Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

21-07-2012 : THỨ BẢY TUẦN XV MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Bảy sau Chúa Nhật 15 Quanh Năm
Tiên tri Mi-kha đang rao giảng.

Bài Ðọc I: (Năm II) Mk 2, 1-5
"Chúng tham lam ruộng đất và chiếm lấy nhà cửa".
Trích sách Tiên tri Mikha.
Khốn cho những kẻ suy tính điều gian ác, và mưu đồ việc xấu xa trong phòng mình. Sáng ngày, chúng thực hiện điều đó, vì tay chúng chống lại Thiên Chúa. Chúng tham lam và dùng võ lực chiếm lấy ruộng đất, nhà cửa kẻ khác. Chúng ức hiếp người ta, phá phách nhà họ, chủ nhà và sản nghiệp của họ. Vì thế, Chúa phán thế này:
Ðây Ta toan giáng hoạ trên dòng giống này mà các ngươi không thoát được, các ngươi không ngước đầu lên mà đi được nữa, vì đây là thời kỳ tai hoạ. Trong ngày đó, người ta ngâm bài trào phúng chế diễu các ngươi và sẽ hát bài ca thán mà rằng: "Chúng ta đã bị bóc lột hết rồi, sản nghiệp dân ta bị đổi chủ, làm sao Chúa tước đoạt của cải chúng ta, và phân chia đất đai chúng ta cho những kẻ bóc lột chúng ta".
Vì thế, trong cộng đoàn Thiên Chúa, không còn ai giăng dây chia đất cho ngươi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 10, 1-2. 3-4. 7-8. 14
Ðáp: Lạy Chúa, xin đừng quên những kẻ cơ bần (c. 12b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, tại sao Ngài xa cách, tại sao Ngài ẩn mặt trong lúc gian truân, đang khi đứa ác kiêu căng, người nghèo bị hại, bị trúng mưu gian nó đã bày ra? - Ðáp.
2) Bởi đứa tội nhân đang hãnh diện vì lòng tham; tên kẻ cắp đang lộng ngôn, khinh nhờn Chúa. Ðứa ác nhân ngạo nghễ thốt lời: "Ngài không báo ứng, không có Chúa Trời!" Ðó là tất cả điều nó suy tư. - Ðáp.
3) Miệng nó đầy lời chửi rủa, gian ngoan và xảo kế, dưới lưỡi nó chứa sự tân toan và sách nhiễu. Nó ngồi núp gần những nơi thôn xóm, trong chỗ khuất tịch nó giết người hiền lương, mắt nó rình xem kẻ cơ bần. - Ðáp.
4) Nhưng Ngài thấy, Ngài nhìn nỗi tân toan sầu khổ, để rồi Ngài đỡ lấy trong tay. Kẻ cơ bần đem thân phó thác cho Ngài, Ngài là Ðấng phù trợ kẻ mồ côi. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 12, 14-21

"Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời đã phán".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người. Biết thế, Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy. Có nhiều kẻ đi theo Người, và ai có bệnh, đều được Người chữa lành. Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã chép rằng:
"Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Isaia tuyên sấm về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Người Tôi Tớ được Chúa yêu thương. Thiên Chúa ban Thần Khí xuống trên Ngài để Ngài đem Tin Mừng cứu độ đến cho toàn dân. Người Tôi Tớ này hiền lành khiêm tốn, âm thầm và đầy tình xót thương. Người Tôi Tớ của Thiên Chúa đó chính là hình ảnh tiên báo về Ðức Giêsu. Con Thiên Chúa, Ngài đã bị sát tế vì phần rỗi con người. Ngài không muốn bị mất bất cứ ai. Chính vì thế, Con Thiên Chúa đã sống một đời sống như con người để dạy dỗ, giúp đỡ và dùng chính Máu Mình để làm chứng cho một tình yêu.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa. Chúa đã yêu thương nhân loại chúng con đến độ Chúa như bị xóa nhòa, bị che lấp đi, bị thu nhỏ lại để cho chúng con được lớn lên trong tình yêu tha nhân. Và đấy là con đường duy nhất dành cho người tôi trung của Thiên Chúa. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Suy Niệm:
Người Tôi Trung Hiền Lành
Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt Phái ghen ghép và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Mátthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Ðấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài; một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vả, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ðó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.
Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói: "Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Ngài luôn quả quyết: "Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại", và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên Ðàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.
Xin Chúa cho chúng ta thấu hiểu lòng Chúa luôn yêu thương kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Xin cho chúng ta hết lòng trở về với Chúa để được ơn cứu độ.

(Veritas Asia)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ BẢY TUẦN XV THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: Mic 2:1-5; Mt 12:14-21

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Lãnh đạo trong công bằng và thương yêu.
Tiên tri Micah, người đương thời với Isaiah, Amos và Hosea (trước lưu đày, 721 BC). Trái với Amos nói tiên tri ở miền Bắc, Micah nói tiên tri ở miền Nam vùng Judah. Ông là người nông dân sinh trưởng ở Moresheth, kế cận Lakish, khoảng 25 miles Tây Nam của Jerusalem, vùng biên giới giữa Judah và Gaza hiện giờ. Có người cho ông là môn đệ của Isaiah vì nhiều chỗ trong sứ điệp của ông giống với Isaiah; ví dụ, Isa 2:2-4 and Mic 4:1-3 gần như giống nhau hoàn toàn. Có lẽ ông là người đầu tiên nói tiên tri về sự sụp đổ của JerusalemJudah (Mic 1:9, 12). Micah cũng là người nêu đích danh nơi sinh của Đấng Cứu Thế (Mic 5:2). Khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ san bằng mọi bất công và khôi phục lại Jerusalem và Israel (Mic 5:4). Điểm khác biệt ông hoạt động và nói tiên tri trong giới thường dân trong khi Isaiah với giới vua chúa.
Cuộc sống ông gắn liền với đất đai và đã chứng kiến nhiều cảnh bóc lột và tước đoạt đất đai của dân nghèo như chúng ta nghe trong Bài đọc I hôm nay; nên điểm chính trong sứ điệp của ông là tranh đấu cho công bằng, trả đất cho những người bị tước đoạt. Trong Phúc Âm, Matthew đồng nhất Chúa Giêsu với Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Ngài đến để cai trị dân chúng trong công bằng và thương yêu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Micah tố cáo các bất công trong xã hội.

1.1/ Các nhà lãnh đạo lạm dụng quyền hành.
Chữ công bằng (krisis) dịch từ Do Thái (mishpat). Tĩnh từ hay đúng hơn phân từ này đến từ động từ (shapat) có nghĩa: xét xử, cai trị và danh từ (shopet) có nghĩa: quan án, thống đốc, nhà làm luật, kẻ cai trị, vua chúa. Người này có quyền lập pháp (ra và sửa luật), hành pháp (thi hành luật) và tư pháp (xét xử những người vi phạm luật); chứ không phân biệt làm 3 nghành và có những người khác nhau như ta hiện giờ.
Thường dân đến với họ để xin xét xử mỗi khi có tranh chấp kiện tụng và họ hy vọng sẽ được xét xử đúng hay công bằng. Vấn đề lạm dụng quyền thế để xét xử bất công khi người cai trị muốn bảo vệ quyền lợi của họ hay đã bị mua chuộc để được phần thắng. Để che giấu sự bất công họ phải nghĩ ra các luật khác hay viện vào sự sơ hở của luật lệ (các luật gia rất rành về điều này). Đó là lý do tại sao Micah luận tội họ: “Khốn thay những kẻ nằm trên giường toan tính chuyện xấu xa, lập mưu làm điều ác! Vừa tảng sáng đã đem ra thực hiện vì nắm sẵn quyền bính trong tay.” Họ dùng luật và quyền để tước đoạt không những đất đai và nhà cửa của dân nghèo, mà còn bỏ tù những ai dám chống lại họ.

1.2/ Các nhà lãnh đạo phải đối diện với Thiên Chúa.
Quyền hành đến từ Thiên Chúa, Ngài ban quyền hành để con người cùng cai trị với Ngài; vì thế, Ngài sẽ đòi các nhà cầm quyền phải trả lời với Ngài về việc cai trị. Nếu nhà cầm quyền biết cai trị dân trong công bằng và thương yêu, Ngài sẽ cho tiếp tục cai trị; nếu không, Ngài sẽ lấy lại và trao cho người khác. Tiên tri Micah sau khi đã chứng kiến quá nhiều những bất công nơi nhà vua và các quan của Judah, ông được Chúa sai đi loan báo: Thời tai họa sẽ đến; JudahJerusalem sẽ bị hủy diệt hoàn toàn; vua chúa và quần thần sẽ bị lưu đày. Đất và nhà cửa đã tước đoạt của dân nghèo sẽ bị quân xâm lăng đoạt lấy.

2/ Phúc Âm: Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu.

2.1/ Hai thái độ tương phản: Trình thuật của Matthew hôm nay tiếp tục hai biến cố mà các kinh sư tranh luận với Chúa Giêsu về việc giữ ngày Sabbath: các môn đệ bứt lúa ăn và Chúa chữa lành người có cánh tay bị khô bại trong hội đường. Hai thái độ được ghi nhận bởi Matthew:
(1) Thái độ muốn tiêu diệt sự sống của các kinh-sư: "Ra khỏi đó, nhóm Pharisees bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu." Có nhiều lý do để các kinh-sư muốn giết Chúa: Họ bị mất mặt với dân chúng: Từ trước tới nay, ít có ai dám cãi lời họ; thế mà một người mà họ coi là vô danh, dám làm mất thể diện của họ ngay trong hội đường. Họ muốn tiêu diệt Đức Giêsu để bảo vệ quyền lợi: Khi họ thấy dân chúng đến với Chúa để được nghe những lời dạy dỗ và để được chữa lành, họ cảm thấy bị tổn thương danh dự và mất quyền lợi. Trong Tin Mừng Gioan, họ nói với nhau: Xem kìa, tất cả dân chúng đã đi theo ông ấy. Họ bị tố cáo lạm dụng Lề Luật để mưu cầu lợi nhuận và tiêu diệt: Là những người thông luật và có thế giá trong xã hội, họ có thể tìm kẽ hở và phiên dịch Lề Luật theo cách thức họ muốn; nhưng Chúa Giêsu đã vạch trần những âm mưu đen tối của họ khiến dân chúng không còn tin tưởng nơi họ nữa.
(2) Thái độ luôn bảo vệ sự sống của Đức Kitô: "Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai." Chúng ta có thể nhận ra sự vô cùng nghịch lý ở đây: trong khi Đấng tạo thành sự sống đang vất vả lang thang đó đây để chữa lành và bảo vệ sự sống cho tất cả, thì nhóm kinh sư lại ích kỷ hội họp để tìm cách tiêu diệt Đấng ban sự sống và chữa lành! Lợi nhuận vật chất có sức mạnh làm con người mù quáng đến độ không còn nhìn ra sự thánh thiêng của sự sống! Vì sự sống đáng quí trọng, nên có những lúc con người phải lánh khỏi những người muốn tiêu diệt sự sống; chứ không phải lúc nào cũng phải ra mặt để đương đầu với những con người khát máu. Chúa Giêsu lánh mặt không phải vì Ngài sợ họ; nhưng có nhiều sứ vụ Ngài cần phải thi hành trước khi từ giã cuộc đời về với Chúa Cha. Khi giờ đã tới, Chúa Giêsu sẽ can đảm đổ máu và làm chứng cho sự thật. Chúa Giêsu cấm không cho họ tiết lộ tông tích để Ngài có thể đi lại dễ dàng và thi hành sứ vụ của Ngài. Rao truyền sự hiện diện và quyền năng của Người chỉ làm lợi cho những người quấy phá.

2.2/ Người Tôi Trung của Yahveh: Matthew nhìn sứ vụ của Chúa Giêsu như ứng nghiệm sứ vụ của Người Tôi Trung mà ngôn sứ Isaiah đã nói trong Bài Ca Thứ Nhất (Isa 42:1-4). Những điểm quan trọng về Người Tôi Trung được hiện thực nơi Đức Kitô:
Chúa Giêsu được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu dấu, và hài lòng. Trong biến cố chịu Phép Rửa của Chúa Giêsu tại sông Jordan, tiếng của Chúa Cha từ trời làm chứng cho Chúa Giêsu: "Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng" (Mt 3:17). Sứ vụ của Chúa Giêsu là loan báo công lý trước mặt muôn dân. Con người được công chính hóa nhờ niềm tin vào Ngài. Chúa Giêsu sẽ đưa công lý đến chỗ toàn thắng, và muôn dân sẽ đặt niềm hy vọng nơi danh Người. Cách thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu: Khác với cách thế của các kinh-sư, những người luôn quan tâm đến danh dự, uy quyền, địa vị, và lợi lộc vật chất; Chúa Giêsu không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Khác với sự mong đợi của dân Do-thái một Đấng Thiên Sai uy quyền để giải phóng dân khỏi quyền lực của ngoại bang; Chúa Giêsu dùng con đường đau khổ để giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi người chúng ta được kêu gọi để dự phần trong việc lãnh đạo với Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta là bắt chước Người Mục Tử Nhân Lành để lãnh đạo dân Chúa trong công bằng và thương yêu.
- Chúng ta cũng thấy rõ nguy hiểm của việc lạm dụng quyền hành để bảo vệ quyền lợi và bị mua chuộc. Lãnh đạo như thế, chắc chắn chúng ta cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước TC.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Thứ Bảy tuần 15 thường niên
Sứ điệp: Thiên Chúa xót thương không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không nỡ dập tắt tim đèn còn khói. Chúa thương ta cả khi ta đang lỗi lầm. Hãy tin cậy lòng Chúa xót thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa có lòng yêu thương con người đến kỳ lạ. Khi con sống tốt, Chúa thương con đã đành. Nhưng Chúa vẫn thương con và còn thương hơn, khi con đang yếu đuối phản bội Chúa.
Lúc con đang như cây sậy đã dập nát vì tội lỗi, Chúa không bỏ con nhưng còn săn sóc để con đứng dậy. Chúa nhờ bạn bè, anh chị em và nhất là các chủ chăn trong Giáo Hội để nhắc nhở hướng dẫn con. Đôi khi Chúa dùng cả những biến cố xảy đến trong đời để thức tỉnh con. Xin cho con biết đón nhận những săn sóc của Chúa.
Lúc con đang như tim đèn còn nghi ngút khói là lúc niềm tin con đang chao đảo với bao sóng gió cuộc đời, Chúa vẫn không bỏ con. Chúa dùng các phương thế trong Giáo Hội là Lời Chúa và các bí tích, Chúa dùng anh em, bạn bè và các bề trên của con để củng cố lại niềm tin cho con. Lại còn bao lời cầu nguyện của Giáo Hội vây bọc để đỡ nâng đức tin cho con. Xin cho con đừng mất lòng trông cậy vào Chúa.
Đứng trước lòng xót thương của Chúa đã dành cho con, con xin được vinh hạnh trở nên dụng cụ cho lòng Chúa xót thương.
Xin đừng để con theo tính tự nhiên mà xa tránh hoặc khinh thường những anh chị em đang lỡ lầm. Trái lại, xin cho con biết luôn cầu nguyện, biết thông cảm và giúp đỡ anh em đứng dậy. Amen.
Ghi nhớ : "Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời đã phán".

21/07/12 THỨ BẢY TUẦN 15 TN
Th. Lôrenxô Brinđixi, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh 
Mt 12,14-21

HIỀN LÀNH LÀ SỨC MẠNH CỦA HOÀ BÌNH VÀ CÔNG LÝ

“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý tới toàn thắng.” (Mt 12,20)

Suy niệm: Thánh Mátthêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia mô tả chân dung Đấng Cứu Thế rất là hiền hậu. Đây là con đường mà Đức Giêsu phải chọn để hoàn thành sứ mệnh của mình, đưa nhân loại đến bến bờ của bình an và công lý, là hy vọng của mọi người. Chủ trương giải quyết vấn đề bằng con đường khiêm nhu, bất bạo động để Thiên Chúa tiếp tục hành động cho trần gian là cách chọn lựa làm nhiều người khó chịu, nhưng biết làm sao được vì đó là ý muốn của Thiên Chúa và là cách Chúa Giêsu đã chọn đi. Sự lựa chọn đúng đắn này đã góp phần làm thay đổi não trạng của những ai quá khích muốn biến đạo thành một thế lực chính trị.

Mời Bạn: Có bao giờ bạn coi sự lựa chọn của Chúa, của Kitô giáo là sự lựa chọn mang tính nhu nhược không? - Sẽ chẳng đi tới đâu nếu hận thù tiếp nối hận thù; ăn miếng trả miếng. Hiền lành, khiêm nhượng… là nét đặc trưng của Nước Trời và là điều Chúa dạy chúng ta hãy học với Ngài.

Chia sẻ: Bạn có nuôi trong đầu ý tưởng trả thù ai đó đã xúc phạm đến mình hay chưa, dẫu biết rằng một sự bỏ qua cũng chẳng dễ dàng gì, nhưng đó lại là cách tốt nhất để cảm hoá người khác.

Sống Lời Chúa: Câu tục ngữ “một sự nhịn bằng chín sự lành” thích hợp để bạn bắt chước Chúa theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con học hiền lành và khiêm nhường như Chúa để con có thể tha thứ, thông cảm với những lỗi phạm, yếu đuối của anh chị em và của chính bản thân con. 



Hài lòng về Người 
Suy nim:
Chúng ta đã từng thấy một Đức Giêsu đầy uy quyền
trong Bài Giảng trên núi và trong các phép lạ (Mt 6-9).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một Đức Giêsu ở vào thế yếu.
Khi biết nhóm Pharisêu tìm cách giết mình thì Ngài lánh đi (c. 15).
Ngài đã lánh đi nhiều lần khi gặp chống đối và đe dọa.
Ngài lánh đi khi nghe tin Gioan bị nộp, rồi bị giết (Mt 4, 12; 14, 13).
Đức Giêsu không đối đầu với kẻ bách hại như Ngài đã dạy môn đệ (Mt 10, 23).
Ngài chỉ đón lấy cái chết khi Cha muốn.
Đức Giêsu có tiếng tăm nhưng cũng rất âm thầm.
Ngài chữa bệnh cho đám đông theo Ngài, nhưng lại muốn giữ kín (c. 16).
Ngài không muốn những phô trương rầm rộ, những biểu dương hoành tráng.
Đây là chọn lựa của Ngài ngay từ đầu sứ vụ
khi Ngài từ chối không nhảy xuống từ nóc đền thờ để người ta vỗ tay.
Và Ngài đã sống sự âm thầm này đến cuối đời
khi Ngài không bước xuống khỏi thập giá để được kẻ thù tin kính.
Sự phục sinh của Ngài có thể nói cũng là chuyện âm thầm,
vì Ngài chỉ hiện ra với các môn đệ của Ngài (1 Cr 15, 5-8).
Ngài chẳng hiện ra để đòi mạng Philatô, Caipha, Hêrốt…
Giáo hội nhỏ bé của Ngài cũng đã âm thầm lớn lên sau hai mươi thế kỷ.
Giáo hội này vẫn từ chối dùng quyền lực và bạo lực để xây dựng Nước Trời.
Các Kitô hữu đầu tiên đã thấy khuôn mặt người Tôi Trung nơi Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã làm trọn từng nét của người Tôi Trung này (Is 42, 1-4).
Đây là người được Thiên Chúa yêu mến, tuyển chọn và hài lòng,
là người có Thần Khí Thiên Chúa, để được sai đến với muôn dân.
Người Tôi Trung này sẽ loan báo công lý trước muôn dân,
và sẽ đưa công lý đến toàn thắng (c. 20).
Tuy nhiên việc loan báo của người Tôi Trung này lại không ồn ào.
“Người sẽ không cãi vã, không kêu to,
chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường” (c. 19).
Đức Giêsu đã loan báo Tin Mừng như một lời mời gọi.
Ngài không dùng quyền năng Cha ban để đe dọa hay làm hại ai,
nhưng để phục vụ mọi người trong âm thầm và khiêm hạ.
Không bẻ gẫy cây lau bị giập, không làm tắt tim đèn leo lét (c. 20).
Nâng niu những gì còn có chút hy vọng,
gìn giữ những sự sống mong manh và khơi dậy những thiện chí còn ẩn giấu.
Đó là điều Đức Giêsu vẫn làm khi đến với những người bị loại trừ,
những tội nhân và người thu thuế.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ các Đức Giám mục Việt Nam
trong buổi triều yết ngày 27-6-2009 như sau:
“Trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau,
chỉ mong Giáo hội có thể góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia,
vào việc phục vụ tất cả người dân.”
Xin cho chúng ta biết sống phục vụ như người Tôi Trung Giêsu
để “xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng.”
Cầu nguyn:
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời đã phán".

Làm chứng cho sự thật
Chúng ta có thể nhận ra hai phần khá rõ của đoạn Tin Mừng trên. Phần một tóm lược cuộc đời của Chúa Giêsu, nhất là về những hành động chữa lành các bệnh nhân như dấu chỉ Nước Chúa ngự đến. Và phần thứ hai là một đoạn trích từ sách Ngôn sứ Isaia chương 42, 1-4, nói về dung mạo người tôi tớ của Giavê Thiên Chúa được áp dụng cho chính Chúa Giêsu. Khi tóm lược về những việc làm của Chúa Giêsu, đoạn Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến hai chi tiết: một bên là những người Pharisiêu chống đối Chúa họp nhau lại để tìm cách bắt Ngài, trong khi đó thì dân chúng lại theo Chúa rất đông và những người bệnh được chữa lành.
Bị chống đối nơi này, Chúa Giêsu đi nơi khác và tiếp tục sứ mạng của Người. Chúa không ngừng thi ân, mặc dù có những kẻ khước từ không nhìn nhận những ân ban đó. Rồi nơi những lời trích từ sách Ngôn sứ Isaia, nói về người tôi tớ hiền lành của Thiên Chúa được áp dụng cho Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể lưu ý đến những lời nói về Chúa Giêsu như là kẻ luôn trung thành làm chứng cho sự thật: "Ta sẽ đặt Thánh Linh của Ta trên Người, và Người sẽ rao giảng sự thật cho các ông. Người sẽ không cãi cọ, không có những hành động bạo lực. Cây sậy đã giập, Người không bẻ đi. Cho đến khi Người đem sự thật đến chỗ toàn thắng".
Rao giảng sự thật và đem sự thật đến chỗ toàn thắng, đó là lời tóm gọn đủ và đúng cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian này. Sau này, trước mặt quan Philatô xử án Chúa, thì Chúa Giêsu cũng đã mạnh mẽ chấp nhận: "Ta sinh ra trên trần gian là để làm chứng cho sự thật. Ai hành động theo sự thật thì nghe theo Ta". Chúa Giêsu cương quyết làm chứng cho sự thật, nhưng với công thức hiền lành, với tình thương nhân từ, biết thông cảm và nâng dậy những ai lạc bước như chủ chăn nhân từ đi tìm con chiên lạc.
Là đồ đệ của Chúa, mỗi người được mời gọi theo gương Chúa làm chứng cho sự thật giữa anh chị em, nhưng làm chứng với một tâm hồn tràn đầy tình yêu thương và diệu hiền.
Lạy Chúa,
Xin dạy con sống noi gương Chúa làm kẻ phục vụ anh chị em hết tình thương mến, nhân hậu và thông cảm.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Bất bạo lực
Đây là người tôi trung Ta đã tuyển chọn,
Đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.
Ta cho thần khí Ta ngự trên Người.
Người sẽ loan báo công lý trước mặt muôn dân.
Người sẽ không cãi vã, không kêu to,
Chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy,
Tim đèn leo lét. Chẳng nỡ tắt đi,
Cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng.
Và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” (Mt. 12, 18-21)
Người có khả năng cứu kẻ khác.
Bạn hãy đọc lại Kinh thánh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, bạn sẽ nhận thầy điều này. Người được Thiên Chúa sai đến với con người để cứu họ, không phải là kẻ tàn bạo. Đó là một người hiền lành, một người nhân hậu. Người hùng mạnh, nhưng không bao giờ ỷ sức mạnh để ức hiếp, đàn áp đập tan. Người nhẫn nại, có khả năng chịu khổ, biết chịu đựng. Sức mạnh lớn lao của Người là yêu thương, cảm thông cho đi và tha thứ.
Con Người đã cứu loài người ấy tên là Giêsu. Để cứu vớt muôn người, Người đã không đả kích sự sống của ai, mà lại trao ban sự sống mình cho họ. Ta phải nhìn ngắm con người đó, phải tin tưởng vào Người, phải bắt chước Người.
Hãy giết chết bạo lực.
Mỗi ngày xã hội thời nay ngày càng trở nên tàn bạo, ngày càng có nhiều người nghĩ rằng chỉ có bạo lực. Thể lý hay tinh thần. Mới có thể duy trì được hòa bình, giải phóng người bị áp bức, đem lại quyền lợi cho những người bị tước mất. Họ đi sai đường rồi. Họ lầm lạc đáng thương. Bạo lực chỉ có thể sinh thêm bạo lực mà thôi.
Ta phải giết chết bạo lực. Phải lấy yêu thương, nhẫn nhịn và nhân hậu để thắng bạo lực. Phải học cho biết sự hiền hòa. Chỉ những sức mạnh đó, chứ không sức mạnh nào khác mới có thể cứu vớt con người.
Người có sức mạnh thật là người hiền từ. Kẻ bạo lực hóa ra lại là người yêu. Yêu thương dẫn đến sự sống, bạo lực đưa đến chết chóc. Khi gieo chết chóc cho người khác, người ta chỉ làm cho chết chóc thêm lên. Khi tự mình biết chết đi, ta gieo vãi sự sống. Chính những con người không dùng bạo lực mới cứu được thế giới này.
J.Y.G


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
21 THÁNG BẢY
Hồng Ân Nghĩa Tử
Sự chọn lựa đầy yêu thương của Thiên Chúa và hệ quả nhất định của nó luôn luôn gắn liền với sự sống mật thiết của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống đầy sống hoạt trong tình yêu này liên quan đến Chúa Cha cũng như Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Con người chia sẻ sự sống thần linh này vì con người được mời gọi tham dự vào kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Con người được tiền định ơn tuyển chọn thần linh này ngay cả trước khi vũ trụ được tạo thành (Ep 1,5).
Con người – ngay cả trước khi được dựng nên – đã được Thiên Chúa “chọn lựa”. Sự chọn lựa này xảy ra nơi Người Con Đời Đời (Ep 1,4). Nghĩa là, nó xảy ra nơi Ngôi Lời Vĩnh Cửu, nhờ Ngài mà thế giới được tạo thành. Như vậy, con người được tuyển chọn trong Chúa Con để nhờ chức phận làm con của Người mà con người được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử. Đây chính là cốt lõi của mầu nhiệm tiền định. Và đây chính là sự biểu lộ tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha đối với chúng ta. Như Kinh Thánh nói: “Vì yêu thương, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Đức Giê-su Kitô” (Ep 1,5).
Như vậy, sự tiền định cho thấy từ đời đời Thiên Chúa kêu gọi con người tham dự vào bản tính của Ngài. Đó là một ơn gọi tiến tới sự thánh thiện thông qua ơn nghĩa tử – trở thành những người con “tinh tuyền thánh thiện trước thánh nhan Ngài” (Ep 1,4).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Laurensô Brinđisi, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mk 2, 1-5; Mt 12, 14-21.
LỜI SUY NIỆM: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” (Mt 12, 20-21).
        Chúa Giêsu khi Ngài đến với bất cứ ai; hay là bất cứ ai đến với Ngài; đều được Ngài nâng đỡ với quyền năng và yêu thương của Ngài, Ngài luôn hiện diện bên cạnh để ban ân sủng cần thiết; làm cho những cố gắng của người ta có cơ hội bừng sống dậy lại. Đây cũng là niềm hy vọng cho tất cả những ai đang khao khát chân lý, có chỗ nương tựa và nhận được cơ hội sau những lần vấp ngã mạnh dạn đứng dậy làm lại cuộc đời.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-07:
Thánh LAURENSÔ BRINDISTIÔ
Linh Mục Và Tiến Sĩ Hội Thánh (1559 - 1619)
Cesare de Rossi sinh tại Brindisi vùng Aquila, miền nam nước ý năm 1559, Ngài được giáo dục tại Venise và gia nhập dòng thánh Phanxicô ở Verôna. Năm 1575, Ngài được mặc áo dòng với tên gọi là Laurensô Brindisiô.
Những năm theo học tại Padua đã giúp Ngài trở thành những học giả, thông thạo các thứ tiếng Pháp, Đức, Hy lạp, Syria và Do thái. Những khả năng này đã góp phần mang lại nhiều thành công khi Ngài làm việc với anh em Do thái và khi Ngài phải đương đầu với sự bành trướng của Thệ phản. Danh tiếng Ngài lan rộng khắp vùng Trung Âu.
Trong dòng, Laurensô Brindisiô đã được bầu làm bề trên cả.
Ngoài ra, Ngài còn hăng say với đạo binh Thánh giá dẫn đầu đoàn quân Hung Gia Lợi chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Với thánh giá cầm tay, Ngài đã mang lại chiến thắng năm 1601.
Phần đời còn lại, Ngài hiến mình cho việc truyền giáo và ngoại giáo. Với khả năng đặc biệt này, Ngài đã là một nhà ngoại giao tài giỏi của nhiều vị giáo hoàng. Tuy nhiên, giữa những hoạt động bên ngoài, thánh nhân vẫn dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện và thực tập các nhân đức. Chính đời sống nội tâm sâu sắc đã đưa Ngài lên đỉnh cao đời sống thánh thiện.
Năm 1619, đang khi thi hành sứ mạng được trao phó ở Lisbonne, thánh Laurensô đã từ trần trong sự nghèo khó đơn sơ và thánh thiện. Ngài để lại nhiều tác phẩm giá trị cho kho tàng đức tin công giáo.
Năm 1881, Đức  Lêô XIII đã suy tuyên Ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1959 Đức  Gioan XXIII đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
21 Tháng Bảy

Lúa Mì VàHoa Mồng Gà

Hòa Lan là một nước nổi tiếng về hoa. Ở phía bắc Hòa Lan, có những cánh đồng hoa chạy dài tắp tít vượt cả tầm nhãn giới. Nhiều loại hoa sặc sỡ tuyệt đẹp làm say mê khách du lịch. Phía nam của Hòa Lan, trái lại, chỉ có những cánh đồng lúa mì bát ngát và khi lúa chín thì khắp nơi chỉ còn là một màu vàng ối làm nổi bật màu đỏ tím của những bông hoa mồng gà.
Cảnh đó đẹp với thi sĩ và họa sĩ nhưng rất đáng buồn đối với nông gia vì mồng gà càng sặc sỡ thì vụ lúa càng kém. Chẳng có cách nào nhổ hết được những cây mồng gà này mà không làm hư hại lúa, đằng khác hoa mồng gà càng nhiều và càng đẹp thì khách du lịch càng làm hư hại lúa nhiều, mỗi khi họ nhảy xuống ruộng để hái hoa.
Sự chung đụng của lúa mì và hoa mồng gà: đó là bức tranh tuyệt hảo của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng lúa mì để nuôi sống chúng ta, nhưng Người cũng cho hoa mồng gà mọc lên để làm vui mắt chúng ta. Có lúa mì thì cũng có hoa mồng gà. Có nhà nông thì cũng có thi sĩ, họa sĩ.
Thiên Chúa cho nắng mưa hòa nhịp với nhau. Người nông gia không thể đòi hỏi chỉ có mưa cho lúa tốt. Người nghệ sĩ không thể đòi hỏi chỉ có ánh mặt trời... Sống là biết chấp nhận sự đa diện của vũ trụ như một bức tranh tuyệt hảo. Sống là biết lấy đau khổ, mất mát của mình làm hạnh phúc cho người khác.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++


Ngày 21
Thánh Laurenxô Brindisi, 
linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

Đức Maria là người tuyệt vời nhất có thể mặc khải cho ta biéế rằng sống là đừng bao giờ bỏ rơi Đức Kitô. Thi sĩ Paul Claudel từng nói: "Tôi đến dọn mình bên cạnh Mẹ, để mong tìm gặp Chúa tốt hơn" Vai trò hiền mẫu của Đức Mẹ đối với loài người không hề mâu thuẫn và giảm nhẹ sự trung gian duy nhất của Đức Kitô. Việc kết hiệp trực tiếp giữa người tín hữu với Đức Kitô không hề vì thế mà bị ngăn cản, ngược lại còn được trợ giúp thêm .. .Những ai cầu khẩn Mẹ, Mẹ đều dẫn đưa họ tới Đức Kitô, Con Mẹ.
 
Sau khi đón nhận ơn cứu độ, Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo cho việc kết hiệp với Đức Kitô. Ta noi gương Mẹ khi ta tấn tới trong đức tin, đức cậy và đức mến, khi ta tìm kiếm và hoàn thành ý Chúa trong mọi sự. Thật đơn giản: Mẹ là vị Thánh khiến lòng ta phấn chấn nhất, bởi vì Mẹ đã nên hoàn thiện trong một cuộc đời rất đỗi bình thường, bằng những phương thế cổ điển và hữu hiệu nhất: sống ngày càng mãnh liệt nhân đức đối thần - đức tin, đức cậy, đức mến - những sức mạnh phi thường giúp gắn kết với Chúa, và luôn luôn khao khát thi hành ý Chúa. Phụng vụ đã đặt vào môi miệng Mẹ lời này: "Tôi làm vui thỏa Đấng Tối Cao." Thử hỏi, có thể nào tìm ra một gương mẫu tuyệt vời hơn không?

André Sève
 
(Bayard.)
Ngày 21 tháng 7

Thánh Ignatiô Hy (Delgado Y Cebrian), Giám Mục (+1838)
Ðức Cha Ignatiô Hy (Delgado Y Cebrian) sinh năm 1762, tại Villafelix, Tây Ban Nha. Lớn lên ngài nhập dòng Ða Minh và xin đi truyền giáo ở Viễn Ðông. Ngài được gửi tới Manila (Phi Luật Tân) và thụ phong linh mục tại đó. Ít lâu sau, ngài được cử sang Việt Nam truyền giáo ở địa phận Ðông Ðàng Ngoài. Ngày 11/02/1794, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô VI ban sắc phong làm Giám Mục phụ tá, và từ năm 1799, ngài chính thức cai quản địa phận. Ðức Cha Ignatiô Hy đã sống qua các triều đại Tây Sơn, Gia Long và chịu chết vì đạo thời Minh Mạng.
Năm 1838, cuộc cấm đạo trở nên gắt gao. Ngày 17/4 năm đó, ngài cùng Ðức Cha phụ tá, Ða Minh Henares, phải trốn về làng Kiên Lao. Do mật báo của một kẻ phản bội, tổng đốc Trịnh Quang Khanh sai 200 lính tới bao vây làng. Vì già yếu nên giáo dân cáng ngài chạy trốn, nhưng dọc đường bị phát giác, và Ðức Cha Ignatiô bị bắt vào rạng sáng ngày 29/5/1838. Ngài bị nhốt vào cũi và bị giải lên Nam Ðịnh ngày hôm sau. Tới cổng thành, quân lính định đẩy ngài bước qua Thánh Giá, nhưng ngài đã mạnh mẽ phản kháng. Suốt một tháng, ngài bị giam trong cũi đặt ngoài trời chịu đựng nắng mưa cùng những lời sỉ nhục. Dầu thế ngài vẫn luôn kiên trì giữ vững đức tin của vị chủ chăn. Cuối cùng quan tổng đốc lên án tử hình và đệ vào kinh. Nhà vua ra lệnh điều tra thêm. Trước những cực hình đau đớn, sức khỏe ngài suy giảm và ngài đã từ trần ngày 21/7/1838, trước khi bản án được thi hành. Dầu vậy, lý hình vẫn đem xác ngài ra pháp trường để xử trảm. Thi hài được giáo dân chôn ngay tại chỗ, ít ngày sau được bí mật dời về Bùi Chu. Thủ cấp Ðức Cha bị treo ba ngày cho dân chúng coi, rồi bỏ vào giỏ cột sẵn một tảng đá ném xuống sông. Ba tháng sau một ngư phủ Công Giáo vớt được thủ cấp vị tử đạo còn nguyên vẹn, đúng vào ngày lễ các thánh.
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Thứ Bẩy 21-7

Thánh Lawrence ở Brindisi

(1559-1619)
T
hoạt nhìn qua tiểu sử, có lẽ đặc tính nổi bật của Thánh Lawrence ở Brindisi là ngài biết nhiều thứ tiếng. Ngoài kiến thức của tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý, ngài còn có thể đọc và viết thông thạo tiếng Latinh, Do Thái, Hy Lạp, Ðức, Bohemia, Tây Ban Nha và tiếng Pháp.
Ngài sinh ngày 22 tháng Bảy 1559, và từ trần đúng 60 năm sau cũng vào ngày sinh nhật năm 1619. Tên thật của ngài là Julius Caesare, sau khi cha mẹ mất sớm, ngài được người chú nuôi nấng và cho theo học trường Thánh Máccô ở Venice.
Khi mới 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Capuchin ở Venice và lấy tên là Lawrence. Ngài học triết thần, Kinh Thánh, và các ngôn ngữ ở Ðại Học Padua và được thụ phong linh mục năm 23 tuổi.
Với khả năng ngôn ngữ trổi vượt, ngài có thể nghiên cứu Phúc Âm bằng tiếng nguyên thủy. Theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, ngài dành nhiều thời giờ để rao giảng cho người Do Thái ở Ý. Ngài thông thạo tiếng Hebrew đến nỗi các giáo sĩ Do Thái tin rằng ngài là người Do Thái trở lại Kitô Giáo.
Ngài rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác -- đó là một đặc tính không ngờ nơi một học giả tài giỏi như vậy. Ngài được bầu làm bề trên tỉnh dòng Capuchin ở Tuscany khi mới 31 tuổi. Ngài là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, có lòng thương người và khả năng điều hành. Sau một loạt "thăng quan tiến chức", ngài được các tu sĩ Capuchin chọn làm bề trên toàn Dòng vào năm 1602. Với chức vụ này, ngài góp phần lớn trong việc phát triển Dòng về phương diện địa lý.
Sau khi từ chối việc tái bổ nhiệm chức vụ bề trên vào năm 1605, ngài được đức giáo hoàng chọn làm sứ thần và sứ giả hòa bình cho một vài tranh chấp giữa các hoàng gia. Vào năm 1616, ngài giã từ mọi sinh hoạt trần tục để về sống trong tu viện ở Caserta. Nhưng sau đó, thể theo lời yêu cầu của các nhà cầm quyền ở Naples, ngài đã đến Tây Ban Nha để can thiệp với Vua Philip. Cái nóng bức oi ả mùa hè trong chuyến đi ấy đã làm ngài kiệt sức, và vài ngày sau khi gặp gỡ nhà vua, ngài từ trần ở Lisbon ngày 22 tháng Bảy.
Vào năm 1956, Dòng Capuchin hoàn tất việc biên soạn 15 tuyển tập của ngài. Trong các tuyển tập ấy, mười một tập là các bài giảng, mỗi bài giảng được ngài dựa trên một câu Kinh Thánh để dẫn giải.
Ngài được phong thánh năm 1881 và được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1959.

Lời Bàn

Ðặc điểm của Thánh Lawrence là tận tụy với Kinh Thánh và nhạy cảm trước nhu cầu của người khác, đó là một lối sống hấp dẫn đối với Kitô Hữu của thế kỷ 20. Thánh Lawrence đã quân bình đời sống qua việc hòa hợp giữa tinh thần kỷ luật và biết để ý đến nhu cầu của những người mà ngài được mời gọi để phục vụ.

Lời Trích

"Thiên Chúa là tình yêu, và mọi hoạt động của Người xuất phát từ tình yêu. Một khi Người muốn thể hiện sự tốt lành ấy bằng cách chia sẻ tình yêu của Người ra cho bên ngoài, thì sự Nhập Thể là một thể hiện vượt bực về sự tốt lành và tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, Ðức Kitô đã được tiền định trước tất cả mọi tạo vật và cho chính Người. Vì Người mà muôn vật được tạo thành, và đối với Người mà muôn vật phải quy phục, và Thiên Chúa yêu quý mọi tạo vật trong Ðức Kitô và vì Ðức Kitô. Ðức Kitô là trưởng tử của mọi tạo vật, và toàn thể nhân loại cũng như thế giới vật chất tìm thấy nền tảng và ý nghĩa của nó trong Ðức Kitô. Hơn thế nữa, điều này cũng sẽ xảy ra nếu ngay cả Adong không phạm tội" (Thánh Lawrence ở Brindisi, Tiến Sĩ Hội Thánh).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét