Trang

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

15-12-2014 : THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG

15/12/2014
Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng


Bài Ðọc I: Ds 24, 2-7. 15-17a
"Ngôi sao từ nhà Giacóp mọc lên".
Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy, Balaam ngước mắt lên nhìn Israel cắm trại theo từng bộ lạc, và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên ông, ông liền tuyên sấm và nói: "Lời sấm của Balaam, con ông Beor, lời sấm của người đang mở mắt; lời sấm của người nghe lời Thiên Chúa, của người chiêm ngắm Ðấng Toàn Năng, của người ngã mà mắt vẫn mở. Hỡi nhà Giacóp, doanh trại của ngươi đẹp biết bao! Hỡi Israel, chỗ cư ngụ của ngươi tốt dường nào! Nó rộng lớn như thung lũng, như những vườn bên dòng sông, như cây trầm hương mà Thiên Chúa đã trồng, như cây hương nam bên suối nước. Nước tràn ra khỏi thùng chứa, và hạt giống của ngươi được tưới dư dật. Vua ngươi sẽ trổi vượt Agag, và vương quốc ngươi sẽ uy hùng".
Balaam lại tuyên sấm và nói: "Lời sấm của Balaam, con của Beor, lời sấm của người đang mở mắt, lời sấm của người nghe lời Thiên Chúa, của người biết ý nghĩ Ðấng Tối Cao, của người xem thấy hình ảnh Ðấng Toàn Năng, của người ngã mà mắt vẫn mở. Tôi thấy Người, chưa phải bây giờ. Tôi thấy Người không phải gần. Một ngôi sao từ Giacóp mọc lên. Một phủ việt từ Israel xuất hiện".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa (c. 4b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúa đến, hãy ra đón Người; chính Người là Hoàng tử Bình an. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 23-27
"Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy Chúa Giêsu vào Ðền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: "Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?" Chúa Giêsu trả lời: "Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. - Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?" Họ bàn tính với nhau rằng: "Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri". Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không được biết". Chúa Giêsu nói với họ: "Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Phép Rửa Của Gioan Bởi Ðâu Mà Có

Trong tập sách "Án Tử Xuân Thu" có câu chuyện kể lại tài ứng xử của Án Tử như sau:
Khi Án Tử sắp sang nước Sở, vua Sở nghe thấy bảo với cận thần rằng:
- Án Tử là người có tài ăn nói của nước Tề, nay muốn sang đây, ta muốn làm nhục, có cách gì không?
Cận thần thưa:
- Ðể bao giờ Án Tử sang, cận thần sẽ tìm một người, cho trói lại và dẫn người ấy đến trước mặt vua để giả làm một người nước Tề bị bắt vì tội ăn trộm.
Lúc Án Tử đến nơi, vua Sở làm tiệc thiết đãi tử tế. Ðang giữa cuộc rượu, bỗng thấy hai tên lính điệu một người bị trói vào:
Vua hỏi:
- Tên kia tội gì mà phải trói thế?
Lính thưa:
- Tên ấy là một người nước Tề mắc phải tội ăn trộm.
Vua đưa mắt nhìn Án Tử hỏi rằng:
- Người nước Tề hay trộm cắp lắm nhỉ?
Án Tử đứng dậy thưa rằng:
- Chúng tôi trộm nghe thấy rằng: cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì là quất ngọt, đem sang cấy ở đất Hoài Bắc thì quất chua, cành lá giống nhau mà quả lại chua ngọt khác nhau là tại làm sao? Tại vì thủy thổ khác nhau vậy. Nay thân sinh ở nước Tề thì không ăn trộm, sang ở nước Sở lại sinh ra trộm cắp, có lẽ vì lý do khác nhau về thủy thổ mà nó sinh ra như vậy chăng?
Sở Vương muốn làm nhục, làm hại Án Tử nhưng rồi trước bằng chứng về sự thực mà Án Tử đưa ra để biện minh, Sở Vương đành thúc thủ chịu cái nhục. Nhờ vào sự thật mà hậu quả đã đột ngột xoay chuyển dự liệu trù tính của kẻ bày mưu. Hoàn cảnh của Sở Vương lúc này cũng phần nào giống như tâm trạng của các thượng tế và kỳ lão khi họ lên tiếng muốn bắt bẻ Chúa Giêsu.
Bài trích sách Dân Số của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã tường thuật cho chúng ta về hành vi của Balaam, một thầy pháp của dân Moab. Ông được trao nhiệm vụ chúc dữ cho dân Israel dân Chúa. Thế nhưng, khi được đưa lên đỉnh núi Peor, ông lập đàn tế thần chuẩn bị lời chúc dữ. Nhìn xuống doanh trại của dân Israel, được thúc đẩy bởi Thần Khí của Giavê Thiên Chúa, một sự thật không thể cưỡng lại khiến cho từ miệng ông lời chúc dữ đã trở thành lời chúc lành.
Trong bài Tin Mừng, một cách nào đó câu trả lời của các thượng tế và kỳ lão đặt ra cũng mang hình thức tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên, mục đích của họ lại khác hẳn, họ muốn bắt bẻ Chúa Giêsu, muốn tìm cớ hại Ngài. Tuy thế, Chúa Giêsu vẫn khoan dung trước thái độ cố chấp của họ. Ngài đặt ra cho họ một câu hỏi của Ngài không phải là một sự bắt bẻ hoặc gài bẫy họ để họ có dịp trở lại nhưng Ngài muốn đặt họ trước một sự thật, đó là Gioan Tẩy Giả kẻ dọn đường Chúa đến với phép rửa thống hối.
Quay ngược thời gian trở về với Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu cũng muốn khơi dậy nơi họ khởi động niềm tin vào Ngài, vì Gioan Tẩy Giả một vị tiên tri lớn của người Do Thái, cuộc đời và lời giảng của ông không một điểm nào đáng trách, bao người đã đến nghe ông giảng và họ lãnh nhận phép rửa thống hối. Thế mà chính bản thân ông, Gioan Tẩy Giả chỉ coi mình là tiếng kêu trong sa mạc, dọn đường cho một Ðấng đến sau ông. Trước Ðấng ấy, ông không đáng cởi dây giầy cho Ngài.
Lời của Gioan Tẩy Giả không phải là một câu nói hàm ý tâng bốc nhưng là một chứng từ cho sự thật. Về sau Chúa Giêsu đã nói rõ: "Trong những con cái do người nữ sinh ra không một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn ông".
Tìm về Gioan Tẩy Giả và phép rửa của ông, các trưởng tế và các kỳ lão cũng được gọi để chấp nhận sự thật, thế mà họ vẫn cố chấp và ác ý. Sự cố chấp và ác ý đã khiến họ không thể trở thành môn đệ của Ngài, không được dạy bảo về Ngài.
Balaam là một người ngoại giáo nhưng ông đã thành thật, đã khuất phục trước Quyền Năng của Thiên Chúa, nên ông đã được Thiên Chúa dùng. Còn thượng tế và kỳ lão tuy thuộc dòng dõi được chọn nhưng vì cứng lòng cố chấp mà đã bị loại ra ngoài.
Trong thế giới hôm nay Thiên Chúa cũng vẫn đang đối thoại, đang mời gọi con người tìm về sự thật. Lời Ngài đã được nói qua Ðức Kitô một lần thay cho tất cả, mỗi biến cố chỉ là một nhắc nhở tìm về Lời và đối chiếu với Lời. Thái độ đứng trước Người, Lời đã khiến cho con người được thưởng hay là bị luận phạt.
Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đến đemsự thật giải phóng chúng con, hôm nay trong tâm tình mong đợi ngày Chúa đến, xin cho chúng con biết tìm về cội nguồn sự thật để rồi sự thật sẽ soi sáng hướng dẫn hành động của chúng con và sẽ biến chúng con nên dụng cụ của Chúa dù cho thân con bất xứng chẳng đáng gì.

Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần III MV
Bài đọc: Num 24:2-7, 15-17; Mt 21:23-27.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải yêu mến sự thật.
Khao khát được biết và sống theo sự thật là một trong những khát vọng được Thiên Chúa phú bẩm vào trong con người; vì thế, con người luôn tìm kiếm để nhận biết sự thật. Nhưng trong hành trình đi tìm sự thật, có rất nhiều kẻ thù đe dọa và ngăn cản con người không cho tìm ra sự thật như: lười biếng, sợ hãi, và sai lạc. Tính lười biếng làm con người ngại khó khăn và không kiên trì trong hành trình đi tìm sự thật. Tính sợ hãi làm con người chùn chân, không có can đảm chấp nhận sự thật. Sự sai lạc ngăn cản và đánh lạc hướng, không cho con người đạt tới sự thật.
Các Bài đọc hôm nay tập trung vào việc biết và sống theo sự thật. Trong Bài đọc I, Vua Balak mặc dù đã hai lần được Tiên Tri Balaam cho biết sự thật, vẫn hy vọng sẽ nhận được những gì ngược lại với sự thật: Nhà Vua muốn Thiên Chúa chúc dữ cho dân tộc Israel. Trong Phúc Âm, các Thượng-tế và Kỳ-mục, mặc dù biết rõ Phép Rửa của Gioan và uy quyền của Chúa Giêsu bởi Trời; nhưng vẫn gian dối nói không biết; vì sợ phải tin và giữ những gì Chúa Giêsu truyền dạy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tiên Tri Balaam biết kính sợ Thiên Chúa và dám nói sự thật.
Khi Vua Balak của Moab thấy quyền lực của Israel bành trướng khắp vùng sông Jordan, Nhà Vua sợ Israel sẽ thôn tính Moab nữa. Nhà Vua sai sứ giả đến cầu cứu với Tiên Tri Balaam trong vùng, để ông này chúc dữ cho dân Israel, với hy vọng khi Vua đem quân giao chiến thì sẽ thắng. Tiên Tri Balaam được Thiên Chúa báo trước cho biết: ông có thể đi tới với Vua, nhưng chỉ được nói những gì Thiên Chúa muốn ông nói mà thôi (Num 22:20, 35, 38). Sau hai lần thất bại để kiếm lời chúc dữ của Thiên Chúa từ miệng TT Balaam (Num 23:7-10, 18-24), Vua Balak vẫn kiên nhẫn với Tiên Tri Balaam để chờ Thiên Chúa thay đổi.
Trình thuật hôm nay tường thuật lần thứ ba những gì TT Balaam nói với Vua Balak: “Sấm ngôn của Balaam, con Beor, sấm ngôn của người mắt vẫn mở. Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, người ngắm nhìn thị kiến Đấng Toàn Năng, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần.” Phần đầu của thị kiến nói về sự chúc lành của Thiên Chúa cho Israel, phần sau nói về những gì sẽ xảy ra cho Vua và dân tộc Moab:
(1) Thiên Chúa chúc lành cho Nhà Israel: “Hỡi Jacob, lều bạt của ngươi đẹp biết mấy! Hỡi Israel, đẹp biết mấy doanh trại của ngươi! Như thung lũng trải dài, như vườn cạnh bờ sông,
như trầm hương Đức Chúa đã trồng, như hương nam mọc bên dòng nước. Từ các bồn của nó, nước tràn ra, và hạt giống nó được tưới dồi dào. Vua của nó cao cả hơn Agag, và vương quốc nó được tôn vinh.”
(2) Moab sẽ bị phá hủy bởi Nhà Israel: “Rồi ông cất tiếng đọc bài thơ của mình như sau:
"Sấm ngôn của Balaam, con Beor, sấm ngôn của người mắt vẫn mở. Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao, được Đấng Toàn Năng cho nhìn thấy, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần. Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Jacob, một vương trượng trỗi dậy từ Israel sẽ đập vào màng tang Moab, đánh vỡ sọ tất cả con cái Seth.”
Nhiều thánh Giáo-Phụ đã cho “một vì sao xuất hiện từ Jacob” là lời tiên tri nói về Đấng Cứu Thế, nhưng lời tiên tri này không được dẫn chứng trong Tân-Ước. Tuy nhiên, nó được trích dẫn trong các Sách của Qumran (1QM 11:5-7, CD 7:19-20) để nói lên niềm hy vọng vào Đấng Cứu Thế.
2/ Phúc Âm: Các Thượng-tế và Kỳ-mục không dám trả lời Chúa Giêsu vì sợ hậu quả của sự thật.
2.1/ Đương đầu với sự thật: Trình thuật hôm nay kể: Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?"
(1) Họ thách thức quyền năng thanh tẩy Đền Thờ của Chúa Giêsu: Những điều mà họ đang thắc mắc là việc Chúa Giêsu vào Đền Thờ và xua đuổi tất cả các kẻ buôn bán ra khỏi đó (x/c Mt 21:12-13) và việc Chúa chữa lành các bệnh nhân (Mt 21:14-15). Lý do tại sao Chúa làm, vì: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp."
(2) Chúa Giêsu thách thức họ về Phép Rửa của Gioan: Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi của họ, nhưng Ngài đòi họ phải trả lời câu hỏi của Ngài trước khi Ngài trả lời câu hỏi của họ. Ngài thách thức: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?”
2.2/ Thái độ chạy trốn sự thật: Chúa Giêsu biết rõ những gì họ đang nghĩ: Nếu họ thật tâm muốn đi tìm sự thật, họ phải nhận ra những gì Gioan Tẩy Giả và Ngài làm là đến từ Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả dọn đường cho con người để đón nhận Đấng Cứu Thế, và tòan dân chạy đến với ông để được chuẩn bị. Việc thanh tẩy Đền Thờ và các phép lạ Chúa Giêsu làm không thể đến từ con người, vì không ai có can đảm và quyền năng để làm những chuyện đó.
(1) Giới lãnh đạo chạy trốn sự thật vì sợ phải lãnh nhận hậu quả: Họ chạy trốn sự thật không phải vì họ không đủ khôn ngoan để nhìn ra sự thật; nhưng vì họ không muốn phải lãnh nhận những hậu quả do sự thật gây ra. Hậu quả trước mắt là họ sợ phải tin vào Chúa Giêsu và làm những gì Ngài muốn. Họ có đủ khôn ngoan con người để lý luận như sau:
- Nếu mình nói: "Do Trời," thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?"
- Còn nếu mình nói: "Do người ta," thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ."
(2) Từ chối chấp nhận sự thật: Vì sợ phải lãnh nhận hậu quả, nên họ phải dối trá trả lời Chúa Giê-su: "Chúng tôi không biết." Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải yêu mến sự thật vì chỉ có sự thật mới giải thóat và làm cho con người đạt tới đích điểm của cuộc đời.
- Chúng ta phải ao ước và tìm tòi để biết sự thật. Khi đã tìm được sự thật, chúng ta phải sống những gì mà sự thật đòi hỏi.
- Chúng ta phải có can đảm làm chứng cho sự thật; vì sợ hãi làm con người quay đầu và từ chối sự thật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẢY MẦM : TUẦN 3 MÙA VỌNG

 Mt 21,23-27
 A. Hạt giống...
1. Chúa Giêsu bị chất vấn :
- Ai chất vấn ? “Các thượng tế và kỳ mục” (câu 23). Mc 11,27 còn kể thêm các kinh sư. Như thế, những người chất vấn Chúa Giêsu gồm đủ 3 thành phần của Thượng Hội Đồng Do thái giáo, tức là những lãnh tụ cao cấp nhất của Đạo.
- Chất vấn về điều gì ? Về quyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán (phía trước, câu 12-13), đã chữa bệnh (câu 14) và nay đang giảng dạy (câu 23). Và tất cả những việc đó Ngài lại làm ngay trong Đền thờ, tức là ở một nơi chính thức nhất, nơi mà người ta coi là lãnh địa riêng của những lãnh tụ tôn giáo do thái. Ngài không phải là tư tế, không phải là kỳ mục và cũng không phải là kinh sư. Tại sao Ngài làm những việc đó, và làm ngay trong Đền thờ ?
- Động cơ của việc chất vấn : không phải chất vấn để tìm cho biết sự thật, mà chất vấn để bắt lỗi.
2. Phản ứng của Chúa Giêsu :
- Chúa Giêsu không trả lời mà hỏi ngược lại những kẻ chất vấn Ngài. Làm như thế, không phải là Ngài muốn tránh né vấn đề, mà là Ngài muốn họ suy nghĩ về một vấn đề căn bản hơn : chỉ vì ganh ghét nên họ đã không đón nhận lời rao giảng của Gioan và Chúa Giêsu. Nay họ phải suy nghĩ kỹ xem sứ mạng của Gioan và Ngài là do đâu : có phải do tham vọng cá nhân hay do chính Thiên Chúa ?
3. Kết cuộc : Họ không chịu suy nghĩ (vì không thích suy nghĩ vấn đề đó) nên đáp là không biết. Chúa Giêsu thấy họ không có thiện chí nên cũng không trả lời câu hỏi của họ.

B.... nẩy mầm.
1. Câu hỏi của Chúa Giêsu khiến các thượng tế và kỳ mục phải bối rối. Sự bối rối đó vạch trần lòng dạ cố chấp của họ không muốn tìm hiểu sự thật. Sự thật về phép rửa của Gioan chỉ thuộc một trong hai trường hợp : hoặc do Thiên Chúa hoặc do loài người. Nhưng họ không muốn tìm hiểu và không muốn trả lời. Nếu họ chịu tìm hiểu thì họ đã có câu trả lời và đã dám trả lời. Nhiều khi vì không muốn bỏ đi một thành kiến, chúng ta cũng không chịu khó tìm hiểu nên cũng rơi vào thái độ cố chấp tới nỗi mù quáng như vậy.
2. Có một số điều ta không thích nghĩ tới và không muốn đặt lại vấn đề, vì nếu làm thế thì ta phải sắp xếp lại cuộc sống, có thể phải từ bỏ những thói quen đã thành nếp, có thể phải khởi sự lại từ đầu. Thí dụ : cuộc sống hiện nay của tôi với những tương giao, những tham vọng, những thói quen... có gì không ổn không ? Có gì phải sửa đổi ? Có gì phải từ bỏ ? Phải cố gắng thêm gì ?... Ta không muốn nghĩ tới để ta có thể tiếp tục an phận. Nhưng Lời Chúa hôm nay mời ta can đảm đặt lại vấn đề. Có như thế ta mới đi đúng hướng và đời ta mới tốt đẹp hơn.
3. Bài đọc I là một câu chuyện rất hay nhắc nhớ chúng ta nên thoát khỏi thành kiến cố chấp, thoát khỏi danh lợi thú đang bịt mắt ta, và hãy nhìn ra sự thật : Balaam là một thày bói ngoại giáo rất nổi tiếng. Ông được kẻ thù của dân Do Thái ba lần thuê mướn với lễ vật hậu hỹ để ông đi trù ẻo người Do Thái. Cả ba lần ông đi đều bị con lừa của ông phá đám không cho thực hiện. Ông đánh nó, Chúa cho nó biết nói mắng lại ý đồ đen tối và sự tham lam của ông. Cuối cùng ông nhận ra sự thật và đi đến doanh trại người Do Thái để tuyên sấm ca tụng họ như nội dung của bài đọc một. Ông tiên báo một vì sao sáng sẽ mọc lên, một Phủ việt của nhà vua sẽ xuất hiện : Đức Giêsu Kitô.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


15/12/14 THỨ HAI TUẦN 3 MV
Mt 21,23-27



Suy niệm: Có một căn bệnh xã hội nguy hiểm đang lây lan với mức độ báo động mà giới trẻ ngày nay gọi là bệnh “gato”, bệnh “ghen ăn tức ở”. Người mắc bệnh này mỗi khi thấy ai trổi vượt hơn mình thì trong bụng họ nổi lên một “cục tức”; thế là họ ra sức bới lông tìm vết “đối thủ” và tung hê mọi thứ thông tin, bất kể đúng sai, lên các phương tiện truyền thông, miễn sao hạ bệ được “người nổi tiếng”. Căn bệnh ấy ngay từ thời Chúa Giê-su, các thượng tế và kỳ mục đã mắc phải. Quả thế, khi Chúa Giê-su đuổi người buôn bán trong đền thờ, họ bực tức và hạch sách Chúa: “Ông lấy quyền gì mà làm điều đó?” Muốn chữa tận căn chứng bệnh này phải điều trị từ trong nhận thức. Đó là lý do tại sao Chúa đặt câu hỏi: “Phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Có nhận thức rằng mọi quyền bính và mọi điều tốt đẹp là bởi Chúa mà ra thì mới trừ được chứng ghen tương đố kỵ ấy.
Mời Bạn: Lòng đố kỵ ghen tương là tảng đá vấp phạm và cản trở sự phát triển của cá nhân cũng như cộng đồng. Chúng ta không sống cô lập mà là sống trong cộng đoàn; mỗi người chúng ta được mời chung tay xây dựng cộng đoàn với một tinh thần quảng đại, tôn trọng nhau. Ý thức rằng quyền bính và mọi sự tốt lành đều bởi Chúa, trong mọi việc chúng ta luôn nhắm trước tiên đến quyền lợi và thiện ích của tha nhân.
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái kín đáo cho một người anh em bé mọn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.” Chúng con nguyện sống yêu thương để có thể đem Chúa đến với mọi người.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG MƯỜI HAI
Ngài Đã Vượt Qua Mọi Giới Hạn
Một trong những đặc điểm của đức tin Kitô giáo chúng ta, đó là Thiên Chúa hiện diện rất gần gũi chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô tuyên bố: “Chúa đang đến gần,” và chân lý này không ngừng âm vang trong suốt cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa gần gũi bởi vì Ngài đã tự mạc khải chính Ngài cho con người. Ngài đã ngỏ lời qua các ngôn sứ, và trong thời sau hết, Ngài đã nói qua Con của Ngài (Dt 1,1-2).
Thiên Chúa gần gũi, bởi vì nơi người Con này, nơi Lời vĩnh cửu, Ngài đã trở thành phàm nhân. Sinh hạ tại Bê-lem bởi Đức Trinh Nữ Maria, Đức Giêsu Na-da-rét đã ‘làm việc bằng đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, đã yêu mến bằng trái tim con người’ – như chúng ta đọc thấy trong một văn kiện của Công Đồng. “Ngài đã thực sự trở nên một người ở giữa chúng ta, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi” (MV 22). Thậm chí Ngài đã trở thành thấp hèn, vâng phục cho đến chết. Ngài bị xử tử trên Thập Gía. Có thể nói rằng trong hành động tiến tới với con người, Ngài đã vượt qua mọi giới hạn.
Hơn nữa, tiến tới với con người, Ngài đã mặc lấy hình dạng của bánh và rượu trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài đã trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta. Một lần nữa, qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài đã vượt qua mọi giới hạn mà con người có thể tưởng tượng ra.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY  15-12.
Ds 24,2-7.15-17a; Mt 21,23-27.

LỜI SUY NIỆM: “Vậy phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do trời hay do người ta?”
Sau khi các thượng tế và kỳ mục thấy Chúa Giêsu giảng dạy trong Đền Thờ, các ông đã chất vấn Chúa Giêsu: Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? Chúa Giêsu đã không trả lời thẳng vào câu hỏi của các thượng tế và kỳ mục trong dân, nhưng Người đặt lại câu hỏi. Họ đã lúng túng, và sau khi đã tính toán họ đã trả lời “không biết”. Điều này đã làm cho họ tự tố cáo họ là những kẻ vô trách nhiệm với vai trò và trách nhiệm với dân Chúa. Họ phải nhận định ai là ngôn sứ thật và ai là ngôn sứ giả, để giúp dân đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa chính xác.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con khiêm tốn đón nhận giáo huấn của các đấng bậc của Giáo Hội sai đến với chúng con để giúp chúng con hiểu biết về Chúa mà sống cho xứng đáng hơn.
Mạnh Phương

15 Tháng Mười Hai
Xin Một Chút Ánh Sáng
Triết gia Diogène nổi tiếng là người hạnh phúc nhất trên đời, thế nhưng cuộc sống của ông lại rất đơn sơ nghèo nàn. Ông sống trong một cái thùng, ngày ngày nằm đọc sách nhờ ánh sáng qua lỗ hỏng ở vách thùng. Cơ nghiệp của ông vỏn vẹn chỉ có một cái bát gỗ dùng để múc nước sông mà uống. Thế nhưng, một hôm ra sông để lấy nước, ông thấy có một em bé chăn cừu dùng hai tay để vục nước mà uống. Thế là ông ném cái bát đi và từ đó chỉ dùng tay mà uống nước.
Vua Hy Lạp nghe biết ông là người hạnh phúc nhất đời bèn tìm đến tận nơi để thăm. Thấy ông đang nằm đọc sách, nhà vua lại gần để hỏi xem ông có cần gì không. Diogène không trả lời. Nhà vua hỏi vặn nhiều lần, ông điềm tĩnh trả lời như sau: "Hạ thần chỉ xin bệ hạ một điều và chỉ một điều mà thôi: xin bệ hạ tránh ra để hạ thần có đủ ánh sáng mà đọc sách". Diogène đã đuổi khéo nhà vua vì sợ bị sa vào tròng danh lợi mà mất cái niềm vui thảnh thơi trong cuộc đời thanh bần đơn sơ.
Ai trong chúng ta cũng muốn giàu có. Thế nhưng giàu có không hẳn đem lại hạnh phúc thật sự cho chúng ta. Chỉ có những ai có tinh thần nghèo khó, chỉ có những ai không coi tiền của như cứu cánh của cuộc đời, những người đó mới thực sự có hạnh phúc.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét