Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Mật hội hồng y và giải nghi học

Mật hội hồng y và giải nghi học

Tại mật hội bất thường các Hồng Y vừa qua, người ta chú ý tới vai trò của Đức Hồng Y Walter Kasper và bài diễn văn mở đầu của ngài. Ngày 20 tháng Hai, khi đưa tin về mật hội này, Đài Phát Thanh Vatican đã tường trình như sau: “Bài trình bày mở đầu của Đức Hồng Y Kasper, một bài trình bày sẽ không được công bố vì được nhằm để các tham dự viên sử dụng mà thôi bên trong ngữ cảnh của cuộc họp, đã chiếm hầu hết buổi sáng nay, ngoại trừ 10 phút sau cùng để một số vị nhận định. Tuy nhiên, chiều nay và sáng mai sẽ được dành để nhận định và thảo luận”. 

Tín lý và thương xót

Bản tin nói thêm: “Bản trình bày của vị chủ tịch hưu trí của Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo ‘hòa hợp’ với lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu vào hôm nay. Tập chú của bài diễn văn gắn bó khăng khít với tập chú của Đức Thánh Cha: một cách thực tiễn và sâu sắc, nó sẵn sàng đối diện với tất cả những gì là tươi đẹp liên quan tới gia đình mà không tránh né các vấn đề của nó. Tuy nhiên, vấn đề đã được tiếp cận từ một quan điểm hết sức tích cực: tái khám phá và công bố Tin Mừng về gia đình theo kế hoạch Thiên Chúa, với tất cả mọi nét đẹp của nó, vì sự thật cũng thuyết phục nhờ cái đẹp. Một điểm chính yếu nữa trong bài diễn văn của Đức HY Kasper là ý niệm coi gia đình như tiểu Giáo Hội tại gia, và ý tưởng theo đó trong gia đình, Giáo Hội gặp được thực tại và nhờ thế thiết lập được đường đi tới tương lai; gia đình có thể là con đường ưu tuyển dẫn tới việc phúc âm hóa. Đức Hồng Y Kasper nói tới ‘Giáo Hội tại gia’ này theo nghĩa rộng, không những nhắc tới gia đình hạch nhân mà thôi, mà còn mở rộng ra cả các cộng đoàn, các nhóm tại giáo xứ nữa v.v…

Về quan điểm chính thức, Cha Lombardi gợi ý rằng tài liệu của Đức HY Kasper không cho rằng mình đề cập tới mọi chủ đề liên quan tới gia đình, cũng như không cố gắng chặn đầu Thượng Hội Đồng sắp tới, nhưng đúng hơn là một hình thức “mở cửa”. Phần dẫn nhập của nó dành cho việc tái khám phá Tin Mừng về gia đình, khởi đi từ gia đình trong trật tự tạo dựng, tức viễn kiến về gia đình trong Sách Sáng Thế và trong kế hoạch Thiên Chúa. Phần thứ hai tập chú vào cấu trúc tội lỗi bên trong gia đình: các vấn đề, các căng thẳng giữa người đàn ông và người đàn bà, thân xác và tinh thần, sự tha hóa của đau khổ nơi người đàn bà và nơi người mẹ, v.v… Sau cùng, nó thăm dò vấn đề gia đình trong trật tự cứu chuộc Kitô Giáo, bằng cách nhắc tới các bản văn lấy từ Tin Mừng và Tân Ước liên quan tới gia đình, như Thư gửi tín hữu Êphêsô. Nó cũng xem sét hôn nhân như Bí Tích, và ơn thánh hóa của nó.

Đức Hồng Y cũng nhắc tới vấn đề những người ly dị tái hôn, khảo sát chủ đề này một cách sâu sắc, có xếp sắp, và tinh tế (nuanced). Ngài nhắc lại rằng trong phạm vi này, điều cần là phải kết hợp việc chăm sóc mục vụ bằng bộ đôi không thể tách biệt nhau là đức tin và lời lẽ của Chúa Giêsu, và việc hiểu lòng Chúa thương xót. Đức Hồng Y nhắc tới công trình của Đức GH hưu trí Bênêđíctô XVI về vấn đề này, khi tự hỏi, vượt ra ngoài việc chặt chẽ hay lỏng lẻo, phải chăng bí tích thống hối có thể hiến cho ra một cách để thỏa hiệp (accommodating) các hoàn cảnh khó khăn. Ngài cũng nhắc lại bài diễn văn của Đức GH Phanxicô trước các giáo phẩm của Tòa Tối Cao Rôma vào đầu năm nay, trong đó, ngài nói tới sự thành hiệu của hôn nhân, khi quả quyết rằng các chiều kích luập pháp và mục vụ không hề chống đối nhau.

Cha Lombardi kết luận bằng các nhấn mạnh rằng Đức Hồng Y dành tầm quan trọng lớn lao cho “luật tiệm tiến” (law of gradualness), hay đúng hơn, việc tiến tới các hình thức mới trong việc thăm dò sâu xa mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Kitô, và hiều biết luật của Tin Mừng về sự thật”. 

Làm thần học trong lúc qùy gối

Trong diễn từ khai mạc Mật Hội, Đức Phanxicô đã cám ơn Đức HY Kasper “về sự đóng góp giá trị” sắp diễn ra của ngài. Vào ngày thứ hai của Mật Hội, sau khi đọc các nhận định của Đức Hồng Y, ngài lại cám ơn Đức Hồng Y một lần nữa, và cho hay bài trình bày của Đức Hồng Y cho thấy một nền “thần học sâu sắc, thanh thản” phản ảnh “sensus ecclesiae (cảm thức Giáo Hội)… (tức) tình yêu đối với Mẹ Giáo Hội” vốn chứa đựng trong giáo huấn không của ai khác mà là của chính vị cha già linh đạo của Đức Phanxicô là đấng sáng lập Dòng Tên, Thánh Inhã thành Loyola. Theo Đức Phanxicô, có thể gọi công trình của Đức HY Kasper là “làm thần học trong lúc qùy gối”.

Quả là những lời khen nồng nàn dành cho một vị Hồng Y hưu trí. Theo Rocco Palmo, đây không hẳn là lần đầu tiên Đức Phanxicô công khai lên tiếng ca ngợi vị Hồng Y người Đức này. Ngay hôm 17 tháng Ba, 2013, nhân lúc đọc kinh truyền tin lần đầu tiên với 300,000 tín hữu trong tư cách Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã ca ngợi Đức HY Kasper là nhà thần học tinh tường (on the ball theologian). Ngài bảo: “Trong những ngày này, tôi có dịp đọc một cuốn sách của một vị Hồng Y, Đức Hồng Y Kasper, một thần học gia tinh tường, một thần học gia sáng giá, nói về lòng thương xót. Theo tôi, cuốn sách này là cuốn sách tốt thực sự… thực sự tốt… Đức Hồng Y Kasper nói rằng cảm nhận được lòng thương xót, thì từ ngữ này sẽ thay đổi mọi sự… nó thay đổi cả thế giới. Chỉ một chút xót thương thôi cũng làm thế giới bớt lạnh lùng và công chính hơn. Ta cần hiểu thấu lòng thương xót của Chúa, người Cha hay thương xót hết sức nhẫn nại này… Tiên tri Isaia nói rằng dù tội lỗi ta có thắm đỏ bao nhiêu, tình thương của Chúa cũng làm cho chúng trắng như tuyết. Lòng thương xót đẹp đẽ xiết bao!”. 

Và cũng cái lòng thương xót ấy được Đức HY Kasper nhắc đi nhắc lại trong mật hội Hồng Y lần này. Không hiểu nó sẽ đóng vai trò gì trong việc lên khuôn cho chính sách mục vụ sắp tới đối với vấn đề hết sức gai góc hiện nay là việc rước lễ của các người Công Giáo ly dị tái hôn.

Bàn cãi sôi động

Theo Cha Lombardi, bài diễn văn của Đức HY Kasper đã khiến mật hội Hồng Y bàn cãi hết sức sôi động. Tính đến trưa ngày 21 tháng Hai, đã có 43 vị Hồng Y lên tiếng và còn nhiều vị khác lên tiếng vào buổi chiều cùng ngày. Nhiều vị khác đã góp ý bằng giấy tờ. Tất cả sẽ được đúc kết cho thượng hội đồng ngoại thường hồi tháng Mười về gia đình. 

Cũng theo Cha Lombardi, trong số các chủ đề được các vị Hồng Y xem sét có ý niệm gia đình theo viễn tượng nhân học Kitô Giáo và giá trị của nó trong ngữ cảnh nền văn hóa bị tục hóa, một nền văn hóa đang đưa ra một quan niệm khác hẳn về gia đình, tính dục và con người, những điểm mà phương thức Kitô Giáo của ta đôi lúc gặp khó khăn. 

Cuộc tranh luận hiển nhiên là nóng bỏng. Chính vì thế, Cha Lombardi phải nhấn mạnh rằng “Cuộc suy tư không diễn ra trong bầu khí kiện cáo, mà là trong bầu khí thực tiễn, xem sét mọi khó khăn đang thách thức Kitô Giáo trong một nền văn hóa có khuynh hướng đi theo hướng khác”. Cha cũng cho hay, nền thần học thân xác của Đức Gioan Phaolô II đã được trích dẫn nhiều lần cũng như thông điệp “Familiaris consortio” và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Ngoài ra, Mật Nghị cũng đặc biệt bàn tới việc chuẩn bị hôn nhân và nền linh đạo hôn nhân và gia đình. Các ngài xem sét cả vấn đề ly dị tái hôn theo viễn tượng giáo luật nhằm cải tiến và đơn giản hóa thủ tục tuyên bố vô hiệu. Còn về việc rước lễ của những người này, các cuộc tranh luận đã diễn ra một cách sâu rộng và chi tiết, nhưng chưa đem lại một quyết định hay một công bố nào cụ thể. Cha cho hay: “về vấn đề này, không có căng thẳng cũng như lo âu nào, nhưng đúng hơn có một cách tiếp cận tích cực mang đặc tính biện phân và cùng nhau tìm kiếm cách tốt nhất để phối hợp việc trung thành với lời dạy của Chúa Giêsu và lòng Chúa thương xót cũng như lưu ý tới các hoàn cảnh chuyên biệt, luôn với một nhạy cảm lớn lao.

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng ta không nên chờ mong một hướng đi duy nhất từ Mật Hội, mà đúng hơn chỉ là một dẫn nhập đầy khích lệ đưa ta vào Thượng Hội Đồng, là định chế sẽ xem sét vấn đề bằng một viễn kiến sâu rộng, có khả năng thăng tiến cách đáp trả mục vụ của Giáo Hội đối với hy vọng tận tâm can của rất nhiều người trong phạm vi này. 

Giải nghi học

Chính Đức Phanxicô cũng nhìn nhận tính phức tạp của vấn đề. Ngài nói với Mật Hội rằng: “Các suy tư của ta luôn phải chú ý tới vẻ đẹp của gia đình và hôn nhân, vẻ cao cả của thực tại nhân bản này, một thực tại hết sức đơn giản nhưng cũng hết sức phong phú, bao gồm cả hân hoan và hy vọng, lẫn tranh đấu và đau khổ, giống như trọn cuộc sống ta. Ta sẽ tìm cách đào sâu nền thần học về gia đình và biện phân các thực hành mục vụ mà tình thế hiện nay đang đòi hỏi. Mong sao ta làm việc này một cách đầy suy nghĩ và không rơi vào lối “giải nghi học” (casuistry), vì lối này nhất thiết giảm thiểu phẩm tính công việc của ta… Ta được kêu gọi làm cho kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa dành cho gia đình được người ta biết đến và giúp các cặp vợ chồng cảm nghiệm được kế hoạch đó cách hân hoan trong đời họ, cũng như đồng hành với họ giữa muôn vàn khó khăn bằng một việc săn sóc mục vụ vừa vững vàng, can đảm vừa đầy tình yêu thương”. 

Muốn hiểu quan điểm của Đức Phanxicô về giải nghi học, ta phải nghe bài giảng của ngài trong thánh lễ buổi sáng tại Nhà Thánh Mácta trước khi tới Mật Hội. Trong bài giảng này, ngài nhắc lại các trình thuật trong Tin Mừng: về “tất cả những người tiếp cận Chúa Giêsu để trình bày với ngài các trường hợp điển hình như: trả thuế cho Xêda có hợp lề luật chăng?” hay trường hợp người góa phụ “khốn khổ, theo lề luật phải cưới cả bẩy người em của chồng để có đứa con cho chồng”. 

Đức Phanxicô bảo “Đó chính là giải nghi học. Giải nghi học chính là nơi tìm tới của tất cả những ai tin mình có đức tin, mà thực ra chỉ biết nội dung của đức tin mà thôi. Do đó, khi ta gặp một Kitô hữu lên tiếng hỏi ‘có được phép làm điều này hay không, hay liệu Giáo Hội có làm điều này hay không’ thì có nghĩa ‘họ không có đức tin, hay đức tin của họ quá yếu’”.

Trái lại, ngay trong Tin Mừng, có những người “không biết tín lý nhưng có một đức tin vĩ đại”. Ngài nhấn mạnh thêm: “Theo lý thuyết, ta có thể đọc Kinh Tin Kính, dù không tin, và rất nhiều người làm như thế, kể cả ma qủy. Vì ma qủy biết rõ điều gì được đọc trong Kinh Tin Kính và biết rằng đó là Chân Lý”. 

Ngài cho biết thêm, người rơi vào giải nghi học là rơi vào cạm bẫy ý thức hệ, “biết tín lý, nhưng không có đức tin, giống ma qủy. Chỉ khác một điều ma qủy thì run sợ còn những người này thì không run sợ, họ sống rất an nhiên tự tại”.

Đối với Đức Phanxicô, có hai thực tại trái ngược nhau: một đàng có những người có tín lý và hiểu biết sự việc, và đàng khác có những người có đức tin. Giữa họ có sự chắc chắn này: ‘đức tin luôn dẫn tới chứng tá. Đức tin là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, với Thiên Chúa’. Và cuộc gặp gỡ này ‘dẫn tới chứng tá’, như Tông Đồ Giacôbê đã nhấn mạnh trong Thư của ngài, rằng ‘đức tin không việc làm, đức tin không thực sự làm cho bạn can dự và không dẫn bạn tới việc làm chứng, không phải là đức tin. Nó chỉ là lời nói xuông, không hơn không kém lời nói xuông”. 

Tóm lại, đức tin là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng xót thương. Con đường xót thương này chắc chắn là con đường của Thượng Hội Đồng Ngoại Thường tháng Mười, 2014, và của Thượng Hội Đồng 2015 về gia đình. 

Sau Mật Hội này, là cuộc họp của Hội Đồng Thượng Hội Đồng gồm 15 thành viên để soạn thảo Tài Liệu Làm Việc (instrumentum laboris), có thể được công bố vào dịp Phục Sinh. Chỉ tới lúc đó, ta mới thấy điều gì được đưa vào nghị trình Tháng Mười, điều gì không. 

Phụ tá của Hans Kung

Theo Rocco Palmo, trong khi chờ đợi, điều khiến nhiều người lo âu là Đức HY Kasper vốn là phụ tá của Hans Kung, có lúc đã không cùng một ý nghĩ với Đức Bênêđíctô XVI tương lai, trong các vấn đề như tính tối thượng của Giáo Hội hoàn vũ hay Giáo Hội địa phương và trong vấn đề vốn khiến Đức Phanxicô mời gọi ta suy niệm thêm về cuộc sống gia đình: vị thế của những người Công Giáo ly dị tái hôn, nhất là việc rước lễ của họ. 

Về việc “nhất định từ khước” không cho những người này rước lễ, năm 2001, Đức HY Kasper viết rằng: “không vị giám mục nào được im lặng hay đứng bàng quan khi chạm trán với hoàn cảnh này”. Năm 2005, ngài từ khước, không chấp nhận quyết định của thượng hội đồng giám mục về vấn đề này, cho rằng kết luận của thượng hội đồng nhằm duy trì thói quen không cho người ly dị tái hôn rước lễ “không phải là kết quả sau cùng”. 

Gần đây nhất, tức ngày 20 tháng Mười Hai, bất chấp tuyên bố minh nhiên của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức HY Kasper vẫn cho rằng sẽ có thay đổi trong đường lối hiện nay của Tòa Thánh, nhờ thế, những người Công Giáo ly dị tái hôn sẽ được rước lễ. Nói với tờ báo Đức Die Zeit, ngài cho rằng “các Kitô hữu muốn sống bằng đức tin với Giáo Hội, chịu thừa nhận mình lầm lẫn khi phá bỏ cuộc hôn nhân đầu, một việc họ ân hận, đối với họ, nên có cách để họ trở lại tham dự đầy đủ vào đời sống Kitô hữu và đời sống Giáo Hội”. Ngài cho rằng “điều có thể đối với Thiên Chúa, tức tha thứ, phải giúp để thực hiện được việc này trong Giáo Hội”. 

Người ta cho rằng chủ trương của Đức HY Kasper phản ảnh chủ trương của đa số các giám mục Đức. Ta còn nhớ hồi tháng Mười năm ngoái, Tổng Giáo Phận Freiburg từng công bố một tài liệu trình bày các kế hoạch nhằm cho phép người Công Giáo ly dị tái hôn rước lễ, nếu họ đoan hứa sẽ nhận “trách nhiệm luân lý mới” với người phối ngẫu sau. Để trả lời, Đức TGM Gerhard Müller, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã viết một bài trên tờ L’Osservatore Romano quả quyết rằng việc không cho phép những người ly dị tái hôn không được rước lễ đến nay vẫn còn được duy trì. Ngài yêu cầu các giám mục Đức rút lại tài liệu vừa nói. Các giám mục Đức không thoả mãn yêu cầu này bằng cách cho thấy: trong cuộc họp vào tháng Mười Một, họ đã bỏ phiếu chấp nhận tài liệu này và tài liệu này sẽ được thông qua vào dịp họp thường niên, tháng Ba, 2014. 

Nhận định việc trên, Sandro Magister cho rằng tại Đức, phần lớn tài trợ của Giáo Hội phát sinh từ Thuế Nhà Thờ, theo đó, người chịu thuế cho biết mình thuộc Giáo Hội nào để chính phủ trích một phần thuế họ đóng để tài trợ cho Giáo Hội của họ. Việc Giáo Hội Công Giáo không chịu nhúc nhích gì trong việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ đang làm nguồn tài trợ thuế này giảm đi đáng kể vì những người này thay đổi Giáo Hội của họ trên tờ khai thuế. Nguồn tài trợ này, năm 2011, lên tới 5 tỷ Euro. 

Chính vì thế, các giám mục Đức luôn than thở việc mất tín hữu và đổ lỗi cho Giáo Hội đã không chịu thay đổi giáo huấn về ly dị. Tuy nhiên, báo chí thế tục Đức thì cho rằng: nguyên nhân chính gây ra tình thế mất tín hữu là do tai tiếng các giáo sĩ lạm dụng tính dục. 

Xu hướng Đức nói trên quả là đáng lo ngại. Tuy nhiên, nhìn vào việc cử nhiệm của Đức Phanxicô dành cho Thượng Hội Đồng sắp tới, bầu trời không hẳn bi thảm như nhiều người nghĩ. Bộ ba thay phiên nhau chủ tọa THĐ sẽ là các Đức HY André Vingt-Trois của Paris, Luis Antonio Tagle của Manila và Raymundo Damasceno Assis của Aparecida, cựu chủ tịch CELAM và là đồng minh gần gũi của nguyên TGM Bergoglio. Hơn nữa, tháng Mười năm ngoái, Đức Phanxicô còn cử nhiệm giáo chủ Hung Gia Lợi, Đức HY Peter Erdö của Budapest, một vị vốn được coi là bảo thủ, làm Tổng Tường Trình Viên của THĐ 2014, và Bruno Forte, vị giám mục thần học gia Ý, làm Tổng Thư Ký. 

Vẫn chưa hết, THĐ 2014 vẫn chưa là giai đoạn chót vì THĐ 2015, một cuộc họp lớn hơn, trong đó, có cả các đại biểu không thụ phong, mới có tính quyết định.


Vũ Văn An2/22/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét