Trang

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

THỨ SÁU TUẦN IV MÙA CHAY


Thứ Sáu sau Chúa Nhật IV Mùa Chay


Bài Ðọc I: Kn 2, 1a. 12-22
"Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã".
Trích sách Khôn Ngoan.
Những kẻ gian ác suy nghĩ chín chắn, đã nói rằng: "Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Nó tự hào mình biết Thiên Chúa và tự xưng là con Thiên Chúa. Chính nó là sự tố cáo những tư tưởng của chúng ta. Vì nguyên việc thấy nó, chúng ta cũng cáu, thấy bực mình, vì nếp sống của nó không giống như kẻ khác, và đường lối của nó thì lập dị. Nó kể chúng ta như rơm rác, nó xa lánh đường lối chúng ta như xa lánh những gì dơ nhớp, nó thích hạnh phúc cuối cùng của người công chính, nó tự hào có Thiên Chúa là Cha. Vậy chúng ta hãy xem coi điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!" Chúng nghĩ như vậy, nhưng chúng lầm, vì tội ác của chúng đã làm cho chúng mù quáng. Và chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, nên cũng chẳng hy vọng phần thưởng công chính, và chúng cũng không ưa thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 17-18. 19-20. 21 và 23
Ðáp: Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường (c. 19a).
Xướng: 1) Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. - Ðáp.
2) Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương dập nát. Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Chúa luôn luôn giải thoát. - Ðáp.
3) Ngài gìn giữ họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy. Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 94, 8ab
Hôm nay, các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán.

Phúc Âm: Ga 7, 1-2. 10. 25-30

"Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.
Có một số người ở Giêrusalem nói: "Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu".
Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: "Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta". Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Người Do thái chỉ biết Ðức Giêsu xuất thân từ gia đình Nazarét, nhưng họ không biết Chúa Cha nên không tin nhận Ngài là Ðức Kitô. Còn Ðức Giêsu, Ngài biết Thiên Chúa, và thực sự Ngài là Ðấng Thiên Sai.
Biết Thiên Chúa và sống trong Thiên Chúa, đó là đích điểm cuộc đời mỗi người Kitô hữu. Ðể biết Thiên Chúa, chúng ta phải qua trung gian là Ðức Giêsu, con đường dẫn đến ơn cứu độ. Mỗi người chúng ta phải chuyên cần tìm hiểu, gặp gỡ Ðức Giêsu trong Thánh Kinh, trong cuộc đời và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy cho chúng con biết: chỉ có Thiên Chúa mới là tuyệt đối; chỉ qua Ðức Giêsu chúng con mới thấy hạnh phúc đích thật. Xin Chúa ban Thánh Thần để Ngài hướng dẫn và dạy chúng con biết Ðức Kitô. Và qua Ðức Kitô, chúng con đến được với Thiên Chúa là Cha và là cùng đích của chúng con. Amen.

Dư Luận Về Chúa

Vào năm 1943, cô Chiara Lubic đã khởi xướng phong trào Focolare, tạm dịch là "Phong Trào Tổ Ấm" với lý tưởng hiệp nhất tất cả các thành phần dân Chúa. Chiara Lubic lúc ấy là một cô gái trẻ vừa tròn 18 tuổi. Tuy nhiên, cô đã có đời sống nội tâm sâu xa, yêu thích sống gần Thiên Chúa.
Một lần nọ, mẹ cô sai đi mua sữa cho em, cô vui vẻ làm công việc với tinh thần vui tươi hăng hái. Trên đường đi, cô cảm thấy dường như đã tìm được ơn gọi của mình là hành động bác ái giữa những người cùng khổ. Lúc đó, cô đang điều khiển một nhóm Công giáo tiến hành. Sau chuyến đi dự khóa hội thảo, cô đã quyết định theo Chúa bằng ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục.
Thế chiến thứ II bùng nổ, Chiara Lubic vẫn còn ở lại Trento để phục vụ các nạn nhân chiến tranh. Tình yêu của cô đối với tha nhân đã thu phục được nhiều thiếu nữ khác cùng sống lý tưởng "bác ái - hiệp nhất", nhìn thấy Chúa trong tha nhân, nhất là trong những người bị bỏ rơi và bị xua đuổi. Nếp sống ấy đã vượt ra khỏi ranh giới thành phố Trento.
Vào một ngày nọ, giữa năm 1948, một thanh niên 20 tuổi, chuyên viên điện, đến sửa điện ở nhà các cô, nghe các cô nói về Thiên Chúa và về kinh nghiệm sống, anh thích thú và muốn nghe mãi. Xong việc, thay vì nhận tiền công, anh ta lại xin được gia nhập làm thành viên của "Tổ Ấm" Chiara Lubic, vì nghe tiếng thiêng liêng buộc anh sống đời sống đó.
Rồi một kỹ sư nữa cũng đến xin gia nhập, thế là "Tổ Ấm" nam được thành lập. Trụ sở đầu tiên của "Tổ Ấm" nam là một chỗ nuôi gà, vịt được sửa lại. Ngày kia, có một linh mục đến gặp hai anh, thấy hai anh sống trong chuồng gà, ngài chê là điên. Các anh trả lời: "Chúng con điên vì tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng điên".
Anh chị em thân mến!
Trước Chúa Giêsu Kitô, con người phải có thái độ dứt khoát, Ngài là dấu hiệu muôn thuở. Ðối diện với Ngài, nhiều người khiêm tốn tuân phục, nhưng cũng có những kẻ khác tự kiêu, cố chấp từ chối, cho việc tin nhận Ngài là một hành động điên rồ. Nhưng để làm đồ đệ của Chúa thì chúng ta phải chấp nhận để người ta gọi mình là điên: "Ðiên vì tình yêu Chúa", qua đó ta có thể phân phát tình yêu Chúa cho anh em xung quanh.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã viết như sau: Người ngoài không hiểu được tại sao ta theo tiếng gọi của Chúa, và người ta cho là điên. Chính Chúa Giêsu cũng bị Hêrôđê gọi là điên, và chúng ta hãnh diện được ở trong nhà thương điên của Chúa.
Những người Do Thái được nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay chưa hẳn gọi Chúa Giêsu là điên, nhưng có thể cho Ngài là người ngông cuồng. Họ tự phụ cho mình đã biết được ngọn nguồn của Chúa xuất thân từ một gia đình nghèo, con ông Giuse và bà Maria, sinh sống tại Nazareth. Thật không thể nào tưởng tượng được một con người xuất thân thấp hèn như vậy mà dám xưng mình là Con Thiên Chúa. Mâu thuẫn của đức tin Kitô là thế đó. Con Thiên Chúa xuống thế làm người thấp hèn đến độ bị khinh thường như vậy.
Anh chị em thân mến!
Những người Do Thái tự phụ, cho mình là biết rõ ngọn nguồn của Chúa Giêsu. Nhưng thực sự họ không biết, vì tinh thần họ đã trở nên mù quáng trước những phép lạ, trước những dấu chỉ Chúa đã thực hiện trước mắt họ. Họ làm ngơ giả điếc trước mạc khải vô cùng quan trọng của Chúa Giêsu, về nguồn gốc thần linh của Ngài: "Ta bởi Thiên Chúa Cha mà đến, và chính Ngài là Ðấng đã sai Ta". Ðây là sự thật rất quan trọng và Giáo Hội đã đưa vào kinh Tin Kính để cộng đoàn và các đồ đệ của Chúa Giêsu tuyên xưng: "Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành... Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế..."
Sự cứu rỗi của nhân loại không phải là một tổ chức, nhưng là một mầu nhiệm; mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại. Con đừng hoài nghi lúc thấy con đường hy vọng vắng bóng những người mà thế gian cho là khôn ngoan. Chúa Giêsu đã báo trước: "Lạy Cha, Con đội ơn Cha, vì Cha đã dấu những điều này cho những kẻ khôn ngoan thông thái mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn". Con cảm tạ Chúa vì Ngài đã chỉ cho con biết sự khôn ngoan thật. Thế gian sợ khôn ngoan này, vì Chúa Giêsu gọi là đường hẹp, vì nó đảo lộn cuộc sống cũ, vì nó quấy rầy thế gian, vì nó đặt lại giá trị, vì thiên hạ cho là chướng tai. Nhưng những tâm hồn thiện chí, khiêm cung, những giới trẻ đầy nhiệt huyết qua mọi thời đại đã theo sự khôn ngoan thật này đến cùng Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn, để con có thể lãnh nhận sự khôn ngoan thật của Chúa. Xin thương cho con được gặp Chúa và giúp anh em xung quanh đến với Chúa. Amen
­­
. Giờ của Người chưa đến (Ga 7,30)
Suy niệm: 
Người Do Thái chỉ biết Ðức Giêsu xuất thân từ gia đình Nazarét, nhưng họ không biết Chúa Cha nên không tin nhận Ngài là Ðức Kitô. Còn Ðức Giêsu, Ngài biết Thiên Chúa, và thực sự Ngài là Ðấng Thiên Sai.
Biết Thiên Chúa và sống trong Thiên Chúa, đó là đích điểm cuộc đời mỗi người Kitô hữu. Ðể biết Thiên Chúa, chúng ta phải qua trung gian là Ðức Giêsu, con đường dẫn đến ơn cứu độ. Mỗi người chúng ta phải chuyên cần tìm hiểu, gặp gỡ Ðức Giêsu trong Thánh Kinh, trong cuộc đời và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Không ai trong chúng ta đã chọn lựa được sinh ra: không ai trong chúng ta đã chọn lựa chủng tộc, cha mẹ, dân tộc để sinh ra. Nếu được chọn lựa để sinh ra một lần nữa, có lẽ đa số trong chúng ta sẽ chọn lựa cho mình một cuộc sống khác.
Thế nhưng, với Chúa Giêsu thì không như thế, Ngài là người duy nhất trên trần gian đã chọn lựa cho mình tất cả để sinh làm người. Ngài đã chọn một người mẹ, một nơi sinh và những hoàn cảnh trong đó Ngài sẽ trưởng thành. Nếu phải chọn lại một lần nữa, có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ không thay đổi cuộc sống ấy, một cuộc sống nghèo khổ, tăm tối. Dĩ nhiên, chúng ta không thể hiểu được hoàn toàn tại sao Chúa Giêsu đã chọn lựa một cuộc sống như thế.
Cuộc sống nào cũng là một mầu nhiệm. Cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người lại càng là một mầu nhiệm đối với chúng ta hơn. Vào thời Chúa Giêsu, đa số những người Do Thái đều có một suy nghĩ giống nhau về thân thế của Chúa Giêsu. Họ biết rõ Ngài là con bác thợ mộc Giuse và Mẹ Ngài là bà Maria. Họ cũng biết rõ từ Nazaret không bao giờ có thể xuất phát một nhân vật tài ba nào cho dân tộc. Họ biết quá rõ về Ngài, nhưng chỉ biết theo sự hiểu biết và phán đoán của con người mà thôi.
Qua các thời đại, nhiều người đã tốn hao bút mực để viết về cuộc đời Chúa Giêsu. Đối với nhiều người, Ngài có thể là một vĩ nhân, một con người ý thức mình có một sứ mệnh đặc biệt. Nhưng Ngài cũng chỉ là một người như mọi người, nghĩa là cũng sinh ra, sống một thời gian rỗi cũng qua đi như mọi người. Trong khi đó, đối với kitô hữu, Chúa Giêsu chính là Con Một Thiên Chúa. Họ tin ở lời Chúa được ghi trong Tin mừng hôm nay. "Ta không tự mình mà đến, nhưng có Đấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài và Ta bởi Ngài và chính Ngài đã sai Ta". Tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người chính là biết nhìn xuyên qua cuộc sống lam lũ tăm tối của Ngài để nhận ra quyền năng Thiên Chúa của Ngài. Tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa là nhận ra giá trị của cuộc sống âm thầm ấy như một thể hiện của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa là biết khám phá ra điều phi thường ngang qua những công việc tầm thường nơi một Con Người sống lạ thường trước mắt người đời.
Chọn lựa cuộc sống nghèo hèn ấy và sau này tiếp tục sống thiết thân với những người cùng khổ bất hạnh. Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho chúng ta thấy phẩm giá cao cả của con người. Dù nghèo hèn đến đâu, mỗi người sinh ra trên đời cũng đều có một giá trị cao cả bất khả nhượng. Chọn lựa cuộc sống nghèo hèn và chấp nhận cái chết thê thảm nhất. Chúa Giêsu cũng muốn nêu bật giá trị và ý nghĩa của cuộc sống con người. Cái nghèo hèn trở nên sự giàu sang, cái mất mát trở thành lợi lộc, cái yếu đuối trở thành sức mạnh mang lại sự sống.
Mùa Chay, mùa của hoán cải, chúng ta được mời gọi thay đổi trước tiên cái nhìn của chúng ta. Tin nhận Chúa Giêsu là con Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận Ngài, là đi vào cái nhìn của Ngài, là đánh giá mọi sự bằng chính cái nhìn của Ngài. Mùa Chay là mùa quay trở lại với anh em. Ước gì cái nhìn của chúng ta đối với anh em không dừng lại theo những tiêu chuẩn thông thường của người đời, nhưng được mặc lấy ánh mắt tôn trọng, cảm thông, bao dung, tha thứ của Chúa. Ước gì cái nhìn của chúng ta về cuộc sống không đóng khung trong những phán đoán thông thường của người đời, nhưng được hướng dẫn bởi những tâm tình tin tưởng, phó thác, lạc quan của chính Chúa. 
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy cho chúng con biết chỉ có Thiên Chúa mới là tuyệt đối; chỉ qua Ðức Giêsu chúng con mới thấy hạnh phúc đích thật. Xin Chúa ban Thánh Thần để Ngài hướng dẫn và dạy chúng con biết Ðức Kitô. Và qua Ðức Kitô, chúng con đến được với Thiên Chúa là Cha và là cùng đích của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi sự mù quáng tinh thần, nhất là đừng để con vì những lợi lộc ích kỷ mà xa Chúa, hay tệ hại hơn chống đối và từ bỏ Chúa. Xin thương mở rộng tâm hồn và đôi mắt con cho con được nhìn ra Chúa. Xin Chúa thay đổi cái nhìn của con để con biết tôn trọng và lắng nghe tiếng Chúa nơi tất cả mọi người con gặp hàng ngày.


23/03/12 THỨ SÁU TUẦN 4 MC
Th. Turibiô Monrôvêkhô, giám mục
Ga 7,1-2.10.25-30

BIẾT ĐẤNG ĐẾN TỪ CHÚA CHA

Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”(Ga 7,28-29)

Suy niệm: Người Do thái nghĩ rằng họ biết Chúa Giêsu. Nhưng Ngài thật sự là ai và từ đâu đến thì họ hoàn toàn mù tịt. Với một cái biết hạn hẹp như thế nhưng họ lại cứ đinh ninh rằng mình biết. Thật là “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.” Đối lại, Chúa Giêsu khẳng định với mọi người về nguồn gốc thần linh của mình: Ngài đến từ Chúa Cha. Vì thế, nếu ai nói biết Ngài thì đong thời phải biết Chúa Cha; ai nhìn nhận Ngài là nhìn nhận Chúa Cha; và ai tin Ngài cũng là tin vào Tình Yêu của Cha.

Mời Bạn: Cái biết hạn hẹp về Chúa Giêsu của người Do thái ngày xưa đôi khi cũng chính là của bạn và tôi ngày nay. Vì thế, khám phá Đức Giêsu mỗi ngày qua Lời của Ngài để gặp gỡ và sống với Ngài là việc cần thiết cho mỗi Kitô hữu chúng ta trong cuộc sống.

Chia sẻ: Bạn cho biết: Chúa Giêsu thực sự là ai đối với bạn trong cuộc sống? Bạn sống với Ngài thế nào?

Sống Lời Chúa: Nhắc lại lời Chúa Giêsu để sống với Ngài: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chỉ qua Chúa chúng con mới đến được với Cha. Xin cho chúng con ngày càng hiểu biết Chúa hơn, đi theo Chúa và sống với Chúa thân mật hơn, để cùng với Chúa, chúng con được về với Cha trên quê hương đích thực. Amen.



Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Turibiô Môgrôvêjô, giám mục; Kn 2, 1a.12-22; Tin Mừng Ga 7, 1-2.10.25-30.
LỜI SUY NIỆM: Bấy giờ có những người ở Giêrusalem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa ông ta nói năng công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô. Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người  xuất thân từ đâu cả.” (Ga 7,25-27).
          Người Do-thái mãi quan niệm cho đến ngày hôm nay về Đấng Ki-tô là Đấng sẽ xuất hiện một cách bất ngờ và khác thường. Nhưng vì Chúa Giêsu đến, họ biết rõ gốc tích và nơi chốn cũng như cha mẹ của Ngài nên họ đã không công  nhận Ngài là Đấng Ki-tô.  Thiên Chúa muốn sai Con của Ngài đến và ở với chúng ta cũng như để con người đến và ở lại với Ngài, sự gắn bó và thân mật này là cần thiết để nâng đỡ con người vững bước tiến về nơi quê thật, điều này không chỉ được giới hạn trong một khung cảnh nơi chốn và thời gian nhưng là: Chúa muốn hiện diện với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Là người Ki-tô hữu chúng ta tạ ơn Ngài đã luôn ở với chúng ta, để Ngài ban ơn, thánh hóa và hướng dẫn đời sống chúng ta đi đến cùng đích để nhận được sự sống đời đời.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 23-03:
Thánh TURIBIÔ MONGRÔVEJO
Giám mục (1536 - 1606)
Có những trẻ em như đã biết Chúa làm gì, trong khi những người khác lo tìm kiếm. Những trẻ này biết an ủi và giúp đỡ người khác. Chẳng hạn dân Mayorga nước Tây Ban Nha, ngày kia, được thấy một em bé đến bên một phụ nữ đang giận dữ. Bà này mất một vật mà không mong tìm lại. Đứa trẻ nhã nhặn giải thích cho bà rằng: đừng nên làm như vậy bởi vì điều đó làm phiền lòng Thiên Chúa. Đứa trẻ tốt lành và tế nhị này tên là Turibiô, con thứ của lãnh chúa Mongrôvejô.
Ở trường Valladolid rồi ở Salamanca, Ngài thường nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo, Ngài còn muốn thống hối thay cho các tội nhân đến nỗi Ngài bị buộc phải bỏ những hy sinh. Người ta có thể tiên đoán là người sẽ thành một tông đồ bởi Ngài đã biết sống đúng đắn.
Khi đã lớn đủ, cùng với sự khôn ngoan, thông hiểu khá vững chãi, Ngài được vua Philippê II đặt làm chánh án tòa án Granada. Khi địa phận Lima trống ngôi năm 1578, thật ngạc nhiên khi người được chỉ định là một giám mục lại là Turibinô một giáo dân. Nghe tin này, Turibinô khóc ròng, Ngài quì dưới chân thánh giá viết thư cho nhà vua, trong đó Ngài tự diễn tả như một kẻ thù tồi tệ của vua vì những bất xứng của mình. Nhưng các lý lẽ ấy đã không lay chuyển được ai. Ngài thụ phong linh mục rồi giám mục và nhậm địa phận năm 1581.
Địa phận dành cho Turibiô có những khó khăn đến nỗi có thể ngăn chận Ngài lại nếu Ngài không phải là một vị thánh. Địa phận có chu vi là sáu trăm dặm, gồm nhiều thành phố và làng mạc rải rác trên hai dãy núi Andes.
Người Tây Ban Nha khai phá tân thế giới, ức hiếp dân chúng cách man rợ. Muốn cải hóa bằng roi, họ bắt dân làm nô lệ và muốn khai hóa dân thì họ lại chỉ thông cho dân những tật xấu của mình. Nhìn dân da đỏ say sưa liên lỉ, Turibiô không thể cầm được nước mắt Ngài quở trách những người chinh phục vì những lạm dụng cướp bóc của họ và tuyên cáo rằng: những cớ vấp phạm ấy phải dừng lại cho chân lý và tình thương ngự trị.
Vị mục tử đi tìm kiếm mọi con chiên của mình. Sa mạc nóng cháy, núi cao tuyết phủ, thú rừng hung tợn, tất cả đều không làm Ngài nản chí, những người Tây ban Nha quyền thế trở thành phó vương, rồi đến vua Philippe II, do những báo cáo sai lầm đã trách cứ Ngài. Nhưng tất cả những lề luật nghiêm khắc đó đã không làm cho Ngài tháo lui. Ngài biện hộ rằng : Chính Chúa Kitô chứ không phải thế gian sẽ phán xét Ngài.
Turibiô học ngôn ngữ dân Peru, Ngài dạy dỗ dân da đỏ như một người cha nhân từ. Lòng bác ái nhân từ của Ngài đối với họ không có giới hạn. Khi Ngài tới một làng hẻo lánh, dân chúng đổ xô đến với Ngài. Trước hết Ngài thăm hỏi những người đau yếu và không chữa chạy cho họ được, Ngài dạy cho họ biết chết lành. Khi phân phát tình yêu Chúa Kitô, Ngài cũng tái lập sự công bình. Dần dần các thành phố và cả những nơi cô quạnh có người Kitô hữu cư ngụ đông đảo. Thánh Turibiô thiết lập các chủng viện, các viện cứu tế.
Trong hai mươi lăm năm, Ngài đi thăm viếng giáo phận rộng lớn và hoang dã của mình ba lần, mỗi lần phải mất tới bảy năm. Ngài kiên trì ngồi tòa mỗi sáng. Người ta nói rằng: khi cầu nguyện, Ngài tỏa chiếu từ khuôn mặt một tia sáng siêu nhiên. Mệt nhọc đã là một việc sám hối rồi, Ngài còn hy sinh và ăn chay thêm nữa. Khi có ôn dịch trong giáo phận, Ngài tăng gấp đôi lời cầu nguyện hãm mình, Ngài cũng tổ chức nhiều cuộc rước, khi tham dự chính Ngài rơi lệ uớt cả thánh giá cầm trong tay.
Trong khi bất dầu cuộc kinh lý mớí, Ngài đã ngã bệnh tại Santa, Ngài chỉ biết lập lại lời thánh Phaolô : "Tôi ao ước thoát khỏi những ràng buộc của thể xác để kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô".
Gần chết Ngài xin những người chung quanh hát lời thánh vịnh  : - Tôi vui mừng khi nghe nói cùng tôi : chúng ta đi về nhà Thiên Chúa
Thế là cái chết của Ngài được coi như một thánh lễ. Lời cuối cùng của Ngài là lời chính chúa Kitô  : - Lạy Chúa, con phó thác linh hồn con trong tay Chúa. Ngài tự đi tới thánh đường Santa để lãnh các bí tích cuối cùng và kết hiệp với Thánh Thể, Ngài qua đời năm 1606.
(Daminhvn.net)
Tin thế nào sẽ sống như vậy
Bài đọc: Wis 2:1, 12-22; Jn 7:1-2, 10, 25-30.
Nhu cầu học hỏi để biết phân biệt đúng, sai rất quan trọng. Lý do: Tin thế nào sẽ thực hành như vậy. Nếu một người biết đúng, người đó sẽ thực hành đúng; ngược lại, nếu người đó biết sai hay không biết, làm sao người đó có thể hành động đúng được? Vì thế, con người phải học hỏi và được dạy dỗ không ngừng để biết phân biệt phải, trái.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh các hành động sai lầm và độc ác của việc biết sai về Thiên Chúa và về Đấng Cứu Thế. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan phơi bày suy luận sai lầm và hành động ác độc của những người không tin nơi Thiên Chúa và cuộc sống đời sau. Họ truy tố và hành hạ người công chính để thử xem đức tin của người công chính có thắng vượt được những tra tấn dã man mà họ nghĩ ra! Trong Phúc Âm, vì không hiểu thực sự Đấng Thiên Sai là ai và cách cứu độ của Ngài, người Do-thái tìm cách bắt bớ và tiêu diệt Đức Kitô.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm tin sai lầm về Thiên Chúa và về cuộc đời
1.1/ Niềm tin của những người vô thần dẫn tới hành động ác độc của họ:
(1) Niềm tin sai lầm: Họ nghĩ: “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty.” Theo truyền thống Do-thái, niềm tin về đời sau của họ rất mơ hồ; đa số chỉ tin phần thưởng Thiên Chúa ban cho những ai bước đi trong Lề Luật của Ngài là sống lâu, con đàn cháu đống, và hạnh phúc ở đời này. Mãi cho đến thời của tiên-tri Daniel và anh em nhà Maccabees (3rd tới 2nd BC), niềm tin vào sự sống lại và hạnh phúc đời sau mới rõ nét hơn. Sách Khôn Ngoan cũng được viết trong khỏang thời gian này. Đối với những người vô thần, họ tin chết là hết và không có đời sau. Họ không tin Thiên Chúa, Đấng có thể giải thóat người công chính và trừng phạt kẻ tội lỗi và bất công.
(2) Hành động ác độc của người vô thần: Tin thế nào sẽ sống như vậy. Vì không tin đời sau, nên bao nỗ lực của họ dành cả cho đời này. Họ ghét người công chính, không phải vì người công chính làm hại họ, nhưng vì lối sống của những người công chính làm cho lương tâm của họ bị cắt rứt. Họ nói: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.” Họ đâu biết chính nhờ lương tâm cắn rứt, sẽ giúp họ nhận ra điều sai trái họ làm mà quay trở về với đàng ngay nẻo chính! Nhưng vì họ đã ở trong bóng tối quá lâu, họ mất sức mạnh để ra ngòai ánh sáng.
Họ muốn tất cả mọi người phải sống như họ. Họ cảm thấy khó chịu và bất an khi thấy có người nào sống khác họ: “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi. Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn.” Đây là thái độ của nhiều con người vô thần thời nay. Họ lạm dụng tự do ngôn luận để bắt ai cũng phải sống như họ: cấm không cho đọc kinh hay thinh lặng trước giờ học, bắt tất cả học sinh phải biết về vấn đề tình dục ở tuổi mới lớn, bắt người tin Thiên Chúa phải trợ phá thai hay bán uống thuốc phá thai …
1.2/ Cần phải học cho biết đúng về Thiên Chúa: Để tránh những hiểu biết sai lầm và những hành động ác độc giữa con người với con người, tất cả đều cần học biết về Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi sự và điều khiển muôn lòai. Điều trước tiên con người phải nhận ra là có Thiên Chúa qua những công trình tạo dựng và quan phòng của Ngài trong vũ trụ. Thứ đến, con người cần học để hiểu biết Ngài là ai và các ý định của Ngài khi dựng nên muôn lòai; nhất là các ý định cho con người cả đời này và đời sau.
Con người cũng cần phải học biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa: Giữa Thiên Chúa và con người có một sự khác biệt vô cùng, như tiên-tri Isaiah tuyên bố: tư tưởng và đường lối của Ta không phải là tư tưởng và đường lối của các ngươi; như Trời cao hơn đất thể nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các ngươi như vậy. Vì thế, để thử xem có Thiên Chúa hay không bằng cách đánh đập những người công chính là chuyện khôi hài. Ngài có kế họach riêng cho con người phải theo, và Ngài không thay đổi kế họach đã có vì thách thức của con người.
Hơn nữa, ngay cả những cực hình mà những người vô thần dùng để thử thách những người công chính cũng nằm trong kế họach của Thiên Chúa. Chúng cần thiết để con người chứng tỏ niềm tin vào Ngài. Những người vô thần không chỉ thử thách Thiên Chúa, mà còn muốn nhìn thấy sự thay đổi niềm tin của người công chính vì sợ cực hình, như lời họ nói: “Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
2/ Phúc Âm: Niềm tin sai lầm về Đấng Cứu Thế cũng dẫn tới những hành động sai lầm.
2.1/ Niềm tin sai lầm vào Đấng Cứu Thế: Điều sai lầm trước tiên của người Do-thái là họ quá quan tâm đến nguồn gốc con người mà quên đi nguồn gốc Thiên Chúa của Ngài. Điều sai lầm thứ hai là họ lầm lẫn nơi Đức Kitô sinh ra và nơi Ngài lớn lên như trình thuật ngày mai sẽ đề cập tới. Điều một số người tuyên bố hôm nay chứng tỏ họ không rành rẽ Kinh Thánh: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” Tiên-tri Micah đã tuyên bố đích danh nơi sinh của Đấng Thiên Sai: “Phần ngươi, hỡi Bethlehem Éphratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Judah, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mic 5:1).
Hành động sai lầm: Vì không hiểu rõ nguồn gốc cũng như Kế Họach Cứu Độ của Đấng Thiên Sai, nên những người Do-thái tìm vách bắt bớ và giết Ngài, chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.
2.2/ Cần học hỏi để biết Đấng Cứu Thế thực sự là ai: Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: "Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi." Hôm qua, chúng ta đã nói về 5 chứng nhân của Đức Kitô; qua 5 chứng nhân này, con người đã có nhiều hơn 2 nhân chứng mà Lề Luật đòi hỏi để họ tin vào Ngài. Những ngày kế tiếp, Đức Kitô sẽ tiếp tục mặc khải về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa qua Cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại của Ngài.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Kiến thức về Thiên Chúa, về Chúa Kitô, và về các ý định của Thiên Chúa cho con người rất cần thiết cho chúng ta để đạt tới đích điểm mà Thiên Chúa đã tiền định cho con người. Nếu chúng ta không biết ý định và đường lối của Thiên Chúa, chúng ta sẽ tin và làm theo những gì chúng ta suy nghĩ.
- Tất cả những kiến thức này đã được mặc khải và viết lại trong Kinh Thánh. Chúng ta cần bỏ thời gian để học hỏi trước khi có thể thi hành Kế Họach Cứu Độ theo đường lối của Thiên Chúa.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Suy nim:
Lễ Lều là một đại lễ hàng năm qui tụ đông đảo dân chúng lên Đền thờ. 
Đây là một lễ rất vui, kéo dài cả tuần (Lv 23, 34-36). 
Mục đích chính là để tạ ơn Chúa vì hoa trái mùa màng Ngài ban, 
và còn để nhớ lại tình thương Chúa trong thời gian 40 năm đi trong hoang địa. 
Lễ Lều là một lễ hội tưng bừng và long trọng bậc nhất. 
Những người tham dự cắm trại trong các lều làm bằng cành lá, 
được dựng trên mái nhà, gần nhà hay ngoài đồng. 
Mỗi buổi sáng có lễ rước nước từ hồ Silôam để rưới lên bàn thờ. 
Mỗi tối, tiền đình phụ nữ nơi Đền thờ rực rỡ ánh nến và vang tiếng múa hát.
Đức Giêsu đã không muốn bỏ qua lễ hội này, 
dù lên Đền thờ Giêrusalem bây giờ thật là nguy hiểm đến tính mạng, 
vì người Do Thái, nghĩa là giới lãnh đạo Do Thái giáo, đang tìm cách giết Ngài. 
Đức Giêsu đã chọn giải pháp lên Đền thờ một cách kín đáo (c.10). 
Nhưng vào giữa kỳ lễ, Ngài đã giảng dạy công khai, không chút sợ hãi (c. 14). 
Đức Giêsu dám đối mặt với thế lực đang đe dọa Ngài. 
Ngài bình tĩnh giảng ngay nơi Đền thờ, 
trước những thượng tế, những người Pharisêu, và dân cư ngụ ở Giêrusalem. 
Họ chẳng dám làm gì Ngài, vì giờ của ngài chưa đến (c. 30).
Xảy ra cuộc tranh luận giữa Ngài với dân cư ngụ ở Giêrusalem. 
Chẳng có chút thiện cảm nào với Ngài, họ chỉ muốn làm hại Ngài. 
Họ tin vào điều này một cách vững chắc : 
“Khi Đấng Kitô đến, chẳng ai biết Người đến từ đâu” (c. 27). 
Nguồn gốc của Đấng Kitô, đối với họ, phải là một điều bí ẩn. 
Họ không tin Đức Giêsu là Kitô, bởi lẽ họ “biết ông này đến từ đâu.” 
Chắc họ đã nghĩ Đức Giêsu là dân vùng Nazareth, 
làm nghề thợ mộc, sống với cha mẹ là Giuse và Maria. 
Tự hào về cái biết đúng nhưng không đủ ấy của họ, 
đã khiến họ ngừng lại nơi nguồn gốc trần thế của Đức Giêsu.
Đức Giêsu thật là Đấng Kitô. 
Và đúng như dân Giêrusalem đã tin, nguồn gốc của Ngài thật không dễ biết. 
Đức Giêsu biết nguồn gốc của mình. 
Ngoài gốc nhân loại, Ngài còn gốc thần linh, gốc từ trời. 
Ngài không tự mình mà đến, nhưng từ Thiên Chúa chân thật mà đến. 
Ngài xuất thân từ Thiên Chúa và được Thiên Chúa sai đi (cc. 28-29).
Dân Giêrusalem không thấy được trọn vẹn con người Đức Giêsu. 
Họ đã giết Đấng Kitô đang ở gần bên họ, vì họ mơ một Đấng Kitô bí ẩn khác. 
Làm sao tôi có thể nhận ra Đức Kitô cao cả 
đang ở bên những người tầm thường tôi gặp mỗi ngày ?
Cầu nguyn:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Ngày 23

Thánh Turibiô Môgrôvêpô, giám mục

Một bí mật đầy ánh sáng

Nếu Đức Giêsu mời chúng ta không phô trương những của bố thí, âm thầm rút vào phòng của chúng ta, đừng công khai việc ăn chay của chúng ta, chỉ vì Người muốn dẫn chúng ta vào gốc cội hiện hữu của chúng ta. Gốc cội này, đó là hành động tình yêu sáng tạo là nguồn gốc tuyệt đối của mỗi hữu thể con người. "Ta đã yêu ngươi bằng một tình yêu vĩnh cữu." Mỗi con người là duy nhất trước mắt Thiên Chúa: "Ta kêu con bằng chính tên con, con có giá trị trước mắt của Ta và Ta đã yêu con." Sách Khải Huyền nói về "một tên mới mà không ai biết, ngoài người lãnh nhận." Chính sự sâu thẳm này mà Đức Giêsu muôn dẫn chúng ta đến, để chúng ta ý thức về tình yêu đầu tiên, nhưng không và sáng tạo, nếu không có tình yêu này chúng ta sẽ rơi trở lại vào hư vô. Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta nên chúng ta có thể cho "người thực hiện công trình nhân ái" tràn đầy. Bây giờ chúng ta sẽ thoát được cơn cám dỗ kiêu ngạo. Chúng ta không còn qui về chính mình, nhưng về tình yêu mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta để tình yêu này chiếu sáng của cuộc đời chúng ta. Trong suốt mùa Chay, ánh sáng có thể chiếu soi suốt con đường của chúng ta.
Đan viện phụ Jean Civelli
(Bayard)
Thứ Sáu 23-3

Thánh Turibius ở Mogrovejo

(1538 - 1606)

Cùng với Thánh Rosa ở Lima, Thánh Turibius là vị thánh đầu tiên nổi tiếng ở Tân Thế Giới, phục vụ Thiên Chúa ở Peru, Nam Mỹ trong 26 năm.
Sinh ở Tây Ban Nha và theo học về luật, ngài trở thành một học giả sáng giá đến nỗi được làm giáo sư luật cho Ðại Học Salamanca, và sau đó trở thành chánh án Toà Thẩm Tra ở Granada dưới thời Vua Philip II. Ngài rất thành công, nhưng vẫn chưa phải là một luật sư có thể ngăn cản được những biến cố đột ngột xảy ra trong đời.
Khi toà giám mục Lima trong thuộc địa Peru của Tây Ban Nha trống ngôi, nhà vua quyết định Turibius phải là người giữ chức vụ đó: vì ngài cương quyết và có tinh thần đạo đức. Sau khi được thụ phong linh mục và tấn phong giám mục, ngài được gửi sang Peru năm 1581, là nơi ngài chứng kiến sự tồi tệ của chủ nghĩa thực dân. Ở đây, người Tây Ban Nha xâm lăng vi phạm đủ mọi loại tội lỗi đối với người địa phương. Các lạm dụng của hàng giáo sĩ cũng thật lộ liễu, và Ðức Turibius đã dồn mọi nỗ lực để cải tổ lãnh vực này trước hết.
Ngài bắt đầu các cuộc thăm viếng lâu dài và gian khổ đến tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận mênh mông. Ngài học tiếng địa phương, và trong các chuyến công tác, có khi phải ở đó đến hai ba ngày mà thường không có thực phẩm cũng như giường chiếu. Mỗi sáng ngài đều xưng tội với cha tuyên uý, và cử hành Thánh Lễ với sự sốt sắng tột độ. Trong những người được Thêm Sức từ tay ngài là Thánh Rosa ở Lima, và có lẽ cả Thánh Martin de Porres nữa.
Ngài giúp thiết lập các trường học, nhà thờ, và mở cửa chủng viện đầu tiên trong Tân Thế Giới. Ðể sinh hoạt mục vụ với những người thổ dân, ngài còn sành sõi một vài tiếng địa phương.
Ngài được phong thánh năm 1726.
Lời Bàn
Quả thật Thiên Chúa đã uốn thẳng các đường lối quanh co. Trái với ý định của Turibius, và lại phát xuất từ điểm không ai ngờ là Toà Thẩm Tra, con người này đã trở nên vị chủ chăn giống như Ðức Kitô của các người nghèo và người bị áp bức. Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn biết yêu thương tha nhân như điều họ mong đợi.

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét