Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

19-01-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN năm A


19/01/2020
Chúa Nhật 2 Thường Niên năm A.
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Thường Niên A
(Is 49,3.5-6; 1 Cr 1,1-3; Ga 1,29-34)
Chủ đề: ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29)

Đức Giêsu là Đấng mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Ngài. Người đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi và giải chiếu trên họ ánh sáng vĩnh cửu của ơn cứu độ. Gioan Tẩy Giả đã nhận ra căn tính đích thực của Đức Giêsu. Ông tin và giới thiệu Đức Giêsu cho những người khác.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Is 49,3.5-6)
Dân Do Thái đang sống lưu đày tại Babylon vào khoảng thế kỷ thứ VI trước CN. Giữa hoàn cảnh u buồn và thất vọng đó, Thiên Chúa đã cho xuất hiện vị ngôn sứ để loan báo những lời đầy hy vọng. Người tôi trung trong đoạn sách Isaia hôm nay là một hình ảnh bí nhiệm, có thể là biểu tượng của một số người Do Thái trung thành với Lề Luật hay một nhân vật nào đó. Truyền thống Kitô giáo nhìn thấy người tôi trung này là chính Đức Kitô. Qua người tôi trung này, Thiên Chúa sẽ biểu lộ vinh quang của mình: “Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang”. Vinh quang của Thiên Chúa không chỉ chiếu tỏa trên dân Israel, mà còn trên mọi dân tộc. Quả thật, ơn cứu độ của Thiên Chúa được dành cho hết thảy mọi dân tộc, chứ không dành riêng cho Israel: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”. Để thực hiện sứ mệnh cao cả này, chính Thiên Chúa trở nên nguồn nâng đỡ và sức mạnh của người tôi trung: “Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi”. Tất cả những lời tiên báo này đã được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đến đem ơn cứu độ cho mọi người.
2. Bài đọc II (1 Cr 1,1-3)
Trong lá thư thứ nhất gởi cho các tín hữu ở Côrintô, Phaolô xác định về ơn gọi Tông đồ của mình. Ơn gọi làm Tông đồ của Đức Giêsu Kitô là do ý định của Thiên Chúa, chứ không do ý muốn của con người. Phaolô được kêu gọi để loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho mọi dân để họ trở nên “những người được thánh hiến trong Đức Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh” cùng với tất cả mọi người khắp nơi kêu cầu danh Đức Giêsu. Các tín hữu là những người tin vào Đức Giêsu Kitô. Họ được kêu gọi hiệp nhất trong Hội Thánh của Thiên Chúa cùng với những người tin vào Đức Giêsu và trở nên thánh thiện. Người Kitô hữu là người thuộc về Thiên Chúa và là chứng nhân của Thiên Chúa giữa thế gian như “muối cho đời, ánh sáng cho thế gian, men trong bột”. Họ có trách nhiệm làm cho người khác nhận biết Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người bằng chính đời sống của mình.
3. Tin Mừng (Ga 1,29-34)
Gioan Tẩy Giả rao giảng và kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn để dọn đường cho Thiên Chúa ngự đến. Trong khi Gioan đang ở sông Giođan để làm phép rửa thống hối cho dân chúng, Đức Giêsu tiến về phía của Gioan. Vừa thấy Đức Giêsu, Gioan liền nói về Đức Giêsu với những lời thật ý nghĩa: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. Đức Giêsu là Đấng đến để xóa bỏ tội lỗi của con người qua hiến tế trên thập giá. Trong Cựu Ước, con chiên là vật dùng để dâng tiến lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi của con người. Nhưng máu của các con vật không thể nào tẩy xóa hết tội lỗi con người được, như thư gởi tín hữu Do Thái đã khẳng định: “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi” (Hr 10,4). Vâng, chỉ có hiến tế của Đức Giêsu, là Chiên Thiên Chúa, mới tẩy sạch tội lỗi của con người mà thôi. Gioan đã nhận ra căn tính đích thực của Đức Giêsu là nhờ quyền năng của Thiên Chúa mặc khải cho ông: “Tôi không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Gioan đã nhận ra dấu chỉ mà Thiên Chúa đã nói về Đức Giêsu trong biến cố Đức Giêsu đến lãnh nhận phép rửa tại sông Giođan: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. Thánh Thần Chúa, tựa hình chim bồ câu, ngự xuống trên Đức Giêsu ngay lúc Người lên khỏi nước (x. Mt 3,16; Mc 1,10; Lc 3,22).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”. Thiên Chúa đã chọn, đặt người tôi trung làm ánh sáng và trở nên dụng cụ truyền ban ơn cứu độ cho muôn dân. Tôi cũng được Thiên Chúa mời gọi trở nên những chứng nhân của tình yêu và ơn cứu độ cho người khác. Tôi có ý thức và sống trọn bổn phận này trong đời sống ? Cuộc sống tôi có trở nên ánh sáng và dụng cụ truyền giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa ?
2. “Những người được thánh hiến trong Đức Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh”. Tôi được mời gọi trở nên thánh khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy để trở nên những thụ tạo mới trong Đức Giêsu Kitô. Mỗi ngày sống tôi có nỗ lực để sống lời mời gọi này ? Tôi có sống thuộc về Thiên Chúa và bước theo lời chỉ dạy của Ngài ?
3. “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Đức Giêsu đã đổ máu mình ra như của lễ đền thay tội lỗi của con người khỏi sự chết đời đời do tội lỗi gây nên. Tôi có sống và ý thức được tình yêu thương cao cả này của Đức Giêsu trong cuộc sống của mình ? Tôi có can đảm chia sẻ cảm nghiệm của ơn tha thứ của Đức Giêsu và giới thiệu Người cho những ai mà tôi gặp gỡ ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để cứu độ nhân loại. Chính Thánh Gioan Tiền hô đã làm chứng và chỉ cho mọi người nhận biết khi Chúa đến. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa và tha thiết cầu xin:
1. Thánh Gioan nói: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá bỏ tội trần gian”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn nỗ lực trong sứ mạng truyền giáo, biết dùng mọi khả năng và phương tiện để giới thiệu Chúa Cứu Thế cho mọi người.
2. Công cuộc loan báo Tin Mừng còn gặp khó khăn cấm cách tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo ở những nơi đó biết mở lòng trước tình thương cứu độ của Thiên Chúa, cho người dân có cơ hội được nghe và đón nhận Tin Mừng.
4. Thánh Phaolô nói: “Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người dân Việt Nam được đón nhận thật nhiều phúc lành và bình an của Thiên Chúa qua những ngày vui Tết dân tộc sắp tới.
3. “Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình và mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết dùng lời nói, việc làm và cách sống của mình để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, là hiện thân của lòng thương xót.
Chủ tếLạy Chúa là Cha và là Đấng cứu độ chúng con. Xin nhận lời chúng con thành tâm cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con hăng say loan báo tình thương cứu độ của Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 2 TN Năm A
CHỦ ĐỀ :
CHÚA GIÊSU LÀ AI ?

“Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : Đấng Messia là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa.
– Đáp ca : Đấng Messia đến để thực thi ý Thiên Chúa.
– Tin Mừng : Bắt đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả giới thiệu : “Chính Ngài là Con Thiên Chúa.”

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Từ hôm nay bắt đầu mùa thường niên : Phụng vụ muốn dẫn chúng ta từng bước đồng hành với Chúa Giêsu. Việc đầu tiên là phải biết Đấng mà mình đồng hành là ai.
Xin Chúa cho chúng ta biết Ngài, yêu mến Ngài và gắn bó đi theo Ngài trọn cuộc hành trình dương thế của chúng ta.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Tuy là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta chưa cố gắng tìm hiểu để biết rõ Ngài.
– Chúng ta chưa “yêu mến Chúa trên hết mọi sự.”
– Chúng ta thường đi theo đường lối của riêng mình chứ không đồng hành với Chúa trên con đường của Chúa.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc 1 : Is 49,3.5-6
Ngôn sứ Isaia hình dung Đấng Messia là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Đoạn trích này thuộc bài thứ hai trong 4 bài ca về Người Tôi Tớ :
– Người Tôi Tớ của Thiên Chúa được giao sứ mạng “quy tụ dân Israel trước mắt Thiên Chúa”.
– Người Tôi Tớ của Thiên Chúa còn là “ánh sáng của các dân tộc”, làm cho “ơn cứu độ của Thiên Chúa tràn lan khắp địa cầu”.
Tất cả những nét Isaia mô tả Người Tôi Tớ đều được thực hiện nơi Chúa Giêsu.
2. Đáp ca : Tv 39
Tv này bày tỏ tâm tình của người tín hữu đối với Thiên Chúa : cậy trông nơi Thiên Chúa, hân hoan hát mừng ca tụng Ngài, và nhất là luôn thực thi thánh ý của Ngài.
Không ai ngoài Chúa Giêsu có những tâm tình hoàn hảo ấy.
3. Tin Mừng : Ga 1,29-34
Theo bố cục của Tin Mừng thứ tư, đây là lần đầu tiên Đức Giêsu xuất hiện trước dân chúng. Vì dân chúng chưa biết Đức Giêsu, nên Gioan Tẩy giả giới thiệu Ngài, bằng hai kiểu nói :
– Đức Giêsu là “Con Chiên Thiên Chúa” : Trong lễ nghi Đền tội của Do thái giáo, tội nhân đem một con chiên lên Đền thờ, úp tay mình xuống con chiên tỏ ý trút hết tội mình lên nó ; tiếp theo, tư tế sẽ giết con chiên. Nó chịu chết để đền tội thay cho tội nhân. Bao nhiêu tội lỗi của tội nhân đều được tẩy xóa. Ngay từ buổi đầu gặp Chúa Giêsu, Gioan Tẩy giả đã biết Ngài sẽ chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, nên ông giới thiệu “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
– Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” : Nhờ ơn soi sáng đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong biến cố làm phép rửa cho Đức Giêsu, Gioan Tẩy giả còn được biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Thực ra, trong lịch sử, các vua Israel cũng xưng mình là con của Thiên Chúa. Nhưng đó chỉ là một cách nói, ngụ ý họ được Thiên Chúa nhận làm con nuôi, nghĩa tử. Riêng đối với Đức Giêsu, Gioan Tẩy giả giới thiệu Ngài là con ruột của Thiên Chúa và cũng chính vì thế cho nên Đức Giêsu sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.
4. Bài đọc 2 (chủ đề phụ) : 1 Cr 1,1-3
* Từ Chúa nhựt II đến Chúa nhựt VIII, bài đọc II đều trích từ thư 1 Côrintô. (Xin hãy đọc bài giới thiệu tổng quát về Thư 1 Côrintô ngay sau bài này)
Côrintô là một thành phố cảng với những nét đặc trưng là : dân cư hỗn tạp (nhiều sắc dân khắp nơi đến làm ăn), đời sống kinh tế và trí thức tương đối khá, nhưng không đoàn kết, xã hội có nhiều tệ đoan. Chính dân Côrintô đã đuổi Phaolô ra khỏi thành phố này.
Khi ở Êphêxô, Phaolô nghe nhiều tin tức không tốt về giáo đoàn này, nên ông viết bức thư này cho họ nhằm củng cố một số điểm giáo lý và sửa sai một số tệ nạn.
Đoạn này chỉ là những lời chào đầu thư Thánh Phaolô gởi đến các tín hữu Côrintô. Tuy vậy nó cũng xác định rõ tư cách của người viết thư và những người nhận thư :
– Người viết thư (Phaolô) là kẻ được Thiên Chúa kêu gọi làm tông đồ của Đức Giêsu Kitô.
– Những người nhận thư (tín hữu Côrintô) là những kẻ được kêu gọi nên thánh và được thánh hóa trong Chúa Giêsu Kitô.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Độc hành hay đồng hành
Khi phải làm một chuyến hành trình dài, người ta cần có bạn đồng hành, để có bạn đường mà chia vui xẻ buồn, nói chuyện với nhau, và giúp đỡ nhau. Hai môn đệ hành trình Emmau nhờ đi chung với nhau nên đã san sẻ cho nhau nỗi buồn nặng trĩu sau những biến cố đau thương xảy ra tại Giêrusalem. Họ lại có được một bạn đồng hành nữa là Đức Giêsu phục sinh. Chính Người Bạn đồng hành này đã xóa tan mọi sầu lo của họ và làm cho niềm tin của họ sống lại.
Đời người trên dương thế là một cuộc hành trình dài thăm thẳm, không biết bao giờ mới xong, cũng không chắc sẽ đi đến đích hay không. Vậy mà có nhiều người cứ mãi độc hành : một mình tìm đường, một mình đi, một mình xoay trở trước những khó khăn… Thật là phiêu lưu !
Mùa thường niên của năm Phụng vụ cũng là một cuộc hành trình, nhưng không phải độc hành, mà là đồng hành với Chúa Giêsu : chúng ta cùng với Ngài đi qua những chặng đường từ Nadarét đến Galilê để tới Giêrusalem ; từ gian khổ đến vinh quang ; từ chết đến sống lại. Có Ngài cùng đi với chúng ta, chúng ta không sợ lạc đường. Cùng đi với Ngài, cho dù nhiều lúc gặp khó khăn, chắc chắn chúng ta sẽ tới đích. Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta nghĩa là Ngài sẽ vui khi chúng ta vui, Ngài sẽ buồn khi chúng ta buồn ; chúng ta đồng hành với Chúa Giêsu cũng có nghĩa là ta sẽ được vui niềm vui của Ngài và buồn với nỗi buồn của Ngài. Đời ta không cô độc, buồn tẻ…
Tuy chỉ là “mùa thường niên” không có những lễ trọng, nhưng nếu chúng ta sống mùa này như một người đồng hành với Chúa, cuộc đời chúng ta chắc chắn sẽ rất có ý nghĩa.
2. Người Con và Người Tôi Tớ
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu với hai nét tương phản nhau : Ngài là Người Con yêu quý của Thiên Chúa cao sang, và Ngài là Người Tôi Tớ khiêm tốn thấp hèn.
Thực ra hai nét trên không đối chọi nhau mà làm nổi bật nhau và soi sáng cho nhau : Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa cao sang do cách Ngài sống như một Người Tôi Tớ ; và Ngài là Người Tôi Tớ tuyệt hảo bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa cao sang.
Nhìn Chúa Giêsu, chúng ta rút ra được một triết lý sống : sống cao thượng trong hoàn cảnh tầm thường ; và sống hoàn cảnh tầm thường với tâm hồn cao thượng.
Cùng sống với Chúa Giêsu qua những biến cố mỗi tuần trong Mùa thường niên này, chúng ta có thể thực hiện được triết lý sống tuyệt vời ấy.
3. Con Chiên gánh tội trần gian
Thời Cựu Ước, trong ngày lễ Đền tội, người do thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư Tế đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó Tư Tế đặt tay trên đầu con dê, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội.
Khi Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, phải chăng Thánh Gioan cũng có ý rằng Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi chúng ta nên từ nay loài người không còn tội gì nữa ? Đơn giản và dễ dàng thế sao ?
Quả thực Đức Giêsu đã gánh lấy tội trần gian. Việc này có nghĩa là nhờ Ngài mà tội lỗi chúng ta được tha thứ. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không phải làm gì cả.
Cần phân biệt rõ giữa tội lỗi và thân phận tội lỗi. Đức Giêsu gánh lấy và tha thứ tội lỗi chúng ta, như con chiên đã mang tội lỗi dân do thái vào sa mạc. Nhưng thân phận tội lỗi của chúng ta vẫn còn. Và Đức Giêsu muốn giúp chúng ta cải thiện thân phận ấy, dĩ nhiên là với sự hợp tác của chúng ta.
– Ngài giúp chúng ta thế nào ? Bằng cách đến với chúng ta, sống gần chúng ta, gieo vào mảnh đất tâm hồn chúng ta hạt giống sự tốt lành và thánh thiện của Ngài.
– Chúng ta hợp tác thế nào ? Bằng cách tiếp nhận Ngài, sống với Ngài và để cho những hạt giống ấy lớn lên trong lòng mình.
Sự tha thứ của Chúa và bí tích Giải tội không phải là một thứ phù phép, mà là một trợ lực, một hạt giống.
4. “Ngài cao trọng hơn tôi”
Ngày xưa một vì vua bảo một ông quan : “Khanh hãy đi khắp đất nước tìm về cho trẫm một người tốt”. Ông quan này tính tình hung dữ, gian dối và không có bạn. Sau một thời gian đi tìm, ông trở về triều, tâu : “Thần đã đi khắp nơi, gặp hết mọi người. Nhưng chẳng tìm được người nào tốt cả. Ai cũng hung dữ, gian dối và không có bạn”.
Nhà vua sai một quan khác : “Khanh hãy đi khắp đất nước tìm về cho trẫm một người xấu”. Ông này có lòng nhân từ, quảng đại và được mọi người thương mến. Sau một thời gian đi tìm, ông cũng trở về triều và tâu : “Hạ thần không thể chu toàn sứ mạng mà Bệ Hạ giao phó. Hạ thần đã gặp nhiều người gian lận, trộm cắp, tham lam… Nhưng chẳng có người nào thực sự xấu cả. Dù họ đã làm những điều ấy, nhưng trong thâm tâm ai cũng tốt”
Câu chuyện trên muốn nói rằng ta có khuynh hướng nhìn người khác không theo lòng họ mà theo lòng ta.
Thánh Gioan Tẩy giả thì không thế. Nếu như mọi người thì Gioan sẽ coi thường Đức Giêsu, bởi Ngài đến sau ông ; chẳng những thế ông còn coi Ngài là đối thủ của ông, bởi Ngài đang lấn dần ảnh hưởng của ông. Nhưng Gioan đã nghe theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần nên đã hiểu đúng về Đức Giêsu và đã nhiệt tình giới thiệu Ngài cho mọi người : “Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi vì Ngài cao trọng hơn tôi”.
5. Được kêu gọi nên thánh
Trong thư gởi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô định nghĩa tín hữu là “những người được kêu gọi nên thánh”.
Nhưng “thánh” là gì ? Theo thần học, chỉ có một mình Thiên Chúa là “thánh” (Kinh Sáng Danh : “Chỉ có Chúa là Đấng Thánh”). Theo Thánh Kinh, những ai và những gì thuộc về Thiên Chúa cũng được gọi là “thánh”, chẳng hạn Đền thánh, Luật thánh, thánh nhân… ; việc dâng hiến một người hoặc một vật cho Chúa được gọi là thánh hiến.
Vậy tín hữu là những người được kêu gọi nên thánh có nghĩa là tín hữu được mời gọi ngày càng thuộc về Chúa hơn, ngày càng giống Chúa hơn.
Nhưng làm thế nào để được như vậy ? Cách tốt nhất là thường xuyên ở bên Chúa, nhìn vào Chúa và noi gương Chúa. Đó là điều mà phụng vụ các ngày chúa nhựt quanh năm muốn giúp chúng ta.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người là Đức Giêsu Kitô nhập thế làm người, chịu chết trên Thập giá để xóa tội lỗi trần gian. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1- Chúa đã đặt Hội Thánh làm dấu chỉ ơn cứu độ cho muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh luôn trung thành với sứ mạng của mình.
2- Cánh đồng truyền giáo này nay thật bát ngát bao la / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phấn dân Chúa / ý thức được trách nhiệm rao giảng Tin Mừng của mình / và dùng chính đời sống theo Tám mối phúc thật / để giới thiệu Chúa cho những ai chưa nhận biết Người.
3- Sống an bình và hạnh phúc / là ước mơ tha thiết của mỗi người đang hiện diện trên trái đất này / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho thế giới hôm nay được hòa bình và thịnh vượng / để điều mà môi người chân thành ước mơ / có thể sớm trở thành hiện thực.
4- Như Thánh Gioan tẩy giả / mỗi kitô hữu đều có bổn phận phải giới thiệu Chúa cho người khác / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta hiểu rằng / giới thiệu Chúa bằng đời sống bác ái yêu thương và phục vụ hết lòng / là cách tốt nhất để giúp người khác nhận biết Chúa.
CT : Lạy Chúa là Cha nhân hậu, chúng con cảm tạ Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã thương ban cho chúng con trong cuộc sống. Xin cho chúng con chỉ tin tưởng cậy trông và phó thác cuộc đời chúng con trong bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa mà thôi. Chúng con cầu xin…
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Chúa Giêsu là Con duy nhất của Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã thương chia sẻ quyền làm con ấy cho chúng ta nữa. Giờ đây, chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa là Cha những tâm tình con thảo của chúng ta.
– Trước Rước lễ : Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Ngày xưa Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu thế nào, thì hôm nay Giáo Hội cũng giới thiệu Đức Giêsu cho chúng ta như thế : “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”
VII. GIẢI TÁN
Trong Thánh Lễ này, anh chị em đã biết Chúa Giêsu là ai, đã được cảm nghiệm tình yêu thương của Ngài. Lễ đã xong, giờ đây anh chị em hãy đồng hành với Ngài trên những bước đường của cuộc sống.
—————————————————
Bài đọc thêm 1
THƯ I CÔRINTÔ
 A. GIÁO ĐOÀN CÔRINTÔ
1.     Thành phố Côrintô đã bị một viên tướng Rôma tên là L. Mumium phá hủy vào năm 146 trước công nguyên. Một thế kỷ sau nó được xây dựng lại bởi lệnh hoàng đế Jules César và trở thành một thuộc địa của đế quốc Rôma. Chẳng bao lâu sau nó thành thủ phủ của tỉnh Achaie của đế quốc.
2.     Côrintô cũng là một hải cảng lớn với một nền thương mại phồn thịnh. Vì nằm trên tuyến đường nối hai miền Đông Tây, nên việc giao thông cũng tấp nập. Dân số thời ấy khoảng 600 ngàn, trong số đó 2/3 là nô lệ. Về tín ngưỡng, dân Côrintô thờ nhiều thần. Luân lý rất suy đồi, nạn dâm ô tràn lan (x. Rm 1,26-32).
3.     Phaolô đến Côrintô lần đầu tiên trong chuyến du hành truyền giáo thứ hai. Ông đã lưu lại đây 18 tháng từ mùa đông năm 50 đến mùa hè năm 52. Ban đầu ông cũng hành nghề dệt lều và rao giảng trong hội đường do thái vào những ngày hưu lễ. Khi có Sila và Timôtêô đến tiếp thì ông hoàn toàn lo rao giảng. Nhiều người đã tin theo và Phaolô lập được một giáo đoàn mà đa số là người lương trở lại, phần đông thuộc giới hạ lưu nghèo khổ. Những tín hữu này rất hăng say sống đạo nhưng đầu óc còn thấm nhiễm tâm thức lương dân. Sau đó dân Côrintô đã đuổi Phaolô đi. Sau khi ông ra đi ít lâu, có một nhà trí thức do thái ở Alexandria tên là Apollo đến nối tiếp sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân Côrintô và thu được rất nhiều kết quả (x 1Cr 1,26-28 11,21-22). Sau đó lại có thêm Thánh Phêrô đến nữa.
B. THƯ 1 CÔRINTÔ
1. Hoàn cảnh và mục đích
Năm 56, Phaolô đang ở Êphêxô thì được nhiều tin tức không tốt đẹp về giáo đoàn Côrintô : nạn bè phái, thói kiện cáo nhau trước tòa án lương dân, tội dâm ô v.v. Ngoài ra, nhiều tín hữu cũng có những thắc mắc về lương tâm và phụng vụ. Phaolô đã gởi Timôtêô đến đấy để dò la tình hình. Sau khi Timôtêô trở về báo cáo thì Phaolô viết bức thư này để sửa dạy những thói xấu và giải đáp những thắc mắc của tín hữu Côrintô.
2. Bố cục
   – Lời chào                                01,01-03
   – Lời tạ ơn                               01,04-09
   – Sửa dạy những thói xấu :
    . Nạn bè phái                          01,10–04,21
    . 1 trường hợp loạn luân        05,01-13
    . Kiện cáo nhau                      06,01-11
    . Tội dâm ô                             06,12-20
   – Giải đáp những thắc mắc :
    . Về hôn nhân và đồng trinh  07,01-40
    . Vấn đề ăn đồ cúng               08,01–11,01
   – Bàn về cộng đoàn phụng tự
    và các đoàn sủng                    11,02–14,40
   – Bàn về việc kẻ chết sống lại ch 15
   – Kết                                        16,01-18
   – Lời chào                                16,19-24
3. Nhận định chung về thư 1 Cr
– Thư này rất thực tế, cho ta thấy rõ bề mặt và bề trái của giáo đoàn : không phải cái gì cũng tốt đẹp êm xuôi, nhưng nhiều vấn đề nội bộ rất phức tạp, nhiều khi rất đau lòng. Nó cũng cho thấy những uẩn khúc trong tâm hồn của người chịu trách nhiệm về giáo đoàn : ưu tư, dằn vật, khổ đau nhưng trong hoàn cảnh nào cũng chan chứa tình thương.
– Nhờ thực tế như thế, thư này tương đối dễ hiểu. Mặc dù đề cập đến những vấn đề riêng tư của một giáo đoàn, nhưng qua đó chúng ta cũng rút ra được nhiều tư tưởng có giá trị chung cho mọi nơi và mọi thời.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật II Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 19 Tháng 1, 2020

Ông Gioan Tẩy Giả loan báo Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa
Ga 1:29-34


1.  Lời nguyện mở đầu

Trong bài đọc cầu nguyện này của Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta nhớ đến những lời của thánh John Henry Newman cùng đồng hành và tác động chúng ta, những lời mà ông muốn dùng trong lời cầu nguyện với Chúa:  Xin Chúa hãy ở lại với con, và con sẽ bắt đầu tỏa sáng như Chúa đã tỏa sáng; tỏa sáng để là ánh sáng cho những người khác.  Lạy Chúa Giêsu, tất cả ánh sáng sẽ đến từ Chúa:  con không có công trạng gì.  Chính Chúa sẽ tỏa sáng vào những người khác thông qua con.  Xin Chúa ban cho con có thể ngợi khen Chúa được như vậy, theo cách mà Chúa hài lòng nhất, tỏa sáng trên tất cả những người xung quanh con.  Xin hãy ban cho họ và cho con ánh sáng của Chúa; xin hãy sáng soi họ cùng chung với con, qua con.  Xin hãy dạy cho con biết trải rộng lời chúc tụng Chúa, chân lý của Chúa, thánh ý của Chúa.  Xin ban cho con có thể làm cho Chúa được biết đến không phải qua những lời nói suông mà bằng gương mẫu, có ảnh hưởng đến sự đoàn kết từ những việc con làm, hiển nhiên như các thánh của Chúa, và một cách rõ ràng đầy đủ của tình yêu Chúa triển nở trong trái tim con”  (trích Suy gẫm và Sùng Kính)
  
2.  Tin Mừng

29 Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói:  “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. 30 Này tôi đã nói về Ngài:  “Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi.”  31 Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước”.  32 Và Gioan làm chứng rằng:  “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài.  33 Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài.  Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi:  “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”. 34 Tôi đã thấy và tôi làm chứng:  chính Ngài là Con Thiên Chúa”.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện 

Lời Chúa đòi hỏi chúng ta phải ao ước và đón nhận lấy qua việc im lặng suy gẫm.  Các bạn hãy lắng đọng, hãy để cho chính mình chào đón sự hiện diện của Thiên Chúa trong Lời của Người, một sự im lặng dọn chỗ trong tâm hồn bạn để Thiên Chúa có thể đến và nói chuyện với bạn.

4.  Bài đọc tượng trưng

Đoạn Tin Mừng này nói về hai con vật có giá trị tinh thần tuyệt vời trong Kinh Thánh:  con chiên và chim bồ câu.  Con vật đầu tiên đề cập đến các văn bản quan trọng trong Kinh Thánh:  bữa ăn lễ vượt qua của thời gian lưu đày (các câu 12-13); sự vinh quang của Chúa Kitô – Con Chiên trong sách Khải Huyền.

a)  Biểu tượng con chiên:

Chúng ta hãy hướng sự chú ý của chúng ta đến sự tượng trưng của “Chiên Thiên Chúa” (amnos) và ý nghĩa của nó.

-  Ám chỉ Kinh Thánh đầu tiên cho việc hiểu biết ý nghĩa của những chữ này được xử dụng bởi ông Gioan Tẩy Giả để chỉ về con người của Chúa Giêsu, là nhân vật của Con Chiên chiến thắng trong sách Khải Huyền, trong chương 7:17 Con Chiên là mục tử của các quốc gia; trong chương 17:14 Con Chiên chiến thắng quyền lực sự dữ trên trái đất.  Trong thời Chúa Giêsu, người ta đã tưởng tượng rằng vào lúc tận thế một con chiên chiến thắng hay một con nào đó sẽ xuất hiện để phá hủy các quyền lực tội lỗi, bất công và sự dữ.  Ý tưởng này phù hợp với lời rao giảng về ngày cánh chung của Gioan Tẩy Giả, người đã cảnh báo rằng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đã sắp xảy ra (Lc 3:7), rằng cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây, và Thiên Chúa đã sẵn sàng để chặt đi và bỏ vào lửa tất cả những cây nào không sinh trái tốt (Lc 3:9, Mt 3:12 và Lc 3:17).

Một câu nói mạnh mẽ khác mà Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu chương 3:12:  “Ngài cầm nia trong tay mà sẩy sân lúa của Ngài; rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.  Không có gì sai lầm khi nghĩ rằng Gioan Tẩy Giả có thể mô tả Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa là Đấng phá bỏ tội lỗi của thế gian.  Thực thế, trong thư thứ nhất của thánh Gioan, chương 3:5 đã viết:  “Bây giờ anh em biết Đức Giêsu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi”; và trong chương 3:8:  “Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ đã làm”.  Có thể là Gioan Tẩy Giả đã chào đón Chúa Giêsu như Con Chiên chiến thắng, Đấng do lệnh của Thiên Chúa, đến để phá bỏ sự dữ trên thế gian.
-  Ám chỉ Kinh Thánh thứ hai là Con Chiên như là người tôi trung.  Hình ảnh của người tôi trung này hay của Đấng Giavê là chủ đề của bốn bài thánh ca trong sách của tiên tri Isaia: 42:1-4, 7, 9; 49:1-6, 9, 13; 50:4-9, 11; 52:13; 53:12.  Chúng ta cần tự hỏi có phải là việc dùng chữ “Chiên Thiên Chúa” trong Tin Mừng Gioan 1:29 không được tô đậm bằng chữ “con chiên” để ám chỉ người Tôi Trung của Thiên Chúa trong sách Isaia chương 53.  Thánh sử Gioan có đã thực sự xem Con Chiên Giêsu như là Người Tôi Trung không?

Không có bằng chứng rõ ràng rằng ông Gioan Tẩy Giả đã thực hiện một sự nối kết như thế, cũng không có bằng chứng nào loại trừ khả năng như thế.  Thật vậy, trong sách Isaia chương 53:7 viết là Người Tôi Trung “chẳng bao giờ mở miệng kêu ca; như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng”.  Lời mô tả này được áp dụng cho Chúa Giêsu như trong sách Tông Đồ Công Vụ chương 8:32, và vì thế sự tương tự giữa người Tôi Trung và Đức Giêsu đã được thực hiện bởi các Kitô hữu tiên khởi (xem Mt 8:17 và Is 53:4; Dt 9:28 và Is 53:12).

Ngoài ra, trong lời mô tả của ông Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan chương 1:32-34, có hai khía cạnh gợi nhớ lại hình ảnh của người Tôi Trung:  trong câu 32, Gioan Tẩy Giả nói rằng ông đã thấy Chúa Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài; trong câu 34 ông xác định chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.  Cũng như thế, trong sách Isaia 42:1 (một đoạn tóm tắt cũng liên kết với việc Chúa Giêsu chịu phép rửa), chúng ta đọc thấy:  “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó” (xem Mc 1:11).  Lần nữa, trong sách Isaia chương 61:1:  “Thần Khí của Đức Chúa ngự trên tôi”.  Những ám chỉ này trong Kinh Thánh tăng cường khả năng tác giả Phúc Âm đã nối kết giữa người Tôi Trung của sách Isaia chương 42, 53 và Chiên Thiên Chúa.

Trong các phần khác của Tin Mừng Gioan, chúng ta cũng tìm thấy Chúa Giêsu được mô tả với những đặc điểm của người Tôi Trung (Ga 12:38 và Is 53:1).

Một khía cạnh thú vị được nhận thấy là Chiên Thiên Chúa được cho là Đấng xóa tội của trần gian.  Sách Isaia chương 53:4-12, nói rằng người Tôi Trung đã gánh hoặc chuộc những tội lỗi của nhiều người.  Bằng cái chết của Người, Chúa Giêsu đã xóa tội hoặc đã gánh tội cho thế gian.

Như vậy theo cách giải thích thứ hai, Chiên Thiên Chúa như người Tôi Trung, là Đức Kitô đã tự nộp mình để xóa bỏ tội lỗi thế gian và khôi phục các anh chị em của Ngài lại bằng xương bằng thịt trở về với Thiên Chúa.

Chúng ta tìm thấy một sự xác nhận hiện đại của câu giải thích này về Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” trong một tài liệu của các Giám Mục tại Ý:  “Sách Khải Huyền của Gioan thậm chí sẽ đi đến tận cùng chiều sâu của mầu nhiệm về Đấng được sai đi bởi Chúa Cha, công nhận Người là Con Chiên, là Đấng chịu hy sinh ‘từ thuở tạo dựng thế gian’ (Kh 13:8), Đấng mà những vết thương của Người đã chữa lành chúng ta (1Pr 2:25; Is 53:5)”  (Truyền thông Tin Mừng trong một thế giới thay đổi, số 15).

-  Ám chỉ Kinh Thánh thứ ba là Con Chiên như con chiên của lễ vượt qua.  Tin Mừng của Gioan thì đầy các biểu tượng về sự Phục Sinh đặc biệt là liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu.  Đối với cộng đoàn Kitô hữu mà thánh Gioan đã viết Tin Mừng cho họ, Con Chiên đã xóa tội trần gian bởi cái chết của Người.  Thật thế, trong Tin Mừng Gioan chương 19:14 được viết rằng Chúa Giêsu bị kết án tử hình vào trưa ngày trước hôm lễ Vượt Qua, đó là lúc các thày thượng tế bắt đầu làm thịt con chiên trong Đền Thờ để mừng lễ Vượt Qua.  Một sự kết nối khác của biểu tượng lễ vượt qua với cái chết của Chúa Giêsu là trong khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, một miếng bọt biển thấm đầy giấm được buộc vào một cây que rồi đưa lên miệng Người (Ga 19:29), và cây que hoặc nhành hương thảo đã được nhúng trong máu của con chiên sát tế cho lễ Vượt Qua đã được bôi lên khung cửa của dân Do-Thái (Xh 12:22).  Sau đó, trong Tin Mừng Gioan chương 19:36 việc ứng nghiệm của Kinh Thánh rằng không một chiếc xương nào của Chúa Giêsu bị đánh dập, rõ ràng là một ám chỉ đến bản văn trong sách Xuất Hành chương 12:46 trong đó viết rằng không được làm gãy một chiếc xương nào của con chiên bị sát tế trong lễ Vượt Qua.  Lời mô tả Chúa Giêsu như Con Chiên được tìm thấy trong một tác phẩm khác của Gioan, được gọi là sách Khải Huyền:  chương 5:6 đề cập đến con chiên hy sinh; các chương 7:17 và 22:1, từ Con Chiên chảy ra một dòng nước trường sinh và khía cạnh này cũng là một ám chỉ tới việc ông Môisen làm cho nước chảy ra từ đá; cuối cùng, chương 5:9 nhắc đến máu cứu chuộc của Con Chiên, một chủ đề Vượt Qua khác gợi nhớ lại việc cứu thoát dân tộc Do Thái khỏi sự nguy hiểm của cái chết.

Có một sự tương đồng giữa máu của con chiên bôi lên khung cửa như một dấu hiệu của việc giải thoát và máu của con chiên được dâng lên trong hy lễ cho sự giải thoát.  Chẳng bao lâu các Kitô hữu đã bắt đầu so sánh Đức Giêsu với con chiên của lễ Vượt Qua, khi làm như thế, họ đã không ngần ngại xử dụng ngôn từ hiến tế:  “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5:7), bao gồm cả nhiệm vụ của Chúa Giêsu xóa đi tội lỗi của trần gian.

b)  Biểu tượng chim bồ câu:

Sự tượng trưng thứ hai này cũng có một vài khía cạnh của nó.  Trước hết, những chữ “như chim bồ câu” đã thường được dùng để diễn tả sự nối kết tình cảm với cái tổ.  Trong bối cảnh của chúng ta, có thể nói rằng Chúa Thánh Thần đã tìm thấy tổ của mình, môi trường sống tự nhiên của tình yêu Chúa Thánh Linh ở trong Chúa Giêsu.  Hơn thế nữa, chim bồ câu tượng trưng cho tình yêu của Chúa Cha đặt trên Chúa Giêsu như một nơi ở vĩnh viễn (xem Mt 3:16; Mc 1:10; Lc 3:22).

Sau đó, những chữ “như chim bồ câu” được xử dụng trong việc liên kết với động từ đáp xuống để nói rằng đó không phải là một thắc mắc về mặt vật chất của chim bồ câu nhưng là cách Chúa Thánh Thần ngự xuống (như sự đáp xuống của chim bồ câu), trong ý nghĩa rằng đó không phải là một sự tấn công mà là sự truyền đạt của lòng tin tưởng.  Trong Thánh Kinh, biểu tượng về chim bồ câu như thế không có một biểu tượng tương ứng nào khác; tuy nhiên, một chú giải Thánh Kinh cũ của các trường phái đạo Do-Thái so sánh sự bay lượn lơ lửng của Chúa Thánh Thần trên các vùng biển thời nguyên thủy với việc chim bồ câu vỗ cánh bay lượn trên tổ của mình.  Không phải là không thể xử dụng biểu tượng này, Gioan đã muốn nói rằng việc ngự xuống của Chúa Thánh Thần trong hình dạng của một chim bồ câu là một nhắc nhở rõ ràng cho sự khởi đầu của việc tạo dựng vũ trụ:  kế hoạch của Thiên Chúa nhập thể làm người trong Đức Giêsu là điểm tột đỉnh và là mục đích của công việc sáng tạo của Thiên Chúa.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu (tương ứng với việc chim bồ câu bay trở về tổ) thúc đẩy Người phải chuyển tải sự sung mãn thiên tính của Người (Chúa Thánh Thần là tình yêu và lòng trung thành).

5.  Sứ Điệp

a)  Đức Kitô là Đấng Cứu Độ của chúng ta:  Ông Gioan Tẩy Giả đã có nhiệm vụ chỉ ra rằng Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian”.  Việc công bố Tin Mừng, Lời của Chúa Giêsu Kitô, thật là cần thiết và không thể thiếu được cho hôm nay cũng như trong quá khứ.  Chúng ta không bao giờ ngừng có nhu cầu về sự giải thoát và ơn cứu rỗi.  Công bố Tin Mừng không có nghĩa là chỉ truyền đạt sự thật trên lý thuyết, cũng không phải là một bộ sưu tập các bài dạy về đạo đức.  Thay vào đó, nó có nghĩa là cho phép mọi người được trải nghiệm với Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã xuống thế gian – theo sự làm chứng của Gioan – để cứu nhân loại khỏi tội lỗi, sự dữ và cái chết.  Vì vậy, chúng ta không thể nào loan truyền Tin Mừng và cùng lúc không chú ý đến các nhu cầu hằng ngày và sự mong đợi của người dân.  Để nói về niềm tin vào Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, có nghĩa là nói với những người dân trong thời đại của chúng ta, việc đầu tiên chúng ta nên tự hỏi họ đang kiếm tìm những gì trong sâu thẳm của trái tim họ.

“Nếu chúng ta muốn giữ lấy một tiêu chuẩn thích hợp…, chúng sẽ cần phải nuôi dưỡng hai điểm trọng yếu bổ sung nhau… Chúa Giêsu Kitô là chứng tá cho cả hai.  Điều đầu tiên bao gồm nỗ lực của chúng ta lắng nghe nền văn hóa của thế giới chúng ta để phân biệt các hạt giống Lời Chúa đã hiện diện ở đó, thậm chí vượt khỏi các biên giới hữu hình của Giáo Hội.  Để lắng nghe những sự mong đợi thân mật nhất của những người đương thời với chúng ta, hãy cân nhắc một cách nghiêm túc những mong ước và khát vọng của họ, hãy tìm cách hiểu những điều gì đang nung nấu tâm can họ và những điều gì khiến họ sợ hãi và kém tự tin”.  Bên cạnh đó, hãy chú ý đến các nhu cầu và sự mong đợi của dân chúng “không có nghĩa là từ bỏ những gì khác biệt trong Kitô giáo, hoặc sự siêu việt của Tin Mừng… sứ điệp Kitô hữu nhắm vào một cách sống hoàn toàn nhân bản nhưng không tự giới hạn chỉ trình bày chủ nghĩa nhân bản đơn thuần.   Đức Giêsu Kitô đã đến để chúng ta có thể được dự phần vào đời sống thiêng liêng, đời sống đã được gọi là “nhân loại của Thiên Chúa”.  (Truyền thông Tin Mừng trong một thế giới thay đổi, số 34).

b)  Chúa Thánh Thần không chỉ đến ngự xuống trên Chúa Giêsu, nhưng cũng để chiếm hữu Người một cách vĩnh viễn để Người có thể tự chia xẻ với những người khác trong phép rửa.  Sau cùng, Con Chiên tha thứ tội lỗi và “chim bồ câu của Giáo Hội, gặp gỡ trong Đức Kitô”.  Đây là một lời trích từ thánh Bernard nơi ông tập hợp hai biểu tượng với nhau:  “Con chiên là một trong những động vật mà chim bồ câu là con vật thuộc giống chim muông:  ngây thơ, dịu dàng và mộc mạc”.

c)  Một vài gợi ý thiết thực:

-  Đổi mới lòng sẵn sàng của chúng ta để cộng tác với sứ vụ của Chúa Kitô trong sự hiệp thông với Giáo Hội bằng cách giúp đỡ cho người ta được thoát khỏi sự dữ và tội lỗi.
-  Hỗ trợ những người trên cuộc hành trình của họ để họ có thể sống trong hy vọng vào Chúa Giêsu là Đấng Giải Thoát và Cứu Chuộc.
-  Làm chứng cho sự vui mừng của người ta trong kinh nghiệm nhận được hiệu quả của Lời Chúa Giêsu trong đời sống của người ấy.
-  Sống truyền thông đức tin bằng cách làm chứng tá cho Đức Giêsu, Đấng Cứu D9ộ của mọi người.

6.  Thánh Vịnh 40

Bài Thánh Vịnh này nói về tình cảnh của một người được giải thoát khỏi sự áp bức, thấy không có thái độ nào chân thật hơn trong việc đáp lời Thiên Chúa là sự tồn tại và hoàn toàn sẵn sàng cho Lời Người.

Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.

Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: "Này con xin đến!

Trong sách có lời chép về con
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con."

Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;
lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Cha, Đấng vào trong ngày của Chúa
đã tụ tập dân Cha để cử hành
Đấng Trước Hết và Sau Hết,
Đấng Hằng Sống đã chiến thắng sự chết,
xin Cha hãy ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần để
phá vỡ xiềng xích của sự dữ,
nguyện xin cho chúng con có thể quy phục Cha hoàn toàn
trong sự vâng lời và tình yêu của chúng con,
để chúng con có thể ngự trị với Chúa Kitô trong vinh quang.
Bởi vì Người là Thiên Chúa, Đấng hằng sống và ngự trị với Chúa Cha,
trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời.
(Trích kinh Phụng Vụ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét