Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

20-04-2014 : CHÚA NHẬT PHỤC SINH năm A

20/04/2014
CHÚA NHẬT PHỤC SINH năm A
(phần I)



Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43
"Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: "Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23
Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c. 24).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.
2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. - Ðáp.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4
"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8
"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.
Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên
(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)
Các Kitô hữu hãy tiến dâng
lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.
Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:
Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.
Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,
tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.
Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe
bà đã thấy gì trên quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống
và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,
thấy các thiên thần làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,
Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.
Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!
Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia: 1 Cr 5, 7b-8a
Alleluia, alleluia! - Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 1-9
"Người phải sống lại từ cõi chết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chỉ có đức tin mới cho ta biết Chúa đã sống lại


Ðức Kitô đã sống lại, thì chúng ta phải làm gì? Dường như các bài đọc Kinh Thánh hôm nay muốn trả lời câu hỏi ấy. Chúng ta có cần phải ra đi kiểm chứng lại sự kiện mồ trống như hai Tông đồ trong bài Tin Mừng không? Hay chúng ta chỉ cần tin vào lời giảng dạy của Giáo Hội như thời các tín hữu đầu tiên? Hoặc hơn nữa chúng ta phải có một thái độ mới và một nếp sống mới như bài thư hôm nay nói?
Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu sứ điệp của bài Tin Mừng, của bài sách Công vụ các Tông đồ và của bài thư 1 Corinthô.

A. Bài Tin Mừng Yoan
Rõ ràng bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe có một cái gì giống như bài Tin Mừng trong thánh lễ ban đêm. Cả hai đều khởi đầu bằng việc Maria ra viếng mộ Chúa. Nhưng rồi lập tức mỗi tác giả đi theo hướng riêng của mình. Yoan có lối trình bày của ông. Ông chỉ kể tên một bà Maria Magđala, đang khi Matthêô nói đến hai người theo thói quen gấp đôi của ông. Yoan ngược lại thích nói đến một người để nhấn mạnh đến suy tư, thân mật và khiến độc giả chú trọng hơn vào nhân vật trong truyện. Ông cũng thích nói đến ánh sáng và tối tăm, nên viết: sáng Ngày thứ nhất, lúc trời hãy còn tối, Maria ra mộ. Ông có nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ đi tìm người yêu lúc đêm khuya ở trong sách Diệu ca không?
Dù sao, Yoan không chú trọng đến mồ trống. Ðó là sự kiện rõ ràng. Trọng tâm bài tường thuật của ông nhắm vào suy nghĩ về sự kiện ấy. Người không có đức tin đã nói như Maria: "Họ đã lấy xác Thầy khỏi mộ rồi, và chẳng biết chúng đã để Người ở đâu". Lập tức Phêrô và người môn đệ khác đã chạy ra mộ. Phêrô chạy ra vì là Tông đồ trưởng. Người môn đệ kia cũng phải đến vì là Tông đồ Chúa yêu. Ðàng khác chứng của hai người sẽ có giá trị. Người Tông đồ Chúa yêu chạy nhanh hơn vì tình yêu vốn mau lẹ và vì trong Phúc Âm Yoan, người đó luôn gần Chúa hơn hết. Phêrô quan sát cẩn thận, kiểm kê đầy đủ. Nhưng mắt môn đệ kia tinh hơn, theo nghĩa tình yêu sớm linh cảm được sự việc. Cũng như có lần khác, ông đã báo cho Phêrô biết: Kìa Thầy đang đi trên nước! Lần này ông cũng sớm nhận ra: Người đã sống lại. Ông đã thấy và đã tin.
Phêrô có tin không? Câu kết của bài Tin Mừng dường như muốn khẳng định rằng họ đều đã tin. Và đồng thời câu kết ấy cũng muốn nói lên điều này: lòng tin dựa vào chứng từ (của lời giảng hay của mồ trống) chỉ hoàn toàn sau khi bắt nối với Lời Tiên tri. Ý của Yoan muốn nói rằng: ai cũng nghe nói về sự kiện mồ trống, nhưng người ta sẽ chẳng tin bao lâu "chưa hiểu Lời Kinh Thánh là Người phải sống lại từ cõi chết".
Như vậy bài Tin Mừng hôm nay khuyên mọi người muốn tin vào việc Chúa sống lại, thì không cần sưu tra về sự kiện mồ trống hay tìm hiểu các lần Chúa hiện ra, nhưng hãy hiểu Lời Kinh Thánh nói rằng Con Người sẽ từ cõi chết sống lại. Và như thế, đúng như Yoan đã viết trong câu truyện về Thôma: con thấy nên con đã tin, nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin. Với tư tưởng ấy, Yoan vừa nói cùng người đồng thời với mình đã thấy mồ trống, vừa nhắn nhủ các thế hệ đến sau chẳng nhìn thấy gì cả. Người thấy cũng hãy tin như Tông đồ kia; và người không thấy cũng hãy dựa vào Lời Kinh Thánh mà tin. Chỉ có đức tin mới cho ta biết Chúa đã sống lại. Ðó là sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay.

B. Bài Sách Công Vụ Các Tông Ðồ
Còn Phêrô trong bài sách Công vụ, nói với cử tọa trong nhà Cornêliô còn có thêm một sứ điệp nữa. Những người ngồi trước mặt ông đều kính sợ Chúa. Hơn nữa họ đã mời ông tới đây để biết phải làm gì. Thế nên ông chỉ cần vắn tắt giới thiệu cho họ biết Chúa Cứu thế. Và dĩ nhiên ở đây sách Công vụ vẽ lại một vài nét của sách Tin Mừng Luca, vì theo truyền thống tác giả cả hai sách chỉ là một. Sách Tin Mừng Luca đã nói Ðức Kitô được xức dầu và đầy quyền năng; Người luôn luôn thi thố lòng thương xót khi chữa bệnh tật; nên ở đây sách Công vụ cũng nói Người đã được xức dầu Thánh Thần và quyền năng, và Người đã từng đi lại chữa lành nhiều đau khổ. Cuối cùng Người đã bị treo lên cây gỗ, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại.
Phêrô không nói đến mồ trống; ông nại đến việc Chúa hiện ra với các Tông đồ là những chứng nhân của việc Người phục sinh vì sau khi sống lại Người đã từng ăn uống với họ. Tuy nhiên đó cũng vẫn chưa phải là sứ điệp Phêrô muốn trình bày. Ðiều cốt yếu đối với ông và đối với mọi người bây giờ là nhìn nhận nơi Ðức Kitô Phục sinh, Ðấng "đã được Thiên Chúa đặt làm Thẩm phán trên người sống và kẻ chết". Và điều này buộc người ta phải kiểm điểm lại đời sống, có lòng thống hối ăn năn và cầu xin ơn tha tội.
Phêrô đã đạt được điều đó nơi Cornêliô và gia quyến ông. Khi trích lại câu truyện này, Phụng vụ cũng muốn được nhìn kết quả ấy nơi mỗi người chúng ta. Nói cách khác, trong ngày lễ Phục sinh, Phụng vụ không chỉ muốn chúng ta tin vào mầu nhiệm Chúa sống lại, mà còn muốn chúng ta hành động phù hợp với niềm tin kia. Việc Chúa Phục sinh không phải chỉ là sự kiện khách quan, tức là chỉ liên quan tới Chúa; nhưng việc ấy còn chi phối định mệnh của mọi người; vì Ðức Kitô Phục sinh từ nay đã là Thẩm phán của người sống và kẻ chết. Không ai đứng trước mặt Vị Thẩm phán xét xử mình mà lại không phải tự kiểm điểm. Trong trường hợp chính Chúa là Thẩm phán, thì chúng ta chỉ còn có thái độ thống hối ăn năn và xin ơn tha thứ.
Ðó cũng là điều mà thư Phaolô hôm nay muốn khai triển.

C. Bài Thánh Thư
Phaolô trong thư này đang phàn nàn về câu chuyện tai tiếng xảy ra trong giáo đoàn: có kẻ dám sống loạn luân với vợ của cha mình. Ðừng tưởng đó chỉ là chuyện một con sâu làm rầu nồi canh; nhưng phải cẩn thận kẻo "chỉ một tí men là đã làm dậy cả khối bột", nghĩa là tội lỗi kia có thể lây sang làm hư hỏng cả giáo đoàn.
Việc Phaolô ví tội lỗi như một tí men, cũng dễ hiểu thôi: chính Ðức Kitô cũng đã có lần căn dặn môn đệ phải coi chừng men Biệt phái, là ảnh hưởng của lập trường tại hại của họ. Là vì tuy men làm cho bột dậy, nhưng bánh có men lại chóng hư nát. Bản chất của men là làm hư hỏng những gì nó ăn sang. Nên ví tội lỗi làm hư đời sống như men cũng thật là dễ hiểu.
Ðàng khác kiểu ví này đưa ngay Phaolô vào một vấn đề tôn giáo và thích hợp để khuyên bảo tín hữu. Mọi người đều biết: Luật pháp cấm dùng bánh có men khi ăn lễ Vượt qua. Thế nên các Luật sĩ căn dặn người ta: trước khi ăn lễ Vượt qua phải thắp đèn đi soi mọi ngóc ngách trong nhà kẻo nhỡ ra còn sót lại một chút men nào. Nếu người Dothái ăn lễ Vượt qua còn như vậy, thì huống hồ là người Kitô hữu. Họ không đang sống dưới chế độ Vượt qua sao? Và hằng ngày họ không cử hành mầu nhiệm Phục sinh là gì? Kìa xem người Dothái khi thấy Chiên Vượt qua bị sát tế, là lập tức mau mau vứt men đi để làm lễ. Trong Kitô giáo Chiên Vượt qua là Ðức Kitô đã bị sát tế rồi. Vậy mọi tín hữu phải mau mau vứt bỏ men tội lỗi làm hư hỏng đời sống, để mừng lễ, không phải với bánh có men gian tà và độc ác, nhưng với bánh không men tức là với lòng tinh tuyền và chân thật.
Tất cả chúng ta đang sống trong chế độ mừng lễ. Ngày nào chúng ta cũng cử hành mầu nhiệm Phục sinh. Thánh Phaolô bảo ta phải hân hoan, vì đó là tư cách của người mừng lễ. Phụng vụ giục ta hãy vui mừng Allêluia! Nhưng muốn hân hoan thật phải có lòng tinh tuyền chân thật, tức là phải vứt bỏ men tội lỗi gian tà làm hư hỏng đời sống. Ai làm cho ta được một lương tâm như vậy, nếu không phải Vị Thẩm phán mà Thiên Chúa đã đặt lên khi cho Người sống lại từ cõi chết? Chính việc Người Tử nạn-Phục sinh đã ban ơn tha thứ tội lỗi, rửa các linh hồn nên sạch, khiến họ được vui mừng như các tạo vật mới. Chúng ta hãy đi vào mầu nhiệm chết và sống lại của Người trong thánh lễ này để được tha thứ tội lỗi, được hồi sinh và hân hoan, hầu như tạo vật mới, đem sức sống mới vào đời, chứng tỏ Ðức Kitô đã phục sinh không những ở nơi Người, nhưng ngay nơi chúng ta là những bánh không men của lễ Phục sinh năm nay.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật Phục Sinh
Bài đọc: Acts 10:34, 37-43; Col 3:1-4; Jn 20:1-9.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.
Để hiểu niềm vui của Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta cần so sánh hai thái độ của các tông đồ: nỗi thất vọng của các ông khi phải đối diện với Cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu; các ông đã sợ hãi và bỏ trốn hết vì sợ liên lụy: Chúa chết hết truyện. Nhưng nỗi thất vọng của các ông được bừng lên thành niềm hy vọng của Ngày Phục Sinh: vì Chúa sống lại, mọi biến cố của quá khứ cùng sống lại, được nhìn và mang ý nghĩa với Chúa Phục Sinh.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào các nhân chứng của Mầu Nhiệm Phục Sinh và Tin Mừng họ làm chứng và rao giảng. Trong Bài Đọc I, Phêrô, từ một con người chối từ Chúa 3 lần trong Cuộc Thương Khó của Ngài, giờ can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt mọi người. Điều đã cải biến ông là Tin Mừng Phục Sinh: Nếu Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, quyền lực thế gian đã không thắng nổi quyền lực Thiên Chúa, chẳng còn gì để sợ hãi nữa. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Côlossê nhắc nhở cho các tín hữu biết hậu quả của Mầu Nhiệm Phục Sinh mang lại: Họ mang trong mình mầm sống của Đức Kitô Phục Sinh; mầm sống này đòi hỏi họ phải luôn biết tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời, đừng chỉ bằng lòng với những giá trị của hạ giới là của thế gian này. Họ phải sống làm sao để có ngày được cùng sống lại với Chúa Kitô phục sinh. Trong Phúc Âm, Bà Maria Magdala ra thăm mộ Chúa từ sáng sớm khi trời còn tối; Bà không tìm thấy xác Chúa nên vội chạy về báo cho các môn đệ biết. Phêrô và Gioan, khi biết được, đã vội vã chạy đến mộ. Các ông thấy và các ông đã tin những gì Chúa tiên báo trước khi Ngài chịu chết.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tin Mừng về Chúa Giêsu.
Trình thuật của Sách Tông Đồ Công Vụ chỉ tập trung trong những biến cố chính của cuộc đời Chúa Giêsu; một phần có lẽ vì rao giảng cho thế hệ cùng thời với Chúa, một phần vì bản tính đơn sơ, chất phác của Phêrô.
1.1/ Ông Phêrô làm chứng cho Chúa Giêsu.
(1) Về cuộc đời của Ngài: Ông Phêrô nhắc lại những gì khán giả biết về Chúa Giêsu:
- Gioan Tẩy Giả là Tiền Hô của Thiên Chúa: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Judah, bắt đầu từ miền Galilee, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng.” Phêrô chỉ nhắc lại cuộc đời công khai rao giảng của Chúa.
- Phêrô muốn nhắc lại cho khán giả cuộc đời Chúa Giêsu cách tổng quát: lai lịch, biến cố Rửa Tội tại sông Jordan, các phép lạ chứng tỏ uy quyền của Ngài. “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.”
(2) Về cái chết và sự sống lại của Ngài:
- Phêrô làm chứng cho sự chết của Đức Kitô trên Thập Giá: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Jerusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi.”
- Phêrô làm chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.”
1.2/ Bổn phận của các Tông-đồ: Chúa chọn các ông là cho một sứ vụ; giờ đây đã đến lúc các ông phải thay Ngài để rao truyền Tin Mừng cho muôn dân. Hai bổn phận chính của các Tông-đồ:
(1) Phải rao giảng: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân.”
(2) Phải long trọng làm chứng hai điều:
- Chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết.
- Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai mà các tiên tri đã loan báo: “Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội." Lời của tiên tri Isaiah trong các Bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa mà chúng ta nghe trong Tuần Thánh là căn bản của lời chứng này.
2/ Bài đọc II: Nguyên lý của đời sống mới: kết hợp với Đức Kitô phục sinh.
2.1/ Thượng giới và hạ giới: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.”
- Thượng giới là Thiên Đàng nơi Đức Kitô đang sống với Thiên Chúa; hạ giới là trần gian nơi con người chúng ta đang sinh sống. Chúa Giêsu cũng đã đề cập đến sự cách biệt này khi tranh luận với người Do-thái: "Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết."
- Vấn đề của con người hiện đại là đang quá chú tâm đến hạ giới: nhà cửa sang trọng, xe cộ mắc tiền, hưởng thụ các thú vui vật chất … Dĩ nhiên, con người cần phải chú tâm đến các vấn đề ăn, uống, ở … nhưng không đến nỗi gạt bỏ hay không chút quan tâm đến các giá trị của thượng giới.
2.2/ Sự sống mới của Đức Kitô đang tiềm tàng nơi các tín hữu: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.”
Làm sao biết có sự sống mới này đang tiềm tàng nơi con người? Thứ nhất, qua tấm áo trắng của Bí-tích Rửa Tội, người Kitô hữu được “mặc lấy” toàn thể Đức Kitô: cả sự chết lẫn sự phục sinh của Ngài. Thứ đến, qua Bí-tích Thánh Thể, người Kitô hữu được tháp nhập vào thân thể của Ngài. Vì có sự sống mới này trong người, các Kitô hữu phải từ bỏ nếp sống cũ với các tội lỗi của nó, để sống đời sống mới, đời sống ân sủng và nhân đức như Đức Kitô. Khi con người sống kết hợp với Đức Kitô, họ có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”
3/ Phúc Âm: Ngôi mộ trống
3.1/ Sức mạnh của tình yêu: Tác giả Sách Diễm Ca ca tụng tình yêu: “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu,
ắt sẽ bị người đời khinh dể.”
(1) Chúa Giêsu yêu Mary Magdala: Bà là người được Chúa Giêsu chữa cho khỏi bảy quỉ. Đối với con người, chẳng có gì là đáng yêu trong người đàn bà này; nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài thương con cái mình bị ma quỉ xiềng xích. Từ lúc được lành bệnh, Bà luôn theo Chúa Giêsu, và đứng dưới chân Thập Giá khi Ngài hấp hối.
(2) Bà Mary Magdala yêu Chúa Giêsu: Bà là người đã khóc công khai để lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc lau chân, và lấy dầu đắt tiền xức chân Chúa. Ngay cả cái chết cũng không dập tắt nổi tình yêu của Bà Mary Magdala dành cho Chúa Giêsu. Một người có thể nói Bà là người sống tình yêu với Chúa hơn ai hết qua sự kiện Bà chỉ chờ khi bắt đầu ngày mới (3-6 giờ sáng), là người đầu tiên lên đường ra mộ tìm Chúa. Tình yêu dành cho Chúa Giêsu làm Bà vượt qua nhiều sự sợ hãi: quân lính Rôma, người Do-thái, bóng tối, ma quỉ, lạnh lẽo, lười biếng …
Khi đến nơi và thấy tảng đá lớn đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."
3.2/ Hai ông Phêrô và Gioan ra thăm mộ: Các môn đệ không dám xuất hiện trước công chúng vì họ sợ sẽ bị truy tố như Thầy mình. Các ông chắc cũng thất vọng vì Chúa Giêsu không hoàn thành ước mơ của các ông. Khi được Mary Magdala cho biết tin ngôi mộ trống, ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.
(1) Ngôi mộ trống: Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Hai câu hỏi được nêu ra từ trình thuật này:
- Tại sao người môn đệ chạy tới trước không vào lại chờ cho Phêrô tới và vào trước? Phải chăng vì ông sợ? Phải chăng vì ông muốn tôn trọng quyền bính của Phêrô? Tuy Phêrô đã chối Chúa ba lần, nhưng ông luôn là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Chính Chúa Giêsu đã đặt Phêrô vào địa vị này.
- Vì các ông không ngờ là Chúa đã sống lại, nên chỉ còn giả thuyết là người ta đã đánh cắp xác Chúa; nhưng điều làm các ông ngạc nhiên là tại sao lấy xác mà không lấy khăn niệm, lại còn cuộn lại cẩn thận và xếp gọn lại một nơi!
(2) Ông đã thấy và ông đã tin: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.” Bản dịch của NPVCGK dịch không chính xác, phải dịch: “Ông đã thấy và đã tin; dù chưa hiểu theo Kinh Thánh Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết.” Thánh sử Gioan muốn phân biệt hai niềm tin:
- Thấy và tin: Đây là niềm tin thực nghiệm.
- Theo Kinh Thánh: Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Đây là niềm tin dựa vào uy thế của Sách Thánh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Biến cố Chúa Giêsu phục sinh chứng tỏ rõ ràng cho chúng ta một điều quan trọng: chết không hết. Chúa Giêsu đi trước để dọn đường, và Ngài sẽ kéo mọi người chúng ta lên với Ngài. Vì thế, chúng ta không được sống như không có đời sau.
- Chúa Giêsu đã gánh chịu mọi đau khổ để đền thay tội lỗi của chúng ta, và Ngài đã phục sinh vinh hiển để chuẩn bị cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Còn ai yêu thương và lo lắng cho chúng ta hơn Chúa Giêsu? Hãy dành trọn vẹn tình yêu cho Ngài.
- Hãy làm hết sức cho có được tình yêu với Chúa Giêsu như Mary Magdala. Một khi có được tình yêu như thế, chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại để trung thành với Thiên Chúa và làm chứng cho Thiên Chúa bằng cách yêu thương mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

20/04/14 CHÚA NHẬT PHỤC SINH – A 
Mừng Chúa Sống Lại
Ga 20,1-9

“NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI NHƯ LỜI THÁNH KINH”
“Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20,9)
Suy niệm: Có những cái chết thật oan uổng: nửa đêm, đang ngủ trong nhà bị xe tải lạc tay lái đâm vào, sập nhà: chết! Có những cái chết thật bất ngờ: Chạy xe máy ngoài đường, bị va quẹt, xe cán: chết! Đối với nhiều người, cái chết là vô nghĩa, thậm chí thật phi lý bởi vì họ cho rằng nó là dấu chấm hết tuyệt đối của cuộc đời, của tất cả mọi sự. Đức Ki-tô phục sinh trả lời thoả đáng cho những vấn nạn tưởng chừng không có lời giải đó. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá đã xoá bỏ tội lỗi của toàn thể nhân loại. Đồng thời, khi chỗi dậy từ cõi chết, Ngài công bố cái chết không còn quyền chi với Ngài nữa, và Ngài mở đường đưa chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa là Cha Ngài và cũng là Cha chúng ta (x. Ga 20,17). Tất cả những điều đó không phải là tình cờ, mà đã được hiện thực “đúng như lời Thánh Kinh”.
Mời Bạn: Nhờ Chúa Ki-tô phục sinh, cái chết không còn là một kết thúc thảm hại nữa, trái lại giờ đây nó mở ra một cuộc sống mới đầy ý nghĩa và hy vọng: Nếu tôi tin vào Đức Ki-tô và cùng chết với Ngài, tôi sẽ cùng Ngài sống lại và sống hạnh phúc mãi mãi (Rm 6,8; 2Tm 2,11). Vậy mời bạn đến gặp gỡ Chúa Ki-tô nơi Ngài vẫn hiện diện, đó là Lời Chúa và các Bí tích, để nhờ đó bạn càng thêm lòng tin vào Ngài và được sống đời đời với Ngài.
Sống Lời Chúa: Bạn dành thời gian suy niệm Lời Chúa hoặc viếng Thánh Thể để gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, Chúa đã hứa sẽ ở lại với con mọi ngày cho đến tận thế, xin đừng để con lìa xa Chúa bao giờ.

ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN
Sự sống bật dậy từ tro tàn của cái chết. Ánh sáng bừng lên từ bóng tối mịt mù. Tình yêu thắng trận khi tưởng như bị hận thù nuốt chửng.

Suy nim:
Niềm vui phục sinh khởi sự bằng thái độ hốt hoảng.
Tảng đá che cửa mộ đã bị ai đó lăn ra.
Xác của Thầy đặt bên trong đã biến mất.
Thật là chuyện kinh khủng đối với bà Maria Macđala!
Bà đã đi thăm mộ lúc trời còn tối.
Có lẽ cả đêm qua bà không chợp mắt được,
chỉ mong cho chóng sáng để lên đường.
Ai có thể hiểu được trái tim của bà?
Tình yêu đã khiến bà đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25)
và tham dự cuộc mai táng Thầy Giêsu (Mt 27,61).
Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra mộ trước tiên,
trước cả người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến...
Maria hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ.
Bà nghĩ chắc có kẻ đã ăn cắp xác Thầy.
Vấn đề duy nhất làm bà âu lo khắc khoải,
đó là họ đang để Người ở đâu (Ga 20,2.13.15).
Bà cần biết chỗ đó, để lấy ngay xác về.
Maria chẳng nghĩ gì đến chuyện Chúa phục sinh,
bà chỉ mong tìm lại xác của Thầy đã chết.
Maria chạy về để kéo theo Phêrô và Gioan chạy đến mộ,
những bước chân hối hả vội vàng.
Chỉ có ngôi mộ trống và những băng vải đặt ở đó,
còn khăn che đầu thì được cuốn lại, xếp riêng.
Thấy mọi điều đó, Gioan tin rằng Thầy đã phục sinh.
Chẳng ai ăn cắp xác mà để lại gọn ghẽ khăn vải liệm.
Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Maria Macđala,
nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan.
Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố:
ý nghĩa của cái chết bi đát trên núi sọ,
ý nghĩa của ngôi mộ trống và tấm khăn xếp gọn gàng.
Chúng ta cần có lòng tin
để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng,
trước những thất bại, đổ vỡ mất mát trong cuộc đời.
Ðời chúng ta lắm khi giống ngôi mộ trống trải.
Những gì chúng ta yêu quý nay chẳng còn.
Chúng ta đôn đáo kiếm tìm điều đã mất,
trong nước mắt đau khổ như bà Maria (Ga 20,11).
Nhưng nếu xác Ðức Giêsu cứ nằm yên trong mồ,
để cho bà Maria đến thăm viếng,
thì làm gì có chuyện Chúa phục sinh?
Phiến đá cửa mộ không giữ được Ngài,
những băng vải không ngăn được Ngài ra đi.
Sự sống bật dậy từ tro tàn của cái chết.
Ánh sáng bừng lên từ bóng tối mịt mù.
Tình yêu thắng trận khi tưởng như bị hận thù nuốt chửng.
Niềm vui phục sinh là quà tặng bất ngờ cho Maria.
Bà sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy trong mộ đâu,
nhưng bà sẽ gặp chính Ðấng Phục Sinh ở ngoài mộ đá.  
Cầu nguyn:

Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.

Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.

Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.

Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời:
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.

Sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.

Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Đức Kitô sống lại
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ về ba thái độ. Trước hết là thái độ của Mađalena.
Thực vậy, tập tục liệm xác của người Do Thái bao gồm việc rửa xác, ướp thuốc thơm và gói lại bằng tấm vải trắng, lấy dây băng cuộn lại từ đầu đến chân, xong xuôi đâu đó thì đem đặt xác vào trong huyệt được đục sẵn nơi vách đá và lấy tảng đá to lấp đậy cửa hang.
Vì hối hả, nên khi về nhà, Mađalêna mới nhận ra rằng mình đã không cẩn thận đủ đối với Chúa Giêsu, bà nóng lòng chờ đến sau ngày thứ bảy, tức là ngày thứ nhất trong tuần.
Phải, vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, đối với chúng ta hiện nay thì đó là ngày Chúa nhật, bà đem thuốc thơm đến mồ để ướp xác lại. Khi đến nơi, bà thấy ngôi mộ trống trơn. Cửa đã được đẩy qua một bên và Chúa Giêsu không còn ở trong đó nữa. Vì thế, bà vội vã chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Rồi cả hai ông đều chạy đến mồ. Đối với Mađalêna, bà đến mồ chỉ mong để ướp xác Chúa lại cho chu đáo hơn, nói cách khác, bà đến mồ chỉ để tìm lại một xác chết. Với tâm trạng như thế, khi nhìn thấy ngôi mộ trống trơn, bà khó có thể nhận ra Chúa đã sống lại.
Còn Phêrô? Ông đã sợ hãi, ông đã chối Chúa vì sợ bị liên luỵ. Chúa đã chết và nghỉ yên trong mồ. Điều ông mong muốn lúc đó là đừng có gì rắc rối xảy ra nữa. Xin được hai chữ bình yên. Nhưng tại sao lại có sự kiện mất xác Chúa? Ông chạy đến mồ với tất cả mọi lo sợ trong đầu óc. Ông lo sợ một nhóm nào đó, sau khi giết Chúa Giêsu, lại tìm cách phá rối các ông để kết án và xử tử các ông.
Là trưởng nhóm, ông chạy đến mồ, quan sát những gì đã xảy ra và tìm cách biện minh: Tại sao thế này và tại sao thế nọ? Với một tâm trạng như thế, ông cũng khó có thể nhận ra Chúa đã sống lại.
Sau cùng là thái độ của Gioan. Ông yêu thương Chúa Giêsu và biết rằng Chúa cũng rất yêu thương ông. Tình yêu của ông được biểu lộ nhất là trong những giờ phút sau hết của Chúa Giêsu. Ông đã theo chân Chúa trên con đường thập giá cho đến phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa.
Kinh nghiệm cho thấy khi yêu thương ai, chúng ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình, cho dù hoàn cảnh bắt buộc phải xa cách nhau. Với cái nhìn đó, Gioan đã dễ dàng nhận ra sự kiện Chúa đã sống lại: Ông đã thấy và ông đã tin.
Từ đó, chúng ta kết luận: tình yêu dẫn đến đức tin. Những lo lắng trần gian, như lo lắng của Mađalêna đi tìm xác chết không vượt lên được. Những suy tư lý luận của Phêrô chẳng đưa tới đâu, chỉ có tình yêu của Gioan mới dẫn ông mau chóng tới niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh.
Trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta chỉ có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa và chỉ có thể hiểu được mọi biến cố trong cuộc đời mình, nếu chúng ta noi gương Gioan, để cho lòng trí mình luôn tiến triển trên con đường tình yêu của Chúa.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG TƯ
Sự Sống Tiềm Tàng Với Đức Kitô Trong Thiên Chúa
“Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” (Cl 3,1). Chúng ta mừng cuộc Phục Sinh của Chúa. Người cất lên lời kêu gọi ấy là Tông Đồ Phao-lô. Một cách đặc biệt, thánh nhân đã kinh nghiệm được sức mạnh của Đấng Phục Sinh: “Nếu… anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới… Hãy để lòng trí mình nơi những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới… Vì sự sống của anh em được tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,1-3).
Sứ điệp Phục Sinh là một lời chứng. Những người đưa ra lời chứng là những người đã gặp thấy ngôi mộ trống rỗng. Họ là những người đã kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. “Điều mắt chúng tôi đã xem thấy, điều tay chúng tôi đã sờ thấy” (1Ga 1,1) – như đôi bàn tay của Tô-ma cứng lòng – “chúng tôi… công bố cho anh em” (1Ga 1,3). “Sự sống đã được tỏ bày; chúng tôi đã thấy và làm chứng” (1Ga 1,2). Sự sống được tỏ bày, khi mà tất cả mọi sự dường như đã chìm ngập trong bóng tối của sự chết.
Một tảng đá lớn đã được lăn tới lấp kín cửa mộ. Người ta đóng chặt và niêm kín. Nhưng sự sống lại tỏ hiện! Vâng, sứ điệp Phục Sinh là một lời chứng và là một thách đố. Đức Kitô đã đến trần gian vì chúng ta. Người đã bị đóng đanh thập giá. Nhưng qua cái chết của Người, Người trao ban cho chúng ta sự sống. Và như vậy có nghĩa rằng sự sống của chúng ta giờ đây được tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa. (Cl 3,3)
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 20-4
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
MỪNG CHÚA SỐNG LẠI
Cv 10, 34a.37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9.

LỜI SUY NIỆM: “Ông đã thấy và đã tin”
Trước đó chính Chúa Giêsu đã ba lần loan báo về cuộc khổ nạn và chịu chết của Chúa; nhưng rồi sau ba ngày Chúa sẽ sống lại.Nhưng tất cả các Tông Đồ đã không hiểu và đã không tin, nhưng lại không dám hỏi lại Chúa. Hôm nay khi Gioan vào trong mồ, “ông đã thấy và đã tin”, chính là nhờ vào ký ức của ông đã chiếu lại toàn bộ sự việc Chúa đã làm, những lời Chúa đã nói, mà ông đã ghi sâu vào ký ức của mình, khi được sống bên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Trong việc học hỏi Giáo Lý, học hỏi  Kinh Thánh. Xin cho mọi người trong gia đình chúng con đều ghi vào trong ký ức của mình, để qua mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, chúng con nhận ra ý của Chúa, ơn thánh của Chúa, để tin và vui sống.
Mạnh Phương


20 Tháng Tư
Hãy Thắp Lên Một Que Diêm
Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại vận động trường Los Angeles bên Hoa Kỳ. Ðang diễn thuyết ông bỗng dừng lại và nói: "Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này".
Ðèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp: "Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: Ðã thấy!". Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên những tiếng kêu: "Ðã thấy!".
Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích: "Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy".
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: "Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!". Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.
Ông John Keller kết luận: "Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, cóthể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta".
Hòa bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống chung im tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, đàn áp và bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.
Ngoài ra, hòa bình không chỉ được xây dựng trong những văn phòng của các nhà lãnh đạo. Hòa bình không chỉ được xây dựng qua những cuộc họp, qua những buổi thảo luận, mặc cả của các nhà chính trị. Mọi người chúng ta phải trở thành những người thợ xây dựng hòa bình. Bởi lẽ nguồn gốc của hòa bình xuất phát từ phẩm chất của các mối liên lạc giữa người với người.
Người biết yêu mến là người thợ xây dựng hòa bình. Kẻ biết giúp đỡ là kẻ xây đắp hòa bình. Những ai biết tha thứ, những ai biết phục vụ tha nhân, những ai biết luôn khước từ hận thù, bạo lực là những người thợ xây dựng hòa bình. Những ai biết chia sớt của cải mình cho người túng thiếu hơn, những ai có lòng nhân từ, có lòng khoan dung và thông cảm đều là những kẻ giúp cho hòa bình nảy nở giữa loài người.
Tóm lại, cách thức tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thêm cho thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm đối với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua đuổi bóng tối của những đau khổ và sự dữ.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét