây giờ đang giầu có, no đầy, vui cười, và được
mọi người ca tụng.
KHAI TRIỂN BÀI
ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Ngài làm chỗ
nương thân.
1.1/ Kẻ tin ở sức con người: Mục đích của Jeremiah là nêu bật sự tương phản giữa niềm
tin nơi sức con người với niềm tin nơi Thiên Chúa. Điều đầu tiên chúng ta cần
lưu ý: để bị nguyền rủa, một người phải có cả ba yếu tố được liệt kê: tin ở người
đời, lấy xác thịt mình làm sức mạnh, và lòng dạ xa rời Đức Chúa! Nếu một người
tin cha mẹ, tự tin nơi mình, và tin tưởng Thiên Chúa, người đó sẽ không bị nguyền
rủa. Jeremiah muốn nhấn mạnh con người phải đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thiên
Chúa, hơn là chỉ tin tưởng nơi tài năng của mình, hay cậy dựa vào người đời cho
dẫu họ có quyền thế đến đâu chăng nữa. Điều dễ hiểu là nếu con người không có đức
tin nơi Thiên Chúa, họ sẽ dễ dàng rơi vào chán chường và tuyệt vọng khi phải đương
đầu với bệnh tật, phản bội, hay cái chết; vì họ không còn biết trông cậy vào ai
hay vào điều gì nữa.
1.2/ Người trông cậy nơi
Thiên Chúa: Lịch sử của Cựu Ước là một chuỗi
những bài học dẫn chứng những điều tốt lành xảy đến cho các tổ-phụ, nhà lãnh đạo,
các vua, và các tiên tri, khi họ tuân hành giữ cẩn thận các điều Thiên Chúa
truyền dạy. Chúng ta có thể nói lời sấm của ngôn sứ Jeremiah hôm nay là kết luận
của những gì Thiên Chúa muốn in sâu vào tâm khảm của con người: "Phúc thay
kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như
cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng
chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và
không ngừng trổ sinh hoa trái."
Nếu con người biết
hoàn toàn trông cậy nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ tiếp tục chúc lành, bảo vệ, và ban
mọi ơn lành. Lịch sử Cựu Ước cũng chứng minh: khi một con người hay cả dân tộc
không tin tưởng nơi Thiên Chúa, chỉ tin vào sự khôn ngoan hay sức mạnh của
mình, hay chỉ biết cậy dựa vào sức mạnh của quốc gia khác, họ sẽ phải lãnh nhận
biết bao đau khổ, tủi nhục, và lưu đày.
2/ Bài đọc II: Niềm tin vào sự sống lại giúp con người thi hành những gì
Thiên Chúa dạy.
Truyền thống Do-thái
cho tới năm 200 BC không có giải thích rõ rệt về sự sống lại, mặc dù có nhiều
đoạn nói về chỗ nghỉ của kẻ chết nhất là những người được trở thành bạn hữu với
Thiên Chúa. Niềm tin vào sự sống lại bắt đầu được đề cập tới trong Sách tiên
tri Daniel và Sách Maccabees.
2.1/ Niềm tin căn bản là
niềm tin vào sự sống lại: Có nhiều lý do đưa
tới việc thánh Phaolô dạy dỗ về sự sống lại:
(1) Niềm tin của các
triết gia Hy-lạp: Họ tin vào sự bất tử của linh hồn, vì linh hồn không cấu
thành bởi vật chất, nên không bị tiêu tan. Họ cũng tin thân xác là ngục tù giam
hãm linh hồn, nên con người phải tìm mọi cách để giải thoát linh hồn khỏi thân
xác. Đó là một trong những lý do mà họ nhạo cười Phaolô tại Areopagus, Athens,
khi ông nói về sự sống lại của thân xác. Corintô cũng là một thành phố của Hy-lạp,
chắc chắn đã có người phản đối Phaolô về sự giáo huấn thân xác sẽ sống lại.
(2) Kinh nghiệm của
các chứng nhân: Thánh Phaolô có kinh nghiệm rõ rệt về sự phục sinh của Đức Kitô
trên đường đi Damascus. Ngài tưởng một người tên Giêsu đã bị Thượng Hội Đồng kết
tội và giết chết sẽ rơi vào quên lãng như bao người; nhưng không, Ngài vẫn sống
và tỏ uy quyền cho Phaolô: "Ta là Người mà ngươi đang truy tố. Khốn cho
ngươi nếu ngươi cứ giơ chân đạp mũi nhọn!" Chính cuộc gặp gỡ này đã thay đổi
hoàn toàn cuộc đời Phaolô: từ chỗ không tin có sự sống lại đến chỗ phải tin; từ
chỗ bắt bớ đạo Chúa đến chỗ nhiệt thành rao giảng... Nếu một Người đã chết mà vẫn
sống, mọi điều Người ấy nói đều có thực; nhất là những mặc khải về ý định của
Thiên Chúa cho con người và về sự sống đời sau.
(3) Niềm tin của đa số
con người: Rất nhiều người dù không tin nơi Thiên Chúa, nhưng vẫn tin: "ở
hiền gặp lành, gieo gió gặt bão;" nhưng có những người ăn ở thất nhân ác đức
mà vẫn sống phây phây ở đời này. Vì thế, nếu ông trời có mắt, phải thưởng công
cho những người ăn ở hiền lành và phải phạt kẻ ác ở đời sau.
(4) Mục đích của biến
cố Nhập Thể của Đức Kitô: là để tha tội lỗi cho con người và mang lại cho con
người cuộc sống đời đời với Thiên Chúa.
2.2/ Niềm tin vào sự sống
lại giúp chúng ta biết sống thế nào trong cuộc đời: Có hai niềm tin và hai cách sống tương xứng với hai niềm
tin này.
(1) Người không tin có
sự sống lại: Họ sẽ giản lược tất cả vào việc tìm cách hưởng thụ tối đa những gì
mà thế gian dâng tặng, cho dẫu phải đối xử bất công với anh chị em đồng loại. Họ
không lo bị ai phán xét, vì chết là hết. Họ sẽ không phí thời giờ học hỏi Lời
Chúa hay thực hành những gì Thiên Chúa dạy.
(2) Người tin vào sự sống
lại sẽ sống đời này với cặp mắt luôn hướng về đời sau. Họ sống đời này như cuộc
đời tạm thời để tiến về cuộc sống mai sau vĩnh cửu với Đức Kitô. Thánh Phaolô
không chấp nhận giải pháp tin vào Đức Kitô sẽ giúp ích cho người tín hữu chỉ ở
đời này: "Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi,
thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người." Nói cách khác, nếu
không tin vào sự sống lại, chúng ta hãy hưởng thụ tối đa cuộc sống đời này, như
những người vô thần. Lý do: nếu không, đời này chúng ta đã không được hưởng mà
đời sau cũng chẳng có để hưởng.
3/ Phúc Âm: Bài giảng về Nước Thiên Chúa nơi đồng bằng
3.1/ Những điều khác biệt
giữa Lucas và Matthew: Có ít nhất 3 điều
khác biệt giữa hai thánh ký:
(1) Khác với Matthew
trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5:1-12), trong đó Chúa Giêsu chỉ dạy dỗ các môn đệ;
trình thuật của Lucas xảy ra ở một chỗ đất bằng và mở rộng cho dân chúng:
"từ khắp miền Judah, Jerusalem cũng như từ miền duyên hải Tyre và
Sidon."
(2) Matthew tường thuật
rõ ràng Bát Phúc; trong khi Lucas phân chia thành bốn mối phúc và bốn sự khốn.
(3) Matthew xử dụng
ngôi thứ ba trong khi Lucas xử dụng ngôi thứ hai.
3.2/ Những mối phúc: Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của
anh em.'' Lucas dùng động từ ở thời hiện tại trong câu này, như có ý bảo khi
con người sống nghèo khó, họ bắt đầu sở hữu Nước Thiên Chúa. Trong thực tế, khi
con người sống trong hoàn cảnh nghèo nàn, họ dễ trông cậy vào Thiên Chúa hơn
khi họ trở nên giàu có. Người giàu thường cậy vào của cải của mình.
Trong câu kế tiếp,
Lucas dùng mệnh đề thứ nhất ở thời hiện tại và mệnh đề thư hai ở thời tương
lai: "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên
Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ
bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.''
Lucas có ý muốn nói những
gì xảy ra trong tương lai sẽ đảo ngược hoàn toàn những gì đang xảy ra trong hiện
tại.
Câu kế tiếp Lucas dùng
các động từ của mệnh đề thứ nhất ở thời điều kiện, và các động từ của mệnh đề
thứ hai ở thời hiện tại: "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta
oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui
mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.'' Lucas có ý muốn
nói nếu những điều đó xảy ra, các tín hữu hãy vui mừng, vì Thiên Chúa sẽ đền bù
xứng đáng những gì họ phải chịu thiệt hại ở đời này.
3.3/ Những sự khốn: Có lẽ câu truyện giúp chung ta dễ hiểu Bài Giảng của Chúa
Giêsu trong Lucas là câu truyện của Lazarus và người giàu có (Lk 16:20-31).
Trong mối khốn thứ nhất, Lucas cũng dùng động từ của mệnh đề thứ nhất ở thời hiện
tại và của mệnh đề thứ hai ở thời hoàn hảo: "Nhưng khốn cho các ngươi là
những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi." Khi con
người sống trong hoàn cảnh giàu có ở đời này, họ đã được hưởng phần an ủi rồi.
Trong câu kế tiếp, cấu trúc động từ cũng tương xứng với cấu trúc bên trên:
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các
ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ
đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc
than." Tổ phụ Abraham cũng nói lời tương tự với người nhà giàu: "Con
ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarô
suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarô được an ủi nơi đây, còn
con thì phải chịu khốn khổ."
ÁP DỤNG TRONG
CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng đặt trọn
vẹn niềm tin tưởng vào mình hay bất cứ ai ngoại trừ vào Thiên Chúa, chỉ có Ngài
là người yêu thương và có uy quyền mang lại hạnh phúc đời đời cho chúng ta.
- Niềm tin vào sự sống
lại là sự khác biệt căn bản giữa những người tin tưởng vào Thiên Chúa và những
người không tin tưởng nơi Ngài.
- Đức tin của chúng ta
cần phải được tôi luyện và thử thách trong đau khổ; nhưng những thử thách này
chỉ tạm thời. Nếu không có thử thách, chúng ta sẽ không có cơ hội chứng minh niềm
tin của chúng ta nơi Thiên Chúa.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
17/02/2019
CHÚA NHẬT TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN – C
Lc 6,17.20-26
Lc 6,17.20-26
NGHÈO LÀ MỐI PHÚC
Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là
của anh em.” (Lc 6,20)
Suy niệm: Con người trần thế tìm mọi cách để dành cho bằng được giàu sang, quyền
thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tương
tàn khốc hại... Đang khi đó, Chúa Giê-su lại coi nghèo là một mối phúc. Chắc chắn,
Ngài chống lại thứ nghèo làm tổn thương nhân phẩm. Ngài muốn con người được sự
giàu có vĩnh cửu: được cả Nước Trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu có
chỉ đem lại niềm hạnh phúc chóng vánh, tạm thời ở đời này. Để đạt được thứ giàu
sang bền vững ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả
trá. Nghèo có phúc là: - nắm giữ chức quyền nhưng không tham
quyền cố vị trái lại phục vụ trong khiêm tốn; - làm ra của cải vật chất nhưng
không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông
chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến
mất, và thế giới này chỉ còn có tình mến chan hoà. Nghèo như thế mới là mối
phúc.
Mời Bạn: “Trong thế giới chúng ta, tiền, lợi nhuận, sự khao khát của cải vật chất
phá hỏng mọi tương quan, đức nghèo chọn lựa cách tự nguyện trong đoàn kết và
chia sẻ dạy ta lòng biết ơn và biết sống cách vô vị lợi, cậy trông và phó thác”
(Sr Christianne, fmm). Lời chia sẻ đó có làm cho chúng ta suy nghĩ để sống
nghèo như mối phúc của Chúa Giê-su không? Bạn hãy chia sẻ mục
đích sống nghèo mà bạn sẽ chọn lựa.
Sống Lời Chúa: Trong tương quan với người khác, ta nghĩ đến tình nghĩa hơn là tư lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin ký thác đường đời con cho Chúa. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Phúc cho anh em
(17.2.2019 – Chúa nhật 6 Thường niên năm C)
Suy Niệm
Cái chết của công
nương Diana làm hàng triệu người xúc động.
Người ta thương bà không chỉ vì bà xinh đẹp, nhân từ,
mà còn vì bà chưa được hưởng chút hạnh phúc mới hé nụ.
Hạnh phúc là niềm khao khát của mọi người.
Con người sinh ra là để được sống hạnh phúc.
Cả đời người là cuộc hành trình kiếm tìm hạnh phúc.
Thiên Chúa cũng bận tâm đến hạnh phúc con người.
Những gì Ngài làm: sáng tạo, nhập thể, cứu chuộc, thánh hóa…
đều nhằm đem lại hạnh phúc đời này và đời sau.
Hạnh phúc của Thiên Chúa như gắn liền với hạnh phúc con người.
Thiên Chúa vui khi thấy con người hạnh phúc.
Người ta thương bà không chỉ vì bà xinh đẹp, nhân từ,
mà còn vì bà chưa được hưởng chút hạnh phúc mới hé nụ.
Hạnh phúc là niềm khao khát của mọi người.
Con người sinh ra là để được sống hạnh phúc.
Cả đời người là cuộc hành trình kiếm tìm hạnh phúc.
Thiên Chúa cũng bận tâm đến hạnh phúc con người.
Những gì Ngài làm: sáng tạo, nhập thể, cứu chuộc, thánh hóa…
đều nhằm đem lại hạnh phúc đời này và đời sau.
Hạnh phúc của Thiên Chúa như gắn liền với hạnh phúc con người.
Thiên Chúa vui khi thấy con người hạnh phúc.
Chẳng có gì dễ hiểu
như hai từ hạnh phúc.
Nhưng định nghĩa hạnh phúc lại là điều không dễ.
Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc,
và nơi mỗi người, quan niệm này cũng biến đổi theo thời gian.
Thường ta hay chạy theo những cái bóng của hạnh phúc,
để rồi vỡ mộng, nhưng nhờ đó ta dần dần hiểu hơn
thế nào là hạnh phúc đích thật.
Hạnh phúc không nằm nơi của cải, kiến thức, quyền uy.
Hạnh phúc không do chiếm được những gì mình muốn,
nhưng do trao hiến điều quý nhất của mình.
Hạnh phúc là mãn nguyện với những gì mình được ban.
Hạnh phúc là niềm vui nhẹ nhàng, là bình an sâu lắng.
Hạnh phúc là sự ổn thỏa giữa tôi với Chúa,
giữa tôi với anh em, giữa tôi với chính tôi…
Sống ở đời, con người thấy mình không hạnh phúc trọn vẹn.
Hạnh phúc bao giờ cũng được trộn với mồ hôi, nước mắt.
Nhưng có hạnh phúc thật nào lại không mua bằng khổ đau?
Chỉ ai biết yêu thực sự, mới cảm thấy hạnh phúc.
Nhưng định nghĩa hạnh phúc lại là điều không dễ.
Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc,
và nơi mỗi người, quan niệm này cũng biến đổi theo thời gian.
Thường ta hay chạy theo những cái bóng của hạnh phúc,
để rồi vỡ mộng, nhưng nhờ đó ta dần dần hiểu hơn
thế nào là hạnh phúc đích thật.
Hạnh phúc không nằm nơi của cải, kiến thức, quyền uy.
Hạnh phúc không do chiếm được những gì mình muốn,
nhưng do trao hiến điều quý nhất của mình.
Hạnh phúc là mãn nguyện với những gì mình được ban.
Hạnh phúc là niềm vui nhẹ nhàng, là bình an sâu lắng.
Hạnh phúc là sự ổn thỏa giữa tôi với Chúa,
giữa tôi với anh em, giữa tôi với chính tôi…
Sống ở đời, con người thấy mình không hạnh phúc trọn vẹn.
Hạnh phúc bao giờ cũng được trộn với mồ hôi, nước mắt.
Nhưng có hạnh phúc thật nào lại không mua bằng khổ đau?
Chỉ ai biết yêu thực sự, mới cảm thấy hạnh phúc.
Chúng ta cần nhiều thời
gian mới hiểu được các mối phúc.
Những điều ta coi là bất hạnh, Ðức Giêsu bảo là hạnh phúc.
Nghèo, đói, khóc than, bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả:
những điều đó tự chúng chẳng có giá trị gì.
Nhưng nếu ta nghèo vì thanh liêm, đói vì ngay thẳng,
khóc vì đại nghĩa, bị ghét vì nói thật, bị sỉ vả vì Chúa,
thì ta thật là người có phúc.
Hạnh phúc ngay trong hiện tại, nơi một lương tâm thanh thản.
Ta thấy mình giàu lên khi chịu nghèo, no thỏa khi đói khát,
vui tươi khi rơi lệ, và nhảy mừng khi bị bách hại.
Có bao Kitô hữu đã sống các mối phúc thật trong đời mình.
Họ cảm nghiệm được cái nghịch lý dễ thương của Lời Chúa.
Những điều ta coi là bất hạnh, Ðức Giêsu bảo là hạnh phúc.
Nghèo, đói, khóc than, bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả:
những điều đó tự chúng chẳng có giá trị gì.
Nhưng nếu ta nghèo vì thanh liêm, đói vì ngay thẳng,
khóc vì đại nghĩa, bị ghét vì nói thật, bị sỉ vả vì Chúa,
thì ta thật là người có phúc.
Hạnh phúc ngay trong hiện tại, nơi một lương tâm thanh thản.
Ta thấy mình giàu lên khi chịu nghèo, no thỏa khi đói khát,
vui tươi khi rơi lệ, và nhảy mừng khi bị bách hại.
Có bao Kitô hữu đã sống các mối phúc thật trong đời mình.
Họ cảm nghiệm được cái nghịch lý dễ thương của Lời Chúa.
Không phải chỉ có bốn
hay tám mối phúc trong Tin Mừng.
Phúc cho ai nghe và giữ Lời Chúa, phúc cho ai không thấy mà tin…
Ðức Giêsu có thể kéo dài các mối phúc đến vô tận,
để các mối phúc đi vào mọi ngõ ngách của đời thường.
Chính chúng ta cũng có thể viết những mối phúc mới,
nhờ dựa vào những niềm vui Chúa ban cho ta mỗi ngày.
Chính chúng ta phải cộng tác với Chúa
để các mối phúc được thành tựu ngay ở đời này,
nhờ biết chia sẻ cho người đói, đem niềm vui cho kẻ khổ đau.
Phúc cho ai nghe và giữ Lời Chúa, phúc cho ai không thấy mà tin…
Ðức Giêsu có thể kéo dài các mối phúc đến vô tận,
để các mối phúc đi vào mọi ngõ ngách của đời thường.
Chính chúng ta cũng có thể viết những mối phúc mới,
nhờ dựa vào những niềm vui Chúa ban cho ta mỗi ngày.
Chính chúng ta phải cộng tác với Chúa
để các mối phúc được thành tựu ngay ở đời này,
nhờ biết chia sẻ cho người đói, đem niềm vui cho kẻ khổ đau.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui của người được lành bệnh.
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui của người được lành bệnh.
Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều là màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chản nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều là màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chản nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN
THÁNG HAI
17 THÁNG HAI
Mùa Chay:
Tiếng Gọi Ăn Chay
Và Cầu Nguyện
“Hãy xé lòng, chứ đừng
xé áo” (Ge 2, 13). Giáo Hội công bố mùa Chay bằng những lời kêu gọi ấy của ngôn
sứ Giô-en. Vào thời ngôn sứ Giô-en, tiếng gọi ăn chay đã phải được kết hợp với
lời cảnh giác: “Hãy xé lòng, chứ đừng xé áo!”
Cũng thế, Đức Giêsu đã
phải cảnh giác vào thời của Người: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi
chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Khi bố thí, đừng có khua chiêng
đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố
xá, cốt để người ta khen… Khi anh em cầu nguyện, đừng làm như bọn đạo đức giả:
chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư,
cho người ta thấy… Khi anh em ăn chay, chớ làm ra bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả:
chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 1. 2.
5. 16).
Trong quá khứ, khi
Giáo Hội công bố mùa Chay, Giáo Hội đã phải cảnh giác mọi người nên tránh thói
‘biểu diễn’ thuần túy, tránh giả hình trong việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
Còn hiện nay, điều
đáng báo động hàng đầu không hẳn là thói ‘biểu diễn’ ấy. Mối nguy thực sự hiện
nay là ở chỗ tiếng gọi mùa Chay bị người ta bỏ hẳn ngoài tai. Đối với rất nhiều
người hôm nay, tiếng gọi mùa Chay chỉ là “một tiếng kêu trong sa mạc” (Mc 1,
3). Họ không hưởng ứng tiếng gọi ấy.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Hạnh Các Thánh
17 Tháng Hai
Bảy Vị Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ
(thế kỷ 13)
Bảy Vị Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ
(thế kỷ 13)
Có
thể nào bạn tưởng tượng được có bảy người nổi tiếng của thành phố Saigon hoặc
Hoa Thịnh Ðốn cùng tụ nhau lại, từ giã gia đình sự nghiệp và sống cô độc trong
một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa không? Ðiều đó đã xảy ra trong thế kỷ
XIII, ở thành phố Florence phồn thịnh và văn vật. Lúc ấy, thành phố này tan nát
vì tranh chấp chính trị cũng như vì lạc giáo Cathari (trong những điều lầm lạc,
họ cho rằng ma quỷ là chúa đối nghịch và Ðức Giêsu chỉ là một thiên thần). Ðời
sống luân lý thời ấy thật thấp và tôn giáo dường như không có ý nghĩa gì.
Năm
1240, bảy người quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến một
nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. Sự khó khăn đầu tiên của họ
là việc cấp dưỡng cho thân nhân, vì hai người vẫn còn lập gia đình và hai người
nữa goá vợ.
Mục
đích của họ là sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị quấy
rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence. Sau đó họ di chuyển đến một nơi vắng
vẻ khác là sườn núi Senario.
Năm
1244, dưới sự linh hướng của Cha Phêrô ở Verona, O.P. (sau này được phong
thánh), nhóm này theo thói quen đạo đức tương tự như của các cha Ða Minh, sống
dưới quy luật của Thánh Augustine và lấy tên là Tôi Tớ Ðức Maria. Tu hội này có
hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan viện thời xưa.
Năm
1852, các thành viên của tu hội từ Áo đến Hoa Kỳ và định cư ở Nữu Ước, sau đó ở
Philadelphia. Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của
Cha Austin Morini được thành lập ở Wisconsin năm 1870.
Các
thành viên của tu hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích cực.
Trong đan viện, họ sống đời cầu nguyện, làm việc và giữ thinh lặng nhưng trong
công tác tông đồ họ tham dự các công việc của giáo xứ, dạy học, rao giảng và
các sứ vụ khác.
Lời Bàn
Thời
gian mà bảy vị sáng lập dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ sinh sống cũng rất giống như hoàn cảnh
mà chúng ta đang sống hiện nay. Ðó là "thời gian tốt nhất và xấu nhất."
Có lẽ nhiều người cảm thấy như bị lôi cuốn đến một cuộc sống phi văn hóa, ngay
cả phi tôn giáo. Trong một phương cách mới hơn và khẩn thiết hơn, tất cả chúng
ta đều phải đối diện với những thử thách của một cuộc đời mà tâm điểm là Ðức
Kitô.
Lời Trích
"Mọi tu hội hãy loan truyền tin mừng của Ðức Kitô trên toàn thế giới bằng
đức tin chính trực, bằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bằng sự thành tâm với
Thánh Giá và qua niềm hy vọng vào sự vinh hiển tương lai... Do đó, với lời cầu
bầu mạnh mẽ của Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, mà 'cuộc đời ngài là quy luật
cho mọi đời sống,' các cộng đồng tôn giáo sẽ cảm nghiệm sự gia tăng về số lượng,
và sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp mà từ đó dẫn đến sự cứu độ" (Sắc Lệnh
về Ðời Sống Tu Trì, 25).
Trích từ NguoiTinHuu.com
17 Tháng Hai
Người Buồn Cảnh Có Vui Ðâu Bao Giờ
Bỏ
xứ mình để đến phục vụ tại nơi đất khách quê người quả là một lý tưởng đáng ca
ngợi. Hiện nay, người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán
cuộc sống trống rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nguyện sang
các nước thuộc thế giới thứ ba để phục vụ.
Một
thanh niên nọ đã xin đến Ấn Ðộ để phục vụ người nghèo. Ra đi hồ hởi bấy nhiêu,
giờ này chạm với thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Tất cả đều xa lạ và
tất cả đều làm anh chán nản: từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất
là những khuôn mặt xem ra rất bí hiểm đối với anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết
kiên nhẫn lại là một điều không đáng bận tâm mấy...
Người
ta dành cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiều tiện
nghi lắm. Anh dọn dẹp và sắp xếp căn phòng lại cho tươm tất. Duy có một chướng
ngại mà anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản: đó là sự hiện diện của
một chú thằn lằn. Anh tìm đủ mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng
vô ích: đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật
chui được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm
cách nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với
nó.
Dần
dần, con thú đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu
tiên của anh là tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết
với anh, anh đặt cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn
xấu xa, giờ này anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn
cả đó là tài săn muỗi của nó.
Sự
hiện diện của chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc
sống: những khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính từ bản thân
anh.
Chúng ta vẫn thường lặp lại câu thơ của Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui
đâu bao giờ", như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm
trạng của chúng ta. Khi chúng ta vui, chúng ta như thấy cảnh vật xung quanh
chúng ta cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy
u ám. Lắm khi những vấn đề khó khăn không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những
người khác, mà chính từ chúng ta. Gương mặt cau có của chúng ta thường được
chúng ta nhìn thấy nơi tất cả mọi người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta vui,
chúng ta như cảm thấy mọi người đều vui vẻ với chúng ta. Quả thật, chúng ta
đong đấu nào, thì người sẽ đong lại đấu ấy cho chúng ta.
Câu
chúc đầu tiên của Ðức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra cho các môn đệ của Ngài
là: :bình an cho các con". Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta
mới thắng được sợ hãi, mới vượt qua được những khó khăn trong tâm hồn. Có sự
bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới dễ dàng tha thứ và chấp nhận
chính bản thân để rồi từ đó mới có thể tha thứ và chấp nhận tha nhân cũng như mọi
nghịch cảnh. Mang lấy màu xanh của hy vọng, đôi mắt chúng ta mới dễ dàng nhìn đời,
nhìn người một cách lạc quan. Trái lại, mang lấy bộ mặt cau có và buồn chán, đi
đâu, ở đâu, chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, thất vọng và khó chịu.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét