Trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

18-07-2012 : THỨ TƯ TUẦN XV MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Tư sau Chúa Nhật 15 Quanh Năm

Tiên tri Isaia.

Bài Ðọc I: (Năm II) Is 10, 5-7. 13-16
"Cái cưa có thể tự cao tự đại đối với thợ cưa sao?"
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa phán: "Khốn cho Assur, là cây roi cơn giận của Ta. Cây gậy trong tay nó là cơn thịnh nộ của Ta. Ta sẽ sai nó chống lại dân ngoại dối trá, và truyền lệnh cho nó đi chống lại dân chọc giận Ta, để nó cướp bóc, mang chiến lợi phẩm về chà đạp dưới chân như bùn ngoài đường phố. Nhưng chính nó không đồng quan điểm như vậy, và lòng nó không tưởng nghĩ như thế. Trái lại, lòng nó ưa thích phá hoại, và huỷ diệt nhiều dân tộc. Vì chưng, nó nói rằng: 'Tôi đã dùng sức mạnh cánh tay tôi, và dùng sự khôn ngoan của tôi mà làm việc ấy, vì tôi thông minh. Tôi đã dời đổi biên giới các dân, đã cướp lấy kho tàng các vua quan, và như người hùng, tôi lật đổ truất phế các thủ lãnh. Tay tôi lấy của cải các dân như bắt tổ chim. Tôi vơ vét cả hoàn cầu như lượm các trứng rơi, không một ai đập cánh hoặc mở miệng kêu la'.
"Lẽ nào cái rìu lại khoe mình với kẻ cầm rìu sao? Lẽ nào cái cưa lại tự cao tự đại với thợ cưa sao? Lẽ nào cây roi có thể chống lại người cầm roi, và cây gậy có thể nâng tay người cầm gậy sao, vì nó chỉ là gỗ cây? Bởi đó Chúa tể là Thiên Chúa các đạo binh sẽ gửi sự điêu tàn đến giữa cảnh mầu mỡ của nó; và từ dưới cảnh vinh quang của nó, một ngọn lửa sẽ bốc cháy lên như ngọn lửa của một đám cháy".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 93, 5-6. 7-8. 9-10. 14-15
Ðáp: Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa (c. 14a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, chúng chà đạp dân riêng Chúa, và làm khổ gia nghiệp của Ngài. Chúng bóp cổ khách kiều cư, người quả phụ, và chúng sát hại những kẻ mồ côi. - Ðáp.
2) Chúng nói rằng: "Chúa không nhìn thấy, và Thiên Chúa nhà Giacóp cũng chẳng hay". Ðồ ngu xuẩn trong dân, các ngươi nên hiểu biết; lũ dại khờ, bao giờ các ngươi mới nhận ra? - Ðáp.
3) Ðấng làm ra tai, há chẳng biết nghe? Ðấng nặn ra mắt, há không nhìn thấy? Ðấng giáo dục chư dân, há không sửa lỗi? Ðấng dạy bảo thiên hạ, há chẳng thông minh? - Ðáp.
4) Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Người. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 25-27
"Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thưa rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Người hèn mọn là đối tượng của lòng Chúa xót thương. Chúng ta đặt vấn đề: Tại sao Thiên Chúa lại đối nghịch với người khôn ngoan, thông thái? phải chăng Thiên Chúa ganh với họ? Hay phải chăng Thiên Chúa chỉ muốn con người kém cỏi, hèn mọn?
Thiên Chúa luôn yêu thương con người và muốn con người được hạnh phúc. Lại nữa, chúng ta phải xác tín: có gì tốt lành nơi chúng ta mà không bắt nguồn từ Thiên Chúa. Người được giàu có, kẻ được khôn ngoan đều là hồng ân của Thiên Chúa. Nhưng người khôn ngoan thông thái trong bài Tin Mừng nhằm diễn tả người kiêu căng. Họ tưởng họ không cần Thiên Chúa, vì tự họ có thể tìm được ơn cứu độ. Hạng người này bị Thiên Chúa loại trừ, hay nói đúng hơn vì họ không chịu đón nhận tình thương và mạc khải của Thiên Chúa.

Cầu Nguyện:
Lạy Cha, chúng con tin thật tự chúng con, chúng con chỉ là hư vô. Bản thân chúng con chỉ là tội lỗi. Trong chúng con không có gì thiện hảo. Xin giúp chúng con biết nhìn đúng sự thật khách quan thân phận của chúng con. Xin đừng để chúng con ảo tưởng. Xin cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn trước những hồng ân được lãnh nhận và càng khiêm tốn hơn, vì tất cả đều là hồng ân. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu, Chúa chúng con. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Suy Niệm:
Cần Trở Nên Bé Mọn
Con người có thể khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người; Ngài luôn mời gọi con người trở về để lãnh nhận ân sủng và sự thật của Ngài. Thiên Chúa mời gọi mọi người, không phân biệt, nhưng từ phía con người có thể có một trong hai thái độ: thái độ của những kẻ bé mọn khiêm tốn để cho Chúa dạy dỗ; và thái độ của những kẻ thông thái, tự cao, cho mình thuộc một nhóm nhỏ tách rời khỏi đại đa số dân chúng.
Những kẻ thông thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin Mừng hôm nay là nhóm Biệt Phái đang đứng trong hành lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có thể đến với Chúa: họ tự phụ mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Ngài.
Con đường Chúa Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa, nhưng nếu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, con người có thể đạt tới sự thông hiệp với Thiên Chúa và được cứu rỗi: "Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn".
Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người. Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quí báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý loại bỏ những bậc thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh những ai cậy dựa vào sự thông thái rằng họ sẽ không đến được với Chúa, không có đủ điều kiện để lãnh nhận mạc khải của Chúa. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp có sự hòa hợp giữa thông thái và đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma Tiến sĩ là một điển hình. Nói chung, thái độ khiêm tốn để Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn khiêm tốn, mến yêu. Xin cho chúng ta biết sống theo sự soi sáng của Thánh Thần để đến với Chúa và anh em.

(Veritas Asia)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ TƯ TUẦN XV THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: Isa 10:5-7b, 13-16; Mt 11:25-27
Chúa mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho người bé nhỏ khiêm nhường.
Càng giầu có, văn minh, tiến bộ bao nhiêu, con người càng sống xa Thiên Chúa bấy nhiêu. Triết gia hiện sinh S. Kierkegaards tuyên bố: “Tôi đã giết Thiên Chúa.” Các ông tổ của thuyết cộng sản đã tuyên bố: “Tôn giáo chỉ là thuốc phiện làm mê ngủ con người.” Kể từ cuộc cách mạng Pháp đến nay, vì khoa học mang lại cho nhân loại nhiều thành quả: xe hơi, máy bay, vệ tinh, điện tín, điện thoại, máy vi tính... nhiều người chủ trương phải xét lại tất cả mọi lãnh vực, ngay cả lãnh vực niềm tin. Vì chủ trương như thế, nên nhiều người đã bỏ đạo; vì họ cho khoa học có thể cắt nghĩa tất cả các hiện tượng trong trời đất mà không cần nại đến sự hiện hữu của Thiên Chúa như người xưa thường tin.
Các bài đọc hôm nay muốn cho con người thấy chủ trương như thế chỉ là hoang tưởng, là đánh lừa chính mình. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah muốn con người nhận ra chân lý: Thiên Chúa quan phòng mọi sự trong trời đất. Ngài có thể dùng Assyria như dùng một chiếc roi để đánh phạt con cái Israel. Sau khi đã hoàn thành mục đích Ngài có thể bẻ gãy cây roi bằng cách dùng thế lực của Babylon để tiêu diệt thế lực của Assyria, và cứ như thế. Tất cả chỉ là cái búa rìu trong tay thợ, và chiếc búa rìu làm sao hiểu được ý tưởng của người dùng nó? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng với mục đích dạy dỗ các môn đệ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cái rìu lại lên mặt với kẻ cầm rìu mà chặt hay cái cưa tự đại với người kéo cưa sao?

1.1/ Assyria không hiểu sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.
Ngôn sứ Isaiah nhìn thấy trước những ngày mà Thiên Chúa sẽ dùng Assyria như dùng chiếc roi để sửa phạt con cái Israel, vì họ xa rời Thiên Chúa và không chịu tuân giữ những điều Ngài truyền dạy.
Assyria không hiểu ý định của Thiên Chúa. Họ nghĩ họ thắng được Israel và các quốc gia khác là do sức mạnh quân sự của họ. Vì thế, họ hãnh diện tuyên xưng thành quả đạt được: “Nhờ sức mạnh tay ta, ta đã hành động, và nhờ sự khôn ngoan của ta nữa, vì ta thông minh. Ta đã xoá bỏ ranh giới các dân tộc và chiếm đoạt những kho tàng của chúng. Như một đấng anh hùng, ta đã khuất phục dân cư.”

1.2/ Thiên Chúa sẽ dùng Babylon để tiêu diệt Assyria.
Ngôn sứ Isaiah cho thái độ kiêu ngạo của Assyria là hoang tưởng. Ông ví thái độ của Assyria như chiếc rìu trong tay người thợ, hay như chiếc cưa trong tay người cầm cưa. Ngôn sứ đặt câu hỏi cho họ: “Cái rìu lại lên mặt với kẻ cầm rìu mà chặt hay cái cưa tự đại với người kéo cưa sao? Như thể ngọn roi kéo được kẻ giơ nó lên, cây gậy nhấc được kẻ không phải là gỗ vậy!” Họ sẽ phải mở mắt để nhận ra họ chỉ là chiếc roi Thiên Chúa dùng để đánh phạt con cái Israel mà thôi.
Vì tội kiêu ngạo và ác độc, Thiên Chúa sẽ bẻ gãy cây roi Ngài đã dùng. Ngài sẽ dùng Babylon để tiêu diệt Assyria, Babylon sẽ như “một ngọn lửa sẽ bốc lên như ngọn lửa một đám cháy” để thiêu rụi Assyria. nhưng cả hai đều không hiểu ý định của Thiên Chúa. Vua quan Babylon nghĩ họ thắng Assyria được là do sức mạnh quân sự của họ.

2/ Phúc Âm: Tại sao những người bé nhỏ hiểu được mầu nhiệm Nước Trời?

2.1/ Thiên Chúa thích mặc khải cho những kẻ bé mọn: Có mấy từ chuyên môn chúng ta cần hiểu ở đây:
- Giấu (kru,ptw): có hai trường hợp: (1) Cất giấu đi để đừng ai nhìn thấy; ví dụ: giấu vàng trong ruộng. (2) Giấu kín để đừng ai khám phá ra; ví dụ: giấu tông tích hay những điều bí ẩn của mình. Chúa Giêsu muốn nói về trường hợp thứ hai này.
- Mặc khải (avpokalu,ptw) có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.
- Kẻ bé mọn (nh,pioj): có thể chỉ một trẻ nhỏ hay những ai chưa tới tuổi thành niên như luật pháp ấn định (ví dụ, 18 tuổi).
(1) Thánh Phaolô so sánh tình trạng không trưởng thành của các tín hữu như trẻ thơ, họ nhìn những vấn đề thiêng liêng dưới con mắt của trẻ thơ. Họ vẫn còn bú sữa, chứ chưa thể lãnh nhận thức ăn dành cho người lớn, những người đã trưởng thành (te,leioj) (I Cor 3:1).
(2) Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái (sofo,j, suneto,j) với kẻ bé mọn (nh,pioj), để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ. Khi con người lãnh nhận kiến thức về Thiên Chúa, họ phải có thái độ của trẻ: cái gì cũng là mới cả với các em.

2.2/ Kiến thức về Thiên Chúa: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là "evpiginw,skw," biết như một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.
(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người, con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: Ai thấy Thầy là thấy Cha. Hơn nữa, để con người có thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và thúc đẩy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa và không hoàn toàn vào sức mình.
- Đức tin ở một cấp độ cao hơn lý trí; không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp; con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Không hiểu được một vấn đề không chỉ có nghĩa là điều ấy vô lý; mà còn có nghĩa là mình dốt không hiểu được điều ấy.
- Chúng ta không thể hiểu được Mầu nhiệm Nước Trời nếu Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, không mặc khải cho chúng ta.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Thứ Tư tuần 15 thường niên
Sứ điệp: Mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa đã được tỏ bày cho những kẻ bé mọn, nhờ đó họ được ngụp lặn trong tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đường cứu chuộc của Chúa hoàn toàn đi ngược lại với khôn ngoan của người đời. Chúa đã xuống thế trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, một thiếu nữ tầm thường bình dị của làng quê Na-da-rét. Chúa đã để lại cho nhân loại một giáo huấn đi ngược lại với cách suy nghĩ của con người. Chúa đã đem lại sự sống đời đời khi đón nhận cái chết trên thập giá. Tất cả đã không thể nào làm cho các thầy thông luật và biệt phái hiểu được. Họ đã từ chối Chúa, bởi vì họ muốn dẫn Chúa đi theo con đường của họ, mà không muốn đưa tay mình để được bàn tay quảng đại của Chúa dẫn dắt.
Lạy Chúa, Chúa muốn dẫn con đến với Chúa Cha, muốn cho con được sự sống thân mật trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ có Chúa mới biết rõ Chúa Cha. Còn con chỉ biết bước theo Chúa, chỉ biết nghe theo lời Chúa dạy. Xin Chúa giúp con trút bỏ đi những ý nghĩ riêng tư của mình để có thể lắng nghe lời Chúa dạy bảo. Chúa kêu mời con tìm về Lời Chúa trong thánh kinh, để nhờ Lời Chúa, con có thể đến với Chúa, nhờ Lời Chúa con hiểu biết Chúa ngày một hơn. Xin Chúa ban cho con một thái độ khiêm cung đích thực, một tâm hồn biết lắng nghe Lời Chúa và đón nhận chân lý của Chúa. Con cám ơn Chúa vì niềm hạnh phúc lớn lao Chúa ban cho con. Được biết Chúa và theo Chúa, được sống trong Chúa và sống với Chúa, đó là hồng ân cao cả nhất đời con. Xin Chúa giúp con cảm nhận được niềm vui ấy trong suốt cuộc đời. Amen.
Ghi nhớ : "Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn".

18/07/12 THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Mt 11,25-27

XIN NGỢI KHEN CHA

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha...” (Mt 11,25)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay gồm ba câu ngắn ngủi, sử dụng ba động từ để diễn tả việc đón nhận hay khước từ Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đó là ba động từ “giấu,” “mạc khải,” “biết.” Có ba hạng người liên quan: “những bậc khôn ngoan, thông thái,” “những người bé mọn,”  “kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho.” Trong ba năm đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã được nhiều kẻ bé mọn, nghèo hèn trong xã hội thời ấy đón nhận. Họ chấp nhận Ngài không phải do sự kém cỏi, dốt nát, nhưng do lòng khiêm tốn, đơn sơ. Những kẻ khôn ngoan, thông thái từ khước Ngài không phải do học thức cao siêu, nhưng do lòng tự mãn của họ. Trước đó, ta cũng thấy ba nhóm người được loan báo Tin Mừng Giáng Sinh: các thượng tế và kinh sư, các nhà chiêm tinh và các mục đồng. Thế nhưng, chỉ có hai nhóm sau đến bái lạy Hài Nhi Giêsu!

Mời Bạn: Nước Thiên Chúa không đến cách ồn ào, náo động nhưng rất bình thường, nhỏ bé như hạt cải, nắm men mà lại ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng. Chỉ những ai -không phân biệt thông thái hay ít học- có tấm lòng khiêm tốn, trái tim rộng mở, mới có thể đon nhận Tin Mừng của Nước Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Đọc bản văn Tin Mừng cách chậm rãi, nhiều lần, rồi nỗ lực tập sống tinh thần đơn sơ, khiêm tốn, rộng mở trước Lời Chúa mời gọi.

Cầu nguyện: Lạy Cha, cùng với Đức Giêsu, Con yêu quý của Cha, chúng con xin ngợi khen Cha, vì những ân huệ Cha ban trong cuộc sống hằng ngày. Xin ban cho chúng con một tâm trí bén nhạy, một tấm lòng rộng mở, một tâm hồn đơn sơ, để có thể nhận ra những dấu chỉ Cha trao mỗi ngày. Amen.



Cha mặc khải 
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu.
Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha.
Đức Giêsu gọi Thiên Chúa bằng từ Abba thân thương gần gũi,
nhưng Thiên Chúa ấy cũng là Đấng siêu việt ngàn trùng,
Đấng quyền uy tối thượng, Chúa Tể cả trời đất (c. 25).
Đức Giêsu ca ngợi Cha vì hành vi mặc khải của Cha cho con người.
Cha có một kế hoạch cứu độ nhân loại qua Con của Cha là Đức Giêsu.
Và Cha muốn vén mở kế hoạch đó cho con người biết.
Có những người đã thành tâm đón nhận, và có những người cố ý từ chối.
Nhưng tất cả đều không nằm ngoài chương trình của Cha (c. 26).
Lối nói kiểu Do thái của Đức Giêsu có thể khó hiểu đối với ta ngày nay:
“Cha đã giấu các điều này trước những người khôn ngoan thông thái.”
Thật ra, chẳng phải Thiên Chúa ghét bỏ hay phân biệt đối xử,
vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ (1 Tm 2, 4).
Chẳng phải Cha ghét bỏ các người khôn ngoan và cổ võ sự ngu dốt.
Ngài cũng không che giấu mầu nhiệm Nước Trời trước một ai.
Nhưng quả thật ai tự hào, tự mãn với hiểu biết khôn ngoan của mình,
và khép lại trước những gì vượt quá trí hiểu nông cạn của họ,
người ấy sẽ không có cơ may đón nhận được mặc khải của Thiên Chúa.
Một số kinh sư và người Pharisêu giỏi giang về Sách Thánh và truyền thống,
đã không thể đón nhận được cái hoàn toàn mới mẻ nơi giáo lý Đức Kitô,
vì họ quá bám víu vào cái biết cũ mà họ coi là tuyệt đối.
Nhưng các người bé mọn, ít tri thức và sách vở, lại dễ dàng đón nhận hơn.
Họ hồn nhiên mở ra trước mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Chính vì thế họ biết được những điều sức người không thể nào đạt tới.
Câu cuối (c. 27) là một mặc khải lớn của Đức Giêsu trong tư cách là Con.
Ngài cho thấy giữa Cha và Con có sự hiểu biết nhau cách độc nhất vô nhị.
“Không ai biết rõ Con trừ ra Cha và không ai biết rõ Cha trừ ra Con…”
Sự hiểu biết nhau thân tình và sâu xa này
như thể tạo ra một thế giới riêng giữa Cha và Con.
Muốn biết Cha phải nhờ Con, Đấng duy nhất có đủ thẩm quyền mặc khải.
Hơn nữa, muốn biết Con cũng phải nhờ Cha mặc khải.
Phêrô phải nhờ Cha mới biết được Đức Giêsu là ai (Mt 16, 17).
Nói chung Cha và Con làm nên một thế giới riêng tư, nồng ấm.
Nhưng thế giới ấy lại không khép kín, mà mở ra để mời con người vào.
Cha và Con đều muốn mặc khải thế giới ấy cho con người.
Cha đưa ta gặp Con, Con đưa ta gặp Cha.
Chỉ cần gặp Con hay Cha là có thể bước vào thế giới đó, để gặp cả Cha và Con.
Chị Edith Stein là một phụ nữ Do thái được coi là thông thái, trí tuệ.
Chị đậu tiến sĩ triết học với hạng tối danh dự tại Đức.
và là người cộng tác với ông tổ của Hiện tượng luận là triết gia Husserl.
Việc tìm kiếm Chân Lý đã dẫn chị đến với đạo Công giáo.
Chị đã đi tu Dòng Kín Cát Minh và đã bị giết tại trại giam của Đức quốc xã.
Năm 1988 chị Bênêđicta Thánh Giá được Đức Gioan Phaolô IIphong thánh.
Sự thông thái khiêm tốn đã giúp Chị gặp được Nước Trời như một kẻ bé mọn.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn".
Kinh nghiệm thiêng liêng
Con người có thể khước từ Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người, không bao giờ ngưng mời gọi con người trở về lãnh nhận ân sủng và sự thật Người ban cho nhưng không: "Hết thảy những ai mệt mỏi và vất vả hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ, ủi an". Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người, không phân biệt một ai, nhưng từ phiá con người, khi đáp lại lời mời gọi của Chúa, mỗi người chúng ta có thể có một trong hai thái độ: thái độ đơn sơ, khiêm tốn đón nhận Chúa để cho Ngài hướng dẫn dạy dỗ; hoặc ngược lại, thái độ tự cao của kẻ cho mình là khôn ngoan, không cần đến Thiên Chúa.
Những kẻ khôn ngoan thông thái mà Chúa Giêsu nhắm đến trong đoạn Tin Mừng trên đây là những người biệt phái tinh thông Lề Luật và lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo của dân Israel. Có thể nói, những kẻ khôn ngoan thông thái này đến với Chúa bằng con đường hiểu biết, nhất là sự thông thái Lề Luật Môsê. Họ nghĩ rằng chỉ cần am tường những Lề Luật của Môsê là họ có thể đến với Thiên Chúa. Họ ỷ lại vào sự hiểu biết và sự tự phụ cho mình biết rõ Thiên Chúa, nhưng thật ra, họ đang xa lìa Ngài.
"Lạy Cha, con chúc tụng Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã giấu những điều đó ngoài những kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng lại mạc khải cho chúng con, những kẻ bé mọn". Mỗi người chúng ta cần trở nên bé nhỏ đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm để cảm mến và sống mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðức tin Kitô hướng ta đến gặp một con người cụ thể, một vì Thiên Chúa chấp nhận đến với con người. Ðức tin Kitô không dựa trên những lý lẽ thần học cao siêu. Ðức tin là một hồng ân cần được khiêm tốn đón nhận hơn là kết quả của cuộc sống sưu tầm trí thức.
Thánh Têrêsa Avila tuy không được học hành nhiều nhưng có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa. Thánh nữ đã trình bày những kinh nghiệm thiêng liêng của mình cách tốt đẹp đến độ Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố thánh nữ là tiến sĩ của Giáo Hội, bởi vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp các thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đoạn Tin Mừng hôm nay không có ý nói là Chúa Giêsu hoàn toàn loại bỏ những nhà thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh rằng những ai ỷ lại vào sự hiểu biết thông thái của mình, thì sẽ không đến được với Thiên Chúa. Không thiếu những trường hợp có sự hài hòa giữa sự thông thái và đức tin Kitô như thánh Thomaso thành Aquino. Trong mọi trường hợp, thái độ khiêm tốn chấp nhận để cho Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Lạy Chúa,
Xin thương mở rộng tâm hồn cho con được lắng nghe Lời Chúa với hết lòng khiêm tốn và biết ơn. Xin thương giúp con sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để đến với Chúa và anh chị em một cách dễ dàng và sâu xa hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Đường lối cư xử của Chúa
Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết điều này, nhưng lại mắc khải cho những người bé mọn.” (Mt. 11, 25)
Không giống như mọi người
Thiên Chúa không hành động như phần đông người ta, không suy nghĩ như họ, không xét đoán theo cùng tiêu chuẩn như họ.
Đối với phần đông, quy luật chung vẫn là: “Mạnh được yếu thua.” Người giầu có nhiều cơ may thăng tiến, kẻ nghèo thì họa chăng mới được, người khôn ngoan thông thái được mọi người kính trọng, hạng thứ dân ít học vốn bị coi thường. Kẻ có tiền, có quyền giống như: “Miệng quan có gang có thép.” Kẻ trắng tay lý lẽ cũng không. Ai có địa vị, người ấy có quyền ăn quyền nói, kẻ thấp hèn lên tiếng chẳng ai nghe.
Nhưng đối với Chúa lại khác hẳn, kẻ làm đầu phải trở lên người rốt hết, người rốt hết sẽ lên kẻ đứng đầu. Người mạnh trở lên yếu, kẻ yếu được lên mạnh, những bậc khôn ngoan thông thái đã bị giấú không cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, trong khi những kẻ bé mọn lại được Chúa mặc khải cho những thực tại tuyệt vời ấy.
Lời tiên báo cho những kẻ bé mọn.
Khi thấy những người khôn ngoan thông thái bịt tai không nghe những lời giáo huấn của Chúa, còn những kẻ bé mọn lại dễ dàng tiếp nhận, Chúa Giêsu trong trạng thái hứng khởi, liền cất tiếng ngợi khen Cha.
Những kẻ bé mọn mà Phúc Âm nói đến ở đây, ta có thể gặp họ ở khắp nơi. Đó là những con người ít được học hành. Những người chẳng có địa vị cao trong xã hội, những người không thành đạt mấy trong cuộc đời, những người sống khiêm tốn. Họ có được sự nhạy bén để mở lòng ra đón nhận những sự thuộc về Chúa, một sự nhạy bén mà những người khác không có.
Nhưng những kẻ bé mọn của Phúc Âm cũng có thể là những người khôn ngoan và thông thái chân thật. Tuy nhiên không phải bất cứ người khôn ngoan thông thái nào cũng là chân thật cả. Mà chỉ có những ai không vênh vang kiêu hãnh về sự hiểu biết và khôn ngoan của mình mới là những người khôn ngoan thông thái chân thật. Chỉ có những người ấy mới có được tâm hồn của những kẻ bé mọn vậy.
J.Y.G


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
18 THÁNG BẢY
Tiếng Nói Cuối Cùng
Là Tiếng Nói Yêu Thương
“Ai có thể giải thích sự tội?” – tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên như thế (Tv19,13 theo bản La tinh). Sự quan phòng của Thiên Chúa soi rọi ánh sáng trên sự phản nghịch bi đát của con người, để chúng ta có thể học biết tránh tội.
Con người được tạo dựng trong tư cách là một hữu thể có lý trí và tự do trong một thế giới mà sự tội không những có thể xảy ra mà còn được thấy như là một thực tại ngay từ đầu. Tội lỗi là sự chống đối triệt để đối với Thiên Chúa. Nó là điều mà Thiên Chúa dứt khoát không muốn. Tuy nhiên, Ngài vẫn cho phép nó xảy ra khi tạo dựng con người có tự do. Ngài cho phép xảy ra sự tội – là kết quả của sự lạm dụng tự do đã được Ngài ban cho.
Từ thực tế không thể đảo ngược này (được chúng ta biết đến nhờ mạc khải và được chúng ta kinh nghiệm trong thế giới đã sa ngã của chúng ta), chúng ta biết rằng rất cần có sự tự do trong thế giới thụ tạo này, cho dù nó có thể bị lạm dụng, hơn là chúng ta bị tước mất tự do – nhằm để khỏi có nguy cơ phạm tội. Đó là góc nhìn thích đáng đối với sự khôn ngoan có tính quan phòng của Thiên Chúa – trong đó Thiên Chúa nhìn thấy cứu cánh của mọi sự.
Đành rằng Cha nhân lành của chúng ta cho phép tội xảy ra, nhưng Ngài đã nhìn thấy trước từ đời đời con đường cứu độ bằng tình yêu của Ngài. Thật vậy, sự tự do được ban cho con người là để con người có thể yêu thương. Người ta không thể yêu thương nếu không có tự do đích thực. Và trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và ơn cứu độ, tình yêu luôn luôn là tiếng nói quyết định cuối cùng.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Is 10, 5-7. 13-16; Mt 11, 25-27.
LỜI SUY NIỆM: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.” (Mt 11,27)
        Mỗi một con người trong chúng ta, ai ai cũng đã là một mầu nhiệm đối với bản thân mình, cũng như của mọi người chung quanh.
        Đời sống của người Kitô hữu, thật là diễm phúc khi được Chúa Giêsu mạc khải cho biết về Ngài và về Thiên Chúa Cha, sự mạc khải này tùy thuộc vào mỗi một người trong chúng ta; nếu chúng ta ham thích học hỏi về Ngài về Nước Trời thì chính Chúa Giêsu và Thần khí của Ngài sẽ đến và khai mở cho chúng ta biết về Ngài cũng như về Chúa Cha. Nhưng nếu chúng ta không yêu mến sự học hỏi này thì chúng ta sẽ bị u tối, dẫn vào sự nghi ngờ trong việc thờ phượng Thiên Chúa cũng như khi sống với tha nhân.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
18 Tháng Bảy
Tình Yêu Mời Gọi

Vua Friedrich Wilhelm cai trị nước Phổ vào khoảng đầu thế kỷ thứ 18. Ông nổi tiếng là người nóng nảy khó tính. Ông không thích những nghi thức rườm rà. Ông chỉ thích đi dạo một mình giữa các đường phố Berlin. Thích sống đơn giản, nhưng ông lại rất nhạy cảm với bất cứ một sự xúc phạm nào của thần dân. Nếu chẳng may có người nào chạm đến ông giữa đám đông, ông sẽ không ngần ngại dùng gậy đập túi bụi vào người đó. Thành ra, khi thấy đức vua đang đi đến, mọi người đều tìm cách lẩn tránh.
Lần kia, khi ông dang đi giữa phố Berlin, một người đàn ông đang đi tới, bỗng lẩn tránh đi nơi khác. Vừa ngạc nhiên, vừa bực tức vì dân chúng lẩn tránh mình, vua Friedrich mới chận người đàn ông lại và hỏi lý do tại sao ông ta lẩn tránh đi nơi khác. Người đàn ông luống cuống mãi, cuối cùng đành phải thú nhận rằng sở dĩ ông ta lẩn tránh nhà vua là vì sợ hãi. Nghe đến đó, vua Friedrich nổi tam bành, ông túm lấy vai người đàn ông đáng thương, vừa lắc mạnh, vừa thét lên: "Tại sao ngươi dám sợ ta. Ta là vua của ngươi. Ngươi phải yêu mến ta. Ngươi phải yêu mến ta, ngươi có biết điều đó không?".
Chỉ có con người mới biết yêu bởi vì chỉ có con người mới có tự do. Không ai có thể cưỡng bách người khác phải yêu mình... Tạo dựng con người có tự do, Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do ấy. Ngài không cưỡng bách con người phải yêu mến Ngài, nhưng chỉ mời gọi và tỏ tình. Bằng công cuộc tạo dựng, bằng cuộc sống và cái chết của Con Một Ngài, Thiên Chúa đã tỏ tình với con người... Tình yêu luôn đi bước trước. Bước trước ấy là một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một món quà, một nghĩa cử.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++

Ngày 18
Thánh Frédéric, giám mục, tử đạo
Khi đến gần cái chết, ta không nên sợ hãi, ngược lại cần phải có tâm tình cậy trông phó thác. Chúng ta sẽ đón nhận một ngày mới như là một hồng ân, một cơ hội duy nhất để làm việc lành phúc đức. Đặc biệt những người lớn tuổi không nên mất thì giờ sống "nhỏ mọn". Họ được kêu gọi để sống với niềm cậy trông phó thác, sống một cuộc đời cao đẹp, tràn đầy yêu thương.
 
Tình yêu thương được thể hiện dưới muôn hình vạn trạng: những giúp đỡ lặt vặt hay những việc phục vụ lớn lao dành cho người khác, một nụ cười biết ơn, một bầu khí an bình khiến người này người kia dù đang bận rộn cũng ráng đến bên cạnh tìm một chút giây phút nghỉ ngơi...
 
Những người lớn tuổi thấy mình cao cả hơn khi họ khiến cho người chung quanh được thoải mái dễ chịu. Những người già lão cần phải quý trọng và biết ơn tất cả những ai đang chăm sóc cho mình. Cũng cần phải biết đánh giá tối đa những khả năng riêng của họ. Và nhất là cần phải trở nên gương sáng cho những người chung quanh cũng như cho các thế hệ mai sau.
Leo Missinne
(Ed. Saint-Augustin)
Thứ Tư 18-7

Chân Phước Angeline ở Marsciano

(1374-1435)
C
hân Phước Angeline là người sáng lập cộng đoàn nữ tu Phanxicô đầu tiên, nếu không kể dòng Thánh Clara Khó Nghèo.
Angeline là con của Công Tước xứ Marsciano. Khi 12 tuổi, ngài đã mồ côi mẹ. Ba năm sau, người thiếu nữ này thề giữ mình đồng trinh trọn đời. Tuy nhiên, cùng năm ấy, ngài vâng lời cha mà kết hôn với Công Tước xứ Civitella. Chồng ngài đồng ý tôn trọng lời thề của ngài.
Khi ông chồng từ trần vào hai năm sau, Angeline gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục và cùng với các phụ nữ khác, ngài tận tụy trong việc chăm sóc người đau yếu, người nghèo, người goá phụ và trẻ mồ côi. Khi cộng đoàn của Angeline thu hút nhiều phụ nữ trẻ tuổi khác, thì một số người đã lên án ngài về tội phá hoại ơn gọi gia đình. Truyền thuyết kể rằng, khi phải trình diện vua xứ Naples để trả lời về sự cáo buộc ấy, ngài lấy chiếc áo khoác đang mặc mà bọc lấy mớ than cháy nóng. Khi ngài tuyên bố là mình vô tội và để chứng minh điều ấy, ngài mở áo khoác ra cho thấy mớ than nóng bỏng kia không gây thiệt hại gì cho ngài, và nhà vua đã bỏ qua vụ kiện.
Sau này Angeline và đồng bạn đã đến Foligno, là nơi cộng đoàn Dòng Ba của ngài được đức giáo hoàng chấp thuận vào năm 1397. Sau đó không lâu, ngài đã thành lập 15 cộng đoàn tương tự cho các phụ nữ ở các thành phố trong nước Ý.
Angeline từ trần ngày 14 tháng Bảy 1435 và được phong chân phước năm 1825.

Lời Bàn

Các linh mục và tu sĩ nam nữ không thể là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, nếu họ coi thường ơn gọi gia đình. Chân Phước Angeline tôn trọng hôn nhân nhưng cảm thấy được mời gọi theo một đường lối khác để sống Phúc Âm. Sự lựa chọn của ngài là hy sinh đời sống trong một phương cách độc đáo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét