Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

THỨ BẢY TUẦN V MÙA CHAY


THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
(Ed 37,21-28 ; Gr 31 ; Ga 11,45-56.)

Bài đọc                                    Gr 11,18-20

21 Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau : Này chính Ta sẽ lấy con cái Ít-ra-en từ giữa các dân tộc chúng đã đi tới. Ta sẽ quy tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng. 22 Ta sẽ làm cho chúng thành một dân tộc duy nhất trong xứ, trên các núi Ít-ra-en ; tất cả chúng chỉ có một vua duy nhất ; chúng sẽ không còn là hai dân tộc, không còn chia thành hai vương quốc. 23 Chúng sẽ không còn ra ô uế vì những ngẫu tượng, những đồ gớm ghiếc và mọi tội ác của chúng nữa. Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở và đã phạm tội ; Ta sẽ thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân của Ta ; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. 24 Đa-vít, tôi tớ Ta, sẽ làm vua cai trị chúng ; sẽ chỉ có một mục tử duy nhất cho chúng hết thảy. Chúng sẽ sống theo các phán quyết của Ta, sẽ tuân giữ các thánh chỉ của Ta và đem ra thực hành. 25 Chúng sẽ định cư trên đất Ta đã ban cho tôi tớ Ta là Gia-cóp, phần đất mà tổ tiên các ngươi đã cư ngụ. Chính chúng và con cháu chúng sẽ định cư mãi mãi trên đó. Đa-vít, tôi tớ Ta, sẽ là ông hoàng lãnh đạo chúng cho đến muôn đời. 26 Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an ; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời. 27 Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng ; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta. 28 Bấy giờ, các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hoá Ít-ra-en, khi Ta đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời.



Đáp ca                                     Gr 31,10.11-12ab.13 (Đ. x. c. 10d)

Đáp :    Chúa canh giữ chúng con
như mục tử canh giữ đàn chiên.

10        Muôn dân hỡi, lắng nghe lời Đức Chúa
            và loan đi các đảo xa vời,
            rằng Đấng đã phân tán Ít-ra-en,
            cũng chính Người sẽ thâu tập lại,
            canh giữ họ như mục tử canh giữ đàn chiên.  Đ.

11        Vì Đức Chúa đã cứu chuộc nhà Gia-cóp,
            giải thoát họ khỏi tay kẻ mạnh hơn nhiều.
12ab    Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Xi-on,
            lũ lượt kéo nhau về hưởng ân lộc Đức Chúa. Đ.

13        Thiếu nữ bấy giờ vui nhảy múa,
            trẻ già cùng mở hội tưng bừng.
            Tang tóc họ, Ta biến thành hoan hỷ,
            và sau cảnh sầu thương,
            sẽ cho họ được an ủi vui mừng.                                  Đ.
           


Tung hô Tin Mừng                 x. Ed 18,31

Đức Chúa phán : Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới.



Tin Mừng                                Ga 11,45-56


45 Khi ấy, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói : "Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. 48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." 49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng : "Các ông không hiểu gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." 51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa ; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau : "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không ?"
Suy Niệm:
Câu nói của thượng tế Caipha: "Thà một người chết thay còn hơn cả toàn dân bị tiêu diệt" được coi như lời tiên tri về cái chết của Ðức Giêsu đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Ngài chết thay cho cả dân tộc và hơn thế nữa, cho toàn nhân loại được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi và trở về với Thiên Chúa. Ðức Giêsu chết thay cho mọi người. Vì thế, cái chết của Ngài mới có ý nghĩa. Và khi sống lại Ngài cũng làm cho sự sống của mọi người trọn vẹn.
Cuộc đời chúng ta cũng chỉ có ý nghĩa khi biết sống cho Chúa và cho tha nhân. Biết chia sẻ và cho đi như Chúa đã hy sinh chính mạng sống của Ngài.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết trên thập giá vì tội lỗi chúng con và cho chúng con được giao hòa cùng Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ mà Chúa đem đến cho chúng con. Amen.
(theo „Lời Chúa trong giờ kinh gia đình „

Bày Mưu Giết Chúa

Maximilianô Kolbe người Ba Lan thuộc dòng thánh Phanxicô rất hăng say hoạt động. Cha tình nguyện sang truyền giáo ở Nhật Bản, chuyên ngành in ấn sách báo. Sau đó, vì bị bệnh đau phổi, cha phải về lại Ba Lan điều trị.
Trong thời thế chiến II, quân đội Phát Xít Ðức đã chiếm đóng Ba Lan, chúng thấy cha có ảnh hưởng mạnh trên quần chúng, nên đã bắt giam vào ngục. Một ngày nọ, trại giam của cha có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh viên sĩ quan cai tù phát giác ra thiếu mất một người, viên sĩ quan liền áp dụng ngay luật lệ của Phát Xít Ðức: "Hễ một tù nhân trốn thoát thì mười tù nhân khác phải đền mạng". Viên sĩ quan cai tù đang rão bước gọi tên chọn 10 tù nhân sẽ phải chết, chợt có tiếng kêu thất thanh: "Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ". Giữa bầu khí thinh lặng và rùng rợn ấy, một tù nhân đứng ra khỏi hàng, đứng im cách nghiêm chỉnh. Viên sĩ quan Ðức quát lớn và hỏi: "Mi là ai?", và người đứng ra khỏi hàng ấy trả lời: "Tôi là Maximilianô Kolbe, linh mục Công giáo". "Mi muốn gì?" Cha Maximilianô Kolbe trả lời: "Tôi xin tự nguyện chết thay cho anh bạn tù này". Viên sĩ quan nói tiếp: "Vào xếp hàng thế chỗ đi". Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngác ngạc nhiên và thán phục. Cha Maximilianô Kolbe đã chấp nhận chết thay cho người bạn tù.
Ngày lễ phong thánh của cha Maximilianô Kolbe tại Rôma, có sự hiện diện của người bạn tù mà cha đã chết thay cho anh. Anh được đại diện lên dâng của lễ, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói về mẫu người hy sinh mạng sống mình của cha Maximilianô Kolbe như sau: "Ước gì sự sống và gương sáng của thánh Maximilianô Kolbe hướng dẫn chúng ta biết yêu thương chân thành, yêu thương vô vị lợi, xứng với địa vị là người Kitô hữu đúng nghĩa đối với tất cả anh chị em trong một thế giới mà hận thù không ngừng dày xéo cuộc sống con người".
Anh chị em thân mến!
Phải! Chết thay có thể là một hành động do hận thù, bất công. Nhưng đối với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho anh chị em. Ðó là một hành động của tình thương và nó sẽ khơi dậy những chuỗi tình thương tiếp nối. Chúa Giêsu Kitô đã trải qua kinh nghiệm này. Những người Do Thái không tin vào Chúa Giêsu, muốn bắt Chúa phải chết thay để người Roma không đến hủy diệt dân tộc Do Thái. Nhưng trong chương trình cứu rỗi nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu chấp nhận tự hiến, chịu chết thay để mọi người được sống và được sống đời đời. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cảnh đời trớ trêu của Chúa như sau: "Quí vị không nghĩ rằng, thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt".
Anh chị em thân mến!
Những người Do Thái không tin đã nhìn nhận những hành động của Chúa Giêsu trong một lăng kính phàm trần, đầy màu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì Người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta cứ để Người như thế này thì mọi người sẽ tin theo và quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy nơi này và dân tộc ta". Chúng ta lưu ý lối lý luận lộn xộn của người Do Thái không tin rằng: "Nếu dân chúng tin Thiên Chúa thì quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy thành Giêrusalem và dân tộc Do Thái".
Dân chúng tin theo Chúa là việc thuộc lãnh vực tôn giáo, còn quân đội Rôma đến phá hủy là việc chính trị. Vậy làm sao việc tôn giáo có thể kéo theo hậu quả của việc chính trị như vậy được? Nhà cầm quyền Rôma thời đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, mà quan Philatô đâu có muốn kết án tử hình Chúa Giêsu vì lý do tôn giáo, vì những tranh tụng tôn giáo giữa Chúa và những vị lãnh đạo của dân chúng đối chất. Trước mặt quan Philatô, họ phải tố cáo Chúa Giêsu về một tội chính trị, đó là xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Xêsarê.
Thực là trớ trêu, nhưng Chúa Giêsu không phản đối, không dùng uy quyền của một vị Thiên Chúa để trốn thoát. Khi giờ Ngài đến, Chúa Giêsu im lặng tiến vào cuộc thương khó, chịu đòn, chịu đóng đinh trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, để hòa giải và liên kết con người với Thiên Chúa Cha và với nhau. Những đồ đệ của Chúa được mời gọi để hiến dâng như vậy.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã khuyên nhủ những người con tinh thần của mình như sau: Ðây là bằng chứng để ta biết được lòng mến, là Ðấng ấy đã thí mạng sống vì ta và ta, ta cũng phải thí mạng sống vì anh em. Con hỏi cha: Ðâu là mức độ dấn thân?" Cha trả lời rằng: "Hãy làm như Chúa Giêsu thế mạng sống". Nếu con tuyên bố rùm beng, hoạt động khơi khơi, sống đạo lè phè, con sợ cơ cực, sợ nghèo, sợ tù, sợ chết. Nếu con dấn thân theo lối cứu viện cho người thắng trận, thì thôi nên dẹp tiệm, dấn thân trá hình, dấn thân thương mại. Những người khác quanh con đang đau thương khốn khổ trên đường mịt mù, sao con không đến với họ.
Ðời con phải hiến dâng để bắc nhịp cầu hy vọng đưa họ đến với Chúa là cùng đích, là tình yêu, là tất cả. Bên Chúa, nhân loại không còn ai là xa lạ, nhưng tất cả là anh em với con. Con hãy cố gắng chấp nhận hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục anh em về với Chúa. Hãy sống kết hiệp với Chúa để có đủ sức mạnh biến cảnh phải chết thay vì bất công, mưu mô ích kỷ trở thành một hiến lễ chịu chết thay để đưa anh em về với Chúa.
Lạy Chúa, nhìn lên Thập Giá Chúa, Ðấng đã chịu chết thay cho chúng con, vì thế con cũng được mời gọi sống như Chúa. Nhưng tự sức mình, con không có đủ can đảm để chịu như vậy. Xin Chúa thương ban ơn giúp sức cho con, để con đi trọn con đường Thập Giá với Chúa, góp phần mang lại tình yêu Chúa cho những người anh chị em trong môi trường con sống hằng ngày. Amen.


SUY NIỆM
Đức Giêsu đã từng nhiều lần bị tìm bắt, bị ném đá, bị đe dọa.
Nhưng đây là lần đầu tiên các thượng tế, các người Pharisêu 
và Thượng Hội Đồng của Do-thái giáo quyết định giết Ngài (c. 53).
Theo Tin Mừng Gioan, lý do gần nhất đưa đến quyết định đó 
là việc Đức Giêsu làm cho anh Lazarô chết bốn ngày sống lại (Ga 11).
Sự sống lại của anh đã khiến cho nhiều kẻ tin vào Đức Giêsu.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo sợ rằng phong trào theo Giêsu sẽ tiếp tục bành trướng,
mọi người sẽ tin, và quân Rôma sẽ đến phá hủy đất nước và nơi thờ tự (c. 48).
Caipha là vị thượng tế đương nhiệm năm ấy.
Đứng trước sự lúng túng và lo âu của các thành viên trong Thượng Hội Đồng,
đột nhiên ông phát biểu như không cần suy nghĩ thêm gì nữa :
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (c. 50).
Lời phát biểu bộc phát như thế, 
nào ngờ lại là một lời tiên tri thốt ra từ miệng một vị thượng tế.
Caipha chỉ muốn loại trừ Đức Giêsu để bảo đảm an ninh cho đất nước và Đền Thờ,
nhưng ông lại vô tình nói tiên tri về tính cứu độ của cái chết Đức Giêsu.
Cái chết ấy sẽ cứu cả dân tộc Do-thái khỏi bị tiêu diệt, 
Đức Giêsu chết thay cho dân của Ngài.
Nhưng Caipha không ngờ ảnh hưởng của cái chết ấy còn vượt xa hơn nhiều.
Ngài chết “không chỉ thay cho dân (Do-thái) mà thôi,
nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”
Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin vào Đức Giêsu
về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại (Ga 10, 16).
Cái chết ấy có khả năng kéo mọi người lên chẳng trừ ai (Ga 12, 32).
Đức Giêsu đã bị kết án ngay khi chưa có phiên tòa chính thức.
Ngài bị kết án tử vì đã trao ban sự sống cho một con người.
Cái chết của Ngài không ngăn cản được sự sụp đổ của thành Giêrusalem
và sự tan hoang của cả đất nước Do-thái vào năm 70. 
Nhưng cái chết ấy đã đem lại ơn cứu độ cho mọi người tin.
Hiệu quả của cái chết ấy vẫn còn mãi đến tận thế.
Đức Giêsu đã hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người (Mc 10, 45).
Năm 2008 người ta xác định được 20 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới.
Họ đã can đảm sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm,
và đón nhận cái chết như cái giá phải trả cho tình yêu muốn phục vụ.
Có bao tín hữu vô danh khác vẫn âm thầm nếm cái chết hàng ngày,
chỉ vì muốn theo gương Thầy Giêsu đem sự sống cho anh em.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
Nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
Mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
Và giữa ánh sáng,
Cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,
Nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
Xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
Xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
Dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
Đối diện với những thách đố
Vì biết rằng cuối cùng
Chiến thắng thuộc về người
Có niềm hy vọng lớn hơn. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
31/03/12 THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Ga 11,45-56

CHẾT THAY ĐỂ CỨU MỌI NGƯỜI

“Đức Giêsu không chỉ chết thay cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa về một mối.” (Ga 11,52)

Suy niệm: Đã có 26 nhà truyền giáo Công Giáo bị giết chết trong năm 2011, trong số đó có 18 linh mục, 4 nữ tu và 4 giáo dân. Các nhà truyền giáo này đã can đảm loan báo Tin Mừng qua đời sống phục vụ người nghèo, thăng tiến xã hội trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Các ngài phải trả giá bằng cái chết như Thầy mình, để đem lại sự sống cho nhiều người. Đức Giêsu đã vui lòng trao ban sự sống mình, vì biết rằng cái chết của Ngài không chỉ thay cho dân Do Thái mà thôi, nhưng còn có sức qui tụ nhân loại đang bị phân rẽ, chia cắt khắp nơi trên thế giới về một mối. Ngài mong mọi người sẽ qui tụ trong gia đình của Thiên Chúa, nơi mọi chia rẽ, đối nghịch sẽ tiêu tan.

Mời Bạn: 
Nhân loại được liên kết thành một mối trong thánh lễ khi họ tham dự vào hiến tế của Đức Giêsu: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp; đây là Máu Thầy sẽ đổ ra.” Vì thế, ước mong mỗi lần tham dự thánh lễ sẽ giúp bạn thêm ý thức về sự liên đới trong yêu thương giữa những người anh em, chị em trong gia đình của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay tôi sẽ tham dự thánh lễ hằng tuần và hằng ngày – mỗi khi có thể – cách sốt sắng. Đặc biệt khi rước lễ, tôi xác tín mình được nên một với Đấng đã hiến thân cho tôi và cho muôn người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ý định thâm sâu của Chúa là chịu chết để qui tụ nhân loại khắp nơi về một mối: mối thân tình của những người anh em, chị em trong gia đình của Chúa. Xin cho chúng con biết sẵn sàng hy sinh những quan điểm, lập trường, sở thích riêng để phục vụ trong hiệp nhất yêu thương.


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ed 37, 21-28; Tin Mừng theo Thánh Ga 11, 45-56.
LỜI SUY NIỆM: Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Gêrusalem để cử hành nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giêsu và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ như thế không?” (Ga 11,54-5).
          Sau khi Chúa Giêsu lánh riêng để cầu nguyện với Chúa Cha. Nhân ngày lễ dân chúng tụ tập về Giêrusalem cử hành nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ, họ tụ tập từng nhóm nhỏ, họ đang bàn tán trong dịp này Chúa Giêsu có còn xuất hiện công khai nữa hay không, vì hiện tại cả giáo quyền và chính quyền đang cấu kết với nhau để loại bỏ Ngài. Họ đã đánh giá Ngài quá thấp. - Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem một cách công khai. Đối với chúng ta, mỗi người đều mang trong mình một sứ điệp đã được Chúa và Giáo Hội ủy thác, chúng ta phải chu toàn sứ vụ của mình. Muốn công việc mang lại kết quả tốt đẹp cho phần rỗi của mình, cũng như cho việc truyền giáo, chúng ta  không nên liều lỉnh đi vào chỗ hiểm nguy một mình khi chưa cầu nguyện. Trước bất cứ một đối đầu nào chúng ta cũng phải gặp Chúa trong cầu nguyện trước đã; Rồi sau đó mới tiếp xúc, đối đầu.với con người và sự việc một cách can đảm dù phải hy sinh mạng sống của mình.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
31 Tháng Ba
Chọn Lựa

Ðời người là một chuỗi những chọn lựa và quyết định. Có những quyết định liên quan đến người khác. Có những chọn lựa thay đổi cả một đời người. Có lẽ quyết định nào cũng làm cho chúng ta ray rứt, dằn vặt.
Một chủ nông trại nọ thuê một người thanh niên đến nhặt khoai tây cho nông trại: Công việc xem ra thật đơn giản: chỉ cần phân loại các loại củ khoai tây và cho vào sọt. Lớn theo lớn, trung bình theo trung bình và nhỏ theo nhỏ... Sau một ngày làm việc, người thanh niên đến gặp ông chủ và xin nghỉ việc: gương mặt của anh trông hốc hác và thất sắc hẳn. Ðược hỏi lý do, anh giải thích như sau:: "Công việc của ông giao phó không phải là một công việc nặng nhọc, nhưng điều làm cho tôi nhức óc đó là phải chọn lựa".
Chọn lựa và quyết định là cả một gánh nặng đối với con người, bởi vì không ai có thể làm điều đó thay thế cho chúng ta cả. Chúng ta cần người khác chỉ bảo, chúng ta cần người khác góp ý, nhưng quyết định vẫn là phần của chúng ta.
Thú vật dường như không có chọn lựa vàquyết định. Tất cả đều được điều khiển bởi cái mà chúng ta gọi là bản năng. Con chim có trhể làm được một cái tổ vô cùng tinh vi mà không cần phải học hỏi, cũng như không sợ phải sai lầm. Trong khi đó thì khả năng tưởng chừng như vô song, con người vẫn cứ phải rơi vào lầm lẫn này đến lầm lẫn nọ.
Lầm lẫn, nghi ngờ, bất an, vô định là số phận của con người. Ðiều đó làm cho con người day dứt, khổ đau, nhưng đồng thời cũng nói lên giá trị cao cả của con người. Chính vì những giới hạn bất toàn của con người, mà con người càng cảm nhận được sự trợ giúp của Thiên Chúa... Khi nhìn ngắm vũ trụ bao la, khi nhìn lại thân phận bé nhỏ yếu hèn của mình, tác giả Thánh Vịnh thứ 8 đã phải thốt lên: "Lạy Chúa, con người là chi màChúa phải bận tâm?".
Bé nhỏ trong vũ trụ, bất toàn và giới hạn giữa muôn tạo vật, nhưng con người không phải là một con số vô danh. Dưới ánh mắt yêu thương và hằng quan tâm của Thiên Chúa, mỗi một con người là một giá trị độc nhất vô nhị, là đối tượng của một tình yêu độc nhất.
Chúa Giêsu đã đến trong trần gian để nói với chúng ta điều đó: Hai con chim sẻ không đáng giá một hào, vậy mà không một con nào rơi xuống đất theo ý Cha cả, huống chi là con người.
Thiên Chúa đã yêu thương con người: đó là lý do khiến chúng ta phải luôn đặt tất cả tin tưởng vào Ngài... Nhưng mò mẫm và lầm lỗi trong cuộc sống chỉ là những nẻo quanh co, nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ đưa chúng ta đến thành công, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và không ngừng dẫn dắt chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++

Thiên Chúa sẽ ban cho Dân Người một Đấng Cứu Độ
Bài đọc: Eze 37:21-28; Jn 11:45-57.
Nhìn lại lịch sử nhân lọai và lịch sử Cứu Độ, chúng ta thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa con người và Thiên Chúa: Con người gây thiệt hại tàn phá, Thiên Chúa xây dựng và tái tạo. Con người gây hận thù chia rẽ, Thiên Chúa tạo đoàn kết yêu thương. Con người gây chiến tranh chết chóc, Thiên Chúa ban hòa bình an lạc.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy hai thái độ tương phản giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Ezekiel tuy còn đang sống trong nơi lưu đày, nhưng đã nhìn thấy trước ngày mà Thiên Chúa sẽ làm hai việc cho dân Israel: (1) “Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở, đã phạm tội, và sẽ thanh tẩy chúng;” và (2) “Ta sẽ quy tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng.” Trong Phúc Âm, những người Pharisees triệu tập Thượng Hội Đồng để bàn tính kế họach giết Chúa Giêsu. Thượng Tế Caiaphas đã “vô tình” nói lên hai mục đích về cái chết của Chúa Giêsu: (1) Ngài phải chết thay cho tòan dân; và (2) cái chết của Ngài sẽ quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sẽ quy tụ dân thành một đoàn chiên, được chăn dắt bởi một Chúa Chiên.
1.1/ Thiên Chúa sẽ quy tụ dân Người về một mối: Ba điều tiên-tri Ezekiel tuyên sấm:
(1) Dân Do-thái sẽ được hồi hương: Vì không vâng lời Thiên Chúa dạy, dân tộc Do-thái bị mất quê hương và bị lưu đày: miền Bắc bị thất thủ và lưu đày sang Assyria năm 721 BC; miền Nam bị thất thủ và lưu đày sang Babylon năm 587 BC. Sống cực khổ nơi lưu đày, tiên-tri Ezekiel được Thiên Chúa cho thấy và tuyên phán: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Này chính Ta sẽ lấy con cái Israel từ giữa các dân tộc chúng đã đi tới. Ta sẽ quy tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng.”
(2) Dân Do-thái sẽ thống nhất: Dân tộc Do-thái bị chia đôi thành hai vương quốc Bắc và Nam trước Thời Lưu Đày. Tiên-tri Ezekiel cũng nhìn thấy cảnh đòan tụ hai miền Nam Bắc: “Ta sẽ làm cho chúng thành một dân tộc duy nhất trong xứ, trên các núi Israel; tất cả chúng chỉ có một vua duy nhất; chúng sẽ không còn là hai dân tộc, không còn chia thành hai vương quốc.”
(3) Dân Do-thái sẽ được thanh tẩy: Dân chúng bị lưu đày là vì họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa và thờ phượng các thần ngọai, và các tội bất công xã hội. Thời gian lưu đày là để thanh luyện các tội của dân, và để Thiên Chúa tha thứ cho dân khi họ thật lòng quay trở về với Ngài: “Chúng sẽ không còn ra ô uế vì những ngẫu tượng, những đồ gớm ghiếc và mọi tội ác của chúng nữa. Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở và đã phạm tội; Ta sẽ thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.”
1.2/ Thiên Chúa sẽ cho David, lãnh đạo dân chúng đến muôn đời.
(1) Vua David lãnh đạo dân: Vua David được coi như một vị vua nổi tiếng nhất trong các vua của Do-thái. Thời của Vua, tất cả 12 chi tộc sống bình an và lãnh thổ được thái bình thịnh trị. Vị Vua sẽ lãnh đạo dân cũng thuộc giòng dõi và nổi tiếng như Vua David. Vị Vua này “sẽ làm vua cai trị chúng; sẽ chỉ có một mục tử duy nhất cho chúng hết thảy. Chúng sẽ sống theo các phán quyết của Ta, sẽ tuân giữ các thánh chỉ của Ta và đem ra thực hành. Chúng sẽ định cư trên đất Ta đã ban cho tôi tớ Ta là Jacob, phần đất mà tổ tiên các ngươi đã cư ngụ. Chính chúng và con cháu chúng sẽ định cư mãi mãi trên đó. David, tôi tớ Ta, sẽ là ông hoàng lãnh đạo chúng cho đến muôn đời.”
(2) Thiên Chúa sẽ thiết lập giao ước mới với nhà Israel: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời. Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta.”
(3) Dân Chúa sẽ mở rộng đến các dân tộc: “Bấy giờ, các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hoá Israel, khi Ta đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời.”
2/ Phúc Âm: Thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.
2.1/ Thiên Chúa dùng Chúa Giêsu để quy tụ dân Người về một mối: Việc Chúa Giêsu truyền cho Lazarus đã chết ba ngày sống lại làm cho nhiều người tin vào Ngài. Đây là lý do chính để những người Pharisees lập kế giết Ngài. Họ nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." Những gì họ lo nghĩ đã thành hiện thực vào năm 70 AD, nhưng Chúa Giêsu không phải là lý do người Roma phá hủy nước Do-thái. Thượng Hội Đồng (Sandherin) bao gồm những người Pharisees, giữ cẩn thận Lề Luật, và những người Sadducees, quan tâm đến chính trị và xã hội.
(1) Chúa Giêsu chết thay cho tòan dân: Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caiaphas, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." Có một sự trùng hợp giữa những gì Caiaphas nói và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Chúa Giêsu phải chết để tòan dân được hưởng ơn cứu độ.
(2) Chúa Giêsu chết để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối: Có một sự trùng hợp khác nữa giữa thánh ý của Thiên Chúa và những gì Caiaphas nói. Thiên Chúa dùng ông để mặc khải ý định của Ngài: “Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.” Như lời tiên-tri Ezekiel báo trước trong Bài Đọc I, Chúa Giêsu đến để quy tụ dân thành một đòan chiên, và Ngài chính là Mục Tử Tốt Lành duy nhất chăn giữ đòan chiên này.
2.2/ Chúa Giêsu chuẩn bị chết thay cho toàn dân: Chúa Giêsu biết ý định của họ và biết ngày của mình trên dương gian sắp hòan tất, nên Ngài không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ephraim (gần Bethel). Người ở lại đó với các môn đệ.
Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Jerusalem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giêsu và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?" Họ nghĩ Chúa Giêsu không có can đảm để đối đầu với các thế lực chính trị và tôn giáo. Họ đã lầm, vì Chúa Giêsu không những dám vào, mà còn long trọng vào Thành Jerusalem với dân từ Bethany, trong Chủ Nhật Lễ Lá mà chúng ta sẽ cử hành để nhớ lại biến cố này ngày mai.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy học để làm như Thiên Chúa: xây dựng thay vì phá hoại, tạo đòan kết thay vì gây chia rẽ, yêu thương thay cho hận thù.
- Chúa Giêsu đã chết thay cho tất cả chúng ta. Ngài chết để đưa tất cả nhân lọai về cho Thiên Chúa. Đây là Tin Mừng mà chúng ta cần tin tưởng và loan báo cho mọi người.
- Thiên Chúa điều khiển mọi người và mọi sự. Tất cả những gì Ngài muốn sẽ hiện thực. Con người không thể làm bất cứ gì để vô hiệu hóa dù chỉ một kế họach của Thiên Chúa.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Ngày 31


Gương của Thiên Chúa": đó là tước hiệu đẹp nhất mà chúng ta có thể gán cho Đức Maria. Chúng ta đón nhận Đức Maria làm mẫu gương, có nghĩa là như Mẹ, không những đi tìm gương mặt Thiên Chúa, nhưng với những anh em khác hãy trở thành phản ánh gương mặt Thiên Chúa. Chúng ta phải có một xác tín rằng thế giới không được cứu bằng những bài diễn văn, nhưng bằng một sự hiện diện, ơn gọi là Kitô hữu, đó là cố gắng trở thành sự hiện diện của Đức Giêsu trên thế giới.
Trong Phúc Âm, không có lời nào đánh động cho bằng lời này của Đức Giêsu: "Ai thực hành ý muốn của Thiên Chúa, người đó là anh em, chị em và là mẹ Ta" (Lc 8,21). Theo gương của Đức Maria, chúng ta hãy là chiếc nôi của Đức Giêsu Kitô, để Người ban cho chúng ta một nhân tính luôn tăng trưởng, để cho Người tràn ngập trong hiện hữu của chúng ta để trở thành một sự hiện diện huyền bí giữa lòng lịch sử chúng ta.
Ơn gọi Ki tô hữu là trở thành gương mặt của Thiên Chúa. Sẽ có niềm vui trong thế giới ngay ngày hôm nay, nếu chúng ta trở thành phản ánh gương mặt Thiên Chúa cho nhau, phản ánh tình yêu của Người. Để nhận lấy lời chúc của Maurice Zundel: " Hãy trở thành gương trong để mặt trời chiếu xuyên qua."

Pierre Hugo, o.p
Thứ Bảy 31-3

Tôi Tớ Thiên Chúa Leo Heinrichs

(1867-1908) 
S
inh ở Oestrich, nước Ðức và tên là Giuse, ngay từ thời niên thiếu dường như ngài đã được tiền định để làm linh mục. Thật vậy, Giuse đã gia nhập tiểu chủng viện khi Bismarck, vị chưởng ấn, cho phát động chiến dịch Kulturkampf. Ðây là sự xung đột giữa giáo hội và quốc gia gây nên sự đổ vỡ trong nhiều phần của nước Áo và Thụy Ðiển cũng như nước Ðức trong nhiều thập niên.
Sau khi phải rời nước Ðức để đến Hòa Lan khi còn là một chú đệ tử, ngài gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên là Leo. Ngài theo các thầy Phanxicô khác đến Paterson, New Jersey, Hoa Kỳ là nơi ngài tiếp tục việc huấn luyện và được thụ phong linh mục năm 1891. Sứ vụ đầu tiên của Cha Leo là trông coi các giáo xứ trong vùng New Jersey.
Vào năm 1907, ngài được thuyên chuyển đến Denver, Colorado, và là cha sở xứ St. Elizabeth. Sau khi ở giáo xứ được năm tháng, vào ngày 23 tháng Hai 1908, Cha Leo chuẩn bị dâng Thánh Lễ vào sáu giờ sáng Chúa Nhật, dù rằng đây không phải là giờ lễ của cha, nhưng ngài tình nguyện dâng lễ thay cho một linh mục đang bị bệnh. Vào lúc rước lễ, các giáo dân xếp hàng lên rước lễ như thường lệ thì một người đàn ông, sau khi chịu lễ, đã nhổ bánh lễ ra và rút cây súng, được giấu trong áo khoác, bắn vào Cha Leo. Viên đạn trúng ngay tim. Khi cha qụy xuống, Mình Thánh vương vãi trên sàn; với tất cả tàn lực ngài cố gắng thu lượm lại Mình Thánh và đặt vào chén. Sau đó không lâu, hai tu sĩ Phanxicô xuất hiện. Một người xức dầu cho Cha Leo trong khi vị kia tiếp tục nhặt Mình Thánh vào chén. Chỉ vài giây sau, Cha Leo Heinrichs đã thở hơi cuối cùng.
Sau cái chết của ngài gần bốn năm, thi hài của Cha Leo được đưa về một khu đất mới trong nghĩa trang. Dù rằng quan tài và y phục đã mục nát, thân thể ngài vẫn còn nguyên vẹn. Ðã có nhiều phép lạ về tinh thần cũng như thể chất xảy ra qua lời cầu bầu của cha.

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét