Trang

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Hoa Kỳ liệu có tận diệt được khủng bố Hồi Giáo IS?

Hoa Kỳ liệu có tận diệt được khủng bố Hồi Giáo IS?

Với những lời lẽ mạnh nhất, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã kêu gọi “một nỗ lực chung để loại bỏ cái ‘ung thư’ khủng bố thánh chiến ở Iraq và Syria” trong thông điệp gởi quốc dân Hoa Kỳ lúc 12:45 trưa thứ Tư 20 tháng 8. Ông hứa hẹn Hoa Kỳ sẽ làm hết mọi khả năng để đưa những kẻ khủng bố ra trước công lý. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao, John Kerry, cũng nói bọn khủng bố Hồi Giáo IS "phải bị tiêu diệt". Đó là phản ứng của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chặt đầu ký giả Công Giáo người Mỹ James Foley.

Trong bài “
U.S. Officials and Experts at Odds on Threat Posed by ISIS” đăng trên tờ New York Times số ra ngày thứ Sáu 22 tháng 8, hai ký giả Mark Mazetti và Helene Cooper than thở rằng:
“Đầu năm nay, Tổng thống Obama so sánh quân khủng bố trong cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria với một đội bóng rổ mới tập tễnh, một nhóm chẳng thể gây ra đe dọa nào như Osama bin Laden và al-Qaeda đã từng gây ra trước đây.

Thế mà, hôm thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel lại gọi IS là một ‘mối đe dọa sắp xảy ra cho tất cả lợi ích của chúng ta,’ còn thêm là ‘Bọn này vượt xa bất cứ thứ khủng bố nào chúng ta đã từng thấy.”"

Andrew Liepman, cựu Phó Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia còn cho biết thêm “Chúng có rất nhiều thuộc tính làm chúng ta đáng lo ngại: tiền bạc, con người, vũ khí và một vùng lãnh thổ rộng lớn".

Chưa hết, các chiến lược gia Hoa Kỳ còn làm cho dân chúng kinh hoàng hơn khi nói thẳng không úp mở rằng Obama và các quan chức Mỹ uất quá thì nói cho hả giận thế thôi; Hoa Kỳ thực sự không có khả năng tiêu diệt bọn khủng bố Hồi Giáo. 

Bọn khủng bố có lẽ cũng nghĩ như thế nên chúng tiếp tục khiêu khích thế giới và chọc quê Hoa Kỳ bằng cách công chiếu trên các mạng xã hội toàn cầu một cuốn video nữa trong đó hàng trăm người đàn ông Yazidi bị lùa vào một Hội Trường và bị buộc phải cải đạo tập thể sang đạo Hồi dưới họng súng của quân khủng bố.

Tạp chí Vox nghiên cứu về những diễn biến xảy ra trên thế giới trong bài “
Myth #7: The US can destroy ISIS” – Huyền thoại Hoa Kỳ có thể tiêu diệt bọn khủng bố Hồi Giáo IS đưa ra quan điểm như sau:

Máy bay Mỹ rất có hiệu quả trong việc không kích các mục tiêu của quân khủng bố Hồi Giáo IS ở ngoài trời: trên những con đường hay trong sa mạc, chẳng hạn. Đó là lý do những hỗ trợ không quân của Mỹ đã có thể chặn đứng được sự sụp đổ của thành phố Erbil và giúp cho lực lượng người Kurd Iraq chiếm lại được đập thủy điện Mosul trong những ngày vừa qua. 

Nhưng không quân Mỹ trở nên ít hiệu quả trong những cuộc chiến đô thị dày đặc, nơi mà những con số thương vong dân sự có thể lên đến mức không thể chấp nhận được. Để đối phó với một chiến dịch ném bom ngày càng leo thang của Mỹ, bọn khủng bố Hồi Giáo IS có thể ẩn náu trong những công sự kiên cố ở các thành phố và buộc quân đội Iraq và lực lượng người Kurd phải chấp nhận những trận chiến đẫm máu trên đường phố. Trong lịch sử, quân đội Iraq tỏ ra yếu kém trong những trận chiến như thế. Đầu năm 2014, quân Iraq đã cố gắng đánh bật bọn khủng bố ra khỏi Fallujah, một thành phố gần thủ đô Baghdad, nhưng không đẩy chúng ra được, trái lại giết chết rất nhiều người dân Hồi Giáo Sunni. 

Điều gì xảy ra nếu Mỹ cũng đẩy mạnh chiến dịch ném bom tại Syria, và vũ trang cho quân nổi dậy ôn hòa Syria? Một đánh giá khá toàn diện về phiến quân vũ trang do Marc Lynch thực hiện tại Đại học George Washington cho thấy cũng chẳng đi đâu cho dù Hoa Kỳ thực hiện điều này ngay từ ngày 15 tháng 3 năm 2011 khi bắt đầu cuộc nội chiến tại Syria. Những thành phần nổi dậy “ôn hòa” Syria quá phân hóa, và các chiến binh trong các nhóm này thường liên minh với bọn khủng bố Hồi Giáo IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác. 

Nếu Hoa Kỳ muốn can thiệp vào Syria chống lại IS ngày hôm nay đồng thời muốn tránh một cuộc xâm lược quy mô, Hoa Kỳ phải bằng cách nào đó dựa vào sự phối hợp của tổng thống Bashar al-Assad, hoặc quân nổi dậy “ôn hoà” Syria, là những người vô tổ chức và đã bị cả Assad lẫn bọn IS đánh tơi tả. Điều đó dường như không thể xảy ra. 

Đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy Hoa Kỳ sẽ tái xâm lược Iraq để tiêu diệt bọn khủng bố Hồi Giáo IS, nhưng dù điều đó có xảy ra vẫn không có gì đảm bảo rằng điều này sẽ thành công. Hoa Kỳ đã đánh bại al-Qaeda tại Iraq vào cuối những năm 2000, nhưng lúc ấy có rất nhiều sự giúp đỡ của Iraq. Chính quyền Bush khó lòng thành công nếu năm 2007 người dân Hồi Giáo Sunni không quay lưng lại với al-Qaeda. 

Doug Ollivant, Cố vấn An ninh Quốc gia cho Iraq từ 2005 đến 2009, nói: "Tôi có thể nói hơi khiêm tốn rằng hành động của 6 triệu người Iraq có thể quan trọng hơn 30,000 lính Mỹ và một vị tướng rất tài năng". Nếu không có những thay đổi trong quan điểm của người Hồi Giáo Sunni về bọn khủng bố Hồi Giáo IS và chính phủ Iraq, một sự hiện diện của Mỹ tại đất nước này chỉ chọc giận thêm người dân Hồi Giáo Sunni. 

Sự tăng trưởng vùn vụt của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, cuộc chiến đa chiều ở Syria và căng thẳng tôn giáo ở Iraq, không thể được giải quyết chỉ bằng bom Mỹ mà thôi. Mỹ có thể ngăn chặn tiến bộ của bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở một số nơi, như ở Iraq Kurdistan, chẳng hạn, nhưng tiêu diệt bọn khủng bố Hồi Giáo IS là chuyện vượt quá sức mạnh của Hoa Kỳ.

Trong bài tiếp theo: 
Myth #8: ISIS will self-destruct on its own – Huyền thoại bọn khủng bố Hồi Giáo IS sẽ tự đi đến chỗ diệt vong, tạp chí này nhận định rằng: 

Thỉnh thoảng bạn có thể nghe, đặc biệt là từ những người ủng hộ chính sách thận trọng của chính quyền Obama, rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS cuối cùng sẽ tự tiêu diệt chính nó. Quan điểm về luật Hồi giáo của bọn khủng bố IS là quá khắc nghiệt đến mức không người dân nào muốn sống với chúng trong thời gian dài. Thành ra, một cuộc nổi dậy của người Hồi Giáo Sunni chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS trước sau gì cũng xảy ra. Và IS sẽ đại bại: mong muốn mở rộng lãnh thổ mới vượt quá sức mạnh quân sự thực tế của nó sẽ khiến cho nó không tránh khỏi bị tiêu diệt khi một pha phản công xảy ra. 

Điều này là chắc chắn có thể. Nhưng bọn khủng bố Hồi Giáo IS chưa phải đương đầu với chiều hướng đó. Chúng vừa thông minh hơn và vừa mạnh mẽ hơn nhiều người tưởng. 

IS học được nhiều thứ từ sự thất bại của al-Qaeda tại Iraq, tiền thân của nó. Mặc dù IS vẫn khăng khăng áp đặt giải thích cực đoan của luật Hồi giáo trên những miền lãnh thổ nó chiếm được, nó cũng thiết lập các thể chế trông rất giống với một nhà nước tương lai. Chúng thiết lập các phòng khám bệnh để chăm sóc sức khỏe, những diễn đàn công cộng nơi chúng giao lưu với người lớn để giải thích về đường lối chính sách, tổ chức các hoạt động cho trẻ em, giữ trật tự trị an khu phố, và thu thuế.

Aaron Zelin của Viện Washington đã viết hồi tháng 9 năm 2013, là những điều này nhằm "đặt nền móng cho một nhà nước Hồi giáo trong tương lai bằng cách làm cho người dân Syria quen dần dần với các khái niệm." Theo Zelin, "ISIS đã chứng tỏ rằng chúng muốn tránh lặp lại những sai lầm mà tiền thân của nó đã mắc phải tại Iraq." Kể từ khi chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, hồi tháng Sáu, ISIS cũng hành động tương tự, mặc dù không hoàn toàn giống hệt nhau. 

ISIS cân bằng những khát vọng về ý thức hệ tàn bạo của nó với một chiến lược mị dân để tranh thủ sự hỗ trợ của người dân địa phương. Nó vẫn tàn ác như thường - chỉ là thông minh và biết che đậy hơn. 

Vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn khi ta xét đến sức mạnh quân sự của chúng. Việc kết nạp hàng loạt các cựu quan chức của Saddam, trong đó không thiếu những sĩ quan thuộc lực lượng Vệ Binh Cộng Hoà, cộng với nhiều năm chiến đấu ở Syria, đã làm cho chiến thuật của chúng sắc sảo hơn so với hầu hết các đối thủ trên chiến trường. Trong tháng Sáu, chúng lại tịch thu được một số lượng lớn các loại vũ khí tân tiến của Mỹ khi quân đội Iraq tháo chạy. Đồng thời hàng ngũ của chúng đã tăng lên trong bối cảnh của các chiến thắng dồn dập: một ước tính, từ Syrian Observatory for Human Rights của Anh nói rằng chỉ nội trong tháng 7 năm 2014, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyển dụng được thêm 6,000 chiến binh. Có thể đó chỉ là một ước tính gần đúng, nhưng nó chắc chắn phản ánh sự tăng trưởng thực sự bên trong của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. 

Điểm mấu chốt là bọn khủng bố Hồi Giáo IS chưa có chút dấu hiệu nào là đang tự sụp đổ. Để đánh bại bọn khủng bố này, Iraq và Syria cần phải làm một cái gì đó để tách bọn khủng bố khỏi những kẻ hỗ trợ chúng ở Iraq và Syria. Và bọn khủng bố Hồi Giáo IS cần phải bị đánh bại trên chiến trường, nếu người ta muốn ngăn chặn những động cơ gia nhập chúng được tạo ra bởi những hào quang bất khả chiến bại của chúng.


Đặng Tự Do8/24/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét