Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

30-08-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN năm A

 

30/08/2020

 Chúa Nhật 22 Thường Niên năm A

(phần II)

 


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 22 Thường niên năm A

(Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27)
KHỔ GIÁ - NẺO ĐƯỜNG NGƯỜI KITÔ HỮU
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Gr 20, 7-9)

Bài đọc I được xem như là một trong những phần thuộc nhóm “tự sự” của ngôn sứ Giêrêmia. Ở đây ta thấy Giêrêmia đang lâm vào trong hoàn cảnh xung đột nội tâm. Chính vị ngôn sứ đã than trách với Thiên Chúa: “Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Sau đó Giêrêmia đã xác nhận là đã bị nhạo báng chê bai mỗi ngày (c.8), bởi lẽ, những lời ông phán toàn là những nỗi bất hạnh và tai họa. Vì lý do đó dân chúng không muốn nghe ông nói nữa. Vì thế, ngôn sứ muốn thoát khỏi bối cảnh này, nhưng đây là điều không thể, bởi Lời Chúa trong tâm hồn vị ngôn sứ “cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” đến độ không chịu nổi (c.9). Tình cảnh này cũng sẽ tương ứng với bối cảnh của bài Tin Mừng mà chúng ta suy niệm hôm nay.

2. Bài đọc II (Rm 12,1-2)

Lời của thánh Phaolô trong bài đọc II khuyên nhủ chúng ta không tìm kiếm trước tiên hạnh phúc của chúng ta, nhưng hãy dâng chính con người mình như một hy tế sống. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải đặt để con người chúng ta vào mục đích phục vụ công bình, bác ái, sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa. Đó mới là ý nghĩa của “hy tế” Kitô giáo. Hy tế này thật ra không phải là một thực tại tiêu cực, nhưng có ý nghĩa rất cao đẹp, nghĩa là biết đón nhận vào đời mình tình yêu của Thiên Chúa, để được biến đổi thành của lễ dâng lên Thiên Chúa và được Người chấp nhận. Để làm được điều này, chúng ta phải từ bỏ não trạng của con người thế gian này mà không tìm kiếm những ích lợi cho mình, để được đổi mới và biết phân định, nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa, đâu là điều làm đẹp lòng Người.

3. Bài Tin Mừng (Mt 16,21-27)

Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay, dù đang phải hướng về cuộc thương khó trong hành trình phía trước, nhưng đã không than trách hay lẩn tránh cho số phận của mình; trái lại, trong đoạn Tin Mừng tương ứng với đoạn hôm nay, chúng ta thấy rõ Người bày tỏ nỗi khắc khoải chờ mong đối diện với cuộc chiến đấu với sự dữ này (x. Lc 12,50).

Tuy nhiên, Phêrô lại thể hiện một thái độ ngược lại với Thầy mình. Chỉ mới trước đây thôi, ông đã tuyên xưng cách mạnh mẽ căn tính thần linh của Đức Giêsu, và tâm trí ông ngập tràn một hình ảnh về một Đấng Mêssia đầy vinh quang nơi Đức Giêsu. Vì thế, việc loan báo cuộc thương khó của Đức Giêsu đã đi ngược với viễn cảnh mà ông có trong đầu: thay vì vinh quang, Đức Giêsu lại nói về tủi nhục; thay vì thành công, Đức Giêsu lại nói về thất bại và cái chết. Rõ ràng là Đức Giêsu loan báo về sự phục sinh của Người, nhưng Phêrô không thể chấp nhận con đường hướng đến phục sinh theo cách thức như thế này. Giờ đây, ông chỉ trông đợi và muốn thấy nơi Thầy mình con đường vinh quang của một Đấng Mêssia.

Về phần Đức Giêsu, Người đã quyết định theo đuổi hành trình của mình. Người không muốn chối từ thánh ý của Chúa Cha, bởi vì Người biết rõ đây là một thánh ý đầy tình yêu thương; và Người còn biết rằng cuộc khổ giá mang giá trị cao đẹp và thật sự cần thiết, bởi lẽ không có cuộc vinh thắng nào mà không có chiến đấu gian khổ. Đức Giêsu phải đối diện sự dữ, đối diện tội lỗi và đối diện cái chết, để rồi cuối cùng, qua thực tại cuộc sống con người này, Người lần ra một con đường vinh thắng.

Tiếp theo, ta thấy Chúa Giêsu đã đưa ra một lời khuyên dành cho tất cả những ai muốn bước theo Người, đó là để trở thành môn đệ của Người, cần phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình mà theo Người. Mỗi người Kitô hữu cần phải đối diện với sự dữ, đối diện với tội lỗi và cái chết, để bước theo Đức Giêsu trên con đường mà Người đã đi qua. Đây là con đường chắc chắn nhất hướng chúng ta đến cuộc vinh thắng. Và vì thế, đó là con đường cao đẹp, ngay cả khi con người theo lẽ tự nhiên muốn chống lại và tránh xa nó.

Đức Giêsu còn giải thích cho chúng ta rằng ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, và ai mất mạng sống vì Người thì sẽ tìm thấy. Đây là nguyên lý căn bản mà chính Chúa Giêsu đã nêu ra. Chúng ta được dựng nên để đạt đến một cuộc sống và hạnh phúc viên mãn. Trong sâu xa mỗi người chúng ta luôn có khao khát hướng đến thực tại này, nhưng chúng ta sẽ không thể đạt tới nếu chúng ta tìm kiếm và hướng đến nó cách trực tiếp.

Thật vậy, nếu chúng ta trực tiếp tìm kiếm hạnh phúc cho mình trước tiên, chúng ta sẽ rơi vào thói ích kỷ. Chỉ khi chúng ta biết chiến thắng sự ích kỷ này, mở rộng lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, biết sống với hy sinh và một tấm lòng tích cực hướng về tình yêu, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được cùng đích cao đẹp của đời mình.

Tin Mừng hôm nay là một đòi hỏi cấp thiết và có vẻ như nghịch lý: để cứu mạng sống, cần phải mất; để đến vinh quang cần phải qua đau khổ. Chìa khóa chung của những điều này là: không nghĩ về bản thân trước, không tìm kiếm lợi ích hay vinh quang cho riêng mình trước, nhưng là tìm kiếm vinh quang nơi Đức Kitô và kết hợp với tình yêu của Người.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ”. Từ trong nội tâm sâu xa của ngôn sứ Giêrêmia là một cuộc đối thoại giằng co với Thiên Chúa trong khi phân định đời mình. Nghĩ lại bản thân tôi, có bao giờ tôi biết đặt mình trước Chúa trong khi phân định đời mình; có bao giờ tôi bị giằng co giữa những giá trị sống và những ý hướng sống của tôi với Thiên Chúa; và có bao giờ tôi để cho Thánh Ý Chúa và tiếng nói của Người ‘quyến rũ’ và vượt thắng?

2. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Bước đường theo Chúa Kitô của người tín hữu đòi hỏi tôi phải bước qua thập giá để đến vinh quang. Không thể có vinh quang mà không trải qua cuộc chiến đấu. Vậy bên cạnh những điều tốt đẹp, tôi có đọc được những sứ điệp tích cực trong những khúc quanh gập ghềnh và chông gai trong đời tôi và luôn xác tín rằng Chúa vẫn luôn yêu thương tôi trong những giây phút đó?

3. Những tâm tình khuyên nhủ của thánh Phaolô ở bài đọc II thật sự có ý nghĩa cho tôi trong ngày hôm nay, đó là: “nhận ra đâu là Ý Chúa”, “cái gì đẹp lòng Người”, biết “đổi mới tâm thần” và “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa”?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tếAnh chị em thân mến! Con Thiên Chúa đã chấp nhận chịu khổ hình, chịu chết trên thập giá và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Ngài mời gọi chúng ta hãy từ bỏ mình và bước đi trên con đường thập giá. Với niềm tin tưởng và quyết tâm vác thập giá theo Chúa Kitô, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh đang phải đương đầu với bao chống đối và bách hại, luôn vững tin vào sức mạnh của thập giá để can đảm đón nhận và vượt qua mọi thử thách hầu thông phần vào cuộc thương khó của Chúa Kitô.

2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các quốc gia đang phải đương đầu với chiến tranh hay dịch bệnh. Xin cho các nhà lãnh đạo ở đó luôn có những lựa chọn khôn ngoan và chính sách phù hợp, nhằm tìm kiếm hòa bình cho đất nước và bảo đảm sức khỏe của người dân.

3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các học sinh và sinh viên chuẩn bị bước vào năm học mới biết tận dụng thời gian và hoàn cảnh Chúa ban để nâng cao tri thức và rèn luyện nhân đức, hầu trở nên nhân chứng cho Đức Kitô trong môi trường sống và học tập của mình.

4. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn khắc ghi lời Chúa hôm nay: “Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì”, để trong cuộc sống hằng ngày biết hướng về đời sau qua từng suy nghĩ, lời nói và việc làm.

Chủ tếLạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến đổi thập giá thành thánh giá đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần, giúp chúng con can đảm từ bỏ bản thân và trung thành vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-22-thuong-nien-nam-a-31153

 

 

Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 22 TN Năm A

CHỦ ĐỀ :

THEO CHÚA
LÀ TỪ BỎ VÀ VÁC THẬP GIÁ



“Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”

(Mt 16,24)

Sợi chỉ đỏ : Tất cả các bài đọc hôm nay đều gom vào chủ đề muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mình và vác thập giá.

– Bài đọc I : Lời tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia : vì làm ngôn sứ của Chúa mà Giêrêmia phải chịu biết bao đau khổ “Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhọc nhã và bị chế nhạo suốt ngày”

– Đáp ca : Lời cầu nguyện của một tâm hồn thiết tha yêu mến Chúa. Trong cuộc sống khó khăn, tác giả khát khao được gặp Chúa.

– Tin Mừng : Đức Giêsu báo tin thương khó lần thứ nhất. Ngài còn nói rõ : “Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”.

– Bài đọc II : Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu hãy “hiến thân làm của lễ sống động và thánh thiện” cho Thiên Chúa.

 

 I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Lời Chúa hôm nay sẽ không êm ái dễ nghe chút nào, mà trái lại rất đáng sợ : “Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”.

Xin Chúa giúp chúng ta ý thức rõ về con đường thập giá và xin Ngài ban cho chúng ta đủ can đảm để theo Ngài trên con đường ấy.

 II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta tôn kính Thánh Giá Chúa, nhưng không chấp nhận vác những thập giá của mình trong cuộc sống thường ngày.

– Chúng ta quá tôn trọng cái tôi của mình.

– Chúng ta không quen từ bỏ.

III. LỜI CHÚA

1.     Bài đọc I (Gr 20,7-9)

Đoạn này được các nhà nghiên cứu Thánh Kinh gọi là “Lời tự thú của Giêrêmia”, trong đó vị ngôn sứ than thở về biết bao đau khổ ông phải chịu do sứ mạng làm ngôn sứ cho Chúa.

Thực vậy, sứ mạng của Giêrêmia không được trơn tru và thành công, nhưng gặp phải rất nhiều chống đối : lời ông giảng không được người ta đón nghe, trái lại còn chế nhạo, phản đối, thậm chí lên án nữa (vì ông công kích cuộc sống tội lỗi của họ, loan báo án phạt của Chúa…). Nhiều lần người ta âm mưu sát hại ông khiến ông chỉ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc…

Nhưng dù than thở như thế, Giêrêmia cũng thú nhận là ông không thể nào từ bò sứ mạng đau khổ đó, bởi lẽ “Chúa đã quyến rũ được con, Chúa đã hùng mạnh hơn con và đã thắng con”.

2.                 Đáp ca (Tv 62)

Thánh vịnh này được xếp vào loại các Thánh vịnh cầu nguyện trong cơn khốn khó.

Tác giả là người thiết tha yêu mến Chúa. Yêu mến ai thì khát khao gặp được người đó. Tác giả cũng thế, nhất là trong lúc khốn khó, tác giả khao khát được gặp Chúa, như đất khô cằn mong gặp được nước.

3.                 Tin Mừng (Mt 16,21-27)

Sau khi Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ chịu nạn chịu chết, Phêrô kéo Ngài lại và ngăn cản. Đức Giêsu trách mắng ông rất nặng lời, Ngài gọi ông là Satan.

Sau đó, Đức Giêsu còn nói về điều kiện của những ai muốn làm môn đệ Ngài (“đi theo” trong cách nói do thái có nghĩa là làm môn đệ) :

– Điều kiện thứ nhất là từ bỏ mình.

– Điều kiện thứ hai là vác thập giá mình.

Nên chú ý một số chi tiết có ý nghĩa sâu sắc :

. “Từ bỏ chính mình” : xem ra từ bỏ mình nghĩa là tha hoá, vong thân (aliénation), mình không còn phải là mình nữa. Xét theo tâm lý học thì điều này không tốt, vì mỗi người phải giữ cái độc đáo của mình. Nhưng xét theo thần học thì lại rất tốt : tuy ta không còn là mình nữa nhưng ta hóa nên giống Đức Giêsu thì thật tuyệt vời. Lý tưởng mà thánh Phaolô luôn nhắm tới là được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu. Hơn nữa đây thực sự không phải là “tha hóa” mà là tìm lại chính mình, bởi vì từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “giống hình ảnh” Ngài. Chỉ sau đó do tội lỗi nên con người bị “tha hóa”. Nay cố gắng trở nên giống Đức Giêsu chính là tìm lại hình ảnh ban đầu.

. “Vác thập giá mình” : Kiểu nói này có nhiều nghĩa : a/ Đón nhận những khổ cực của mình, cũng như Đức Giêsu đã đón nhận những khổ cực của Ngài ; b/ Theo luật hình sự Rôma, người bị kết án đóng đinh phải tự mình vác lấy thập giá của mình ra pháp trường. Như thế, “vác thập giá mình” nghĩa là coi như mình đã bị kết án tử ; c/ câu 25 giải thích câu 24 : “Quả thật ai liều mất mạng sống mình vì tôi…”. Như thế “vác thập giá” có nghĩa là “liều mất mạng sống”, hay nói nôm na là “liều mạng” vì Chúa.

4.                 Bài đọc II (Rm 12,1-2)

Những lời Thánh Phaolô viết trong đoạn thư này cũng có ý nghĩa tương đương với lời Đức Giêsu kêu gọi môn đệ hãy từ bỏ và vác thập giá mình : tín hữu hãy coi mình như một của lễ, cho nên hãy dâng bản thân mình cho Chúa, giống như chủ tế dâng của lễ lên Thiên Chúa trong một Thánh lễ.

Thánh Phaolô khuyến khích : đó là một việc rất đẹp lòng Chúa, và đó chính là việc phụng thờ hợp lý đáng làm nhất.

 IV. GỢI Ý GIẢNG

1.     Từ bỏ là một quy luật

Đa số chúng ta nghĩ rằng từ bỏ là một điều gì đó bất thường, vì thế chúng ta không muốn từ bỏ.

Thực ra, từ bỏ là điều rất bình thường, rất cần thiết nữa là đàng khác, cho nên có thể nói từ bỏ là một quy luật.

– Quy luật của sinh tồn : có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.

– Quy luật của phát triển : cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó cơ thể lớn dần lên. trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ… có thế mới phát triển dần thành người lớn.

– Quy luật của cải thiện : cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.

– Quy luật của tiếp nhận : có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia… mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục xài thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác.

Làm môn đệ Đức Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Ngài bảo chúng ta phải “từ bỏ mình”. Cái phần “mình” được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần “Chúa” được gia tăng bấy nhiêu. “Từ bỏ mình” hoàn toàn thì sẽ trở thành “Kitô khác” hoàn toàn.

Như thế tuy bỏ nhưng không mất, mà lại được ; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn. Thánh Phanxicô Assisi nói : “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

2.                 Từ “từ bỏ” đến “hiến dâng

Nói “từ bỏ” thì ta cảm thấy tiếc. Nhưng nếu nói “hiến dâng” như Thánh Phaolô (bài đọc II) thì ta thấy hăng hái hơn. Vì thế, xem ra câu của Thánh Phaolô “Anh em hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động cho Thiên Chúa” tuy cũng cùng ý nghĩa với câu Đức Giêsu nói “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình”, nhưng tích cực hơn.

– “Hiến thân” hàm chứa tình yêu : yêu là cho, yêu trọn vẹn thì không chỉ cho món này món nọ, mà cho cả con người của mình. Hiến thân.

– “Hiến thân” là một hành vi tự do : không ai ép buộc, chỉ vì yêu nên tự nguyện hiến thân.

– “Hiến thân” còn có giá trị tôn thờ : dùng thân mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa để thờ phượng Ngài. Cuộc sống trở thành phụng tự. Cuộc đời trở thành Thánh lễ.

3.                 Ai đành mất mạng sống mình thì sẽ được sống

Nếu ta chăm chú nghe Lời Đức Giêsu, ta sẽ thấy rằng Người không nói chống đối sự sống. Người không đòi hỏi các môn đệ phải bỏ sự sống. Trái lại Người kêu mời họ sống phong phú hơn. Người chỉ cho thấy con đường sống thôi thúc người ta sống tốt tối đa, tức là sống để trao ban chính bản thân. Ai khép kín trong vỏ ốc của mình, ai chỉ lo cho bản thân mình, sẽ héo tàn, bởi vì con người không thể thành tựu nếu chỉ đóng kín lo cho mình. Nếu bạn khép kín, bạn sẽ chết trong khi nghĩ rằng mình giữ được sự sống. Thu tích của cải để phòng thân sẽ không ích gì nếu bạn đánh mất chính mình. Con người ta không thể được cứu rỗi nhờ những của cải mình có, nhờ của “sở hữu”, nhưng nhờ đức tính của đời sống. Tính “người” được lớn lên khi ta quên mình và trao ban thân mình. “Nếu người ta được cả thế giới mà thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?” Đức Giêsu nhắc cho ta vẻ cao trọng của con người. Trái tim con người được tạo nên để mở ra, để thương, và bạn không thể yêu thương nếu bạn không cho đi và trao ban chính mình. “Yêu là cho tất cả và trao ban chính bản thân mình“, thánh Têrêxa Hài Đồng đã nói. Nếu bạn muốn tự cho mình là trung tâm vũ trụ, nếu bạn muốn quy chiếu mọi sự vào bạn, bạn sẽ đánh mất bản thân : mất linh hồn, yếu tố nhờ đó mà sự sống thực sự là của con người.

Thật là một nghịch lý cho con người. Anh ta chỉ thật sự thành tựu cuộc sống trong khi anh khước từ nó để cho đi. Chúng ta có thể nhận thấy ở ngay quanh ta, mặc dầu ta không dễ chấp nhận điều đó áp dụng cho chính mình : những người thành tựu, cuộc sống tốt đẹp và hữu ích, là những người không tìm dễ dãi, là những người cho đi thời gian, sức lực, lòng tận tuỵ để phục vụ tha nhân… cho đến hy sinh sự sống của mình. Đức Giêsu đã đề cập và soi sáng vẻ cao đẹp chỉ con người mới có này. Không những Người đã sống như thế, Người còn mặc khải ý nghĩa đầy đủ : Ai muốn theo tôi… Nào chúng ta lại không muốn bước theo Người sao ? Con đường thập giá, Người đã làm cho nó trở thành cửa ngõ quãng đường dẫn vào cuộc sống sung mãn bất ngờ : đó là phục sinh. Những câu tiếp theo liên quan đến phần thưởng Người nói về kết cục của cuộc sống con người. Không phải một lời đe dọa đâu, mà là một lời hứa. “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”. Không có gì phải sợ khi bạn liều mạng sống vì Đức Giêsu, vì đó là một bảo đảm tốt nhất cho sự thành tựu cuối cùng. “Ai liều mạng sống mình vì Thầy, sẽ tìm lại được nó“. Đức Giêsu mời ta cân nhắc tầm vóc đời đời của những lựa chọn của ta, và tương lai vô tận của tình thương đã trao ban. (Mgr Daloz, trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 275-276)

4.                 Chuyện minh họa

a/ Từ bỏ

Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thục thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu sống cả con tàu. (Trích “Phúc”)

b/ Dấu nhận ra Chúa

Có lần một nhà truyền giáo hỏi lớp giáo lí Thánh Kinh : nếu các bạn thấy một nhóm gồm 12 người đàn ông rất giống nhau, trong đó có đức Kitô, làm sao các bạn nhận ra Ngài ? Nhiều người bảo không biết. Nhưng một em bé nói : “Nhờ những dấu đanh trên tay Ngài”.

 V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Đường lối của Thiên Chúa thường khác xa với những suy nghĩ tầm thường của loài người. Luôn xác tín Thiên Chúa là Đấng thượng trí vô song, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1- Hội Thánh không ngừng rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thập giá / và sống lại khải hoàn để cứu chuộc nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh / được nhiều người thành tâm đón nhận.

2- Ngày nay nhiều người thích đời sống dễ dãi / hơn là chấp nhận những hy sinh gian khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều kitô hữu / dám vì Chúa mà hy sinh phục vụ những người bất hạnh nhất của xã hội.

3- Phải qua thập giá rồi mới bước vào vinh quang / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu hiểu rằng / nếu muốn được chia xẻ vinh quang với Chúa / họ phải đi qua con đường hẹp / đầy dẫy những thử thách gian nan / nhưng là con đường dẫn tới sự sống muôn đời.

4- “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám thí mạng vì bạn hữu mình” / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết yêu thương nhau như Chúa đã dạy.

CT : Lạy Chúa Giêsu, bản tính con người chúng con rất sợ phải gặp đau khổ trong cuộc sống thường ngày. Do đó, nếu Chúa không ban ơn giúp sức, chúng con không thể nào vác thập giá theo chân Chúa đến cùng được. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp cho chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

 VI. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Làm con thì phải vâng theo ý Cha mình. Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha, đến nỗi hy sinh cả mạng sống. Chúng ta hãy kết hợp tâm tình với Đức Giêsu để dâng lên Chúa Cha lời kinh sau đây.

– Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin giúp chúng con cam đảm từ bỏ mình và hằng ngày vác thập giá đi theo Con Cha. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”

VII. GIẢI TÁN

Trong tuần này, chúng ta hãy sống trong tâm tình từ bỏ và vác thập giá hằng ngày, như chúng ta đã nghe Đức Giêsu dạy trong Thánh lễ hôm nay.

 

https://gpcantho.com/soi-chi-do-chua-nhat-21-tn-nam-a-2/

 

 

Lectio Divina: Chúa Nhật XXII Thường Niên (A)

Chủ Nhật 30 Tháng Tám, 2020

Lectio Divina | Lectio Divina Năm A


Lời tiên báo đầu tiên về Cuộc Thương Khó

Sự ô nhục của thập giá

Mt 16:21-27

1.  Lời nguyện mở đầu 

Lạy Chúa Thánh Thần của chân lý, được sai đến bởi Chúa Giêsu để hướng dẫn chúng con tìm đến sự toàn chân, xin hãy soi sáng tâm trí chúng con để chúng con có thể hiểu được Kinh Thánh.  Ngài là Đấng đã rợp bóng trên Đức Maria và khiến bà thành đất màu mỡ nơi Lời của Chúa có thể nẩy mầm, xin hãy thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi trở ngại hướng đến Lời Chúa.  Xin giúp chúng con học hỏi giống như Đức Maria xưa kia với trái tim trinh khiết và tốt lành để lắng nghe Lời Chúa nói với chúng con trong đời sống và trong Kinh Thánh, để chúng con có thể tuân giữ Lời Chúa và sinh sản được những hoa trái tốt tươi qua sự kiên trì của chúng con.   

 2.  Bài Đọc 

a)  Bối cảnh:  

Đoạn Tin Mừng Mt 16:21-27 là đoạn sau khi ông Phêrô tuyên xưng đức tin (16:13-20) và trước đoạn Chúa Biến Hình (17:1-8) và đoạn này nối kết chặt chẽ với hai sự kiện này.  Chúa Giêsu yêu cầu Nhóm Mười Hai nói cho Người biết người ta nói Người là ai và sau đó lại muốn biết Nhóm Mười Hai nghĩ Người là ai.  Ông Phêrô thưa rằng:  “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (16:16).  Chúa Giêsu không những chỉ chấp nhận lời tuyên xưng đức tin này, mà còn nói rõ ràng rằng chính Thiên Chúa đã mặc khải danh tính thực sự của Người cho Phêrô.  Tuy nhiên, Người truyền cho các môn đệ đừng nói lại với ai rằng Người là Đấng Cứu Thế.  Chúa Giêsu biết rõ rằng danh xưng này có thể bị hiểu lầm và Người không muốn gặp phải các rủi ro.  “Kể từ đó” (16:21), Người dần dần bắt đầu giải thích cho Nhóm Mười Hai về ý nghĩa của Đấng Cứu Thế; Người là Đấng Cứu Thế chịu nhiều đau khổ sẽ bước vào sự vinh quang qua cây thập giá.  

Đoạn Tin Mừng chúng ta đang chiêm niệm được chia ra làm nhiều phần.  Trong phần thứ nhất (các câu 21-23), Chúa Giêsu báo trước về cái chết và sự phục sinh của mình và cho thấy rằng Người hoàn toàn quyết tâm làm theo chương trình của Thiên Chúa dành cho Người bất chấp lời phản đối của Phêrô.  Trong phần thứ hai (các câu 24-27), Chúa Giêsu cho thấy các hậu quả của việc công nhận Người là Đấng Cứu Thế chịu nhiều đau khổ cho các môn đệ của Người.  Không ai có thể làm môn đệ Người trừ phi người ấy đi cùng một con đường với Người. 

Nhưng Chúa Giêsu biết rõ rằng thật là khó cho Nhóm Mười Hai chịu chấp nhận thập giá của Người và của các ông, và, để trấn an, Người cho các ông thấy trước sự phục sinh của Người trong việc biến hình (17:1-8).  

b)  Phúc Âm: 

 

21-23:  Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy:  Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ với các Kỳ lão, Thượng tế và Luật sĩ, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại.  Khi ấy, Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng:  “Lạy Thầy, không thể thế được!  Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu.”  Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng:  “Hỡi Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những gì thuộc về loài người.” 

24-27:  Bấy giờ, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.  Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sống.  Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì?  Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?  Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các Thiên Thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc họ làm.  Thầy bảo thật các con:  trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người.” 

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện: 

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Tại sao Phêrô cố gắng can ngăn Chúa Giêsu đừng đối diện với cuộc thương khó? 

b)  Tại sao Chúa Giêsu gọi ông Phêrô là Satan?           

c)  Bạn đối mặt với cuộc sống như thế nào, với lý lẽ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu hay là với lý lẽ của người phàm và của Phêrô? 

d)  Trong đời sống thực tế hằng ngày của bạn, đành mất mạng sống mình vì Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?

e)  Những thập giá của bạn là gì và ai là Phêrô của bạn?

5.  Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.

“Phải đi đến Giêrusalem…”

Bốn động từ “đi”, “chịu đau khổ”, “bị giết” và “sống lại” (câu 21) bị chi phối bởi chữ “số phần” hoặc “phải”.  Đây là một động từ mà trong Tân Ước mang một ý nghĩa thần học chính xác.  Nó bao hàm rằng ý muốn của Thiên Chúa là một việc gì đó sẽ xảy ra bởi vì đấy là một phần của chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.

Cái chết của Đức Giêsu có thể được xem như là hậu quả “lý luận” về thái độ của Người đối với hệ thống xã hội của dân tộc Người.  Giống như mọi vị tiên tri phiền toái khác, Người đã bị trừ khử.  Nhưng Tân Ước nhấn mạnh rằng cái chết (và sự sống lại) của Đức Giêsu là một phần của kế hoạch Thiên Chúa mà Đức Giêsu tự nguyện nhận lãnh.

“Con là một trở ngại cản lối Thầy đi”

Vật trở ngại có nghĩa là cản lối hoặc cái bẫy.  Để là một trở ngại có nghĩa là đối đầu với ai đó với những điều ngăn trở sẽ làm người ấy chuyển hướng đi.  Phêrô là một vật trở ngại đối với Chúa Giêsu vì ông cố gắng làm lệch hướng con đường vâng phục ý muốn Chúa Cha để đi con đường dễ dàng hơn.  Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu so sánh ông với Satan, người mà vào lúc khởi đầu nhiệm vụ của mình đã tìm cách chuyển hướng con đường sứ vụ của Chúa Giêsu, đề nghị một sứ vụ thiên sai dễ dàng hơn (xem Mt 4:1-11).

“Ai đành mất mạng sống mình … sẽ được sống”

Những ai thấu hiểu các mầu nhiệm của Chúa Giêsu và tính chất của sứ vụ Người thì cũng hiểu làm môn đệ Người có nghĩa là gì.  Hai điều liên quan mật thiết với nhau.

Chính Chúa Giêsu đã đưa ra ba điều kiện cho những ai muốn trở thành môn đệ Người:  từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và theo Người (câu 24).  Từ bỏ chính mình có nghĩa là không tập trung đời sống mình vào bản thân người ấy mà là tập trung vào Thiên Chúa và về kế hoạch Nước Trời của Người.  Điều này hàm ý chấp nhận những nghịch cảnh và gian nan.  Chính Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta gương của Người về cách đối phó với những hoàn cảnh như thế.  Nó đủ để cho ta bắt chước Người.  Người không từ bỏ lòng trung thành với Chúa Cha và Nước Trời, và Người thậm chí còn trung thành đến nỗi thí cả mạng sống mình.  Chính vì thế mà Người đạt được sự viên mãn của đời sống trong sự phục sinh.

6.  Thánh Vịnh 40                                                                                                

Lời cầu nguyện hỗ trợ của kẻ vẫn trung thành với Thiên Chúa

Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp,
đặt chân tôi đứng trên tảng đá,
làm cho tôi bước đi vững vàng.
Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ
và tin tưởng vào CHÚA.

Phúc thay người đặt tin tưởng nơi CHÚA,
chẳng vào hùa với bọn kiêu căng
và những kẻ theo đường gian ác.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
Dầu con muốn loan đi kể lại,
nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!

Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: “Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.”

Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;
lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.
Đức công chính của Ngài,
con chẳng giữ riêng lòng mình biết;
nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài,
chẳng giấu giếm chi cùng đại hội
rằng Ngài thành tín và yêu thương.

Phần Ngài, muôn lạy CHÚA,
xin chớ ngừng âu yếm cảm thương con.
Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi.
Tai hoạ bủa vây con hằng hà sa số,
tội ác con đổ xuống trên mình, làm tối tăm mặt mũi,
thật nhiều hơn cả tóc trên đầu, khiến rụng rời tâm trí.

Lạy CHÚA, xin thương tình cứu con,
muôn lạy CHÚA, xin mau phù trợ!
Ước gì những kẻ tìm cướp mạng sống con,
đều phải nhơ nhuốc thẹn thùng!
Ước gì bọn đắc chí vì con mắc hoạ
phải tháo lui nhục nhã!
Những đứa cười ha hả nhạo con
phải thẹn thùng chết điếng!

Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa,
đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài!
Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ
luôn nói rằng: “ĐỨC CHÚA vĩ đại thay! “
Thân phận con khốn khổ nghèo hèn,
nhưng Chúa hằng nghĩ tới.
Ngài là Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con,
lạy Thiên Chúa con thờ, xin đừng trì hoãn!

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa, đường lối của Chúa không phải là đường lối của chúng con và những suy nghĩ của Chúa không phải là suy nghĩ của chúng con.  Trong chương trình cứu rỗi của Chúa cũng có chỗ cho cây thập giá.  Con Một Chúa, Đức Giêsu, đã không lui bước trước thập giá, nhưng “đã cam chịu khổ hình thập giá và chẳng nề chi sự ô nhục” (Dt 12:2).  Sự thù địch của những kẻ thù Người đã không thể làm Người xao lãng quyết tâm của Người là thực hiện thánh ý của Chúa Cha và công bố Nước Trời, bằng mọi giá.

Lạy Cha, xin hãy tăng thêm sức mạnh cho chúng con, với ân sủng của Chúa Thánh Thần.  Xin Chúa hãy giúp chúng con kiên quyết và trung thành theo Chúa Giêsu.  Xin Chúa hãy khiến cho chúng con thật sự noi theo gương Người và làm cho Nước Chúa là trung tâm điểm của đời sống chúng con.  Xin Chúa ban cho chúng con sức mạnh để chúng con chịu đựng được những nghịch cảnh và khó khăn để đời sống thực sự có thể triển nở trong chúng con và trong toàn thể nhân loại. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.  Amen.

https://dongcatminh.org/event/lectio-divina-chua-nhat-xxii-thuong-nien-a/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét