Trang

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

19-08-2014 : THỨ BA TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN

19/08/2014
Thứ Ba sau Chúa Nhật 20 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 28, 1-10
"Ngươi chỉ là người phàm, chớ không phải Thiên Chúa, mà lòng ngươi dám tự cho mình là Chúa".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Hỡi con người, hãy bảo vua Tirô rằng: Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: bởi vì ngươi tự kiêu mà rằng: "Ta là Thiên Chúa, ta ngồi trên toà Thiên Chúa giữa biển", vì ngươi chỉ là người phàm, chứ không phải là Chúa, mà lòng ngươi dám tự cho mình là Chúa! Phải rồi, ngươi khôn ngoan hơn Ðaniel! Không điều bí ẩn nào mà ngươi không biết: Nhờ tài trí và khôn ngoan mà ngươi nên hùng mạnh, và ngươi đã tích trữ vàng bạc trong kho tàng. Nhờ tài trí dồi dào trong việc buôn bán, ngươi đã gia tăng của cải, và tâm hồn ngươi tự cao tự đại về sự phú cường của ngươi.
Vì thế Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Bởi lòng ngươi dám tự cho mình là Chúa, thì đây Ta sẽ dẫn quân ngoại bang, là những kẻ hung bạo nhất trong các dân, đến giày xéo trên ngươi, họ sẽ tuốt gươm chống lại sự khôn ngoan tốt đẹp của ngươi, và làm ô danh ngươi. Họ sẽ giết và triệt hạ ngươi, ngươi sẽ chết như những kẻ chết chìm dưới lòng biển. Trước mặt những kẻ giết ngươi, nào ngươi còn dám nói: "Ta là Thiên Chúa" nữa sao? Vì ngươi là người chứ không phải là Chúa trong tay những kẻ hạ sát ngươi. Ngươi sẽ chết trong tay ngoại bang, như những kẻ không chịu cắt bì: vì Ta đã phán! Chúa là Thiên Chúa phán như vậy.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðnl 32, 26-27ab. 27cd-28a. 30. 35cd-36ab
Ðáp: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại (c. 39).
Xướng: 1) Ta đã phán: "Chúng đang ở đâu?" Ta sẽ làm cho người ta không còn nhớ đến chúng. Nhưng vì giận quân thù, Ta đã giãn ra, kẻo quân thù chúng sẽ nhạo cười. - Ðáp.
2) Chúng sẽ nói rằng: "Tay chúng ta cao cả, chẳng phải Chúa đã làm những sự này". Dân này chẳng có lo lắng, và không có khôn ngoan chút nào. - Ðáp.
3) Bởi đâu một người lại đuổi theo nghìn người, hai người lại đuổi theo một vạn? Vậy chẳng phải vì Chúa đã bán chúng, và Chúa đã chẳng bỏ mặc chúng sao? - Ðáp.
4) Ngày tiêu diệt đã gần, và thời hẹn chóng đến. Chúa sẽ xét xử dân Người, và xót thương kẻ làm tôi Chúa. - Ðáp.
  
Alleluia: Tv 118, 36a và 29b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 19, 23-30
"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời". Các môn đệ nghe vậy thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: "Vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được". Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: "Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?" Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên toà vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Giáo Hội Của Người Nghèo

"Giáo Hội của người nghèo", "Ưu tiên phục vụ người nghèo", đó là những khẩu hiệu đã trở thành thời trang trong Giáo Hội kể từ vài thập niên qua. Bất cứ ai có ý thức về công bằng xã hội hoặc đôi chút trăn trở về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, cũng đều thốt lên những khẩu hiệu ấy. Nhưng Giáo Hội có thực sự là Giáo Hội của đại đa số dân nghèo khổ chưa?
Sự hiện diện của người nghèo quả là một thách đố lớn cho Giáo Hội. Ngày nay, tiếng kêu than của họ luôn là một nhắc nhớ cho Giáo Hội về bản chất và sứ mệnh của mình trong thế giới. Cuộc trở lại của Hoàng đế Constantinople vào thế kỷ thứ 4 đã chấm dứt những cuộc bách hại đẫm máu và đã biến Tây Phương thành thế giới Kitô giáo, nhưng không chừng đã làm Giáo Hội quên đi bản chất đích thực của mình. Sự tương nhập giữa thế quyền và giáo quyền đã biến Giáo Hội thành một thế lực chính trị, và các vị lãnh đạo Giáo Hội thành những vua chúa trần gian. Nhiều người đã có lý để nói rằng nhờ những lay động của Karl Marx mà Giáo Hội đã lắng nghe được tiếng kêu than của người nghèo, đồng thời ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình trong thế giới ngày nay.
Ngay từ khi mới khai sinh, cộng đoàn Kitô tiên khởi đã ý thức được vấn đề ấy. Tin Mừng hôm nay là một phản ánh về những trăn trở của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cách riêng cộng đoàn Giêrusalem là cộng đoàn gồm toàn những người nghèo trong xã hội thời bấy giờ. Ðọc lại giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của Kitô hữu đối với tiền bạc của cải, cộng đoàn tiên khởi đặt lại vấn đề về sự hiện diện của người giầu trong Giáo Hội. Theo quan niệm quen thuộc của người Do thái, thì sự giầu sang phú quí là một chúc lành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đánh đổ quan niệm sai lầm ấy, khi nói rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó", và rằng sự nghèo khó là điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời.
Giáo Hội của người nghèo, điều đó có nghĩa là trước tiên tất cả những ai thuộc về Giáo Hội đều phải có tinh thần nghèo khó đích thực, họ phải sống phó thác và quảng đại chia sẻ cho nhau. Các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu được điều ấy: họ để chung của cải lại, chia sẻ với nhau và yêu thương đùm bọc nhau như trong cùng một gia đình. Giáo Hội của người nghèo, điều đó cũng có nghĩa là các tín hữu phải lấy sự phục vụ người nghèo làm ưu tiên hàng đầu. Bản sắc của người Kitô hữu do đó được xác nhận bằng chính tương quan với người nghèo.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách sống đạo của chúng ta. Thách đố của Giáo Hội hiện nay cũng chính là thách đố của mỗi người chúng ta. Nếu những người cùng khổ chưa phải là thao thức trăn trở của chúng ta, thì có lẽ chúng ta còn quá xa với Giáo Hội Chúa Kitô. Nếu cuộc sống chúng ta chưa phải là cuộc sống liên đới chia sẻ với người khốn khổ, thì có lẽ chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực.
Veritas Asia

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 20 TN2 
Bài đọc: Eze 28:1-10; Mt 19:23-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người giầu khó vào Nước Trời.

Nhiều người cho rằng con người không phải là thiên thần, phải ăn phải uống nên phải lệ thuộc vào của cải thế gian. Người khác cho rằng nghèo là như sống trong hỏa ngục, phải cố gắng trở nên giầu có để thóat khỏi cảnh nghèo. Ngược lại, Lời Chúa hôm nay dạy: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Thiên Đàng.” Phải chăng Thiên Đàng chỉ dành cho những người nghèo khó?
Các bài đọc hôm nay muốn nêu lên những lý do tại sao những người giầu lại khó vào Nước Trời? Trong bài đọc I, sự giầu có làm cho các thủ lãnh thành Tyre trở nên kiêu căng, phách lối: họ coi họ như thần thánh, họ nghĩ vì sự khôn ngoan biết lượng giá thời cuộc mà họ trở nên giàu có. Vì thế, ngôn sứ Ezekiel được Đức Chúa sai đến để tuyên sấm những gì sẽ xảy đến cho thành Tyre, họ sẽ bị một dân tộc hung dữ đến tàn phá và cai trị. Lúc đó, họ sẽ nhận ra ai là Người quan phòng vũ trụ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quả quyết: “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa.” Lý do vì họ quá ham mê của cải mà không còn chú ý đến những sự quan trọng hơn để đạt được Nước Trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Kiêu hãnh của thành phố thương mại Tyre.

1.1/ Sư giàu có nổi tiếng của thành phố Tyre: Tyre là một trong những thành phố cổ nhất nằm dọc bờ biển của Phoenicia. Thành phố nằm cách Sidon khỏang 40 km về phía Nam và khỏang 45 km của Arco về phía Bắc. Thuở xưa, nó là một hòn đảo ngoài khơi cách xa đất liền khoảng 600-750 m, nhưng từ thời đại đế Alexander của Hy-lạp (khỏang 332 BC), hòn đảo này được nối với đất liền bằng những mô đất càng ngày càng to ra qua nhiều thế kỷ; cho đến ngày nó trở thành vịnh (hải cảng) và là trung tâm thương mại trao đổi hàng hóa giữa Âu Châu và Á châu. Kinh Thánh đề cập nhiều lần đến thành phố này.
Sự giầu có làm thành phố Tyre ra mù quáng chỉ tin tưởng nơi mình. Vì thế có lời tuyên sấm của tiên tri Ezekiel hôm nay: “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Hỡi con người, hãy nói với thủ lãnh của Tyre: Chúa Thượng là Đức Chúa phán thế này: Vì ngươi đem lòng tự cao tự đại nên ngươi đã nói: "Ta là thần, ta ngự trên ngai các thần, giữa trùng dương." Ngươi chỉ là người, chứ không phải là thần mà lại dám cho mình ngang hàng với thần thánh. Này, ngươi khôn ngoan hơn Daniel! Không bí mật nào giấu được ngươi. Nhờ khôn ngoan hiểu biết, ngươi đã làm ra của cải và thu tích vàng bạc trong kho. Vì ngươi rất khôn ngoan và có tài buôn bán, nên của cải ngươi đã tăng lên và ngươi sinh lòng tự cao vì lắm của.”

1.2/ Giàu có ngăn cản con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa.
Giầu có làm Tyre không cần tin tưởng nơi Thiên Chúa. Họ quên đi chính Chúa đang điều khiển trái đất và các quyền lực của nó, và Ngài có quyền hạ xuống bùn đen những ai kiêu ngạo đưa mình lên. “Bởi vậy, Chúa Thượng là Đức Chúa phán thế này: Vì ngươi dám cho mình ngang hàng với thần thánh, nên, này Ta sẽ đưa những người ngoại bang hung dữ nhất trong các dân tộc đến đánh phá ngươi. Chúng sẽ tuốt gươm đối lại sự khôn ngoan tuyệt vời của ngươi, làm cho vẻ huy hoàng của ngươi ra ô trọc. Chúng sẽ xô ngươi xuống hố, và ngươi sẽ chết thê thảm giữa trùng dương. Trước mặt những kẻ sắp giết ngươi đó, liệu ngươi còn nói được: "Ta là thần" nữa chăng, đang khi ở trong tay những kẻ sắp đâm ngươi ngươi chỉ là người chứ không phải là thần thánh? Ngươi sẽ chết như những kẻ không cắt bì, bởi tay quân ngoại bang, vì Ta đây, Ta đã phán.”
2/ Phúc Âm: Giàu có cản trở làm cho con người khó vào Nước Trời.

Sau khi người thanh niên buồn rầu bỏ đi, bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." Chúng ta thử tìm hiểu lý do tại sao sự giầu có làm con người khó vào Nước Trời:

2.1/ Giàu có làm con người xa rời Thiên Chúa: Giống như ví dụ của thành Tyre trong Bài đọc I, giầu có làm cho con người quá tin tưởng nơi mình, là người mà cứ nghĩ mình là thần. Đối với những người có của, họ nghĩ: Có tiền mua tiên cũng được! Họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Không cần để ý có lỗi đức công bằng hay không, họ dùng tiền để mua chuộc lòng người và làm bất cứ những gì họ muốn.
Giầu có làm con người quên đi mục đích của cuộc đời: Đồng tiền liền khúc ruột. Của cải các con ở đâu, lòng trí các con ở đó. Một khi nghĩ mình đã quá sung sướng ở đời này, tại sao phải bận tâm suy nghĩ đến những chuyện sung sướng đời sau? Thay vì đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa phải bán mọi sự để mua lấy Nước Trời, họ bằng lòng với những cái gì họ đang có ở thế gian này. Cũng vì thế mà rất khó cho con người bỏ mọi sự để theo Chúa: một ví dụ cụ thể là ơn gọi tận hiến sa sút trầm trọng nơi các nước giầu: một khi đã trở nên giầu có, rất khó cho con người để bỏ nó.

2.2/ Nghèo khó giúp con người cậy trông nơi Thiên Chúa.
Một số người biện hộ nói rằng: Cần trở nên giầu có để có tiền giúp người nghèo. Nhưng họ quên đi diều này: lòng tham vô đáy, càng giầu càng tham, chưa chắc họ đã sẵn lòng để giúp người nghèo. Thực tế cho thấy người càng giầu bác ái càng ít. Hơn nữa, vì muốn làm giầu nhanh, họ dùng thời gian lẽ ra phải dành cho Chúa và cho gia đình để làm giầu.
Phần thưởng của những người đã bỏ mọi sự theo Chúa: Nếu con người chung phần đau khổ với Chúa, thì họ cũng sẽ chung phần vinh quang với Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
Các môn đệ là những người đã chọn đúng thứ tự ưu tiên mà chúng ta đã đề cập đến hôm qua: Họ đã đặt Thiên Chúa trước hết khi từ bỏ tất cả mọi sự để theo Ngài; và vì Thiên Chúa, họ rao giảng Nước Trời cho tha nhân và giúp đỡ mọi người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Giàu có làm lòng người trở nên kiêu hãnh tự tin nơi mình, không cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa; vì thế cản trở không cho họ vào Nước Trời.
- Có người biện hộ: Làm giàu để có tiền giúp người nghèo. Cho dẫu đúng đi nữa cũng không nên. Càng giàu càng tham; thay vì để thời giờ để tìm Nước Trời, họ tiếp tục tìm của cải thế gian.
- Thái độ bắt cá hai tay của nhiều người trong chúng ta: Vừa muốn làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền tài! Vừa muốn giầu có đời này, vừa muốn hưởng hạnh phúc mai sau. Chúa Giêsu đã từng lên án thái độ này. 
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 20
Mt 19,23-30

A. Hạt giống...
Cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với các môn đệ sau câu chuyện người thanh niên nhà giàu :
- Chúa Giêsu tuyên bố : “Người giàu thật khó mà vào Nước Trời”
- Các môn đệ quá bỡ ngỡ nên than : “Vậy thì ai mà có thể được cứu độ !”
- Chúa Giêsu an ủi : “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”
Sau đó Chúa hứa phần thưởng cho các môn đệ đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài : họ sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nên chú ý : người thanh niên nhà giàu cũng muốn được sự sống đời đời, nhưng vì anh không chịu từ bỏ nên Chúa không hứa gì với anh. Bây giờ các môn đệ đã từ bỏ mọi sự nên Chúa hứa ban cho họ sự sống đời đời ấy.

B.... nẩy mầm.
1. “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời” : của cải vật chất tuy rất hữu ích cho sự sống đời này, nhưng hoàn toàn vô ích cho sự sống đời đời, có thể còn là một cản trở rất lớn.
2. “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được” : hãy trình bày với Chúa điều gì hiện tôi không thể làm được, và xin Chúa giúp ta làm điều đó.
3. Người kia mua của người láng giềng một mảnh đất. Khi đào đất để đổ nền nhà, người đó tìm được một hũ vàng. Vốn là người lương thiện và thành thật, anh mang ngay hũ vàng qua nhà người láng giếng và nói : “Đây là hũ vàng tôi tìm thấy trong mãnh đất ông đã bán cho tôi. Tôi mua đất chứ không mua hũ vàng. Vậy tôi xin trả lại hũ vàng cho ông”. Người láng giềng cũng lương thiện không kém. Ông không nhận hũ vàng và giải thích như sau : “Khi bán miếng đất cho anh, tôi đã có ý định bán tất cả những gì chứa đựng trong đó. Vậy hũ vàng là của anh”. Hai bên cứ nhường nhau mãi cho đến tối mà chưa ai chịu nhận hũ vàng. Rốt cuộc cả hai đồng ý tạm ngưng tranh luận, hẹn hôm sau bàn tiếp.
Nhưng qua một đêm trằn trọc suy nghĩ, họ đã bị con quỷ tham lam nhập vào lúc nào không hay. Sáng hôm sau hai người gặp lại. Người mua đất liền nói : “Tôi đã suy nghĩ kỹ lại thì thấy lời ông nói hôm qua quả là chí lý : tôi đã mua đất của ông, tất nhiên mọi sự có trong mảnh đất ấy đều thuộc về tôi”. Người láng giếng cãi : “Không phải thế. Hôm nay tôi đã xét kỹ thì thấy lời anh nói hôm qua rất xác đáng : anh không thể nào mua một món đồ mà chính anh không có ý mua. Anh chỉ mua đất chứ không mua vàng. Anh hãy trả lại hũ vàng cho tôi.”
Hai người cãi nhau dữ dội. Từ đó họ không còn là láng giềng tốt của nhau mà trở thành thù địch.
4. “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Mt 19,29)
Abraham, tổ phụ chúng ta, đã vâng lời Thiên Chúa. Ông đã đem Isaac - con trai độc nhất của mình - mà tế lễ cho Ngài. Còn gì đau khổ bằng chính người cha phải đem giết con trai mình vì bất cứ lý do gì. Thế nhưng, Abraham đã làm được điều đó. Ông đã hy sinh cái quý giá nhất của mình cho Chúa. Thiên Chúa đã thấu hiểu lòng trung thành của ông và Ngài đã ban cho ông không những một người con mà có cả một dòng dõi đông đúc.
 Để tỏ lòng trung thành với Chúa, Abraham tổ phụ đã dâng Isaac ; còn chúng con, chúng con đã hy sinh được gì ? Xin Chúa giúp sức cho chúng con để chúng con biết trung thành với Chúa, và sống hy sinh vì Chúa. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

19/08/14 THỨ BA TUẦN 20 TN
Th. Gio-an Ơ-đơ, linh mục
Mt 19,23-30

Suy niệm: Con lạc đà chui qua lỗ kim, ai mà chẳng biết đó là chuyện bất khả, thế mà còn dễ hơn người giàu có vào được Nước Trời! Nghe Thầy Giê-su nói như thế, dù đó chỉ là một lối ngoa ngữ, nhưng các môn đệ không thể không thắc mắc: Thế thì ai có thể được cứu? Học trò “lớp trưởng” Phê-rô còn nêu ý kiến xem ra lạc đề nhưng thực ra cũng là phản ứng thông thường tự nhiên: Vào Nước Trời mà khó đến thế, thì chúng con đây bỏ mọi sự mà theo Thầy, liệu có nên cơm cháo gì hay chỉ là xôi hỏng bỏng không? Trước hai vấn nạn chính đáng như thế, Thầy Giê-su đã khẳng định mạnh mẽ: 1/ Ai cũng có thể được cứu vì với Thiên Chúa mọi sự đều là có thể; 2/ Ai dám liều bỏ mọi sự mà theo Ngài sẽ được cho lại gấp bội phần.
Mời Bạn: Xin bạn đừng lo lắng, e ngại khi bạn dấn thân cho Nước Chúa, vì Chúa đã nói chắc như đinh đóng cột rằng phần thưởng của bạn sẽ là gấp bội. Mời bạn “xắn tay áo lên”, cùng chung tay tham gia vào công cuộc xây dựng Nước Trời, vì thế giới đang cần đôi bàn tay yêu thương của bạn.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi bạn thấy hoang mang nản lòng, mời bạn ngồi xuống, đọc lại Lời Chúa trên đây để gặp được linh dược giúp lên “dây cót”, tăng lực và bồi bổ tinh thần của chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa một thế giới người ta chỉ muốn sống cho mình, luôn luôn nghĩ mình sẽ được lợi gì thì xin cho con tập sống theo tinh thần Chúa mời gọi: sống quảng đại, không mong đáp đền và phần thưởng của con đã được dành sẵn trên quê Trời. Amen.

Lạc đà qua lỗ kim
Chúng ta có thể bỏ mất nhiều điều mà thiên hạ coi là giá trị... Chỉ mong được tấm lòng luôn an vui, hạnh phúc, vì biết mình được Đức Kitô và ở lại trong Ngài. 

Suy nim:
Người thanh niên giàu có đã bỏ đi
khi Thầy Giêsu mời anh bán tài sản và cho người nghèo.
Của cải đã trói buộc anh, dù anh là người có thiện chí.
Anh tìm sự sống đời sau, nhưng lại bị vướng bởi vật chất đời này.
Người giàu có thật khó vào Nước Trời” (c. 23).
Câu nói này của Thầy Giêsu khiến các môn đệ rất đỗi ngạc nhiên (c. 25),
vì vào thời đó, giàu sang thường được coi là dấu hiệu Chúa chúc lành.
Thầy Giêsu dùng một hình ảnh ngoa dụ, cường điệu,
để diễn tả việc người giàu khó vào Nước Trời,
khó hơn con lạc đà rất to chui qua lỗ kim rất nhỏ.
Dĩ nhiên lạc đà thì chẳng thể nào chui qua lỗ kim được,
nhưng người giàu thì vẫn có thể được vào Nước Trời, dù rất khó khăn,
“vì đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (c. 26).
Đã có những người giàu tốt bụng đi theo Thầy Giêsu.
Họ là Giuse Arimathia, Nicôđêmô, Dakêu, là các phụ nữ.
Giuse và Nicôđêmô đã lo mộ phần và việc tẩm liệm Thầy Giêsu.
Dakêu đã tự nguyện chia nửa phần tài sản mình cho người nghèo khó.
Các phụ nữ theo Thầy từ Galilê đã giúp đỡ vật chất cho Thầy (Lc 8, 3).
Có vẻ họ được tự do với của cải trần thế.
Của cải không ngăn cản họ trở thành người môn đệ Thầy Giêsu.
Nhưng cũng phải nhìn nhận của cải vật chất có sức mạnh của nó.
Như người ta hay nói: có tiền mua tiên cũng được.
Tiền bạc của cải có vẻ đem lại chỗ dựa vững chắc cho chủ nhân,
chính vì thế người ta thích thu tích của cải một cách vô độ (Lc 12, 21).
Của cải làm chúng ta phải bận tâm:
“Kho tàng anh em ở đâu, trái tim anh em ở đó” (Mt 6, 21),
kho tàng dưới đất sẽ giữ tim ta dưới đất.
Ham mê của cải có thể bóp nghẹt hạt giống lời Chúa trong tim ta (Mt 13, 22).
Nó làm chúng ta dễ trở nên nô lệ:
“Anh em không thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia…
Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6, 24).
Như thế nó có khả năng đẩy Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu.
Quả thực của cải dễ làm ta khép lòng lại trước Thiên Chúa và tha nhân,
và làm cái tôi của ta trở nên cứng cỏi, tự mãn.
Khác với anh thanh niên giàu có, nhóm Mười Hai đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.
“Vậy chúng con sẽ được gì?”, họ đã hỏi Thầy Giêsu như vậy.
Thầy hứa sẽ cho họ được cùng Thầy xét xử Israel trong ngày tận thế.
Hơn nữa, Thầy còn hứa bất cứ ai chịu mất mát về gia đình, cơ nghiệp,
đều được đền bù gấp trăm, và nhất là được sự sống đời đời (c. 29).
Hôm nay chúng ta cũng hỏi Ngài như vậy, về cái được, cái mất.
Chúng ta có thể bỏ mất nhiều điều mà thiên hạ coi là giá trị,
như một đời sống tiện nghi, một chỗ làm ổn định, hay một chút tiếng tăm.
Chỉ mong được tấm lòng luôn an vui, hạnh phúc,
vì biết mình được Đức Kitô và ở lại trong Ngài (Pl 3, 8-9).
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm
Người thanh niên trong câu chuyện Tin Mừng hôm qua không thể đáp ứng điều kiện của Chúa:“Đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trơi. Rồi hãy đến theo tôi”, vì lý do hết sức rõ ràng: “Vì anh ta có nhiều của cải”. Như vậy anh ta sẵn sàng từ bỏ việc nên hoàn thiện để giữ lại của cải vật chất của mình. Hay nói cách khác, của cải vật chất đã cản trở anh trở nên hoàn thiện.
Chúa Giêsu thở dài tiếc nuối cho anh ta và đưa ra một kết luận mặc dù không phải là tất cả, nhưng đa phần đều đúng: “Người giàu có khó vào Nước Trời”. Như vậy khó khăn ở chỗ nếu không cảnh tỉnh thì sự giàu có ảnh hưởng trên con người, làm cho con người có những cái nhìn lệch lạc.
Trước hết, họ nghĩ mình sẽ làm được tất cả mọi chuyện từ tài sản của mình. Sách Khải Huyền kể câu chuyện thành Laođikia là một thành phố giàu có bị ảnh hưởng bị cơn động đất vào năm 60. Chính quyền Rôma có ý định hỗ trợ thành phố để tái thiết, nhưng chính quyền Laođikia đã nói: “Ta giàu, ta giàu có rồi, không cần chi nữa” (Kh 3,17). Nguy hiểm nhất của những người tự hào về tài sản của mình, là họ nghĩ rằng tiền bạc có thể mua cả hạnh phúc, vì vậy họ không cần đến Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không làm cho họ tự do, thoải mái; trong khi tiền bạc cho họ mọi sự.
Nguy hiểm thứ hai mà Chúa Giêsu đã có lần nhắc đến: “Của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó”. Nếu của cải của con người ở thế gian này, thì lòng anh ta không thể hướng đến quê trời. Nếu anh ta quá lo lắng để tìm kiếm của cải, thì anh ta chẳng có thời giờ tìm kiếm Nước Thiên Chúa.
Nguy hiểm thứ ba là sự giàu sang dễ khiến người ta có khuynh hướng sống cho bản thân mình. Người ta cứ sợ mình mất nên cố giữ, cố tìm thêm.
Tuy nhiên không phải tất cả những người giàu đều không thể vào Nước Thiên Đàng. Bằng chứng là có một Giakêu đã dám bỏ một nửa gia tài cho người nghèo để được làm môn đệ Chúa; hay những phụ nữ giàu có đã dùng của cải mình để phục vụ công cuộc truyền giáo của Chúa Giêsu. Ngay trong cuộc sống chúng ta vẫn còn rất nhiều những người quảng đại, hy sinh, không để đồng tiền làm chủ, nhưng biết sử dụng đồng tiên để mưu cầu hạnh phúc cho người khác, nhưng trước tiên là mưu cầu hạnh phúc cho chính họ.
Lạy Chúa, không ít thì nhiều con vẫn thường tự hào với một thứ tài sản nào đó. Xin Chúa cho con hiểu rằng, không có gì là của con mà không bởi Chúa, để con biết sử dụng đúng đắn những tài sản Chúa trao, nhất là để con biết san sẻ những gì con có cho mọi người xung quanh, vì của cải đích thực chỉ có được khi biết cho đi.

Lm. Thiện Duy

Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19-8
Thánh Gioan Êuđê, linh mục
Ed 28, 1-10; Mt 19, 23-30.

LỜI SUY NIỆM: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được”.
Trước những nguy cơ của sự giàu có, trước những sự dữ, trước những tệ nạn xã hội, những bất công trong xã hội... người Kitô hữu chúng ta nhiều khi chỉ biết than trách, chúng ta quên cầu nguyện cùng Chúa, chúng ta quên cọng tác với Chúa bằng chính cuộc sống của mình, chúng ta thiếu niềm tin... Chúng cần phải tin Chúa đang nghe kêu cứu, đang nhìn thấy rõ, Chúa đang muốn cứu, Chúa đang muốn tái tạo.
Lạy Chúa Giêsu. Trước một xã hội bất toàn của loài người không thể đem lại hạnh phúc cho con người. Xin ban cho mọi người trong gia đình chúng con luôn hiệp ý nhau trong cầu nguyện,  tin và cọng tác với Chúa bằng đời sống của mình, để Nước Chúa được hiển trị để loài người được sống trong hạnh phúc.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 19-08
Thánh GIOAN EUDÊ
Linh Mục (1601 - 1680)

Thánh Gioan Euđê là một trong số những người chấn hưng tôn giáo tại Pháp thời vua Luy XVI. Isaac Euđê, cha Ngài là nhà nông kiêm nghề giải phẫu tại thành Ri gần Argentan, đã có ý định trở thành linh mục, nhưng rồi lại bỏ ý định để lập gia đình. Mẹ Ngài là bà Mattha Corbin tưởng sẽ phải son sẻ. Nhưng rồi sau nhờ cầu nguyện, họ sinh được Gioan với bốn em gái và hai em trai nữa.
Gioan có tính nóng nảy, nhưng hiến mình cho Đức Trinh Nữ Maria, Ngài quyết sửa mình bằng cách ngày càng mến Mẹ hơn. Hồi 9 tuổi, có lần Ngài bị một thằng bạn vả mặt, nhớ lời Chúa Ngài đưa má kia ra: còn má này nữa, nếu muốn anh cứ vả tiếp đi. Thằng bạn ngượng ngùng và sau này đã kể lại sự kiện đó với niềm thán phục sâu xa.
15 tuổi Gioan theo học các cha dòng Tên tại Caen. Từ trong huyết quản Gioan đoan hứa dâng mình cho mẹ Thiên Chúa. Nhưng khi trở về nhà, cha mẹ nói với Ngài về việc hôn nhân. Ngài bày tỏ ước vọng với cha mẹ và phải khó khăn lắm mới được cha mẹ ưng thuận. Ngài nhập dòng giảng thuyết và năm 1625 thụ phong linh mục.
Sau ngày thụ phong, Gioan phục vụ giáo xứ ở Aubervilliers. Hai năm sau, một cơn dịch xảy tới tàn phá giáo phận Sees. Các bệnh nhân bị những người khác bỏ mặc và trốn chạy. Gioan chỉ muốn bay tới để giúp đỡ họ. Trong suốt hai tháng trời, Ngài hết mình phục vụ. Khi cơn dịch hạ giảm, Ngài thực hiện sứ vụ tại Caen. Nhưng cơn dịch chưa dứt mà chỉ dời chỗ. Lần này cơn dịch tràn tới Caen. Gioan lại tận tâm quên mình phục vụ. Không có gì làm cho Ngài sợ hãi cả. Nhưng dân chúng lại sợ Ngài truyền bệnh. Bởi đó Ngài bị giam mình trong một cái thùng để ở ngoài đồng ruộng, khiến lúc đó cánh đồng được gọi là "cánh đồng của thánh nhân". Các nữ tu thương hại Ngài ngày ngày mang của ăn đến cho Ngài. Ngài trở về dòng hiến mình phục vụ hai tu sĩ và bề trên sắp chết vì bệnh dịch. Cuối cùng, cơn dịch tan biến, nhưng Gioan lên cơn sốt, dân chúng khẩn cầu tha thiết cho Ngài được chữa lành và niềm vui thật lớn lao khi người "Samaritanô nhân hậu" tái xuất hiện.
Bây giờ bắt đầu công trình rao giảng và truyền giáo của Ngài. Ngài chống lại lạc thuyết Calvinô, những kinh hoàng của cuộc nội chiến, sự dốt nát của hàng giáo sĩ, những tật xấu của các tín hữu. Chúng ta có thể đo lường hoạt động của một vị thánh như thế nào: 15 ngàn người chen lấn nghe thánh nhân giảng, các tội nhân sám hối và để được xưng tội, họ phải chờ 4 hay 5 ngày mới đến lượt. Trong khi để tiết kiệm thì giờ của họ. Ngài chỉ dùng vài miếng bánh để dưỡng sức. Các thói tục ngoại giáo biến dạng. Ở Autun, cuộc rước Trinh nữ thay thế cho những gương mù ngày Mi-Careme (thứ 5 tuần III mùa chay). Ở Meaux dân chúng mang các sách đồi trụy đến công trường để đốt bỏ.
Cha Gioan Euđê đã giảng thuyết khắp vùng Normandie Bretagne, tới tận Saint Etienne. Tại Paris, cha sở thánh thiện của Saint - Sulpice, M.Olier, đã tổ chức cho Ngài 5 kỳ giảng thuyết. Ngài danh tiếng đến nỗi có 10 giám mục hiện diện. Ở Saint Germain-Laye, vua và hoàng hậu đến ngồi vào ghế thính giả. Cha Gioan Euđê thuyết giảng lần cuối cùng tại Sain-Lô.
Suốt 40 năm, cha Gioan đi rao giảng đó đây. Nhưng việc rao giảng chỉ là một phần hoạt động của Ngài. Nhận thấy hàng giáo sĩ không được đào tạo đầy đủ, Ngài từ giã dòng giảng thuyết năm 1643, để lập hội dòng Chúa Giêsu và Đức Maria lo việc tổ chức các chủng viện. Theo lời đề nghị của Đức Hồng Y Richelieu, Ngài lập đại chủng viện ở Caen rồi sau này ở Lisieux, Rouen, Eureux và Renner. Đàng khác Ngài rất thương cảm các thiếu nữ bất hạnh hoàn lương, năm 641 Ngài đã lập dòng Chúa chiên lành để săn sóc họ.
Giữa bao nhiêu công chuyện, ước mơ lớn nhất của thánh Gioan Eusê là phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm, Ngài là người khởi xướng, viết sách và các thánh thi ca tụng Thánh Tâm. Đây là nỗ lực chống lại chủ trương sai lầm của thuyết Giansêniô.
Ngày 19 tháng năm 1680, thánh Gioan Euđê từ trần, Ngài được phong chân phước năm 1925 được tôn phong hiển thánh.

Ngày 19-08
Thánh RÔMUALĐÔ
Tu Viện Trưởng (956 - 1027)

Thánh Rômualdô sinh tại Ravenna năm 956, trong một gia đình danh giá nước Ý. Bá tước Sergiô, cha Ngài đã phụng dưỡng Ngài trong một nếp sống xa hoa. Rômualdô đã chỉ tìm vui chơi mà không nghĩ gì tới bổn phận phải nên thánh. Dầu vậy đôi lần đi săn thú, Ngài thấy mình đơn độc giữa rừng vắng và phải suy nghĩ... Ngài đặt mình vào một ngày nào đó phải chết và bỗng thấy lo âu. Ngài cũng thấy rằng các ẩn sĩ chọn đời sống cô tịch, hãm mình để hiến thân phụng sự Chúa thật là đúng đắn. Những giấc mơ như vậy thanh luyện hồn Ngài và cảm kích bởi ơn thánh Ngài tự hứa với mình là sẽ cải thiện đời sống nhưng rồi trở lại với những thú vui ngày thường Ngài lại lùi bước trước nỗ lực và lao mình theo các thị hiếu.
Một biến cố đau thương đã thành phương tiện Thiên Chúa dùng để gỡ Rômualđô khỏi những ràng buộc với thế gian. Sergiô cha Ngài gây lộn với một người bà con về việc sở hữu một cánh đồng đã thách đấu kiếm, ông còn bắt con mình dự vào cuộc đấu. Sergiô giết chết đối thủ, coi mình là đồng lõa với tội phạm này và thấy phải đền trả. Rômuadô đã vào tu viện để thống hối suốt 40 ngày. Bị đánh động bởi thực tế trái ngược hẳn với lối sống phân tán của thế gian, Ngài chỉ còn nghĩ tới việc bắt chước những khắc khổ mà Ngài được chứng kiến.
Bá tước Sergiô cảm kích vì mẫu gương của con mình đã vào dòng. Khi bị cám dỗ trở về đường xưa, ông lại dẫn con mình kịp thời can thiệp và tiếp tục trung thành với đời sống đền bồi cầu nguyện.
Sau 7 năm sống trong dòng, Rômuado dấn mình vào sa mạc, sống gần vị ẩn sĩ già là Marinô. Đây là bậc thầy nghiêm ngặt mà Ngài đã chọn, Marinô thường lấy roi đánh trên đầu môn đệ của mình để xua đuổi sự chia trí lo ra hay để phạt một lầm lỗi khi đọc thánh vịnh, hay hơn nữa để giúp họ quen chịu khổ. Ông lại hay đánh có một phía. Rômuado không hề phàn nàn kêu trách.
Một ngày kia Ngài nói với thầy: - Thưa thày, từ nay xin thầy đánh về phía mặt vì tai trái con hầu như điếc rồi.
Rômuado thầm cảm phục và kính trọng môn đệ mình.
Rômuado nuôi chí hứơng canh tân dòng Bênêdictô đang thời sa sút, Ngài thiết lập một tu viện. Ngài làm cho các môn đệ nhiệt tình nên hoàn hảo trong việc hãm mình, khi phải chống lại sự dữ và phạt tội lỗi, thánh nhân đã tỏ ra cương nghị, chẳng hạn khi vua Othen III đến tu viện để đền bù tội lường gạt và sát hại một thủ lãnh loạn luân, ông được truyền dạy phải đi chân không tới nhà thờ thánh Micae và suốt mùa chay, phải ở trong đồng mà ăn chay, ngủ trên rơm cỏ.
Rômuado chống gậy rảo khắp nước Ý sang cả Pháp và Đức. Ngài xây nhiều nhà thờ, thiết lập nhiều tu viện, và các trung tâm ẩn tu trong sa mạc. Ngày kia, Ngài tìm được một nơi thanh vắng trong dãy Apennins. Ngài mơ thấy một cái thang bắc lên trời, có các tu sĩ lên xuống. Vị lãnh chúa miền này cho Ngài cánh đồng Malđôli. Thánh nhân lập dòng Camaldules sống đời liên lỉ.
Vào tuổi 120, thánh Rômuado từ trần, ngày 19 tháng 6 năm 1076.
Sau 439 năm xác Ngài còn nguyên vẹn và được đặt trong nhà thờ của dòng ở Fabrianô.
(daminhvn.net)


19 Tháng Tám
Hãy Nhìn Lên Cao
Dạo cuối tháng 4/1990, ở cao độ 620 cây số trên biển Thái Bình Dương, cánh tay dài 12 thước của người máy từ phi thuyền con thoi Discover đã đưa ống thiên văn Hubble rời xa phi thuyền để đi vào quỹ đạo không gian, bắt đầu một cuộc hành trình quan sát vũ trụ được dự trù kéo dài trong suốt 15 năm, mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong ngành thiên văn học.
Do nhu cầu tìm hiểu vũ trụ, kính thiên văn đã được ra đời cách đây khoảng 380 năm. Nhờ kính thiên văn, các nhà thiên văn học mới có thể quan sát một cách chi tiết những thiên thể ở gần trái đất và từ đó đưa ra những định lý căn bản cho ngành thiên văn học. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là những máy điện toán, những kính thiên văn ngày càng được cải tiến về kỹ thuật cũng như kích thước để gia tăng khả năng quan sát. Hai kính thiên văn có đường kính lớn nhất hiện nay được đặt trên đỉnh núi Palomar và Caucasus. Nhưng dù được cải tiến cách mấy đi nữa, khoảng cách quan sát và mức độ phân giải của kính thiên văn đặt trên mặt đất vẫn còn bị giới hạn, vì ánh sáng từ các thiên thể trước khi đến mặt đất đã bị ngăn cản và tản xạ nhiều bởi lớp khí quyển bao quanh trái đất.
Ý tưởng về kính thiên văn đặt ngoài không gian đã được đề cập đến năm 1923, nhưng mãi đến năm 1981, ý tưởng này mới được thực hiện với một kinh phí khổng lồ là 1 tỷ rưỡi Mỹ kim. Kính thiên văn đặt ngoài không gian trái đất này mang tên khoa học gia Hoa Kỳ Edwin Hubble, một trong những tài năng lỗi lạc nhất trong ngành thiên văn học.
Sự ra đời của kính thiên văn Hubble có thể so sánh với sự ra đời của kính thiên văn đầu tiên của Galilêô vào năm 1609: đây là bước tiến quan trọng trong ngành thiên văn học, nó giúp con người tiến đến gần chân lý hơn trên con đường tìm hiểu vũ trụ.
Càng lên cao, con người mới nhìn xa thấy rộng. Càng ra khỏi mặt đất, càng lên cao trên không gian, nhãn giới của chúng ta càng mở rộng. Cũng giống như ống kính thiên văn Hubble, người Kitô hữu cũng được trang bị bằng cái nhìn từ trên cao. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta nhìn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta biết được đâu là nguồn gốc và cùng đích của chúng ta. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta có thể nhìn thấy dấu vết của một tình yêu luôn hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại và của từng người.
Khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc tử nạn của Ngài, Phêrô kéo Ngài lại và can gián Ngài. Chúa Giêsu đã quở trách ông: "Hãy lui ra đằng sau ta hỡi Satan. Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, bởi vì cái nhìn của ngươi không phải là cái nhìn của Thiên Chúa, mà là của loài người".
Lắm lúc chúng ta cũng khước từ cái nhìn trên cao của Thiên Chúa để chỉ nhìn vào cái biến cố bằng cái nhìn trần tục của chúng ta. Với cái nhìn trần tục, chúng ta chỉ thấy màu đen của thất bại, chết chóc, thất vọng, buồn thảm. Nhưng với cái nhìn của Chúa, sự yếu đuối sẽ trở thành sức mạnh, mất mát sẽ trở thành lợi lộc, khờ dại sẽ trở thành khôn ngoan. Trong cái nhìn của Chúa, chúng ta sẽ chỉ thấy ánh sáng, hy vọng, tin tưởng, lạc quan.
Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: "Hãy yêu thích những sự trên trời". Hãy mặc lấy cái nhìn từ trên cao. Hãy luôn sống và hành động bằng những tâm tình của chính Chúa Giêsu.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét