Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

21-04-2014 : THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

21/04/2014
Thứ Hai Trong Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-32
"Thiên Chúa đã cho Ðức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, xin hãy nghe những lời này:
"Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ, mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng, Ðavít đã nói về Người rằng:
'Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông; vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi tràn đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'.
"Hỡi anh em, xin cho phép tôi được bạo dạn nói với anh em về tổ phụ Ðavít rằng: ngài đã băng hà, đã được an táng và lăng tẩm của ngài còn nằm giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì ngài là tiên tri, và biết Thiên Chúa đã thề hứa với ngài sẽ cho một người trong dòng dõi ngài ngồi trên ngai vàng của ngài, nên thấy trước, ngài đã nói về việc Chúa Kitô phục sinh, vì Người không phải bị bỏ rơi trong cõi chết, và xác Người không bị huỷ diệt. Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con. Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con". - Ðáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.
3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ: ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát. - Ðáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.

Alleluia: Tv 117, 24
Alleluia, alleluia! - Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 28, 8-15
"Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta".
Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: "Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu". Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hãy Về Báo Tin Cho Các Anh Em Ta

Cách đây hai thế kỷ, giả sử như có một lon bia hay có một lon thực phẩm tươi, chắc chắn người ta vẫn không dám yên tâm thưởng thức những món ăn uống tiện dụng này. Ngày nay, chúng ta yên tâm thưởng thức là nhờ công trình nghiên cứu của ông Louis Paster, nhà ký sinh trùng học người Pháp sống vào thế kỷ XIX. Ông đã nghiên cứu các vi sinh để rồi dùng chúng hoặc tiêu diệt chúng. Dùng vi sinh trong việc tiêm các thuốc chủng ngừa, chữa bệnh chó dại, hoặc tiêu diệt chúng trong các quá trình lên men trong đồ ăn, thức uống. Ðây là những đóng góp lớn lao cho toàn thể gia đình nhân loại.
Tuy nhiên, ông còn có các đóng góp khác ít được ai nhắc đến, đó là những đóng góp cho niềm tin. Trong lúc các bạn đồng nghiệp nhìn vào kính hiển vi chỉ thấy có một số tế bào liên kết với nhau, chẳng có gì hơn nữa, thì trái lại, khi nhìn vào chiếc kính hiển vi, Louis Paster lại reo lên: "Thật kỳ diệu! Còn một điều gì ẩn nấp ở đàng sau nữa: đó là Thượng Ðế".
Anh chị em thân mến!
Qua những khám phá nhà bác học thời danh Louis Paster đóng góp cho nhân loại, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều, đặc biệt là cách nhìn các diễn biến và thái độ phải có trước các diễn biến ấy. Cùng một sự kiện, nhưng mỗi nhà bác học lại có một cái nhìn khác nhau. Cùng một tìm tòi khám phá, những mỗi người lại đạt được kết quả riêng biệt.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến hai thái độ khác nhau trước biến cố Chúa Kitô Phục Sinh. Một bên là các phụ nữ và một bên là nhóm lính canh. Ðối diện với họ đều là ngôi một trống. Với nhóm phụ nữ, ngôi một trống là dấu chỉ Tin Mừng Phục Sinh và là khởi điểm cho niềm hy vọng. Tuy lo âu, nhưng họ vội vã đi báo tin vui cho các môn đệ. Nhóm lính canh, họ cũng được nhìn thấy ngôi mộ trống và điều đó không lạ gì đối với họ. Vì thế, ngôi mộ trống không là khởi điểm và tin tưởng của niềm tin, mà còn khiến cho họ càng rời xa niềm tin, càng muốn khỏa lấp niềm tin. Lời đồn đãi ấy vẫn còn vang dội đối với người Do Thái cho đến ngày nay.
Với sự kiện Chúa sống lại, lời nói của nhóm lính canh là những chứng từ có thể đáng tin cậy, vì họ là những người canh giữ mồ đêm hôm ấy. Nếu không vì sợ hãi quyền lực của hội đường Do Thái hoặc không vì chút lợi lộc, tiền của thì chắc chắn họ sẽ là sứ giả loan Tin Mừng Phục Sinh.
Trước Tin Mừng Phục Sinh ai cũng vội vã: các bà thì loan tin cho các môn đệ, còn nhóm lính canh thì vội vã báo tin cho hội đường Do Thái. Ai cũng vội vã, nhưng tùy thái độ mỗi bên mà Tin Mừng Phục Sinh được công bố hay bị dập tắt. Người Kitô hữu cũng là những người được đối diện với Tin Mừng Phục Sinh. Họ được trao cho nhiệm vụ loan báo lại cho người khác biết tin vui này. Chắc chắn lời nói của họ là những chứng từ giá trị, vì họ đã được đón nhận sức sống Phục Sinh của Ðức Kitô.
Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước những áp lực trần thế, hoặc vì sức quyến rũ của chức tước, lợi lộc... họ đành tâm phản bội Tin Mừng. Vì thế cho đến hôm nay, họ còn hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô, về Giáo Hội.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh, Ðấng đã chiến thắng quyền lực của tội lỗi, ban cho mỗi người chúng ta lòng tin yêu và can đảm. Tin yêu để chúng ta nhận biết được sự hiện diện của Ngài qua các biến cố cuộc sống, dù cho có vẻ trống vắng, u buồn như ngôi mồ trống của Ðức Kitô. Và khi nhận ra được Ngài, chúng ta sẽ can đảm loan truyền Ðức Kitô cho tất cả mọi người, bất chấp mọi gian lao thử thách.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được bắt chước các tông đồ cũng như các phụ nữ nhiệt thành tìm kiếm Chúa trong yêu mến và hăm hở ra đi rao truyền tin vui Phục Sinh của Chúa Kitô. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần I Bát Nhật Phục Sinh
Bài đọc: Acts 2:14, 22-32; Mt 28:8-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy rao giảng Tin Mừng “Chúa đã sống lại” khắp thế gian.
Để tin một điều là sự thật, chúng ta có nhiều cách: hoặc chính chúng ta chứng kiến, hoặc qua các chứng nhân, hoặc qua hậu quả mà nó để lại. Không ai nhìn thấy Chúa sống lại từ mộ đi ra, nhưng các chứng nhân nhìn thấy Chúa sau khi Ngài sống lại. Chúng ta nhờ những chứng nhân này, hậu quả của sự kiện Chúa sống lại trên con người họ, và những lời Kinh Thánh để tin “Chúa đã sống lại thật.”
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh biến cố Chúa Giêsu sống lại. Trong Bài Đọc I, thánh Phêrô và các Tông đồ làm chứng Chúa sống lại qua những dữ kiện thực tế và lời tiên tri của Vua David trong Thánh Vịnh 16. Trong Phúc Âm, sứ thần của Chúa làm chứng Chúa Giêsu sống lại, và chính Chúa Giêsu xuất hiện với các phụ nữ và truyền họ mang tin Ngài sống lại cho các Tông đồ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã phác họa Kế hoạch Cứu Độ qua cái chết và sự sống lại của Đức Kitô.
1.1/ Đức Kitô là Đấng Thiên Sai: Vấn đề cốt yếu mà Phêrô phải minh chứng cho người Do-thái là Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ, cái chết, và sống lại vinh quang; vì người Do-thái mong muốn một Đấng Thiên Sai uy quyền, họ không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Phêrô chứng minh điều này đầu tiên bằng những sự kiện thực tế đã xảy ra, sau đó ông chứng minh bằng lời Kinh Thánh.
Về những sự kiện thực tế, ông nhắc lại những gì Đức Kitô đã làm giữa họ: “Đức Giêsu Nazareth, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó.”
Thiên Chúa đã tiền định cái chết và sống lại của Đức Kitô: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.”
1.2/ Vua David đã nói tiên tri về sự chết và sự sống lại của Đức Kitô: Việc Chúa Giêsu sống lại làm trọn lời tiên báo của Vua David.
(1) Thánh Vịnh 16:8-11: Tác giả TĐCV trích dẫn lời TV 16 như sau: “Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.”
Câu quan trọng là câu 10 của TV 16, các học giả tranh luận: Lời này áp dụng cho Vua David hay Đức Kitô? Giải thóat cho khỏi cái chết bất tử và phục hồi sự liên hệ thần linh hay giải thóat cho khỏi sự hư nát sau khi chết? Vì chữ “hư nát, shahat” có thể dịch là sự hủy họai như bản LXX hay dịch đơn giản là vực thẳm.
(2) Phêrô cắt nghĩa lời Thánh Vịnh: Vua David là nhân vật có thật: “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ David rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay.” Đức Kitô là giòng dõi Vua David: “Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người.” Đức Kitô hòan thành lời tiên tri của Vua David khi Ngài sống lại từ cõi chết sống lại: “Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát.”
“Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.”
2/ Phúc Âm: Chúa đã thực sự sống lại.
2.1/ Chúa Giêsu truyền các bà loan Tin Mừng cho các Tông-đồ.
(1) Sứ thần loan báo Tin Mừng Phục Sinh: Những bà đồng hành với Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài ra mộ từ sáng sớm để niệm xác Chúa. Vừa tới nơi, họ thấy một sự thể ngòai sức tưởng tượng: Tảng đá mà các thượng tế đã niêm phong đã được mở ra dưới con mắt ngạc nhiên và run rẩy của các lính canh gác, một sứ thần của Thiên Chúa trắng như tuyết đang ngồi trên tảng đá và nói với các bà: “Đừng sợ! Tôi biết các bà đang tìm gì, Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Ngài không còn ở đây; vì Ngài đã sống lại như lời Ngài đã nói. Hãy đến và nhìn nơi Ngài đã nằm. Hãy đi ngay và nói cho các môn đệ biết: Ngài đã sống lại từ cõi chết. Và Ngài đi trước các ông tới Galilee; tại đó họ sẽ gặp Ngài” (Mt 28:1-7). Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay.
(2) Chúa Giêsu hiện ra với các bà: Trên đường đi, bỗng Chúa Giêsu đón gặp các bà và nói: "Chào chị em!" Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilee. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó."
Thương yêu Chúa không phải giữ Chúa ở với mình, nhưng phải loan Tin Mừng của Chúa để mọi người cùng tin vào Chúa. Chúng ta sẽ thấy điều quan trọng này được nhắc đi nhắc lại trong những ngày tới. Mọi người cần được nghe Tin Mừng Phục Sinh: cuộc sống không chỉ chấm dứt với cái chết ở đời này, nhưng mở rộng đến cuộc sống muôn đời mai sau với Thiên Chúa.
2.2/ Kế hoạch bưng bít sự thật:
(1) Trước khi Chúa sống lại: Người Do-thái đến gặp quan Philatô và yêu cầu ông sai lính canh giữ mộ Chúa Giêsu cẩn thận, vì khi còn sống Chúa đã tuyên bố Ngài sẽ sống lại sau ba ngày. Họ sợ các môn đệ của Chúa sẽ đến đánh cắp xác rồi phao tin là Chúa đã sống lại; lúc đó họ sợ sự sai trá sẽ nguy hại hơn trước. Philatô nói với họ: “Các ông có lính của Đền Thờ, hãy sai họ đi và canh chừng cẩn mật như các ông có thể làm.” Họ đi và niêm phong tảng đá vào cửa, và đặt lính canh giữ mộ (x/c Mt 27:62-66).
(2) Sau khi Chúa sống lại: Trong khi các bà đi báo cho các môn đệ biết tin mừng Chúa sống lại; có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo quân lính: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan Tổng Trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự." Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.
Khi con người đã làm điều sai trái, họ sẽ tiếp tục làm điều sai trái, sự sai trái này sẽ kéo theo sự sai trái khác. Người Do-thái tìm lý do gian trá “Chúa phạm thượng” để bắt Chúa, rồi lại tìm một cớ gian khác “Ông này xưng mình là Vua” để xin Philatô buộc Chúa chống lại Caesar, giờ lại dùng tiền để bịt miệng lính canh giữ mồ Chúa. Không phải họ không biết sự thật, nhưng họ cố tình ở trong sự gian trá, vì ghen ghét và vì những lợi lộc họ đang được hưởng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- “Chúa đã thực sự sống lại.” Chúng ta phải tin điều này và loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Phục Sinh; đồng thời phải sống và làm chứng cho mọi người biết: có cuộc sống đời sau.
- Như mưu mô của các thượng tế trong trình thuật hôm nay, ma quỉ và thế gian vẫn đang tìm các để bưng bít sự thật này bằng tiền của và hưởng thụ vật chất.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Các Bài Tin Mừng trong Tuần Bát nhật đều tường thuật những việc xảy ra sáng ngày Chúa Phục sinh và các cuộc hiện ra sau đó. Phụng vụ chọn trong 4 quyển Tin Mừng để trình bày 4 cái nhìn khác nhau, bổ túc cho nhau về sự kiện Chúa Giêsu chịu chết và sống lại.
Mt 28,8-15

A. Hạt giống...
Thánh Mát-thêu thuật lại những chuyện xảy ra vào buổi sáng Phục sinh :
1. (Các phụ nữ đến mồ, thấy mồ trống, gặp thiên thần. Thiên thần cho hay Chúa Giêsu đã sống lại và bảo các bà đi báo tin cho các môn đệ và bảo họ Chúa Giêsu chờ họ ở Galilê). Trong tâm trạng vừa sợ vừa vui mừng, các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ.
- Tâm trạng sợ : không phải là sợ hãi, mà là nỗi sợ tôn giáo, tâm trạng của người ý thức Thiên Chúa đang có mặt và hoạt động. Vậy, các bà "sợ" nghĩa là các bà ý thức Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.
- Vui mừng : vì Thầy mình đã sống lại.
2. Đang khi các bà chạy đi báo tin thì Chúa Giêsu hiện ra. Câu đầu tiên của Ngài là "Đừng sợ". Rồi Ngài lặp lại lời thiên thần : hãy đi báo tin cho các môn đệ, bảo họ rằng Ngài chờ họ ở Galilê.
- "Đừng sợ" : Trong Thánh Kinh, từ Cựu Ước tới Tân Ước, khi hiện ra với loài người, Thiên Chúa (hay Thiên thần) đều nói "Đừng sợ" (x. St 15,1 26,24 46,3 Tl 6,23 Lc 1,12.30 2,10 Mt 14,27 v.v.). Nếu như "sợ" là tâm trạng của con người khi biết mình đang ở trước mặt Thiên Chúa vì thấy mình bất xứng, thì lời nói "đừng sợ" có nghĩa là Thiên Chúa tự ý xóa khoảng cách giữa Ngài với loài người ; hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng đem lại cho loài người sự bình an và vui mừng.
- Khi nói về các môn đệ, Chúa Giêsu gọi họ là "anh em" : sự phục sinh của Chúa Giêsu đã nâng mối liên hệ giữa Ngài với các môn đệ lên một bậc : họ trở thành anh em của Ngài.
3. Phản ứng của giới thượng tế và kỳ lão : đút tiền cho bọn lính canh để mua chuộc họ xuyên tạc sự thật về việc Chúa Giêsu sống lại.

B.... nẩy mầm.
1. "Đừng sợ" : Từ nỗi "sợ hãi" trong lúc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, các bà đã chuyển sang "kính sợ" khi nhận thấy quyền năng Thiên Chúa. Lòng "kính sợ" đi kèm với nỗi "vui mừng hớn hở". Khi ta thực sự tin vào quyền năng Chúa, ta sẽ không còn "sợ hãi" bất cứ điều gì nữa, thậm chí cón có thể "vui mừng hớn hở" trong bất cứ tình huống nào, kể cả cái chết.
1b. Một cụ già còng lưng vì tuổi tác và vất vả đang gom củi trong rừng. Ông nghĩ về phận mình và cảm thấy chán chường. Ông ném bó củi xuống và than vãn : "Cuộc sống cơ cực quá, không thể chịu nổi nữa ! Ước gì thần chết rước tôi đi !".
Vừa nói xong, thần chết xuất hiện với bộ xương trong chiếc áo đen đứng trước mặt ông và nói : "Ta nghe ngươi gọi, Ta có thể giúp ngươi điều chi ?". Ông già kinh sợ, nói : "Ngài có thể giúp tôi đặt  bó củi này lên vai không ?" (Góp nhặt)
2. Chúa Giêsu phục sinh đã gọi các môn đệ là "anh em" của Ngài : sự phục sinh của Chúa đã cứu chuộc tội lỗi của loài người, ban lại cho loài người quyền làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Tạ ơn Thiên Chúa và Chúa Giêsu.
2b. Một giáo viên cấp II đang vào sổ hai cậu học sinh mới chuyển trường. Cô thấy tên họ của chúng giống nhau, dáng người và quần áo như nhau nên hỏi : "Hai anh em sinh đôi phải không ?"
- Không.
Rồi cô đọc thấy ngày tháng năm sinh của chúng chỉ cách nhau sáu tháng. Cô lại hỏi : "Hai anh em họ phải không ?"
- Không, chúng em là anh em ruột.
- Ồ, cô nghĩ có sự lầm lẫn trong việc ghi ngày sinh của các em. Hai em về nói mẹ ghi ngày sinh của mình và sáng mai đưa cho cô nhé ?
- Tại sao vậy ?
- Bởi vì nếu hai em không sinh đôi mà lại là anh em ruột, thì Nam không thể lớn hơn Tâm có sáu tháng.
Hai cậu nhìn nhau. Rồi Nam quay lại, mỉm cười nói với cô giáo : "Nhưng em không phải là người lớn hơn, vì cô biết một trong hai chúng em là con nuôi. Nhưng chúng em không biết ai là con nuôi" (Góp nhặt).
3. "Tin Mừng hôm nay đề cập tới 2 thái độ khác nhau trước biến cố phục sinh : một của các phụ nữ, một của nhóm lính canh. Đối diện với ngôi mộ trống, các phụ nữ nhận ra dấu chỉ của Tin Mừng phục sinh và khởi điểm cho niềm hy vọng, tuy âu lo, nhưng họ cũng vui mừng vội vã đi báo tin cho các môn đệ. Còn đối với nhóm lính canh, ngôi mộ trống đã không là khởi điểm của tìm kiếm và tin tưởng, mà còn khiến họ xa rời niềm tin, chỉ vì sợ hãi và vì chút lợi lộc... Kitô hữu là người đối diện với Tin Mừng phục sinh và được trao cho nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này... Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế hoặc vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội Tin Mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn có những hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô và về Giáo Hội" ("Mỗi ngày một tin vui")
4. Vậy là đã qua ngày sinh nhật vui với nhiều lời chúc, hoa và quà. Tôi lại trở về với cuộc sống thường nhật. Hụt hẫng ! Cố níu kéo cảm giác hạnh phúc hôm qua. Nhưng đành bất lực !
... Có một niềm vui bên cạnh tôi chẳng bao giờ tan biến nhưng tôi nào hay biết : Chúa của tôi phục sinh. Một niềm vui trọng đại, một ân điển lớn lao, cho bạn và cho tôi.
Bởi lẽ :
Tình yêu đã chiến thắng ;
Sự thật đã lên ngôi.
Bạn và tôi hãy xoá đi hận thù, tranh chấp ; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được phục sinh nơi Người.
Ước gì niềm vui của đấng Phục Sinh tràn ngập hồn con, để con đem sinh khí cho người tuyệt vọng ; đem nụ cười cho kẻ khóc than ; làm tươi trẻ những tân hồn héo úa ; dọi ánh sáng vào nơi tối tăm ; đem niềm vui và hạnh phúc đến mọi người ; xây Thiên đàng ngay trần thế hôm nay. (Epphata, Ban mục vụ giới trẻ TP/HCM).
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

21/04/14 THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15

TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI
Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Suy niệm: Các phụ nữ bị coi là thua kém trong xã hội Do-thái lại đóng vai trò quan trọng trong việc loan báo Chúa Giê-su sống lại. Họ được chính Đấng Phục Sinh hiện ra và trao sứ mệnh loan Tin Vui phục sinh cho các tông đồ; họ trở thành tông đồ của các tông đồ. Trong khi những người đàn ông như lính canh mồ, giới lãnh đạo ra sức đánh tráo dư luận, các môn đệ thân tín tỏ ra bị động, nghi ngờ thì các ba lại lên tiếng. Việc Đấng Phục Sinh ưu ái hiện ra và trao sứ vụ cho các bà là phần thưởng Ngài dành cho những tâm hồn yêu mến Ngài. Tin Mừng Phục Sinh không là của riêng ai mà là của mọi người, nam lẫn nữ, biết thao thức tìm kiếm, tin tưởng và sống niềm tin này.
Mời Bạn: Đỉnh điểm của công cuộc Phúc Âm Hóa là tin vào Đức Giê-su đã chết và sống lại để cứu độ con người, rồi trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng Phục Sinh ấy trong suy tư, lời nói và cách hành xử hằng ngày của mình. Bổn phận này không của riêng ai: bạn, tôi, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi...
Chia sẻ: Hãy nói về Chúa cho con cái, cho giáo dân, cho dự tòng... “như mẹ nói chuyện với con” (Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng, số 138).
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chú ý lắng nghe và làm theo những điều Chúa dạy trong Thánh Kinh và qua các giáo huấn của Giáo Hội, vì đó là tiếng của Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con biết cách và can đảm nói về Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai mà con có bổn phận phải loan báo cách đặc biệt. Amen.

“Chào chị em!” 
 Các môn đệ vẫn được gọi là anh em ngay cả khi họ đã bỏ rơi Ngài. Khi gọi họ là anh em, Đức Giêsu đã muốn tha thứ mọi vấp ngã của họ. 

Suy nim:
Trong bốn sách Tin Mừng, các phụ nữ luôn được kể là người ra viếng mộ trước tiên.
Trong Tin Mừng Mátthêu, đó là hai bà có cùng tên Maria.
Sau khi được thiên thần giao nhiệm vụ loan báo gấp cho các môn đệ
về sự phục sinh và cuộc hẹn gặp của Thầy ở Galilê (28, 7),
các bà đã mau mắn lên đường, vội vã rời bỏ ngôi mộ trống.
Ngôi mộ này là nơi các bà đặt tình cảm thân thương,
vì đây là nơi đặt xác của người Thầy yêu dấu
Bây giờ ngôi mộ không còn xác Thầy nữa, Thầy đã được trỗi dậy rồi,
nên ngôi mộ chẳng phải là nơi các bà dừng lại mà khóc lóc than van.
Nó trở nên một bằng chứng về sự sống lại của Thầỵ
Ngôi mộ trống thực sự đã đem lại một niềm vui vô bờ bến.
Chính những mất mát lại là dấu hiệu cho một sự hiện diện viên mãn hơn.
Vì thế vừa sợ hãi lại vừa hết sức vui mừng,
các bà chạy đi loan báo cho các môn đệ điều mình vừa nghe nói.
Trên con đường hối hả đi gặp các môn đệ,
các bà không ngờ mình lại là người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh.
Điều mới nghe thiên thần nói, bây giờ được thấy tận mắt.
Thánh Mátthêu chỉ nói một cách đơn sơ: “Đức Giêsu gặp các bà” (c. 9).
Không thấy mô tả Đức Giêsu oai phong rực rỡ như thế nào.
Có vẻ Ngài gặp các bà lần này như Ngài đã từng gặp bao lần trong quá khứ.
Các bà nhận ra ngay vị Thầy được sống lại
cũng là vị Thầy chịu đóng đinh mà mình đã đi theo từ Galilê.
Chính Đức Giêsu ngỏ lời chào trước: “Chị em hãy vui lên.”
Lời chào này cũng là lời chào bình thường hằng ngày vào thời đó.
Vì thế các bà đã bạo dạn tiến lại gần, ôm chân và bái lạy Thầỵ
Như vậy các bà có thể thấy được và đụng chạm được Đấng phục sinh.
Các bà còn có thể nghe được lời dặn dò của Ngài.
Lời này giống lời thiên thần, chỉ có điều Ngài gọi các môn đệ là anh em:
“Hãy đi và báo cho anh em của Thầy...” (c. 10).
Các môn đệ vẫn được gọi là anh em ngay cả khi họ đã bỏ rơi Ngài.
Khi gọi họ là anh em, Đức Giêsu đã muốn tha thứ mọi vấp ngã của họ.
Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các phụ nữ trước tiên.
Nhìn thấy ngôi mộ trống chưa đủ, còn cần gặp chính Đấng phục sinh.
Khi trở về gặp các môn đệ, các bà sẽ là những người làm chứng tuyệt vời.
Không chỉ là ngôi mộ trống với lời chứng của thiên thần,
mà còn là lời chứng của chính họ, của người đã chứng kiến tận mắt và đụng chạm.
Đức Giêsu phục sinh dám nhờ các phụ nữ làm chứng,
dám nhờ các phụ nữ đi loan Tin Mừng cho các môn đệ của mình,
dù thời của Ngài người ta không tin lời chứng của phụ nữ.
Chúng ta không quên những đóng góp của các phụ nữ cho Giáo Hội từ thời đầu.
Mong vai trò ấy vẫn được đề cao và tôn trọng.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ



Suy Niệm
Con người thay đổi chính mình thật khó biết bao!
Ca dao tục ngữ có câu: ‘non sông dễ đổi, bản tính khó dời’. Câu ca dao trên không những có ý nghĩa về mặt văn chương, mà còn rất thiết thực trong đời sống của chúng ta, cụ thể qua bài Tin Mừng hôm nay. Thời gian đủ để cho con người nhận ra sự thật về Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đã từng làm phép lạ, rao giảng, chịu đau khổ, chết trên thập giá và sống lại. Khi Chúa Giêsu tắt thở, viên sĩ quan đã từng thốt lên: ‘Quả thật, người này là con Thiên Chúa’ (Mt 27,54b). Tiếc thay, số người nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật còn quá ít. Ngược lại, số người sống theo suy nghĩ ‘trần gian’ rất nhiều, như những người Pharisiêu. Dù biết rõ, Chúa Giêsu đã phục sinh nhưng họ tìm cách để đổi trắng thay đen. Thay vì loan truyền việc Chúa Giêsu phục sinh, các ông đã lập mưu, dựng một màn kịch xảo trá để chối từ việc sống lại của Ngài: ‘Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự’ (Mt 28,13-14).
Qua câu chuyện dàn xếp của những người Pharisiêu và hình ảnh rất ý nghĩa của các chị em phụ nữ ra viếng xác Chúa, chúng ta nhận ra sự thật về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Là con cái Chúa, chúng ta sống và làm theo lời Chúa dạy. Ngược lại, nếu chúng ta từ chối Thiên Chúa, chúng ta sẽ làm theo sự hướng dẫn của ‘trần gian’. Cha Thánh Gioan-Vianney nói: ‘Con cái của Chúa luôn làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Con cái của ma quỷ làm theo sự hướng dẫn của tối tăm. Con cái Chúa Thánh Thần được trang điểm bằng các nhân đức. Con cái ma quỷ thì trang điểm bằng những mưu mô độc ác…’. Theo ngài, đó là một trong những lý do làm cho tâm hồn chúng ta khó thay đổi. Vậy, muốn thay đổi chúng ta phải quyết tâm đứng lên để đi về cùng Cha của chúng ta như người con hoang đàng (Lc 15,11-32). Muốn thay đổi, cần mời Chúa ngự vào ‘tâm hồn’ chúng ta và quyết tâm từ bỏ những việc làm không tốt như Lê-vi (Lc 5,27-32).
Lạy Chúa, chúng con là kẻ tội lỗi, chúng con yếu đuối, nhất là việc hoán cải tâm hồn chúng con. Xin cho tâm hồn chúng con cũng được ‘phục sinh’ với Chúa để chúng con sống và làm theo lời Chúa dạy, hầu mang niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người, nhất là trong tuần Bát nhật phục sinh này.
Lm. Phêrô Thanh Hà

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG TƯ
Thiên Chúa Của Những Kẻ Sống
“Đây là ngày Chúa đã làm ra” (Tv 118,24). Ngày này luôn luôn xác nhận với chúng ta một sự thật đặc biệt rằng: Thiên Chúa không chịu thua trước sự chết của con người.
Đức Kitô đã đến thế gian để bày tỏ cho chúng ta sự thật quan trọng này, một sự thật mở ra cho thấy tình yêu của Chúa Cha. Đức Kitô đã chết trên Thập Giá và đã được mai táng trong ngôi mộ đá để làm chứng cho sự thật đầy khích lệ rằng: Thiên Chúa không chịu thua trước sự chết của con người.
Thực vậy, “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống” (Mt 22,32). Nơi Đức Kitô, sự chết đã bị thách đố. Đức Kitô đã vượt thắng sự chết bằng chính cái chết của Người.
Đây là ngày Chúa đã lập ra. Đây là ngày hiển thắng của Thiên Chúa – hiển thắng trên tội lỗi và sự chết của con người. Con người đành chịu thua số phận của mình ư? Con người đành khuất phục trước sự chết ư?
Hay con người sẵn lòng dự phần trong cuộc hiển thắng này?
Con người đành thua sự chết khi họ chỉ hướng đến những gì thuộc hạ giới. Vì không có mầm bất tử nơi hạ giới này.
Vâng, đáng buồn biết bao, người ta vẫn chứng tỏ mình đành thua sự chết. Người ta không chỉ chấp nhận chết mà còn bức tử kẻ khác nữa. Người ta thường bức tử những kẻ không hiểu biết, những kẻ ngây thơ, thậm chí những đồng loại chưa được sinh ra của mình.
Người ta không chỉ đành thua sự chết. Người ta còn đặt cuộc hiện sinh của mình trong chính cấu trúc của sự chết. Đây há không phải là cách mà chúng ta áp đặt cái chết cho đồng loại chúng ta đó sao: bạo lực, tranh giành quyền lực một cách khát máu, thu tóm của cải một cách ích kỷ, đấu tranh chống lại sự cùng khổ bằng cách nuôi dưỡng lòng đố kỵ và quyết liệt báo thù, đe dọa và lăng nhục, tra tấn và khủng bố? Có điều, dù đành chịu thua sự chết, con người vẫn khiếp sợ nó.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 21-4
THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Cv 2, 14.22-33; Mt 28, 8-15.
LỜI SUY NIỆM“Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn.”
Các Thượng tế và các Kỳ mục  người Do-Thái, sau khi nghe các lính canh mồ Chúa Giêsu loan báo Chúa đã “Sống Lại”. Họ đã mua chuộc linh canh với một số tiền lớn, và hứa bảo đảm an toàn trước chính quyền Rôma, để chối bỏ một sự thật, mà còn vu cáo, bôi nhọ một cách láo lường với luận điệu khó tin. “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác!” và phi lý “Canh giữ mà ngủ”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con được ơn cam đảm đứng về phía sự thật.làm chứng cho sự thật với một trách nhiệm cao. Xin đừng để chúng con bị tiền tài, địa vị và việc làm mua chuộc mà làm chứng dối, phản nghịch đức tin; phản lại anh em.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 21-04
Thánh ANSELMÔ
Gíam mục, Tiến Sĩ  (1033 - 1109)

Thánh Anselmô chào đời năm 1033 tại Aosta, trong một gia đình quí phái. Mẹ Ngài, một người rất đạo đức lãnh trách nhiệm huấn luyện Ngài theo đàng nhân đức. Từ nhỏ, Ngài đã được theo học những bậc thầy danh tiếng. Bởi thế, Ngài đã mau mắn tiến triển cả về học vấn lẫn đức hạnh. Vào tuổi 15, thánh nhân đã biết chán ghét danh vọng giả trá thế trần và quyết theo đuổi đời sống tu trì, nhưng cha Ngài chống lại ý muốn này, thánh nhân buồn rầu ngã bệnh. Nhiệt tình theo đuổi đời sống tu trì không kéo dài bao lâu, nhất là bà mẹ đạo đức qua đời.
Anselmô rơi vào tình trạng nguội lạnh, nhiệt tình tuổi trẻ bị lôi cuốn vào những hấp dẫn thế trần. Cho đến lúc này, Anselmô vẫn còn thần tượng của cha Ngài, nhưng Thiên Chúa đã tha phép cho tình âu yếm của ông biến thành cay cú, đòi hỏi và cứng cỏi, đến nỗi Anselmô đã phải bỏ nhà trốn đi. Ngài từ giã không phải khỏi nhà cha mẹ mà thôi, nhưng còn bỏ luôn quê hương xứ sở cho tới tận miền Bourgogne. Tại đây, Ngài lấy lại nhiệt tình ban đầu. Ba năm sau, Ngài đến thụ huấn với tu viện trưởng Lanfrane ở Bec.
Một ngày kia, Anselmô xét thấy mình đã khổ cực để nên thông thái nhiều hơn là để nên đạo đức. Ngài đến quì dưới chân thày và nói : - Con có ba đường để theo : hoặc là trở thành tu sĩ phải Bec, hoặc sống ẩn tu, hoặc ở giữa thế gian để phân phát cho người nghèo gia sản của cha con để lại.
Đức Tổng giám mục giáo phận Rouen khuyên Ngài theo đuổi đời sống tu trì. Thế là Anselmôgia nhập tu viện Bec. Lúc ấy Ngài được 27 tuổi, Ngài đã dồn nỗ lực để nghiên cứu thần học và đời sống khiêm tốn vâng phục. Năm 1072, Đức Đan viện phụ Lanfrane được đặt làm tổng giám mục Canterbury. Anselmô được cử lên thay thế làm tu viện trưởng rồi làm Đan viện phu.
Sự đơn sơ và nhân hậu của Ngài đã đánh tan mọi ghen tương nghi kỵ. Hơn nữa sự thánh thiện và trí thông minh của thánh nhân đã khiến cho Ngài trở thành danh tiếng không những đối với các vị vua Chúa và các đức giám mục mà cả với thánh giáo hoàng Grêgôriô nữa. Tu viện Đức Bà ở Bec trở thành nơi trung tâm của phong trào trí thức thế kỷ XI năm 1087. Vua Willian I nước Anh từ trần. William Rufus lên kế vị. Nhà độc tài này không muốn có những chủ chăn mới và sang đoạt được nhiều tài sản của Giáo hội, nên khi Đức tổng giám mục Lanfrane qua đời, tòa giám mục Canterbury bị trống ngôi, năm 1093 khi thánh Anselmô viếng thăm Anh quốc, Rufus trong cơn trọng bệnh đã xin thánh nhân lãnh nhiệm vụ cai quản giáo phận Canterbury. Thánh nhân đã từ chối, nhưng rồi cũng phải lãnh nhận vì sự nài nỉ của các giám mục và nhất là vì sự chỉ định của đức Giáo hoàng Urbanô II.
Nhưng rồi khi nhà vua bình phục, ông hối tiếc vì việc sám hối của mình. Khi bị Đức Anselmô buộc phải chấp nhận quyền của Đức Urbanô, ông đã gây áp lực để truất phế đức tổng giám mục. Đức Giáo hoàng không nhận những giáo dân có thế giá cho biết sẽ không tha thứ cho việc truất phế thánh nhân, nhưng rồi năm 1097, sau nhiều cuộc cãi vã liên tục và vô hiệu, thánh Anselmô tự ý xin đi lưu đày, Rufus ưng thuận.
Thánh Anselmô trở về Roma và được khen ngợi vì sự can đảm của Ngài sau khi tham dự cộng đồng Bari và Roma. Thánh nhân tìm về đời sống tu viện tại dãy núi Apennins. Nơi đây Ngài hoàn thành tác phẩm: tại sao Thiên Chúa làm người. Ngài tuân thủ từng chi tiết của lề luật như một tập sinh. Ngài nói : - Cuối cùng tôi gặp được chốn nghỉ ngơi.
Năm 1100, Rufus qua đời trong một cuộc đi săn. Henri em vua lên kế vị, nhà vua mới triệu vời vị tổng giám mục trở về giáo phận. Năm 1106 Ngài trở về điều khiển Giáo hội tại Anh quốc.
Trải qua biết bao thăng trầm thánh nhân vẫn giữ được tâm hồn bình lặng. Ngài không bỏ qua công cuộc tìm kiếm thần học. Bởi đó, Ngài đã thành chiến sĩ đầu tiên của Giáo hội sau những thế kỷ đen tối. Luận chứng của Ngài nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa nay vẫn còn được biết đến. Thần học của Ngài là một phần linh đạo đặt trên sự cảm thông với những đau khổ của Chúa Kitô.
Với tư cách Tổng giám mục Canterbury Ngài đã chấm dứt việc bôi nhọ các thánh quê mùa của nước Anh quốc và góp phần khơi dậy cảm tình những gì truyền thống nước Anh từ xưa để lại. Đây là việc làm có giá trị lâu bền vì sửa lại được tình cảm phân rẽ và cuộc chinh phục của William gây nên.
Năm 1109, thánh Anselmô qua đời. Một con người đã luôn biết tìm kiếm Chúa. "Tôi không tìm hiểu để tin nhưng tin để mà hiểu biết", cuối cùng Ngài đã tìm về được ánh sáng vĩnh cửu.
(daminhvn.net)


21 Tháng Tư
Món Quà Sinh Nhật
Một bác nông phu tên là Donningos sinh sống bên Brazil bằng nghề trồng bắp. Một buổi sáng nọ, trên con đường đi ra đồng làm việc, ông được đứa con trai mừng sinh nhật thứ 10 chạy theo căn dặn: "Ðừng quên mang về hai con chim nhỏ làm quà sinh nhật cho con cha nhé!". Người cha vốn rất vui tính và thương con nở nụ cười tươi, gật gù dưới chiếc nón rộng vành cho con yên dạ.
Sau một ngày lao động mệt nhọc trên cánh đồng, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, bác Donningos vội đi qua cánh rừng gần đấy gom một mớ củi. Ðang lúc bó củi, bỗng bác nhớ lại lời hứa mang đôi chim về làm quà sinh nhật thứ 10 cho con. Bác bỏ vội bó củi bên đường, tiến sâu vào rừng, trèo nhanh lên gành đá của một ngọn đồi, nơi chim thường làm tổ. Tìm được một tổ chim có tiếng chim con kêu, bác cẩn thận luồn tay vào, nhưng vừa đụng những chim con, bác vội rụt tay về, vì nghe đau nhói như bị kim đâm. Nhìn kỹ đó là vết thương hai lỗ có máu rỉ ra. Chưa định thần thì một con rắn đầu có hình chữ thập trườn ra ngoài, vươn đôi mắt ngê rợn chực tiếp tục tấn công. Ðó là con rắn nổi tiếng được dân địa phương gọi là "uturu des sétao". Nổi tiếng vì nọc nó vô phương cứu chữa.
Bác nông phu vội rút chiếc dao cán dài ra khỏi thắt lưng, nhắm đầu rắn chặt nhanh. May cho bác, nhát dao giết chết được con rắn, nhưng bàn tay bị rắn cắn bỗng vụt sưng lên. Không chần chừ, bác kê tay lên gốc cây và mạnh tay chặt luôn hai nhát, cắt lìa bàn tay. Buộc xong vết thương bằng chiếc áo và dùng răng phụ chiếc tay còn lại xiết chặt, bác dùng sức tàn chạy nhanh về nhà, nhưng vẫn không quên cầm hai chú chim làm qua sinh nhật cho con.
Bạn có tin câu chuyện có thực này không? Nếu bạn không tin thì làm sao bạn tin được một sự thật khác còn to lớn hơn: Thiên Chúa chúng ta, không những cho chúng ta bàn tay của người, nhưng đã trao ban cho chúng ta trọn Con Một yêu dấu của Người.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét