Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

15-03-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY năm B

15/03/2015
Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay Năm B
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay năm B
CHÚA NHẬT THỨ 4 MÙA CHAY
2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21
TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
“Thiên Chúa giàu lòng xót thương
và rất mực yêu mến chúng ta …
Người tỏ lòng nhân hậu đối với chúng ta
trong Đức Giêsu Kitô…”

(Ep 2,4.7)
 
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: 2Sb 36,14-16.19-23
2Sb 36,14-16.19-23 thuộc chương cuối của Sách Sử Biên Niên 2. Đoạn sách thánh này có thể được xem như bản tóm lược lịch sử dân Israel vào cuối thời quân chủ ở vương quốc Judah (thuộc nhà David), vốn được tiếp nối bằng thời lưu đày tại Babylon, và kết thúc bằng viễn tượng dân Israel được khôi phục.
Vào cuối thời quân chủ, vương quốc Judah chứng kiến sự bất trung bất tín ngày càng tăng của dân đối với Thiên Chúa. Sự bất trung bất tín này lan đến mọi thành phần dân Chúa: các thủ lãnh, các tư tế, và dân chúng (x. c14). Giới lãnh đạo chính trị, giới lãnh đạo tôn giáo, và dân chúng nói chung, đã học theo thói ghê tởm của chư dân, và làm cho Đền Thờ kính Đức Chúa ra ô uế (x. c14). Đứng trước sự bất trung này của dân Israel, Thiên Chúa vẫn tỏ lòng thành tín với dân Người. Thiên Chúa không bỏ mặc họ, nhưng luôn gửi các sứ giả của mình đến cảnh tỉnh họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người (x. c15).
Nhưng dân Chúa không biết hoán cải tự tâm mà trở về với Người. Họ đã đối xử bất công và bất xứng với các sứ giả của Thiên Chúa. Đối với các sứ giả, dân Israel nhạo cười và chế giễu. Đối với lời Chúa được các sứ giả công bố, họ tỏ sự khinh thường (x. c16). Như một liều thuốc mạnh để chữa trị căn bệnh “bất trung” trầm kha, Thiên Chúa đã để họ rơi vào tay quân Canđê. Quân ngoại bang này đã tận diệt tất cả những gì tạo nên một phần căn tính của dân Israel: Đền Thờ, thành Giêrusalem, các lâu đài dinh thự (x. c19). Nhiều người sống sót nay trở thành những kẻ phải sống cảnh lưu đày (x. 20).
Thiên Chúa chỉ dùng một liều thuốc cực mạnh để chữa trị căn bệnh trầm kha của dân Israel, chứ Người không muốn tiêu diệt họ hết thảy. Thật vậy, Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương dân Người, khi Người tác động trên tâm trí vua Cyrô (nước Ba-tư) để vua này ra sắc chỉ cho phép dân Israel được hồi hương. Nếu như Thiên Chúa đã để quân Canđê phá hủy Đền Thờ, thì nay chính Người sẽ trao cho vua Cyrô trách nhiệm tái thiết Đền Thờ tại Giêrusalem cho Người (x. c23).
2. Bài đọc 2: Ep 2,4-10      
Thư gửi tín hữu Êphêxô có lẽ được thánh Phaolô viết khi ngài bị cầm tù tại Roma (x. Cv 28). Qua Ep 2,4-10 chúng ta được thánh nhân dạy cho biết những điểm chính sau đây:
1/ Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Vì yêu thương chúng ta nên Người đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô (x. c5), cùng được sống lại và ngự trị với Đức Kitô (x. c6).
2/ Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Giêsu Kitô (x. c7).
3/ Chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng của Người và do lòng tin của chúng ta (x. c8, ss. Rm 3,19-20.27-31; 9,30-32; Gl 2,15-16); thế nên, chúng ta chớ khoe khoang về những điều lành phúc đức chúng ta đã làm, mặc dù cuộc sống của người tín hữu phải được thấm đượm bởi những việc làm tốt đẹp này (x. c10).
3. Bài Tin Mừng: Ga 3,14-21
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay thuộc về phần cuối của cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô (x. Ga 3,1-21). Trong lúc đối thoại, ông Nicôđêmô đã nêu ra vấn nạn: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được” (c9), như thể chất vấn hai phát biểu của Chúa Giêsu trước đó: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (c4) và “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (c5).
Trong phần diễn giải của Chúa Giêsu cho vấn nạn mà ông Nicôđêmô nêu ra, Chúa Giêsu đã nêu bật những điểm thần học quan trọng sau đây:
1/ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Con của Người sẽ không phải hư mất, nhưng được sống muôn đời (c16).
2/ Người Con ấy sẽ được giương cao lên như con rắn đồng xưa trong sa mạc, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (cc14-15).
3/ Người Con ấy là ánh sáng đến trong thế gian (c19), ánh sáng này làm lộ rõ những việc tốt xấu từng người chúng ta đang làm. Những người sống theo sự thật thì đến với ánh sáng này, để những việc tốt đẹp họ thực hiện trong Thiên Chúa được tỏ bày. Còn những kẻ làm điều ác thì ghét ánh sáng này và không đến cùng ánh sáng này để các việc họ làm khỏi bị chê trách (x. cc20-21).
II. GỢI Ý SUY TƯ
1/ Đức Giêsu Kitô là quà tặng đặc biệt nhất mà Thiên Chúa có thể tặng ban cho nhân loại. Quà tặng này phát xuất từ chính tình yêu và lòng xót thương Thiên Chúa dành cho nhân loại. Người không muốn nhân loại phải hư mất trong tình trạng tội lỗi của mình, nhưng muốn họ được cứu độ và được sống muôn đời, nhờ đức tin của họ vào Đức Giêsu Kitô. Trong cuộc sống của bạn, bạn cảm nghiệm thế nào về “quà tặng đặc biệt” này của Thiên Chúa?
2/ Xưa kia trong hành trình tiến về Đất Hứa, dân Israel đã kêu trách Thiên Chúa, Người đã cho rắn độc đến hại họ. Họ đã ăn năn, nài xin Môsê khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho họ. Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê làm một con rắn đồng và treo nó lên, để ai bị rắn cắn mà nhìn vào con rắn đồng ấy thì được chữa lành (x. Ds 21,4-9). Con rắn đồng là biểu tượng của lòng xót thương và sự chữa lành của Thiên Chúa cho dân. Chỉ là biểu tượng thôi, chứ tự con rắn đồng không thể cứu chữa dân bị rắn cắn. Chính Thiên Chúa cứu chữa họ qua biểu tượng đó. Còn Chúa Giêsu Kitô khác xa con rắn đồng xưa. Ngài là Con Một của Thiên Chúa, và là Thiên Chúa, chính Ngài qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh sẽ cứu những ai biết nhìn lên Ngài với lòng sám hối ăn năn và tin tưởng vào Ngài. Đức Giêsu Kitô là ai trong cuộc sống của bạn?
3/ Đức Giêsu Kitô là ánh sáng đến trong thế gian. Ngài chiếu rọi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống từng người chúng ta, vào không gian gia đình, vào nơi làm việc, vào xứ đạo, vào các cộng đoàn tu trì, vào xã hội… Bạn cảm thấy, đâu là những chỗ bóng tối đang hoành hành? Đâu là những nơi cần ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu đến nhất? Bạn cần làm gì để ánh sáng ấy dễ dàng đến những nơi cần ánh sáng này nhất?
4/ Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Người không bỏ rơi dân Người, dù họ đã sống bất tín bất trung với Người. Người luôn tìm cách đến với dân Người và tìm mọi phương cách để phẩm giá làm người và làm con Chúa của họ. Thiên Chúa gây ngạc nhiên cho nhiều người dân Israel khi tiên báo Người dùng chính một vị vua dân ngoại để tái thiết Đền Thờ tại Giêrusalem. Có bao giờ bạn nghiệm thấy Thiên Chúa cũng đang dùng nhiều người không phải là Kitô hữu để mưu ích cho Giáo Hội của Người hay mưu ích cho xã hội? Đó là những trường hợp cụ thể nào? Bạn học được điều gì qua những trường hợp này?
5/ Chúng ta được cứu độ do ân sủng hải hà của Thiên Chúa và lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô. Nhưng như thánh Giacôbê minh định: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Theo bạn, làm thế nào đức tin và hành động (tốt) song hành với nhau trong cuộc sống của bạn, nhất là trong Mùa Chay thánh này?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Trong tâm tình cảm tạ và tin tưởng, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng gìn giữ, bảo vệ và phát triển kho tàng đức tin chân thật. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết ý thức chu toàn sứ mạng cao cả của mình, luôn trung thành với đức tin tinh tuyền khi đối thoại với những người không tin vào Thiên Chúa.
2. Thiên Chúa đã sai Con của Người giáng trần không phải để luận phạt nhưng để cứu độ thế gian. Chúng ta cùng cầu xin cho con người thời đại biết tin nhận Đức Giêsu Kitô “là đường, là sự thật và là sự sống”, để khi hết lòng thờ phượng và bước đi trong ánh sáng của Người, họ sẽ thực sự được biến đổi.
3. Thánh Phaolô khẳng định: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi kitô hữu, cách riêng những ai đang lầm đường lạc lối, biết nhận ra lòng bao dung nhân hậu của Thiên Chúa mà hoán cải trở về với Người trong mùa chay thánh này.
4. “Ai hành động theo sự thật thì đến cùng ánh sáng.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tôn trọng và bênh vực sự thật, để qua đời sống quảng đại tha thứ và nhiệt tình phục vụ, mỗi người trở nên gương sáng trong môi trường và hoàn cảnh sống của mình.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ! Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và thương ban muôn ơn lành cùng một niềm tin kiên vững, để chúng con luôn can đảm dõi theo ánh sáng và làm chứng cho tình yêu của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


SCĐ CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY B

CHỦ ĐỀ :
KHUYẾN KHÍCH SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU

Các bài đọc hôm nay minh họa cho sơ đồ thường gặp trong Thánh Kinh : Tội phạt hối cứu, nghĩa là vì phạm tội nên con người bị phạt – nhưng nếu biết sám hối thì được cứu.
- Bài đọc I (2 Sb 36,14-16.19-23) : Trong cảnh khổ của thời lưu đày, dân do thái đã ăn năn nên Thiên Chúa cho vua Kyrô ra chiếu chỉ cho họ hồi hương.
- Bài Tin Mừng (Ga 3,14-21) : Đức Giêsu nhắc lại câu chuyện con rắn đồng. Ai phạm tội mà nhìn lên nó thì được cứu.
- Bài đọc II (Êp 2,4-10) : Tội lỗi khiến con người phải chết, nhưng nhờ Đức Giêsu nên con người lại được sống.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Trong cuộc hành trình Mùa Chay, chúng ta đã đi được nửa đường. Bây giờ là lúc chúng ta phải sám hối và đổi mới cuộc sống. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta xứng đáng bị phạt. Nhưng nếu chúng ta sám hối thì Thiên Chúa sẵn sàng thứ tha ngay.

II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Tội lỗi khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa.
- Tội lỗi khiến chúng ta xa cách anh chị em.
- Tội lỗi làm mất bình an ngay trong bản thân chúng ta.

III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : 2 Sb 36,14-16.19-23
Tác giả điểm lại những giai đoạn lịch sử trước, trong và cuối thời lưu đày : vì dân do thái bất trung với Thiên Chúa nên Ngài để cho họ bị mất nước và phải bị lưu đày. Nhưng dù sao Thiên Chúa vẫn còn thương họ nên Ngài đã soi sáng lòng vua Kyrô nước Ba Tư ra chiếu chỉ cho phép họ hồi hương.
2. Đáp ca : Tv 136
Đây là bài ca của những người đang sống cảnh lưu đày : buồn nhớ quê hương và đền thờ Giêrusalem, buồn đến nỗi không muốn đàn hát gì nữa, chỉ mong được trở về quê hương yêu dấu.
3. Tin Mừng : Ga 3,14-21
Một phần trong cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với ông Nicôđêmô. Đức Giêsu nhắc lại câu chuyện con rắn đồng trong sa mạc thời xuất hành. Từ đó Ngài mặc khải về tình thương của Thiên Chúa "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian, để tất cả những ai tin vào Ngài Con ấy thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời". Khi đề cập đến tội lỗi của loài người, Đức Giêsu còn khẳng định : Thiên Chúa sai Con mình xuống thế gian không phải để phạt loài người nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ".
4. Bài đọc II : Êp 2,4-10
Thánh Phaolô nói "Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót". Do lòng thương xót ấy, khi con người vì phạm tội mà phải chết, thì Ngài đã cho họ được sống lại nhờ Đức Giêsu Kitô.

IV. GỢI Ý GIẢNG

* 1. "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi…"
Để giúp Nicôđêmô hiểu tình yêu Thiên Chúa, Đức Giêsu đã nhắc lại câu nguyện ngày xưa về con rắn đồng.
Ngày xưa, trong thời xuất hành, Thiên Chúa đã hết lần này tới lần khác tỏ cho dân do thái thấy tình yêu của Ngài :
- Vì yêu thương, Ngài đã cứu họ khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai cập, dẫn họ xuất hành về Đất hứa.
- Họ đã chẳng nhớ ơn Ngài, lại còn đòi quay lại Ai cập để có hành tỏi thịt thà. Thiên Chúa ban cho họ manna.
- Ăn manna một thời gian, họ lại đòi ăn thịt. Thiên Chúa ban cho họ chim cút từ trời rơi xuống.
- Họ lại đòi nước. Ngài cho nước từ tảng đá vọt ra.
- Họ lại nổi loạn đòi giết chết cả ông Môsê. Chúa để cho rắn lửa bò ra cắn chết một số người trong họ. Khi đó họ mới biết sợ và năn nỉ Môsê xin Chúa cứu họ. Chúa dạy ông Môsê làm một con rắn bằng đồng treo lên cao. Ai nhìn lên con rắn đồng mà sám hối thì sẽ được cứu khỏi chết.
Con rắn đồng ở sẵn đó như một con tim yêu thương và tha thứ luôn mở rộng. Dù con người hết cứ lần này đến lần khác xúc phạm đến Chúa, nhưng chỉ cần họ sám hối và nhìn lên đó thì lại được tha.
Sau khi kể chuyện con rắn đồng, Đức Giêsu kết luận : "Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, được cứu độ". Nghĩa là Thiên Chúa chỉ biết thương, chỉ muốn cứu, chứ không bao giờ muốn lên án hay trừng phạt ai cả. Chỉ có con người tự lên án và tự trừng phạt mình, do thái độ ngoan cố của họ. Như ngày xưa chỉ có những ai quá sức ngoan cố không chịu nhìn lên con rắn đồng thì mới phải chết.
Thiên Chúa luôn chờ đợi. Chỉ cần con người sám hối và nhìn lên Ngài.

* 2. Giận mà thương
Nếu ta đã thực sự yêu thương ai thì dẫu khi người đó làm gì sai quấy khiến ta giận nhưng ta vẫn thương, như lời của một bài hát "giận thì giận mà thương thì thương". Điều này càng đúng với Thiên Chúa.
- Việc nguyên tổ phạm tội đã khiến Thiên Chúa rất "giận" (có thể tạm nói vậy, theo kiểu diễn tả "như nhân"). Ngài đã tuyên án cho các nguyên tổ. Dù vậy, liền ngay sau đó Ngài đã hứa sẽ ban Đấng Cứu thế sinh bởi người nữ (St 3,15). Và, như sách Sáng thế diễn tả, khi Thiên Chúa thấy hai ông bà xấu hổ lấy lá che thân thì Ngài thương lấy da thú may áo cho họ mặc (St 3,21).
- Cain đã giết chết em ruột của mình, Thiên Chúa cũng rất "giận" nên phạt hắn phải lang thang vất vưỡng. Nhưng vì thương hắn, Thiên Chúa đã "ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp anh khỏi giết anh" (St 4,15).
- Loài người dù đã bao lần chứng kiến tình thương của Thiên Chúa nhưng vẫn phạm tội và phạm tội ngày càng nhiều hơn, đến nỗi Thiên Chúa phải cho cơn Hồng thuỷ huỷ diệt họ. Dù vậy, Thiên Chúa đã cứu sống gia đình ông Noê. Ngài dạy ông đóng tàu. Khi gia đình ông đã vào tàu hết, chính Thiên Chúa tự tay đóng cửa tàu lại (St 7,16).
Thiên Chúa luôn luôn là như vậy : luôn luôn yêu thương, dù giận nhưng vẫn thương. Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói : "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian, để tất cả những ai tin vào Ngài Con ấy thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời" ; "Thiên Chúa sai Con mình xuống thế gian không phải để phạt loài người nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ".

* 3. Lên án hay cứu độ
Bài Tin Mừng hôm nay có một câu rất đáng chú ý : "Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ"
Từ trước tới nay chúng ta cứ bị ám ảnh bởi nỗi sợ "bị Chúa phạt". Cho nên đọc câu này, chúng ta không còn sợ như thế nữa.
Nhưng để vững lòng hơn, chúng ta hãy kiểm chứng qua những cách đối xử của Đức Giêsu trong các sách Tin Mừng. Chúng ta thấy có nhiều người rất đáng bị lên án, và quả thực họ đã bị người do thái lên án, nhưng phần Đức Giêsu thì không bao giờ lên án họ, như : người phụ nữ tội lỗi trong bữa tiệc tại nhà một người biệt phái (xem Lc 7,36-50 "Tội của chị đã được tha rồi"), ông Dakêu (x. Lc 19,1-10), người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8,1-11), tên gian phi bị đóng đinh bên cạnh Ngài (x. Lc 23,43) v.v.
Đức Giêsu đến chỉ để cứu chúng ta. Ngài ban cho chúng ta rất nhiều cơ hội để được cứu. Ngài không phạt ai cả, chỉ những ai không chịu cho Ngài cứu là tự phạt mình mà thôi.

4. Nicôđêmô
Trong Tin Mừng Gioan, Nicôđêmô xuất hiện 3 lần :
- Lần thứ nhất là trong bài tường thuật Tin Mừng hôm nay. Ông đến với Đức Giêsu "ban đêm" để thảo luận với Ngài về tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ. Sau đó ông ra đi.
- Lần thứ hai là khi các thủ lãnh tôn giáo do thái muốn giết Đức Giêsu. Là thành viên của Thượng Hội đồng Do thái giáo, Nicôđêmô phản đối quyết định ấy. Ông nói : "Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?" (Ga 7,51)
- Lần thứ ba là lúc táng xác Đức Giêsu. Nicôđêmô đến để tẩn liệm thi hài Đức Giêsu một cách sang trọng như người ta tẩn liệm một vị vua. Thánh Gioan thuật : "Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người do thái" (Ga 19,39-40)
Lần thứ nhất Nicôđêmô đến với Đức Giêsu để thưa chuyện với Ngài, lần thứ hai ông lên tiếng bênh vực Ngài, và lần thứ ba ông tôn kính thi hài của Ngài.
Nicôđêmô là hình ảnh minh họa cho hành trình của người tìm đến với ánh sáng như Tin Mừng hôm nay viết : "Ai sống theo sự thật thì đến với ánh sáng"

5. Nỗi buồn thánh
"Bên bờ sông Babylon, ta ngồi ta khóc ta nhớ Sion". Một bài ca buồn, diễn tả tâm tình chung của suốt Mùa Chay này.
Nhưng có nhiều thứ buồn khác nhau, phát xuất từ nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến nhiều kết quả khác nhau :
- Buồn bực là thứ buồn do tức giận, dẫn tới ý muốn đập phá. Như Cain buồn vì tức giận ganh ghét Abilê rồi lập mưu giết chết em mình.
- Buồn chán là thứ buồn do thất vọng, khiến người ta buông xuôi. Như Giuđa buông xuôi đến nỗi tự tử.
- Buồn nhớ là buồn vì xa cách một điều gì hay một người nào mình thương. Thứ buồn này thôi thúc mình tìm về với điều hoặc người thương mà mình phải xa cách đó. Như dân do thái ngồi buồn trên bờ sông Babylon mà lòng nhớ về Sion yêu quý.
- Buồn thương là thứ buồn phát xuất từ tình thương, buồn vì tình thương đang bị đổ vỡ, buồn vì người mình thương đang phải khổ sầu. Thứ buồn này thúc đẩy người ta hàn gắn lại đổ vỡ, xây đắp cho tình thương thêm mặn nồng. Như Phêrô buồn sau khi chối Chúa. Ông đã khóc lóc ăn năn và tìm cách quay về với Ngài.
Cái buồn của Mùa Chay là thứ buồn nào ? Nó xuất phát từ nhận thức Chúa rất thương yêu mình, thế mà mình đã không xứng đáng với tình thương đó. Nó khiến mình tỉnh ngộ dừng chân suy nghĩ về cách sống hiện tại. Nó thôi thúc mình tìm về với Chúa, sửa chữa những lỗi lầm đã qua và tìm cách làm cho lòng mình thương Chúa càng nồng nàn thắm thiết hơn.
Đó không phải là buồn bực, buồn chán, mà là buồn nhớ, buồn thương. Đó là thứ buồn rất nên buồn, vì là nỗi buồn thánh.

Báo Los Angeles Times ngày 8-6-1996, viết về ông Sam Eason, một người đánh giày ở bãi đậu xe như sau :
Sam Eason là một người đánh bóng với tất cả ý nghĩa của danh từ ấy. Ông ta không chỉ làm cho bạn nhìn bảnh hơn ở chiếc giá đánh giày… mà còn giúp bạn cảm thấy thoải mái vui hơn. Với vài đường đánh giày thật khéo, ông làm cho đôi giày cũ sờn của bạn trở nên bóng loáng. Và bằng mấy câu nói khéo, ông có thể khiến những luật sư hoặc những người buôn chứng khoán mệt mỏi trở nên hăng hái vui tươi.
Quản lý các hệ thống văn phòng Timothy Matthews nói : "Bất kể màu da hay màu giày của bạn, Sam là một người bạn tốt của mọi người". Giám đốc công ty sản xuất máy Photocopy Phil Canon thêm : "Không có gì giả tạo nơi Sam".
 Trước sự giao tế niềm nở, cảm thông và đầy tình người của Sam Eason, nhiều khách hàng dù đã đổi đi xa, vẫn lái xe đến với ông để được đánh bóng đôi giày và được làm cho tươi mát tâm hồn.
Người đánh giày dễ thương ấy đã qua đời vì bệnh tiểu đường ngày thứ Hai 3-6-1996 và được an táng đúng sinh nhật thứ 59 của ông (thứ Sáu 7-6-1996). Trên giá đánh giày bỏ trống, khách hàng đặt những bó hoa tươi thắm ấp đầy thương nhớ. Họ kể cho nhau nghe Sam Eason đã làm tươi mát cuộc đời họ như thế nào…
Sĩ quan cảnh sát John Bavetta trong điếu văn đọc ở tang lễ của Sam Eason đã khóc khi kể lại hàng trăm tập quán của Sam Eason. Trước khi chào từ biệt ông đã nói : "Bây giờ đến lượt hào quang của Sam được đánh bóng".
*
Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay đã nói với Nicôđêmô : "Ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa" (Ga.3,21). Chắc chắn tâm hồn của người đánh giày ngập tràn ánh sáng, nên ông luôn lan tỏa niềm vui chân thật và nét đơn sơ trong sáng.
Cuộc đời mãi mãi là một thách đố. Chúng ta chọn ánh sáng bên này hay bóng tối bên kia. Cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa liên lỉ giữa ánh sáng và bóng tối. Lựa chọn của người đời lại khác với lựa chọn của người con Chúa. "Sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sống, vì hành động của họ xấu xa" (Ga.3,19). Người đời trốn chạy ánh sáng vì sợ hành động xấu xa của họ bị lộ tẩy.
Ghét ánh sáng và thích bóng tối là thảm kịch của người đời, vì con người sinh ra là để sống cho ánh sáng. Thiên Chúa không đào hỏa ngục, không xây ngục tối, nhưng chính tù nhân đã tự nhốt mình và nội tâm tăm tối. Ai từ chối ánh sáng của Chúa sẽ héo tàn trong bóng tối của chính mình.
Có cách nào để ra khỏi bóng tối ? Có lối nào để trở về với ánh sáng ? Đức Giêsu đã chỉ ra một con đường duy nhất : "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời" (Ga.3,16). Nếu ngày xưa dân Do thái đã tin tưởng nhìn lên con rắn đồng để được chữa lành thì ngày nay tất cả những ai tin tưởng nhìn lên Đức Giêsu trên thập giá đều được ơn Cứu độ.
Thập giá là tột cùng của đau đớn nhục nhã, nhưng cũng là minh chứng tuyệt vời của một tình yêu : Tình yêu của Cha đã trao ban Con Một, tình yêu của Con đã hiến dâng mạng sống. Tin vào một tình yêu như thế sẽ chữa lành những vết thương cuộc đời. Đức Giêsu đã từng nói :"Đức tin của con đã chữa con" (Mc.10,52).
Đức tin là thành phố trên đồi, là ngọn đèn trên cao. Thành phố trên đồi không bị khuất tầm nhìn. Ngọn đèn trên cao soi sáng cả nhà. Đức tin trong sáng luôn sống động không nằm chết trong lòng, nhưng luôn tỏa sáng.
Đức tin trong sáng luôn mang lại nụ cười, an bình, và hạnh phúc.
Đức tin như những vì sao, lấp lánh lao xao, trên trời cao thăm thẳm.
Đức tin như những vì sao, ngời sáng như kim cương trên ngực người tín hữu.
*
Lạy Chúa, sống là phải chọn lựa không ngừng giữa ánh sáng và bóng tối. Xin cho chúng con đừng chỉ biết nguyền rủa bóng tối, nhưng can đảm thắp lên những ngọn nến sáng, để cả thế giới ngập tràn ánh sáng của Chúa. Amen (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Mùa Chay là thời gian giúp chúng ta khám phá lại tình thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người để tất cả những ai tin vào Con Người thì được sống hạnh phúc. Với tâm tình biết ơn, chúng ta dâng lời nguyện xin :
1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn cũng như đàn chiên là Hội thánh Chúa / luôn trở nên dấu chỉ của niềm vui và niềm hy vọng / để có thể loan báo cho muôn dân biết tình thương của Thiên Chúa.
2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền trên thế giới / có dịp khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua công trình cứu độ của Chúa / để họ tin tưởng và cộng tác với Chúa trong việc cứu độ thế giới.
3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người nghèo khổ, bệnh tật, thất nghiệp, bị tù đầy và biệt xứ / có dịp khám phá ra tình thương cứu độ của Đức Giêsu qua những hoạt động bác bái của các Kitô hữu.
4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người trong họ đạo chúng ta / đều cảm nhận được tình thương cứu độ của Chúa / để quyết tâm chết đi cho tội lỗi và sống lại trong tình thương và ân sủng của Người.
Chủ tế  : Lạy Chúa xin cho mỗi người chúng con biết dùng thời gian thuận lợi của Mùa Chay này, để nhìn nhận hồng ân cứu độ mà Đức Giêsu đã mang đến cho tất cả mọi người / và tin tưởng vào Người để được sống đời đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật IV Mùa Chay (B)
Chúa Nhật, 15 Tháng 3, 2015
Chúa Giêsu, Sự Sáng của Thế Gian
Ga 3:14-21

Lời nguyện mở đầu

Lạy Đấng Tối Cao, Thiên Chúa Toàn Năng,
Chúa đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.
Xin Chúa hãy hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,
để cho nước có thể chảy ra hầu làm dịu cơn khát của chúng con. 
Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con
che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình minh,
Xin hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên của Đấng Tuyệt Đối
những người đã canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh,
hương vị của kỷ niệm thánh.

1.  BÀI ĐỌC

a)  Tin Mừng:
14 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Như Môisen đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, 15 để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. 16 Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, 17 vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. 18 Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt.  Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào Danh Con Một Thiên Chúa; 19 và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. 20 Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; 21nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa".                
b)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.

2.  SUY GẪM
                            
a)  Một vài câu hỏi gợi ý:

-  Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi…:  có bao nhiêu lời chỉ trích và định kiến về một Thiên Chúa xa vời và vô cảm?  Điều này không thể đúng, có lẽ, bởi vì chúng ta quy cho Chúa điều đó thay vì chúng ta nhận lấy trách nhiệm của mình chăng?  
-  Ánh sáng đã đi vào thế gian, nhưng loài người lại ưa chuộng bóng tối hơn:  bất cứ ai tự lừa dối mình không phải là con người thụ tạo và sống xa lìa Thiên Chúa, thì không thể chọn sự sáng bởi vì ảo ảnh sẽ tan biến đi.  Có bao nhiêu sự tối tăm vây quanh những ngày tháng của tôi vậy?
-  Bất cứ ai làm cho chân lý lộ ra vào trong ánh sáng.  Người ấy sẽ không sợ để cho người ta thấy mình là ai.  Loài người không bị đòi hỏi phải là bất khả ngộ, mà đơn giản chỉ làm người.  Chúng ta, những ai giống như chúng ta cần phải làm việc một cách trung thành trong không gian và thời gian của mình, có khả năng sống với những yếu kém của chúng ta như là nơi của sự gặp gỡ và mở lòng ra với Thiên Chúa và với người khác không?

b)  Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng: 

Các câu 14-15:  "Như Môisen đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời.” 
Đối với con cái Israel, những người bị rắn độc cắn trong sa mạc, ông Môisen đã ban khả năng được cứu sống bằng cách nhìn vào con rắn đồng.  Nếu loài người sau đó ngẩng đầu lên và nhìn lên cao, Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn một sự chọn lựa cho họ.  Người không bắt buộc, Người ở đó, sẵn sàng.  Mầu nhiệm của quyền tự do loài người, của sự tự quyết là điều đáng yêu nhất mà Thiên Chúa có thể phát minh ra!  Việc lựa chọn một cái nhìn, một cuộc gặp gỡ, một cơ hội mới…  Con Người trong sa mạc của thế gian sẽ bị treo lên trên thập giá như một dấu chỉ của ơn cứu chuộc cho tất cả những ai cảm thấy có nhu cầu phải tiếp tục sống và sẽ không để cho họ bị cắn bởi những chọn lựa sai lầm độc hại.  Đức Kitô đã ở đó:  đáng nguyền rủa cho kẻ không có niềm tin, phúc thay cho người có lòng tin.  Đây là hoa trái sẽ được gặt hái, gắn liền với cây gỗ của sự sống. Chúng ta cũng vậy, giống như dân Israel, trong sa mạc đã bị “cắn” bởi con rắn trong vườn Địa Đàng, và chúng ta cần phải nhìn vào con rắn đồng được treo trên cây trượng gỗ để không bị chết:  “Tất cả những ai tin ở Người sẽ được sống đời đời”.   

Câu 16:  Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu ưu đãi, một tình yêu hiển nhiên, một tình yêu lên tiếng…  Chúa Cha có thể nào đến một cách trực tiếp không?  Có, nhưng tình yêu của Chúa Cha, Đấng ban Con Một của Người, không lớn lao hơn sao?  Mọi người mẹ, nếu bà ấy có sự chọn lựa, thì sẽ chọn để chính mình chết hơn là nhìn thấy con của bà bị chết.  Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta quá đỗi, đến mức mà chịu nhìn thấy Con của Người bị chết!  
      
Câu 17:  Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ.
Một Thiên Chúa có khả năng luận phạt công minh lại sai Con của Ngài giáng trần không để luận phạt mà là để cứu rỗi.  Quả vậy, thật là cần thiết để xóa đi mọi ý nghĩ và đặt mình trước một tình yêu cao cả như thế.  Chỉ có Thiên Chúa yêu thương mới có thể biến “luận phạt” thành “cứu rỗi”.  Ngài biết sự mong manh của tâm hồn loài người và biết rằng hình ảnh của Ngài, đã bị làm cho tối tăm, có khả năng quay trở lại để trở nên trong sáng, không cần thiết phải làm nó mới lại.  Luận lý của sự sống không biết đến cái chết: Thiên Chúa là sự sống không thể phá hủy những gì chính Ngài đã muốn tạo ra, đó là, trong một cách nào đó, sẽ phá hủy chính Ngài.      

Câu 18:  Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt.  Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào Danh Con Một Thiên Chúa.
Đức tin là yếu tố phân biệt trong mỗi cuộc sống.  Không tin vào Danh Con Một Thiên Chúa:  đây đã là một sự lên án, bởi vì kẻ không chấp nhận tình yêu là kẻ tự loại trừ mình khỏi tình yêu!   

Các câu 19-20:  Và đây là án phạt:  mặc dù sự sáng đã đến thế gian, nhưng người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa.  Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách.
Bản án duy nhất mà nhân loại được truyền cho là lời kêu gọi sống trong sự sáng.  Khi mặt trời mọc, không có vật gì có thể thoát khỏi tia sáng của nó… và điều tương tự cho loài người.  Khi Đức Kitô được sinh ra, không ai có thể thoát khỏi sự sáng này tràn ngập trên tất cả mọi thứ.  Nhưng loài người đã xây nhà để họ có thể trốn chạy khỏi ánh sáng của Tình Yêu mà tự nó đã lan tỏa khắp nơi, những căn nhà của vị kỷ, những căn nhà của cơ hội.  Chúng đã bện vào nhau qua những ngõ ngách và nơi ẩn trốn để tự do tiếp tục thực hiện hành vi của chúng.  Và có thể nào mà một việc làm thiếu ánh sáng lại sinh hoa kết trái được?  Sự sáng của cuộc sống chỉ có một nguồn duy nhất:  Thiên Chúa.  Ai tránh xa khỏi sự sáng thì chết.

Câu 21:  Nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa.
Tất cả mọi việc được ở dưới những tia sáng của tình yêu đời đời, được tràn ngập sự sáng, như nó đã xảy ra trong thiên nhiên.  Có vẻ như tất cả mọi thứ mỉm cười khi mặt trời chiếu rọi.  Và mọi vật vào ban ngày thì quen thuộc và đẹp đẽ, vào ban đêm chúng tạo dạng gây ra sợ hãi bởi vì chúng không thấy được.  Mặt trời không thay đổi hình dạng của chúng, mà mặt trời nâng cao vẻ đẹp của chúng.  Bất cứ ai sống thật với chính mình và chấp nhận sự mong manh của mình như là một vật trang trí của bản thể loài người, thì sẽ không sợ sự sáng bởi vì người ấy không có gì để che dấu.  Người ấy biết rằng như một tạo vật, anh ta hành động theo lý lẽ của sự giới hạn, nhưng điều này không làm giảm đi sự vĩ đại của công việc mình làm bởi vì đời sống của anh ta thì cùng với chân lý đời đời.    

c)  Suy niệm:

Khu vườn trở thành sa mạc đối với một người sống xa lìa Thiên Chúa. Và trong sa mạc của những giới hạn của mình như một tạo vật, người ấy một lần nữa lại thấy các vết cắn đầy nọc độc của con rắn.  Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con cái Ngài, và khi họ lìa xa Ngài, Người đi theo họ, sẵn sàng để can thiệp khi cần thiết.  Con rắn, biểu tượng cho sự chữa lành, được treo lên mỗi khi nọc độc làm suy yếu đời sống con người, đó là Đức Kitô Chúa chúng ta.  Nếu con người ưa chuộng nhìn xuống đất hơn và ở lại trong sa mạc của “Tôi tự làm điều đó”, Thiên Chúa, cũng làm như thế, Người tự hiến thân về ánh mắt nhìn của người ấy:  như một con rắn, là cách duy nhất mà loài người có thể nhận ra Chúa.  Đức Kitô đã trở thành tội nhân, bị kết án tử, để cứu lấy hình ảnh của Người, không để cho loài người phải hư mất.  Sự lên án không thuộc về Thiên Chúa, đó là sự chọn lựa của loài người.  Tôi có hoàn toàn tự do quyết định không sống gần hơi nóng.  Nhưng điều đó có nghĩa rằng tôi sẽ phải đi tìm một nguồn nhiệt khác, nếu tôi muốn được ấm áp.  Nếu không, tôi có nguy cơ bị cảm lạnh, mỏi mệt, và đau ốm.  Sự tự do của Thiên Chúa có cái giá của sự lên án.  Chỉ có những người không thông minh đủ mới không hưởng lợi từ món quà được trao ban cho họ, chỉ có sự ngu ngốc mới không chấp nhận những gì là lợi ích nhất mà không cảm thấy như người bị mắc nợ.  Trong lĩnh vực của tình yêu, chữ “nợ” không hiện hữu, bởi vì sự cho không là chữ duy nhất mà có thể được nghĩ đến.  Và với chữ cho không sự sáng phát tỏa:  tất cả mọi việc trở thành có thể, tất cả mọi thứ trở nên một cơ hội.  Các việc làm trong bóng tối hay việc làm trong Thiên Chúa:  hình ảnh trần gian về những lấp lánh mờ nhạt của các viên đá giả dối là những trò chơi nguy hiểm cho tất cả mọi người; tốt hơn là nên thường xuyên đi đến những căn phòng đầy ánh nắng của thời gian học nghề không bao giờ kết thúc!  Ít ra là có cuộc sống phát triển và niềm vui tràn đầy tất cả mọi thứ với vẻ đẹp…           

3.  CẦU NGUYỆN – Thánh Vịnh 35 (36)


Tội ác thì thào trong thâm tâm kẻ dữ;
hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời.
Hắn tự cao tự đại, nên chẳng thấy tội mình mà chê ghét.
Lời nói toàn xảo quyệt dối gian,
hết lẽ khôn ngoan, hết điều lương thiện!
Nằm trên giường, hắn bày ra chước độc mưu thâm,
hắn đứng lỳ trên nẻo đường bất hảo,
không còn chê ghét việc gian tà.

Lạy CHÚA, tình thương Ngài cao ngất trời xanh,
lòng thành tín vượt ngàn mây biếc.
Công lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn,
quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm.
Lạy CHÚA, Ngài tế độ con người và súc vật.
Lạy Thiên Chúa, tình thương Ngài quý trọng biết bao!
Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.

Họ được no say yến tiệc nhà Ngài,
nơi suối hoan lạc, Ngài cho uống thoả thuê.
Ngài quả là nguồn sống,
nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng.
Xin hằng thương những kẻ biết Ngài,
và hằng xử công minh với những ai có lòng ngay thẳng.

Đừng để quân ngạo mạn giày xéo thân này
và phường độc dữ đánh đuổi con đi.
Kìa bọn làm điều ác đã nhào xuống cả,
ngã quỵ rồi, không chỗi dậy nổi đâu.

4.  CHIÊM NIỆM

Ôi lạy Chúa, khi niềm kính sợ Thiên Chúa bỏ rơi con, con cảm thấy tội lỗi lên tiếng trong lòng con:  đây là những khoảnh khắc của ảo ảnh, những khoảnh khắc mà con đi tìm kiếm các thất bại của con.  Con trải nghiệm cảm giác tội lỗi không bao giờ nguôi, và tất cả những điều này là vô ích bởi vì con đã không hiểu rằng chỉ có làm những điều tốt lành, thì những lời trái với đạo lý và lừa dối của ma quỷ sẽ bị dập tắt.  Cố chấp với tội lỗi là điểm thu hút, tưởng chừng như là điều này sẽ cho con danh dự và hãnh diện hơn, có giá trị hơn.  Khi con có thể nhận thức được rằng những gì Chúa ban cho con và cho phép con được sống, thì thật là bao la và rồi con cảm nhận được vực sâu thăm thẳm lòng trung thành của Chúa và con nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa không có bất kỳ giới hạn nào; thì tất cả mọi thứ tràn ngập và lôi cuốn con đi, con đang ở trong hình ảnh của Chúa và tất cả những gì Chúa đã tạo dựng cho con và con đã đặt tên cho chúng.  Thật vậy, ân sủng của Chúa thật là quý giá.  Trong nhà Chúa, sự bảo vệ phong phú hiện hữu, niềm vui mừng và sự hân hoan chảy như nước.  Lạy Chúa, nếu con nhìn vào đôi mắt của Ngài, thì tất cả mọi thứ là sự sáng.  Và bây giờ không có gì là khó khăn, bởi vì trái tim của con, được thanh tẩy từ sự cám dỗ trở thành Thiên Chúa trong vị trí của Chúa, cho con biết rằng con sẽ ở cùng Thiên Chúa với Ngài.  Sự ganh đua, cạnh tranh, thù địch… biến mất trong khi đối mặt với đề nghị của Chúa tham dự vào trong đời sống thần thánh của Chúa.  Thiên Chúa ở cùng Ngài.  Chúa là nguồn mạch của hình ảnh và con là một phản ảnh của hình ảnh đó!  Tình yêu của Chúa giống như nhựa sống chảy qua con tim, qua chiều sâu của con người con cho đến khi con tìm thấy nguồn gốc của mình:  trong Danh Thánh Chúa.     


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét