09/08/2020
Chúa Nhật 19 Thường
Niên năm A
(phần I)
BÀI ĐỌC I: 1 V 19, 9a. 11-13a
“Ngươi hãy ra đứng trên núi trước
tôn nhan Chúa”.
Trích sách Các Vua quyển thứ
nhất.
Trong
những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái
hang… Có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan
Chúa”. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước
mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa
cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng
không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy
áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 84, 9ab-10. 11-12.
13-14
Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ
bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).
Xướng:
1) Tôi
sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo
về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh
quang Chúa ngự trị trong Đất Nước chúng tôi. – Đáp.
2)
Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau
âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.
– Đáp.
3)
Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Đất Nước chúng con sẽ sinh bông
trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước
của Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 9, 1-5
“Tôi đã ước ao được loại khỏi Đức
Kitô vì phần ích anh em của tôi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Rôma.
Anh em
thân mến, tôi xin nói thật trong Đức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm
chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn
luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi,
là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền
làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa:
các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Đức Kitô sinh ra phần xác, Người
là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! – Ngôi lời
đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho
họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 14, 22-33
“Xin truyền cho con đi trên mặt
nước mà đến cùng Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi
dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ
bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên
núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã
ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh
tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt
biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng.
Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”
Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên
mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước
đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp
chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ
tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên
thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng:
“Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”. Đó là lời Chúa.
Suy
Niệm: Phêrô, Người Lái Con Thuyền Ðức Tin Hội Thánh
Lời Chúa hôm nay có thể đem lại nhiều suy tư
phong phú. Mỗi bài đọc là một biển mênh mông hay một rừng bát ngát: càng suy lại
càng thấy rộng. Tiếc thay, chúng ta chỉ có thể cùng nhau đọc lướt qua và nhặt lấy
một vài tư tưởng nổi bật. Các mẫu chuyện về Êlya, Phêrô và Phaolô khi ấy có thể
gợi lên cho chúng ta một số nét trong đời sống đức tin. Chúng ta có thể nhìn thấy
các phấn đấu của mình trong đời sống của các ngài. Và như vậy, Lời Chúa hôm nay
sẽ quý giá cho chúng ta.
A. Tước Hết, Êlya Là Chiến Sĩ Vô Ðịch Về Ðức Tin
Ông sinh sống vào khoảng cuối thế kỷ IX trước
Công nguyên. Có thể nói, ông đã khai mạc thời đại các tiên tri lớn trong Cựu Ước.
Không ai biết rõ dòng họ của ông. Như
Melkisêdek, có thể nói ông là người không cha không mẹ. Ðiều khác thường này,
chứng tỏ ông là người xuất chúng nếu không phải là mầu nhiệm. Người ta biết rõ
các công việc của ông vì cả triều đình thời bấy giờ thường phải bận tâm về sự
hiện diện và lời ông giảng dạy. Nói chung, tà giáo bấy giờ đang ở thế mạnh. Vua
và hoàng hậu nuôi dưỡng từng ngàn tiên tri Baal. Dân chúng tự nhiên cũng muốn
chạy theo sự dễ dãi, vì giữ được được đức tin chân chính đòi phải phấn đấu cam
go. Nhưng Êlya không sợ đi ngược lại trào lưu. Một mình ông cương quyết bênh vực
chính giáo. Lòng nhiệt thành bất khuất ấy hiện ra rõ rệt trong câu chuyện thách
đố ở trên núi Karmel.
Toàn dân tập họp lại để xem Yavê hay Baal là
Chúa thật. Một bên có tế đàn của gần 1,000 tiên tri tà giáo. Và bên kia trơ trọi
một mình Êlya, ông bảo bên họ cứ đặt của lễ lên và cầu khẩn cho to cho khỏa để
xin Baal cho lửa trời xuống đốt. Họ tụng kinh inh ỏi từ sớm tới chiều, chẳng bỏ
sót một vũ khúc tôn giáo hay một nghi thức ma thuật nào. Kết quả, Baal vẫn như
ngủ, như ngơ vì quả thật nó chỉ là ngẫu tượng do trí óc thấp kém và nô lệ của
con người bày ra. Bấy giờ Êlya mới giơ tay cầu nguyện. Lập tức Yavê cho lửa xuống
thiêu của lễ. Toàn dân kính phục Yavê và tóm cổ bọn tiên tri tà giáo trừng phạt
nặng nề.
Nhưng đâu đã hết. Tiếng dân về phe với Êlya,
khiến hoàng cung căm phẫn. Hoàng hậu cho người bắn tin sẽ lấy đầu người chiến
sĩ vô địch đức tin kia. Và Êlya phải mau mau lẩn trốn vào sa mạc.
Trước đây trận địa ở trước mặt toàn dân. Êlya
là người có đức tin sống động. Và đức tin này có việc làm và đã làm việc không
quản gian lao. Bây giờ chiến địa là sa mạc. Khó khăn không phải chỉ là khí nóng
và hoang vu, nhưng còn là thân thể nhọc mệt và tinh thần chán nản. Êlya nay
không còn như một Môsê quyền năng ở đất Aicập và trước mặt Pharaô nữa; nhưng
cũng như Môsê và Dân Chúa ngày trước, ông đang đi trong sa mạc, làm lại cuộc
hành trình đầy thử thách hầu đức tin được tôi luyện như vàng trong lửa.
Êlya tưởng mình cũng không hơn gì tiền nhân,
những người đã tin Chúa, thờ Chúa, bênh Chúa, nhưng rồi đã bị bạc đãi và bắt bớ.
Chính lúc ấy Thần Chúa đã đến viếng thăm, đem bánh và nước tới như xưa Dân Chúa
đã nhận được manna và nước mát. Và Êlya đã tiếp tục đi thêm 40 đêm ngày như Dân
Chúa đã đi 40 năm nơi hoang địa để cuối cùng đến núi Khoreb cũng gọi là Sinai,
hầu nhận được mạc khải cao cả, đánh dấu cao điểm của cuộc đời đức tin vững
vàng.
Bài đọc 1 hôm nay thuật lại mạc khải này. Chúa
cho Êlya thấy Người, không phải trong bão táp, sấm động hay chớp lửa, nhưng
trong hơi gió nhẹ nhàng làm mát dịu con người.
Những ai quen biết lịch sử tôn giáo đã thấy
ngay đây là một tiến bộ quan trọng. Trước đây, người ta hình dung Thiên Chúa ở
đàng sau những hiện tượng kinh hoàng trời long đất lở, sấm chớp hãi hùng. Chính
Dân Chúa cũng đã nhìn thấy đỉnh núi Sinai như một lò lửa lớn khi có tiếng Yavê
đến gần. Nay với Êlya, Thiên Chúa tỏ ra nhẹ nhàng như thời khai nguyên. Ađam-Evà
trước khi phạm tội đã được sống những giây phút thân mật với Ngài, vì vào lúc
gió chiều hiu hắt, Ngài đến tản bộ với hai ông bà. Hôm nay Ngài cũng đến với
Êlya sau làn gió nhẹ, để ông trở thành mẫu người được hưởng sự êm ái của Thiên
Chúa.
Truyền thống Kitô giáo đã mau mắn nhận Êlya là
tổ phụ của đời sống chiêm niệm kết hợp với Thiên Chúa, đang khi tâm lý bình dân
đã sẵn sàng tôn ông là nhà vô địch về đức tin. Nói đúng ra cuộc đời của Êlya chứng
tỏ đời sống đức tin không đơn giản. Người tín hữu phải biết chiến đấu bên ngoài
và bên trong, phải có những hành động chứng tỏ niềm trung tín đối với Chúa,
nhưng cũng biết sống lặng lẽ để kết hiệp trong sự thân mật với Người.
Và điều này, chúng ta cũng còn thấy trong câu
truyện hôm nay về Phêrô và các môn đệ, mặc dầu bài Tin Mừng Matthêô còn muốn
nói nhiều hơn nữa.
B. Phêrô, Người Lái Con Thuyền Ðức Tin Hội Thánh
Hôm ấy cũng là một ngày rất đặc biệt! Chưa bao
giờ người ta được chứng kiến một cảnh tượng như thế. Với 5 ổ bánh và 2 con cá
trao vào tay các môn đệ để phát cho dân, Ðức Yêsu đã nuôi no khoảng 5,000 người,
không kể đàn bà con trẻ. Làm sao mọi người không phấn khởi! Và tránh sao được vẻ
thỏa mãn hiên ngang trên khuôn mặt các môn đồ! Êlya trên núi Karmel chưa chắc
đã thỏa mãn hơn. Nhưng để họ khỏi sa chước cám dỗ, Ðức Yêsu buộc họ phải lên
thuyền về trước bắt chước Êlya đi vào sa mạc. Còn Người ở lại giải tán dân và
lên núi cầu nguyện.
Nhưng thuyền các môn đồ vừa ra xa, thì này sống
gió nổi lên dữ dội trong đêm tối. Cho mãi tới gần sáng vẫn còn như vậy. Con
thuyền Hội Thánh quả thật ba chìm bảy nổi khi vượt biển trần gian. Chỉ một dấu
hiệu khác thường cũng đủ khiến những kẻ ở trong thuyền sợ đến tột độ. Chính vì
vậy mà vừa thấy một bóng đi xa xa trên mặt nước, họ đã la lên hoảng hốt: kìa
ma! kìa ma!
Nhưng đó lại là chính Ðức Yêsu. Người đã thôi
cầu nguyện với Chúa Cha trong nơi vắng vẻ để đi cứu giúp các môn đệ. Người lên
tiếng trấn an họ. Phêrô liền xin chạy trên nước để đến với Người. Nhưng thay vì
để ý luôn nhìn vào Chúa, ông lại nghĩ đến gió thổi. Và ông sợ. Ông bắt đầu chìm
xuống, đến nỗi nếu không có cánh tay của Chúa giơ ra đỡ dậy, sóng nước đã vùi dập
ông.
Câu truyện này một lần nữa lại cho chúng ta thấy
đời sống đức tin luôn đòi phải phấn đấu. Nếu mẫu truyện về Êlya đã kể lại phấn
đấu của một tâm hồn, thì ở đây chúng ta thấy toàn thể Hội Thánh cũng phải phấn
đấu. Các môn đồ của Chúa phải biết mau mau gỡ mình ra khỏi sức cám dỗ của thành
công đắc chí.
Hơn nữa con thuyền của Hội Thánh trong giai đoạn
Chúa đang cầu bầu cùng Chúa Cha ở trên trời luôn gặp sóng gió và phải phấn đấu
trong trần gian u tối. Không phải vô ý mà Matthêô đã kể câu truyện này sau phép
lạ bánh hóa nhiều. Cũng như ông sẽ kể: ra khỏi phòng Tiệc ly, các Tông đồ hầu
như sa ngã. Ðó là thân phận Hội Thánh sau các buổi họp phụng vụ và đi vào thế
gian.
Hội Thánh phải phấn đấu; nhưng tự mình vẫn
không đạt được hạnh phúc, mà phải là chính Chúa ban cho. Cũng như nếu không nhận
được thần lương, Êlya cũng đã ngã gục. Và cũng như phần thưởng cuối cùng ông nhận
được là việc chính Chúa tự mạc khải mình cho ông, thì ở đây, bình an cứu độ
cũng đã trở về với con thuyền Hội Thánh khi Ðức Yêsu tuyên bố: Này Ta! Người
dùng lại chính lời mạc khải trên núi Khoreb, khi Môsê xin cho được biết Danh
tánh Chúa. Và như Danh Chúa đã khiến Môsê an tâm ra đi thi hành sứ vụ cứu dân,
thì nay thấy Chúa phán: Ta đây, Phêrô cũng muốn làm được công việc phi thường.
Ông đã đi được một lúc ở trên nước. Nhưng rồi sợ hãi đã chiếm lấy ông. Ðức tin
của ông giảm bớt, khiến thân xác ông muốn chìm theo. May mà ông đã kêu lên để từ
đó Hội Thánh thấy rằng chỉ có Chúa cứu được Hội Thánh khỏi sa chìm giữa thế
gian.
Bài học này có thể nói chúng ta vẫn nhớ. Ðiều
chúng ta dễ quên hơn là dường như chỉ muốn được sống yên hàn trong Hội Thánh và
đúng hơn được ở trong Hội Thánh yên hàn. Nhưng như thế là không muốn hiểu đặc
tính của đời sống đức tin. Các mẫu truyện trên đây về Êlya và Phêrô chưa làm
cho chúng ta thấy rằng đức tin đòi phải phấn đấu; và những khi gặp thử thách về
đức tin, ơn cứu độ của chúng ta nằm nơi Danh Chúa. Chúng ta phải cầu nguyện, phải
tìm Chúa trong thinh lặng và phải rước Chúa vào lòng. Như vậy cũng mới chỉ giữ
đức tin thôi. Ðức tin chân chính phải mạnh mẽ hơn nhiều. Nó còn phải nung nấu
tâm hồn chúng ta theo như lời thánh Phaolô chia sẻ trong đoạn thư hôm nay.
C. Phaolô Muốn Chết Cho Ðức Tin Ðược Lan Rộng
Ai cũng biết người phải phấn đấu rất nhiều vì
chính nghĩa đức tin. Nhiều lần người cũng như Êlya bị người ta lùng bắt chỉ vì
đã làm cho nhiều người tin vào Chúa Kitô. Các môn đệ ở Ðama phải bỏ người vào
thúng và thòng qua tường thành để cho người chạy trốn. Và nhiều lần người đã gặp
sóng gió, đắm tàu và thoát chết, chứ đâu mới chỉ lún xuống nước như Phêrô. Thật,
vất vả về đức tin có thể nói ít ai đã như người. Nhưng chính người nói Ơn Chúa
vẫn đủ cho người và người luôn luôn lao mình về đàng trước để chạy cho hết cuộc
hành trình.
Ðối với người, những thử thách như vậy còn chịu
được với Ơn Chúa. Duy có điều sau đây thật là nặng nề. Ðó là việc người Dothái
cứng lòng không chịu tuân phục đức tin. Họ là đồng bào của người. Hơn nữa họ là
Dân được tuyển chọn. Họ còn là dòng dõi sinh ra Ðức Yêsu. Thế mà sao họ vẫn từ
chối ơn cứu độ?
Người đã nỗ lực, có thể nói là quá sức, để lôi
kéo họ. Ðặt chân đến nơi nào, người cũng tìm đến Hội đường Dothái, làm quen với
những người đồng bào của người, trao đổi với họ về Lời Hứa dành cho Dân tộc.
Nhưng mọi cố gắng hầu như thất bại hoàn toàn. Rất ít người chấp nhận đức tin.
Phần lớn con cháu Abraham theo xác thịt, không những vẫn không ngấm mà còn chống
đối và bách hại giáo lý cứu độ.
Theo tính tự nhiên, có lần Phaolô đã phủi chân
tuyên bố sẽ dứt khoát đi đến với dân ngoại. Nhưng nói thế chứ làm sao bỏ được đồng
bào và nhất là Dân tộc mang đầy Lời Hứa! Thiên Chúa đã làm bao việc kỳ diệu để
gìn giữ Dân tộc ấy; và cuối cùng đã sai Con Ngài mặc xác thể trong dòng máu
này. Làm sao Phaolô không quằn quại săn sóc tương lai cho họ? Không những vì họ
mà thôi, nhưng nhất là vì Chúa. Dân được chọn trở thành dân bị gạt bỏ sao?
Do đó Phaolô rất buồn và đau đớn không ngừng.
Có Chúa Yêsu và Thánh Thần làm chứng như vậy. Và chứng của hai người, hơn nữa của
hai Ðấng Thánh như vậy, dĩ nhiên rất giá trị. Cuối cùng, để không ai còn có thể
hồ nghi, thì này Phaolô sẵn sàng "bị tuyệt thông" cho anh em đồng bào
của người được rỗi.
Ý nghĩ đó là tận cùng rồi. Vì ở thời ấy, bị
tuyệt thông, bị loại ra khỏi bộ lạc, có nghĩa là đeo bản án vào thân, không còn
quyền làm người trong bộ lạc nữa, ai gặp cũng có thể giết mà không bị tội. Ấy
là nói có người còn muốn giết! Vì con người bị khai trừ kia cũng không đáng giết
nữa. Có thể coi nó như con chó bị đuổi ra khỏi nhà.
Khi có ý tưởng như vậy, Phaolô thật sự muốn
chia sẻ tâm tình cứu thế của Ðức Kitô, vì chính Ngài cũng đã trở nên đồ bị khai
trừ vì tội lỗi chúng ta.
Do đó Phaolô không phải chỉ là chiến sĩ vô địch
về đức tin như Êlya. Người không nhượng bộ kẻ thù của Thánh giá, dù là một bước.
Người cũng không lấy việc chèo lái con thuyền các giáo đoàn qua sóng gió như
Phêrô làm cực nhất. Con thuyền đức tin ở trong tay người, sự sống đức tin nơi
tâm hồn người không những trông cậy vào ơn Chúa để lướt thắng phong ba, mà còn
muốn chọc thủng bức màn còn che mắt đồng bào Israel của người để họ nhận ra Ðức
Kitô và thờ lạy Ngài. Và cho được như vậy, người sẵn sàng dâng sinh mạng làm lễ
tế cho con thuyền Hội Thánh đi được tới đích.
Chúng ta chắc chưa có đức tin như vậy. Nhưng
phải vươn lên. Phải phấn đấu cho đức tin của mình. Phải tha thiết cầu mong cho
đồng bào nhận biết Chúa. Phải tham dự thật sự vào lễ tế dâng trên bàn thờ vì phần
rỗi mọi người. Phải sống lễ tế mà giờ đây chúng ta đứng lên để cử hành.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: I Kgs 19:9, 11-13; Rom 9:1-5; Mt 14:22-33
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa hiện diện ở đâu trong cuộc
đời chúng ta.
Nhìn lại
quãng đời đã đi qua nhiều khi làm chúng ta kinh ngạc: Có những điều trước đây
chúng ta không bao giờ nghĩ là mình có được, thế mà bây giờ lại có! Có những
nơi không bao giờ chúng ta nghĩ mình có thể đặt chân đến đó, thế mà lại đến và
sống ở đó! Có những trở ngại mà lúc phải đương đầu chúng ta nghĩ không thể vượt
qua, thế mà lại vượt qua được… Suy nghĩ những điều này làm chúng ta tự hỏi: Lạ
thật! Hình như có người nào điều khiển cuộc đời chứ không phải chính chúng ta,
vì có điều chúng ta mong muốn lại không xảy ra, và có điều chúng ta không mong
muốn lại xảy ra!
Những
điều này không chỉ xảy ra cho chúng ta trong thời đại này, nhưng nếu theo dõi
kinh nghiệm của người xưa được thuật lại trong các Bài đọc hôm nay, chúng ta có
thể nhận ra những nét quen thuộc. Trong bài đọc I, tiên tri Elijah cảm thấy nhiệt
thành hăng hái khi dự cuộc thi để làm chứng cho Đức Chúa trên núi Carmel; nhưng
khi phải chạy trốn hoàng hậu Isabel, ông cảm thấy buồn tủi và trách Thiên Chúa
sao để ông phải chạy trốn như vậy. Thiên Chúa hiện đến với ông trong làn gió nhẹ
hiu hiu, để nhắc nhở cho tiên tri biết Ngài vẫn đang hiện diện với ông. Trong
bài đọc II, mặc dù được Thiên Chúa dành đặc biệt để loan truyền Tin Mừng cho
Dân Ngoại, thánh Phaolô vẫn dành thời gian để rao truyền Đức Kitô cho người
Do-thái vì lòng yêu mến dân tộc của ông. Thánh Phaolô không thể hiểu lý do tại
sao người Do-thái không tin vào Đức Kitô mặc dù các ngôn sứ đã nói về Ngài
trong Kinh Thánh. Sau cùng, thánh Phaolô phải nhìn nhận Thiên Chúa có kế hoạch
riêng cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho tông đồ Phêrô được đi trên mặt
nước biển mà đến với Ngài; nhưng khi ông bắt đầu sợ hãi vì sóng gió nổi lên,
ông bị chìm và kêu cầu Chúa cứu. Ngài đưa tay đỡ ông và trách: “Người đâu mà
kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: thuật lại kinh nghiệm của
tiên tri Êlijah, ông sống khoảng 960 BC.
1.1/
Lý do tiên tri Elijah phải chạy trốn: Để hiểu Bài đọc hôm nay, chúng ta cần đọc
trở lại ít chương nữa trong Sách Các Vua, quyển I, chương 18. Ông là tiên tri
duy nhất của Chúa còn sót lại và nhiệm vụ của ông là khôi phục niềm tin vào
Thiên Chúa đã mất trong Israel. Để thực hiện điều này, ông đã bảo Vua Akhab sai
triệu tập tòan thể con cái Israel trên núi Carmel. Tại đây, ông đã thách thức
450 tiên tri của Baal để dự cuộc thi xem coi Chúa nào là Chúa thật bằng cách mỗi
bên xẻ một con bò tơ, xẻ thịt ra rồi đặt trên củi, nhưng không châm lửa. Bên
nào kêu xin thần của bên ấy, thần nào đáp lại bằng cách khiến lửa từ trời xuống
đốt cháy thịt, thần đó là Thiên Chúa; và họ đã chấp nhận dự thi. 450 tiên tri của
Baal kêu xin suốt từ sáng tới trưa mà không có lửa, nhưng khi một mình tiên tri
Êlijah kêu cầu Thánh Danh Chúa, thì Ngài đã khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi cả
củi lẫn thịt.
Tòan
dân thấy vậy thì sấp mặt xuống đất và nói: “Yahvê chính là Thiên Chúa!” Êlijah
truyền bắt trói tất cả các tiên tri của Baal, mang xuống núi và cắt cổ họng hạ
sát họ tại đó. Vì biến cố này mà hòang hậu Isabel ra chiếu chỉ bắt giết Êlijah
để đền mạng cho các tiên tri bị hạ sát của bà, và Êlijah phải tìm đường chạy trốn
từ Bắc xuống Nam, và trèo lên núi Hôreb nơi Thiên Chúa đã trao Thập Giới cho
Môisen. Phần vì sợ hãi mệt mỏi, phần vì đường xa đói khát làm ông nản chí, ông
mong được chết và nói: “Lạy Đức Chúa! Đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống
con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” Ông vào một cái hang và nghỉ đêm
tại đó. Có lời Đức Chúa phán với ông: “Elijah ngươi làm gì ở đây?” Ông thưa:
“Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con, vì
con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các
ngôn sứ của Ngài. Chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng
sống con.” Người nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức
Chúa.”
1.2/
Thiên Chúa hiện đến với ngôn sứ Elijah: Có tất cả 4 sự kiện xảy ra được tường
thuật hôm nay.
(1)
Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa
không ở trong cơn gió bão.
(2)
Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất.
(3)
Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa.
(4)
Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlijah lấy áo choàng che mặt,
rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Êlijah, ngươi làm gì ở
đây?”
Rất
nhiều lần trong cuộc đời, nhất là những lúc phải đương đầu với bao nhiêu thử
thách khó khăn, chúng ta kêu van Chúa để Ngài giúp chiến đấu; nhưng không thấy
bóng dáng Ngài đâu! Nhiều lúc quá mệt mỏi vì cố gắng xây dựng, chúng ta cũng đã
phải thốt lên như Êlijah: “Chúa ơi! Quá đủ rồi! Không còn sức để đi tiếp nữa!”
Nhưng sau những lúc ấy, khi cuộc đời bình an trở lại, chúng ta nhận ra kết quả
của những gì chúng ta làm, chúng ta nhận ra ai đã giúp chúng ta chiến đấu trong
khi mọi người bỏ rơi chúng ta! Ngài đúng là một Thiên Chúa ẩn mình! Chúng ta có
thể nhận ra Ngài trong tiếng gió hiu hiu, nhưng chưa bao giờ được thấy mặt
Ngài!
2/ Bài đọc II: thuật lại kinh nghiệm của
Thánh Phaolô, gần 2000 năm trước chúng ta.
2.1/ Thánh Phaolô muốn rao giảng
Tin Mừng cho cả Do-thái cũng như cho Dân Ngoại: Thánh Phaolô, người sống cả
ngàn năm sau tiên tri Êlijah, cũng cùng tâm trạng này. Ngài đã trở lại và trở
thành tông đồ cho Dân Ngọai sau biến cố ngã ngựa và bị mù trên đường đi
Damascus để bắt bớ những tín hữu theo đạo. Lòng nhiệt thành vì muốn cho mọi người
hiểu và tin vào Chúa Kitô, ngài đã không quản ngại bất cứ một khổ cực nào để
loan truyền Lời Chúa. Mặc dù gặt hái được nhiều thành công nơi Dân Ngọai, nhưng
ngài phải đương đầu với rất nhiều chống đối và bắt bớ từ những người Do Thái đồng
hương của ngài.
Trong
trình hôm nay, ngài đã thành thực chia sẻ: “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói
sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng
làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả
vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa
và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng.” Chúng ta đã biết Đức Kitô quan trọng
thế nào cho cuộc đời Thánh Phaolô, thế mà ngài có thể thốt lên những lời tâm
huyết này vì quá khao khát ơn Cứu Độ cho người Do Thái đồng hương của ngài.
2.2/
Thánh Phaolô không hiểu nổi lý do nhiều người Do-thái không tin Đức Kitô: Vì họ
đã được thừa hưởng các đặc ân dành cho Israel mà Dân Ngọai không có: Họ là người
Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban
tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa. Họ là con cháu các
tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống
với họ.
Tuy
nhiên, Thiên Chúa đã có kế họach của Ngài và con người không thể hiểu kế họach
đó: Chính vì sự cứng lòng tin của họ mà Dân Ngọai được nghe Tin Mừng và được
sát nhập vào làm Dân Chúa. Chính Thánh Phaolô đã thú nhận: Sau cùng Chúa sẽ cứu
Israel! Khi nào chuyện ấy sẽ xảy ra? Thời gian là của Chúa và không ai biết được
ngày ấy ngọai trừ Chúa.
3/ Phúc Âm: Chúa truyền cho Thánh Phêrô
đi trên biển để đến với Chúa.
Phép lạ
trên Biển Hồ hôm nay được tường thuật sau phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều để
nuôi 5000 người ăn bởi hấu hết các Thánh Ký. Chúa Giêsu muốn các tông đồ tiếp tục
công việc thường nhật nên Ngài bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước,
trong lúc Người giải tán dân chúng vì họ muốn tôn người làm vua (trình thuật của
Gioan). Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn
ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh
vì ngược gió.
3.1/
Các tông đồ sợ hãi khi nhìn thấy có người đi trên mặt nước biển và tiến về phía
các ông: Các tông đồ là dân chài, nên có thể không sợ hãi nhiều vì sóng gió;
nhưng khi thấy có người đi trên mặt biển thì các ông kinh hoàng vì không người
nào có thể đi trên biển ngọai trừ quyền lực siêu nhiên; nhưng Chúa Giêsu liền bảo
các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
Sợ hãi
và hồ nghi là bản năng của con người, nhưng một khi đã được lý trí soi sáng cho
biết điều gì đáng tin và không nên sợ, con người cần vượt thắng những bản năng
này. Phêrô có lý do để tìm ra Sự Thật khi yêu cầu: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài,
thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giêsu bảo ông: “Cứ
đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu.
3.2/ Sự
sợ hãi làm cho Phêrô bắt đầu chìm: Phêrô đã đi được trên mặt nước nên ông không
nên hồ nghi và sợ hãi nữa vì ông đã biết rõ người đứng trước mặt là Chúa Giêsu
và uy quyền của Ngài có thể cho ông đi trên mặt nước, điều mà con người không
thể làm được. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la
lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói:
“Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì
gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là
Con Thiên Chúa!”
Đời mỗi
người chúng ta là một cuộc hành trình trên biển như Phêrô: có lúc bình an, có
lúc sóng gió, có lúc lật thuyền gần chìm. Khi nào chúng ta có lòng tin vững mạnh
vào Chúa thì chúng ta sẽ bước đi bình an giữa muôn ngàn sóng gió; nhưng nếu
chúng ta hồ nghi sự hiện diện hay uy quyền của Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ
chao đảo vì sóng gió. Những lúc như vậy, chúng ta có cảm tưởng như không thấy sự
hiện diện của Chúa hay Người đang để chúng ta chiến đâu một mình; nhưng thực ra
Chúa vẫn đồng hành ngay bên và sẵn sàng cứu vớt khi gần bị chết chìm.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Qua
các bài đọc và kinh nghiệm cá nhân, chúng ta đã học được bài học quá khứ: bàn
tay Chúa luôn ở với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời.
–
Tương lai đi đâu, đến chỗ nào, gặp ai, làm gì, chuyện gì sẽ xảy ra, lúc nào,
thành công hay thất bại… chúng ta mù tịt; nhưng như tổ phụ Abraham, chúng ta cứ
thẳng đường tiến tới, vì chúng ta đã có kinh nghiệm quá khứ: bàn tay Thiên Chúa
không bao giờ rời chúng ta.
–
Chúng ta hãy sống giây phút hiện tại cách an bình và làm tất cả những gì có thể.
Không than thân trách phận khi phải đương đầu với quá nhiều đau khổ. Không nóng
lòng chất vấn Chúa khi đã quá cố gắng mà chưa nhìn thấy kết quả. Không kết án
cũng chẳng tiên đoán điều gì sẽ xảy ra cho ai vì cuộc đời còn dài, và cuộc đời
mỗi người nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
09/08/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – A
Mt 14,22-33
TIN VÀO ĐỨC KI-TÔ HẰNG SỐNG
Ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài,
thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giê-su bảo ông:
“Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống đi trên mặt nước, và đến với Đức
Giê-su. (Mt 14,28-29)
Suy niệm: Phê-rô đang vất vả với
sóng gió lại phải một phen hoảng hốt vì tưởng Chúa Giê-su là ma; nhưng khi biết
đó là Thầy đi trên biển đến với các ông, ông đã xin cho mình cũng được đi trên
mặt nước mà đến với Ngài. Chúa liền chiều ý ông. Tiếc rằng, những bước đi của
ông lại không trọn vẹn. Niềm tin của ông vào Thầy chưa đủ lớn để thắng nỗi sợ
trước cơn gió nhỏ. Đó là sai lầm phổ biến nơi chúng ta; như người con cả trong
dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”, được thừa hưởng cả gia tài mà lại so bì về một
“con dê con” để hưởng thụ với chúng bạn (x. Lc 15,29); hay như ông bà A-đam và
E-và, được phúc làm con Thiên Chúa mà lại bất phục tùng vì tham vọng muốn được
“như những vị thần biết điều thiện điều ác” (x. St 3,5).
Mời Bạn: Cuộc sống là một hành
trình không phải lúc nào cũng bằng yên: lắm khi con thuyền đời ta gặp phải cơn
sóng gió. Chúa không làm phép màu để gió yên biển lặng, nhưng Ngài ban cho
chúng ta niềm tin để vượt qua sóng gió. Nhưng liệu chúng ta có kiên vững tới
cùng trong niềm tin không? Chúa nhắc nhở chúng ta: “Ai bền chí đến cùng sẽ được
cứu thoát” (Mt 10,22).
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa nhiều lần lời
nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn hiện
diện với các tông đồ dù trong cơn sóng to gió lớn. Xin cho con vững tin Chúa hằng
ở cùng con, không chỉ lúc này, mà cả những lúc đen tối nhất của cuộc đời.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy niệm và cầu
nguyện
Cầu Nguyện
Không
rõ lúc nào thì con thuyền các môn đệ gặp gió ngược.
Có gió thì có sóng, sóng đánh làm thuyền chòng chành.
Thuyền rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Tiến tới bờ bên kia thì không được, mà về cũng không xong,
vì con thuyền đã ra xa bờ nhiều dặm.
Các môn đệ phải tự mình đương đầu với sóng gió.
Tay chèo của họ mệt mỏi giữa đêm khuya.
Không có Thầy Giêsu ở đây, trong khoang thuyền này.
Tại sao Thầy bắt họ phải qua bờ bên kia ngay lập tức?
Tại sao Thầy không hoãn đến sáng mai, vì đâu có gì mà vội?
Bây giờ Thầy đang làm gì một mình ở chỗ hoang vắng đó?
Thầy có biết các môn đệ vì vâng lời Thầy mà gặp rắc rối không?
Có một thứ sóng gió nào đó đang xôn xao trong lòng họ.
Thầy
Giêsu đến với họ lúc trời còn tối, nên chẳng ai nhận ra.
Ngài đến với họ ngay giữa sóng gió, Ngài đạp lên sóng mà đi.
Các môn đệ thấy bóng người đi trên mặt nước.
Hoảng hốt và sợ hãi, họ tưởng mình thấy ma.
Họ nghĩ chỉ có ma mới đi trên mặt nước được.
Nhưng đây không phải là ma, đây là người Thầy của họ.
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”
Vậy mà Phêrô vẫn chưa nhận ra giọng nói và khuôn mặt của Thầy.
Ông muốn đưa ra một trắc nghiệm để kiểm chứng.
“Nếu quả là Ngài, xin truyền cho con đi trên nước để đến với Ngài.”
Nếu ông đi được trên nước thì người kia mới đúng là Thầy Giêsu.
Ông xác tín rằng điều Thầy làm được, Thầy cũng cho trò làm được.
Phêrô tự đặt mình vào một thách đố không dễ dàng.
Thầy Giêsu chấp nhận thách đố này và mời Phêrô: “Hãy đến !”
Thầy đã đi trên sóng nước để đến với ông.
Nay Thầy mời ông đi trên sóng nước để đến với Thầy.
Chúng
ta cần hình dung giây phút Phêrô đặt chân trên mặt nước.
Mặt nước đang có sóng lớn vì gió mạnh.
Ông có ngần ngại khi bước ra khỏi thuyền không?
Ông có dám tin mình sẽ đi được trên nước không?
Phêrô đã làm gì để chiến thắng sự sợ hãi đang đè nặng?
Chúng ta chỉ biết ông đã thắng được chính mình,
đã ra khỏi thuyền, đã đặt chân trên sóng nước và bước đi.
Không rõ người ông trở nên nhẹ hay mặt nước trở nên cứng.
Càng bước đi, ông càng xác tín rằng đúng là Thầy rồi.
Và ông cứ hướng về phía Thầy mà tiến bước.
Nhưng
ngay cả khi tin Thầy đang ở trước mặt mình,
Phêrô cũng bị chao đảo vì một cơn gió mạnh bất ngờ ập tới.
Ông sợ hãi và chìm xuống, nên ông la to xin Thầy cứu mình.
Thầy Giêsu lập tức đưa bàn tay ra nắm lấy ông.
Thầy trách ông đã nghi ngờ, dù chỉ trong một giây phút.
Nghi ngờ là dấu hiệu của lòng tin còn non yếu.
Lòng tin này có thể lung lay trước những biến động của cuộc đời.
Thật cảm động cảnh Thầy Giêsu nắm tay Phêrô và đưa ông về thuyền.
Gió vẫn chưa ngừng, sóng vẫn đánh.
Nhưng Phêrô yên tâm đi bên Thầy, đạp trên sóng gió mà đi.
Chỉ khi Thầy trò về thuyền, gió mới lặng.
Kinh
nghiệm của Phêrô cũng là kinh nghiệm của các kitô hữu.
Kinh nghiệm bị ép phải qua bờ bên kia ngay lập tức,
trong hoàn cảnh trời tối, ngược gió, và không có Thầy gần bên.
Kinh nghiệm hoảng hốt vì Thầy đến mà mình không nhận ra.
Kinh nghiệm hạnh phúc đi được trên nước để đến với Thầy,
và rồi bị chìm, dù biết Thầy ở ngay trước mặt.
Kinh nghiệm được Thầy dắt về thuyền trong bình an.
Bao nhiêu cung bậc cảm xúc trong từng kinh nghiệm.
Tất cả dẫn đến kinh nghiệm cuối là nhận ra Con Thiên Chúa
đang ở trong cùng thuyền với Hội Thánh hôm nay (Mt 14,33).
LỜI NGUYỆN
Lạy
Chúa Giêsu,
Sống ở đời chẳng ai thích sóng gió,
nhưng sóng gió lúc nào cũng có trong đời người.
Các môn đệ đầu tiên đã nhiều lần gặp sóng gió ở hồ Galilê.
Sóng gió đến khi Chúa đang ngủ vùi trên thuyền,
khiến môn đệ phải vội vàng đánh thức.
Sóng gió đến khi Chúa không ở trong thuyền,
khiến môn đệ phải chèo chống vất vả.
Chúa
không tránh cho đời chúng con khỏi mọi sóng gió,
vì Chúa biết sóng gió làm chúng con trưởng thành,
tập vượt qua nỗi sợ hãi bằng lòng tin,
tập vượt qua nỗi lo âu bằng hy vọng.
Chúa để chúng con chiến đấu suốt đêm với gió ngược,
nhưng lại đến với chúng con khi trời gần sáng.
Xin
cho chúng con yêu quý sự bình an,
nhưng lại không ngỡ ngàng trước sóng gió.
Giữa cơn sóng gió, xin cho chúng con tin rằng
Chúa vẫn hiện diện gần bên chúng con,
và đang đưa con thuyền Giáo Hội về đến bến.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,
S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG TÁM
Sự Quan Phòng Của Thiên
Chúa Trong Ánh Sáng Của Mạc Khải
Chân
lý về sự quan phòng của Thiên Chúa, vốn nối kết chặt chẽ với mầu nhiệm sáng tạo,
phải được hiểu trong bối cảnh của toàn bộ mạc khải, toàn bộ những tín điều mà
chúng ta tuyên xưng trong tư cách là Kitôhữu. Bằng cách này, chúng ta nhận ra một
mối liên kết hữu cơ giữa sự quan phòng và mạc khải. Trong chân lý về sự quan
phòng có chứa đựng mạc khải về sự tiền định đối với con người và thế giới trong
Đức Kitô. Trong đó cũng có mạc khải về toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi và sự hoàn
thành của nhiệm cục ấy xuyên qua lịch sử.
Chân
lý về sự quan phòng của Thiên Chúa cũng gắn kết chặt chẽ với chân lý về Vương
Quốc của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao những lời giáo huấn của Đức Kitô về sự
quan phòng có một tầm quan trọng nền tảng cho đời sống chúng ta: “Trước hết hãy
tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và mọi sự khác cũng sẽ được
ban cho anh em” (Mt 6,33; Lc 12,13).
Vâng,
chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa được mạc khải trong sự cai quản của
Thiên Chúa trên toàn thể thế giới thụ tạo. Chân lý ấy trở thành hoàn toàn có thể
nhận hiểu được đối với con người xuyên qua chân lý về Nước Thiên Chúa. Xuyên
qua Nước ấy – ngay cả trong thế giới thụ tạo của chúng ta – Thiên Chúa thiết lập
vĩnh viễn “sự tiền định trong Đức Kitô”, Đấng là “Trưởng Tử của mọi loài thọ
sinh” (Cl 1,15).
– suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 09/8
Chúa Nhật XIX Thường Niên
1V 19, 9a.11-13a; Rm 9, 1-5;
Mt 14, 22-33.
LỜI SUY NIỆM: “Thấy Người đi trên mặt biển các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ
hãi la lên. Đức Giêsu lên tiếng bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thây đây đừng sợ.”
Câu chuyện của bài Tin Mừng này được nối tiếp với Chúa nhật XVIII thường niên
tuần trước, giúp cho chúng ta thấy được sự quan tâm và tình yêu thương của Chúa
Giêsu đối với từng con người và từng cộng đoàn. Khi dân đi theo Chúa để nghe
Người giảng dạy và chữa lành, lâm vào cảnh đói nơi hoang vắng Người đã cho ăn
no nê, khi dân muốn tôn Người lên làm vua, Một mình Người tự giải tán họ, để họ
khỏi gặp nguy hiểm, Người tách các môn đệ Người ra khỏi dân chúng để xóa tan sự
vinh quang trần thế. Nhưng khi các môn đệ của Người đi trong đêm tối và gặp
sóng gió thì Người lại đến với các ông: “Chính Thầy đây, đừng sợ.”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con luôn tin vào tình thương và sự quan
tâm của Chúa đối với chúng con trong từng hoàn cảnh một, để chúng con vững tin
Chúa đang hiện diện và luôn đồng hành với chúng con trên mọi bước đường đời của
chúng con.
Mạnh Phương
09
Tháng Tám
Xin Hãy Dùng Con Như Khí Cụ
Bình An!
Ngày
09/8 hàng năm, hàng ngàn người Nhật Bản và nhiều du khách tập trung về Ðài Hòa
Bình tại Nagasaki để tưởng niệm quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật
Bản.
Ðúng
11 giờ 03 phút, giờ định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại
trong thinh lặng, trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi
chuông ngân vang để tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.
Ngày
09/8/1945, quả bom nguyên tử đầy tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu
hủy gần như trọn vẹn thành phố Nagasaki. Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai cũng
được trút xuống trên Hiroshima nâng tổng số những người thiệt mạng lên đến gần
140,000 người. Và gần đây, hơn hai người còn sống sót từ dạo đó cũng vừa qua đời
vì ảnh hưởng của phóng xạ.
Lên
tiếng trong một tuần lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki đã phát biểu
như sau: “Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công dân của thành phố
Nagasaki đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể hủy diệt toàn thể nhân loại.
Do đó, chúng tôi đã không ngừng kêu gọi hủy bỏ các vũ khí hạt nhân”. Bài diễn
văn trên đây của ông thị trưởng Nagasaki đã được sao gửi đến các vị nguyên thủ
quốc gia trên thế giới.
Cũng
trong bài diễn văn này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên Xô và Hoa Kỳ
hãy ngồi vào bàn hội nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung
sống hòa bình giữa Ðông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt
nhân…
Ðoạn
trường ai có qua cầu mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản,
cách riêng những người Nagasaki và Hiroshima, con người mới thấy được thế nào
là sự tàn phá của bom nguyên tử và sự khao khát hòa bình.
Lời
kêu gọi trên đây của ông thị trưởng thành phố Nagasaki có lẽ không chỉ được ngỏ
với các vị nguyên thủ quốc gia, hoặc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Lời kêu
gọi đó cũng phải được truyền đến tận tai của từng người. Bởi vì hòa bình không
phải chỉ là vấn đề của một số người, hoặc của một số quốc gia. Hòa bình là vấn
đề của từng người. Nó là cố gắng xây dựng của từng ngày và của từng người.
Nhưng
hòa bình không chỉ là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ
có Thiên Chúa mới có thể trao tặng cho con người… Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ
cầu nguyện cho hòa bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói
lên được chiều kích đích thực của hòa bình: hòa bình phải xuất phát từ tâm hồn
con người.
Con
người cần phải cầu nguyện cho hòa bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong
tâm hồn giữa con người và Thiên Chúa mà hòa bình đích thực mới phát sinh. Cho
dù có hủy bỏ mọi vũ khí hạt nhân, cho dù có ký mọi hòa ước, nếu con người chưa
dẹp bỏ mọi thứ vũ khí khác trong tâm hồn, mầm mống của chiến tranh vẫn còn đó…
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét