Trang

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

22-08-2018 : THỨ TƯ - TUẦN XX THƯỜNG NIÊN - ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG - Lễ Nhớ


22/08/2018
Thứ Tư tuần 20 thường niên
Đức Maria Nữ Vương.
Lễ nhớ


Vì c thân xác cũng đã được biến đi, Đc Maria trong vinh quang mông triu đã tr nên thành công ti hu ca công trình cu chuc. Nhưng Đc Maria vô cùng dim l đng thi cũng rt quyn thế bi vì Người là Thánh Mu ca Đng mà “triu đi ca Người s vô cùng vô tn”. Chính vì thế, t bao thế k, các tín hu đã kính chào M là Đc N Vương, Đng Trung Gian ti cao ca ân sng.

Thứ Tư Tuần XX Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Ed 34, 1-11
“Ta sẽ giải thoát đoàn chiên Ta khỏi tay chúng, và đoàn chiên sẽ không làm mồi ngon cho chúng nữa”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Hỡi con người, hãy nói tiên tri về các chủ chăn Israel, hãy nói tiên tri và bảo các chủ chăn rằng: Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Khốn cho các chủ chăn Israel, họ chỉ lo nuôi chính bản thân: chớ thì các chủ chăn không phải lo chăn nuôi đoàn chiên sao? Các ngươi đã uống sữa chiên, đã mặc áo lông chiên, hễ con nào béo tốt, các ngươi làm thịt: nhưng các ngươi không chăn nuôi đoàn chiên của Ta. Con nào yếu đuối, các ngươi không bổ dưỡng; con nào đau ốm, các ngươi không chạy chữa; con nào bị thương, các ngươi không băng bó; con nào đi lạc, các ngươi không đem về; con nào đi mất, các ngươi không tìm kiếm; nhưng các ngươi chăn dắt chúng bằng bạo lực và nghiêm khắc. Các chiên Ta tản mác vì thiếu chủ chăn: chúng làm mồi cho thú dữ ngoài đồng. Các chiên Ta lang thang khắp núi, trên mọi đồi cao, các chiên Ta tản mác khắp mặt đất, và chẳng có ai tìm kiếm. Ta nói, chẳng có ai tìm kiếm.
Vì thế, hỡi các chủ chăn, hãy nghe lời Thiên Chúa phán: Nhân danh mạng sống của Ta, các chiên Ta đã bị cướp mất, các chiên Ta làm mồi cho thú dữ ngoài đồng, vì không có chủ chăn: các chủ chăn của Ta không lo lắng cho đoàn chiên Ta, nhưng chúng chỉ nuôi chính bản thân, mà không chăn nuôi các chiên Ta, vì thế, hỡi các chủ chăn, hãy nghe lời Chúa: Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Đây chính Ta sẽ đến với các chủ chăn, đòi lại đoàn chiên khỏi tay chúng, và sẽ không cho chúng chăn nuôi đoàn chiên nữa, các chủ chăn không còn nuôi chính bản thân nữa. Ta sẽ giải thoát đoàn chiên Ta khỏi miệng chúng, và đoàn chiên sẽ không còn làm mồi ngon cho chúng nữa.
Vì Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Đây chính Ta sẽ tìm kiếm các chiên Ta, và Ta sẽ thăm viếng chúng. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1)Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, người lo bồi dưỡng. – Đáp.
2)Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Đáp.
3)Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Đáp.
4)Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư, cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! – Xin Chúa tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. – Alleluia. 
PHÚC ÂM: Mt 20, 1-16a
“Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
“Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng’. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
“Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: ‘Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?’ Họ thưa rằng: ‘Vì không có ai thuê chúng tôi’. Ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta’.
“Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: ‘Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết’. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: ‘Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?’ Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: ‘Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?’
“Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”. Đó là lời Chúa.

Suy Niệm: Lòng Quảng Ðại Của Thiên Chúa
Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
Câu truyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.
Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?". Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy xét xem mình đã có thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.

(Veritas Asia)

Ngày 22 tháng 8 : ĐỨC MARIA, NỮ VƯƠNG (Lễ nhớ)
BÀI ĐỌC I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hl 1-6)
"Chúa ban Con của Người cho chúng ta".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm đẫm máu đào, sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]
Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi, và một người con đã được ban tặng chúng tôi. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là "Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình".
Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8
Đáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời (c. 2).
Xướng: 1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời. - Đáp.
2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa. - Đáp.
3) Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất?- Đáp.
4) Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. - Đáp.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38
"Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con trai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:
"Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và đưọc gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà. Đó là lời Chúa.
Hoặc: Lc 1, 39-47
"Phúc cho Bà là kẻ đã tin".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vả ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlisabeth. Và khi bà Êlisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".
Bà Maria nói rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi". Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Đức Maria Trinh Nữ Vương
Ngày 1 tháng 11 năm 1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là "sự cứu rỗi của dân Roma". Đây là cử chỉ tượng trưng biểu thị sự công bố về vương quyền phổ quát của Đức Mẹ Maria.
Đoàn người đông đảo đứng chật quảng đường đền thờ thánh Phêrô, nhân danh cả hoàn cầu, dâng cao niềm hoan hỉ.
Đức Thánh Cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài nói: "Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin Mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, cũng như trên mặt đất và cả biển khơi."
Ngài còn nói: "Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử nhất của con người."
Đức Maria là Mẹ thánh, tước hiệu này khiến cho Mẹ được đặc ân không bị thương tổn vì tội lỗi. Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ cũng không bị thương tổn vì sự chết. Khi kết thúc cuộc đời trần gian cũng như từ những lời đầu tiên buổi truyền tin, mẹ là tuyệt đỉnh của nhân tính bất khả xâm phạm luôn hiệp nhất với Ngôi Lời để hoàn tất công cuộc cứu rỗi thế gian. Không một ý tưởng, hành vi nào của Mẹ lại rời khỏi con Mẹ trong việc chinh phục bản tính nhân loại và việc chinh phục vũ trụ.
Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụng "Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhất bên cạnh Đức Vua.
Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và uy quyền của Mẹ bên ngai tòa Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu rỗi và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa Giêsu "Một người nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5).
Lễ Mông Triệu (Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời) kéo dài một tuần đến lễ Đức Trinh Nữ Vương, lễ này cho thấy Đức Mẹ Maria sáng chói như Nữ Hoàng và như Bà Mẹ, Ngài là Đấng cầu bầu cho chúng ta bên cạnh Đức Vua muôn thuở.” (Marialis cultus, 6)
Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa. (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Maria Nữ Vương)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 20 TN2
Bài đọcEze 34:1-11; Mt 20:1-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mục Tử Tốt Lành.
Bổn phận của những người lãnh đạo là phải lo cho tất cả mọi người dưới quyền mình, không chỉ những người có tài đức, tốt lành, trẻ trung, mạnh khỏe; nhưng còn cả những người bất tài, già yếu, bệnh tật… Các Bài đọc hôm nay cho thấy sự khác biệt giữa Thiên Chúa, người Mục Tử Tốt Lành với những mục tử giả hiệu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các mục tử giả hiệu không chịu săn sóc đòan chiên của mình.
Bổn phận của người mục tử là coi sóc đòan chiên của mình, họ phải chịu trách nhiệm trước mặt chủ vì số phận của đòan chiên. Nếu đòan chiên tốt lành, mạnh khỏe, họ sẽ được chủ khen ngợi và thưởng công xứng đáng. Nếu đòan chiên yếu nhược, tan tác, họ sẽ bị chủ nghiêm khắc trị tội và lấy đi quyền mục tử để trao cho người khác biết cách chăm sóc đòan chiên tốt hơn. Cũng vậy, những người lãnh đạo trong tôn giáo cũng như ngòai xã hội, họ có bổn phận coi sóc những người dưới quyền họ, và họ phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa, Đấng đã ban quyền và trao cho họ những người họ phải chăm sóc.
Người mục tử giả hiệu chỉ biết lo cho bản thân họ như tiên tri Êzêkiel đã tuyên sấm hôm nay: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.
Hậu quả của việc chăn chiên vô trách nhiệm là họ sẽ bị Thiên Chúa trừng trị xứng đáng. Ngài sẽ tước đọat quyền mục tử bằng cách lấy đòan chiên lại để trao vào tay người khác: Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa.
Vì không kiếm được những mục tử tốt lành trong Israel, nên Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.” Người Mục Tử Tốt Lành trong Tân Ước là chính Chúa Giêsu vì chính Ngài đã tuyên bố: “Ta là Mục Tử Tốt Lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta” (Jn 10:11a). Điểm nổi bật của người Mục Tử Tốt Lành là ông “dám phó mạng sống mình vì đòan chiên” (Jn 10:11b). Chính Chúa Giêsu đã thân hành huấn luyện các Tông Đồ để trở thành những người Mục Tử Tốt Lành theo gương và đường lối của Ngài.
2/ Phúc Âm: Người Mục Tử Tốt Lành săn sóc tất cả các con chiên của mình.
Điểm chính trong dụ ngôn hôm nay không phải ở chỗ công bằng hay bất công xã hội: làm ít ăn ít, làm nhiều ăn nhiều; nhưng ở chỗ mọi người đều có của ăn. Người lãnh đạo tài đức là người sắp xếp làm sao cho mọi người đều có việc và có của ăn xứng với phẩm giá con người. Khởi đầu bằng lời Chúa Giêsu nói: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.”
Những người đến sau Phúc Âm không cho biết lý do tại sao; nhưng trong đời sống con người, rất nhiều chuyện không dự tính có thể xảy ra. Thay vì mất công tìm ra lý do tại sao họ không cùng nhóm với những thợ từ sáng sớm (ngay cả việc lười biếng cũng là một chứng bệnh), chúng ta có thể xếp họ vào nhóm không có cơ may (bệnh tật, ít tài, tai nạn…). Nhà lãnh đạo giỏi có thể khắc phục và tìm ra cách dùng những người không có cơ may. Phúc Âm tường thuật: Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.
Sau cùng, khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Phúc Âm ở đây nói rõ hơn lý do tại sao họ không làm việc vì không ai mướn họ. Những người này chỉ làm có một tiếng mà thôi vì bắt đầu giờ thứ 12 là hết ngày làm việc.
Công nhật của người Do-Thái trong thời gian này là một denari một ngày, và ông chủ đã giao kèo với họ từ đầu. Ông chủ không đối xử bất công với bất cứ nhóm thợ nào nên họ không có lý do nào để khiển trách ông. Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.
Ghen tị là bản chất của con người, họ không muốn ai bằng họ nhất là lại làm ít giờ hơn họ.
Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.”
Tại sao ông chủ như thế? Câu trả lời của ông chứng tỏ ông là người Mục Tử Nhân Lành, ông thực thi cả công bằng và nhân từ. Ông lo cho tất cả mọi người có việc làm và có tiền để sinh sống khi ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa trao cho một, hai, hay cả đòan chiên để chăm sóc tùy khả năng của mỗi người trong các chức vụ cha mẹ, thầy cô, cha xứ, lãnh đạo trong tôn giáo cũng như ngòai xã hội.
– Khi trao quyền Chúa cũng trao luôn trách nhiệm, chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Chúa về những người Chúa trao.
– Người Mục Tử Tốt Lành biết khả năng của chiên mình, và chăn dắt chiên sao cho phù hợp với từng chiên. Ông biết cách vượt lên trên mọi ghen tị của các chiên khác và luôn tỏ lòng nhân từ cho hết mọi con chiên.
– Phải bắt chước Chúa để thương đến các anh chị em không có cơ may như chúng ta. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


22/08/2018 – THỨ TƯ TUẦN 20 TN
Đức Ma-ri-a Nữ Vương
Lc 1,26-38

LÀ MẸ VÀ LÀ NỮ VƯƠNG
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Trong một lần thị kiến, Đức Mẹ bảo thánh Faustina: “Ta không chỉ là Nữ Vương Thiên Đàng, nhưng còn là Người Mẹ của lòng thương xót.” Bát nhật sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Giáo hội mừng lễ Đức Ma-ri-a Nữ Vương. Đức Mẹ được lên trời và được tôn vinh là Nữ Vương, Nữ vương hoàn vũ. Tựa như người con yêu dấu của mình, Đức Giê-su, tỏ rõ địa vị Ki-tô Vua khi bị treo trên thập giá, Đức Ma-ri-a cũng vậy, hình ảnh Mẹ đứng dưới chân thập giá của Con mình, là hình ảnh đẹp nhất nói lên Mẹ chính là Nữ Vương nhân loại. Ngày hôm nay, Mẹ tiếp tục sứ vụ Nữ Vương ấy qua danh hiệu “Mẹ của lòng thương xót.” Mẹ nhắc nhở đoàn con, khuyên nhủ, hướng dẫn, hộ phù, cầu Chúa ban ơn nâng đỡ, vì không muốn một người con nào hư mất.
Mời Bạn: Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng kêu lên: “Đức Ma-ri-a là Người Mẹ hơn là Nữ Vương.” Có lẽ bạn cũng vậy, bạn cảm nhận, cảm thấy gần gũi với Đức Ma-ri-a trong tư thế Người Mẹ yêu thương, chăm sóc, nâng đỡ bạn, đồng thời cũng là mẫu gương cho bạn noi theo. Mẹ là Nữ Vương theo nghĩa Mẹ có thể cầu thay nguyện giúp cùng Chúa cho bạn, là máng thông ơn Thiên Chúa cho bạn trong hành trình theo Chúa.
Sống Lời Chúa: Mỗi tối trước khi ngủ, tôi đọc ba kinh Kính Mừng để bày tỏ lòng tôn kính, yêu mến Đức Mẹ. Tôi cũng tập “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” những gì Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mình, như Đức Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, con chúc tụng Mẹ là Nữ Vương vũ hoàn, và cũng là Người Mẹ yêu dấu của con. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho con mỗi ngày.
(5 Phút Lời Chúa)


Tôi là nữ tì của Chúa 

Suy nim:
Maria, một thôn nữ của ngôi làng Nadarét nhỏ bé thuộc vùng Galilê.
Cô đã đính hôn, và cứ sự thường, Cô sẽ kết hôn với ông Giuse.
Cuộc sống của Cô bề ngoài chẳng có gì khác thường.
Nhưng bên trong, Cô là một kiệt tác của Thiên Chúa.
Đơn giản vì Cô được tuyển chọn giữa mọi phụ nữ trên địa cầu
để trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ của chính Ngôi Lời nhập thể.
Thiên Chúa đã làm những điều tốt đẹp nhất cho Cô
để Cô xứng đáng với đặc ân mà chẳng ai dám nghĩ tới.
Thiên Chúa muốn Con Một của Ngài làm người trăm phần trăm,
nên Ngài cần một người mẹ trần thế cho Người Con ấy.
Maria được chọn và được chuẩn bị hết sức chu đáo cho trọng trách này.
Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyết định của Cô.
Maria có chấp nhận cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không ?
Một Thiên Chúa tôn trọng tự do là một Thiên Chúa biết mời gọi, hỏi ý.
Thiên Chúa cần sự gật đầu ưng thuận của một cô thiếu nữ xứ Paléttin
để Con của Ngài được làm người ở trên trái đất.
Thiên Chúa khiêm tốn không muốn đặt Cô trước sự đã rồi.
Ngài muốn Con của Ngài được Cô đón nhận vào cả hồn lẫn xác.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện sứ thần Gabrien truyền tin cho Maria.
Đúng hơn đây là chuyện Thiên Chúa siêu việt hỏi ý một thụ tạo nhỏ bé.
Lời chào của sứ thần làm Cô rất bối rối, không hiểu và sợ hãi (cc. 29-30).
Maria được chào là Đấng đầy ân sủng,
nghĩa là người được Thiên Chúa đặc biệt mến yêu.
Ngài vẫn luôn ở cùng Cô ngay từ khi Cô còn trong lòng mẹ.
Sứ thần báo tin Cô sẽ thụ thai một con trai.
Người Con này là Con Đấng Tối Cao, là Vị Vua thuộc dòng Đavít (c. 33).
Hẳn Maria biết ngay là mình được mời gọi làm Mẹ Đấng Mêsia,
một danh dự mà bao thiếu nữ Do thái mong đợi.
Nhưng Maria vẫn chưa hiểu làm sao Cô có thể thụ thai
khi Cô chưa làm lễ thành hôn và về chung sống với chồng (c. 34).
Sứ thần cho biết việc Cô thụ thai là chuyện độc nhất vô nhị.
Cô có con là vì “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Cô
và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Cô” (c. 35).
Người chồng tương lai của Cô không dự phần vào việc thụ thai này.
Con của Cô sẽ được gọi là Con Thiên Chúa theo nghĩa viên mãn nhất.
Maria đã nói tiếng Xin Vâng với đề nghị của Thiên Chúa (c. 38).
Cô đã thụ thai từ khi nói tiếng Xin Vâng đầy tín thác ấy.
Ngôi Hai Thiên Chúa đã hiện diện trong lòng Cô, trong đời Cô.
Chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi và hỏi ý như Maria xưa.
Ngài cũng cần từng người chúng ta để cứu độ cả nhân loại.
Nếu chúng ta chịu cưu mang Đức Giêsu, sinh hạ và làm cho Ngài lớn lên,
thì chúng ta được chia sẻ chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
  Lm.Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG TÁM
Hãy Nhạy Bén Với Tiếng Nói Lương Tâm
Chúng ta cần sự hướng dẫn và tác động của Thánh Thần trong công cuộc phát triển xã hội. Điều này chỉ có thể xảy ra khi chúng ta thường xuyên lắng nghe tiếng nói của lương tâm và trung thành đáp lại tiếng nói ấy.
Giáo huấn của Công Đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta: “Trung thành với lương tâm, người Kitôhữu liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy, lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của hành vi luân lý” (MV 16).
Một cách thực tiễn, Công Đồng kêu gọi chúng ta chú ý tới chướng ngại rắc rối nhất ngăn cản sự tiến bộ đích thực của con người – đó là sự dữ luân lý tức tội lỗi. Do tội lỗi, “con người bị phân rẽ nơi chính mình. Vì thế, tất cả cuộc sống của con người, hoặc riêng rẽ, hoặc tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến, dĩ nhiên là bi thảm, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm. Hơn nữa, con người thấy mình không đủ sức khi phải tự mình chiến thắng hữu hiệu những tấn công của sự dữ, đến nỗi mọi người cảm thấy dường như bị xiềng xích trói buộc” (MV 13).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 22/8
Đức Maria Nữ Vương
Is 9, 1-6; Lc 1, 26-38.

LỜI SUY NIỆM: “Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
            Trong ngày kính Đức Maria Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm và suy niệm những gì đã được nói về Đức Mẹ. Trước hết lời sứ thần Gabrien loan báo: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít.” (Lc 1,31-32) và lời chào của bà Êlisabét đối với Đức Mẹ: “Bởi đâu tôi dược Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”  (Lc 1,43). Và trong Sách Khải Huyền: “Một người phụ nữ, mình khoát mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” Như thế, Kinh Thánh đã chứng tỏ vương quyền của Đức Mẹ Maria là Nữ Vương.
            Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao tất cả chúng con cho Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ đến làm Nữ Vương tâm hồn chúng con để quy hướng đời sống của chúng con về với Chúa.
Mạnh Phương



Gương Thánh Nhân
Ngày 22-08
ĐỨC MARIA TRINH NỮ VƯƠNG

Ngày 1 tháng 11 năm 1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức thánh cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức trinh Nữ là “sự cứu rỗi của dân Roma”. Đây là cử chỉ tượng trưng biểu thị sự công bố về vương quyền phổ quát của Đức Maria.
Đoàn người đông đảo đứng chật quảng đường đền thờ thánh Phêrô, nhân danh cả hoàn cầu, dâng cao niềm hoan hỉ.
Đức Thánh cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài nói: – Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và cả biển khơi.
Ngài còn nói : – “Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử.
Đức Maria là Mẹ thánh, tước hiệu này khiến cho Mẹ được đặc ân không bị thương tổn vì tội lỗi. Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ cũng không bị thương tổn vì sự chết. Khi kết thúc cuộc đời trần gian cũng như từ những lời đầu tiên buổi truyền tin, mẹ là tuyệt đỉnh của nhân tính bất khả xâm phạm luôn hiệp nhất với Ngôi Lời để hoàn tất công cuộc cứu rỗi thế gian. Không một ý tưởng, hành vi nào của Mẹ lại rời khỏi con Mẹ trong việc chinh phục bản tính nhân loại và việc chinh phục vũ trụ.
“Lễ Mông triệu kéo dài một tuần đến lễ Đức Trinh Nữ Vương, lễ này cho thấy Đức Maria sáng chói như Nữ hoàng và như bà Mẹ, Ngài cầu bầu cho chúng ta cạnh vua muôn thuở” (Marialis cultus, 6)
(daminhvn.net)



22 Tháng Tám
Trinh Nữ Vương

Hiện nay, tại một số ít quốc gia trên thế giới như Anh Quốc, Hòa Lan, Thụy Ðiển, Thái Lan, chức nữ hoàng và quốc vương vẫn còn tồn tại, nhưng họ chỉ đóng vai trò tượng trưng, chứ không có thực quyền.
Giữa trào lưu có sự thay đổi quan trọng này trong hình thức chính trị và trong đời sống xã hội, những câu kinh: “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy…” lượt dịch bài bình ca bất hủ bằng tiếng La Tinh: “Salve Regina…” vẫn còn được bao cửa miệng và tâm hồn dâng lên Mẹ Maria, diễn tả tấm lòng tôn kính, mến yêu của đoàn con cái đối với mẹ không mảy may bị lạnh nhạt, mặc cho thế sự đổi thay.
Trong tông huấn mang tựa đề: “Lòmg sùng kính Ðức Mẹ Maria”, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã định nghĩa về Ðức Maria Trinh Nữ Vương mà Giáo Hội mừng kính hôm nay đại khái như sau: “Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền”.
Lời giải thích của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây giúp chúng ta hiểu đúng vai trò của Mẹ Maria theo tinh thần của cộng đồng Vatican II. Ðó là liên kết vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu và công cuộc cứu rỗi của Ngài.
Theo dòng trào lưu đổi thay của quan niệm về tự do, dân chủ, vai trò Nữ Vương của Mẹ Maria vẫn đứng vững trong tâm trí và con tim của trăm triệu con cái Mẹ, vì Mẹ ngự bên cạnh Chúa Giêsu Vua. Một vị vua dùng thập giá làm ngai vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh sườn ngài bị đâm thủng, để nguồn suối của tình yêu Thiên Chúa luôn chảy tràn, giải lao cho nhân loại đang khao khát tình yêu chân thật, làm động lực để biến xã hội loài người thành Nước Trời, với Chúa Giêsu là Vua. Mẹ Maria đứng cạnh ngai vàng thập giá, trái tim bị gươm đâm thâu, để dòng máu tình yêu của Mẹ hòa chảy, hầu đồng lao cộng khổ và đồng thống trị với con Mẹ trong Nước Trời.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét