Trang

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

10-07-2014 : THỨ NĂM TUẦN XIV MÙA THƯỜNG NIÊN

10/07/204
Thứ Năm sau Chúa Nhật 14 Quanh Năm

  
Bài Ðọc I: (Năm II) Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9
"Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Thiên Chúa phán: "Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
"Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.
Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4b).
Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các vệ binh thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin tỉnh thức quyền năng của Chúa. - Ðáp.
2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy; bảo vệ ngành nho mà tay Ngài đã củng cố cho mình. – Ðáp

Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 7-15
"Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy đi rao giảng rằng "Nước Trời đã gần đến". Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
"Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: "Bình an cho nhà này". Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chỉ Thị Truyền Giáo
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một số chỉ thị cụ thể liên quan đến việc thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận. Trước hết, về chính việc rao giảng Tin Mừng: Hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong cùi được khỏi bệnh và khử trừ ma quỉ. Vì là người được Chúa ủy thác, nên phải thi hành đúng chỉ thị của Ngài: rao giảng Nước Trời, cứu vớt những người nghèo khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội.
Liên hệ đến tâm thức và cách sống của nhà truyền giáo, Chúa Giêsu nói đến tính cách nhưng không của việc hiến thân, tinh thần vị tha, giao tiếp hiền hòa với những ai đón nghe lời rao giảng cũng như với những ai từ chối. Ðã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Ðừng mang vàng bạc, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giầy hay cầm gậy. Vì thợ thì có quyền được nuôi ăn. Khi vào nhà nào thì hãy chào thăm và chúc lành cho nhà đó.
Chúa Giêsu không những ủy thác việc rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, Ngài còn muốn đời sống các ông phù hợp với lời giảng dạy. Nội dung cốt yếu của sứ điệp không do quyết định tự do hoặc sáng kiến của người rao giảng, mà là do chính Chúa Giêsu ấn định, đó là Nước Trời. Người được sai đi với tư cách là thừa tác viên phải thi hành đúng như Chúa đã truyền. Ngài mời gọi họ dấn thân sống đầy đủ mỗi ngày lý tưởng truyền giáo và lý tưởng của người môn đệ. Ðiều quan trọng phải nhớ là hành trang của nhà truyền giáo khi theo Chúa Giêsu là lời của Ngài và đời sống nghèo khó của Ngài. Tất cả những sự khác phải được coi là dư thừa, nhiều khi còn là ngăn trở cho việc truyền giáo. Kinh nghiệm cho thấy rằng những ai dấn thân sống nghèo khó và hy sinh cho người khác, sẽ được Chúa cho lại gấp trăm.
Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức sứ mệnh Chúa đã trao và quảng đại dấn thân để góp phần mở rộng Nước Chúa nơi trần gian. Xin giải thoát chúng ta khỏi những hành trang vô ích, dư thừa, cản trở việc rao giảng Tin Mừng, để chúng ta không lạc bước trong khi thi hành sứ mệnh cao cả đã lãnh nhận.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 14 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Hos 11:1b, 3-4, 8c-9; Mt 10:7-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của Thiên Chúa thắng vượt sự vô ơn của con người.
Công bằng và thương xót là hai trong những đặc tính nơi Thiên Chúa. Nhiều người đã tự hỏi đặc tính nào nổi bật hơn nơi Thiên Chúa? Nhiều người cho Thiên Chúa của Cựu Ước mang hình ảnh của Thiên Chúa công bằng; trong khi Chúa Giêsu của Tân Ước mang hình ảnh Thiên Chúa thương xót hơn. Thực ra, Thiên Chúa của Cựu Ước cũng là Thiên Chúa của Tân Ước. Hình ảnh một Thiên Chúa thương xót vẫn trổi vượt hơn nếu chúng ta so sánh tỉ lệ thời gian 2000 năm của Cựu Ước với 33 năm ngắn ngủi của Chúa Giêsu sống trên trần gian. Nếu Thiên Chúa không thương xót bỏ qua lầm lỗi, loài người chúng ta đã không tồn tại đến ngày hôm nay!
Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn những tội lỗi và sự vô ơn của con người. Trong bài đọc I, ngôn sứ Hosea diễn tả tình thương Thiên Chúa dành cho con cái Israel như tình thương của một người cha nuôi dưỡng đứa con thơ của mình. Lòng thương xót của Ngài đã thắng vượt tất cả những tội lỗi và vô ơn của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu lo lắng cho các thế hệ tương lai bằng cách đào tạo các tông đồ. Ngài huấn luyện, ban quyền và sai họ đi để trừ quỉ, chữa lành mọi bệnh tật, và mang Tin Mừng đến cho mọi người cách nhưng không.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: "Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm."
1.1/ Thiên Chúa chăm sóc con cái Israel như cha hiền chăm sóc con thơ: Biến cố Xuất Hành, khi Thiên Chúa dẫn đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập là một bằng chứng cho Israel nhận thấy Ngài yêu thương họ. Ngài đập tan quân đội Pharaoh, đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc, và đẩy lui tất cả các địch thù trên đường tiến vào Đất Hứa. Ngôn sứ Hosea diễn tả sự yêu thương này qua hình ảnh người cha chăm sóc cho đoàn con của mình: “Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.”
1.2/ Lòng thương xót của Thiên Chúa toàn thắng: Chỉ được ít lâu sau khi vào Đất Hứa, con cái Israel bắt đầu quên công ơn Thiên Chúa và không tuân giữ những gì Chúa truyền dạy. Tội nặng nhất và xảy ra rất nhiều lần là tội bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại. Mỗi lần như thế, thay vì thẳng tay tiêu diệt, Thiên Chúa lại gởi các ngôn sứ hay các nhà lãnh đạo tới để mang con cái Israel trở về.
Trong trình thuật hôm nay, ngôn sứ Hosea dùng ngôn ngữ con người để con cái Israel hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa. Câu hỏi đặt ra là Thiên Chúa nên đối xử công bằng hay theo lòng thương xót? Nếu Thiên Chúa đối xử công bằng, Israel sẽ không trách Thiên Chúa được điều gì cả, vì tội lỗi của họ đã xúc phạm quá nhiều lần tới Thiên Chúa. Mỗi khi muốn đánh phạt con cái Israel, Thiên Chúa đã bị dằn vặt và khổ tâm: một bên là công bằng phải thẳng tay tiêu diệt như Ngài đã tiêu diệt 4 thành của Dân Ngoại: Admah, Zeboiim, Sodom và Gomorrha bằng lửa diêm sinh từ trời (Deut 29:23), một bên là lòng thương xót khi phải nhìn những đứa con ruột chìm trong biển lửa. Ngài đã phải thốt lên: “Làm sao Ta xử với ngươi như với Admah, để ngươi nên giống như Zeboiim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa.”
Để hiểu sự đau khổ của Thiên Chúa, chúng ta có thể so sánh với những đau khổ của cha mẹ khi nuôi dưỡng con cái: Con hư cha mẹ đã buồn, con bị đánh đau, lòng mẹ còn xót xa hơn, con vô ơn bạc nghĩa, lòng mẹ quặn đau như bị dao đâm. Cho dẫu vậy, sự đau đớn của mẹ vẫn còn thua xa sự đau đớn của Thiên Chúa. Ngài vẫn kiên nhẫn chờ con người nhận ra tình thương và ăn năn trở lại. Sau cùng, lòng thương xót của Thiên Chúa toàn thắng. Lý do đơn giản: “vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.”
2/ Phúc Âm: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
2.1/ Bổn phận các môn đệ: Chúa chọn các Tông-đồ để huấn luyện các ông là cho một mục đích. Ngài biết sẽ phải từ bỏ thế gian để trở về với Chúa Cha, nên Ngài huấn luyện các ông để các ông thay Ngài tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là để con người nhận ra tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người tin vào Đức Kitô để được chung hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Đàng.
(1) Việc phải làm: Bổn phận hàng đầu của các môn đệ được Chúa Giêsu nói rất rõ ràng: "Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần." Để muôn dân tin vào lời các môn đệ rao giảng, Chúa Giêsu cũng ban cho các ông quyền chữa lành các vết thương hồn xác: "Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ." Mục đích của việc chữa lành là để muôn dân nhận ra quyền năng Thiên Chúa và tin vào Ngài, chứ không phải để kiếm các lợi lộc vật chất. Ngài truyền cho các ông: "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy."
(2) Việc không được phép làm: Vì Chúa Giêsu biết trước những cám dỗ vật chất có thể làm các môn đệ xao lãng bổn phận rao giảng Tin Mừng; nên Ngài ngăn cấm các ông:
+ Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng: Người môn đệ trung thành của Đức Kitô không bao giờ được phép tìm kiếm những thứ này; ngày nào người môn đệ tìm kiếm những thứ này, họ không thể là người môn đệ của Đức Kitô, và lời rao giảng của họ sẽ mất hết hiệu lực.
+ Đừng tích trữ của cải mang theo: Nhiều người cho những lời dạy này không thực tế, vì lên đường mà không có những vật dụng cần thiết, khi cần đến lấy gì mà dùng. Điều chính yếu Chúa Giêsu muốn nêu lên ở đây là người môn đệ phải sống một cuộc đời đơn giản. Nếu người môn đệ có quá nhiều của cải, làm sao ông có thể sẵn sàng lên đường đến những nơi xa xôi hẻo lánh để rao giảng Tin Mừng? Hơn nữa, Đức Kitô muốn các môn đệ phải tuyệt đối tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, "vì thợ thì đáng được nuôi ăn." Thiên Chúa sẽ không để những nhà rao giảng Tin Mừng của Ngài phải chết đói dọc đường.
2.2/ Kiếm người xứng đáng để ở trọ: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ không ngừng thúc đẩy những tâm hồn có lòng quảng đại để họ lo chăm sóc đời sống vật chất của các nhà rao giảng. Chính vì điều này mà Đức Kitô đã dạy các môn đệ: "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi."
(1) Phần thưởng cho những người tiếp đón các môn đệ Chúa: "Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em."
(2) Hình phạt cho những người không tiếp đón các môn đệ Chúa: "Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày Phán Xét, đất Sodom và Gomorrah còn được xử khoan hồng hơn thành đó."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có một Thiên Chúa thương xót và bao dung hơn bất cứ cha mẹ nào trên thế gian này. Hãy biết chạy đến và van xin lòng thương xót của Ngài.
- Đã được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta cũng phải biết xót thương anh chị em. Đừng bao giờ nhân danh công bằng để luận tội và tiêu diệt tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 14 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 10,7-15

A. Hạt giống...
Những chỉ dẫn tiếp theo về cách đối xử của người được sai đi giảng Tin Mừng :
- Công việc sẽ làm : chữa bệnh và trừ quỷ.
- Tinh thần phục vụ quãng đại : Hãy cho cách nhưng không vì trước đó ta đã lãnh nhận cách nhưng không.
- Đừng quá bận tâm đến những phương tiện vật chất. Có thứ gì thì dùng thứ đó.
- Cũng đừng quá quan tâm kén chọn chỗ trọ.
- Phải đem bình an đến cho những người mình gặp gỡ.

B.... nẩy mầm.
1. “Các con hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần” : nhiều người không tin có Thiên Chúa, nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa ở quá xa. Sứ giả Tin Mừng phải làm cho người ta tin rằng Thiên Chúa và Nước Trời đang ở thật gần, bởi vì Thiên Chúa chính là Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
2. “Chữa lành các bệnh nhân…, làm cho kẻ chết sống lại…, làm cho những người cùi được sạch… trừ quỷ…” : tông đồ là một con người chuyên làm lành : xoa dịu những đau khổ, đem lại lẽ sống cho kẻ tuyệt vọng, giúp đỡ những người bị xã hội khinh chê, giải thoát người ta khỏi tội lỗi…
3. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” : Làm tông đồ cũng là một bổn phận công bình. Tôi đã lãnh nhận rất nhiều từ Chúa và Giáo Hội cho nên tôi cũng phải biết cho đi.
4. Nhận và cho : Một hôm có một vị bá tước đến cho Thánh Gioan Thiên Chúa số tiền 25 đồng vàng để ngài giúp những người nghèo khổ. Ngay chiều hôm ấy, ông ta giả trang làm một người ăn xin đến xin thánh nhân bố thí. Thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương, lấy cả số tiền 25 đồng vàng đem cho người ấy kèm với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến thú nhận tất cả với thánh nhân và xin lỗi vì đã thử lòng bác ái của Ngài. Khi từ giã, ông đưa tặng thêm 150 đồng vàng nữa ngoài số 25 đồng mà ông xin hoàn lại. Từ đó cứ mỗi tuần ông lại gởi tới bệnh viện của thánh nhân một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ những người nghèo (Góp nhặt)
5. “Khi vào nhà nào, hãy chào ‘Bình an cho nhà này” : lời nói, việc làm, cách đối xử của người tông đồ phải luôn luôn tạo được bầu khí bình an.
6. “Đừng sắm vàng bạc hay tiến đồng để giắt lưng. Đi đường đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy” (Mt 10,9-10)
Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan đã lên đường. Họ tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường. Họ muốn tung cánh trong tự do bát ngát. Họ gieo Tin Mừng khắp cánh đồng Galilê.
Quê hương con, bao thế hệ cũng đã lên đường. Họ kiếm tìm bình đẳng, bác ái và tự do. Họ đấu tranh cho công bằng xã hội. Họ xâu dựng một thế giới hòa bình. Và nhiều người đã bỏ mình vì Nước Chúa.
Còn con… Con cần đội chiếc mũ bằng cấp. Con thích mặc chiếc áo sắc đẹp. Con muốn xỏ đôi giày tình yêu. Con ham vác vài bao của cải, và tay cầm cây gậy quyền năng. Rồi con trở nên nặng nề vì các tạo vật ấy.
Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

10/07/14 THỨ NĂM TUẦN 14 TN
Mt 10,7-15

Suy niệm: Ta thường cho rằng những lời trên đây là những lời khuyên, muốn làm cũng được, không làm cũng chẳng sao. Trái lại, đây là những mệnh lệnh. Đức Giêsu như một tướng lãnh ra lệnh cho binh sĩ trước khi ra trận, như một vị vua truyền lệnh cho sứ giả, như một ông thầy ra bài cho học trò, như một người kêu cầu bạn bè trợ giúp. Đàng nào cũng là những việc phải làm và phải làm ngay. Xem ra mệnh lệnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng là loại lệnh truyền khẩn cấp, bắt buộc và áp dụng cho mọi người. Có lẽ ta đã quá quen với việc khoán trắng lệnh này cho những người tu hành, mà quên mất đây là lệnh truyền cho mọi người, giáo sĩ cũng như giáo dân.
Mời Bạn: Sửa chữa lại một cách nhìn sai về bổn phận của bạn: bổn phận rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho người chung quanh. Đức Giê-su mời gọi bạn thi hành bổn phận này bằng hai cách: lời nói giới thiệu về Nước Trời và việc làm phục vụ cụ thể.
Chia sẻ: Tôi sẽ giới thiệu Đức Giê-su cho người lân cận như thế nào: bằng lời nói? bằng việc làm?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu thi hành bổn phận này bằng cách giới thiệu con người và công trình của Đức Giêsu cho một người bạn chưa biết Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao phó việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho chúng con. Chúng con hứa sẽ giới thiệu Chúa cho người khác bằng lời nói và việc làm tốt đẹp của chúng con. Amen.

Chúc bình an
Khi nghe lời dặn dò của Thầy Giêsu, chúng ta thấy ngay mẫu người tông đồ mà Thầy mơ ước. Đó là con người bị cuốn hút bởi những bận tâm về Nước Trời, nên siêu thoát khỏi mọi vướng bận trần tục.


Suy nim:
Trước khi sai các Tông Đồ lên đường truyền giáo,
Thầy Giêsu đã dặn dò họ nhiều điều.
Họ được sai đến với ai: với những đồng bào của họ là người Israel.
Sau này họ mới được sai đến với dân ngoại, với mọi dân tộc (Mt 28, 20).
Họ đến để làm gì: rao giảng về Nước Trời gần đến,
chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết, khử trừ ma quỷ ra khỏi lòng người (c. 8).
Họ đến để đem lời chúc bình an cho những ai mở lòng lãnh nhận (c. 12).
Họ không nên mang theo những gì: tiền vàng, bạc hay đồng để giắt lưng,
bao bị để đựng đồ, hai áo để thay đổi, giày dép để bảo vệ đôi chân,
cả chiếc gậy vừa để đi đường xa, vừa đề phòng nguy hiểm (cc. 9-10).
Cách hành xử của họ cũng được Thầy nói rõ.
Họ làm mọi việc mà không đòi bất cứ điều gì để trả công.
“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (c. 8).
Họ đã nhận được Nước Trời như một món quà,
họ cũng muốn trao đi như một quà tặng.
Điều duy nhất họ mong là được người ta lo cho thức ăn, chỗ ở.
“Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (c. 10).
Khi nghe lời dặn dò của Thầy Giêsu,
chúng ta thấy ngay mẫu người tông đồ mà Thầy mơ ước.
Đó là con người bị cuốn hút bởi những bận tâm về Nước Trời,
nên siêu thoát khỏi mọi vướng bận trần tục.
Nước Trời phong phú và giàu có đủ làm họ mãn nguyện,
nên họ coi nhẹ chuyện ở, chuyện mặc, chuyện ăn.
Chính lối sống đơn sơ giản dị, thậm chí thiếu thốn của họ,
là một lời chứng về những gì trên cao.
Họ cũng phải chấp nhận mình có thể bị từ chối, không được đón tiếp.
Một thành, một làng hay một nhà có thể không chấp nhận Tin Mừng,
và họ phải khiêm tốn tìm đến nơi thuận lợi hơn (c. 14).
Các tông đồ thế kỷ 21 hẳn không thể sống theo nghĩa đen những lời trên đây,
nhưng cũng không được gạt bỏ tinh thần mà Đức Giêsu vẫn muốn ta giữ mãi.
Nhẹ nhàng, thanh thoát, khó nghèo, phó thác, không tính toán lợi danh,
gieo rắc niềm vui và an bình, chữa lành và giải phóng con người khỏi nô lệ.
Và trên hết là một lòng yêu mến Thiên Chúa nồng nàn,
và một lòng yêu thương cháy bỏng đối với đoàn chiên vất vưởng bơ vơ.
Đó vẫn là hành trang muôn thuở của người tông đồ qua mọi thời đại.
Thời nay người tông đồ được trang bị nhiều phương tiện hiện đại,
với những cơ sở vững vàng, với số vốn ổn định, với tri thức bằng cấp đầy đủ.
Những điều đó vẫn không khiến chúng ta bỏ rơi tinh thần của Thầy Giêsu.
Bởi lẽ mất tinh thần của Thầy, chúng ta chẳng còn là tông đồ nữa.
Thánh Phanxicô Assisi đã bị đánh động khi đọc đoạn Tin Mừng này.
Và ngài đã muốn đưa Giáo hội trở lại với lối sống nghèo khó.
Rất có thể việc truyền giáo của chúng ta ở châu Á chưa có kết quả
chỉ vì chưa có những tông đồ dám sống triệt để lời dặn dò của Thầy Giêsu.
Mà lời dặn dò của Thầy lại rất hợp với tinh thần của người châu Á.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”
(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm

Lạy Chúa, lời Chúa hôm này cho con thấy tình yêu thương của Chúa qua việc Chúa dặn dò người các Tông Đồ rất cặn kẽ: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch và khử trừ ma quỷ” (Mt 10,8a). Ở đây Chúa muốn nói sứ mạng của người Tông Đồ trước hết là quan tâm đến những người đau khổ trong cuộc đời: người đau yếu, người mắc bệnh phong. Kế đến là cho người khác niềm hy vọng và an ủi: kẻ chết trỗi dậy. Sau cùng là loại khỏi cuộc đời này thế lực của sự dữ: khử trừ ma quỷ.

“Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8b). Con đã được Chúa ưu ái yêu thương cho con được làm con Chúa, thì con cũng phải có trách nhiệm làm cho người khác biết Chúa. Sứ mạng của con không được đòi hỏi thù lao hay công trạng nhưng phải hoàn toàn “miễn phí”. Lạy Chúa, điều này nhắc nhở con làm việc tông đồ với một tình thần vô tư, vô vị lợi. Nhiều khi con làm việc Tông Đồ mà muốn mình được trả công, hoặc thậm chí tệ hại hơn là con lợi dụng việc tông đồ để tìm lợi lộc cho mình. Con xin lỗi Chúa và hứa sẽ nhớ lời Chúa để không đòi hỏi được trả công khi làm việc tông đồ.

“Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy” (Mt 10,9-10). Đây là chỉ thị của Chúa dành cho người Tông Đồ, là không được bám víu vào của cải vật chất, nhưng biết tin tưởng và phó thác vào Chúa. Chúa đã chọn gọi và sai Tông Đồ của Chúa ra đi, thì chắc chắn Chúa sẽ có cách lo liệu cho người Tông Đồ của Chúa. Đừng lo lắng những thứ không cần thiết, nhưng hãy lo nhiệm vụ chính yếu của mình là rao giảng Tin Mừng của Chúa. Nhưng Chúa ơi, trong cuộc sống tại vì còn nhiều thứ khác hấp dẫn hơn nên con lo tìm kiếm và lợi dụng luôn cả Tin Mừng để tìm kiếm những thứ hấp đó. Nếu con thấy được giá trị của Tin Mừng thì con đã sống theo Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng đó. Vì vậy hãy lo củng cố “nội lực” để cảm nghiệm được giá trị của Nước Trời.

Con nghĩ tại sao Chúa lại chi li như vậy khi hướng dẫn hết sức cụ thể: “Đừng đi giày hay cầm gậy” (Mt 10,10). Chúa muốn người Tông Đồ của Chúa phục vụ như một người đầy tớ, vì thời đó đầy tớ không mang giày dép. Người Tông Đồ cũng không cần tìm gì để chống đỡ, phòng thủ và chở che cho mình vì họ đã có Chúa. Đó là ý nghĩa việc Chúa bảo các Tông Đồ không được cầm gậy.

Lạy Chúa, với ý nghĩa của lời Chúa như vậy cho con nhìn lại cách làm việc tông đồ của con từ trước đến giờ. Con sẽ luôn nhắc nhở mình đã được Chúa yêu thương một cách nhưng không thì cũng phải cho một cách nhưng không. Con sẽ không lo tìm kiếm và bám víu vào những giá trị vật chất, nhưng sẽ toàn tâm toàn ý để rao giảng Tin Mừng của Chúa. Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn thanh thoát vì con là Tông Đồ của Chúa. Amen.

Lm. Thiện Duy

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG BẢY
Hậu Quả Cay Đắng Của Sự Tự Do Sai Quấy
Trên hành trình đào sâu nhận thức về mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta thường phải đối diện với vấn nạn này: Nếu Thiên Chúa hiện diện và điều hành mọi sự, thì làm sao con người có thể tự do được? Và nhất là, đâu là ý nghĩa và vai trò của tự do trong đời sống chúng ta? Và đâu là hậu quả cay đắng của tội lỗi gây ra do sự tự do sai quấy? Làm sao có thể hiểu tất cả những điều này trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh?
Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Công Đồng Vatican I: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo thành thì Ngài giữ gìn và điều khiển với sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng mở rộng từ chân trời này đến chân trời kia và cai quản mọi sự một cách tốt đẹp (Kn 8,1). Mọi sự đều phơi bày rõ ràng trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì diễn ra trong sáng kiến tự do của tạo vật” (DS 3003).
Mầu nhiệm quan phòng thần linh tác động trên tất cả thế giới tạo vật một cách thâm sâu. Trong tư cách là một diễn tả của sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, kế hoạch quan phòng đến trước chính công cuộc sáng tạo. Trong tư cách là một diễn tả quyền lực của Thiên Chúa, nó hướng dẫn và triển khai công cuộc ấy. Một cách nào đó, chúng ta thậm chí có thể nói rằng sự quan phòng được thực hiện trong chính công việc của nó. Đó là một sự quan phòng siêu việt, nhưng đồng thời nó cũng hiện diện trong mọi sự. Điều này áp dụng cho giáo huấn của Giáo Hội mà chúng ta vừa mới nhắc lại trên đây, nhất là khi vận dụng vào con người với lý trí và tự do của mình.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 10-7
Hs 11,1-4.8c-9; Mt 10, 7-15.

LỜI SUY NIỆM“Thầy bảo thật anh em, trong ngày phán xét, đất Xơ-đom và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”
Đây là lời cảnh cáo của Chúa Giêsu đối với tất cả những con người cũng như những thành phố, làng mạc, thôn xóm. Đã thờ ơ, không quan tâm đến Lời Chúa. Như thế thì đối với người Kitô hữu, chúng ta đã nhiều lần được nghe Lời Chúa, được Giáo Hội hướng dẫn và dạy bảo, mà chúng ta không chịu sống đúng với những gì đã nghe, đã học, đã biết, thì chúng ta sẽ không có được sự khoan hồng của Chúa trong ngày chúng ta ra trước tòa Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, đừng bao giờ thờ ơ với các dịp nghe Lời Chúa, Học hỏi Lời Chúa và thực hành Lời Chúa.
Mạnh Phương


10 Tháng Bảy
Lời Lãi Cả Thế Gian Ðể Làm Gì?
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một hướng đi cho cuộc đời: đó là nguồn hạnh phúc lớn lao cho con người.
Thông thường, những kẻ than thân trách phận, những con người bất mãn trong cuộc sống, những kẻ chán đời, không phải là những kẻ nghèo khổ, những người kiếm cơm kiếm gạo từng ngày, mà chính là những con người dư dả, giàu sang.
Thi sĩ Anh, Lord Byron, mặc dù sống trên nhung lụa, vẫn than thở: "Sâu bọ, ruồi nhằn, khổ đau là thức ăn hằng ngày của tôi". Văn sĩ nổi tiếng của Pháp là Voltaire, mặc dù có một đời sống phú túc và danh tiếng vẻ vang, vẫn phải thốt lên: "Tận cùng của cuộc sống ấy là buồn thảm, khoảng giữa của cuộc sống là vô nghĩa và khởi đầu của cuộc sống ấy là thô bỉ... Phải chi tôi đừng sinh ra thì hơn".
Talleyrand, một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ thứ 19, sau một quãng đời sống trong nhung lụa và vinh quang, đã ghi lại trong tập nhật ký của mình nhân ngày sinh 83 như sau: "83 năm của đời tôi đã đi qua, không để lại một kết quả nào khác hơn là mệt mỏi, trong thể xác lẫn tâm hồn, một nỗi đắng cay khi nhìn về tương lai và chán chường khi nhìn lại quá khứ".
Tại sao những con người trên đây đã tỏ ra đắng cay và thất vọng về cuộc sống? Thưa là bởi vì họ đã không tìm ra được mục đích của cuộc đời. Một cuộc đời không có mục đích thì chẳng khác nào một công trình xây dựng không đồ án. Với tất cả mọi vật liệu, nhưng nếu không có đồ án, người ta không thể kiến thiết được bất cứ công trình nào.
Một cuộc sống không có mục đích, một cuộc sống không có lý tưởng thường cũng chỉ kéo theo cay đắng, buồn sầu, bất mãn... Chúa Giêsu đã chẳng nói với chúng ta: "Lời lãi cả thế gian để làm gì, nếu để mất linh hồn?".Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai khóc lóc, phúc cho những ai đói khát công chính, phúc cho những ai có lòng thương xót, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, phúc cho những ai bị bách hại vì Nước Trời... Trước khi công bố Hiến Chương của Hạnh Phúc ấy, Chúa Giêsu hẳn phải là con người hạnh phúc. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là không có nước mắt và đau khổ. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là được mọi may mắn trên cõi đời này. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là thành công trong cuộc sống này.
Ngài đã sống như một con người đau khổ. Ngài đã không trốn chạy khỏi đau khổ. Ngài đã không cất lấy đau khổ khỏi cuộc đời này.
Hạnh phúc của Ngài chính là tiếp nhận đau khổ, là đi vào cõi chết, nhưng không tiếp nhận đau khổ và đi vào cõi chết như một ngõ cụt, trái lại khai thông con đường dẫn đến sự sống. Cuộc đời đã có một hướng đi. Cuộc đời đã có một ý nghĩa, và đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực của con người.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét