Trang

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

09-08-2018 ; THỨ NĂM - TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN


09/08/2018
Thứ năm tuần 18 thường niên


BÀI ĐỌC I: Gr 31, 31-34
“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Chúa phán: “Đây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Đây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: ‘Ngươi hãy nhìn biết Chúa’, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19
Đáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).
Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. – Đáp.
2) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài. – Đáp.
3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ; nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia. 
PHÚC ÂM: Mt 16, 13-23
“Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Vác Thập Giá Theo Chúa Giêsu
Có lẽ chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh của Thập giá. Nơi nào có người Kitô hữu thì nơi đó có Thập giá. Vào thời Chúa Giêsu, Thập giá là một cực hình làm cho con người khiếp sợ, tủi hổ. Hằng ngày, người Do thái chứng kiến cảnh các tội nhân vác những khúc gỗ lớn tuần hành qua các khu phố trước khi đến Núi Sọ; những khúc gỗ sần sùi ấy sẽ được sử dụng để treo chính các tội nhân.
Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ðời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.
Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang Thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Ðấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: "Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô".
Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác Thập giá với những người đang bị giam giữ một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.
Xin cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng ta, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại, chúng ta luôn kiên vững và an vui.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 18 TN2
Bài đọcJer 31:31-34; Mt 16:13-23

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giao ước giữa Thiên Chúa và con người
Giao ước được thiết lập là do sự thỏa thuận của hai bên về một số những điều phải giữ: ví dụ: giao ước hôn nhân, khấn dòng. Nếu một bên vi phạm, giao ước sẽ không còn hiệu lực. Các bài đọc hôm nay đề cập đến những giao ước Thiên Chúa đã thực hiện với con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự khác biệt giữa hai giao ước: cũ và mới.
1.1/ Giao ước cũ: Giao ước này được thiết lập trên núi Sinai, khi Chúa đưa Israel ra khỏi Ai Cập và dẫn họ vào Đất Hứa. Chúa hứa nếu họ trung thành với Chúa và giữ Luật Chúa truyền, họ sẽ là dân riêng Chúa, và Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi mọi quân lân bang xâm lấn.
Nhưng Israel đã hủy bỏ giao ước này như tiên tri Jeremiah tuyên sấm hôm nay: “Chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng.” Họ đã không trung thành với Chúa khi chạy theo các thần ngọai bang để thờ phượng chúng. Họ đã không tuân giữ các điều răn Chúa truyền bằng lối sống bất công và vô luân.
1.2/ Giao ước mới: Thay vì chia tay để con người chết trong tội, Thiên Chúa chọn để thiết lập một giao ước mới khi tuyên sấm hôm nay: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập.”
Đây là nội dung của giao ước mới: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết Đức Chúa,” vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Israel sẽ tồn tại mãi.”
2/ Phúc Âm: Giao ước mới giữa Chúa Giêsu và Hội thánh qua trung gian của Phêrô.
2.1/ Người ta bảo Thầy là ai? Bối cảnh lịch sử và địa dư của Caesar Philippi: Có hai nơi gọi là Caesar trên Đất Thánh: một gọi là Caesar Maritime, nằm gần bờ biển Mediteranean, và một gọi là Caesar Philippi vì nó nằm trong vùng thuộc tiểu vương Philip, một trong ba người con của Vua Herode. Nơi này cách Biển Hồ Galilee khỏang 25 miles về phía Đông Bắc, giáp biên giới với Syria, và được gọi là Banias ngày nay. Đây là vùng rất khác biệt với tất cả các nơi khác trong Đất Thánh: Điểm khác biệt đầu tiên là nước ở khắp mọi nơi, vì nó nằm dưới chân rặng núi Hermon, và khi tuyết chảy đều tập trung về đây lập thành đầu nguồn của sông Jordan trước khi chảy vào Biển Hồ Galilee.
Nơi đây là trung tâm của nhiều tôn giáo vì tính rất linh thiêng của nó: Thánh Vịnh 42:6 và 133:3 nhắc nhở cho mọi người Do-thái phải nhớ đến Chúa khi đến đây, vì sông Jordan là huyết mạch không thể thiếu trong đời sông của người dân. Nó là phúc lành và sức sống Chúa ban cho dân. Nơi đây cũng có khỏang 14 đền thờ của người Syria vì họ đã từng cư ngụ nơi này. Lại là nơi thờ thần Pan, thần thiên nhiên của người Hy-lạp khi họ đô hộ nơi này. Nơi thờ thần Pan là một cái động khổng lồ: đỉnh là một ngọn núi, chân là một vực thẳm rất sâu chứa đầy nước. Nơi đây, Philip cũng cho xây một đền thờ khổng lồ bằng đá cẩm thạch trắng trên núi để thờ hòang đế Caesar.
Đứng trước một trung tâm huyền bí và qui tụ rất nhiều các thần như nơi này, con người không khỏi lẫn lộn khi đặt cho mình một câu hỏi: Đâu là sự thật? Thần nào là thần phải thờ? Chúa Giêsu có ý định đặt câu hỏi để bắt các môn đệ phải tìm ra câu trả lời. Hơn nữa, hai sứ vụ chính của Ngài khi xuống thế là (1) mặc khải cho con người biết tất cả những gì Thiên Chúa muốn, và (2) huấn luyện các môn đệ để tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian. Đây là giờ phút quan trọng vì Ngài sắp sửa lên Jerusalem để chịu chết và hoàn thành sứ vụ của Ngài trên trần gian, nên Ngài cần phải biết chắc chắn những môn đệ của Ngài có hiểu sứ vụ của Ngài, nhất là biết rõ Ngài là ai trước khi có thể tiếp tục sứ vụ khi Ngài đã về trời.
Vì thế, Ngài bắt đầu bằng câu hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elijah, có người lại cho là ông Jeremiah hay một trong các vị ngôn sứ.” Tiểu vương Herode Antipas đã gọi Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết (Mt 14:2). Khi gọi Chúa là Eliiah, họ đã nhận ra phần nào sự quan trọng và uy quyền của Chúa vì người Do Thái tin tiên tri Eliiah chưa chết và sẽ trở lại trước thời Đấng Messiah sẽ tới (Mal 4:5). Họ vẫn để một ghế trống trong hội đường cho tiên tri khi họ cử hành Lễ Vượt Qua. Cũng vậy, khi gọi Chúa là Jeremiah vì họ cũng tin ông sẽ tới trước thời Đấng Messiah. Truyền thống tin là Jeremiah đã vào Đền thờ Jerusalem trước khi đi lưu đày bên Babylon để lấy Hòm Bia và hương án đem giấu trên núi Nebo và sẽ trở lại để “đúc lại” hai thứ này để Thiên Chúa tiếp tục hiện diện với Dân Người (2 Mac 2:1-12). Như thế, khi gọi Chúa Giêsu là Elijah hay Jeremiah, họ không tin Chúa Giêsu là Đấng Messiah, mà chỉ là tiên tri đến dọn đường trước khi Đấng Messiah đến. Nếu các môn đệ cũng tin như thế thì Chúa Giêsu sẽ thất bại!
2.2/ Các con bảo Thầy là ai? Vì vậy, giờ phút quyết liệt đã tới, Chúa Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Jonas, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”
Đấng Kitô, Christ (tiếng Hy-lạp) chính là Đấng Messiah (tiếng Do-thái), có nghĩa là Đấng được xức dầu để làm vua mà toàn dân Do-thái đang mong đợi. Đây là câu trả lời Chúa Giêsu mong muốn, nhưng Chúa muốn cho Phêrô biết lý do tại sao ông biết điều mà người khác không biết: vì ông đã được mặc khải bởi Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Lý do này cũng được tuyên bố bởi Phaolô: Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa mà không do Thánh Thần (I Cor 12:3).
Vì Phêrô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng con người đích thực của Chúa Giêsu, nên Ngài có thể an tâm sẽ có người kế vị để tiếp tục công việc Ngài đã khởi sự. Và Chúa Giêsu thiết lập giao ước mới với Phêrô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.
Từ lúc đó, Chúa Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Jerusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Điều trên xảy ra cho Phêrô, chúng ta có thể hiệu được theo tính loài người: vì tuy Phêrô đã biết căn tính của Chúa là Đấng Thiên Sai phải đến, nhưng cũng như bao người Do-thái đương thời, ông nghĩ Chúa sẽ dùng uy quyền Thiên Chúa để thống trị các dân tộc. Vì thế, một Thiên Chúa phải cứu độ qua con đường đau khổ của Thập Giá là chuyện ông không thể tưởng tượng có thể xảy ra.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Trung thành với giao ước là điều kiện tiên quyết để được Thiên Chúa bảo vệ.
– Người khác có thể dạy cho chúng ta biết về Chúa, nhưng để nhận ra Chúa Giêsu là ai và tin vào Ngài đòi hỏi mối liên hệ của chúng ta với Chúa và phải được trợ giúp của Chúa Cha hay Thánh Thần. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


09/08/2018 – THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th. Tê-rê-sa Bê-nê-đi-ta Thánh Giá, nữ tu.
Mt 16,13-23

ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚA
Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (Mt 16,21)

Suy niệm: Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống và được Ngài khen là người có phúc. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ và chịu chết như thế được. Cũng như bao người Do-thái khác, Phê-rô mong đợi một Đấng Ki-tô như là một vị vua trần thế nắm quyền lực chính trị, giải phóng Ít-ra-en khỏi ách thống trị Rô-ma làm bá chủ thế giới. Nhưng đường lối của Chúa thì khác, con đường hiến thân phục vụ: “Con người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
Mời Bạn: Cuộc sống luôn có những thách đố mời gọi bạn vượt qua để khẳng định chính mình, để biết rõ mình và để lớn lên hơn mỗi ngày. Chúa Giê-su biết Ngài phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ và bị giết chết nhưng Ngài không chùn bước. Chúa cũng mời gọi bạn bước theo Chúa trên con đường khổ giá để cùng chết và cùng Phục sinh như Ngài.
Chia sẻ: Bạn cảm nghiệm Thập giá thật sự có ý nghĩa như thế nào?
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng đón nhận những điều trái ý trong cuộc sống khi phục vụ tha nhân vì đó đúng là con đường của Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cũng như các thánh tử đạo Việt Nam và biết bao người theo Chúa trên đường thập giá. Xin cho con can đảm theo Chúa đến cùng trên con đường hiến thân phục vụ của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Anh là tảng đá (9.8.2018 – Thứ năm Tuần 18 Thường niên)

Suy nim:
Chúng ta đã quen cầu nguyện cho Đức giáo hoàng với bài hát:
“Này con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo hội…”
Theo Tin Mừng Gioan, ngay từ lần đầu gặp gỡ (Ga 1, 42),
Đức Giêsu đã đặt cho anh Simon một tên mới: Kêpha, nghĩa là Đá.
Trong bài Tin Mừng bằng tiếng Hy Lạp, Đức Giêsu nói với Simon:
“Anh là Petros (Phêrô), và trên petra (đá) này, Thầy sẽ xây Giáo Hội Thầy.”
Rất có thể Ngài đã nói với Simon bằng tiếng Do Thái thời của Ngài như sau:
“Anh là Kêpha, và trên kêpha này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy.”
Người Do Thái hầu như không có thói quen đặt tên con là Đá, Kêpha.
Khi đặt cho Simon cái tên lạ, Đức Giêsu đã muốn trao sứ mạng cho anh.
Anh sẽ là nền cho ngôi nhà mới của Thầy, do tay Thầy xây dựng (c. 18).
Ngôi nhà ấy chính là Giáo hội, là cộng đoàn giao ước mới do Thầy lập nên.
Chúng ta rất ngạc nhiên vì Đức Giêsu muốn đặt nền trên Kêpha (Phêrô),
một con người bình thường, một ngư phủ ít học.
Làm sao Giáo hội có thể xây nền trên một con người yếu đuối như thế?
Kêpha vững như bàn thạch không nhờ sức riêng, nhưng nhờ ơn Chúa.
Quyền lực của Tử thần, của Ác thần không thắng được cộng đoàn này.
Bất chấp những tấn công trong ngoài từ hai mươi thế kỷ qua,
Giáo hội vẫn đứng vững trên nền đá Phêrô, anh ngư phủ vùng Galilê,
đơn giản vì Chúa phục sinh vẫn luôn ở với Giáo hội (Mt 28, 20),
và vẫn tiếp tục xây dựng Giáo hội của Ngài trong sự thăng trầm của lịch sử.
Nhưng Phêrô cũng có những yếu đuối của mình.
Khi Thầy Giêsu loan báo về con đường khổ nạn và cái chết sắp đến,
Phêrô không thể chấp nhận được con đường hẹp này.
Dù đã được Cha mặc khải để biết Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa,
nhưng Phêrô lại chưa thể hình dung được một đấng Kitô thất bại ê chề.
“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (c. 22).
Nếu Thầy là Con Thiên Chúa, thì Cha chẳng để Thầy phải chịu như vậy.
Trong phút chốc, từ Đá Tảng vững chắc (kêpha, petra)
Phêrô trở thành viên đá làm cho Thầy vấp phạm (scandalon),
trở thành cơn cám dỗ lớn cho Thầy đến từ Satan (c. 23).
Đức Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ đối với anh môn đệ mà Ngài tin tưởng.
“Lui đi sau Thầy!”: Ngài nói giống như lần bị cám dỗ bởi Satan (Mt 4, 10).
Ngài muốn Phêrô trở lại vị trí đi sau của người môn đệ.
Cần có thời gian Phêrô mới hiểu được con đường Thầy đã đi.
và tự nguyện đón lấy cái chết thập giá mà chính Thầy đã chịu.
Cám dỗ tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục nhã, thất bại, khó nghèo
là cám dỗ muôn thuở mà Thầy Giêsu và anh Phêrô đã trải qua,
cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo hội mọi thời.
Làm thế nào để chúng ta nghĩ như Thiên Chúa, chứ không như thế gian,
chọn sự ngu dại của Thập Giá hơn là sự khôn ngoan người đời (x. 1 Cr 1, 25)?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
Xin nhìn đến Hội Thánh của Chúa trên khắp hoàn cầu,
Hội Thánh Chúa đã lập bằng rất nhiều tình yêu.
Xin nhìn đến những nơi thiếu nhà thờ, cần chủ chăn,
những đồng lúa chín vàng chờ người gặt.
Xin nhìn đến những thánh đường vắng bóng giáo dân,
những chủng viện và tập viện phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.
Xin thương những kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi,
và  bao người trẻ mất đức tin, mất niềm hy vọng vào Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Hội Thánh sau hai ngàn năm đã lớn mạnh hơn nhiều,
nhưng vẫn bị đe dọa bởi bao sóng gió bên ngoài và bên trong.
Xin cho Hội Thánh biết không ngừng canh tân nhờ Thánh Thần,
để có thể đồng hành và đối thoại với con người hôm nay.
Xin cho các kitô hữu sống thánh thiện như Cha trên trời.
để những khiếm khuyết của chúng con khỏi làm cớ cho nhiều người bỏ Chúa.
Cuối cùng, xin Chúa cho Hội Thánh chúng con những vị thánh mới,
tươi tắn, khiêm hạ và nhân từ như Chúa,
để cuộc sống ngát hương của họ khiến Hội Thánh đáng tin hơn,
và chinh phục được những tâm hồn chưa biết Chúa.
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG TÁM
Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa Trong Ánh Sáng Của Mạc Khải
Chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa, vốn nối kết chặt chẽ với mầu nhiệm sáng tạo, phải được hiểu trong bối cảnh của toàn bộ mạc khải, toàn bộ những tín điều mà chúng ta tuyên xưng trong tư cách là Kitôhữu. Bằng cách này, chúng ta nhận ra một mối liên kết hữu cơ giữa sự quan phòng và mạc khải. Trong chân lý về sự quan phòng có chứa đựng mạc khải về sự tiền định đối với con người và thế giới trong Đức Kitô. Trong đó cũng có mạc khải về toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi và sự hoàn thành của nhiệm cục ấy xuyên qua lịch sử.
Chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa cũng gắn kết chặt chẽ với chân lý về Vương Quốc của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao những lời giáo huấn của Đức Kitô về sự quan phòng có một tầm quan trọng nền tảng cho đời sống chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và mọi sự khác cũng sẽ được ban cho anh em” (Mt 6,33; Lc 12,13).
Vâng, chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa được mạc khải trong sự cai quản của Thiên Chúa trên toàn thể thế giới thụ tạo. Chân lý ấy trở thành hoàn toàn có thể nhận hiểu được đối với con người xuyên qua chân lý về Nước Thiên Chúa. Xuyên qua Nước ấy – ngay cả trong thế giới thụ tạo của chúng ta – Thiên Chúa thiết lập vĩnh viễn “sự tiền định trong Đức Kitô”, Đấng là “Trưởng Tử của mọi loài thọ sinh” (Cl 1,15).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 09/8
Thánh Têrêxa Bênêđícta Thánh Giá, nữ tu tử đạo
Gr 31, 31-34; Mt 16, 13-23.

LỜI SUY NIỆM: “Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”
            Chúa Giêsu đã sống giữa đám đông dân chúng, sống giữa các môn đệ của Người, đặc biệt với Nhóm Mười Hai, với bao lời giảng dạy và phép lạ, để mạc khải về Nước Trời, về tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa, về sự đợi chờ sám hối của con người.
            Giờ đây, Chúa Giêsu biết “Giờ” sắp đến, Người dành nhiều thì giờ để ở riêng với Nhóm Mười Hai, để dạy dỗ họ, chính trong lúc này Người đặt câu hỏi: “Người ta nói con người là ai?” và sau khi nghe các Tông Đồ kể lại, Chúa Giêsu lại đặt câu hỏi riêng cho các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
            Lạy Chúa Giêsu, ngay hôm nay lời hỏi của Chúa vẫn còn vang vọng bên tai của mỗi người trong chúng con. Xin cho chúng con ơn đức tin, để chúng con nhận ra Chúa là Chúa của con, Thiên Chúa của con, là Đấng yêu thương cứu chuộc chúng con khỏi phải chết đời đời; giúp chúng con sống đẹp lòng Chúa và đẹp lòng nhau.
Mạnh Phương



09 Tháng Tám
Xin Hãy Dùng Con Như Khí Cụ Bình An!
Ngày 09/8 hàng năm, hàng ngàn người Nhật Bản và nhiều du khách tập trung về Ðài Hòa Bình tại Nagasaki để tưởng niệm quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản.
Ðúng 11 giờ 03 phút, giờ định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại trong thinh lặng, trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi chuông ngân vang để tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.
Ngày 09/8/1945, quả bom nguyên tử đầy tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu hủy gần như trọn vẹn thành phố Nagasaki. Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai cũng được trút xuống trên Hiroshima nâng tổng số những người thiệt mạng lên đến gần 140,000 người. Và gần đây, hơn hai người còn sống sót từ dạo đó cũng vừa qua đời vì ảnh hưởng của phóng xạ.
Lên tiếng trong một tuần lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki đã phát biểu như sau: “Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công dân của thành phố Nagasaki đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể hủy diệt toàn thể nhân loại. Do đó, chúng tôi đã không ngừng kêu gọi hủy bỏ các vũ khí hạt nhân”. Bài diễn văn trên đây của ông thị trưởng Nagasaki đã được sao gửi đến các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Cũng trong bài diễn văn này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên Xô và Hoa Kỳ hãy ngồi vào bàn hội nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung sống hòa bình giữa Ðông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt nhân…
Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản, cách riêng những người Nagasaki và Hiroshima, con người mới thấy được thế nào là sự tàn phá của bom nguyên tử và sự khao khát hòa bình.
Lời kêu gọi trên đây của ông thị trưởng thành phố Nagasaki có lẽ không chỉ được ngỏ với các vị nguyên thủ quốc gia, hoặc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Lời kêu gọi đó cũng phải được truyền đến tận tai của từng người. Bởi vì hòa bình không phải chỉ là vấn đề của một số người, hoặc của một số quốc gia. Hòa bình là vấn đề của từng người. Nó là cố gắng xây dựng của từng ngày và của từng người.
Nhưng hòa bình không chỉ là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao tặng cho con người… Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói lên được chiều kích đích thực của hòa bình: hòa bình phải xuất phát từ tâm hồn con người.
Con người cần phải cầu nguyện cho hòa bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong tâm hồn giữa con người và Thiên Chúa mà hòa bình đích thực mới phát sinh. Cho dù có hủy bỏ mọi vũ khí hạt nhân, cho dù có ký mọi hòa ước, nếu con người chưa dẹp bỏ mọi thứ vũ khí khác trong tâm hồn, mầm mống của chiến tranh vẫn còn đó…
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét