Trang

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

27-07-2012 : THỨ SÁU TUẦN XVI MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Sáu sau Chúa Nhật 16 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 3, 14-17
"Ta sẽ ban cho các ngươi chủ chăn theo như ý Ta; và mọi dân tộc sẽ quy tụ tại Giêrusalem".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Chúa phán: "Hỡi con cái phản loạn, hãy hối cải, vì Ta là chủ các ngươi, Ta sẽ chọn trong các ngươi một người trong mỗi thành và hai người trong mỗi chi họ; Ta sẽ dẫn các ngươi lên Sion. Ta sẽ ban cho các ngươi những chủ chăn theo như ý Ta, để họ dùng lý trí và khôn ngoan chăn dắt các ngươi".
Chúa lại phán: "Trong những ngày ấy, khi các ngươi sinh sản ra nhiều trong xứ, thì người ta không còn nói đến Hòm Bia Thiên Chúa nữa. Người ta sẽ không còn nghĩ tới, nhớ tới, hối tiếc và tạo lập hòm bia khác nữa.
"Lúc đó, người ta sẽ gọi Giêrusalem là ngai của Chúa, mọi dân tộc nhân danh Chúa mà quy tụ tại Giêrusalem, và họ không theo lòng gian ác độc dữ của mình nữa".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Gr 31, 10. 11-12ab. 13
Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).
Xướng: 1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: "Ðấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó, như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình". - Ðáp.
2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. - Ðáp.
3) Bấy giờ người thiếu nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Gc 1, 13
Alleluia, alleluia! - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 18-23
"Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Qua dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu đưa ra bốn mẫu người khi đón nhận Lời Chúa:
- Ðón nhận một cách ơ hờ, lãnh đạm, không tha thiết với Lời Chúa.
- Ðón nhận, nhưng chỉ nhất thời hay thay đổi.
- Có lòng tha thiết nghe Lời Chúa nhưng tâm hồn lo toan trăm mối nên cuối cùng cũng không sinh kết quả.
- Còn người biết chăm chú lắng nghe, tìm hiểu, và ra sức đem ra thực hành thì sinh hoa kết quả gấp trăm.
Vậy mỗi người chúng ta hãy tự xét xem mình thuộc loại người nào khi đón nhận Lời Chúa.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Lắng nghe Lời Chúa thôi chưa đủ, chúng con còn phải biết sống Lời Chúa. Chúng con ý thức rằng việc giữ đạo không chỉ là một mớ lý thuyết suông, nhưng còn được thể hiện trong cuộc sống. Xin Chúa giúp chúng con biết cộng tác tích cực với Lời Chúa và ơn Chúa, để làm cho đời sống đức tin của chúng con tăng trưởng và mang lại kết quả viên mãn. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Suy Niệm:
Tinh Thần Lạc Quan
Sự gieo trồng nào cũng mang niềm hy vọng. Chúa Giêsu đã đọc được tinh thần lạc quan ấy của nhà nông, cho nên Ngài đã mượn hình ảnh gieo trồng để nói lên mầu nhiệm Nước Trời. Nhưng xem chừng những hình ảnh gieo trồng mà Chúa Giêsu dùng trong Tin Mừng hôm nay không giống với kỹ thuật canh tác hiện nay. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, đất Palestin vốn khô cằn, người nông dân thời Chúa Giêsu không cày bừa dọn đất trước khi gieo trồng, nhưng gieo vãi trước, rồi sau đó mới cày đất xới bón. Thành ra, có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi trên vệ đường, có hạt rơi vào bụi gai. Dù kỹ thuật có khác, dù tiến trình canh tác có khác, người nông dân ở bất cứ thời đại nào cũng giống nhau ở chỗ họ có tinh thần lạc quan. Ðất đai có tươi tốt hay khô cằn, thiên nhiên có ngược đãi hay thuận lợi, mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là niềm hy vọng của kẻ gieo trồng.
Chúa Giêsu dường như muốn gieo chính niềm lạc quan ấy vào tâm hồn các môn đệ khi đưa ra dụ ngôn người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng kết quả của mùa gặt vẫn gấp trăm, gấp ngàn. Qua muôn thế hệ, hạt giống Nước Trời vẫn được gieo vãi: có hạt rơi vào vệ đường, sỏi đá, bụi gai của những chống đối và bách hại, hạt giống ấy vẫn nẩy mầm tươi tốt sinh nhiều bông hạt. Người môn đệ Chúa Giêsu luôn tiếp tục gieo vãi hạt giống Lời Chúa, họ luôn được mời gọi đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và kiên trì, dù thành công hay thất bại. Trong thư 1Cor. thánh Phaolô đã diễn tả đúng tinh thần lạc quan và kiên trì của người gieo giống: "Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên".
Vệ đường, sỏi đá, bụi gai vẫn tiếp tục cản trở công việc gieo trồng, nhưng người nông dân của Nước Trời không vì thế mà bỏ cuộc. Có những gieo vãi qui mô ồ ạt, nhưng cũng có những gieo vãi âm thầm: âm thầm trong thinh lặng hằng ngày, âm thầm trong những khước từ, âm thầm trong những bách hại dưới mọi hình thức, nhưng đó vẫn là sự âm thầm cơ bản nhất trong bất cứ sự gieo vãi nào, hay nói theo Ðức Phaolô VI trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng: đó là một sự công bố thinh lặng Tin Mừng, nhưng rất hiệu nghiệm.
Ước gì Lời Chúa hôm nay đem lại niềm tin và lạc quan hy vọng cho chúng ta. Xin cho Lời Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín rằng những gì chúng ta gieo trong đau thương và nước mắt sẽ được trổ bông chín vàng trong mùa gặt của Ngài.

(Veritas Asia)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

THỨ SÁU TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN năm II

Bài đọc: Jer 3:14-17; Mt 13:18-23.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Con người phải chuẩn bị tâm hồn mới mong Lời Chúa sinh hoa kết quả.
Cho dẫu có người gieo giống, có hạt giống, điều quyết định để hạt giống có thể sinh hoa kết trái vẫn là khu đất mà hạt giống được gieo vào. Nếu khu đất này chỉ toàn đá sỏi, bụi gai hay bụi rậm, hạt giống sẽ không thể sinh hoa kết trái được; nhưng nếu khu đất đã được cày bừa, vun xới, hạt giống sẽ đạt tới tiềm năng của nó. Tương tự như thế cho hạt giống Lời Chúa; điều quyết định cho Lời Chúa được sinh hoa kết trái là tâm hồn con người. Nếu Lời Chúa được gieo vào những tâm hồn đã được chuẩn bị, Lời Chúa sẽ tăng trưởng và giúp người đó đạt được những hoa trái như lòng mong ước của họ và của Thiên Chúa; nếu Lời Chúa được gieo vào những tâm hồn hờ hững hay cứng cỏi, làm sao nó có thể sinh hiệu năng như Thiên Chúa mong ước!
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta những ví dụ về hiệu quả của Lời Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah kêu gọi con cái Israel hãy biết ăn năn trở lại. Nếu họ biết thật lòng hối cải, cho dù chỉ là một số nhỏ, Thiên Chúa sẽ đưa họ về. Họ sẽ tái thiết quốc gia và dựng lại Đền Thờ đã bị san phẳng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cắt nghĩa rõ ràng 4 khu đất mà Lời Chúa được gieo vào, và cho những lý do về hiệu năng của chúng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy tụ tại Jerusalem.

1.1/ Số còn sót lại sẽ được chăn dắt bởi những mục tử tốt lành.
Ngay cả trong nơi lưu đày, Thiên Chúa vẫn không ngừng gởi tới con cái Israel những ngôn sứ của Ngài: Isaiah II, Jeremiah, Ezekiel, Sophoniah, Nahum... Mục đích là để cung cấp niềm hy vọng cho họ. Trình thuật hôm nay được coi như những lời của Jeremiah trong khi lưu đày. Ông kêu gọi dân chúng nếu họ biết ăn năn quay về, Thiên Chúa sẽ đổi số phận cho họ: “Sấm ngôn của Đức Chúa: Trở về đi, hỡi lũ con phản bội, vì Ta vẫn là chủ các ngươi. Ta sẽ lấy của các ngươi mỗi thành một người, mỗi thị tộc hai người, và đưa về Sion.”
Khi được trở về quê hương, họ sẽ không còn bị cai trị bởi những nhà lãnh đạo vô thần; nhưng với những nhà lãnh đạo hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa: “Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta; chúng sẽ chăn dắt các ngươi với hiểu biết (dơat) và khôn ngoan (sakal).” Hai đặc tính, hiểu biết và khôn ngoan, rất quan trọng cho các nhà lãnh đạo của Thiên Chúa. Khi có hai đặc tính này, các nhà lãnh đạo sẽ biết khiêm nhường nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và hướng dẫn dân chúng bước theo những chỉ thị của Ngài, để được Ngài yêu thương, chăm sóc, và bảo vệ.

1.2/ Jerusalem sẽ được gọi là "Ngai toà của Đức Chúa."
Mặc dù số còn sót chỉ là số nhỏ so với số lớn dân chúng trước thời lưu đày; nhưng với thời gian, họ sẽ dần dần tăng số và phát triển. Hiệu năng của Lời Chúa không tùy thuộc vào một đám đông hỗn hợp, nhưng sẽ phát triển mạnh với một số nhỏ biết đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa.
Trình thuật đề cập đến sự qua đi của Hòm Bia của Đền Thờ thứ nhất: “Người ta sẽ không còn nói đến Hòm Bia của Đức Chúa nữa, không còn lưu tâm, không nhớ tới, chẳng nuối tiếc, cũng chẳng làm lại nữa.” Hòm Bia tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở với loài người, khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài là Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là lý do Jeremiah nhìn thấy sự không cần thiết của Hòm Bia nữa.
Jeremiah cũng nhìn thấy trước sự tăng trưởng của Jerusalem, nó không còn chỉ giới hạn trong vương quốc Judah; nhưng là trung tâm của con cái Israel như thời của vua David. Hơn thế nữa, nó còn là trung tâm mà mọi quốc gia trên thế giới đều hướng về: “Thời ấy, Jerusalem sẽ được gọi là "Ngai toà của Đức Chúa," và mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy tụ tại Jerusalem.” Được sự chăm sóc và dạy bảo bởi chính Thiên Chúa, “chúng sẽ không còn sống buông thả theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình nữa.” Đây là điểm chính yếu của ngôn sứ Jeremiah: Thiên Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới đặt căn bản trên tình yêu (Jer 31:31-34).

2/ Phúc Âm: Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả.
Như nhà nông phải chuẩn bị thửa ruộng bằng cách cầy bừa để nhặt đi tất cả sỏi đá và gai góc, san phẳng và giữ đất cho ẩm trước khi gieo hạt giống vào; con người cũng phải chuẩn bị tâm hồn bằng cách dành thời gian cho tâm hồn lắng đọng xuống, xua đi tất cả những lo toan và bất an của cuộc sống, cầu xin Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn trước khi nghe Lời Chúa. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể của những người nghe Lời Chúa và hậu quả:
(1) Miền vệ đường: Chúa Giêsu cắt nghĩa: "Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường." Đây là những người có thái độ khinh thường hay không quan tâm đến những gì Chúa dạy: Những người tham dự Thánh Lễ cách chiếu lệ, đi lễ trễ khi Lời Chúa đã bắt đầu, ra ngoài hút thuốc, hay nói chuyện, hay ngủ gật, hay để trí óc viễn du, khi linh mục cắt nghĩa Lời Chúa. Những người không bao giờ chịu tham dự các dịp tĩnh tâm giáo xứ hay học hỏi Lời Chúa dưới bất cứ hình thức nào. Với thái độ khinh thường Lời Chúa như thế, làm sao Lời Chúa có thể vào trong tâm hồn để sinh lợi ích được!
(2) Miền sỏi đá: Chúa Giêsu cắt nghĩa: "Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay." Đây là những người cũng chịu chú ý nghe Lời Chúa, nhưng không chịu bỏ thời gian để học hỏi, để suy gẫm, và để đào sâu Lời Chúa. Họ dành rất nhiều thời gian để giải trí, trò chuyện, hay đọc những sách vô bổ; nhưng luôn than không có giờ để đọc Lời Chúa hay Lời Chúa khó hiểu! Nếu họ không hiểu Lời Chúa, làm sao họ có thể áp dụng trong cuộc sống để sinh ích cho cuộc đời họ!
(3) Miền bụi gai: "Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì." Đây là những người chỉ quan tâm hay quá đặt nặng sự quan trọng của đời sống vật chất: Họ đặt những mối lợi vật chất trên sự kính mến Thiên Chúa và hiểu biết Lời Chúa. Họ chọn đi lễ nào cha giảng ngắn nhất, giờ lễ tiện nhất, mặc dù chẳng hiểu gì Lời Chúa hay Bài Giảng; để còn kịp giờ làm hay có nhiều giờ đi chơi, giải trí. Đây cũng là những người đặt lợi lộc vật chất trên tình nghĩa anh em. Họ không dám hy sinh lợi lộc vật chất để sống và làm chứng cho Lời Chúa.
(4) Miền đất tốt: "Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục." Đây là những người luôn đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, ham muốn học hỏi, và thi hành Lời Chúa. Họ biết chuẩn bị tâm hồn, đọc trước và suy gẫm Lời Chúa trước khi tới nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Hơn nữa, họ luôn tìm dịp để học hỏi và nghiên cứu thêm; đồng thời biết áp dụng Lời Chúa trong mọi trường hợp của cuộc đời. Không lạ gì khi đời sống của họ luôn tăng trưởng về mọi phương diện: tâm linh, trí tuệ, tình cảm, và nhân bản.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chuẩn bị tâm hồn là điều kiện tiên quyết để Lời Chúa được sinh hoa kết quả cho người nghe. Chúng ta đừng bao giờ nghe hay học hỏi Lời Chúa mà không chuẩn bị. Ngoài ra, chúng ta đừng để cho Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi những lo âu và toan tính của trần thế.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

27/07/12 THỨ SÁU TUẦN 16 TN
Mt 13,18-23

MẢNH ĐẤT LÒNG TÔI

“Kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, sinh hoa kết quả và làm ra kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13,23)

Suy niệm: Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn người gieo giống, hạt rơi vào các loại đất khác nhau biểu thị cho bốn cung cách người ta đón nhận Lời. Hạt gieo bên vệ đường là người nghe Lời mà không hiểu nên quỷ dữ đã cướp Lời đi khỏi họ. Hạt gieo nơi sỏi đá là kẻ đón nhận lời cách sơ sài nên dễ đánh mất Lời khi gặp hoạn nạn hoặc bị bách hại vì lòng tin. Hạt gieo vào bụi gai là những kẻ nghe lời nhưng để những lo toan ở đời này cùng lòng ham mê tiền bạc bóp nghẹt hạt giống đức tin. Còn hạt rơi trên mảnh đất màu mỡ là kẻ nghe Lời và thấu hiểu với cả tấm lòng nên sinh nhiều hoa quả tốt đẹp.

Mời Bạn: Bạn có thấy mình là một trong bốn mảnh đất trên tùy hoàn cảnh sống khác nhau không? Có lúc vừa nghe Lời xong lại quên ngay, có lúc mình cũng để những lo lắng sự đời bóp nghẹt Lời Chúa hay cũng có lúc Lời Chúa được lưu lại trong lòng bạn và bạn đã làm nhiều điều tốt cho những người xung quanh bạn. Ước gì mảnh đất tâm hồn bạn luôn cảm nghiệm được niềm vui khi sống Lời như ngôn sứ Giêrêmia: “Gặp được Lời Chúa tôi đã nuốt vào, vì đó là hoan lạc của lòng tôi” (Gr 15,16).

Chia sẻ: Nhóm, cộng đoàn của bạn có thường xuyên chia sẻ Lời Chúa không? Nếu chưa thì hôm nay chính là cơ hội để bạn bắt đầu.

Sống Lời Chúa: Trung thành với việc đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Xin cho hạt giống Lời Chúa trong lòng con trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện, nhờ đó Nước Chúa mở rộng và Lời Chúa được tiếp tục gieo vãi nơi những mảnh đất khác nữa.



Sinh hoa kết quả 
Suy nim:
Dụ ngôn người gieo giống của Đức Giêsu là một dụ ngôn đầy nét hy vọng.
Nếu có một lúc nào đó người môn đệ chán nản
vì thấy có bao hạt giống được gieo vãi mà chẳng thu lại được gì,
bao điều cản trở sự lớn lên của Nước Thiên Chúa,
thì dụ ngôn này nhắc cho họ thấy rằng có những hạt lúa được bội thu.
Kết quả của những hạt lúa bội thu thì gấp nhiều hơn số lúa đã gieo vãi.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời giải thích dụ ngôn trên của Đức Giêsu.
“Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống” (c. 18).
Đức Giêsu mời gọi như thế với các môn đệ của thời Ngài và của mọi thời đại.
Cả bốn hạng môn đệ sắp được Ngài kể ra đều là những người đã nghe Lời.
Lời đây là lời Tin Mừng, lời giảng dạy của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa.
Lời này được ví như hạt giống mà Đức Giêsu gieo vãi trong tim môn đệ (c. 19).
Trái tim người môn đệ là một thửa đất nhận hạt giống ấy.
Chỉ có một loại hạt giống như nhau, cũng như chỉ có một người gieo.
Kết quả khác nhau là tùy vào chất lượng của đất, chất lượng của trái tim.
Có bốn loại đất, bốn loại môn đệ với tâm hồn khác nhau.
Loại đất vệ đường, đất cứng, khiến hạt giống chỉ nằm ở bên trên.
Lời Chúa chỉ được nghe suông ngoài tai, nhưng không được đón nhận vào tim.
Chính vì thế loại môn đệ này được coi là không hiểu (c. 19).
Không hiểu không phải vì trí khôn kém cỏi hay vì người truyền đạt yếu.
Không hiểu chỉ vì không muốn hiểu, lòng không muốn đón nhận.
Khi lòng không ưng thì quỷ đến và cướp mất hạt giống đã gieo.
Loại đất sỏi đá là loại đất chỉ có một lớp đất mỏng thôi.
Hạt giống được gieo thì mọc lên ngay,
nhưng vì không có rễ sâu nên chỉ sống được một thời gian ngắn (c. 21).
Loại môn đệ thứ hai này chẳng những nghe mà còn vui vẻ đón nhận ngay (c. 20).
Nhưng sự đón nhận vội vã này rất hời hợt, và niềm vui cũng không sâu.
Họ tưởng làm môn đệ chỉ gặp toàn niềm vui và an bình.
Chính vì thế khi phải trả giá để sống Lời Chúa, thì họ vấp ngã ngay và bỏ cuộc.
Loại đất có bụi gai là đất có thể làm hạt giống lớn lên thành cây,
nhưng cây lại bị gai lấn át làm chết ngạt (c. 22).
Bụi gai của loại môn đệ này là nỗi lo lắng chuyện đời và lòng ham mê giàu có.
Bụi gai nằm ngay giữa thửa đất trái tim, lớn mạnh đến nỗi làm cây lúa úa vàng.
Cuối cùng là đất tốt, đất chẳng như vệ đường, chẳng có sỏi đá hay bụi gai.
Hạt giống gặp đất tốt này thì sinh hạt, hạt được một trăm, sáu chục hay ba chục.
Loại môn đệ cuối này khác hẳn với loại thứ nhất vì nghe và hiểu Lời Chúa (c. 23).
Tuy nhiên, kết quả đem lại nhiều hay ít còn tùy mức độ mở ra của từng người.
Lời Chúa hôm nay mời ta nhìn lại thửa đất của trái tim mình.
Những cứng cỏi, những hời hợt thiếu rễ sâu, những chi phối của đam mê vật chất.
Bao hạt giống được gieo mà chưa sinh hoa trái.
Xin Chúa giúp ta dọn dẹp, cải tạo lại thửa đất của tâm hồn
để tim ta có ít chỗ cho thế gian và nhiều chỗ hơn cho Thiên Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả".
Biến đổi tâm hồn
Những lời giải thích của Chúa Giêsu thức tỉnh những đồ đệ của Chúa mọi thời đại. Có bốn thái độ đối với Lời Chúa: thái độ của mảnh đất bên vệ đường, thái độ của mảnh đất sỏi đá, thái độ của mảnh đất có bụi gai, thái độ của mảnh đất tốt đón nhận hạt giống để cho hại giống sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi.
Hôm nay Thiên Chúa vẫn còn gieo vãi hạt giống Ngài xuống trần gian trong nhiều cảnh huống khác nhau. Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa đến với mỗi người chúng ta trong nhiều hoàn cảnh và Chúa gặp phải nhiều phản ứng khác nhau, Giáo Hội không ngừng mang Lời Chúa đến với con người mọi thời đại, nhưng con người đáp lại như thế nào và chính mỗi người chúng ta đây đáp lại như thế nào?
Thần dữ có thể cám dỗ làm ta lạc hướng; những thử thách, những khó khăn có thể làm ta thối chí ngã lòng; những bận tâm lo lắng chuyện trần tục, những ham muốn hưởng thụ làm cho ta quên mất Chúa và Lời Ngài. Mỗi người chúng ta cần xin Chúa biến đổi tâm hồn trở thành như đất tốt, một tâm hồn khiêm tốn quảng đại sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và yêu mến Lời Chúa. Càng được yêu mến thì Lời Chúa mới trở nên tác động và trở nên hữu hiệu làm cho cuộc sống trở nên những hoa trái tốt.
Lạy Chúa,
Ngày hôm nay Chúa vẫn còn nói với mỗi người chúng con, ngày hôm nay Chúa đến với chúng con qua chính Lời Chúa, qua lời rao giảng của Giáo Hội và qua những tiếng kêu cầu trợ giúp của anh chị em. Xin cho chúng con đừng nhắm mắt làm ngơ, đừng bịt tai giả điếc, đừng đóng kín con tim, nhưng khiêm tốn lắng nghe và quảng đại đáp trả.
Lạy Chúa,
Này con đây xin hãy phán và con xin lắng nghe.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Người gieo và hạt giống
Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.
Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt. 13, 19-23)
Chúa giảng về dụ ngôn người gieo giống, nhưng hầu như chỉ chú ý đến hạt giống, dẫu rằng người gieo giống ở đây đúng là “Con Người”. Chúa đã giải thích cho biết hạt giống là Lời Chúa; Lời mặc khải những mầu nhiệm “Nước Trời”, khi con người đón nhận và gắn bó với Lời Người, thì lời thiết lập Nước Trời giữa mọi người.
Ta không áp dụng trực tiếp cho chính lời Chúa, nhưng áp dụng cho những người nghe qua hình ảnh những mảnh đất khác nhau mà hạt giống được vãi xuống. Điểm nổi cộm của dụ ngôn là những mảnh đất khác nhau: Người gieo và hạt giống không thay đổi, nhưng đất gieo không cống hiến những thành công như nhau. Tóm lại lời Chúa phải chịu số phận rủi ro, đó mới là đối tượng thực sự của dụ ngôn. Chúa đã chỉ có thể nói giản dị rằng: Hạt giống tốt và người gieo hào phóng; còn anh em, hãy làm phần còn lại là mảnh đất gieo để có chắc được mùa lúa tốt.
Nước Trời.
Vì hay nói và nói quá nhiều về Nước Trời, nên người ta không còn thấy bận tâm về chuyện này nữa. Nước Trời trở thành một sáo ngữ đạo đức, trống rỗng. Thế nhưng, chúng ta hiện là những người có trách nhiệm đối với Nước Trời. một Nước Trời không thuộc thế gian này, điều mà ta hằng nhắc nhở mình, để không làm việc luống công, hoặc không thoái thác công việc, vì Giáo Hội chúng ta là của những người nghèo.
Đúng là khi ta nói về Nước Trời, lời ấy dù vẫn là một mà đã được hiểu một cách rất khác nhau tùy như ta quan niệm này hay ta quan niệm kia, bênh vực cho nhóm này hay nhóm kia mà ta hiểu lời Chúa (Nói) về Nước Trời một cách khác nhau. Điều quan trọng ta cần biết không phải là xem chúng ta hoặc người khác thuộc về nhóm nào, mà là cách ta đón nhận Lời Chúa trong đời sống của ta ra sao.
Lời Chúa cho tất cả mọi người, và mọi người phải sống Lời Chúa.
Cùng một Lời Chúa ấy được nói cho hết thảy mọi người. Lời ấy là sức sống, là tình yêu phải được mọi người đón nhận để mà sống. Khi ta có những thái độ kỳ thị loại trừ, hoặc từ chối gieo lời Chúa trong mảnh đất này hay mảnh đất kia, chúng ta không làm giống như Đức Giêsu là người gieo yêu thương chỉ những mảnh đất phì nhiêu, nhưng trên cả những mảnh đất sỏi đá gai góc. Làm như vậy là chúng ta không muốn, không để cho Lời Chúa được nảy nở và triển vậy.
J.M


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
27 THÁNG BẢY
Thiên Chúa Kiên Quyết Cứu Độ Chúng Ta
Cùng với nhãn quan của Thánh Phao-lô về sự tiền định, chúng ta cũng bắt gặp những lời của Thánh Phê-rô: “Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ của Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Ngài cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Ngài đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết” (1Pr 1,3-5).
Vâng, “chúc tụng Thiên Chúa” – Đấng mạc khải cho chúng ta sự quan phòng rất kiên thủ và đầy yêu thương của Ngài vì ơn cứu độ của chúng ta. Sự quan phòng ấy luôn luôn hoạt động cho đến đích điểm cuối cùng. Như vậy, sự tiền định dành cho chúng ta trong Đức Kitô sẽ được hoàn thành trọn vẹn nhờ “sự sống lại của Đức Giê-su Kitô”, Đấng là “An-pha và Ô-mê-ga” của định mệnh con người chúng ta (Kh 1,8).
+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình
Gr 3, 14-17; Mt 13, 18-23.
LỜI SUY NIỆM: Trong dụ ngôn người đi gieo giống. Chúa Giêsu đề cập đến những mãnh đất tâm hồn của con người khi đón nhận lời Chúa. Có những mãnh đất đầy những sỏi đá, là bụi gai rậm; là bên vệ đường và cũng có mãnh đất đã được cày xới với đầy phân tro. Tùy vào tâm hồn của mỗi người đón nhận hạt giống Tin Mừng sinh được sinh ra nhiều, hay lụi dần và biến mất.
        Trong việc loan báo Tin Mừng, chúng ta phải biết các thế đất ấy để mà gieo vãi, nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua và giới hạn, hay ngại ngùng hà tiện hạt giống không dám gieo vào tất cả những thế đất như thế, vì chính trong tâm hồn của mỗi con người ai cũng có Chúa Thánh Thần đang tác động. Kết quả hôm nay chúng ta có thể chưa thấy  dấu hiệu. Nhưng với Chúa Thánh Thần thì mọi sự sẽ có kết quả tốt đẹp.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
27 Tháng Bảy
Ánh Sáng Cho Ðền Thờ

Tại một khu phố cổ của Ấn Ðộ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền Ấn Giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không bao giờ được đốt lên thường xuyên. Dù vậy, từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, người ta thấy có treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu. Bình thường, ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng, cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn soi lối để đi qua các khu phố, họ cũng mang chính ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong đền thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách kỳ lạ...
Ngôi đền thờ chỉ sáng lên nhờ chính những ngọn đèn mà các tín hữu mang đến. Ðó có lẽ phải là hình ảnh đích thực của đời sống đạo chúng ta.
Chúng ta lãnh nhận đức tin từ một cộng đồng Giáo Hội và đức tin của chúng ta chỉ có thể sống và lớn mạnh trong cộng đồng Giáo Hội mà thôi. Không ai có thể là người tín hữu Kitô mà có thể ở ngoài Giáo Hội.
Cộng đồng giáo xứ nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong đức tin thường được biẻu trưng bằng một ngôi thánh đường. Chính nơi đó người tín hữu Kitô gặp gỡ nhau, chính nơi đó, người tín hữu Kitô chia sẻ và củng cố đức tin cho nhau. Ngôi thánh đường sẽ chỉ là một đền thờ lạnh tanh và tăm tối nếu mỗi người tín hữu không mang đến chính ánh sáng của mình. Mỗi người một ít, nhưng chính nhờ sự đóng góp ấy mà ngôi đền thờ trở nên rực sáng và tràn đầy sức sống.
Mỗi một người tín hữu Kitô trong cộng đồng Giáo Hội cũng giống như một ánh đèn chiếu sáng trong tay để làm cho ngôi thánh đường của cộng đồng giáo xứ được sáng lên.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 27


Tình yêu nảy nở, lớn lên rồi đem trao hiến, đó là tiến trình bình thường của tình cảm con người, khi tình bạn hoặc tình yêu giữa họ thật sự cao đẹp. Lúc ấy, mối liên hệ giữa hai người là một mối liên hệ hiện hữu đích thực, họ nhìn nhau trong sự thật và phẩm giá của nhau. Anh yêu em, không phải vì em có thể cho anh điều gì đó, hay khiến anh vui thích thỏa mãn, nhưng vì em là em, và trong kế hoạch của Thiên Chúa.
 
Việc lớn lên trong cuộc sống thần linh, cũng là trong tình yêu, làm cho tiến trình này mau tới đích. Tại sao vậy? Bởi vì cuộc sống thần linh, mà ta lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội, là sự thông phần vào đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ Đức Tin, ta học cách suy nghĩ như Chúa. Nhờ Đức Cậy, một cách nào đó ta tiếp nhận động lực toàn năng của Đấng Tối Cao, Đấng luôn nhằm thực hiện kế hoạch tình yêu của Ngài nơi ta và nơi mọi loài thụ tạo. Nhờ Đức Mến, Chúa đổ vào lòng ta ngọn lửa tình yêu mà Ngài hằng dành cho con cái, để ngọn lửa thần linh ấy thanh tẩy những quyến luyến hoàn toàn trần tục của ta và quy hướng chúng về Thiên Chúa cũng như anh em đồng loại.
Andréa Richard

Thứ Sáu 27-7

Chân Phước Antôniô Lucci

(1682-1752)
A
ntôniô cùng học chung và là người bạn của Thánh Francesco Antonio Fasani, là người đã ra tòa án Giáo Hội để làm chứng cho sự thánh thiện của Antôniô sau khi ngài từ trần.
Sinh ở Agnone miền nam nước Ý, đó là một thành phố nổi tiếng về sản xuất chuông và đồ đồng, Antôniô có tên rửa tội là Angelo. Ngài theo học trường của các tu sĩ Phanxicô và gia nhập cộng đoàn này khi 16 tuổi. Antôniô hoàn tất chương trình tu tập ở Assisi và thụ phong linh mục năm 1705. Sau đó, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học và được bổ nhiệm làm giáo sư ở Agnone, Ravello và Naples. Ngài cũng là cha bề trên nhà dòng ở Naples.
Ðược bầu làm bề trên giám tỉnh năm 1718, và năm sau đó ngài được bổ nhiệm làm giáo sư trường Thánh Bônaventura ở Rôma. Ngài giữ chức vụ này cho đến năm 1729, ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII chọn làm giám mục của Bovino (gần Foggia). Ðức giáo hoàng cho biết, "Tôi vừa chọn được một thần học gia xuất chúng và vị đại thánh làm giám mục Bovino."
Trong 23 năm làm giám mục, Ðức Lucci thường đến thăm các giáo xứ và canh tân đời sống phúc âm của giáo dân trong địa phận. Ngài dùng tiền lương của một giám mục để hỗ trợ cho công việc giáo dục và bác ái. Theo sự thúc giục của bề trên dòng, Ðức Giám Mục Lucci đã viết cuốn sách về các thánh và các chân phước của dòng Phanxicô trong 200 năm đầu tiên.
Ngài được phong chân phước năm 1989, ba năm sau khi người bạn của ngài là Cha Francesco Antonio Fasani được phong thánh.

Lời Bàn

Như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong năm 1975, con người ngày nay "được cảm kích bởi các chứng nhân hơn là người giảng dạy, và nếu họ nghe những người này, đó là vì người giảng dạy cũng là các chứng nhân" (Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Ngày Nay, #41).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét